Chân Dung Hạnh Phúc - Chương 3 & 4

Chương 3

Cô Trâm chọn địa điểm tập dượt màn "Hoa hậu Quốc Tế" tại nhà Kim Thoa. Nhà Kim Thoa rộng lại vắng người, ba me nó đi Sàigòn đến tháng sau mới về, chỉ còn một người giúp việc, anh Tùng và nó trong ngôi nhà rộng thênh thang.

Hơn nữa, cô Trâm và gia đình Kim Thoa là chỗ quen biết, người chị đầu của Kim Thoa, chị kim Xuyến ngày xưa là bạn thân của cô Trâm, hiện giờ chị đã theo chồng vào Nha Trang lập nghiệp.

Chiều nay là buổi tập dượt đầu tiên, tôi quấn chăn nằm học bài thì Bội Nga chạy vào phòng tôi lôi dậy:

- Chị tiên, đi với em.

Tôi mệt mỏi:

- Nga đi một mình đi, chị có tập mô mà phải tới đó.

Bội Nga nũng nịu:

- Bữa qua bổ em còn đâu chân đạp xe không được, chị chở em đi một chút mà.

Nhìn cái nhăn mặt dễ thương của Bội Nga tôi không thể từ chối được, tôi có tính hay chiều em.

- Ừ thì đi.

Tôi ngồi dậy chải sơ mái tóc, với lấy chiếc áo dài màu đen khoác vào người. Bội Nga la lên:

- Chị bận màu chi mà đên tối rứa chị tiên ?

Tôi không đáp, tôi lặng lẽ xuống lầu dắt xe ra cổng, Bội Nga cầm chiếc áo lên chạy ra sau:

- Chị mặc áo lên vô kẻo lạnh, chị tiên.

Gió lạnh tạt vào người làm tôi mới nhớ, tôi đỡ tấm áo lên trên tay Bội Nga:

- Chị quên.

Tôi như người mất hồn, tôi như người sửng vía, bởi tôi đang buồn đến nhão người ra, bởi tôi sắp đi đến một nơi tập trung toàn người đẹp, tôi sắp là con vịt trời chen chân giữa đám thiên nga.

Kim Thoa đứng đón chúng tôi trước cổng, Bội Nga hỏi:

- Tụi nó đến đông đủ chưa mi ?

- Rồi, cô Trâm cũng đến rồi.

Tú Nhi, cô bé được chọn làm hoa hậu Mã Lai, từ trông nhà chạy ra:

- Bội Nga, tới trễ rứa mi, cô Trâm chờ mi đó.

Tôi theo Bội Nga và Tú Nhi vào phòng khách, các nàng "hoa hậu quốc tế" đã tụ tập đầy đủ, Cẩm Thạch pha trò khi thấy Bội Nga bước vào:

- Hoa hậu Việt Nam vào, mời phái đoàn đứng dậy nghinh tiếp.

Tôi cúi đầu chào cô Trâm rồi lặng lẽ rút ra nhà sau, Kim Thoa níu tay tôi:

- Ngồi đây coi tụi nó tập mi.

Tôi lắc đầu:

- Thôi mi coi đi, tao ra vườn xem hoa.

Tôi gặp Tùng đang cuốc đất ở cuối vườn, nghe tiếng động, Tùng ngừng cuốc nhìn lên:

- Bội Tiên.

Tôi cười:

- Anh Tùng làm chi đó ?

Tùng nhìn vào luống đất:

- Tôi định xới một vồn đất nhỏ để gieo hạt.

- Anh định trồng lại chi rứa ?

Tùng đưa tay áo lên lau mồ hôi:

- Chả biết nữa Tiên, của thằng bạn nó nhờ, nhà nó không có đất. Tiên tới chơi với Kim Thoa đó à, đã gặp nó chưa ?

- Dạ rồi. Tiên đưa Bội Nga đến đây tập kịch.

Tùng vỗ tay vào trán:

- À, tôi nhớ rồi, hôm tê chị Trâm có nói chuyện.

Tùng chỉ chiếc ghế đá cạnh đó :

- Tiên ngồi chơi. Trời chiều ni tạnh đẹp ghê Tiên hí.

- Da, mấy bữa ni mưa hoài, thiệt chán.

Tùng dựng chiếc cuốc bên gốc măng cụt, đến ngồi cạnh tôi:

- Nghe Kim Thoa nói Bội Tiên bữa ni có kiêm thêm nghề cô giáo nữa phải không ?

Tôi đỏ mặt:

- Anh dùng danh từ chi mà lớn rứa. Tiên dạy dùm cho chị Thanh Xuân.

- Ở mô lận Tiên ?

- Dạ ở Vỹ Dạ đi xuống một chút, trong một thôn xóm thật hiền hòa.

- Tiên thấy vui không ?

- Dạ vui, tụi con nít ở đó dễ thương lắm anh.

Tùng gật gù:

- Việc làm của Bội Tiên thật hữu ích.

Tôi nhìn sang Tùng, chiếc mũi anh thật thẳng, vầng trán cao và đôi mắt dịu dàng. Tâm hồn tôi bỗng dưng xao xuyến lạ . Chỉ có Tùng, người con trai duy nhất ấy, đã nói bên tôi những lời ân cần dịu ngọt, đã nhìn tôi bằng ánh mắt hiền hòa và đã khen tôi với những câu thành thật. Khác hẳn với những người bạn khác của anh Tuấn, mỗi lần đến nhà tìm anh, họ không thèm chào hỏi tôi một tiếng, họ xem tôi như không có trước Bội Nga xinh đẹp. Dù tôi không hề có ý ghen với em tôi, nhưng sao mỗi lần vậy, tôi lại cảm thấy tủi thân vô cùng.

Có tiếng Kim Thoa gọi:

- Anh Tùng, có người muốn gặp anh nì.

Tùng và tôi cùng nhìn về phía Thoa, Thoa đang dẫn Phượng Liên, cô bé đóng vai hoa hậu Đài Loan, ra vườn tìm Tùng, Phượng Liên ngồi ở đầu bàn tôi, cô bé rất đẹp nhưng có tính tự kiêu không ai bằng, theo lời Kim Thoa kể, hình như Phượng Liên đang thầm yêu Tùng.

Tôi nghĩ đến thân phận mình mà buồn muốn khóc, Phượng Liên với nhan sắc đó mới thật xứng đáng làm người yêu của Tùng.

Thấy Tùng ngồi cạnh tôi, Phượng Liên có vẻ khó chịu:

- Không ngờ anh Tùng lại ngồi đây.

Tùng ngạc nhiên:

- Ngồi đây thì đã răng ? Phượng Liên kiếm tôi có chuyện chi không ?

Cô bé kênh kiệu:

- Liên địnhh rủ anh vô xem tụi ni tập diễn, vui lắm.

Tùng hơi mĩm cười:

- Thôi, để mấy cô tập với nhau, có tôi thêm mất tự nhiên đi. Hơn nữa tôi bận nói chuyện với Bội Tiên...

Phương Liên nhìn tôi bằng cặp mắt khinh thường:

- Chắc Bội Tiên nói chuyện hấp dẫn lắm phải không anh Tùng ?

Tùng chau mày:

- Phượng Liên nói chi tôi chưa hiểu ?

Phượng Liên nhìn lên những đọt lá non trên cành cây măng cụt chậm rãi nói:

- Vì ngoài cái đó ra, Bội Tiên chả có gì để anh phải lưu tâm đến như rứa.

Tôi lặng người, tôi giận tái mặt, hai tay tôi buông thõng xuống đất và toàn thân run rẩy nhưng Tùng đã nói dùm tôi:

- Phượng Liên nên giữ gìn lời ăn tiếng nói một chút, tôi thấy Phượng Liên hơi... bất lịch sự rồi đó nghe.

Bị chạm tự ái, Phượng Liên hơi lớn tiếng:

- Anh Tùng đừng nghĩ xấu cho Liên. Liên nói ra một sự thực mà thôi.

Tùng cười khẩy:

- Đó không phải là sự thực, mà chỉ là quan niệm của riêng Phượng Liên mà thôi. Tôi mong rằng, lần sau, tôi không còn nghe những lời khinh người như thế nữa.

Quay sang tôi lời Tùng dịu dàng:

- Tiên đừng để ý, Tiên đừng buồn, nghe Tiên.

Tôi nhìn anh bùi ngùi:

- Tiên biết Tiên xấu, Tiên biết Tiên vô duyên, không ai ưa Tiên hết.

Tùng lắc đầu:

- Tiên đừng bi quan rứa, Tiên không nghe người ta nói: "Cái nết đánh chết cái đẹp" răng ?

Kim Thoa ngó Phượng Liên:

- Nếu biết mi làm buồn con Bội Tiên, tao đã không dắt mi ra đây.

Phượng Liên giận luôn Kim Thoa:

- Ai chẳng biết con Bội Tiên là bồ ruột của mi, biết có nó ở đây tao cũng không thèm ra mô.

Rồi cô bé núng nguẩy quay đi :

- Cái mặt ngó hãm tài, lại thêm bộ đồ đen nữa, xui can không nổi.

Tôi không ngăn được dòng lệ tủi hờn lăn dài trên má, Kim Thoa ôm vai tôi:

- Đừng buồn nữa Tiên, ai còn lạ chi con Phượng Liên nớ, khinh người một cây đó.

Tùng đứng lên bảo Kim Thoa:

- Anh cũng không ưa nổi con bé nớ, thiệt « hữu sắc vô hương ». Thoa ngồi đây nói chuyện với Bội Tiên nghe, anh lên trường có chút việc.

Bên trông nhà, nhóm tập diễn cũng đã giải tán, Bội Nga chạy ra tìm tôi:

- Chị Tiên ơi ! Chị Tiên.

Thấy những giọt nước mắt còn đọng trên mi tôi, Bội Nga ngạc nhiên:

- Răng chị khóc rứa chị tiên ?

Tôi cúi đầu, cắn chặt làn môi. Kim Thoa kể cho Bội Nga nghe sự việc vừa xảy ra, cô bé quắc đôi mắt phượng:

- Được rồi, trước sau, tao cũng cho con Phượng Liên một bài học.

Tôi đứng dậy níu tay em:

- Thôi đừng nữa Bội Nga, bỏ qua đi.

Bội Nga nhíu mày:

- Bỏ răng được, chị hiền quá đi chị Tiên, chị hiền quá rồi người ta lại bắt nạt chị đó.

Tôi quàng vai em:

- Thôi mình về đi, em không nghe người ta nói à, một sự nhịn bằng chín sự lành.

Kim Thoa tiễn chúng tôi ra cửa:

- Con Phượng Liên về rồi, có nói cũng không còn ai để nói, khi mô gặp dịp tụi bây cho nó một bài học cho nó biết tay.

Tôi chở bội Nga đi chầm chậm ra cửa Ngăn, Bội Nga nép mặt vào lưng tôi:

- Răng chị không vô xem tụi em tập ? Tức cười lắm, trật lên trật xuống thiệt ngụy.

Tôi bảo em:

- Mới buổi đầu mà, rồi sẽ thông suốt cả, chị cầu trời răng cho lớp mình được giải thưởng văn nghệ toàn trường.

- Em cũng rứa.

Tôi cho xe chạy qua cầu sông Hương, Tùng đang đi Honđa ngược chiều, sau lưng đèo người bạn, anh nhìn tôi và cười thật tươi.

Nụ cười đó đã ám ảnh tôi trông từng giấc cô miên. Nụ cười đó đã tràn đầy sách vở, toả khắp gian phòng. Khổ nhất là từ đó , khi tôi học toán, vẽ vòng tròn lượng giác, tôi thấy đôi môi Tùng cười ở tâm, mà vẽ hình tam giác thì cả ba đỉnh đều xoay tròn loang loáng ánh mắt Tùng đầm ấm thiết tha. Tôi đang yêu Tùng thật rồi, tình yêu đầu đời len nhẹ vào tim như giọt nắng vàng mơn man sân cỏ, như vườn lá thắm buổi sáng thật hồng chào đón ánh bình minh. Nhưng rồi cũng tuyệt vọng thôi, nhưng rồi cũng não nề như con vịt trời đắng cay ôm giấc mộng hão, khóc bơ vơ bên bờ ao hèn mọn nhìn đám thiên nga nõn nà tung cánh bay về cuối trời xa .

Tôi chỉ là một cô gái xấu xí, dung nhan tồi tàn này không cho phép tôi mơ một vầng trăng. Tùng là bóng trăng, là tinh tú, là ánh thái dương chói lòa rạng rỡ trong vũ trụ bao la.

Anh là một người con trai đẹp, là người tình lý tưởng trong con tim ước ao của các cô gái bây giờ. Sánh đôi bên Tùng, quả là một diễm phúc tràn đầy. Tùng vừa đẹp người, vừa đẹp tính, ba thường bảo tốt phúc thay cho người con gái nào được Tùng yêu.

Tôi nhớ mãi lời Tùng nói với tôi: "Tiên không nghe người ta nói cái nết đánh chết cái đẹp răng ?", tôi vẫn biết đó là một lời an ủi nhưng dù sao có cũng hơn không, tôi yêu Tùng vì Tùng là người con trai duy nhất không nhìn tôi bằng ánh mắt khinh khi. Tôi cũng không phân biệt nỗi lòng tôi nữa, nhưng tôi chỉ biết rằng hiện giờ gần Tùng thì tôi thấy thương mà xa Tùng thì nhơ nhớ, và tôi thường mơ những giấc mơ đầy ắp hình ảnh Tùng.

Tôi như người lữ hành hấp hối giữa sa mạc cát nóng khô khan và Tùng là những giọt mưa ngọt mềm giúp tôi hồi sinh. Vì vậy mà tôi yêu Tùng, tôi yêu Tùng, tôi muốn hét to cho mọi người cùng hay cùng biết, nào ai cấm được một người con gái xấu xí yêu một chàng trai đẹp, tôi cũng có trái tim, tôi cũng có tâm hồn mà... nhưng sao tôi vẫn buồn dài theo ngày tháng phôi pha...

Chương 4

Tôi cố gắng quên Tùng trông những công việc hằng ngày, những buổi đến trường, những ngày chủ nhật về thôn Vỹ Dạ, vui chơi cùng đám trẻ. Tôi quen dần trông chức vụ "cô giáo Tiên" mà dân trong thôn đã gọi đến tôi với bao tình thương mến, các em học sinh thì cứ gọi tôi là "cô Tiên, cô Tiên" làm đôi lúc tôi có cảm tưởng mình là cô tiên thật, đang dùng chiếc đũa thần gieo rắc ánh sáng vào những mái đầu xanh. Lớp tôi dạy gồm 40 em học sinh rất chăm chỉ, mà trong đó, thằng Hợi đã tỏ ra thông minh vượt bực không ngờ. Ngay buổi dạy đầu tiên, nó đã giải được nhanh chóng hai bài toán hóc búa mà tôi cho cốt để thử khả năng toàn lớp. Tôi đã để ý đến Hợi. Ngoài trí thông minh tính tình ngoan ngoãn dễ thương của nó càng thu phục thiện cảm của tôi thêm, nó thường mời tôi về nhà uống nước sau giờ dạy vì nhà nó gần trường.

Tôi được biết, Hợi năm nay lên 11, con trai đầu của một gia đình 7 người con, 6 đứa sau toàn là gái. Ba mạ Hợi làm thợ nề, ngày 2 buổi làm lụng vất vả để kiếm tiền về nuôi các con. Hợi rất thương các em, nhưng tôi đoán được trông ánh mắt trông veo của nó, có một sự thất vọng dần lan. Hợi đang ao ước một đứa em trai. Nó thường tâm sự với tôi:

- Con ưa có một đứa em trai, mà mạ con cứ sinh con gái hoài, con buồn quá.

Tôi an ủi nó:

- Em nào cũng là em, Hợi phải thương các em mới được, đừng phân biệt như rứa.

Hợi thú nhận:

- Con thương đồng đều chứ. Con Sửu, con Thìn, con Mùi, con Dậu... nhưng khi mạ con sinh đứa sau cùng, con Tý nớ... con bỗng thấy ghét con Tý, nó ra đời làm con không có em trai.

Có một lần, tôi ra một đề luận: "Hãy tả hình dáng đứa em nhỏ của trò và nói cảm tưởng". Bài luận không có gì khó, nhưng bài làm của Hợi hôm đó để giấy trắng, tôi gọi lên khiển trách thì Hợi khóc òa:

-Thưa cô, con chỉ muốn tả một đứa em trai... nhưng... con không có.

Tôi không bằng lòng, tôi bắt Hợi phải cố gắng làm bài luận cho xong. Hợi ngồi cắn bút thật lâu, rồi cuối cùng nó tả con Tý, nhưng câu kết luận của nó thật lạ lùng, nó viết: "Em không thích em Tý của em vì nó không phải là con trai".

Những lần tôi ghé nhà Hợi chơi, me nó , bà Sâm, thường nói với tôi:

- Thưa cô, nhờ cô khuyên dùm thằng Hợi, không hiểu răng nó lại không ưa con Tý chút mô hết.

Tôi hứa với bà Sâm rằng tôi sẽ cố thuyết phục thằng Hợi, trước sau gì nó cũng nghe lời tôi vì nó là một đứa trẻ ngoan và rất có cảm tình với tôi.

Ngoài việc dạy học ra, tôi còn kiêm thêm một nghề nữa, đó là nghề y tá bất đắc dĩ. Số là một buổi sáng nọ trời lạnh, tôi nhận thấy 2 đứa học sinh ngồi đầu bàn bị cảm, đôi má đỏ bừng và cặp mắt mệt mỏi. Tôi đến bên sờ vào trán chúng, bàn tay tôi nóng hực, sẵn có mấy viên Rhumex trông xắc, tôi đưa cho mỗi đứa một viên:

- Hai em bị đau rồi đó, cô cho phép 2 em nghỉ. Về uống thuốc này với nước nóng rồi đắp mền kín, đừng ra gió nghe các em.

Đến trưa, thì có 2 người đàn bà, một già một trẻ tìm đến đứng lấp ló ngoài cửa lớp tôi dạy. Tôi ngạc nhiên nhìn ra, thằng Hợi mách:

- Mạ của thằng Tèo và bà nội của con Tú đó cô.

Tèo và Tú là hai em học sinh bị cảm vừa ra về hồi sớm. Tôi nhìn ra:

- Hai bà muốn hỏi chi ?

Bà già lúng túng:

- Thưa cô, thưa cô... tôi tới xin thuốc của cô... thuốc cô hay quá, cháu nhà bị cảm từ đêm qua, chừ uống được viên thuốc của cô, cháu đã hơi bớt rồi...

Người đàn bà trẻ nói theo:

- Thưa cô, thằng Tèo cũng rứa.

Tôi nhíu mày:

- Hai em đau như rứa răng hai bà không để cho hai em nghỉ ở nhà ?

- Dạ... tưởng đau sơ sơ... ai ngờ.

- Lần sau hai bà phải cẩn thận một chút, hai em yếu như rứa mà lỡ gặp làn gió độc thì nguy lắm.

- Dạ.

Tôi mở xắc tay đưa cho mỗi người thêm một viên Rhumex:

- Còn bấy nhiêu thôi. Chiều cho em uống thêm một lần nữa. Có thể chiều ni rảnh tôi sẽ trở lại đem thêm thuốc.

Răng ? Ở đây không có chi y tế à ?

Người đàn bà trẻ lắc đầu chán nản:

- Dạ có, nhưng ở tuốt quận trên, xa xôi quá. Khi mô bịnh nặng hung mới tìm tới, chớ còn bịnh sơ sài thì cứ lơ đi là qua hết, hơi mô mà tới nớ xin thuốc.

Tôi gật gù:

- Thôi được hai bà về đi, tôi sẽ cố gắng giúp các ông bà trong việc ni.

Trưa hôm đó, tôi ngủ không được, tôi lan man suy nghĩ đến những trường hợp đau ốm của dân làng, đến tình trạng thiếu thuốc men của một thôn nghèo mà trạm y tế thì quá xa xôi. Sau cùng, tôi quyết định, nên lập một tủ thuốc cho dân làng đối với một vài chứng bịnh thông thường mà tôi có thể biết được. Tôi xuống phòng thí nghiệp của ba xem xét, ba có cả một tủ thuốc ở đây và tôi vô cùng mừng rỡ là thuốc vẫn còn rất nhiều, tôi có thể xin ba một số thuốc đáng kể mà không sợ ba từ chối. Buổi chiều, tôi đem một ít thuốc cảm đến cho thằng Tèo và con Tú, xong đi thăm một số gia đình có người đau ốm, thằng Hợi đã làm hướng đạo cho tôi trong suốt cuộc đi thăm này.

Hơn một tuần sau, tủ thuốc nhà trường đã tạm đầy đủ, gồm một số thuốc cảm cúm, đau bụng, đau mắt, thuốc sát trùng và băng dán... chị Thanh Xuân và nhóm bạn của chị vô cùng hoan nghênh việc làm của tôi. Các người dân trong làng nhìn tôi bằng đôi mắt biết ơn và kính phục, có nhiều lần tôi thoáng nghe họ nói chuyện với nhau:

- Cô giáo Tiên là một người con gái đáng quí. Ai lấy được cô ấy thiệt có phước.

Tôi nghe lòng mình thư thái lạ, ít ra cũng phải có những người dân làng này quên đi được cái nét xấu xí trên gương mặt tôi. Nhưng cái "đáng quí" đó không một người con trai nào thấy được đâu, trước mắt họ, tôi vẫn là con Bội Tiên xấu nhất trần gian không ai đoái hoài tưởng đến. Thời đại bây giờ phải nói ngược lại "Cái đẹp đè bẹp cái nết" chứ không phải "Cái nết đánh chết cái đẹp" đâu, Tùng ơi!... bằng chứng là Phượng Liên đó, con bé đẹp nhưng kiêu căng phách lối, thế mà người ta vẫn thích nói chuyện với nó, thích đi với nó hơn là nhìn đến tôi, con Bội Tiên này chỉ có tấm lòng ngay thật, mà cái đẹp tâm hồn chả bao giờ là yếu tố cuốn hút tình yêu.

Xem tiếp chương 5 & 6