Những ngày xanh - Chương 9 & 10

Chương 09

Mùa xuân vẫn như kéo dài. Khu Drumbuck có một ngõ nhỏ gọi là "con đường xanh". Tên này sai – đối với tôi lúc bấy giờ. Hai bên ngõ là những nhà nhỏ, một khu vực riêng biệt, khác hẳn khu nhà của các công chức của Levenford, kể từ ông Thị trưởng, ông Xếp ga, ông Chỉ huy trưởng đội Cứu hỏa cho đến viên Thanh tra sở Vệ sinh (là ông ngoại tôi). Chủ nhân những ngôi nhà này là nhân viên hãng đúc nồi gang. 

Năm giờ sáng, còi đã hụ vì đến giờ làm việc, nên sáng không ai thấy họ đi ngang, chỉ vào buổi trưa, chiều, tiếng giày đinh của họ vang lên khắp đường, những bộ đồng phục xanh dương lấm lem, những khuôn mặt và đôi tay đen vì khói và dầu, thật trái ngược với ông ngoại tôi: đồng phục đính khuy đồng sáng loáng và mũ két trắng tinh! 

Họ rất hiền lành, lương cao và công việc nhọc nhằn thực sự. Cho nên hễ chiều thứ bảy là họ đi chơi ở sân banh Levenford, hay hơn nữa: ngày chúa nhật đáp xe lửa đi Winton chơi. Đôi khi, họ còn đi bách bộ trong vùng và cao hứng họ dám ngừng lại rút khẩu cầm mang theo sẵn trong túi ra thổi lên một bản hay ra trò. 

Trong đám thợ thuyền đó, tôi mến nhất anh Jamie Nigg, vì lẽ giản dị là anh ta rất mến tôi. Anh khoảng 30 tuổi, người thấp, vai rộng, tay dài, đôi mắt to, hơi buồn, có lẽ do đôi chân vòng kiềng của anh (tôi đoán thế). Mặc dù khi đi ngoài đường, anh cố sửa, song tôi thấy như cố tật vẫn không sao che giấu được. 

Mỗi lần tôi tan trường ra là y anh đón đường tôi, nhìn tôi bằng hai mắt hiền lành, tay luôn luôn vuốt cằm (cạo râu mỗi ngày, dù vậy hai má và cằm anh vẫn thấy vệt xanh vì râu anh dày lắm).

- Sao? Mạnh chớ? 

- Dạ mạnh! Cảm ơn anh Jamie. 

- Ở nhà em, mọi người khỏe hết chớ? 

- Cảm ơn anh, ai cũng khỏe hết. 

- Ông ngoại em và cả gia đình đều khỏe? 

- Thưa anh Jamie, vâng! 

- Này, cậu em sắp thi đấy chớ? 

- Thưa anh, phải; cậu em sắp thi. 

- Bà em chưa về hở? 

- Dạ, bà em chưa về. 

- Hôm kia, anh thấy ông cố em ở sân vận động. 

- Thế à? 

- Ông cố em có vẻ khỏe lắm. 

- Vâng! 

- Hôm nay trời đẹp, hở? 

- Vâng! 

Hết chuyện! Im lặng giây lâu rồi anh Jamie cho tay vào túi rút ra một pence mỉm cười đưa cho tôi, kèm theo một câu khôi hài xưa rích vẫn thường được dùng ở Levenford: 

- Cho em đấy! Cầm lấy! Và nhớ: đừng tiêu hết một lần trong cửa hiệu. 

Tôi dạ to một tiếng cầm tiền chạy bay đi, anh đứng yên nhìn theo, nói với: 

- Nhớ nói lại anh gửi lời thăm cả nhà, nghe? 

Chả cần bận tâm tìm hiểu, tôi cho rằng anh Jamie tử tế với tôi là vì anh biết mẹ tôi ngày trước – cũng như ông Thị trưởng Blair, như chị Julia, và như nhiều người khác trong vùng. 

Thật vậy, chỉ với mấy lời ngắn ngủi: "Ta có quen với mẹ em lúc trước" là đủ làm tôi phấn khởi, làm tuổi thơ côi cút của tôi tươi đẹp lên một chút và làm tôi tin tưởng vào lòng tốt của mọi người. 

Vội vàng, tôi chạy đến quán bà Minns mua mấy viên kẹo chua chua có sọc xanh xanh, hồng hồng, không thắc mắc làm chi về cái lý do quá chu đáo của anh Jamie đối với tôi. 

Từ sau khi nhận quà của cậu Adam, tôi học được chút kinh nghiệm... Và tôi cẩn thận hơn, và dù là anh Jamie dặn dò như thế, tôi vẫn tiêu ngay số tiền vừa nhận được, nếu không, sớm chầy người lớn cũng khám phá ra, hoặc khi thay quần áo nó từ túi quần lăn ra nền nhà bếp, làm ba tôi chú ý và nhất định là ông nhặt lên, bảo "để dành" cho tôi. Tôi còn bé, lại ăn uống thiếu thốn nên thèm bánh kẹo ghê gớm. 

Tôi đâu phải hạng mù chữ, dốt nát? Cho nên tôi biết rằng thú vật trong rừng, ngoài đồng có thể chết vì thiếu ăn, dù bề ngoài xem ra... sung túc. Tôi cũng vậy,cái đói luôn luôn day dứt trong tôi, ngay cả khi vừa rời khỏi bàn ăn, nên tôi cho rằng nếu không có kẹo của bà Minns tôi dám chết quay lơ một ngày nào đó, chớ không chơi! Con nít rất cần chất đường cho cơ thể tăng trưởng, không phải sao? Nếu không người ta chế ra kẹo bánh làm chi? 

Một bữa chiều thứ bảy, tôi tình cờ gặp anh Jamie – người vẫn gián tiếp cung cấp chất đường cho cơ thể tôi – ở góc "con đường xanh". Nhưng anh thì không, anh cố ý đón đợi tôi, chắc chắn như vậy. Chà! Anh có vẻ chải chuốt khác hẳn ngày thường. Bộ quần áo xanh dương, giày nâu và mũ két thấp có kẻ ô vuông đỏ, đen. 

- Đi coi đá banh với anh không? 

Tim tôi đập rộn lên: buổi chiều buồn bã trống rỗng vì Gavin ở Luss với ba nó chưa về. Xem đá banh: trò chơi này tôi chưa hề được dự mà cũng không hề chấp chới hy vọng được xem. Làm sao tôi từ chối nổi?

*

Lúc ra về, chúng tôi sát bên nhau như đôi bạn thân thiết. Đến ngã rẽ, anh đột nhiên trao cho tôi một cái gói, cái gói khá to đã là nguyên cớ khiến anh bối rối suốt buổi. Mặt bừng đỏ, giọng khàn khàn, anh nói: 

- Em đưa cho dì Kate nhé? Nói là anh... tặng.

Ý cha! Lạ lùng chưa? Sao lại có dì Kate chen vô giữa hai anh em kìa? Dì Kate của tôi mà! Tình bạn thắm thiết của tôi và anh ấy có gì trục trặc đây chớ chẳng không? Trông dáng bộ tôi, anh Jamie càng đỏ mặt hơn: 

- Em bằng lòng chứ? Cứ đem vô trong phòng dì, nhé? 

Khi anh quay đi, tôi còn sửng sốt với gói quà trên tay. Về đến nhà, chả thấy dì đâu, cậu Murdoch thì đang vò đầu, vò cổ trước mấy cuốn sách dày cộp. 

Theo đúng lời Jamie, tôi đi thẳng lên phòng dì, tôi reo to khi thấy dì: 

- Dì ơi! Có quà cho dì! Có quà cho dì này! Sướng chưa? 

Mặt tối sầm, dì tỏ vẻ không tin lời tôi, làm tôi phải lặp lại lần nữa, và đưa gói ra, dì tôi cầm lấy, thong thả mở gói trong lúc tôi như bị thôi miên: dưới lớp giấy hoa, một cái hộp tuyệt đẹp có thắt nơ, đựng ít nhất cũng 3 livres kẹo sô cô la, thứ thượng hạng. Tôi dám chắc là từ hồi sinh ra đến giờ dì tôi chưa hề nhận được món quà nào đẹp và... ngon hơn. 

- Đẹp quá, dì hở? (Tôi tiết lộ tên người tặng) của anh Jamie đó, ảnh dắt cháu đi coi đá bóng chiều nay. Anh tử tế ghê, dì hở? 

- Jamie? 

- Dạ, anh Jamie – Nigg đó mà! Dì không biết sao? 

Dì tôi có vẻ nửa thích thú nửa thất vọng, dì bĩu môi: 

- Dì sẽ gởi trả lại cho ổng! Dì sẽ trả!... 

Tôi cố nén một tiếng kêu bất bình, kinh ngạc. Sao lại gởi trả? Người ta tử tế như vậy... nhưng tôi cố không làm dì tức giận bằng giọng nhỏ nhẹ: 

- Đừng, dì ơi! Tội nghiệp ảnh, dì ơi! Vả lại... 

Tôi không nói hết được ý nghĩ, tôi thèm rõ dãi ra. Dì tôi không khỏi nín cười – dì ít cười, nhưng hễ khi dì cười trông dì xinh tệ! – vò đầu tôi: 

- Ừ! Thôi, dì cho cháu một cái, nghe? Nhưng phần dì, dì thề không thèm đụng đến. 

Không đợi dì mời đến tiếng thứ hai, tôi nhón ngay một cái. 

- Ngon không, cháu? 

Dì hỏi – xem chừng dì cũng thèm lắm. Kẹo ngon thế kia mà! – Tôi gật đầu chứ không nói được vì bận nhai kẹo. Giọng dì tôi tiếc rẻ: 

- Phải chi của ai thì, hay quá... 

Chao, dì Kate của tôi nói đến lạ. Tôi hăng hái bênh vực anh Jamie: 

- Sao dì nói vậy? Cháu thấy anh ấy dễ thương lắm mà! Dì phải biết: anh ấy quen với mấy cầu thủ trong đội banh Levenford kia, chớ dì đừng tưởng... 

- Cháu chưa hiểu gì cả, Jamie xoàng quá, một gã thợ quèn. Đó là chưa kể anh ta không kiêng cả rượu mạnh. 

Bắt chước ông cố, tôi nói bằng giọng bất cần: 

- Chuyện đó có hại gì đâu? 

- Thôi, cũng được đi, nhưng cháu coi... 

Tôi ngừng nhai chờ đợi, dì tôi đỏ bừng mặt, tiếp: 

- Đôi chân của anh ta... 

- Coi kìa? Ai bảo dì để ý đến chân ảnh làm chi? 

Tôi lại hăng hái bênh vực Jamie. Dì tôi thở dài: 

- Sao không để ý, cháu? 

Tôi nói như người lớn: 

- Bộ dì thương người khác, hở? 

- À... à!... Cũng có... 

Ánh mắt dì tôi chợt mơ màng, xa vợi. Thừa dịp, tôi nhón thêm cái kẹo nữa. 

Dì tâm sự: 

- Cũng có nhiều người đến với dì, nhưng dì chỉ nghĩ đến một người, một người lý tưởng. Một người đàn ông lớn tuổi, rắn rỏi, da nâu, lịch thiệp, học thức rộng, như mục sư Sproule chẳng hạn. 

Chúa ơi! Tôi há hốc miệng nhìn dì tôi: mục sư Sproule, già gần 40, bụng hơi bự, tóc xoắn, giọng nói sang sảng và có tới bốn đứa con! 

Lý tưởng kiểu gì vậy hả trời? Tôi gạt đi: 

- Thôi đi dì! Anh Jamie hơn chứ. Ảnh còn trẻ, vui vẻ, tốt bụng... 

Tôi chợt ngừng lại, đỏ mặt, nghĩ là mình không nên phạm thượng, chỉ trích thần tượng của dì mình. Song may quá: dì vẫn không phật ý, dì vui vẻ: 

- Dì không giận đâu, này, ăn thêm đi, cháu! Đừng bận tâm. Dì thì dì thề không thèm làm bẩn miệng vì mấy viên kẹo này. 

Tôi vâng lời dì tức thì. Dì tôi mơ màng: 

- Robert à, dì chán tình yêu lắm, chán lắm! Luôn luôn phụ nữ bị thua thiệt! Robert! Viên kẹo bên trong mềm hay cứng vậy? 

- Cứng dì ạ! Mà ngon lắm, dì ăn thử đi! Có hạt hạnh nhân trong đó, ngon dễ sợ, ăn đi dì! Đây, dì nghe cháu đi! 

- Không! Không! 

Dì tôi chối từ nhưng giọng yếu ớt khác lúc đầu. Tôi tấn công thêm: 

- Dì ăn thử một viên thôi mà! Ăn đi dì! Ngon lắm! 

Lần này, dì xiêu lòng, đón viên kẹo tôi đưa cho một cách lơ đãng, cho vào miệng, không nói gì. Tôi nóng nảy hỏi: 

- Ngon phải không dì? 

- Robert ơi! Không ai có thể mua chuộc nổi dì bằng quà biếu đâu, nhưng phải công nhận cháu nói đúng: kẹo ngon chi lạ! 

- Dì này, dì ăn thêm cái nữa đi dì! 

- Thôi!... mà... cũng được, nếu cháu muốn, tìm cho dì một cái nhân cam như viên đầu cháu ăn đó! 

Thế rồi, cháu mời dì một cái, dì mời cháu một cái, non nửa giờ sau, chúng tôi ăn hết hàng trên hộp kẹo. 

Đã thèm rồi, tôi sực nhớ thắc mắc: 

- Dì ơi! Cháu nói sao với anh Jamie? 

Dì tôi cột cái nơ quanh hộp lại, cười to – lần thứ nhất dì tôi vui vẻ thực sự: 

- Hai dì cháu mình giả dối ghê chớ? Nhất là dì: ăn của người ta, chắc người ta tốn nhiều tiền lắm... mà không thương người ta... 

- Cháu có thương anh ấy chớ! 

Tôi la lên. Dì càng cười to thêm: 

- Thì cháu cứ thương ảnh! Dì có cấm đâu. (Nghiêm giọng lại). Cháu hãy nói thật với ảnh là dì gởi lời cảm ơn, kẹo ngon lắm, nhưng ảnh đừng nghĩ gì hết, tốt hơn. 

Tôi hơi rối trí vì mấy lời tối nghĩa của dì, toan hỏi, nhưng dì đã tiếp: 

- Cứ nói: ảnh đừng hy vọng gì hết, cháu nhớ chưa? 

Tôi chạy bay xuống lầu, quyết định sẽ chỉ nói với Jamie mấy câu trên, còn mấy câu dưới thì khỏi, tôi đâu có điên? Tôi không muốn Jamie buồn đâu. 

Chương 10

Tháng 7 đến, sắp nghỉ hè. Lúa nghiêng mình dưới làn gió nóng, trĩu hạt, sắp chín vàng. Gavin và tôi rong chơi cùng khắp, triền núi Garshake mọc đầy dâu rừng, chúng tôi hái ăn và mang về cho mẹ cả xô đầy, mẹ rất thích vì thứ dâu rừng làm mứt ngon thập bội so với thứ mứt đại hoàng mà chúng tôi phải cố nuốt hàng ngày. 

Hai đứa tôi còn tắm suối, lần đầu tôi tập bơi, đàn cá vàng kinh ngạc thấy người, lội nhanh để trốn, chạm cả vào chân chúng tôi. Tôi thích thú kêu to và hai đứa cười ròn rã. Vùng vẫy trong nước thật quả có ích: mọi ưu phiền của tôi như trôi tuột, như được rửa sạch. 

Rồi chúng tôi chạy nhảy bằng thích và cuối cùng nằm dài lên cỏ, ngửa mặt nhìn trời, tận hưởng hạnh phúc. Vòm trời trong xanh, không khí tinh khiết, ấm áp, nắng vàng, cây lá xanh tươi và trong tôi bừng lên sức sống. 

Có lẽ tôi đã sống như một kẻ ngoại đạo. Làn gió hè thổi tan những ý tưởng về Thượng Đế ra khỏi tâm trí, tôi chả hoài hơi lưu tâm đến những bưu thiếp bà gửi về. Tối tối, tôi chả còn e ngại bọn quỷ dữ nấp ở xó nhà chỉ lăm le ám hại linh hồn tôi, như lời bà. Vừa đặt lưng xuống giường là mắt tôi nặng chĩu ngay, có khi chỉ vừa kịp đọc vội, đọc vàng một câu kinh ngắn cho có lệ. 

Nhưng không bao lâu, tôi hay tin là sắp phải xa Gavin: mỗi dịp hè ba nó thuê một trại mát vùng Perthshire, ở đó có thể săn bắn, câu cá (một điều xa xỉ mà sau này người ta sẽ trách ông). Gavin nghỉ hè tại đó, một vùng cao nguyên đầy cỏ dại và thơ mộng. 

Chị Julia không ngớt lặp đi, lặp lại cho tôi biết rằng tôi có thể đến đó nghỉ hè với Gavin. Mà tôi, tôi cũng rất thích, song than ơi! Áo quần thảm hại quá, chưa kể phí tổn di chuyển bằng tàu hỏa và nhiều khó khăn khác về tài chánh khó nỗi vượt qua, vì vậy, dự định tốt đẹp ấy bị bóp chết ngạt từ trong trứng! 

Hai đứa tôi chia tay ở sân ga, mắt mờ lệ. Chúng tôi nắm tay nhau thật chặt không muốn buông ra và hứa trung thành cùng là nhớ đến nhau luôn. 

Trọn tháng ròng, tôi chỉ biết lang thang bên mấy ngôi nhà tranh có rào đầy bụi rậm. Gió thổi hun hút giữa lùm cây nghe như tiếng thở dài ảo não của đất đai đã cạn dần sinh lực. 

Phần đông các gia đình khá giả ở Levenford đều đi nghỉ mát ở bờ bể. Thành phố đìu hiu vắng vẻ trở thành xa lạ đối với tôi, y như một thành phố bị quân ngoại xâm chiếm đóng. 

Gavin vắng mặt nhưng đều đặn gửi thiệp về, giọng nó tràn ắp nồng nhiệt làm tôi càng nôn nả mong gặp nó. 

Thế rồi, một buổi chiều tôi đi dạo trước khi vào làm một bài luận dài ngoằng về Marie-Stuart, nữ hoàng Tô Cách Lan, tôi lại gặp Jamie – anh vẫn có lệ chiều chiều đến ngồi trên thành tường thấp bao quanh vườn nhà tôi – quay lưng vào nhà. Chiếc khẩu cầm trên miệng, anh thổi lên một điệu nhạc rất lôi cuốn, tôi nghe mê nhưng không biết tên nên đặt là "điệu nhạc của anh Jamie" – Anh cứ điềm nhiên thổi trong lúc tôi lẳng lặng ngồi xuống bên cạnh. Chúng tôi cùng tận hưởng hơi mát truyền lên từ thảm cỏ vàng đẫm sương chiều, từ những cụm mây mù vây kín những mái tranh khô héo. 

Cỡ bảy giờ, dì Kate đầu trần, hai tay thọc vào túi, cổ áo choàng mỏng mầu xám kéo cao lên, rời nhà đến thăm cô bạn. Dì làm như chỉ thấy có mình tôi. Còn Jamie? Anh cũng làm như không thấy dì, có điều dì càng đi xa, điệu nhạc càng to lên như đuổi theo sát gót. Tôi hiểu lờ mờ rằng đây chính là một dạ khúc Tô Cách Lan, chậm, dìu dặt, thấm thía... 

Một hôm, cảnh đó tái diễn, và dì ngừng lại trước chúng tôi đột ngột, giọng dì nghiêm nghị: 

- Robert! Cháu nên vào nhà thì hơn! 

Tôi chưa kịp trả lời dì thì anh Jamie ngừng thổi kèn, đón lời: 

- Kìa, thằng bé có làm gì bậy đâu? 

Dì Kate trừng mắt nhìn anh Jamie, tia nhìn giận dữ, nhưng anh vẫn thản nhiên làm dì phải quay đi không biết nói gì khác nữa. Giọng lửng lơ, anh lại nói: 

- Chào! Buổi chiều hôm nay trời đẹp làm sao! 

- Chắc chắn trời sắp mưa! 

Dì tôi trả đũa, Jamie vẫn tươi cười: 

- Có thể lắm, nhưng hại gì, một cơn mưa nhỏ ấy mà! 

- Anh giữ tôi lại để nói chuyện thời tiết đấy hẳn?

Giọng dì dấm dẳng, nhưng trong cái tranh tối tranh sáng của buổi chiều, tôi thấy dì đẹp ghê đi: thân hình cao, rắn chắc, chân thon, thẳng. Jamie lơ đãng đưa kèn lên miệng thổi vài tiếng rồi nói: 

- Tôi nghĩ đây là một buổi chiều lý tưởng để... đi dạo... 

- Hả? Đi dạo? Xin hỏi anh: đi dạo ở đâu? 

- Ờ! Đâu mà không được... 

- Dễ nghe há? Tôi không định đi dạo, tôi đi thăm bạn tôi, anh hiểu chưa? 

Dì sắp quay đi, tức thì Jamie nhảy phóc xuống, phủi quần, nói mau: 

- Tôi cũng đi đường ấy. Tôi xin phép được đưa cô đi! 

Dì Kate có vẻ bối rối, không nói năng gì. Nhưng tôi có cảm tưởng là khi hai người sóng đôi được một đoạn thì bóng tối đã che mất đôi chân cong của Jamie! Phải! Quan tâm làm chi đến đôi chân? Đáng kể là tấm lòng kia chứ! 

Nán lại một chút chờ họ đi khuất, tôi vào nhà, mở cái cặp ra, soạn sách vở làm bài. Nơi bàn ăn, cậu Murdoch có vẻ khá chăm chỉ, nhưng tôi ngạc nhiên thấy cậu không hề lật sách. Cậu gãi đầu liên hồi, gầu rơi đầy trang giấy. Tôi tự hỏi cậu có thực sự học không vì vài bận tôi thấy giữa các trang sách của cậu thò ra một cuốn mẫu hạt và cách trồng tỉa, bằng chứng hiển nhiên về sự ham thích trồng trọt của cậu tôi. 

Suốt ngày, cậu ngồi học một cách miễn cưỡng, day trở không ngừng, đứng lên rồi ngồi xuống, khi thì chạy đến trước gương nặn mấy cái mụn trứng cá, khi thì lẻn ra vườn, lang thang như một tâm hồn đau khổ. Đôi lúc vô tình cậu hé cho tôi thấy rõ tư tưởng thầm kín của cậu: 

- Robert này, mày biết không: bên Hòa Lan họ trồng từng mẫu Uất Kim Hương cơ đây! Tưởng tượng coi: từng mẫu Uất Kim Hương? 

Tối tối, ba tôi ngồi ngay sau lưng cậu, im lặng và kiên nhẫn như một bác đánh xe ngựa. Sẽ có cuộc thi tuyển vào Quốc gia Bưu Điện tháng tới. Ngày ấy càng gần, ba càng nắm chặt dây cương hơn, tôi dám chắc ba không ngần ngại gì mà không dùng roi, nếu thấy cần và con ngựa khốn khổ chắc bạn đã rõ: không ai khác hơn là cậu Murdoch của tôi! 

Ba nhất định cậu tôi phải đậu, không chỉ để bảo đảm tương lai của cậu mà còn để thỏa mãn tính kiêu hãnh của ba. Ba đã không thành công và được yêu vì trong xã hội, ông cần trả thù, ông ao ước hết lòng được báo tin cho mọi người, từ ông Thị trưởng, luật sư Mc Kellar, bác sĩ Lair, cho xếp ông, bằng giọng hãnh diện rằng chính con trai thứ của ông đã trúng tuyển vào Quốc gia Bưu Điện! 

Tôi sẽ sàng đến ngồi gần cậu, hết sức sẽ sàng để tránh làm rộn người đang học thi. Mẹ đã cẩn thận bao sách tôi bằng loại giấy nâu dày để giữ cho lâu bền – ở nhà này không được làm hư hại bất cứ một vật gì – Ông tôi thì đề tên tôi lên ngoài bìa bằng nét chữ rắn rỏi và rất đẹp. (Tôi đã lên lớp ba tháng nay rồi. Thầy giáo mới, ông Singer hói đầu, cử chỉ từ tốn, chậm chạp và rất thứ tự, tỏ vẻ ân cần đối với tôi. Tôi tấn tới rõ ràng, tỏ ra có năng khiếu đặc biệt). Nhưng tôi không bao giờ kể chuyện đó ra với ba tôi, vì tôi biết ông không cần quan tâm đến. Trong khi soạn cặp, vô tình tôi làm rơi tờ ghi phiếu điểm thi tam cá nguyệt đệ nhất xuống gạch làm ba chú ý, tôi lúng túng đỏ mặt lên làm ba thêm nghi, ra hiệu đưa ông xem. Tờ giấy ghi phiếu điểm mầu vàng nhạt, khá dày, do chính tay thầy Ginger ghi chép: tôi được nhất về Toán, Địa lý, Sử ký, Anh văn, Pháp văn, nhì môn Vẽ và được xếp hạng nhất ở lớp. 

Xem xong, ba có vẻ ngạc nhiên, nhìn tôi dò xét, như... nghi ngờ. Mà làm sao không tin chớ: chữ ký và chữ viết đều do tay thầy tôi. Song tôi ngạc nhiên thấy thay vì hài lòng, ba tôi trả tờ giấy với sắc mặt không vui. Tôi khổ sở chúi mũi vào trang sách. 

Im lặng. Chỉ có tiếng tích tắc của đồng hồ, tiếng lật sách, tiếng cựa mình trong ghế của ba kêu lên ken két. Quên, còn tiếng kim đan của mẹ nữa chớ: mẹ đang đan khăn choàng cổ cho cậu Adam. Luôn luôn đan khăn choàng cho cậu Adam! Chín giờ tối, dì tôi về và đi thẳng lên lầu sau khi chào cha mẹ. Chúa ơi! Tôi có lầm không: hình như dì hát khe khẽ bản nhạc của Jamie? 

Chín rưỡi, mẹ nhìn tôi ra hiệu, tức thì tôi dẹp sách vở hết sức cẩn thận vì nơm nớp lo sợ đụng chạm bàn ghế, ba sẽ nổi giận lên, rồi tôi chui vào phía sau màn, cái góc của tôi. 

Chúa ơi! Tôi đói quá đi! Sao mà y như chưa ăn chiều vậy! Ước gì có mẩu bánh mì nhỉ! Tôi biết mẹ không nỡ từ chối với tôi, nhưng làm sao xin được giữa lúc này? Nén cơn đói, tôi thay áo và quỳ gối đọc Kinh, đoạn lên giường. 

Đôi khi, tôi thao thức tận lúc cậu đi ngủ. Cũng là lúc ba mẹ thì thầm bàn tính chuyện nhà. Tôi nghe thoang thoáng tiếng được, tiếng mất. Sở vệ sinh Ardfillan đòi ba nộp bản tường trình về việc hốt rác (Trời ơi! Tưởng gì lạ!). Hôm nay bà mua thịt bò hết bao nhiêu?... Đắt quá vậy? (Hoài! Lúc nào ông cũng chê mẹ tôi mua đắt!). Giọng ông cao hơn: "Năm nay bãi bỏ chuyện nghỉ hè ở bãi bể đi, để tiền gởi vào hội bất động sản, tốt hơn". Tiếng mẹ: "Ừ! Năm sau nếu Adam làm ăn khá hơn hay nếu ông lên chức"... "Trong lúc chờ đợi phải tiện tặn, tiện tặn, tiện tặn..." 

Từ lâu, tôi quen thói keo kiệt của ba, hết cho là lạ lùng, càng ngày ông càng đam mê tiền bạc, tìm đủ mọi cách để khỏi chi ra. Mẹ tôi khổ sở rất nhiều vì thói ấy, bà phải chắt bóp từng ly, từng tí trong mọi việc tiêu pha. Tôi chắc mẹ tôi cũng như các bà nội trợ khác ưa mua sắm trong các nhà hàng lớn như Donaldson hay Bruce! Chao! Hàng bày trong đó mới hấp dẫn làm sao! Và tôi dám chắc nếu có đủ phương tiện, mẹ tôi là đầu bếp khéo nhất – trong vài dịp hiếm có, mẹ trổ tài làm bánh ngon kinh hồn – Tôi biết mẹ tôi thích dọn cho cả nhà những món ăn ngon lành. 

Song luôn luôn, mở cái ví cũ mèm, đen chũi ra, lẩm nhẩm tính một lát, bà thở dài trở về với mấy món xúp lúa mạch cổ điển và sai tôi chạy qua quán mua một penny (1) xương (lần nào mẹ cũng dặn: "Nhớ bảo ông ấy chừa lại chút thịt, con nhé!") và ghé lại tiệm Logan mua thêm nửa penny vừa cà rốt vừa củ cải. 

Tội nghiệp mẹ tôi: hôm thứ hai rồi, khi đánh rơi cái đèn dầu treo ngoài hành lang, mẹ đã bật khóc... Mà thôi! Tôi buồn ngủ quá đi!... 

Một buổi tối, mẹ sai tôi đốt đèn ngoài hành lang. Tôi thấy dì Kate vừa về, trễ hơn thường lệ. 

- Cháu đó hẳn? Robert? – Tôi biết dì hơi bối rối song giọng dì thân mật. 

- Thưa dì vâng! 

Trèo lên đốt đèn xong, tôi bước xuống ghế, dì nắm tay tôi bảo: 

- Robert! Cháu ngoan lắm! 

Tôi đỏ mặt sung sướng: Ít lâu nay dì rất dễ thương đối với tôi. Có vẻ ngập ngừng một chút, dì tiếp: 

- Nghe này, Robert! Jamie nhất định mời dì đi hội chợ Ardfillan với anh ấy. Người đàng hoàngai thèm đi như vậy chớ? Anh ấy cũng đồng ý với dì về điều này. Cho nên anh ấy... dì với anh ấy sẽ dắt cháu đi chung cho vui, nếu cháu thích... 

Nếu? Tôi đã nghe kể những điều vui ở hội chợ Ardfillan, mỗi năm một lần nông dân các vùng lân cận đều đổ xô tới... Tôi thì thầm: 

- Dì ơi! Cháu... 

- Vậy là cháu bằng lòng, hử? 

Dì âu yếm nắm chặt tay tôi và khi lên thang lầu dì báo cho tôi biết rằng Gavin vừa trở về, dì gặp nó ở sân ga. 

Gavin trở về rồi? Thích quá: vậy là nó về sớm hơn dự định hai ngày. Vậy thì ngày mai tôi gặp nó rồi. 

Gặp lại bạn thân, hội chợ Ardfillan, hai điều đó làm tôi tràn ngập vui sướng. Tôi hé cửa, nhìn bóng đêm thở mạnh. Đêm tối mịt, không một ánh sao nhưng làn gió nhẹ chứa chan hứa hẹn. Ôi! Đời mới đẹp làm sao!

--------------

(1) Penny : một xu Anh.

Xem tiếp chương 11 & 12