Bức Mật Thư - Chương 9 & 10

Chương 09

TRÊN ĐƯỜNG CHINH PHẠT

Hai đứa tôi sục tìm khắp nơi, gào lên gọi Khiết khản cả cổ. Không thấy! Tôi cảm thấy mệt mỏi rời rã cả chân tay, chẳng phải vì đã làm việc bằng sức quá nhiều, nhưng chính là vì biến cố ghê gớm xẩy ra đột ngột ngoài sức tưởng tượng đã khiến tôi bàng hoàng khắc khoải tưởng chừng như cả căn phòng Thí Nghiệm lẫn gian kho nhà Trí vừa đổ sụp xuống, gạch ngói tứ tung, cát bụi bốc mù trời. Tôi run lên bần bật, miệng lắp bắp mà chính tôi không biết :

-... Tụi nó bắt Khiết đi rồi! Tụi nó bắt Khiết rồi. Trời ơi! Mà tại sao chúng nó lại bắt được chứ?

Đồng thời chân tay tôi cứ cuống lên, sờ cái nọ, mó cái kia chẳng đâu vào đâu cả.

Trí giơ tay :

- Bình tĩnh chút đi, Chiêm! Chắc đâu phải tụi nó bắt! Có thể Khiết buồn quá bỏ đi chơi loanh quanh. Nếu đúng tụi nó bắt Khiết thì cũng phải có cái gì làm bằng chứng chứ!

Bực mình, tôi quát lên :

- Bằng chứng hả? Thằng Bình trông thấy chiếc xe hơi lạ màu xanh da trời cà rà cà rà trước cửa nhà đây, rồi thì Khiết biến mất. Không tụi nó bắt thì còn ai vào đây nữa?

Trí vẫn thản nhiên :

- Xe hơi màu xanh da trời? Nội vùng Saigon này hiếm gì xe hơi sơn màu xanh da trời!

- Phải, phải! Chẳng hiếm gì... nhưng... tất cả những cái xe đó đều tới lượn vòng, chạy quanh nhà anh hết hả? Thôi, đừng lý luận vô ích nữa. Chúng mình phải làm một cái gì đi chứ!

Làm một cái gì? Chính tôi cũng chưa biết là nên làm một cái gì nhưng chỉ biết là phải mó tay vào một việc nào đó ngay lập tức, nếu không thì chắc chúng tôi hóa điên lên mất.

Trí gật đầu :

- Có lý! Có lý! Phải làm ngay một cái gì! Để tôi nghĩ một chút coi! Chiêm cũng ráng nghĩ đi một chút xem nào!

Dứt lời, anh ngồi xuống một cái ghế, chống hai khuỷu tay vào đầu gối, hai bàn tay đỡ cằm. Ánh mắt Trí dịu hẳn lại, nét mặt trầm tư. Tôi biết là anh đang bắt bộ óc thông mình làm việc thật hăng. Và những lúc đó tốt nhất là nên để anh được thảnh thơi suy nghĩ.

Tôi quay ra lấy một ít hạt gạo trộn trứng đem cho con két "ông Nghị" ăn để nó im đi đừng vỗ cánh phành phạch và chốc chốc lại kêu quác quác rầm lên nữa. Con chim tinh khôn, ý chừng cũng cảm thấy có cái gì khác thường trong căn Phòng Thí Nghiệm thường ngày vẫn êm tĩnh. Hay là nó cũng đã nhận ra sự vắng mặt rất lạ lùng của tiểu chủ nó? Cũng may mà ông bà Bích Tâm ba má trí, nhất là bà Năm Rằng lại đi vắng, nếu không, thỉnh thoảng "ông Nghị nói dóc" cứ hét toáng lên thì mọi cái bí mật bị "bể" hết trơn còn gì.

Đột nhiên Trí lớn tiếng :

- Có một điều khó hiểu nhất là: làm sao tụi gian phi lại mở được cửa Phòng Thí Nghiệm chứ? Hay là chính Khiết, khi bị đe dọa quá, đã ở trong mở cửa cho tụi họ? Rồi tới chiếc xe hơi màu xanh da trời. Biết đâu lại chẳng là xe của ông Bình-Be và bà Chúa đến đón Khiết đi chơi?

Lầm! Lần này thì tôi biết chắc là "sếp" tôi đã lầm. Lầm lớn là đằng khác.

Trí chợt đứng lên :

- Tụi mình cứ xuống xem cái đã. Coi kỹ vết bánh xe là biết liền hà!

Trên mặt đất, trước cửa nhà kho, vết bánh xe còn in rõ rành rành. Cúi nhìn thật sát, anh lẩm bẩm, giọng chắc nịch :

- Hừ! Không phải vết bánh xe của ba tôi!

Về điểm này, phải công nhận anh có lý.

Tiến về phía nhà để xe, anh ngồi hẳn xuống, cúi gầm đầu, chăm chú nhận xét cái gì đó. Tôi sáp tới: mặt đất ẩm có vết giầy loạn xạ.

Trí nói nhanh :

- Nhất định phải có một cuộc giằng co vật lộn ở ngay chỗ này rồi.

Tôi ngẩng lên :

- Anh muốn nói là Khiết đã bị tụi gian chộp bắt rồi vùng vẫy dẫy dụa ngay tại chỗ này?

"Sếp" không trả lời thẳng tôi. Anh chỉ lầm thầm như tự nói với mình :

- Phải rồi! Đúng rồi!... Có thể lắm!

Đoạn anh lại thụp xuống, ngồi chồm hổm, đưa mắt nhìn từng ly từng tí trên mặt đất. Anh đưa cả hai bàn tay xoa nhẹ trên lối đi nữa. Bỗng Trí khẽ la :

- Ấy, Chiêm! Chiêm! Tới đây! Mau lên!

Nhẩy một bước, tôi đã sắp tới bên. Trí cầm trong tay một vật gì sáng lóng lánh: cái kẹp "ca vát" có hình mặt hề. Cái kẹp ca-vát bằng đồng mạ vàng của Đỗ văn Tể.

Trí nét mặt hân hoan :

- Chiêm nói đúng. Tụi gian đã bắt Khiết đem đi rồi. Và khi bị bắt chắc Khiết đã chống cự hăng lắm. Giật cả "ca-vát" của tên Đồ Tể. Còn cả một mảnh ca-vát của tên Tể dắt kẹt vào đây này. Có điều khó hiểu nhất là tụi gian đã mở được cửa nhà kho và cửa phòng Thí Nghiệm bằng cách nào chứ?

Từ lúc nào cho tới phút này, lòng tôi vẫn băn khoăn về một chuyện. Và cái chuyện đó chỉ đỡ ray rứt khi được tôi thốt ra thành lời :

- Anh Trí à... buồn quá, trăm điều rắc rối là chỉ tại tôi mà ra cả! Tại tôi đã buột miệng thốt ra lý lịch anh, địa chỉ của bác nữa, nên tụi "cướp" mới biết đường lần mò tới tận đây được chứ!

Trí gật đầu buồn bã :

- Ờ, ờ! Mình cũng nghi thế đó!... Phải rồi, biết tên và địa chỉ của ba tôi, tụi nó cứ việc mở cuốn điện thoại niên giám ra là... rồi. Tìm địa chỉ ông Phạm bích Tâm nội cái khu Ba Chuông nhỏ tí xíu này đâu có khó khăn gì, hả Chiêm!

Trách nhiệm về hậu quả tai hại của lời nói trong lúc không kịp suy nghĩ trĩu nặng khiến đôi vai tôi cảm thấy buốt lạnh. Giọng tôi run run :

- Tính sao bây giờ đây, hả Trí?

- Tìm cho ra Khiết rồi đưa nó về đây chứ còn gì nữa!

- Ai chả biết thế! Nhưng tôi muốn nói làm cách nào, tìm ở đâu kia chứ?

"Sếp" tôi đưa tay lùa mớ tóc rối bời, thẫn thờ bước tới gần căn nhà kho rồi dừng lại. Anh cũng bối rối và lộ vẻ lo lắng chẳng kém gì tôi.

- Hừ! Tôi cũng chưa biết nên làm cách nào đây! Trời! Quả thật tôi cũng không còn biết tính sao nữa kia chứ!

Nghe Trí thốt ra những câu như vậy, tôi có cảm giác như có bàn tay ai lùa vào trong lồng ngực nắm lấy quả tim mà bóp một cái. Từ xưa đến nay, hai anh em đều phải trải qua bao cuộc thử thách nẩy lửa: đương đầu với Sáu Goòng trong việc Đồng Tiền Giả, đối chọi với hai tay Ả Rập Kha Bỉ, Du Đả trong vụ cứu giúp Thái Tử Hà-Lam lấy lại ngai vàng (1) anh vẫn tỏ ra rất thông minh mưu trí. Vậy mà, giờ đây, chỉ tại tôi mà... anh cũng bị lâm vào thế bí... Nghĩ cho cùng, Trí cũng chẳng lớn hơn tôi được bao nhiêu. Để anh nặng mang những mối lo vượt quá sức chịu đựng, lòng tôi lại càng buồn rầu vô hạn.

Một lúc sau, Trí mới cất tiếng :

- Chúng mình phải lập tức tới tìm ông Bình-Be và bà Chúa! Phải rồi! Đi, Chiêm! Ta lên đường tới nhà Mai-Điên!

Hai phút sau, chúng tôi đã thót lên yên ngựa sắt đạp bon bon trên đường tới nhà ông Binh-Be.

Nếu ai bắt gặp Trí và tôi cúi gầm đầu, bốn chân đạp như máy, thế nào cũng cho chúng tôi là những tay "cua-rơ" đang thao dượt để sắp sửa dự cuộc đua xe đạp "Vòng Cà Mau - Bến Hải". Ngoài mặt, thì như vậy, nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn không thể nào không như người lên cơn sốt khi nghĩ đến Khiết, giờ này chẳng hiểu ở đâu? Liệu nó vẫn mạnh khỏe bình an... còn sống hay là đã...

Biết bao nhiêu điều khổ tâm không ngớt ám ảnh ray rứt trong lòng. Chưa hết!... đạp gần tới khu nhà Mai-Điên, xe tôi lại xì hơi bánh trước nữa chứ.

Bực mình, tôi bảo Trí :

- Anh cứ đi trước đi! Tôi dắt xe theo sau! Lúc về sẽ đem vá vậy!

Khi đặt chân vào nhà ông Bình-Be đã thấy Trí yên vị trên một chiếc ghế trong căn bếp.

Hai vợ chồng bà Chúa ngây người sửng sốt khi nghe tin dữ. Ông Bình-Be cho biết là ông bà cũng thấy bồn chồn trong dạ từ lúc thấy con chó Lát-Si hộc tốc chạy về, thở hổn hển, toàn thân run lên cầm cập, cổ họng không ngớt rít lên từng hồi thảm thiết. Và ông bà dự đoán gần đúng các việc đã xẩy ra tại nơi Khiết đang lánh mình.

Bốn người chúng tôi ngồi vây quanh chiếc bàn tròn trong bếp, đem việc Khiết bị bắt ra mổ xẻ từng chi tiết một. Ông Bình-Be đoán rằng tên Đồ-Tể không dám đem Khiết về chỗ đoàn xiếc cắm trại.

- Lão Tể không dám đem thằng nhỏ về đó đâu. Anh em người cũ ở đoàn còn nhiều lắm. Họ sẽ nhận ra mặt Khiết và rồi sẽ nghi lão gian manh này ngay. Nhất định là lão đã giam kín thằng bé ở một nơi nào đó rồi.

Trí hỏi thẳng ngay :

- Liệu Đồ-Tể có gan làm liều thủ tiêu nhỏ Khiết không?

Bà Chúa giật nẩy người. Giọng bà nói nghe lạc hẳn đi :

- Trời ơi! Chú em nói gì nghe ghê quá vậy?

Ông Bình-Be đứng ngay dậy nắm tay vợ, khẽ trấn an :

- Có gì đâu Huyền Trân! Yên trí đi mà! Lão Đỗ văn Tể không có gan làm cái chuyện ấy đâu!

"Sếp" tôi vẫn đều một giọng. Cái giọng quyết liệt nghe chát chúa như một làn roi quất vụt:

- Không có gan làm chuyện ấy! Tên Đồ-Tể mà không có gan làm chuyện ấy! Thế sao lão lại dám bắt Khiết tập nhào lộn trên đu bay... không căng lưới?

Ông Bình-Be nhẹ vỗ bàn tay vợ. Ánh mắt người nghĩa bộc trung thành vương vương niềm xót thương đứa con côi của chủ xen lẫn một vài tia sáng đôi lúc lóe lên thật nhanh như dấu hiệu báo trước một cuộc trả hờn. Cuộc trả hờn chắc phải là ghê gớm lắm nhắm vào tên vong ân bội nghĩa họ Đỗ tên Văn Tể. Giọng nói của ông ta trầm hẳn xuống, rõ từng tiếng, như thách như đố một kẻ địch vô hình hiện đang đứng ngay trước mắt:

- Chú em nói đúng! Có điều, ngã đu bay mà chết thì vẫn có thể được tưởng lầm là một tai nạn không có gì đáng nghi ngờ. Nhưng... chết ở ngoài phạm vi rạp xiếc thì lại là một việc khác hẳn. Cái "khác" đó sẽ rất nguy hiểm cho lão Tể. Cảnh sát sẽ nhận ra cái "khác" đó ngay và họ mở cuộc điều tra thì lão bị dính là cái chắc.

Trí gật đầu công nhận :

- À, vâng! Quả có thế!

Tiếng ông Bình-Be tiếp tục đều đều :

- Hai nữa, tôi dám chắc rằng tên Tể vẫn nghi là Khiết biết chỗ ba em giấu bức mật thư. Tiếp đó lại xẩy ra việc nhỏ Khiết đột ngột rời bỏ đoàn xiếc ra đi. Tên Tể tất nhiên phải tự hỏi: Thằng ranh con vì sao lại trốn đi biệt tăm... nếu không phải là đã tìm thấy bức mật thư "nguy hiểm" ấy rồi. Nếu hết thẩy mọi giả thuyết tôi vừa nêu ra đều đúng cả, tất nhiên lão Tể đã đem nhỏ Khiết tới một nơi nào đó, hoang vắng hẻo lánh lắm, rồi... tra khảo thằng bé bắt phải phun ra sự thật.

Trí hỏi thẳng ngay vào mục tiêu :

- Theo ông thì chỗ đó có thể là chỗ nào?

Ông Bình-Be nhíu cặp lông mày :

- Tôi cũng chưa đoán ra được. Có cái chắc là lão Tể không khi nào dám đưa nhỏ Khiết trở về đoàn xiếc tại Thủ Đức như vừa rồi tôi đã nói. Mà nó cũng không dám đưa đi xa đâu vì lão cứ phải luôn luôn quanh quẩn gần nơi đoàn xiếc hạ trại để điều khiển công việc và hướng dẫn các cuộc trình diễn chứ.

Trí, sau mấy phút suy nghĩ, hỏi ông Bình-Be :

- Ông có cái bản đồ vùng Saigon - Thủ Đức đấy không?

Ông vua hề quay vào phòng riêng. Chưa đầy một phút đã trở ra. Ông trải rộng tấm bản đồ trên bàn bếp.

Trí giương to đôi mắt nhìn chăm chú :

- Từ Thủ Đức về khu Ba Chuông, tên Tể đã chạy theo quốc lộ lớn đây. Chính vị phụ tá của cháu và cháu đã đích mắt trông thấy... Ê, Chiêm! Đưa tôi cây bút chì!

Tôi liệng cây bút chì do Trí đã lấy trên bàn giấy của lão Tể. Anh vạch một đường lên trên tấm bản dồ :

- Đây! Tụi cướp đã theo lộ trình này đây! Nhưng, không hiểu sau khi chộp bắt được Khiết rồi, tụi nó chạy xe theo con đường nào chứ?

Ông Bình-Be nhìn theo tay Trí trên bản đồ, xong lại nhìn thẳng đôi mắt anh :

- Nhất định tụi chúng lại trở về đường cũ vì lẽ Đỗ-văn-Tể không thể nào rời xa nơi đoàn xiếc hạ trại được mà.

Trí trầm ngâm :

- Có thể như thế... Và rồi tất nhiên tụi nó đã rẽ ngang chạy tắt vào đường nào chứ không về thẳng Thủ Đức đâu. Vì nếu về Thủ Đức thì anh em cháu đã bắt gặp rồi chứ. Tụi cháu ngồi xe đò, ngay sát cửa sổ, không lúc nào là không chăm chú ngó xuống đường. Vậy thì chắc chúng đã quẹo xe vào đâu rồi?

Tôi đưa mắt thẫn thờ nhìn tấm bản đồ, lòng thầm mong nhận ra được một dấu hiệu gì đặc biệt có thể chỉ dẫn phương hướng đi tìm Khiết. Khó quá! Con đường xa lộ Saigon -Thủ Đức vẽ màu đỏ tươi băng qua đám ruộng đồng xanh ngắt. Trên đám ruộng xanh ngắt đó lại có không biết bao nhiêu là những con đường chỉ đỏ khác nhỏ hơn, phát xuất từ những đám xanh lá cây thật xa để rồi nối liền vào đường chỉ đỏ lớn là xa lộ. Gần hai chục con đường nhỏ ăn thông với xa lộ như thế, biết chiếc xe cướp quẹo vào con đường nào. A! Nhưng có điểm đặc biệt là về phía bên phải xa lộ, hướng về Thủ-Đức, gần một chục con lộ nhỏ đều dẫn tới một khu vực... tô màu xanh dương, hình dáng trông nhu một cái ao hay hồ gì đó, to lắm. Trong đầu tôi, một ý nghĩ chợt lóe lên như một ánh chớp sáng ngời trong đêm tăm tối: "Khu hồ Thanh Thủy đây chắc! Hồ Thanh Thủy! Nơi nổi tiếng nhiều cá, toàn loại cá ngon thịt ăn thơm phức má tôi thường hay nói đến trong những bữa cơm có món canh chua nấu với cá!". Tâm linh máy động, tôi khấp khởi hy vọng. Và tiếng tôi gọi Trí vang lên lanh lảnh mà chính tôi cũng không hay :

- Trí này! Khu hồ Thanh Thủy! Có lẽ vậy chăng? Hồ Thanh Thủy nhung nhúc những cá!... Mà Đỗ văn Tể lại là một tay say mê câu cá! Anh nghĩ sao? Má tôi nói quanh bờ khu hồ rộng bát ngát này, nhiều người làm nhà cho các tay "ghiền câu" thuê, kiếm được tiền khá lắm. Gần đó lại toàn là rừng cây rậm rạp, há chăng phải là nơi kín đáo lão Tể đã lựa chọn làm chỗ nhốt Khiết đó sao?

Nghe dứt lời tôi nói, Trí hét lên, đồng thời đôi mắt anh long lanh :

- Khá quá! Chiêm! Khá quá! Phải lắm! Đúng rồi! Ông Bình-Be! Lão Đồ Tể say mê câu cá lắm phải không ông?

Ông Bình-Be mừng vui hớn hở :

- Đúng! Lão ta cứ hở ra là vác cần, vác giỏ đi câu, bất cứ ở đâu. Lão "ghiền câu" thật mà. Hồi còn ông Tâm, lão đã nhiều phen bị ông nạo cho sát ván vì cái tật mê câu bỏ cả công việc đấy.

- Biết đâu Đỗ văn Tể lại chẳng đã thuê một gian lều câu nào đó tại hồ Thanh Thủy trong một thời gian ngắn, những ngày gánh xiếc hạ trại tại Thủ Đức?

Ông hề gật gật cái đầu hói :

- Chắc chắn là thế rồi chứ còn gì? Tôi đã nói là tay này mê câu cá can không nổi kia mà!

Tôi nhẩy lên, hứng khởi vô cùng :

- Vậy thì tụi mình đi ngay tới đó đi! Còn đợi chờ gì nữa chứ!

Nhưng tôi lại bị cụt hứng ngay khi bắt gặp nét lo âu trên mặt Trí. Quả nhiên, anh trầm giọng thốt :

- Khu hồ Thanh Thủy này rộng lắm! Quanh bờ có tới hàng ngàn, hàng vạn gia cư ở đấy. Họ sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, làm tiểu công nghệ và cho thuê lều câu. Biết đằng trời nào mà mò ra chỗ lão Tể thuê riêng đây. Hỏi thăm hỏi dò thì biết đến bao giờ. Chậm một ngày, một giờ nào là nguy cho Khiết một ngày một giờ đó! Hừ!

Vừa nói lải nhải, vừa hầm hừ, đôi tay anh không ngớt xoay xoay cái bút chì, đôi mắt anh mơ màng xa vắng. Tia nhìn chiếu vào cái bút chì trong tay nhưng chẳng hiếu anh có trông thấy gì không?

Tôi giật nẩy mình, trống ngực đập thật mạnh. Lý do: Trí đột ngột hét to :

- A đây rồi! Coi! Coi! Ông Bình-Be coi này! Chiêm! Chiêm! Coi này! Cái bút chì này, có phải chính tay tôi lượm trên bàn giấy của Đồ-Tể hồi sáng đây không?

Tôi gật đầu công nhận :

- Ừ, đúng rồi đó! Sao?

Trí nói to như một lời reo vui :

- Ngó kỹ thử coi!

Tôi để mặt sát gần. Cả ông Bình-Be và bà Chúa cũng hối hả xáp lại. Tất cả mọi người đều giương to đôi mắt. Trên thân cây bút chì màu trắng in rõ một hàng chữ đỏ: "Hãng bút chì Sao Mai, ấp Đống-Đa, Hồ Thanh-Thủy - Thủ Đức".

Bốn người chúng tôi sung sướng nhìn nhau. Không ai thốt được nên lời. Nhưng tia nhìn trao đổi cũng đã nói lên nhiều ý nghĩa.

Trí hắng giọng thuyết trình. Trịnh trọng thuyết trình! Một thói quen rất đáng bực mình nhưng cũng rất đáng yêu của anh, tùy trượng hợp :

- Theo phương pháp phân tích sơ đẳng, cái bút chì này đã được thân tặng, hoặc bán lại, hay cũng có thể bị nẫng nhẹ (anh liếc nhanh nháy mắt tôi), xuất xứ từ hãng Sao Mai mà ra. Thế rồi, chính chúng tôi đã lượm nó trên mặt bàn của Đỗ-Tể. Có thể nêu lên giả thiết: tay Đỗ-Tể tất đã phải có một vài sự tiếp xúc gì với hãng chế tạo bút chì này. Tiếp xúc về "áp-phe" hay gì đó, không cần biết. Có điều giả thuyết có thể đứng vững được do điểm: tay Tể là một người say mê câu cá. Vậy khi mò vào khu hồ Thanh-Thủy, lão ta tất phải tới thuê lều câu của hãng Sao Mai.

Ông Bình-Be đứng phắt lên. Trong lúc vội vã, ông đã gạt chiếc ghế đổ kềnh xuống sàn kêu cái "rầm". Vua hề, trông chẳng còn "hề" một chút xíu nào, hét lên như một vị tướng ra quân :

- Đi! Anh em chúng ta lên đường! Hồ Thanh-Thủy! Tới hồ Thanh-Thủy lập tức! Tôi ra sửa soạn xe. Chúng ta mò tới hãng Sao Mai hỏi coi họ hiện có cho tên Tể thuê lều câu không, và lều đó ở chỗ nào? Đi! Lên đường!

Dứt lời, ông vỗ túi áo, tìm chìa khóa xe và chạy vút ra ngoài sân. Trí và tôi lao theo như gió cuốn, đồng thời, bà chúa Huyền-Trân cũng chạy ra, hai tay dắt hai chiếc xe đạp của chúng tôi đem vào trong nhà. Trên tấm xơ dừa, hộp thư liên lạc bí mật, con chó Lát-Si nhẩy cẫng lên, cất tiếng sủa vang trời. Âm thanh tiếng sủa nghe có vẻ giận dữ xen lẫn vui mừng. Có thể lắm! Có thể con Lát-Si nổi giận vì bị bỏ rơi ở lại nhà, nhưng đồng thời, nó lại vui mừng vì thấy mọi người hăng hái lên đường cứu nguy cho tiểu chủ của nó.

___________________________________

(1) Xin coi Đồng Tiền Giả và Ngọc báu Ngai vàng cùng tác giả, do Tuổi Hoa xuất bản .

Chương 10

CHẠY NHƯ GIÓ

Bà Chúa không được đi với chúng tôi. Tôi biết là bà thích đi tìm Khiết lắm. Nhưng tình thế bắt buộc, không thể được. Ông Bình-Be "âu yếm" ra lệnh cho bà phải ở nhà. Lý do: còn phải nuôi ăn con voi Chum-Bô và chú cẩu khôn ngoan tên Lát-Si chứ. Con bồ tượng Chum-Bô cũng ranh lắm. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ đúng năm giờ chiều là phải dọn bữa cho nó. Trước năm giờ, nó chưa thèm ăn, mà sau năm giờ là mệt với nó. Mệt đây là "mệt" thực sự ấy chớ chẳng phải chuyện đùa đâu. Bị "kiến bò bụng" là nó quần cho người mệt ngay, nghĩa là cả gian vựa lúa sẽ sụp xuống trong nháy mắt.

Xe của ông Bình-Be ra tới xa lộ, chạy được một quãng thì dừng lại đổ xăng. Chúng tôi lên tiếng hỏi người bán xăng đường vào khu hồ Thanh-Thủy ở ấp Đống-Đa. Ông ta chỉ tay về phía bên phải :

- Đây, con đường này! Từ đây vào đó khoảng mười cây số.

Đường trải đất đỏ nhưng khô ráo, mặt đường tốt lắm. Ông Bình-Be phóng xe vun vút. Chưa đầy mười phút sau, cả bọn tới bờ nước. Đến đây, ông hề phải giảm bớt tốc lực vì đường đã bắt đầu quanh co khó đi, lại nhỏ hẹp nữa.

Khoảng năm giờ chiều, xe dừng trước một căn nhà khá lớn trong ấp Đống-Đa. Trên khuôn cửa cao, một biển gỗ lớn nằm ngang, Và chúng tôi đọc: "Hãng Sao Mai. Tiểu công nghệ và chăn nuôi trồng trọt".

Trí đưa mắt ngó đồng hồ tay :

- Quên bẵng đi, không viết mấy chữ xin phép ở nhà! Lỡ chưa về được ở nhà lại lo lắng!

Nghe Trí nói, tôi bất giác thấy trong lòng nhột nhạt. Cái gì lại: "nếu chưa về được!..." Vậy là thế nào? "Sếp" tôi hay có cái lối phát ngôn khiến người nghe cứ phải lạnh buốt xương sống.

Tiếng ông Bình-Be :

- Hai chú em cứ ngồi đây nghe! Để tôi đi dò xem lão Tể thuê lều câu ở chỗ nào!

Dứt lời, ông xuống xe tiếng lại gần cánh cửa lớn. Giơ tay gõ cửa, ông hề ngay người đứng đợi. Hơn phút sau, ông nắm núm cửa xoay xoay và đẩy mạnh: Cánh cửa cứng ngắc. Vua hề quay ra nhìn chúng tôi :

- Nhà đi vắng cả!... À, kia! Có cái quán cà phê kia! Hai chú em vào đi! Cố hỏi tin tức xem sao. Tôi, người lớn, vào e có điều bất tiện.

Hai anh em bước vào bên trong quán. Người chủ đứng tại quầy thu tiền, miệng ngậm ống vố, hút thuốc nhả khói tùm lum. Nơi cuối gian hàng, dăm ông thợ câu đang ngồi tại bàn đánh xì phé.

Trí tiến lại quầy thu tiền hỏi thăm. Ông chủ quán trả lời chẳng biết ai là Đỗ-văn-Tể hết.

- Sao các chú không hỏi chủ hãng Sao Mai thử coi?

Trí đáp :

- Đã! Chúng tôi cũng có gọi cửa rồi nhưng không ai có mặt tại đó cả. Muốn gặp ông chủ Sao Mai thì kiếm ở đâu, thưa ông?

Chẳng hiểu tại sao, ông chủ quán cà phê, sau khi nghe Trí hỏi như thế lại phá lên cười sằng sặc. Rồi cả mấy ông khách hàng đang ngồi đánh bài phía kia nữa cũng thế. Ai nấy cùng cười rộ lên, có người bò cả ra bàn mà cười. Thật lạ!

Thấy chúng tôi ngơ ngác. Ông chủ quán liền lên tiếng. Tôi có cảm tưởng ông ta phải cố gắng lắm để nín cười mới có thể phát ngôn được :

- Thôi này! Các chú muốn kiếm ông Sao Mai hả? Đây, tôi bầy cho các chú cách này là tìm được ngay này... Các chú lấy một chiếc thuyền con, nghe! Xong nhẩy lên, chèo thuyền dạo khắp mặt hồ Thanh-Thủy này này! Không bao nhiêu! Chừng một trăm cây số vuông thôi hà! Riết rồi thế nào các chú cũng gặp được một ông già mũi đỏ như trái cà chua, tay cầm có tới năm, sáu chiếc cần câu ấy. Sao Mai là lão đó đó!... Cứ tìm lão trên mặt hồ là thấy hà! Đừng vào trụ sở hãng của lão. Vô ích! Không bao giờ lão ở đó đâu. Dân "ghiền câu" mà!

Có lẽ nét mặt thiểu não của chúng tôi đã khiến ông ta cảm động thực sự. Người chủ quầy quay nhìn vào nhà trong :

- Ê, tụi bây ơi! Có đứa nào biết ai là Đỗ-văn-Tể hay về câu cá tại đây không, hả?

Chẳng có ai trả lời. Cả đám ngư ông ngồi đánh bài cũng thản nhiên, đưa mắt nhìn lơ đãng.

Trí vẫn dai như đỉa đói :

- Ông Đỗ-văn-Tể, giám đốc đoàn xiếc Tâm-Lan hiện đang hạ trại trình diễn tại Thủ Đức đó, thưa ông!

Cả cái chi tiết khá rõ rệt đó cũng không có một tác dụng gì lên tia mắt lãnh đạm của những người hiện diện. Trong khi đó, thời gian cứ lặng lẽ trôi theo tiếng tích tắc từ nơi quả lắc đen sì như rút ngắn lại cái thời gian mỏng manh hy vọng. Liếc mắt nhìn quanh, tôi thấy rõ đôi vai của Trí nhẹ rung rung và như sắp xuội xuống.

Không hiểu tại sao, tự nhiên tôi buột miệng :

- Ông Đỗ-văn-Tể có cái xe hơi mui trần, sơn màu xanh da trời đó, ông à!

- A! Vậy hả? A, Đỗ-văn-Tể là người có cái xe hơi màu xanh mui trần?

Tiếng hỏi to làm tôi quay ngoắt người nhìn lại: một ông già có hàm râu thật rậm, miệng phì phà ống điếu, đưa đôi mắt đục ngầu ngó tôi lom lom.

Trí sáp tới gần, giọng anh chứa chan hy vọng :

- Thưa cụ, cụ biết ông Tể?

Ông cụ già ho sù sụ :

- Không... biết thì không biết! Có điều tôi đã gặo một người lái chiếc xe hơi màu xanh chạy ngang đây. Ông ta hút, úi chao! Một loại xì gà chẳng hiểu mua ở đâu mà quý thế, bự lắm mà thơm vô kể. À, mà, không hiểu sao trên quần áo, đồ đạc của ông ta, chỗ nào cũng thấy có những hình mặt hề bằng đồng bóng loáng hà.

Tôi đưa mắt nhìn Trí. Anh khẽ gật. Chúng tôi đã đi đúng đường săn đuổi.

Trí hỏi ông cụ :

- Cụ có biết ông Tể thuê lều câu ở chỗ nào không cụ ?

- Thuê lều câu ?... À, có, có đấy ! Ông già chủ hãng Sao Mai cũng có nói chuyện với tôi. Lão mới cho thuê căn lều Xuân-Sơn thì phải. Phía đầu đường đằng kia kìa. Mà chẳng hiểu người thuê là ai chứ !

Trí nhìn theo hướng cánh tay chỉ :

- Đi lối nào thì tới nơi hả cụ ?

- Khó gì đâu ! Chú em cứ đi tới mút đầu con lô này, nơi đó rẽ ra hai lối. Đi theo lối bên trái.

Tiếng một người khác :

- Đâu phải ! Quẹo tay mặt chớ !

Cụ già nổi giận :

- Tay trái ! Ngày nào lão cũng đi về nẻo đó mà. Nói ẩu hoài !

Lời qua tiếng lại. Cụ già nói tay trái, một ông khách nói tay phải rồi cứ phải phải trái trái hoài tưởng chừng cẳng bao giờ chấm dứt cái cuộc tranh luận gay go không đâu ấy. Tôi bấm tay Trí. Hai anh em cúi chào ông cụ chỉ đường rồi rút lui thật nhanh.

Ra tới cửa, tiếng cãi cọ vẫn còn om sòm phía sau lưng.

Trí chạy ra nói với ông Bình-Be mọi tin tức hai anh em thâu lượm được. Biết được Đỗ-văn-Tể hiện đã thuê một căn lều câu cá tại đây. Thế là đủ. Lại biết cả tên lều Xuân-Sơn nữa. Rõ rệt lắm rồi.

Ông Bình-Be cho xe quẹo tay trái. Ngồi chót vót lên mỏm cái dựa lưng, tôi cảm thấy trống ngực đập thình thịch. Trong lúc mải mê đi hỏi thăm tin tức, tôi quên hẳn sợ hãi. Giờ đây, trên đường ruồng xét kẻ địch, tôi mới thấy nổi da gà.

Con đường, xuyên qua nhiều bãi sậy rậm, chạy song song với bờ hồ. Mặt nước trắng xóa, in hình qua những kẽ lá cây, sáng lấp lánh. Càng tiến tới, không khí bên ngoài và ngay cả ở trong xe càng có một vẻ gì nặng nề đe dọa.

Ông Bình-Be thận trọng cầm lái, mắt chăm chú nhìn mặt đường. Cứ tới gần một căn lều nào đó, xe lại chạy chậm lại để hai anh em có thể đọc được hàng chữ ghi trên bảng cây. Thì giờ vẫn vun vút trôi nhanh. Cả ba chúng tôi ai nấy đều nóng ruột như có lửa đốt. Một phút trôi qua là một phần hy vọng tiêu tan như mây khói.

Kìa rồi, một chiếc bảng gỗ kẻ sơn trắng. Xe tiến lại gần, Trí và tôi cùng đọc : Lý-Ngư ! Không phải ! Xe lại tiếp tục lăn bánh. Một căn lều nữa xuất hiện. Trí khẽ kêu :

- Ồ ! Mai-Lan ! Bỏ đi !

Ông Bình-Be lại lao xe vun vút. Rừng cây thưa dần, đột nhiên, tiếng Trí :

- Kìa rồi !

Nhìn theo tay anh chỉ, tôi nhận ra một tấm biển gỗ đã cũ mọt, tróc cả sơn. Phải khó khăn lắm mới đọc nổi hai chữ "Xuân-Sơn". Tấm biển được đóng trên đầu một chiếc cọc gỗ lớn có vẽ kèm mũi tên chỉ con đường mòn dẫn vào một căn nhà bằng gỗ nhỏ lợp mái tôn sơn đỏ thấp thoáng sau tàng cây lá rậm xanh um.

Ông Bình-Be hạ thấp giọng :

- Tôi tìm chỗ quay xe, nghe ! Hai chú em ! Trường hợp cần rút lui khẩn cấp mới sẵn sàng "dọt" ngay được chứ !

Dứt lời, ông nhẹ tay cho xe trở đầu, tắt máy, đậu lại cách vệ đường mòn chừng 20 thước.

Rồi ông vua hề ghé tai hai anh em, đôi mắt ông sáng lên, vẻ mặt quyết liệt :

- Bây giờ đến phiên tôi ra tay nghe, hai chú em ! Các chú còn bé, nguy hiểm lắm. Cứ đợi tôi ở đây nhé !

Trí nói ngay :

- Không ! Ông Bình-Be để chúng cháu đi với !

Vua hề ngập ngừng, do dự. Cho tới bây giờ, lúc nào Trí cũng là vị chỉ huy mọi cuộc "hành quân". Chính ông Bình-Be cùng đã nhiều lần gật đầu nhìn nhận cái tài hiếm có của anh. Nhưng lần này thì... không thể được. Gần một phút sau ông mới trầm giọng nói :

- Hai chú em phải nghe tôi mới được ! Lẽ ra tôi không nên để hai chú em dính dáng vào vụ rắc rối này mới phải. Hai anh em hãy còn ít tuổi, non nớt quá, lỡ một cái... có thể nguy hại ghê lắm chớ không phải vừa đâu.

Trí gật đầu cương quyết :

- Ông Bình-Be cứ yên tâm mà ! Chúng cháu lanh lắm. Không lo gì đâu !

Ông hề khẽ gật đầu, hàm răng cắn viền môi dưới :

- Thôi được ! Nếu vậy thì hai chú có thể theo tôi đi một quãng ngắn thôi. Nhưng phải hứa với tôi là sẽ lập tức chạy nhanh về tìm chỗ trốn trong xe hơi của tôi, nếu có cái gì nguy hiểm nghe !

Trí gật đầu lia lịa :

- Vâng ! Vâng ! Cháu xin hứa với ng Bình-Be đúng như vậy !

Tôi cũng vội hùa theo :

- Vâng ! Đúng như vậy ! Đúng như vậy !

Xem tiếp chương 11 - 12 & Đoạn kết