Mái Tóc Huyền - Chương 4 - 5 - 6

Chương 04

THU CÚC NGỒI LÀM MẪU

Một chị người làm ăn mặc cũ kỹ ra mở cửa cho Thu Cúc. Chị ta hỏi:

- Cô muốn chi?

- Em muốn hỏi cô Như Mai ạ.

- Mời cô vào.

Chị ta dẫn Cúc vào một căn phòng trang hoàng rất lịch sự. Những đồ sứ Giang Tây cổ, những bình hoa và cây cảnh được bày biện rất mỹ thuật trên các đồ gỗ sơn mài. Thu Cúc say sưa ngắm nghía mọi vật. Nó đang mải mê theo dõi mấy chú cá bạc lội tung tăng trong một chiếc bình pha lên thì vụt nghe tiếng cô mai:

- À, em Cúc đã đến. Tốt quá!

Con bé quay lại mỉm cười:

- Chào cô ạ, em vừa mới đến.

Rồi nó suýt soa khen:

- Nhà cô đẹp quá!

Cô Mai tươi cười:

- Em thích nhà chị à?

- Trời ơi, em thích lắm ạ! Chưa bao giờ em được thấy căn nhà nào đẹp hơn nhà này cả. Đức cũng vậy.

- Đức là ai thế em?

- Thưa cô, đó là một người bạn em. Nó bán báo tại một sạp nhỏ trước cửa vườn Bách Thảo. Chúng em quen nhau từ lâu. Nó cũng mồ côi như em. Ba má nó chết trong một vụ đắm tàu đã lâu lắm rồi.

- Thế còn ba má em? Ba em trước làm gì?

- Ba em là thợ mỏ, còn má em làm thợ may. Má em qua đời sau khi sanh em được ít lâu và ba em mất khi em lên hai tuổi. Gia đình em hồi đó ở Nam Vang, cả cô Tảo nữa. Sau này cô Tảo đưa em về Saigon.

- Tội nghiệp quá – cô Mai chép miệng thở dài – Số phận em thật không may. Thôi, mình nói chuyện khác đi. Để chị đưa em qua phòng vẽ.

Rồi cô dắt Cúc sang phòng bên cạnh. Căn phòng đó khang trang, sáng sủa và chứa đầy những giá vẽ, những bức tranh mới phác họa, những cây bút lông và những chiếc bàn nhỏ, để ngổn ngang trông thật lạ mắt. Ở một góc phòng có kê một chiếc đi văng cổ, kiểu đông phương, trên mặt bày những chiếc gối sặc sỡ, ngoạn mục. Cạnh đó, một chậu cây cảnh được đặt trước một bức bình phong sơn mài che chỗ thay áo. Thu Cúc bước vào sau tấm bình phong để khoác lên mình một chiếc áo dài lụa trắng, thay thế chiếc áo cũ kỹ đã bạc màu và sờn nhiều chỗ của nó. Bộ tóc thường ngày búi ra sau gáy của nó được cô Mai gỡ xuống lấy lược chải một cách khéo léo. Trong nháy mắt, mái tóc đen óng ả của Cúc đã buông rủ xuống bờ vai, làm tăng thêm vẻ xinh đẹp của khuôn mặt ngây thơ.

Sau đó, cô đặt con bé ngồi ngay giữa phòng để thân hình nó in lên trên nền ánh sáng của khung cửa sổ. Cô bảo nó chắp hai tay lại, mắt nhìn về phía trước. Xong đâu đó, cô bắt đầu vẽ. Bàn tay lành nghề của cô đưa thoăn thoắt trên khung vải, sử dụng những cây cọ một cách tài tình. Thỉnh thoảng cô lại hỏi:

- Có mỏi không em?

- Thưa cô không ạ – nó đáp, cố giữ cho môi ít mấp máy và ngồi bất động. Trong khi đó, nó vẫn lắng tai nghe tiếng hót của con chim vành khuyên từ phía vườn vẳng lại. Chiếc áo lụa mới tinh, mát rượi, đem lại một cảm giác khác lạ trên da thịt nó, khiến nó cứ ngỡ mình là con bé Lo Lem trong đêm dạ hội ở cung vua. Nó thấy mình đang sống trong một truyện cổ tích thật là huyền ảo. Lúc đó, cặp mắt của nó sáng long lanh khác thường nhưng vẫn đượm vẻ u buồn vì nó biết đó chỉ là một giấc mơ ngắn ngủi. Nó biết rằng trong chốc lát, nó sẽ lại mang chiếc áo bạc màu và chạy khắp đó đây, tay ôm chiếc hộp cũ, suốt ngày cực nhọc mời rao mà chẳng kiếm được bao nhiêu.

Cô Mai cố vận dụng, tập trung tư tưởng vào nguồn cảm hứng để diễn tả vẻ mặt mơ màng, xa vời của nó trên khung vải. Trong khi đó, Cúc ngồi bất động, chìm đắm trong suy tư.

Một giờ đã trôi qua… Bỗng một tiếng gõ cửa nhè nhẹ làm cô Mai ngừng tay. Không ngoảnh đầu lại, cô hỏi vọng ra:

- Ai đó?

- Thưa cô, có ông Phú lại chơi ạ – chị người làm đáp.

Cô Mai đứng dậy, nói với Cúc:

- Chị sẽ trở lại ngay. Bây giờ em hãy tạm ngồi nghỉ, trong khi chờ đợi, để chị bảo chị Năm mang đồ giải lao vào cho em.

Cô quay sang chị Năm dặn dò vài câu nho nhỏ rồi bước ra phòng khách, để ngỏ cánh cửa phòng.

Vừa ngồi nghỉ trên chiếc đi văng, Cúc vừa ăn thỏa thích các thứ bánh kẹo và trái cây mà chị Năm mang vào bày trước mặt nó. Từ ngoài phòng khách vọng vào tiếng nói dịu dàng của cô Mai và giọng nói trầm trầm của ông Phú. Cúc nghe rõ nhưng không hiểu họ nói gì. Sực nhớ ra ý kiến của Đức về cô họa sĩ, nó lại gần chiếc cửa để ngỏ, thúc đẩy bởi tính tò mò và sự nóng lòng khám phá ra bí mật bao trùm con búp bê kỳ lạ.

Ông Phú và cô Mai đang nói chuyện về thuyền “bobo” và chiếc xe hơi, về con chó Bắc Kinh của cô Mai và nhiều vấn đề khác mà Cúc chẳng thấy hấp dẫn tí nào.

- Vậy cô định về Bạc Liêu à? – ông Phú hỏi.

- Vâng, có lẽ vào cuối năm – cô Mai đáp.

- Còn tôi thì chẳng đi đâu được cả vì công việc quá bề bộn.

Nghe tới đó, Thu Cúc rời cánh cửa, trở lại phía đi văng. Nó nghĩ thầm : “Đức lầm rồi, ta nghe rõ ràng họ nói những chuyện đâu đâu không à!”. Nó ngồi xuống đi văng và cảm thấy hổ thẹn vì sự tò mò vừa qua.

Một lát sau, cô Mai dẫn ông Phú vào phòng vẽ. Trông ông trạc độ ngũ tuần, đầu hói, vóc dáng vạm vỡ và phục sức rất chải chuốt. Ông ngắm nghía vài bức tranh, dừng lại trước bức vẽ cô Mai mới phác họa và đưa mắt nhìn Thu Cúc.

- À, đây là người mẫu đây – ông nói – Ngồi xuống đi, cháu. Cứ tự nhiên mà!.

Rồi ông bước ra phòng khách, vừa đi vừa nói chuyện với cô Mai.

Thu Cúc vẫn đứng đợi. Khi vào tới nơi, cô Mai hỏi:

- Em về bây giờ nhé?

- Vâng ạ, nếu không có gì phiền cho cô. Em cũng không muốn về quá trễ.

- Em nói phải, thôi, em mặc áo vào đi.

Thu Cúc mặc lại bộ áo cũ kỹ, cầm chiếc hộp lên và để lại hai xấp hình cho cô Mai, để bà Tảo khỏi nghi ngờ gì cả. Nó chỉ muốn nhận đúng số tiền bán hai xấp hình, nhưng cô Mai đã bỏ vào túi nó một ngàn bạc làm nó lúng túng. Rồi cô dẫn nó ra cửa và dặn nó chiều mai trở lại.

Con bé ra về, lòng mừng khấp khởi. Nó kinh ngạc về món tiền to tát từ trên trời rơi xuống cho nó : sau khi nộp cho cô nó số tiền hai trăm đồng, nó sẽ còn lại những tám trăm! Tám trăm bạc! Thật chưa bao giờ nó được cầm trong tay số tiền lớn như vậy! Nó tưởng mình là triệu phú. Vừa đi vừa hát, nó băng qua đường để tiến về phía vườn Bách Thảo.

Chương 05

ĐỨC TÌM RA MỘT DẤU TÍCH

- “A, kia rồi” – Đức reo lên khi thấy Thu Cúc từ đằng xa đi tới và vội chạy ra gặp Cúc. Con bé rảo bước thêm và hỏi:

- Có chuyện gì thế Đức?

- “Mày lại đây coi này” – Đức háo hức trả lời.

Nó kéo tay Cúc về phía sạp báo. Hai đứa ngồi xuống ghế giữa những chồng sách màu sặc sỡ và những xấp báo mới còn đượm mùi mực in.

- “Mày trông này!” – Đức vừa nói vừa mở một tờ báo và chỉ vào mục tin Đô Thành với hàng tít đậm: “Ẩu đả giữa hai tên du đãng”.

Cúc ngơ ngác hỏi:

- Vậy thì có gì quan trọng đâu?

Đức bèn đọc:

“Tối qua, tại đường Tự Đức, vì giành nhau một con búp bê tìm thấy dưới một đống rác, hai đứa trẻ là N, 12 tuổi, và O, 13 tuổi, đã ẩu đả một trận rất kịch liệt. Kết quả là đứa thì què chân, đứa thì vỡ mặt. Chúng được đưa vào nhà thương băng bó rồi bị giải về Ty cảnh sát để được răn dạy xứng đáng”.

- Một con búp bê… – Cúc nhắc lại với vẻ mặt suy tư – thế mày tưởng…

- Phải đó. Tao cho rằng đó đúng là con búp bê mình đang kiếm. Sau khi lấy mất lá thư hay đồ vật gì giấu dưới mái tóc, hai tên gian phi đã quẳng con búp bê đi, và hai đứa trẻ này đã tình cờ tìm thấy.

- Nếu vậy thì mình còn nhọc công tìm nó làm chi nữa? Chính cái đồ vật giấu bên trong mới quan hệ chứ!

- Không – Đức đáp – Nó có thể rất ích lợi cho mình vì biết đâu khi quan sát kỹ, mình lại chẳng khám phá ra được dấu tích gì… thí dụ tên tiệm bán, hoặc tên hiệu chế tạo, hay một chi tiết gì khác do đó mà mình có thể kiếm ra bà lão.

Thu Cúc mỉm cười nghi ngờ:

- Mày giàu óc tưởng tượng quá đi! Nhưng trước hết, muốn tìm ra con búp bê, mình phải biết hai đứa trẻ kia đã chứ.

- Điều đó rất dễ. Tao sẽ điều tra về phía đường Tự Đức. Tao biết hầu hết các đứa trẻ trong khu ấy thì thế nào tao cũng kiếm ra được một đứa biết rõ câu chuyện, hoặc biết hai đứa đã đánh nhau như báo đã đăng tin.

- Vậy mày đi điều tra đi và mai cho tao biết tin tức. Bây giờ muộn rồi, tao phải về mới được.

Cúc vừa nói vừa đứng dậy ra về. Nhưng Đức hỏi thêm:

- Mày có tới nhà cô họa sĩ không thế?

- Có chứ. Cô ấy cho tao một ngàn để ngồi mẫu.

- Trời ơi, những một ngàn cơ à? Hoan hô!... Nhưng mày có thấy điều gì khả nghi không?

- Không. Cô Mai rất tốt và giản dị. Buổi ấy có một ông bạn đến thăm cô, tao sực nhớ đến những điều thắc mắc của mày nên tao đã nghe trộm câu chuyện của hai người.

- Thế mày nghe được những gì?

- Chẳng có gì lạ cả. Họ nói chuyện này chuyện kia lung tung.

Thằng Đức gật đầu nói:

- Tuy nhiên, tao chắc cô họa sĩ có dính líu vào vụ này. Hay chính cô ta là bà lão bán búp bê cũng nên!

- Gớm, mày nói thật hay nói đừa đó? Cô Mai là bà lão rách rưới đó à?

- Cải trang, dĩ nhiên.

Thu Cúc ngắt lời:

- Sao cô Mai lại phải dùng đến mưu mô đó? Tao ngồi ở nhà cô ta đến gần hai tiếng đồng hồ thì cô ta muốn nói gì với tao mà chẳng được.

- Đúng vậy, mày nói có lý. Nhưng tao vẫn tin rằng bức họa “Đứa trẻ buồn” chỉ là một cái cớ mà thôi, chứ thực ra cô họa sĩ đã cần phải có mày ở trong nhà cô ấy.

Lúc đó đồng hồ nhà ai vừa buông tám tiếng.

- Thôi, trễ rồi – Cúc nói – tao phải về. Mai mày kể cho tao nghe bọn trẻ trong xóm đã cho mày biết những gì.

- Mày cứ yên chí, ngay tối hôm nay tao sẽ đi lùng.

Con bé bước ra khỏi sạp báo, không quên vuốt ve con Lu đang nằm ngủ trên đống báo. Con chó mở lim dim mắt, vẫy đuôi và rít lên mấy tiếng mừng rỡ.

Chương 06

ĐI GẶP THẰNG OÁNH

Thật Đức đã không lầm! Cuộc tìm kiếm của nó đã mang lại kết quả mỹ mãn. Hôm sau, với vẻ mặt đầy bí mật, nó dẫn Cúc tới đường Tự Đức.

Lúc đó vào khoảng 1 giờ trưa. Đi được một quãng, hai đứa rẽ vào một cái sân vắng vẻ, một  bác thợ giầy ngồi tận trong góc sân đang cắm cúi làm việc. Đức bước tới chào bác ta và lễ phép hỏi thăm nhà thằng Oánh ở đâu. Người thợ chỉ vào một tấm cửa ở cuối sân, rồi chẳng nói chẳng rằng, lại cúi xuống làm việc như trước.

Đức băng qua sân, đến gõ cửa trong khi Cúc đứng đợi gần đó, chăm chú theo dõi sự việc.

Nghe tiếng động, một thằng nhỏ đang ngồi nhặt đậu trong nhà quay ra hỏi:

- Ai đó?

- Tôi đây. Tôi muốn hỏi Oánh, có lẽ chính là bồ phải không? – Đức vừa hỏi vừa tiến lại gần.

- Phải, Oánh đây.

- Bồ ra ngoài này cho tôi hỏi một chút được không?

- Được, ra liền.

Thằng bé mở cửa đi khập khiễng ra sân:

- Bồ muốn hỏi gì?

- Tôi có câu chuyện muốn nói với bồ, ra ngoài này đi.

Rồi cả ba đứa – Đức, Oánh và Cúc – đứng dựa vào bức tường ở một góc sân. Đức nói:

- Chúng tớ tới đây để xin bồ giúp cho một “đặc ân”.

Vừa nói, nó vừa gật gật nhìn Thu Cúc. Con bé mỉm cười bẽn lẽn, không hiểu rõ thằng Oánh đóng vai gì trong câu chuyện của chúng nó.

Oánh chính là thằng nhỏ hung hăng mà báo chí đã ca tụng tài “oánh” bốc của nó nhưng lúc này thì nó có vẻ rất hiền lành với nụ cười tươi tắn của Cúc và nó trả lời ngay:

- Một đặc ân à? Cả trăm đặc ân cũng còn được ấy chứ, nếu tớ có thể giúp được các bồ.

Đức mừng rỡ hỏi ngay:

- Vậy à? Câu chuyện như thế này này : Tớ đọc báo thấy bồ có bắt được một con búp bê và bồ đã phải ẩu đả vì nó. Người bạn tớ đây vừa mất một con búp bê, tớ nghĩ có lẽ chính là con búp bê bồ nhặt được nên tớ xin bồ vui lòng hoàn lại cho bạn tớ. Để đền bù, bồ muốn lấy chi tớ cũng sẽ chiều ý bồ hết.

Oánh lắc đầu trả lời:

- Nếu còn con búp bê đó thì tớ sẽ cho các bồ ngay mà chẳng cần lấy chi cả, nhưng tiếc rằng tớ không còn giữ nó nữa.

Đức hoảng hốt kêu lên:

- Thật vậy à?

- Ừ, tớ không còn giữ nó nữa. Nhưng tớ nghĩ con búp bê các bồ đang kiếm có lẽ không phải là con mà tớ nhặt được đâu.

- Sao vậy? – Cúc hỏi dồn – Con búp bê đó có mặc áo đỏ không?

- Có, có mặc áo đỏ. Nó cao độ ba tấc và xấu xí kinh khủng. Tớ không hiểu tại sao nhiều người lại thiết tha với nó như vậy?

- Nhiều người à? Bồ nói sao? – Đức vội hỏi.

- Phải, hai bồ đây và người đàn ông tới đây hồi sáng.

- Người đàn ông? Ai vậy? – Cúc biến sắc hỏi dồn khiến Oánh không muốn đùa nữa, nó nghiêm giọng nói:

- Đây, để tôi kể cho các bồ nghe hết. Sáng nay, một người đàn ông tới đây, nói là đã mất con búp bê đó vì chị người làm đã sơ ý vứt vào sọt rác. Ông ta quí nó lắm vì nó là vật kỷ niệm do con ông ấy để lại trước khi chết. Ông ta bảo tớ đưa cho coi con búp bê đã nhặt được.

- Thế bồ có cho coi không? – Đức bồn chồn hỏi.

- Tớ đã cho coi ngay. Con búp bê trông còn mới nhưng đã mất hết tóc. Thoạt trông thấy, ông ta vội kêu trời… Tớ mới hỏi : “Thế đây không phải con búp bê ông kiếm hay sao?”. Ông ta đáp : “Phải chứ. Đúng con này, nhưng rất tiếc nó đã mất cả tóc rồi. Ta đoán không sai mà!”. Nói xong, ông ta bỏ con búp bê vào túi rồi cho tớ một tờ giấy năm trăm.

- Thế ông đó hình dáng ra sao? – Đức hỏi.

- Ông ta người nhỏ bé, gầy yếu, mặc y phục màu xám… À, ông ta có một cái sẹo ở má bên phải… Nhưng tại sao các bồ lại thiết tha đến con búp bê đó như vậy? Nó chính là của ông ta rồi, tớ tin chắc như thế.

- Không phải! – Đức gân cổ cãi – Tớ chắc chắn con búp bê đó của Cúc đây.

- Nhưng tại sao ông ta lại cho tớ năm trăm? Chuyện này thật là kỳ cục hết sức! – Oánh nói với vẻ mặt suy tư.

Nghe vậy, Cúc không giữ được nỗi ấm ức trong lòng, bèn kể lại tất cả câu chuyện kỳ dị về con búp bê. Khi Cúc dứt lời, thằng Oánh vỗ trán đáp:

- A! Bây giờ thì tớ hiểu tại sao ông ta lại kêu trời khi nhận thấy con búp bê đã mất hết tóc. Chà! Tiếc quá! Giá phải các bồ đến sớm hơn có phải là tốt không! Nhưng tớ còn cái này may ra có thể giúp ích cho các bồ được.

Nói xong, nó khập khiễng trở vào nhà, trong khi Thu Cúc và Đức bàn tán với nhau.

Cúc hỏi:

- Theo ý mày thì người đó là ai?

- Tao chẳng biết nữa, một đồng lõa của bà lão… hay chính là bà lão cũng không chừng… Cái khăn vuông đen che kín mặt bà ta vẫn làm tao nghĩ đến một sự cải trang, mày ạ.

Oánh trở ra khiến hai đứa thôi bàn tán.

- Đây này. Tớ còn mẩu giấy này trong chiếc hộp tớ đựng con búp bê. Không ngờ là cái đồ chơi ấy lại quan hệ đến thế nên tớ cũng chẳng thèm đọc nữa. Nhưng tớ nghĩ nó có thể giúp ích cho hai bồ đó.

Nó đưa ra một mẩu giấy có dính vài sợi tơ, trên đó, Đức và Thu Cúc đọc thấy hàng chữ : “Đường Phan Đình Phùng, số 29 A”. Có lẽ đó là đoạn cuối một câu trong một bức thư.

Như thế chúng ta đã rõ, đó chính là địa chỉ của cô Như Mai!

Đức quay sang nói với Thu Cúc:

- Nếu vậy mái tóc dài của con búp bê đã giấu một bức thư. Hai tên gian phi đã quá hấp tấp khi giựt mớ tóc nên không để ý rằng một mẩu thư còn dính lại đầu con búp bê.

- Phải rồi, thảo nào những sợi tơ này còn dính ở mẩu giấy. Nhưng tao không hiểu tại sao nó lại mang địa chỉ của cô Mai. Ai đã viết thư nhỉ?

- Có lẽ chính cô ấy chứ ai – Đức đáp.

Cúc ngắm nghía lại mẩu giấy một lần nữa và nói:

- Không phải, bữa nọ cô Mai có nhờ tao bỏ một bức thư do chính tay cô viết, tao thấy nét chữ rất thanh, khác hẳn nét chữ của bức thư này.

- Nếu vậy, người viết có thể là một đồng lõa… hoặc một đối thủ của cô.

Cúc nhún vai tỏ vẻ không tin:

- Tao xin nhắc lại cho mày rằng cô Mai chẳng cần dùng đến một mưu mô rắc rối như vậy, vì cô gặp tao mỗi ngày thì cô muốn nói với tao những gì mà chẳng được.

- Phải, mày nói có lý, với điều kiện là cô họa sĩ ở về phía bà lão. Nhưng nếu cô lại ở phía đối phương của mày thì tao e rằng lý luận của mày không đứng vững đâu nhé.

- Thiệt tao không hiểu ra sao nữa – Cúc đáp.

- Để tao nói mày nghe : thí dụ cô Mai thuộc vào bọn đã chiếm đoạt con búp bê. Như vậy, “Đường Phan Đình Phùng, số 29 A” có thể là đoạn cuối của một câu dặn mày nên đề phòng cô ta, như thế này chẳng hạn : “Chớ có tới nhà cô Mai ở đường Phan Đình Phùng, số 29 A”, hoặc một điều gì tương tự như vậy.

Thu Cúc lắc đầu một cách cương quyết:

- Không đâu, Đức ơi, tao không thể nào tin được điều đó. Cô Mai chỉ có thể là một người bạn của tao, không bao giờ mày có thể làm cho tao nghi ngờ cô ấy được.

- Tao cũng muốn tin tưởng như mày vậy. Tao hiểu là mối nghi ngờ của tao đã làm mày buồn. Nhưng ai cũng thấy rõ là các chứng cớ đều tố cáo cô Mai cả. mày đã chứng minh rất đúng rằng không phải cô đã giấu lá thư trong đầu con búp bê, cô ấy gặp mày hàng ngày thì cần gì phải dùng đến biện pháp đó. Nhưng nếu vậy thì tại sao lại có địa chỉ của cô mới được chứ?

- Có thể là một người nào khác…

- Không, không. Chẳng phải ai khác cả, mày chẳng nói với tao rằng cô ấy ở một mình trong căn nhà đó là gì?

- Ừ, mày nói cũng đúng.

Vẻ mặt trầm ngâm, hai đứa yên lặng ra về sau khi cám ơn Oánh rối rít. Bỗng Thu Cúc đề nghị:

- Tao có ý kiến này, Đức à : Tao sẽ đưa mẩu giấy này cho cô Mai coi.

- Ấy, chớ, chớ! Làm vậy rất nguy hiểm.

- Nguy hiểm à? Tại sao? Dù sao đi nữa, mình cũng phải biết rõ trắng đen chứ. Tao chịu không nổi những sự bí mật như thế này rồi! Nhất định tao phải kể cho cô Mai nghe hết ngay chiều hôm nay.

Hai đứa chia tay nhau tại một ngã tư, một đứa về sạp báo, còn một đứa thì rảo bước tới nhà cô Mai.

Xem tiếp chương 7 - 8 - 9