Trong cặp nến hồng - Loại Hoa Đỏ

Tủ sách Tuổi Hoa - 1973

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

Chương 5 & 6

Chương 7 & 8

                Chương 9-10 & 11 (hết)

              

Nguồn: tusachtuoihoa (Hatnang)

-------------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 1

LƯƠNG SƯ HƯNG QUỐC

 

Sau ngày yết bảng kỳ thi Tú Tài I, niềm vui tràn ngập con hẻm Ngọc Lan, một con hẻm từ mấy tháng nay đã thay đổi hẳn bộ mặt để được nổi tiếng là thuần lương bậc nhất Đô thành.

Đường xá không rộng rãi lắm, nhưng sạch sẽ và yên tĩnh. Hai bên, nhà cửa tươm tất, phong quang.

Cả ngõ có cả thảy hơn một chục nóc gia.

Ở đầu hẻm có một cây Ngọc Lan tỏa bóng trong sân nhà ông giáo Bắc. Ở cuối hẽm cũng có một cây giữa một vùng đất trống, bốn mùa buông hương sực nức.

Năm nay, trong hẻm Ngọc Lan, nhà nào cũng có người đi thi, mà cô cậu nào thi cũng đậu, thành thử niềm vui chung thật hoàn toàn, không ai phải an ủi ai bẳng câu "học tài thi phận".

Các bậc phụ huynh đều công nhận :

- Được như vậy là nhờ công ơn ông giáo Bắc.

Trước đây mấy tháng, cụ Cử, người tuổi cao và đạo hạnh nhất xóm, đã có lần tâm sự với ông Ba Trực, liên gia trưởng, mà cụ coi là một ông bạn vong niên :

- Ông Ba à, cụ nói, ngày xưa bà Mạnh Mẫu dạy con phải dọn nhà tới ba lần mới kiếm được một vị láng giềng xứng đáng. Ngày nay, đời sống khó khăn phức tạp, chúng ta làm sao có thể "trạch lân" kỹ càng như vậy được. Ấy thế mà ông trời ông ấy thương bọn mình nên mới dun dủi cho ông bà giáo mua ngay được ngôi nhà của ông bà bác sĩ. Từ ngày ông bà giáo dọn tới đây, tôi thấy đời sống tinh thần của xóm mình dường như thay đổi hẳn.

- Dạ, cụ dạy thật đúng, ông Ba đỡ lời. Tôi nhận thấy gia đình nào cũng, chả nhiều thì ít, chịu ảnh hưởng nếp sống thuần mỹ của gia đình ông giáo. Riêng hai gia đình chị em chúng tôi, phải nói là chịu ơn ông giáo mới đúng.

Cụ Cử vuốt chòm râu bạc, nâng tách trà thơm lên mời khách và cười ha hả :

- Chịu ơn chứ ! Chúng tôi cũng chịu ơn chứ ! Ông tính thanh thiếu niên bây giờ, chúng sớm biết suy nghĩ, nhưng cũng dễ mất niềm tin. Thằng cháu Long nhà tôi đó, theo Đại học thì vẫn theo, nhưng vẫn chê mấy ông giáo sư vụ lợi mỗi năm mỗi in sách để bán cho sinh viên với giá cắt cổ. Thằng Lân, em nó, ở Trung học, cũng có ý coi thường một số thầy cô không tận tâm giảng dạy vì còn để dành hơi về mở lớp luyện riêng.

"Mới đầu, có đôi chút nhiệt huyết, chúng tự nhủ sau này thế hệ chúng phải làm một cái gì hay hơn, đẹp hơn thế hệ trước. Nhưng rồi thấy chung quanh ai cũng chỉ biết có cái lợi, kẻ nào thủ lợi được nhiều là người khôn và nghiễm nhiên có một đời sống vật chất cao hơn thiên hạ, chúng bèn đua đòi để khỏi mang tiếng là khờ dại.

"Chả nói giấu gì ông Ba, thằng Long bị bạn bè lôi cuốn suýt tí nữa thì làm bậy. May sao ông giáo Bắc đến đây kịp thời. Có tấm gương sáng treo ngay trước mắt, cháu nó bỗng tỉnh ngộ và đặt lại niềm tin vào lớp cha anh.

- Vâng, còn cậu Lân tôi thấy chăm chỉ hẳn lên. Bây giờ cậu ấy học giỏi và ngoan không thua gì cậu Thắng, con ông giáo đấy, cụ ạ.

- Thì cũng như cậu Dũng đàng nhà và cậu Hùng, con bà Hai. Mấy cậu ấy biết bảo nhau học hành ganh đua với cậu Thắng là một điều hay vô cùng, tôi ưng bụng lắm.

 

 

***

 

Buổi họp hôm nay không còn là một cuộc mạn đàm giữa cụ Cử và một vài ông bạn vong niên, mà gồm đủ phụ huynh các cô cậu Tú tân khoa. Dĩ nhiên chỉ trừ có ông giáo Bắc. Vấn đề đưa ra thảo luận là làm thế nào để tỏ lòng biết ơn ông giáo.

Bàn đi tính lại mãi vẫn chưa ngã ngũ vì làm vui lòng một người không thiết hư danh, không màng lợi lộc, là một điều thật khó.

Sau cùng, cụ Cử đề nghị :

- Tôi nghĩ mua cái gì loàng xoàng thì mình không trông được. Mà sắm đồ quý giá thì ông giáo lại buồn lòng. Ông không thích bà con mình tốn kém.

"Vậy tôi tính ta nên có một vật tượng trưng để làm kỷ niệm. Kỷ vật ấy không được quý ở chỗ mắc tiền mà có giá trị ở chỗ nó biểu dương được tấm lòng thành kính của chúng ta...

Mọi người chăm chú nghe, gật đầu tỏ ý tán đồng :

- Chí lý ! Ông Mười Xe Lam mỉm cười nói. Chí lý ! Nhưng cái đó khó kiếm lắm, thưa cụ Cử.

- Thì có khó mới quý chứ ! mấy người khác nói xen vào. Hãy cứ để cụ Cử cho nghe xong đã nào.

- Vâng, nhà nho lão thành ung dung tiếp, tôi xin nói nốt. Tôi biết tính nết của ông giáo. Ông rất mực cần kiệm và ông không thích mọi người hoang phí, nhất là vì ông mà hoang phí. Do đó, điều chắc chắn là chúng ta tuyệt đối không nên mua bất cứ tặng phẩm gì cho ông. Trái lại, chúng ta nên tự tay mình tạo nên một cái gì có tính cách mỹ thuật mà biếu ông thì hơn.

"Tôi vừa nghĩ ra được một thứ vừa đẹp, vừa bền, mà mỗi người trong chúng ta đều có thể góp phần tạo nên. Chắc ông giáo không nỡ trách chúng ta bầy vẽ...

Nói đến đây, cụ Cử ngửng đầu lên, đưa mắt nhìn khắp cử tọa đang sốt ruột chờ như học trò chờ đáp số một bài toán khó.

Khề khà nhấp giọng một hớp trà, cụ Cử mỉm cười nói tiếp :

- Thưa quý ông, đó là một bức hoành. Một bức hoành phi sơn then thếp vàng thật đẹp mà ông giáo có thể cho treo ở giữa gian phòng khách.

- Làm sao chúng ta có thể làm được một bức hoành ? Mọi người nhao nhao hỏi.

- Được chứ sao không ? Cụ Cử từ tốn đáp. Này nhé, ông Năm thạo về đồ mộc lo kén thứ gỗ cho thật tốt. Ông Liên gia trưởng, tôi biết, có tài trạm trổ khéo lắm. Về sơn thếp, đã có ông Phó trứ danh đây rồi. Còn khoản chữ nghĩa, cứ để phần tôi. Tiền mua sắm vật liệu chẳng đáng bao nhiêu, tôi đề nghị để bà con tùy hỉ. Còn công thì mỗi người góp vào một ít, ai thành thạo việc gì thì mó tay vào việc ấy. Quý ông nghĩ sao ?

Ông Phó Thản có vẻ thích chí nhất vì sơn thếp là nghề tay mặt của ông ta, và nếu đề nghị này được chấp thuận, ông ta có thể góp phần nhiều nhất vào tác phẩm chung của cả xóm.

- Đồng ý ! Ông Phó Thản lên tiếng trước. Việc sơn thếp, tôi xin cáng đáng.

- Gỗ tốt cũng có ngay, ông Năm Trừ hớn hở góp lời. Các cụ cứ hô lên một tiếng, nhà cháu xin chu tất.

Ông Ba Trực hỏi :

- Nhưng cụ Cử định cho những chữ gì đấy ạ ?

- Chữ có sẵn mà, ông Ba, cụ Cử đáp. Không cầu kỳ song vẫn trịnh trọng. Tôi đề nghị bốn chữ "Lương sư hưng quốc". Các ông nghe có được không ?

- "Lương sư hưng quốc", ông Ba Trực lẩm nhẩm. Hay ! Bốn chữ này tặng ông giáo thật không còn gì xứng đáng bằng. Chỉ e ông quá khiêm tốn mà không chịu nhận.

- Không lo ? Cụ Cử vội trấn an. Thiếu gì cách nói. Nếu đây không phải là lời chúng ta xưng tụng ông giáo mà chỉ là lời tâm nguyện của chúng ta thì ông giáo từ khước vào đâu được. Vả lại, đó chẳng phải là hoài bão của một nhà giáo đúng đắn hay sao ?

Mỗi người nói một câu, mỗi người dành một phần mua sắm. Riêng hai chuyên viên sơn và mộc được bữa đắt khách, gạt ra không hết người xin phụ tá.

- Được rồi ! được rồi ! Ông Năm Trừ vừa cười vừa nói. Nghề của tôi cũng chẳng khó khăn bao nhiêu, vị nào muốn xung phong làm phụ cũng cứ được. Chịu khó và khéo tay một chút là xong tất.

Ông Phó Thản nửa rào đón, nửa khôi hài :

- Chỉ sợ quý ông chóng chán, chưa đâu vào đâu thì hăm hở, nhưng đến khi bắt tay vào việc, thấy khó lại duỗi ra. Rồi lại than là thợ cả khó tánh ! Có khi còn chửi là thợ cả làm phách cũng chưa biết chừng ! . . .

 

***

 

Quá trưa. Mưa vừa tạnh. Ông Năm Trừ, nhà ở cuối xóm, khuân tất cả cái xưởng mộc con con ra trước cửa làm việc cho mát.

Ông xoay trần ra bào những tấm gỗ dầy nổi vân, o bế từng nhát bào như một nhà thơ chau chuốt từng chữ, từng vần.

Ngọn gió hiu hiu ve vuốt tấm lưng trần rộng và đen bóng cúi rạp xuống trên chiếc bàn thợ chật hẹp. Cây ngọc lan buông làn hương dìu dịu xuống hòa tan vào khoảng không gian trong vắt. Người làm việc, cả tâm hồn lẫn thể xác, như được ướp trong gió mát, trong hương thơm.

Chưa bao giờ ông Năm được làm việc trong một không khí thần tiên như thế.

Vốn là một người thợ giỏi, ông kiếm được khá nhiều tiền. Vì đã ba đời làm thợ, ông ước ao và hết lòng lo cho thằng con trai đầu lòng ăn học bằng người, đỗ đạt bằng người. Nhưng cậu con trai đua đòi chúng bạn, tối ngày xách xe Honda đi chơi, không lý gì đến việc học. Cái hư hỏng của thằng Nhân đã cầm chắc trong tay thì may sao gia đình ông giáo tới, y lân la chơi với Thắng, con ông giáo, rồi học ngay được tính nết của cậu này. Rồi tuyệt giao với các bạn xấu, bỏ la-de, bỏ thuốc lá, bỏ luôn cả những tiếng chửi thề để tối tối cắp sách sang nhà ông giáo học thêm với bạn. Và kỳ thi này, y cũng đậu như ai.

Mỗi kỳ thi, niềm vui của học trò mới đỗ thực ra chỉ có chừng và chả mấy chốc loãng đi sau ngày yết bảng. Nhưng nỗi mừng của các bậc phụ huynh thường to tát hơn và kéo dài rất lâu. Cái mừng của ông Năm thợ mộc còn có những kích thước gia tăng gấp bội. Thằng con trai đầu đàn của ông tưởng là đứa vứt đi, ai ngờ nay đã thành một tháng con khá đáng cho ông hãnh diện. Và ông hãnh diện được góp một phần đáng kể vào việc tạo tác món kỷ vật để tạ ơn ông giáo.

Ðang say sưa chau chuốt tấm gỗ vô tri, ông bỗng giật mình ngửng đầu lên vì thoáng thấy một bóng người lạ mặt lướt qua.

Kẻ lạ mặt bước nhanh vào nhà lão Mười, cặp mắt cú vọ không quên liếc vội về phía sau như sợ có người theo dõi.

- Quái ! Năm Trừ cau mày tự hỏi. Thằng cha nào mà trông mặt quen quen !

Ngó vào nhà lão Mười, còn thấy người khách lạ ngoái tay khép cửa lại.

Nửa giờ sau, cánh cửa mở toang, người khách lạ bước ra, đi vội vã như muốn tránh đôi mắt tò mò của người thợ mộc.

Mười Xe Lam tiễn khách ra khỏi cửa, đứng thẫn thờ trên thềm trong khi Năm Trừ cũng ngừng tay dõi mắt nhìn theo ngươi lạ mặt. Tên này bước rảo ra ngoài lộ nhưng đôi mắt vừa gian vừa ác không ngớt đảo thật nhanh vào các nhà ở hai bên trong hẻm.

- Bạn mới của anh Mười đó hả ? Năm Trừ lên tiếng hỏi. Đã đến đây bao giờ chưa mà tìm nhà trúng phóc ? Khỏi cần hỏi thăm.

- Người quen chứ không phải bạn đâu, anh Năm. Y mới đến đây lần đầu.

- Vậy hả ? Sao tôi ngờ ngợ như đã gặp y ở đâu rồi !

- Thảo nào ! Mười Xe Lam đáp. Thảo nào, y cứ hỏi thăm anh, nói rằng trông anh quen quen nhưng không nhớ tên.

- Rồi y có hỏi tên tôi không ?

- Có. Hình như y quen nhiều người trong xóm này. Từ ông giáo Bắc đến chị em ông Liên gia trưởng.

- Vừa rồi tôi thấy y cứ ngó vào nhà chị em của ông Ba Trực, đảo mắt lên nhìn số nhà và dừng bước hơi lâu trước cửa nhà ông giáo. Y tên gì đó, anh Mười ? Người đâu ta ?

- Người ta kêu y là anh Bảy. Hình như tên y là Bảy Cát. Đâu người Chương Thiện thì phải.

Năm Trừ vỗ đùi đánh đét một cái sau một lúc cau mày suy nghĩ.

- Tôi nhớ ra rồi ! ông Năm Trừ nói. Cặp mắt ấy đã thấy một lần thật khó quên. Thằng đó người Vị Thanh, Hỏa Lựu, Bảy Cát, Bảy Cạt gì đâu, tên cúng cơm của nó là thằng Bảy Két.

- Ủa ! Cha này rành quá ta !

- Rành chứ sao không rành !...

Năm Trừ dời khỏi bàn làm việc, bước lại gần Mười Xe Lam, buông từng tiếng :

- Anh Mười cẩn thận đó nghe ! Con người đó không phải thiện nhân đâu. Khéo kẻo oan gia đó !

Mặt lộ vẻ lo âu. Mười Xe Lam thẫn thờ đáp:

- Y bỗng dưng lại đây, tôi đã có ý ngờ. Y hỏi chuyện loanh quanh, có vẻ muốn điều tra…

- Điều tra cái gì ? Điều tra ai ?

- Gia đình chị em ông Liên gia trưởng, Mười Xe Lam đáp.

- Anh nói sao ? Năm Trừ hỏi gặng. Điều tra gia đình ông Ba Trực thôi chứ !

- Không, anh lầm. Cả gia đình bà Hai Trung nữa. Y hỏi về bà Hai có phần còn kỹ hơn về ông Ba nữa kìa.

- Lạ nhỉ ! Thế anh cho y biết những gì ?

- Tôi nghi thằng chả có những ý nghĩ đen tối nên tìm cách đánh trống lảng. Thực ra, tôi cũng đâu có biết gì nhiều về hai gia đình hiền lành ấy. Chắc anh cũng như tôi, chỉ biết đó là những người hàng xóm dễ chịu mà thôi.

- Phải rồi, Năm Trừ đáp. Ngoài hai gia đình ấy, y còn để ý đến ai nữa không ?

- Y hỏi dò hỏi dẫm về gia đình ông giáo Bắc.

- Còn tôi ?

- Cũng có, nhưng chỉ sơ sơ thôi. Có lẽ y không ngờ anh ở đây. Nay tình cờ gặp lại thì hỏi qua loa vậy thôi.

- Anh nhận thấy giọng lưỡi của y thế nào ? Năm Trừ hỏi.

- Thằng chả khôn quỷ lắm, Mười Xe Lam trả lời. Cứ hỏi chuyện loanh quanh, cà kê dê ngỗng để mình không đoán được y chú trọng thực sự đến nhà nào. Nhưng tôi nhận thấy câu chuyện quanh đi quẩn lại vẫn lộn trở về bà Hai Trung. Sau mới đến ông Ba Trực. Còn về ông giáo, dường như y không ưa nhưng chưa có thì giờ lý tới.

Năm Trừ thực thà hỏi bạn :

- Thái độ của y đối với anh ra sao ?

Mười Xe Lam cũng thẳng thắn trả lời :

- Y dè dặt vì không muốn để lộ tẩy. Nhưng cố ý đe dọa ngầm. Cũng kín đáo lấy mồi nhử nữa…

Chắc y đã tìm hiểu sơ sơ các nhân vật xóm mình rồi, và cho rằng tôi là thằng nghèo nhất xóm, đông con nhất xóm, làm cái nghề cũng tầm thường nhất xóm, chắc phải là một con người bất mãn và dễ mua chuộc nhất.

Năm Trừ suy nghĩ một lúc lâu rồi đưa ý kiến :

- Vụ này có thể rắc rối đấy, anh bạn. Theo tôi, có lẽ ta nên bàn với ông Ba Trực xem nên đối phó cách nào nếu thằng cha ấy còn giở giói.

- Tôi cũng nghĩ vậy. Tối nay, cơm nước xong, anh em mình cùng sang nhà ông Ba nói chuyện nghe.

- Được rồi.

Năm Trừ yên trí cúi xuống tiếp tục o bế tấm ván dầy đã bào nhẵn được già nửa trong khi Mười Xe Lam đánh xe ra bến chạy mấy chuyến buổi chiều.

Chương 2

SÁU HÀNG CHỮ SỐ

 

Ba Trực đứng dậy, lễ phép nói với bà Hai Trung trước khi bước ra cửa :

- Chị tuân đúng lời anh dặn lại là phải rồi. Phần em, em làm y theo lời chị dạy. Thế là đủ. Còn có hiệu nghiệm hay không, cái đó đâu ai dám chắc. Tất cả trông vào sự may rủi - may nhờ, rủi chịu - vì thực ra cũng chả có cách nào làm khác hơn.

Người chị dâu, một thiếu phụ tuổi ngoài bốn mươi, mặt mũi phúc hậu, lên tiếng đính chính, giọng đầy tin tưởng :

- Không phải là vấn đề may rủi đâu, chú. Anh đã lưu tâm xếp đặt từ trước thì những gì sẽ xảy ra chắc chắn là phải theo đúng ý muốn của anh. Có điều anh không cho biết trước kết quả nên chị em mình mới hơi hoang mang một chút đó thôi.

- Vâng, ông Ba Trực kính cẩn trả lời, mắt ngước nhìn chiếc đồng hồ treo tường. Đúng sáu giờ rồi. Để em sang nhà ông giáo ngay bây giờ.

Bà Hai Trung đang đứng gần cửa, thò đầu ra ngoài hẻm, nói :

- Vừa vặn đúng giờ tan bọc. Chú đợi mấy phút cho các cậu ra hết hãy qua.

Chờ người học trò cuối cùng dắt xe ra khỏi cổng, ông Ba Trực mới gõ cửa bước vào.

- Ủa ! ông Liên gia trưởng, ông giáo Bắc reo lên. Mời ông vào chơi. Mát trời, ta ra vườn uống trà, nói chuyện cho thoải mái.

Ông giáo đích thân pha ấm trà ướp sen đãi khách dưới dàn mướp hương đang ra trái.

San khi thưởng xong một tuần trà, ông Ba đặt tách xuống bàn khen nức nở :

- Tuyệt ! Trà bà giáo ướp vẫn có nét độc đáo hơn người. Chị hai tôi ướp cũng đã ngon, nhưng quả thật vẫn chưa bằng.

Ông giáo mỉm cười, khiêm nhượng đáp :

- Ông Ba quá khen ! Bà Hai ướp xong mẻ trà có cho chúng tôi ít lạng. Tôi đã pha uống thử. Ngát và thanh lắm, ông Ba...

Nâng chén trà tỏa hương dìu dịu, ông Ba vào đề :

- Chả nói giấu gì ông giáo, từ ngày quý quyến về đây, cả xóm Ngọc Lan này đều được nhờ ơn đức của ông giáo.

Ông Bắc vội ngắt lời :

- Ấy chết, ông Ba dậy quá lời, tôi đâu dám nhận. Thực tình, tôi nào có giúp được bất cứ việc gì đáng kể cho bà con trong xóm đâu.

- Dạ, hà tất phải làm việc gì to tát mới là đáng kể. Chính đời sống thanh cao của ông giáo là một tấm gương trong sáng cho tất cả chúng tôi soi chung. Nhất là bọn thiếu niên hậu tiến, con em của chúng tôi, sau này chúng có khá phần lớn là nhờ vào niềm tin mà chúng còn giữ được nơi thế hệ cha anh mà ông giáo là tiêu biểu.

Ngưng một giây, ông Ba nói tiếp :

- Chúng tôi mạn phép thưa như vậy, tuy có xúc phạm đến đức khiêm cung của ông giáo, nhưng đó chính là sự thật. Vì đối với chúng tôi, ông giáo là một người tài đức vẹn toàn đáng cho chúng tôi tin cậy. Vì lẽ đó, chúng tôi xin có lời thành khẩn mời ông giáo chiều mai, cũng vào giờ này, quá bộ qua nhà chúng tôi xơi chén rượu nhạt và chứng kiến giùm cho chúng tôi một việc quan trọng...

Ông giáo ngạc nhiên hỏi :

- Ủa, việc chi vậy, ông Ba ?

- Câu chuyện khá dài giòng. Tôi xin thưa vắn tắt. Chúng tôi là người tỉnh Bến Tre, ở một xã xa xôi, cách đây bẩy tám năm, vốn là một vùng xôi đậu. Đời sống lúc bấy giờ thật là rắc rối, khó khăn, nguy hiểm, cơ cực. Lúc ấy là lúc anh Hai chúng tôi còn sanh tiền. Gia đình anh em chúng tôi cũng như một số lớn gia đình các bạn đồng hương còn tồn tại được đến ngày nay là nhờ vào sự che chở của một người bạn mà thiên hạ đều kêu là Anh Tư.

"Anh Tư là một người quốc gia chân chính, phải dấn thân vào nơi nhơ nhớp để một mình gánh vác sự an nguy giùm cho tất cả bà con trong xã.

"Cách đây năm năm, anh Hai tôi đau nặng. Khi biết mình không thể qua khỏi được, anh Hai tôi có dặn lại chị Hai tôi : "Sau này yên giặc rồi, tất anh Tư bị chính quyền nghi ngờ. Nếu có điều chi không giải quyết được, em cứ lục ở dưới đáy rương lấy cặp nến hồng anh cất trong đó ra, gắn lên trên bàn thờ, đốt lên và khấn anh, anh sẽ về chỉ dẫn cho... Có điều lúc ấy cần sự có mặt của một người vừa có tài, vừa có đức mới được. Có tài để hiểu ý của anh, và có đức để không làm ngược lại những gì cần phải làm... "

"Thưa ông giáo, ngày nay thế lớn đã tạm yên. Quả nhiên Anh Tư bị giữ vì bị nghi là người của địch. Chúng tôi vừa được tin xong nên phải kiếm cách cứu anh ngay. Nếu chậm trễ, anh sẽ bị giao trả cho phía bên kia, tính mạng anh chắc khó được an toàn, và danh dự anh nhất định sẽ bị sứt mẻ.

"Chị em chúng tôi đã bàn định và nhất quyết chiều mai thực hiện lời trối trăng của anh Hai tôi.

"May phước chúng tôi gặp được ông giáo đúng lả mẫu người tài đức mà anh Hai chúng tôi tin cậy... Thế nào cũng xin ông giáo nhín chút thì giờ...

Ông Bắc trầm ngâm hỏi lại :

- Ông Ba có mời ai nữa không ?

- Thưa, trong xóm ta có cụ Cử Sách và cụ Hương Cả là hai vị tuổi cao đức trọng. Bữa tiệc mọn ngày mai chỉ có hai cụ và chúng tôi nữa là ba để bồi tiếp ông giáo thôi đấy ạ.

- Vâng, ông Ba đã dậy thế, tôi không dám chối từ. Chiều mai, đúng sáu giờ, tôi xin qua.

Buổi sáng, bà giáo đã thân hành đi chợ Saigon mua một chục xoài thật đẹp để buổi chiều bà cho Nga, cô con gái cưng, mang vào nhà bà Hai làm đồ lễ.

Khi ông giáo tới, trong nhà đã ngồi đủ mấy vị quý khách cao niên.

Trên bàn thờ, đèn hương nghi ngút. Nhưng cặp nến lớn mầu hồng đậm cắm sẵn trên đôi đèn đồng bóng loáng vẫn chưa được thắp.

Đó chính là cặp nến cất kỹ trong đáy rương mà ông Ba nói đến trong câu chuyện ly kỳ chiều hôm trước.

Gia chủ cố ý dành cho ông giáo danh dự châm ngọn lửa thiêng vào cặp đèn cầy đỏ thẫm này.

Ông giáo kính cẩn niệm hương.

Từ bức ảnh phóng lớn của người quá cố, đôi mắt tinh anh ngó xuống như cảm thông với cái tâm thành của người đang khấn vái.

Và ánh nến cháy vững ngọn chiếu sáng, làm rạng rỡ thêm vừng trán cao trên khuôn mặt khôi ngô và cương quyết của nhà mô phạm.

Rồi chuyện nổ như bắp rang giữa mấy vị tuy cùng ở cùng một xóm nhưng ít khi có dịp gặp nhau lâu chung quanh một cái bàn.

Cụ Cử, một vị thâm nho vốn hiếm bạn và xưa nay chả tâm phục ai, không tiếc lời khen tặng ông giáo :

- Tôi nói thật, ông giáo có một ảnh hưởng lạ lùng chẳng những đối với đám học sinh mà còn đối với cả bọn trung niên và cao niên chúng tôi nữa đó. Có lần tôi đã nói với ông Ba : Từ đầu năm đến giờ, đố ai nghe thấy trong xóm mình một tiếng chửi thề hay một lời thô bỉ.

"Ông giáo không hề khuyên ai nên làm điều gì hay chớ nên làm điều gì. Ấy thế mà các ông trong chẳng ai bảo ai bỏ hẳn được tính rượu chè bê bối. Các bà cũng dứt được cái thói quen "điều binh khiển tướng". Cụ coi, thế có lạ không, cụ Hương ?

Cụ Hương Cả phe phẩy chiếc quạt giấy mặc dầu trên trần chiếc quạt máy vẫn quay đều cánh.

- Dạ, chính thế, cụ Hương vui vẻ đáp. Như vậy mới thật xứng đáng một nhà gương mẫu. Thưa cụ, ở đời này, giữ được cho riêng mình một nếp sống thuần lương đã là một chuyện khó. Nhưng làm cho mọi người ở chung quanh tự ý hòa mình vào nếp sống ấy lại càng khó hơn và do đó lại càng quý hóa hơn gấp bội...

Tàn hương, bà Hai lễ tạ và mời mọi người vào tiệc.

- Chú Ba, bà nói, chú ngồi tiếp rượu hai cụ và ông giáo giùm chị nhé.

- Dạ.

Cụ Cử khề khà nói :

- Ngày xưa, các cụ dạy : "Vô tửu bất thành lễ" nên ở chốn đình trung cũng như ở trong nhà những khi giỗ chạp, chỗ nào cũng có rượu. Những rắc rối vì rượu mà sinh ra không phải là không có, nhưng còn tương đối ít. Ngày nay, sao tôi thấy quá tệ. Không ngày nào không có báo đăng những chuyện chẳng ra gì do rượu gây ra giữa những người vốn nhận nhau là bạn. Thấy vậy đâm ra sợ, cho nên họa hoằn lắm tôi mới nhắp chút đỉnh cho đỡ buồn. Hôm nay vui lắm, tôi xin phá lệ để thừa tiếp các cụ và ông giáo một ly. Hà hà...

Cụ Hương Cả tiếp lời :

- Nói cho ngay, chén rượu chẳng qua cũng như miếng trầu để dùng vào làm đầu câu chuyện xã giao. Không uống được, hơi kém vui một chút. Nhưng uống được cũng chẳng có gì là hay ho. Ấy thế mà tôi thấy khối người dường như lấy làm hãnh diện khi bầy trên bàn thật nhiều vỏ chai đã cạn. Cái hại là ở chỗ đó, phải không các cụ ?

- Dạ, ông giáo nhỏ nhẹ đáp. Theo ý tôi, rượu càng uống ít càng tốt. Và chả bao giờ nên uống cho đến say...

Ông Ba đặt chén xuống bàn, lắc đầu, cười nói :

- Vâng, sợ nhất mấy ông nát rượu. Trời cũng còn là nhỏ. Và không có điều lãng xẹt nào các ông ấy không dám làm.

Câu chuyện lan man từ gần đến xa, từ đời sống đắt đỏ đến những vấn đề thời sự nóng bỏng. Tiếng cười giòn như pháo và vui như Tết.

Bà Hai chạy ra chạy vào sai phái các con mang tiếp thức ăn lên đãi khách. Hùng, con trai lớn của bà, và Hiền, cô con gái út, lăng xăng hầu thầy chúng rất chu đáo.

Tiệc gần tàn, Hiền đã bưng sẵn đồ tráng miệng lên.

Bà Hai đang lo pha một ấm trà mới thật ngon, bỗng ngừng tay, kêu lên một tiếng sợ hãi :

- Ồ !

Cả bàn tiệc, cả anh em Hùng, Hiền, cùng kinh ngạc thốt :

- Ồ !

Bao nhiêu cặp mắt đều chăm chú ngó lên bàn thờ. Một ngọn nến đỏ thẫm mới cháy được nửa chừng bỗng tự nhiên tắt phụt !

Một thoáng lo lắng hiện trên nét mặt mọi người, tưởng chừng như đó là một điềm xui xẻo.

Ông giáo Bắc nghiêng đầu khẽ rỉ tai ông Ba :

- Đó, ông Hai đang bắt đầu chỉ dẫn đó !

Như người chợt tỉnh giấc mơ, ông Ba Trực gật đầu hưởng ứng :

- Dạ, dạ...

Ông giáo vẫy Hùng lại gần, ôn tồn bảo :

- Con gỡ cây nến vừa tắt lại đây cho thầy.

- Vâng ạ.

Mọi người đổ dồn vào cây nến tắt nửa chừng ông giáo cầm nơi tay. Không trông thấy vết bấc. Giơ lên soi không thấy gì. Vì mầu nến quá thẫm nên trong ruột nến có tim hay không cũng khó lòng biết được.

Trước sự ngạc nhiên của mọi người, ông giáo khẽ bửa đôi đoạn nến. A, có một vật lạ bên trong chất sáp. Một mẩu giấy ló đầu ra. Bóp vụn nến, gỡ vật lạ dần dần thì được một cuốn giấy nhỏ và dài như một sợi tim đèn.

Tất cả cùng ồ lên một tiếng kinh ngạc trong khi ông giáo từ tốn mở rộng tờ giấy, vuốt lại cho phẳng phiu và trải trên bàn.

Đó là một tờ giấy bản vuông vắn, mỗi bề độ 10 phân. Trên mặt giấy chi chít những con số. Viết bằng bút lông và mực nho.

Trên cùng có một nhóm năm chữ K V K 30 đứng tách ra như một vị chỉ huy dẫn đầu một đám người xếp hàng ngay ngắn theo sau.

Đám này gồm 6 hàng chữ số. Mỗi hàng có 5 nhóm, mỗi nhóm có 6 con số.

Cụ Cử, cụ Hương Cả truyền tay nhau ngắm nghía các nhóm chữ số ngay hàng thẳng lối đang âm thầm diễn hành trên mảnh giấy im lìm.

Ông Ba xem chán, đưa cho bà chị dâu coi.

Sau cùng, Hùng và Hiền cũng ghé mắt cùng xem và cùng lẩm nhẩm đọc :

 

K V K 30

032204 077203 003901 219701 196503

055304 216604 191501 306305 306705

005007 073505 000103 318305 158304

197101 268504 041501 127602 320406

185001 058301 314901 077103 046504

309202 318902 202701 266806 083808

 

Toàn những chữ số là chữ số, chả ai hiểu ra làm sao cả.

Hùng đánh bạo hỏi thầy :

- Đặc những số là số. Không lẽ là những phương trình toán ! Ba con đâu có giỏi toán!

- Ờ, ông giáo mỉm cười đáp. Ba con không giỏi toán, nhưng ba con giỏi làm thơ thì sao ?

- Ủa ! Hùng kêu lên. Sao thầy hay vậy ? Ba con khoái làm thơ lắm.

Mắt đăm đăm nhìn vào mảnh giấy đặc kịt những hàng chữ số, ông giáo trầm ngâm một lúc lâu trước khi nghiêng đầu hỏi ông Ba Trực :

- Thuở sinh thời, ông Hai thường hay ngâm nga những truyện bằng thơ lắm, phải không ông Ba ?

Ông Trực ngẩn người ra, chưa kịp đáp thì bà Hai đã vội đỡ lời :

- Đúng vậy đó, thưa ông giáo. Những lúc thừa nhàn, ba các cháu thường hay ngâm Lục Vân Tiên, Kiều hay Tần cung oán.

Không ai hiểu ông giáo hỏi vậy là có ý gì. Nhưng ai nấy để cả mắt và chú tâm vào mảnh giấy nhỏ xíu đầy bí ẩn nên không nghe thấy tiếng một chiếc xe gắn máy lạ đi vào trong hẻm và đậu ngay trước cửa.

Thậm chí có người lạ vào đến giữa nhà cũng chẳng ai hay.

- Giơ tay lên !

Nghe tiếng quát, mọi người giật mình, ngửng đầu lên, hốt hoảng.

Một khẩu súng đen ngòm đang chĩa thẳng vào người ông giáo.

Người cầm súng là một tên cao lớn có nước da đen đúa. Một vết sẹo dài bên má trái điểm xuyết cho nét mặt y thêm vẻ dữ dằn.

Y trợn mắt nhìn ông giáo. Một nhếch mép lạnh lùng thoáng hiện trên môi y mỏng dính. Vẻ đắc chí của tên gian manh trông thật là đáng ghét.

Xem tiếp chương 3 & 4