Trên đường tìm ngọc - Chương 5 & 6

Chương 05

Gió hây hẩy thổi và bầu trời dịu lại khi hai đứa lên đường. Con đường rộn rịp hẳn lên khi trời mát: xe hơi, xe đạp qua mặt chúng vun vút. Lạc đà, lừa, bò thì đi chậm hơn. Vài chú ngựa gầy chạy lóc cóc lóc cóc kéo theo những cỗ xe chĩu nặng hàng hoá. Hai anh em Lai lóc thóc bên lề đường đầy bụi. Mặt trời chiều chiếu sáng khắp cánh đồng lúa và hàng rào mía, những lạch nước lấp lánh như những giải bạc. 

Thỉnh thoảng là một ngôi làng với những nhà đất xám, chứa đầy con nít mắt đen. Chợt giật mình, hai đứa tách rời nhau và lầm lũi bước mau vì nỗi sợ hãi do cái loa chưa thôi ám ảnh. Phải, ai mà không thèm 100 rúpi với công việc dễ dàng, chỉ cho nhà chức trách hai đứa trẻ nghèo hèn ? Thật tối mịt, chúng mới dám đi gần nhau, chân Mai vẫn khập khiễng khó nhọc, nhưng Lai lờ đi làm như không thấy, nghĩ rằng không phải bận tâm làm chi vì nó sẽ khỏi. Song càng lúc, Mai càng khập khiễng hơn, đầu nó nghiêng về một bên, tuy vậy, con bé vẫn bước tới, không ta thán. Lai tự hỏi làm sao em nó có thể đến A-rát nếu cứ như thế này ? 

Một đôi lần, Lai ra dấu xin đi nhờ xe song vô ích, chả ai thèm đoái hoài đến chúng. Người ta đã quá quen với lũ trẻ nghèo hèn chực đi nhờ xe. Lai thu hết can đảm để xin một bác dắt lừa kia cho em nó ngồi lên con vật một lúc và lại bị từ chối. Tại xứ này có nhiều giai cấp, kẻ ở giai cấp cao được kính nể còn bọn ở giai cấp dưới bị khinh khi, mà chúng thuộc về giai cấp thấp hèn nên không ai thèm chú ý. Bác dắt lừa khinh khỉnh quay đi không thèm trả lời Lai. Thế là thôi, chúng biết rằng không ai hoài hơi bận lòng về chúng, chúng phải tự liệu lấy thân. 

Chúng lần dò bước tới, con em khập khiễng, khập khiễng… 

Đến một làng kia, Lai thấy có con lạc đà đứng riêng trong lúc các gia đình quây quần bên ngọn lửa. Bóng con vật in rõ lên nền trời tối đen, đầu quay về hướng A-rát, có vẻ sắp lên đường. Lưng con vật chất một bọc hành lý nặng và người chủ đang sửa soạn chất lên thêm. Lai hiểu rằng nếu không tìm được cách chở con bé thì đành phải ngừng cuộc hành trình trong đêm nay, chưa biết chừng nào còn phải dừng cho đến lúc chân nó thật lành, và không biết đến ngày nào… Thế là Lai lại tận dụng can đảm để van xin lần nữa.

Chủ con vật là một gã đàn ông gầy gò, không có gì đặc biệt. Ông ta liếc nhìn hai đứa, đôi lông mày rậm và dài đến nỗi chúng có thể lầm là hai hàm râu khi thoạt thấy. Giọng khàn khàn, ông hỏi : 

- Tụi bây đi xin ăn phải không ? 

- Thưa ông không, chúng cháu là người đi đường. 

Ông ta cúi nhìn Mai và kêu lên : 

- Chà, cháu có hai mắt xanh… 

Mai hoảng hốt lùi lại, tay sờ soạng tìm tay anh. Nó đã vô ý không nhìn xuống đất ! Cái mầu mắt quái ác này dám hại anh em nó lắm à! 

- Trước ta cũng có đứa cháu mắt xanh – người chủ con lạc đà nói – nhưng nó quá khôn ngoan nên đất ăn đi rồi. Sao đó cháu, cháu bị thương ở chân ư ? 

Hỏi mà không đợi câu trả lời ông ta nhấc bổng con bé đặt lên các bao vải, rồi bảo thêm : 

- Ngồi trên đó tốt đấy ! Cháu có thể ngủ một giấc. 

Câu chuyện xảy ra nhanh chóng bất ngờ khiến Lai lúng túng không tìm ra lời nói cảm ơn ông. Tức khắc họ lên đường. Mai ngồi trên lưng một con vật cao ngất nghểu, cao hơn tất cả xe đạp, xe hơi và bộ hành đang tiến cùng chiều. Chân nó được đỡ đau, nó mừng lắm. 

Tuy thế cỡ vài giờ sau, con bé bị chóng mặt vì nhịp lắc lư của bước chân lạc đà, nó khóc nho nhỏ. Ông chủ lạc đà khuyên nó nên nằm sấp lên mấy bao vải và nó tuân lời rồi chốc lát ngủ thiếp đi. 

Lai nắm chặt lấy mẩu dây đong đưa bên con vật. Chao ! Mọi sự đều tốt đẹp ngoài sự mong muốn của thằng bé. Không phải thấy em khập khiễng cạnh mình Lai cho là nó có thể đi đến tận cùng trái đất. 

Trời tối sập và mỗi lúc tiếng ếch nhái kêu oàng oạc to thêm ở hai vệ đường. Không có ánh sáng gì khác trừ ánh sáng của các đèn xe. Rồi càng về khuya xe cộ càng thưa. Sau rốt chỉ còn gặp vài con lừa hay vài xe bò với những hàng hóa nặng trĩu. Đôi lúc, một bóng đen băng qua đường, dừng lại đột ngột nhìn họ bằng hai mắt sáng quắc rồi biến vào bụi rậm; lúc ấy Cam gầm gừ trong cổ họng như sẵn sàng ứng phó rồi cọ cái mõm ướt vào chân Lai. Lai và ông chủ vẫn im lặng rảo bước bên con vật to lớn. Có khi, ông ta lầu bầu gì đó chắc để tỉnh ngủ. Hay là có cái gì làm ông ta phật ý, Lai không đoán nổi. Nó nào biết gì về ông ta cũng như con vật. Con lạc đà thừa dịp Lai đi sau, nó đá hậu vài cái song Lai không phiền hà vì em mình được yên ổn trên lưng nó. Ông chủ tuy giọng nói khàn đục nhưng tỏ ra tốt bụng trăm lần hơn so với những ông chủ xe sang cả khác. 

Đây là đêm đầu tiên Lai đi bộ trên đường, vậy mà ông ta chả hề có ý muốn dừng lại nghỉ chân; nó cố gắng giữ chặt sợi dây trong tay, bước tới. Lai ít khi bị vấp song trong đời nó, nó quả chưa hề mệt đến mức này. Lai như một kẻ mộng du, trong trạng thái nửa mê, nửa tỉnh. 

Cuối cùng, bình minh ló dạng trên cánh đồng đầy sương mù. Lai phờ phạc ngẩng lên nhìn các vì sao mờ mờ rồi tắt hẳn trong lúc bầu trời sáng dần. 

Họ dừng cạnh giếng, con vật quì xuống, còn Lai thì khuân giúp mấy kiện hàng. Ba người lo rửa mặt cầu kinh sáng. Ông chủ quì xuống, hướng mặt về hướng đông, nhắm mắt, hai tay chắp lại, đoạn họ quây quần trên bờ ruộng ăn uống, sưởi nắng. Mai lạnh và đói meo, Lai phải xoa lưng và hai cánh tay cho em. Ông chủ đưa cho Lai cái chăn len để đắp cho con bé còn ông thì nhóm lửa và dọn cho chúng trà nóng pha ít mật ong kèm lát bánh mì khô, lại có cả vải rừng. Ông quá rộng rãi : ngay đến con Cam cũng được ăn. Giọng dịu dàng ông bảo : 

- Ăn đi con ! Hai tay rụt rè làm sao thân hình nở nang cho được ? Có đủ cho tất cả, đủ hết, cứ ăn đi ! 

Bữa ăn linh đình này như tiếp sức cho mọi người. Lai chậm rãi uống trà, nhìn qua miệng tách, nó thấy đôi má hóp và bộ ngực lép của ông ta, thằng bé đoán rằng ông cũng chẳng dư dật chi. 

- Ông ơi ! Ông thích đi đi về về với con lạc đà ư ? 

- Ta rất ghét, con ạ ! Nhưng vì nạn đói ta đã cầm cố hết đất đai. Bây giờ ta phải cố gắng làm lụng ngày đêm để có tiền chuộc lại, hiểu không ? 

Ăn xong, ông xức thuốc lên chân cho Mai, dùng vải băng lại để mau lành, ông nói thế rồi hỏi chúng đi đến đâu với cái chân đau này. 

- Thưa, đến A-rát. 

- Tận A-rát hở ? Xa quá ! (ông nhíu mày tiếp ) Mà chỉ có hai đứa bằng hai con muỗi tép ! 

- Thưa, đúng vậy. Chúng cháu sẽ cố xoay sở… 

- Vậy chớ các con đi đến đó làm gì ? 

- Dạ, để xin vô nhà thương chữa mắt cho em cháu. 

- Hừ, đừng mong mỏi vô ích, không có chỗ đâu. Không bao giờ ! Cháu ta đã chết vì không có chỗ đấy, con ơi ! 

- Thưa ông, sẽ có ! Thế nào cũng có. 

Và bằng vài câu vắn tắt, Lai kể cho ông ta nghe lý do nào đã khiến nó mạo hiểm như vậy. Lai ngỡ là ông sẽ khen nó hiếu học, nào ngờ ông trách : 

- Hóa ra con lôi con bé đáng thương đi qua nửa xứ Ấn Độ cốt để con được lợi ? Rõ ràng là lợi cho con chứ nó có được gì ? 

Lai cải chính : 

- Có chứ, thưa ông, nó sẽ sáng mắt mà ! 

- Nếu vì lợi cho nó thì chuyến đi này đáng tiếp tục. Trời sẽ giúp con ! Còn như chỉ vì con thì quả là chuyện điên rồ, Trời sẽ không thương đâu . Con ơi ! Lợi lộc và danh dự thường không đi đôi, không nằm chung chiếu, con nên nhớ thế. 

- Lợi lộc là cái gì, hở ông ? – Mai tò mò hỏi. 

- Người thủ lợi là người… là người chỉ ưng làm gì tốt cho mình, cho riêng mình thôi, không nghĩ đến xung quanh. 

Lai không thích nghe diễn thuyết dài dòng. Cuộc hành trình tiếp tục.

*

Họ đi trọn đêm và ban ngày lúc trời mát, nghỉ ngơi và ngủ lúc nóng, nắng cao. Lạc đà chậm chạp hơn mọi con vật khác, tuy vậy nhờ nó, mà hai đứa trẻ đã vượt được một chặng đường dài. 

Ông chủ – tên là Sâm Du – biết nhiều cổ tích, đã kể cho chúng nghe nên chúng rất thích, quên cả nhọc mệt. Một hôm, ngồi nghỉ chân dưới bóng mát, ông ta kể thêm một chuyện: 

- Có một nông dân nghèo kiết, siêng năng cần mẫn song nhiều năm qua mà vẫn vắt mũi đút miệng, mang nợ nần hoài. Một bữa nọ, anh thành khẩn cầu xin Nữ thần Nhân ái hãy ban phúc cho anh bằng cách cho anh ít tiền để trên lò sưởi đặng anh trang trải nợ nần. Cầu xin xong anh dắt bò ra đồng. Một cành xương rồng móc rách áo anh, khi anh hì hục trên thửa đất. Anh ta tức giận, đào cả gốc cây lên và chao ơi, kỳ diệu làm sao : anh thấy bên dưới thòi ra một cái nắp nồi đất. Anh tò mò đào thêm cho đến khi mở được nắp nồi, anh thấy trong nồi đầy nhóc đồng vàng. Thoạt tiên, anh rất vui mừng song sau nghĩ lại, anh tự nhủ : “Nếu Nữ thần Nhân ái thương mình mà ban cho số vàng này thì hẳn Ngài đã để nó trên lò sưởi nhà mình chứ không để đây. Tiền vàng này không phải của mình, có người chôn giấu và người ta sẽ khổ sở lắm nếu ta lấy mất đi”. Thế là anh đậy nắp lại, lấp đất lên như cũ, dắt bò về. Tối đó anh kể lại câu chuyện cho vợ nghe, rồi còn thêm : “Mình nghèo mang nợ đầy đầu, nhưng tôi không muốn làm điều bất lương, mình ạ !”. Mụ vợ tưởng điên lên vì cái tính khí khái ngu ngốc của chồng. Tuy vậy, mụ cố gắng chờ cho anh ta ngủ yên rồi chạy ù sang nói với người láng giềng đầu đuôi câu chuyện và đề nghị anh ta đào lên giúp mụ, mụ hứa sẽ chia đôi kho vàng. Anh ta thuận liền. Công việc tiến hành trong đêm tối, một mình anh ta vì vợ người nông dân không dám trái ý chồng mà dự kiến việc đào lên. 

Nắp nồi được giở ra, bên trong lổm ngổm đầy những rắn, gã láng giềng giận lắm, cho là mình bị gạt hay mụ muốn ám hại mình, gã đậy sập nắp lại, đem về ngang nhà kẻ gạt gã, gã leo lên nóc nhà và trút hết rắn trong nồi vào ống khói – miền bắc nước Ấn nhà nào cũng có ống khói . – “Đáng đời tụi bay, vô cớ mà muốn hại ta”  Gã lầm bầm. 

Rạng đông đến, gã nông dân chất phác kia thức giấc, cầu kinh như thông lệ. Gã bỗng nhận ra có gì khác lạ trên lò sưởi và chỉ giây lát mặt trời rọi vào, vàng sáng lóe lên. Nước mắt chảy dài trên má gã, gã kính cẩn tạ ơn Nữ thần, vì gã biết Ngài đã dành tiền đó cho gã… 

- Người nông dân thật là… tốt, nhưng thưa ông, nếu là cháu, thì cháu đã lấy ngay từ lúc đào thấy ngoài đồng, thế mới thực tế… 

Lai góp lời. Ông Sâm Du nghiêm giọng : 

- Không chỉ có tiền là đủ. Cháu phải nhớ điều này : tiền mà mình giữ phải mang đến cùng lúc với sự bình an trong tâm hồn. Nó phải là một ân phúc... 

Lai không hiểu nổi một ân phúc phải kèm cùng tiền bạc. Vả lại, trong đời nó, nó đã nghe đến chán các lời giảng về luân lý, đạo đức rồi. Hai ngày qua, chúng được yên ổn với ông Sâm Du tốt bụng và con lạc đà, chả ai để ý đến Mai ngồi khuất người giữa mấy kiện hàng trên lưng con vật. Mỗi khi nắng rát bỏng lưng, Lai còn dám lấy sơ mi ra mặc.

Hành trình tốt đẹp cho đến sang ngày thứ ba, điều khủng khiếp xảy ra : đúng lúc Sâm Du tìm chỗ cho lũ nhỏ nghỉ trưa thì một xe mô-tô trờ tới, đỗ xịch lại ngay sau lưng họ. Lai nhận ra viên cảnh sát ở A-la-ba-ha, còn gã thì nhìn cái sơ mi của Lai và dáo dác tìm con bé, song không thấy. Gã nắm vai Lai lắc mạnh. 

- Mày mấy tuổi ? Nói mau ! 

- Dạ, mười… ba ! Lai quá kinh ngạc không kịp nghĩ đến nói trớ nữa. 

Viên cảnh binh đưa mắt nhìn con Cam – chắc gã thất vọng vì thay vì con bé mắt xanh, áo đỏ lại là con chó gầy nhom ! Cùng lúc đó, Sâm Du đến gần, gã hỏi : 

- Thằng này có đứa em gái phải không ? 

- Đứa em gái ? Tại sao nó có đứa em gái, hả ông ? 

- Cảnh sát truy nã hai đứa trẻ 13 và 7 tuổi. Tôi tìm ba ngày nay, lục xét con đường này cả trăm lần rồi. Tôi chắc chúng chưa trốn xa. Chúng bị truy nã về tội ăn trộm. 

- Ăn trộm ? – Lai gặng lại vì nó không tin ở tai mình. 

Sâm Du cũng ngạc nhiên không kém: 

- Chúng ăn trộm gì thế, hở ông ? 

- Ôi chao ! Cái thứ trộm ấy mà… 

Có tiếng kêu khẽ từ trên lưng con lạc đà và tim Lai nhảy đùng đùng trong lồng ngực nhưng may quá, viên cảnh binh chẳng hay biết gì cả : 

- Ai chỉ điểm chúng sẽ được thưởng 100 rúpi lận à ! Một đứa 13, một đứa lên 7, bác thấy chúng không ? 

Sâm Du không trả lời câu hỏi mà lại nói : 

- 100 rúpi ! Số tiền lớn quá ! 

- Chứ sao ! Bác thấy chúng không ? Số tiền thật lớn... 

- Vâng ! Nhưng tôi đâu có rảnh mà chạy theo lũ trộm ranh. Chà! Mới lên 7 và 13 mà dám ăn trộm… Lạ nhỉ ? Hai đứa nhỏ… 

- Bác tưởng chuyện chơi sao ? Lũ trộm ranh rình mò khắp nơi đấy nhé ? Bác giúp tôi tìm chúng, tôi sẽ tặng bác 50 rúpi. 

- 50 rúpi ? Lạy trời ! Cộng với tiền bán lạc đà này tôi có thừa để chuộc lại đất ruộng. Nhiều quá ! 

Viên cảnh binh lặp lại như cái máy : 

- Con em mắt xanh, áo đỏ, quần lam. Thằng anh ăn mặc giông giống thằng này… 

- Giống thằng bé này ? – Sâm Du chỉ tay vào mình Lai, hỏi – Ông nói thật chứ ? 

Lai tưởng mình sắp khụy xuống nếu không cố gắng. “Trời ơi ! ông ta sắp giao mình cho cảnh binh đây mà, số tiền lớn quá, mà ổng thì cần để chuộc đất đai, ổng cũng như cha mình : rất quí đất đai”. Nó đứng chết lặng, chờ Sâm Du lôi tuột em mình từ lưng lạc đà xuống. Tiếng viên cảnh binh: 

- Phải ! Mà… mà thằng này thì không thấy có em gái lại có con chó. Hay là chó của bác? Trong tờ thông tư truy nã, không thấy nói có con chó… 

Sâm Du điềm nhiên : 

- Tôi như ông, tôi lùng trong các làng mạc, ông có cái mô-tô tốt quá, cần gì chạy tìm xa? Con nhỏ 7 tuổi làm sao đi nổi tới tận đây. 

- Phải, phải ! Nếu nó không được chở bằng xe hay… 

Gã nhướng mắt lên như sắp tìm trên lưng con vật, song trời ơi, rõ là ai che mắt gã – hay con bé sợ quá đã nằm mọp xuống lưng con lạc đà – nên gã chả thấy gì sốt cả. Sâm Du đủng đỉnh nói: 

- Ai mà thèm chở không công bọn ăn mày với bọn ăn trộm, thưa ông ! 

Lại có tiếng rên khẽ xuất phát từ lưng con lạc đà, song viên cảnh binh chả để ý gì, gã gật gù : 

- Bác nói có lý. Chắc tụi nhóc trốn đâu gần đây thôi. Chào bác. 

Gã nói và tận lúc ấy mới nới tay, buông thằng bé đáng thương ra, nắm lấy mô-tô. Chỉ chốc lát, gã biến mất trong đám bụi mù. Sâm Du buông sõng : 

- Tiền đó to thật, song con ơi… nó không nằm đúng trong lò sưởi của ta ! 

- Vâng ! 

Thằng bé nói không ra tiếng, nó phải ngồi xuống giữa đường vì hai gối nó run rẩy. Mai nhanh nhẹn rời lưng con vật. Mặt nó không tái như anh mà đỏ bừng vì tức tối, nó hét to: 

- Tụi cháu không phải kẻ gian ! Chưa bao giờ tụi cháu đụng đến một đồng xu nhỏ của người khác. Tụi cháu con nhà lương thiện, tuy nghèo… 

- Ta cũng sắp hỏi các cháu. Nhưng ta tin các cháu. Xem ra các cháu… 

- Cháu tự hỏi người ta phao vu như thế để làm gì ? 

Lai lên tiếng nói. Sâm Du cười buồn: 

- Trẻ con và người cô thế, người nghèo thường bị vu cáo. Các cháu vừa là trẻ con lại vừa nghèo…

*

Sau giấc ngủ trưa, hai đứa phải chia tay con người tốt bụng, vì ông không đi xa hơn nữa. Mai khóc nức lên, Sâm Du an ủi : 

- Chân cháu bây giờ cũng mạnh như chân thằng Lai, mà hễ phàm mình không có ngựa thì phải dùng hai chân mình. Từ đây, các cháu sẽ không đến nỗi khó nhọc lắm đâu. Ta rất tiếc không thể giúp gì cho các cháu. Lai giỏi lắm : nó giúp ta khuân hàng lên và cất hàng xuống… 

Lai định lấy tiền để trả công chở và phần ăn mấy ngày nay, song ông khoát tay, ngăn lại : 

- Ta không lấy tiền cháu đâu. Nhưng mà này, Lai ơi, cháu ngu lắm : giữa đường mà dám móc tiền ra như vậy là gợi lòng tham của kẻ gian. Giấu ngay đi ! Trời phò hộ cho các cháu ! Thôi, ta đi ! 

Ông vắt cái khăn quàng bằng len cũ lên vai, dắt lạc đà rẽ sang hướng khác trong lúc hai đứa trẻ bùi ngùi đứng nhìn theo một lúc lâu. 

Bên con lạc đà to lớn ông ta mới gầy còm, nhỏ nhắn, đáng thương làm sao ! 

Hai đứa đứng lặng cho đến khi ông ta khuất dạng, tưởng như vừa chia tay một người thân.

*

Thấy chân em lành, Lai nghĩ là hành trình sẽ tốt đẹp song rồi nó biết mình lầm : sức của đứa con nít 7 tuổi thua xa đứa 13. Ban ngày ngủ thì dễ dàng còn thức để đi ban đêm lại khó khăn làm sao. Lai phải thuận để cho em tháo chiếu ra ngủ vài giờ, đêm cũng như ngày. 

Chúng không còn phải hỏi từng chặng để biết còn bao nhiêu cây số mới đến A-rát nữa. Hai anh em học được ở Sâm Du khá nhiều điều : tìm một góc kín đáo để nghỉ, tắm rửa trong mấy lạch nước, dùng phân lạc đà khô nhặt ở dọc đường để thổi nấu thức ăn trong cái nồi nhỏ xíu chúng mang theo. Trộn với chút bơ cứng, cơm ăn khá ngon. Song Mai thường mau mệt, muốn cho nó quên khó nhọc, Lai phải moi óc kể đủ thứ chuyện : cổ tích, phiêu lưu, mạo hiểm, có chuyện kể xong rồi kể lại. 

Ba ngày sau khi chia tay Sâm Du, hai đứa khám phá ra một cái bao li – một thứ hầm trú ẩn dưới đất và trong đó có giếng. Những loại hầm này đào đã khá lâu để người ta làm chỗ trú khi có giặc. Chúng tìm thấy khi men theo một hàng rào tre trong cánh đồng. Lối vào được che lấp do những cây xương rồng. Đang đi, Mai vấp một cái mạnh vào bậc đá dẫn xuống đường hầm, nó kín đáo đến nỗi Lai đứng ngay trên miện hầm mà không nhận ra gì khác lạ. Chúng hiểu ngay công dụng của nó. Hầm có nhiều hành lang rất thoáng và có những lỗ thông hơi để nhìn, thật mát.

Đứng dưới hầm chúng nhìn quanh nhận ra những bức vách dày tô thạch cao, dưới chân chúng là cát và trong góc có giếng. Mai láu táu: 

- Dám có kho tàng ở đây lắm, anh ơi ! Chưa biết chừng mình sẽ giàu… 

- Đừng có mơ, nếu có thì họ đã vét sạch từ lâu rồi… 

Lai tỏ ra chín chắn, tuy nhiên, nó cũng từng nghe có con nít khám phá ra những hầm trú ẩn cũ chứa kho báu. Mai bới tung cát, miệng nói : 

- Có thể mình tìm ra vài đồng bạc, biết chừng lại có một hạt ngọc trai to bằng trứng chim câu… Chà ! Nếu được hai hạt, ta cho bà một, cho mẹ một… 

Lai khiêm tốn hơn : 

- Anh chỉ mong được vài đồng để mua cái xe đạp cũ. Anh sẽ chở em đến A-rát. 

Chúng chăm chú quan sát từng viên đá trên thành giếng và sờ hết các khe hở ở các bức tường. 

- Dám có viên kim cương à ! Anh em ta sẽ giàu to, anh ơi ! 

Nói xong, Mai vốc cát lên tận mắt nhìn, cười thật tươi: 

- Chưa chừng được viên hồng ngọc. Em thích hồng ngọc lắm ! 

Mấy ngón tay nó sờ soạng cùng khắp nơi từ cao đến thấp. Lai cũng làm theo em, chúng mải mê cho đến nỗi quên phắt con Cam rên rỉ ở trên, vì chủ quên dắt xuống. Chả thấy gì cả, Mai bắt đầu nao núng, nó bớt hy vọng đi vì hiểu rằng mình đòi hỏi quá đáng : 

- Thôi, em mong được một viên ngọc nhỏ, đủ trả nợ cho cha thôi. 

Cuối cùng, chúng trở lên trước khi vứt vào miệng giếng viên sỏi, từ đáy vọng lên một tiếng khô, giòn, ngắn chứng tỏ giếng cạn từ lâu rồi. Con Cam vui mừng nhảy cẫng lên, còn hai đứa thì cảm thấy nóng quá. Bầy dê nấp dưới bóng bụi tre quay lại nhìn chúng trừng trừng. Mai đề nghị : 

- Anh Lai, xuống hầm ngủ chút đi… rồi tìm lại lần nữa coi. 

- Còn sớm lắm, ngủ chi ? Mày cứ ưa nghỉ hoài. Còn phải tìm phân trâu nữa… 

- Ngọc quí hơn phân trâu, vàng còn quí hơn nữa, mình sẽ dùng ngọc vàng mua… 

- Thôi, làm gì có ngọc vàng trong đó – Lai gắt em – Nếu có họ cũng đã vét sạch từ lâu rồi. 

- Nghỉ chút mà, anh Lai ! 

Mai nài nỉ, nom nó nhỏ nhắn xanh xao giữa bầu không khí nóng bức làm Lai động lòng. “Mình ác quá, nó dám ngã quị dọc đường lắm. Và như vậy thì làm sao đi đến nơi về đến chốn được ?” Lai tự nhủ và nhìn em, trở xuống trải chiếu cạnh giếng cho Mai nằm. Cam không chịu đi theo làm Lai phải chạy lên kéo cổ nó, nó vùng vẫy dữ. 

Cả ba ăn chút ít cá khô, uống nước rồi nằm xuống. Cam thôi hục hặc, phục xuống cạnh Mai và chỉ giây lát cả ba ngủ say vì quá mệt. 

Bên trên trời không một gợn mây, con đường dày đặc bụi do xe đạp và xe hơi tung lên song dưới hầm êm ả, mát rợi. Mai hồng hào trở lại, hơi thở đều đặn. 

Từ miệng giếng, một con rắn hổ lớn vặn mình trồi lên và bò lại gần chúng, song hai đứa vẫn ngủ say sưa. Chính những tiếng gầm gừ báo động của con Cam làm Lai thức giấc, mắt nhắm mắt mở, nó thấy bộ lông con vật dựng đứng lên rồi cái đầu rắn… Lần thứ nhất, Lai thấy một con hổ mang ngay bên cạnh. Như bị thôi miên, Lai không rời mắt khỏi cái đầu đang lắc lư, con Cam run lên như cái lá, rên khe khẽ. Lai gần như nín cả thở vì biết nó làm một cử động khẽ là con ác vật phóng tới liền. Hai tay vùi trong cát – vì trong cơn ngủ mê, nó đã lăn ra khỏi chiếu. Cứng ngắc như khúc cây, Lai đối mặt với cái đầu đang lắc lư không biết là bao lâu, không nhớ rõ. Thời khắc trôi qua, con vật cuộn tròn mình lại trong khi Lai vẫn chết sững nhìn khúc thân dài trườn tới như gợn sóng. 

Bỗng, Mai tỉnh dậy vì tiếng rên rỉ của Cam, ngồi bật lên. Sợ đến cùng cực Lai hét to một tiếng còn Cam thì sủa lên dữ dội như tiếng một con chó sói. Không kịp nghĩ ngợi gì, Lai chộp chiếc chiếu phủ ập lên đầu rắn như mấy người thợ săn trong mùa mưa thường kể lại và nhanh nhẹn nắm tay em phóng như bay lên mấy bậc cấp trong lúc dưới hang âm vang tiếng hét thất thanh của nó vẫn còn vọng lại tai. Tiếng hét bất ngờ đó làm con rắn sợ ? Hay vì đã già và mệt mỏi rắn không thể phóng nhanh ? Hoặc nhờ chiếc chiếu ngăn nó lại Lai không có thì giờ nghĩ đến. Thoát hiểm, anh em nó đứng run rẩy trên miệng hầm, hơi thở ngắt quãng dưới ánh nắng chói chang nom tựa hai tấm giẻ lau trước gió. 

Hoàn hồn rồi chúng vẫn không biết nên làm gì, không thể bỏ chiếu và lương thực lại trong hầm, mà xuống ư ? Ai thoát được nọc rắn hai lần tiếp ? Mặc cho em đứng khóc thút thít, Lai chạy ra đường cầu cứu. Phải làm cái gì chứ ? Khóc thì ích lợi chi ? 

Từ xa một cái xe sang trọng trờ tới, Lai thu hết can đảm trên đầu lưỡi, lắp bắp trong khi người Ấn sang trọng thắng xe lại : 

- Một con rắn hổ mang ! Dạ, thưa… một con hổ mang… 

Người Ấn thuộc hàng quí phái này chẫm rãi hỏi : 

- Con hổ mang đâu ? Ngay trên đường cái, hở ? 

- Thưa ông, không ! Nó ở dưới hầm, trong kia… 

- Con rắn dưới hầm, trong kia ? Mày tưởng tao có thì giờ để xuống hầm bắt rắn cho mày ư ? Lui ra ! Tao gấp lắm . Tao phải tới A-rát nội nhật ngày hôm nay. 

Đi A-rát ? Mà lại bằng xe hơi ? Ơ ! Còn gì bằng ? Lai vội vàng nói : 

- Nếu vậy, xin ông chở cháu theo… cháu cũng đi… 

Giọng tức giận lẫn ngạc nhiên, gã sang trọng ngắt lời : 

- Tụi bay đến A-rát làm gì ? 

Lai cố gắng kể lại vắn tắt mục đích chuyến đi song người quí phái không đủ kiên nhẫn để nghe, ông ta nổ máy trước khi Lai dứt tiếng, những lời giải thích và nài nỉ lẫn trong tiếng động cơ và tiếng gạt đi : 

- Tránh ra mau ! Đừng mất thì giờ ! 

Và ông ta rú mạnh ga, cái xe phóng tới… Ôi chao, thì giờ của người quí phái mới quí báu làm sao ! Hai đứa lại đến cầu cứu một ông già dắt lừa đang ngồi nghỉ ở vệ đường. Cái vẻ tốt bụngcủa ông giúp chúng đủ can đảm để kể lại đầu đuôi câu chuyện, mà kể rất dài dòng: từ chuyện đôi mắt, trường học, cho đến Sâm Du và… cuối cùng là con rắn. 

Ông già chờ chúng dứt lời, diễn thuyết cho chúng nghe một bài đại luận dài ngoằng về sự nguy hiểm của hang sâu, hốc tối, chính nơi mát mẻ là chốn cho ác vật ẩn núp v.v… 

Giọng trịnh trọng, ông kết luận : 

- Ta có thể mạo hiểm và hầm khi có đông người, và khua động ồn ào vì sẽ không đáng ngại. Còn vào đó mà ngủ thì quả là điên, vì khi yên tĩnh chính là khi rắn thò đầu ra. Các con ơi ! Ta rất muốn giúp các con, song ta có đến tám đứa con cho nên ta không dám đương đầu với ác vật được ! 

Thất vọng vì không được ai giúp, hai đứa quay lại ngồi trên miệng hầm, thêm một lát và sau cùng Lai dò dẫm bước từng bước một xuống hầm, thận trọng quan sát xung quanh trong lúc con chó Cam từ trên kêu ăng ẳng như thể nhắc chừng tiểu chủ đừng khinh địch. Chiếc chiếu nằm trơ ra đó, còn rắn đã mất tăm. Lai đánh bạo, la lối om sòm như thể muốn bảo con rắn : “Đông người lắm đây, đừng tưởng bở !!”. Vừa bước đến bậc cuối của bậc cấp dẫn xuống hầm thì nhanh như tia chớp nó vơ vội tất cả những gì ngang tầm tay và nắm một góc chiếu… Đột nhiên, Lai kêu rú lên vì chợt thấy con tắc kè trên vách . Bên trên Mai khóc ròng : 

- Rắn cắn anh không ? Anh bị nó cắn phải không ? Anh thấy gì không ?… 

Lai há hốc miệng ra thở, trả lời đứt quãng : 

- Không… ơ ! Thôi, anh thề từ nay không bao giờ xuống hầm nữa, Mai ơi ! 

Tội nghiệp chúng: đã không tìm thấy kho báu mà còn mất hết một chiếc chiếu và phần lớn lương thực. Chúng lặng lẽ cuộn tất cả những gì nhặt được vào cái chiếu độc nhất còn lại, lên đường.

Chương 06

Ngày qua ngày, anh em nó khó nhọc chẫm rãi tiến tới. Chúng kiên nhẫn đi từ tinh mơ đến đứng bóng rồi từ xế chiều đến tối mịt, sau lưng chúng con chó lẽo đẽo như cái bóng trung thành. Nhờ Sâm Du tốt bụng làm lạc hướng viên cảnh binh, nỗi sợ hãi to lớn đó tiêu tan từ lâu trong lòng chúng, nên chúng rất yên lòng. 

Chúng mua một soong nhỏ, 2 chén gỗ và ít lương khô để thay vào chỗ mất trong hầm. Phần lớn số tiền cất trong lưng bị hao hụt, nhưng biết làm thế nào được. Gầy còm quá làm sao chúng tiếp tục đi đến A-rát nếu còn thiếu cả cơm, bơ khô ? Con Cam cũng tiều tụy y như tiểu chủ : thiếu ăn và bụi bặm dọc đường làm cho nó trông thật đáng thương. Mỗi ngày chúng chia thức ăn làm 3 phần ít ỏi. Cam đớp một nhoáng là sạch sành sanh, nó quay nhìn anh em Lai bằng đôi mắt van lơn trông thật thảm. Mai chưa mù hẳn, nó không tài nào thản nhiên chịu đựng cảnh này, nó quay lưng lại, song Cam đâu chịu thua: nó cứ đeo theo bên Mai làm cô bé phải giả vờ mắng : 

- Cam ! Mày hư lắm ! Mày cũng có phần như tao, ai bảo không ăn từ từ mà ngốn như quân cướp vậy, hở ? 

Lai nghiêm nghị quở : 

- Đừng tập thói ăn mày, mất hết tư cách ! 

Cam quặp hai tai xuống, buồn rầu ngồi im một lúc rồi bắt đầu rên rỉ.

*

Một bữa nọ, chúng nghe từ xa vọng lại tiếng kèn và đến gần mới biết là có lễ ở đền thờ. Đền nằm trên bờ Duyên Ca, con sông rộng, êm ả gần như con sông Găng, con sông Thánh của xứ Ấn. Lũ trẻ trong làng thả trên dòng sông những bát nhỏ bằng đất sét nặn, cắm nến ở lòng bát. Chúng tin rằng nếu bát đến được bên kia bờ mà không tắt tức là điềm may cho chúng. 

Hai đứa nhỏ cũng nối chân theo đoàn rước kiệu – Mỗi người trong đoàn có mang theo hoa quả để dâng cho Thần linh. Trong sân đền, người ta phát nhiều thực phẩm tốt, ngon cho kẻ nghèo và ốm. Từ khi rời gia đình, anh em chúng chưa từng được tiếp đãi như thế. Mọi người đều tỏ ra dễ dãi, thân thiện với chúng, môi họ nở nụ cười vui vẻ. Nhiều người trầm trồ : 

- Chà ! Con bé xinh quá đi thôi ! Coi cặp mắt nó kìa ! 

Người thì giục Lai : 

- Lấy thêm chuối đi, cháu ! 

Từ khi chia tay với Sâm Du tốt bụng, đây là lần thứ hai chúng được ăn ngon và đầy đủ. 

Mặt trời vừa tắt, dòng sông sáng rực lên, lấp lánh như vàng trôi trên nước: những bát đất sét đựng nến cháy lập lòe và nhảy múa trên sông ! Mai ao ước cũng mua một bát cắm nến, đốt lên và thả để thử thời song đâu dám phí phạm như thế. Theo sau lũ trẻ đang say sưa vỗ tay và ca hát, reo hò, nhìn bầu trời từ mầu đỏ rực chuyển sang tím thẫm một lát rồi anh em Lai tách khỏi đám đông, định tiếp tục đi, bỗng trước mắt chúng một cảnh lạ hiện ra. 

Trên gò cao, con voi xám cực cao được chuẩn bị sẵn sàng cho buổi lễ. Nó đứng im, bóng in lên nền trời rực rỡ, đầu phủ thứ lụa mềm mầu sáng chói viền nhung đỏ, đính những tua vàng. Trẻ con và người lớn xúm quanh nó. Lai chợt nhớ lời vị Thánh phán ngày chúng sắp ra đi : “Một con voi xám sẽ mang lại điềm lành ? Dám lắm à !”. Biết chừng con voi này sẽ giúp chúng rút ngắn con đường và giúp chúng nhiều may mắn cũng nên. Anh em Lai cũng lại gần voi như các dân làng. Bộ yên phủ kết nhung đỏ giát vàng càng làm cho buổi lễ tăng phần long trọng. Một đứa con trai lớn hơn Lai vài tuổi mặc bộ đồng phục lụa trắng, đầu đội khăn đính ngọc sắp leo lên lưng voi để ngồi trên cái ghế có lọng che. Mai giật tay mạnh : 

- Ai vậy, hả anh Lai ? 

- Làm sao anh biết được ? 

Lai gắt nhẹ và có tiếng đáp thay : 

- Con trai trưởng của ông Hoàng, cậu Na-va Khan đó mà ! 

Voi mọp xuống, nhìn cậu trai với cái ghế có lọng che, người ta có thể cho đó là một căn nhà bé tí teo trên đỉnh núi. Lai do dự đến gần, tâm trí bị cảnh tượng này ám ảnh : một con voi xám xuất hiện mang đến điềm lành ! Đám đông thì bắt đầu ca hát, phụ nữ mang những tràng hoa thơm ngát. Một quang cảnh đầy màu sắc, ưa nhìn ! 

Cùng lúc đó, công tử Na ra Khan lên lưng voi với sự giúp đỡ của tên hầu. Một hồi trống vang lên . 

Thình lình, Cam hứng khởi xông lên nhẩy múa giúp vui không cần thúc giục. Con vật tưởng là vừa trở về với gánh xiệc của mình. Quanh nó là một khoảng trống rộng với con vật to lớn và đám đông thì cười nói, reo hò. Đứng bằng hai chân sau, nó xuất hiện dạn dĩ, bất ngờ làm cho đám đông đang bận ngắm voi và vị công tử trẻ cũng đâm chú ý. Song đặc biệt là Na-va Khan thích thú nhận ra con vật tinh khôn, cậu rút chân khỏi bậc thang dây, cười, hỏi : 

- Chó của ai đó vậy ? 

Lai nhanh nhẹn bước đến, trả lời lễ phép, lòng thầm hãnh diện vì được dịp nói chuyện với một ông Hoàng : 

- Thưa Ngài, của tôi đó ạ ! 

- Em muốn bán không ? 

Lai lắc đầu từ chối. Vị công tử nói : 

- Ta sẽ trả cho em một rúpi. 

- Ôi chào ! Một rúpi cho con chó gầy trơ xương ! 

Có tiếng phê bình và Lai vẫn cương quyết lắc đầu. Vị công tử thêm : 

- Ta sẽ cho em đi dạo một vòng trên lưng con voi này nữa, chịu không ? 

Lai nao núng : dạo một vòn trên lưng con voi của ông Hoàng, chuyện này làm gì có thể xảy ra mỗi ngày đối với đứa trẻ nghèo hèn như nó ? 

- Đừng bán con Cam, anh Lai ! – Mai lại giật tay anh, van vỉ . 

- Xem kia ! Làm như con chó là vàng khối ấy ! Còn tiếc làm chi thứ chó đói ? 

Một mụ đàn bà chanh chua nói tiếp : 

- Bán quách nó đi vừa có tiền mà nó cũng được sung sướng hơn… 

Một gã đàn ông trung niên góp ý : 

- Bậy nào ! Nghèo thì nghèo, chúng cũng biết thương nhau… 

- Nhưng giữ lấy để cùng chết đói thì hay ho gì ? Phải biết quyền biến chớ ! 

Cam tiếp tục nhảy nhót, không biết người ta đang bàn tán về số phận của mình, rồi nó chắp hai chân trước lại, đứng thẳng, cúi chào, dáng bộ y như một đứa trẻ ngoan. Công tử sốt ruột quá, tăng thêm giá : 

- Ta trả em 6 rúpi và còn cho đi dạo trên lưng voi một vòng nữa, chịu ? 

Cậu ra hiệu cho mọi người tránh ra để Lai có thể đến gần cậu hơn. Lai hỏi : 

- Thưa, Ngài có hứa nuôi nó tử tế không ? 

- Ta sẽ tự tay chăm chút nó – công tử cười, nói. 

- Ngài không đánh đập nó chứ ? Chưa bao giờ nó bị tôi đánh cả. 

- Ta hứa, ta hứa. Nó sẽ được sung sướng cái thân. 

Công tử gật đầu, nói và bên cạnh anh, Mai lại van lơn : 

- Anh ơi ! Đừng bán nó, tội nghiệp ! 

- Ủa, chó này của em hay của con bé kia ? 

- Thưa Ngài, của chung hai anh em tôi ! 

- Thôi ! Lên đây cả hai, nào ! 

Lai bế con chó, Mai lẳng lặng lên theo bằng cái thang dây lủng lẳng ở hông voi. Đầu óc Lai quay cuồng. Nó tưởng như mình nằm mơ, còn Mai thì lo lắng không thể tả. 

Cái kiệu trên lưng voi coi thế mà khá to : đủ chỗ cho mọi người. Voi đứng lên bằng hai chân sau rồi tiếp hai chân trước, mặt đất như rung chuyển. Hai đứa nắm chặt thành ghế, nhưng ông Hoàng trẻ thì chả sợ hãi chút nào, mặt cậu tươi lên và cậu dịu dàng hỏi : 

- Con chó tên gì vậy, hả em ? 

- Thưa, nó tên Cam ! – Mai trả lời miễn cưỡng như vừa tiết lộ một bí mật. 

- Lại đây, Cam ! Thịt gà đây ! Ăn đi, Cam ! 

Con Cam chả biết lịch sự gì cả. Nó ngốn tức thì hết nhẵn cái đùi gà vừa được vị công tử lấy trong giỏ thức ăn. Nó cũng không lịch sự trong lúc đi đường. 

Ý trời ơi ! Ước gì thằng Kiên và tụi nhỏ ở làng thấy được cảnh này ! 

Chúng sẽ lác mắt đi ấy chớ ! Lai nghĩ thầm khi thấy lũ trẻ lố nhố phía sau. Vị công tử vẫn tử tế với con chó thiếu lịch sự, cậu vuốt ve nó, lấy thêm thức ăn ngon cho nó vừa nói với nó những lời ôn tồn, âu yếm như với bạn thân. Dù cậu là con ông Hoàng, Cam vẫn không hề lúng túng gì. Lai nhìn Cam lòng sung sướng vì thấy nó được ăn ngon và no nê, song ít nhất nó cũng nhớ các bạn cũ chứ ! Đâu có lý nào… (Lai nghĩ thầm). 

- Các em đi đâu đây ? 

- Thưa, đến A-rát. 

Lai trả lời không nghĩ ngợi gì. Thật ra những điều vừa xảy ra làm đầu óc nó rối loạn. Ông Hoàng con lại cười. 

- Đi A-rát ư ? Nếu đi bằng voi này cũng mất hai tuần đấy, nó không đi mau hơn người đâu. Các em chỉ được đi trên lưng voi với ta một đoạn ngắn thôi. 

Lai vẫn còn bàng hoàng như ngỡ mình nằm mơ : chao ! Nó đang ngồi trên kiệu ở lưng voi, mà là voi của ông Hoàng, con voi sẽ đem lại sự tốt, sự may cho nó ! Thật không đây? 

Nó có cảm giác như vừa qua khỏi một đại họa. Mặt trời như một vầng lửa đỏ sẫm chiếu lên bộ yên rực rỡ của con voi, trông càng lạ lùng hơn. Dọc theo đường, nhiều người dừng lại, đưa tay lên trán, kính cẩn cúi chào “Salaam, Salaam!”. 

Vị công tử nghiêng mình tới trước tên nài ngồi chỗ cổ voi, ra lệnh : 

- Đưa chúng ta đến đền thờ cạnh cây bàng. 

- Xin tuân lệnh Ngài . 

Phần Lai, nó hốt nhiên có cảm tưởng đã làm một điều lầm lỗi và cảm tưởng đó dày vò nó làm nó mất hết hứng khởi do sự được biệt đãi của con ông Hoàng. Bụng nó nằng nặng, chắc mình đã ăn chuối nhiều quá đó mà, Lai tự trách thầm. Cam thì cứ ung dung gặm xương gà ! Hừ ! Đành lòng đổi con Cam để lấy 6 rúpi và một vòng đi chơi trên lưng voi. 6 rúpi : số tiền vừa đúng với số đã mất trong hầm. Có tiền chắc là điều may rồi chớ gì nữa. Vả lại, Cam sẽ được ăn thịt gà và gặm xương gà mỗi ngày, – vị công tử này rất tốt bụng – Hơn nữa, không phải chia phần cho nó, em Mai sẽ được no đủ. Vậy sao Lai vẫn không vui ? 

Mai thì như quên con Cam rồi, nó ngồi say mê ngắm những viên bích ngọc lấp lánh trên khăn quấn đầu cậu Hoàng trẻ tuổi. Chưa bao giờ Mai được ngắm thỏa thích như thế. Nó bạo dạn hỏi : 

- Ngài giàu lắm, phải không ? 

Ông Hoàng con nhún vai : 

- Giàu ư ? Bộ em chưa biết các ông Hoàng của xứ này đều bị truất phế hết rồi sao ? 

- Thưa Ngài… 

Mọi người đều nghe nói đến chuyện này từ khi Ấn Độ độc lập, các ông Hoàng bị tước hết quyền hành cai trị. Song Mai không hiểu và cũng thấy khó tin chuyện ấy. Những ông Hoàng và ngọc quí đều thuộc về thế giới thần tiên, huyền hoặc. Mai rất chú ý. Công tử Na-va Khan chỉ một góc nhung đỏ đã sờn, phủ trên cái ghế cũ, bảo Mai : 

- Em nhìn xem ! Các chuồng voi của chúng ta giờ trống lần lần. Một số lớn bạn chúng ta phải đem gia bảo ra bán ở Châu Mỹ, Châu Âu để sống. 

- Nhưng Ngài vẫn còn giàu lắm. 

Mai nói bằng giọng thán phục, mắt không rời cái vành khăn lóng lánh những viên ngọc bích. Ông Hoàng trẻ cười hiền lành : 

- Phải ! Chúng ta chưa đến nỗi nào, và chúng ta còn có đến hai cái xe hơi.

*

Đã đến đền thờ. Na-va Khan rút từ thắt lưng ra 6 rúpi đưa cho Lai trong lúc voi phục xuống để mọi người bước ra khỏi núi thịt đồ sộ của nó. Cam muốn đi theo chủ nhưng cậu Hoàng con đã nắm dây cột cổ nó, giữ lại. Con vật tru lên. Dù thịt và xương gà ngon thật, nó vẫn không quên bạn cũ. Lai nghẹn ngào: 

- Xin Ngài xử tốt với nó! Vĩnh biệt Cam! 

- Hãy yên tâm! Ta hứa và giữ lời. Chúc hai em đi may mắn. 

Ông Hoàng trẻ cười, phô cả hai hàm răng trắng muốt. Con voi chầm chậm rẽ ngang con đường khác, về lâu đài. 

Anh em đứa trẻ cũng lên đường nhưng lần này thiếu mất con vật trung thành! 

Song Mai cố nén khóc vì nó biết anh nó rất buồn khi quyết định điều ích lợi này.

Xem tiếp chương 7 & 8