Chiếc Lá Thuộc Bài (1970) - Loại Hoa Xanh

Tủ sách Tuổi Hoa - 1971

(bản gốc năm 1970)

Chương 1 

Chương 2

Chương 3

Chương 4

Chương 5

         Chương 6 (hết)

Nguồn: HUY LÊ sưu tầm, scan và NGUYỄN MINH đánh máy

----------------------

eBOOK

PDF (bản đánh máy)

PDF (bản scan)

Chương 1

Hôm nay tựu trường. Em thức dậy thật sớm, đâu hơn năm rưỡi thì phải. Mẹ em đang lúi húi rót dầu vào bếp để đun nước. Nghe tiếng chân em, mẹ quay lại:

     - Sao không ngủ nữa Hương? Còn sớm lắm mà!

      Em bước đến ngồi xuống cạnh mẹ. Mẹ em dừng tay rót dầu để thăm chừng mực dầu trong bếp. Thấy đã đầy, mẹ vặn nút lại cho chặt. Em giúp mẹ một tay, đậy nút chai dầu. Mẹ liếc nhìn em, vừa với tay lấy cái khăn treo gần đó. Mẹ lau tay rồi trao cho em. Trong lúc em lau tay, mẹ sửa lại cổ áo của em cho ngay ngắn. Mẹ bảo:

     - Hương sốt ruột lắm phải không? Ngày xưa mẹ cũng thế đấy! Nghỉ hè ở nhà thì chỉ mong cho chóng đến ngày đi học. Nhưng Hương cứ để ý mà xem, đi học được một thời gian lại đố khỏi ao ước được nghỉ.

     Em hỏi:

     - Tháng này có ngày lễ nào không mẹ?

     Mẹ em cười:

     - Đấy! Thấy chưa? Chưa chi đã hỏi thăm ngày nghỉ rồi!

      Em cười khúc khích.

      Mẹ em châm lửa vào bếp rồi đặt ấm nước lên. Mẹ vừa điều chỉnh ngọn lửa, vừa bảo em:

     - Thôi, rửa mặt đi chứ Hương!

      Em ngồi nép sát bên mẹ:

     - Để tí xíu nữa đi mẹ. Con muốn ngồi với mẹ một lúc đã…

     - Muốn nói chuyện hở? Được rồi. Nào! Muốn nói chuyện gì với mẹ nào? Cho mẹ biết đi!

     - Thế mẹ thích nói chuyện gì?

      Liệu chừng ấm nước còn khá lâu mới sôi, mẹ em đứng dậy, dắt em đứng lên theo. Mẹ dẫn em đến cùng ngồi trên chiếc ghế đẩu.

     Mẹ hỏi:

     - Hương để mẹ tùy ý chọn chuyện để nói nhé?

      Em ngồi gọn trong lòng mẹ, đáp:

     - Vâng.

      Mẹ em im lặng, ra vẻ suy nghĩ một chút rồi mới nói:

     - Để xem nào... mẹ con mình sẽ nói chuyện...

      Em tiếp:

     - … chuyện ba đi hành quân.

     Mẹ cấu nhẹ vào má em:

     - Ơ hay, Hương đã chịu để mẹ chọn chuyện rồi cơ mà!

     Em cười:

     - Con quên... Thế mẹ chọn nhanh đi.

      Giọng mẹ em chợt nghiêm lại:

     - Mẹ chắc chuyện này Hương không thích đâu.

     Em ra vẻ cương quyết:

     - Chuyện gì con cũng chịu hết.

     - Thật nhé?

     - Vâng.

     - Vậy thì…mình sẽ nói chuyện... chuyện học của Hương. Nhé?

      Em tiu nghỉu:

     - Tưởng chuyện gì chứ! Chuyện này chán chết.

     - Đấy! Mẹ đã bảo mà. Mẹ biết Hương chẳng thích nghe chuyện này bao giờ. Nhưng      Hương cho mẹ hỏi câu này đã nhé?

     - Vâng. Mẹ cứ hỏi.

     - Hương thương ba không nào?

     Em chớp mắt, nghĩ đến ba thật nhiều. Em nghĩ đến hình ảnh ba em ôm súng ngồi gác giặc, dáng kiêu dũng của ba nơi chiến trường. Em cũng nghĩ đến những tiếng nổ ầm vang, đến mùi thuốc súng, những đốm lửa khạc từ họng đại bác, tiếng xích sắt nghiến trên đường đi của những chiến xa. Và nữa, hình ảnh ba em trong bộ quần áo trắng rộng thùng thình hồi ba nằm trong quân y viện.

      Em cúi đầu đáp nhẹ:

     - Con thương ba nhiều lắm.

      Mẹ em tiếp:

     - Mẹ nói đến chuyện học của Hương là mẹ làm theo lời ba dặn mẹ đấy.

      Em im lặng đợi nghe. Mẹ em nói:

     - Ba dặn mẹ: ngày tựu trường của Hương, ba bận đi hành quân không có nhà, mẹ phải thay ba mà khuyên nhủ Hương cố gắng học. Ba không đòi Hương học thật giỏi, không bắt Hương phải đứng nhất, đứng nhì trong lớp. Nhưng ít ra, Hương cũng phải ở những hạng trung bình...

      Mẹ em ngưng một chút rồi hỏi em:

     - Năm vừa rồi, Hương đứng thứ mấy trong lớp?

     Em đáp nhỏ:

     - Bốn mươi lăm...

      Giọng mẹ em đều đều:

      - Hạng bốn mươi lăm trong năm mươi người! Hương có biết là Hương đã khiến ba buồn lắm không? Mẹ nữa! Mẹ đã bỏ ăn tối hôm ấy, sau khi nghe Hương báo cho biết thứ hạng của Hương trong lớp. Mẹ đã khóc vì tự thấy mình thiếu bổn phận, đã không lo lắng chăm sóc đến việc học của Hương. Hương biết không? Lời ba dặn mẹ rằng: "Phải khuyên nhủ Hương cố học", không phải chỉ có ý nghĩa một lời căn dặn thông thường đâu. Mẹ biết, đó là lệnh của ba...

      Em vẫn còn cúi đầu. Mẹ em lại im lặng, chừng như để dò phản ứng của em. Thấy em không nói gì, mẹ tiếp:

     - “Phải khuyên nhủ Hương cố học”. Ba ra lệnh cho mẹ thế đó. Nhưng với Hương, mẹ không ra lệnh gì cả. Mẹ chỉ muốn nói để Hương hiểu rằng lúc nào, ba mẹ cũng mong thấy Hương chăm học. Bấy nhiêu đó thôi. Hương hiểu ý mẹ chứ?

     Em gật đầu không đáp. Mẹ em cũng im lặng theo. Bầu không khí bỗng trở nên ngột ngạt khác thường.

      Em thấy mình có lỗi quá. Năm học vừa qua, quả thật em đã lơ là hết sức. Phần vì ba em đổi ra đơn vị tác chiến, đi hành quân liên miên, không còn thì giờ xem chừng việc học của em như trước nữa. Phần mẹ, mẹ quá tin ở em. Em luôn nói với mẹ là em hiểu bài, em thuộc bài, em đã làm bài tập xong, em được điểm tốt. Trong lúc sự thật không phải thế. Phần nữa, những trò chơi hấp dẫn của những nhỏ bạn đã lôi cuốn em nhập bọn. Hai lần, em dám nghỉ học để theo chúng đi chơi. Một lần khác, em mải theo chúng chơi đùa quên cả giờ chơi đã hết, khiến sau đó với tội vào lớp trễ, cả bọn bị phạt đi cấm túc ngày chủ nhật. Và rồi, hậu quả cuối cùng của năm học; em đứng hạng bốn mươi lăm trên năm mươi!

      Mẹ em nói:

     - Bây giờ, mẹ chỉ muốn nghe Hương hứa với mẹ một lời thôi!

      Em hỏi:

     - Mẹ muốn con phải hứa gì?

     - Mẹ muốn Hương hứa với mẹ là năm nay, Hương sẽ chăm học.

     - Vâng… con hứa với mẹ... con hứa năm nay con sẽ chăm học... (Giọng nói của em bỗng nghẹn ngào, có lẽ vì quá cảm xúc)... Mẹ... Mẹ tin con chứ? Mẹ?

     Em nghe nóng bừng đôi mắt. Rồi không dằn được nữa, em gục đầu vào ngực mẹ mà khóc. Em nghĩ nhiều đến ba mẹ cùng nỗi lo buồn của các người.

     Mẹ em ôm em, giọng dịu dàng:

     - Nín đi Hương. Mẹ tin Hương rồi! Mẹ biết Hương ngoan, luôn luôn nghe lời ba mẹ. Mẹ cũng nhận một phần lỗi nơi mẹ. Mẹ đã không chịu coi sóc kỹ càng việc học của Hương...

      Em vẫn còn thút thít. Mẹ em bảo:

     - Thôi! Hương đi rửa mặt đi chứ. Có lạnh để mẹ pha nước nóng cho. Trời bắt đầu sáng rõ rồi.

     - Thôi mẹ ạ, con rửa nước lạnh được.

      Em ngước nhìn trời. Màu nắng sớm đã lên, dần đuổi bóng đêm u tối. Hôm nay, ngày tựu trường. Năm học mới lại bắt đầu... Vâng! Nhất định con sẽ học khá hơn năm ngoái. Con hứa sẽ chăm học. Mẹ tin con mẹ nhé! Ba yên lòng, ba nhé!

 

*

 

      Em mặc chiếc áo dài mới. Em lớn hẳn ra không ngờ. Nghỉ hè chưa đầy ba tháng mà hôm sửa soạn quần áo để đi học cách nay một tuần, lúc ướm thử chiếc áo dài cũ, em đã phải ngạc nhiên thấy chiếc áo ngắn đi. Và mặc vào, em mới thấy chật chội quá chừng. Thế là mẹ em phải vội đi mua vải về cắt may cho em chiếc áo dài khác. Chiếc áo em mặc hôm nay đây. Mẹ mỉm cười khen:

     - Hương mặc áo mới nom xinh tệ!

     Em thẹn đỏ mặt. Mẹ em còn hứa:

     - Rồi mẹ sẽ may thêm cho chiếc nữa để mặc thay đổi. Mấy chiếc áo cũ thì thôi, bỏ đó đi.

      Mẹ đưa em đến tận cổng trường rồi mới chịu quay về. Trước khi quay gót, mẹ nhắc nhở:

     - Cố học, Hương nhé!

     Em gật đầu khẽ, ôm cặp trước ngực nhìn theo bóng mẹ xa dần.

     Nhà em cách trường không xa, ở về phía mặt trời mọc. Nắng hồng cản ánh mắt nhưng em vẫn đứng lặng thinh dõi theo bóng mẹ. Trí em miên man nghĩ đến câu chuyện lúc sáng sớm nay cùng lời hứa của em với mẹ. Em lẩm nhẩm: "Nhất định mình sẽ học khá hơn năm vừa qua".

     Chợt phía sau em có tiếng gọi:

     - Ê! Nhỏ Hương đó phải không?

      Em quay lại. Mắt nhìn về phía nắng hơi chói nên trong một thoáng, em chưa nhận ra người đối diện. Tuy nhiên, em nhận được ngay giọng nói quen thuộc của nhỏ Ngân, nhỏ bạn thân nhất của em. Nhỏ có tiếng là lém lỉnh, nghịch phá nhưng cũng rất tốt bụng, nhất là với em. Nhỏ Ngân nói:

     - Trời ơi! Mầy mà tao tưởng ai chớ. Tại cái áo mới này nè! (Nhỏ nhìn khắp người em một lượt) Mầy mặc áo mới coi lạ ghê vậy đó!

      Em cười khoe:

     - Mẹ tao mới may cho đó. Sao? Được không?

      Nhỏ Ngân:

     - Mẹ mầy may áo dài thì nhất rồi!

      Nói đoạn, nhỏ đến sát bên em, nắm tay em đưa lên mũi hít hà:

     - Ối chao! Còn cả mùi băng phiến nữa chớ. Hôm nay, chắc mầy "nổi" nhất lớp rồi đó.

      Em trêu bạn:

     - Tao mà "nổi" nhất lớp? "Nổi" nhì thì may ra...

     - "Nổi" nhì? – Nhỏ Ngân có vẻ ngạc nhiên.

     - Ừ! Mầy biết ai "nổi" nhất lớp không?

     - Ai? Đâu, mầy nói tao nghe thử coi nào?

     - Mầy chứ còn ai nữa? (Em bỗng khúc khích cười)… Nhất là lúc mầy cười (em cười to) hở cái răng sún thật "đẹp".

     Nhỏ Ngân đỏ mặt, nhéo em một cái đau điếng:

     - Đồ quỷ ở đâu ấy! Mầy trêu tao đó phải không? Nhưng mà nè… "Bản cô nương" cho nhà ngươi biết điều này, nhà ngươi nói sai bét rồi. "Bản cô nương" đâu còn sún răng nữa...

      Em chưa kịp nói gì thì nhỏ Ngân đã há miệng, chỉ tay vào chỗ chiếc răng sún trước kia: chiếc răng đã nhổ. Nhỏ vẫn há miệng, ú ớ:

     - … ao... ổ.... ồi...

      Em bật cười khanh khách. Nhỏ cũng cười theo.

      Từ đằng xa có tiếng nhỏ Điệp:

     - Có chuyện gì mà vui vẻ vậy? Hương! Ngân! 

 

*

     - Nguyễn Thùy Hạnh! Trương Thị Mỹ Hiếu! Đặng Tuyết Hồng! Hoàng Bảo Hương!

      Em theo chân bọn nhỏ Hạnh, Hiếu, Hồng cùng bước vào lớp. Bà giám thị chỉ tay về phía chiếc bàn thứ hai dãy trái, nói:

     - Bốn đứa đến ngồi bàn đó! Mau đi!

      Em dành ngồi đầu bàn, phía lối đi giữa. Nhỏ Hạnh cũng đòi ngồi chỗ này. Chẳng đứa nào chịu nhường đứa nào.

      Thấy hai đứa còn đứng chưa chịu ngồi vào chỗ, bà giám thị quay vào hỏi:

     - Chuyện gì vậy?

      Nhỏ Hạnh rất sợ bị la, đành chịu thua em. Nhỏ qua ngồi đầu bàn bên kia. Trước khi đi qua bên ấy, nhỏ dọa em:

     - Đừng hòng tao cho coi bài!

      Em đáp:

     - Không cần!

     - Rồi coi! Tao chỉ sợ hồi đó lại lo năn nỉ tao…

      Cái mặt nhỏ nghinh lên dễ ghét. Nhỏ ỷ học giỏi nhất lớp mà!

      Em quay sang nói chuyện với nhỏ Hiếu ngồi cạnh – nhỏ Hống ngồi giữa nhỏ Hạnh và Hiếu - trong lúc bà giám thị tiếp tục gọi tên để sắp chỗ. Em nói:

     - Năm nay bà Giám Thị bày đặt ghê mầy nhỉ? Không cho tụi mình ngồi ngồi tự do như năm rồi nữa…

     Nhỏ Hiếu than:

     - Tao rầu quá mầy ơi! Tao đã hẹn với con Phương là năm nay hai đứa tao sẽ ngồi cạnh nhau… Vậy mà...

     - Tao cũng vậy, tao với con Ngân cũng hẹn với nhau...

     - Ê! Hay là chút nữa mình xin đổi? Tên con Ngân với con Phương kế nhau. Tao sẽ xin đổi chỗ với con Ngân, được không?

     - Nhưng... làm sao xin đổi được?

     Vừa lúc, nhỏ Ngân được bà giám thị gọi tên đi ngang. Em nói khẽ với nhỏ ấy:

     - Ê! Kiếm cách xin đổi chỗ lên đây nghe!

     Nhỏ gật đầu:

     - Yên chí đi, thế nào tao cũng lên ngồi cạnh mầy mà.

      Em nhìn theo nhỏ Ngân. Nhỏ ấy ngồi bàn năm dãy trái. Cạnh nhỏ là nhỏ Phương. Em bảo nhỏ Hiếu:

     - Đợi chút nghe, con Ngân nó hứa kiếm cách đổi chỗ với mầy rồi đó.

     Gì chứ về cái tài khôn vặt thì trong lớp, chẳng ai bằng nhỏ Ngân. Vì thế, nghe em nói, nhỏ Hiếu có vẻ yên lòng. Nhỏ ôm cặp vào lòng chờ đợi. Em nhìn về phía bà giám thị mà sốt ruột. Còn đâu hơn chục đứa mà bà cứ nhẩn nha gọi từng đứa một:

     - Đỗ Bích Thu!

      Nhỏ Thu ôm cặp bước vào lớp. Qua khỏi cửa, nhỏ bước nhanh về chỗ. Bà giám thị nhìn theo mắng:

     - Này! Làm gì mà vội thế hở? Con gái thì phải dịu dàng, đoan trang chứ ai lại đi đứng như thế? Khua guốc ầm cả lên. Nếu đứa nào cũng như mầy, có ngày sập lầu cũng nên...

      Cả lớp cười ồ. Nhỏ Thu nhún vai, nói một mình nhưng vẫn đủ để mọi người nghe được: "Sập lầu thì xây lại chứ có gì mà than".

     Bà giám thị có vẻ giận nhưng làm ngơ.

     Bỗng nhiên em nhớ đến lần đi cấm túc năm ngoái. Lần ấy, năm đứa bị cấm túc là nhỏ Ngân, Điệp, Nga, Thu và em. Chính bà giám thị là người đã canh chừng năm đứa em. Bà áp dụng thật đúng nghĩa hai chữ "Cấm túc". Bà bắt năm đứa em ngồi một chỗ, không cho đi đâu cả. Ác một cái nữa là bà lại không cho chép phạt như những bọn khác thường bị, bà bắt tụi em ngồi khoanh tay im lặng. Thử hỏi gần suốt buổi sáng cứ ngồi như thế, làm sao tụi em chịu nổi. Nhỏ Thu chịu trận được chừng nửa tiêng thì có vẻ khó chịu lắm. Nhỏ đứng dậy thưa:

     - Thưa cô, xin phép cô cho em ra ngoài một chút ạ…

     Bà giám thị lắc đầu:

     - Không có đi đâu hết!

     - Nhưng thưa cô... em… nhột bụng quá…

      Vừa nói, nhỏ vừa nhăn nhó ra dáng khó chịu lắm. Bà giám thị có vẻ không tin nhưng đành phải cho nhỏ ấy ra.

     - Được, đi đâu thì đi đi, nhưng tôi kỳ hẹn cho mười phút sau là phải có mặt ở đây, nghe chưa?

      Nhỏ Thu vâng dạ rồi chạy nhanh ra khỏi phòng. Bà giám thị nhìn theo khẽ lắc đầu khi thấy nhỏ Thu chạy về phía hàng rào trường, nơi có một cái quán nhỏ. Bà muốn theo để bắt quả tang nhưng còn kẹt bốn đứa em, nếu bỏ đi, tụi em khác nào như được sổ lồng?

      Một lúc sau nhỏ Thu về. Bà giám thị hỏi:

     - Mầy đi mua đồ ăn phải không? Vậy mà dám nói dối là... nhột bụng.

     Nhỏ Thu ra vẻ ngạc nhiên:

     - Thưa cô... thì em nhột bụng thật đấy chứ!

     - A! Còn dám ngang nhiên nói thế nữa? Gan quá rồi...

     - Thưa cô, em nhột bụng thật mà... Tại vì từ sáng đến giờ, em chưa ăn gì cả nên cái bụng nó mới... nhột, mới đòi ăn... em xin phép cô, chính cô bằng lòng cho em đi mà...

     Bà giám thị thở dài, lắc đầu:

     - Thôi, về chỗ đi, con quỷ nhỏ! Mầy đúng là gan cóc tía. Dám trêu tao nữa chứ...

     Nhỏ Thu cười đắc chí, bước về chỗ ngồi thật ngoan. Em huých tay nhỏ nói khẽ:

     - Mày chơi chữ được đấy! Tao khen.

     Nhỏ đáp:

     - Chưa hết đâu, còn nữa...

      Rồi nhỏ rút một tay khỏi bàn, vén vạt áo dài lên. Em hồi hộp theo dõi, suýt chút nữa em phải kêu lên mừng rỡ. Một bịt ni lông đựng đầy me ngâm!

      Bịt ni lông đựng đầy me ngâm ấy đã đưa nhỏ Thu lên địa vị của nhỏ Ngân trước kia, cầm đầu cả bọn, điều khiển những vụ chọc phá thầy cô, bạn bè. Nhỏ Ngân bị mất “chức", có vẻ tức lắm. Thế là nhỏ đua với nhỏ Thu bày đặt những trò ngày một “ác liệt” hơn. Hai nhỏ nổi tiếng khắp lớp. Phần các nhỏ Điệp, Nga và em, vì cùng chơi với hai nhỏ Thu, Ngân nên cũng có chút ít tên tuổi.

      Vừa rồi, ngay đầu năm học, nhỏ Thu đã tỏ ra là tay lì chẳng kém gì năm ngoái. Sự việc khiến em nhớ đến những lời của mẹ. Nhỏ Thu vẫn tinh nghịch như năm vừa qua, hẳn nhỏ Ngân không chịu kém. Nếu nhỏ Ngân ngồi cạnh em, thế nào em cũng bị lôi kéo vào những trò chơi không tốt. Mà như vậy thì lời em hứa với mẹ…? Em biết, ở gần một người không tốt, thì hoặc mình lôi kéo họ theo mình, hoặc mình bị họ dụ dỗ. Em sợ vì có nhỏ Ngân ngồi cạnh mà em sẽ không thể thực hiện được ý định sẽ chăm học của mình. Em mà không giữ được lời hứa với mẹ, em có lỗi biết là chừng nào, bà ba mẹ em sẽ buồn biết bao nhiêu!

      Tự nhiên, em thầm mong cho nhỏ Ngân đừng xin đổi lên ngồi cạnh em được. Em chìm trong ý nghĩ rằng mình sẽ học thật giỏi để ba mẹ được vui lòng. Em nhìn sang nhỏ Hạnh, nhỏ ấy đã lấy tập ra để sẵn trên bàn, ngồi khoanh tay im lặng. Mặt nhỏ ấy nghiêm lại. Hèn chi, nhỏ Ngân chẳng hay gọi đùa nhỏ ấy là "Bà cụ Hạnh", lúc nào mặt cũng nghiêm trang như… bà cụ! Nhỏ Hạnh chỉ được một điểm đáng khen là nhỏ học rất giỏi. Em bỗng ao ước mình được như nhỏ Hạnh. Nếu em đứng hạng cao trong lớp? Nếu em được lãnh bảng danh dự hàng tháng như nhỏ Hạnh?

      Bà giám thị hỏi:

     - Có đứa nào khiếu nại gì không?

      Em quay xuống nhìn nhỏ Ngân, thầm mong nhỏ đừng giơ tay lên. Nhưng nhỏ đã giơ tay lên rồi. Bà giám thị:

     - Khiếu nại gì?

      Nhỏ Ngân đứng lên:

     - Thưa cô, em nhìn chữ trên bảng không rõ ạ.

     Bà giám thị nheo mắt:

     - Cận thị à?

      Có mấy tiếng cười khúc khích vang lên. Cả lớp cùng nhìn nhỏ Ngân. Nhỏ Điệp từ bàn hai, dãy phải quay xuống phía nhỏ Ngân nói:

     - Nó cận thị hai độ đó cô ơi!

     - Cận thị hai độ cơ à? Sao không đeo kính?

      Nhỏ Điệp nói vuốt đuôi:

     - Ờ, cận thị sao không đeo kính mầy, Ngân?

      Nhỏ Ngân hất mặt về phía bạn:

     - Im mầy...

     Rồi quay về phía bà giám thị, nhỏ đáp:

     - Thưa cô, kính em lên độ, em đem thay kính chưa kịp lấy về.

     Bà giám thị tin lời ngay:

     - Được rồi, thế bây giờ muốn đổi lên chỗ nào?

     - Thưa cô, cỡ bàn hai ạ.

     Nói rồi nhỏ Ngân nháy mắt với em. Em bỗng dùng dằng giữa hai ý tưởng: muốn và không muốn để nhỏ Ngân lên ngồi cạnh mình.

      Bà giám thị hỏi:

     - Có đứa nào ở bàn hai chịu đổi chỗ không?

      Nhỏ Ngân nhìn em ra ý thúc hối. Một giây thoáng qua, em hành động với đầu óc trống rỗng. Em bảo nhỏ Hiếu:

     - Mầy đưa tay xin đổi đi Hiếu!

      Nhỏ Hiếu có tiếng là nhát, nghe em nói, nhỏ còn chần chờ mãi mới dám đứng lên:

     - Thưa cô, em xin đổi với chị Ngân!

     Bà giám thị gật đầu.

      Thế là nhỏ Ngân hí hửng ôm cặp lên đổi chỗ với nhỏ Hiếu. Em thoáng thấy lo sợ khi nghĩ đến viễn ảnh việc học của mình không như ý ba mẹ mong muốn chỉ vì có nhỏ Ngân ngồi cạnh.

      Nhưng rồi nhỏ Ngân khiến em quên ngay sự lo sợ ấy. Nhỏ nói:

     - Mầy thấy tao tài chưa?

     - Tao chịu mầy rồi đó.

      Nhỏ Hồng hỏi:

     - Mầy cận thị hai độ từ bao giờ thế Ngân?

      Nhỏ Ngân che miệng cười:

     - Tao cận thị cách đây... năm phút!

      Vừa nói, nhỏ vừa liếc nhìn bà Giám Thị, lúc bấy giờ đang sắp lại chỗ ngồi cho bọn nhỏ Cẩm Chướng.

     Xong xuôi đâu đấy, bà quay ra căn dặn cả lớp:

     - Bây giờ, cả lớp ngồi im đợi giáo sư. Đứa nào nói chuyện làm ồn lớp bên cạnh, cả lớp chịu phạt chung. Nghe rõ chưa?

      Mấy chục cái miệng đáp "" thật lớn.

      Nhưng rồi sau đó, khi bà Giám Thị đi khỏi, lớp ồn hẳn lên.

      Nhỏ Điệp đứng lên nói với nhỏ Ngân:

     - Nè Ngân! Mầy phải nhớ ơn tao đó nghe. Nhờ tao nói thêm, mầy mới được đổi chỗ đó.

     Nhỏ Ngân đứng dậy đưa hai tay che mắt, cau mày lại, vờ như người cận thị nặng:

     - Ai nói gì đấy? Điệp hả? Cám ơn mầy lắm nghe.

      Sau đó, hai nhỏ cùng bật cười khanh khách.

     Nhỏ Phương hỏi vọng lên:

     - Mầy cận thị thật không hở Ngân?

     Nhỏ Ngân cười hinhh ích đáp:

     - Mầy tin tao cận thị thật không?

     - Thế ra mầy nói láo với bà Giám Thị à?

     - Chứ sao! Mầy tưởng tao ngán “bả” hở?

      Nhỏ Hạnh ra điệu bà cụ:

     - Nè! Tụi bay quên lời bà Giám Thị rồi sao? Cả lớp bị phạt bây giờ.

     Nhỏ Hồng tiếp thêm:

     - Tụi bây phải biết tụi bây không muốn bị phạt thì cũng đừng làm gì để người khác bị phạt chớ! Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân [1](1) mà!

      Em bụm miệng cười:

     - Con Hồng xổ nho mầy Ngân ơi!

     - Nho gì?

     - Nho... thúi!

      Nhỏ Hồng nghe lọt hết. Vừa nói thêm một câu để lấy lòng nhỏ Hạnh – có lẽ để mong nhỏ Hạnh cho chép bài sau này – đã bị bọn em trêu, nhỏ tức lắm thì phải. Nhỏ "" một tiếng rồi quay sang nói chuyện với nhỏ Hạnh. Hai "bà cụ" nói chuyện thật khẽ.

 

*

     Một lúc sau, cô giáo mới bước vào. Cả lớp vụt im lặng, cùng đứng dậy chào cô. Cô cho ngồi xuống, sự ồn ào trở lại liền sau đó. Có những tiếng xì xào hỏi nhau:

     - Đố tụi bay cô dạy gì?

     - Quốc văn!

     - Vạn vật!

     - Xời ơi! Cô hiền thế kia mà bây dám bảo cô dạy quốc văn với vạn vật à? Cô dạy nhạc thì có.

     - Bây ơi! Cô vẽ mắt!

     - Ê! Đố bây cô đi guốc cao gót mấy phân!

      Cô giáo mới gõ thước. Lớp tạm im lặng đôi chút. Bấy giờ, cô mới lên tiếng giới thiệu:

     - Cô tên là Viên, Thục Viên. Năm nay, cô phụ trách ở lớp này môn… toán!

      Cả lớp chưng hửng, nhao nhao lên:

     - Cô dạy toán bây ơi!

     - Cô đừng bắt làm toán nhiều nghe cô!

     - Cô đừng bắt lên bảng nghe cô, lên bảng mắc cỡ lắm cô ạ.

     - Cô cho chép bài ngắn thôi nghe cô. Tụi em thông minh lắm (?). Học ít nhưng hiểu nhiều!

     Cô Thục Viên lại phải đập thước để giữ trật tự:

     - Các em im lặng đi. Những chuyện như chép bài, làm toán, lên bảng... mình sẽ bàn sau. Bây giờ cô muốn biết sơ về lớp các em một chút, có được không nào?

      Cả lớp tranh nhau khoe:

     - Lớp tụi em học giỏi nhất (?) đó cô!

     - Lớp tụi em nổi tiếng là ngoan nhất trường đó cô.

     - Cô ơi, năm rồi ban hợp ca lớp tụi em được giải nhất đó.

      Cô Thục Viên hỏi:

     - Em nào đứng nhất lớp này?

     - Con Hạnh kìa cô!

     - Nó hay khóc lắm cô ơi!

     - Nó sợ lên bảng lắm đó cô, lên bảng nó run khiếp luôn...

      Cô Thục Viên hỏi nhỏ Hạnh:

     - Em hạng nhất lớp phải không? Thế nào? Những lời của các bạn em nói có đúng không? À, còn điều này nữa, riêng môn toán, em hạng mấy?

     Nhỏ Hạnh đáp:

     - Thưa cô, em cũng nhất!

     Cô Thục Viên nhìn nhỏ Hạnh thật lâu:

     - Cô mong năm nay em cũng cố gắng để đứng hạnh nhất nữa. Cố học nghe Hạnh!

     Em nghe chừng tiếng mẹ em đâu đây: "Cố học, Hương nhé!" Em thấy thèm thuồng địa vị của nhỏ Hạnh quá. Con nhất định, vâng, con nhất định phải cố học hết sức để ba mẹ được vui. Con đã hứa, con sẽ nhớ hoài lời con hứa...

      Trên kia, cô Thục Viên đang điểm danh. Tiếng cô trong và rõ:

     - Nguyễn Ngọc Ánh!

      Em mở cặp lấy tập ra. Mẹ em mua cho em toàn giấy bao tập màu xanh lá cây. Mẹ bảo màu xanh là màu hy vọng. Mẹ hy vọng em sẽ học thật khá.

     - Hoàng Bảo Hương!

      Nhỏ Ngân huých tay em:

     - Cô gọi mày kìa!

      Em giật mình đứng dậy. Cô Thục Viên bỗng nhìn em chăm chăm. Em lo sợ cô phạt mình về tội lơ đãng trong lúc cô điểm danh, cô gọi mà không hay biết. Cô hỏi em:

     - Em là Bảo Hương?

      Rất ít khi em nghe người khác gọi tên em bằng hai chữ. Bỗng dưng hai chữ Bảo Hương em nghe thấy là lạ, nhưng người gọi tên bằng hai chữ đó. Cô Thục Viên, lại khiến em thấy đầy thân mật, thương yêu. Em đáp:

     - Thưa cô phải.

     Cô Thục Viên lại hỏi:

     - Nhà em ở gần đây không?

     Em ngạc nhiên thấy cô hỏi chuyện mình. Có lẽ cô đoán được tâm trạng của em, cô kể:

     - Cô hỏi có hơi tò mò một chút phải không? Tại cô thấy Bảo Hương giống em gái của cô quá… Cô nhìn em mà tưởng đang nhìn nó chứ…

     Nhỏ Ngân cấu tay em nói:

     - Mầy có đường rồi Hương ơi. Thế nào mầy cũng được cô cưng.

      Cô Thục Viên đã cho em ngồi xuống. Đoạn, cô đã nhìn vào sổ, sửa soạn gọi tên đứa kế tiếp. Bỗng cô ngẩng lên:

     - À này Bảo Hương.

      Em đứng lên:

     - Thưa cô gọi em.

     - Năm ngoái, Bảo Hương đứng thứ mấy trong lớp nhỉ?

      Em chợt thấy cay nơi mắt. Em nhớ đến mẹ, đến ba em. Em nhớ đến con số bốn mươi lăm… Nước mắt em chợt ứa ra, lăn dài.

      Giọng cô Thục Viên đầy ngạc nhiên:

     - Kìa, sao vậy Bảo Hương?

     Nhỏ Ánh đứng lên đáp thay em:

     - Thưa cô, năm rồi nó đứng hạng bốn mươi lăm...

      Cô hiểu. Tiếng "à" không thoát thành âm thanh, miệng cô hơi hé tròn thật xinh. Cô bảo em:

     - Bảo Hương ngồi xuống đi.

      Rồi cô gọi tên những đứa kế tiếp. Tiếng cô vẫn trong và rõ. Nhỏ Ngân bảo em:

     - Mầy rõ kỳ! Có vậy mà cũng khóc!

      Em nói với nhỏ ấy một câu chẳng ăn nhập vào đâu:

     - Năm nay, tao sẽ học giỏi cho mầy xem!

      Nhỏ Ngân ngạc nhiên. Đôi mắt nhỏ ấy mở tròn!

-----------------------------------------------------------------------------

[1] (1) Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người.

Xem tiếp chương 2