Dấu tử thần

Truyện Trinh Thám

Đăng nhiều kỳ trên báo Thiếu Nhi số 94 -> 102 (năm 1973)

Phần 1 & 2

Phần 3 & 4

Phần 5 & 6

         Phần 7 & 8 (hết)

          

Nguồn: ĐÈN BIỂN sưu tầm & đánh máy

----------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

AZW3

EPUB

MOBI

PDF

Phần 1

Trời vào tiết cuối thu, mưa gió bão bùng luôn. Cả ngày hôm ấy gió thổi mạnh và mưa đập đều vào kính cửa sổ. Ở ngay giữa thành phố Luân Đôn mà chúng tôi cũng còn phải ngạc nhiên vì sức mạnh vũ bão của thiên nhiên tấn công loài người bất kể những sự bảo vệ của nền văn minh nhân loại. Trời càng tối bão càng lớn thêm. Gió gào thét trong ống khói lò sưởi, như tiếng trẻ khóc. Sĩ Lâm ngồi lầm lì cạnh đống lửa ghi chép, trong khi tôi khoan khoái ngồi đọc để thưởng thức những chuyện phiêu lưu trên biển cả : Cảnh bão bùng ngoài trời cũng hợp với cảnh trong bản văn, và tiếng gió hòa điệu với tiếng sóng vỗ. Vợ tôi đi thăm bà cô từ mấy bữa nay, vì vậy tôi về đây sống mấy ngày cùng với Sĩ Lâm như hồi xưa.

Bỗng nhiên nghe có tiếng chuông reo, tôi ngước nhìn Sĩ Lâm:

- Chuông reo kìa, ai mà lại đến đây vào giờ này thế nhỉ? Bạn anh đó chắc?

Anh ta trả lời:

- Ngoài anh ra, tôi không có người bạn nào nữa hết. Và tôi cũng không hay tiếp những kẻ tò mò.

- Vậy chắc là khách hàng chăng?

- Nếu đó là một người khách, thì hẳn là phải có chuyện quan trọng lắm, hắn mới đến đây vào lúc trời đất như thế này…

Có tiếng chân người trong hành lang rồi tiếng gõ cửa. Sĩ Lâm giơ tay lên xoay lại ngọn đèn, không cho nó hướng về trang giấy nữa, mà hướng về cái ghế trước mặt, dành cho người khách sắp đến. Anh nói:

- Xin mời vào!

Người đàn ông bước vào còn trẻ lắm, chỉ độ hai mươi hay hăm hai tuổi là cùng. Anh ta ăn mặc sạch sẽ, có vẻ chải chuốt nữa là khác. Cử chỉ của anh ta ra dáng là một người con nhà nền nếp. Tay cầm ô ướt sũng nước và cái áo mưa bóng loáng chứng tỏ anh ta vừa phải đối đầu với cơn giông tố. Dưới ánh đèn, anh nhìn quanh. Trông anh ta có vẻ rất lo lắng : Mặt tái nhợt, và đôi mắt mệt mỏi tối sầm như mắt của một người vừa bị một sự sợ hãi đè nặng lên tâm trí.

Anh ta vừa đeo cặp kiếng gọng vàng lên mắt vừa nói:

- Xin lỗi các ông. Mong rằng tôi không làm phiền các ông nhiều.

Sĩ Lâm nói:

- Đưa tôi chiếc áo mưa và cái ô để tôi treo vào mắc, lát nữa sẽ khô ngay. Ông vừa từ phía Tây Nam tới đây, phải không?

- Vâng, ở khu Hồ Sam.

- Trông giầy ông có dấu đất sét và dấu vôi là tôi biết ngay ông vừa đến từ vùng đó.

- Tôi tới đây để nhờ ông khuyên bảo một việc.

- Chuyện đó dễ lắm.

- Và để nhờ ông giúp đỡ.

- Vậy thì khó hơn chút rồi đấy!

- Tôi đã được nghe nói về ông, ông Sĩ Lâm ạ. Ông hội trưởng Phan Danh đã cho tôi biết ông đã cứu ông ấy trong vụ tai tiếng ở hội quán Tăng Vinh.

- À, đúng rồi! Ông ta bị gán cho là đã đánh bạc bịp mà thật ra thì không phải như vậy.

- Ông ta bảo tôi rằng ông có thể giải đáp được tất cả mọi bài toán.

- Ông ta đã nói quá lời đấy.

- Rằng ông chưa bao giờ chịu thua lần nào.

- Thực ra tôi đã bị thua bốn lần : Ba lần bởi đàn ông, và một lần thua trí một người đàn bà.

- So với những lần ông thành công thì con số đó chẳng có nghĩa gì cả.

- Cũng đúng, vì thường thì tôi thành công.

- Vậy thì chắc ông có thể thành công với tôi chăng?

- Mời ông kéo ghế xích lại gần bên lửa, và kể cho tôi nghe câu chuyện của ông xem.

- Chuyện này không phải tầm thường đâu!

- Khi người ta nhờ đến tôi, thì không phải là những chuyện tầm thường. Tôi có vẻ như là miếng ván cuối cùng cho người bị đắm tàu vậy.

- Dầu vậy, tôi cũng không hiểu là trong suốt những năm kinh nghiệm của ông, đã có bao giờ ông gặp được những chuyện kỳ bí và khó hiểu, như những chuyện đã xảy ra tuần tự trong gia đình tôi chưa.

Sĩ Lâm nói:

- Ông làm tôi thêm tò mò. Ông có thể kể sơ những chuyện chính yếu đã xảy ra từ lúc đầu không? Sau đó tôi sẽ đặt câu hỏi nếu thấy chỗ nào quan trọng cần biết thêm.

Anh chàng kia kéo ghế lại gần lò lửa và đặt cặp chân ướt sũng lên bệ gạch. Anh ta nói:

- Tôi tên là Giang Âu. Nhưng thật ra tôi thiết tưởng bản thân tôi không có liên hệ bao nhiêu đến những chuyện thê thảm mà tôi sắp kể cho ông nghe.

“Ông nội tôi sinh được hai người con trai : Ông bác tôi tên là Anh Lý và cha tôi là Doanh.

Cha tôi có một căn xưởng nhỏ ở Cô Văng. Khi các xe đạp bắt đầu được thịnh hành thì xưởng của cha tôi bắt đầu phát đạt. Ông đã có bằng cầu chứng về bánh xe không bể của họ Giang, và công việc rất phát triển đến nỗi sau đó lúc bán lại thì ông thu được một gia tài kha khá.

Bác Anh Lý của tôi sang Mỹ Châu từ hồi ông còn trẻ. Ông trở thành chủ nông trại ở miền Phô Rít (Floride), và cũng rất khá giả.

Phần 2

Vào khoảng năm 1869 hay 1870, bác tôi trở về Âu Châu và mua một miếng đất ở gần Hồ Sam. Hồi ở Hoa Kỳ, bác tôi đã kiếm được một gia tài khá đồ sộ ; bác từ giã Châu Mỹ vì lẽ ghét những người da đen giải phóng, và ghét chính phủ Mỹ đã cho họ quyền bầu phiếu. Bác tôi là một người bất thường : Sôi nổi, dữ tợn khi nổi giận, nhưng lại rất kín đáo. Trong những năm sống ở Hồ Sam, tôi chắc bác không bao giờ đặt chân lên thành phố. Quanh nhà ông có một khu vườn, với hai ba cánh đồng. Khi muốn tập thể dục, thì bác tôi rảo bước đi bộ ở đó, nhưng thường thì có khi đến hàng mấy tuần lễ, ông ở lỳ không ra khỏi phòng. Bác uống rượu cô-nhắc bằng ly lớn, hút thuốc liên miên, nhưng không tiếp ai cả : Bác tôi không cần bạn bè và cũng không cảm thấy nhớ người em trai.

Bác tôi không bao giờ lo cho tôi, nhưng bỗng một hôm bác lại đổi ý : Lúc tôi gặp bác lần đầu, tôi được mười hai tuổi, và bác tôi đã sống ở Anh từ tám chín năm rồi. Bác xin cha tôi cho tôi về sống với ông, và đối xử với tôi rất tử tế theo cách riêng của ông. Khi nào không uống rượu, ông thích chúng tôi chơi cờ hay bài tây với nhau, và ông để tôi thay mặt ông tiếp xúc với những người bán hàng và gia nhân. Khi được mười sáu tuổi, tôi đã thành chủ gia đình. Tôi là người giữ tất cả tay hòm chìa khóa, muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, chỉ có một điều kiện duy nhất : Tôi không được phép quấy rầy ông những lúc ông muốn ở yên một mình. Thế nhưng cũng có một ngoại lệ : Có một căn buồng, một loại buồng kho làm dưới mái nhà, lúc nào cũng được khóa kỹ, và tôi cũng bị cấm vào đó như mọi người khác. Hồi còn nhỏ, tò mò, tôi có ghé mắt nhìn vào lỗ khóa xem ở trong có gì, nhưng tôi chỉ thấy đầy những thùng và rương cũ : Quang cảnh hoàn toàn thích hợp với một căn phòng như vậy.

Một hôm, vào tháng ba năm 1883, bác tôi nhận được một bức thư có dán tem ở ngoại quốc. Ông rất ít khi nhận được thư, vì không mua chịu ai bao giờ, và ông cũng chẳng có bạn bè gì cả. Ông kêu lên khi cầm lấy bức thư đó:

- Thư gửi từ Ấn Độ tới! Lạ nhỉ! Họ muốn gì tôi ở đó?

Bác tôi vội vàng mở ra, và từ bao thư, năm hột cam rơi ra vung vãi trên cái đĩa của bác. Tôi bắt đầu cười rộ, nhưng vội ngưng bặt khi trông thấy nét mặt bác tôi biến đổi : miệng bác há hốc ra, hai mắt thất thần và da mặt thì trắng bệch như vôi, bác tôi vẫn còn nhìn cái bao thư cầm trong lòng bàn tay run rẩy. Bác kêu lên:

- K. K. K. Trời, trời ơi, tội lỗi của ta đã đuổi theo đến tận đây!

Tôi hỏi:

- Chuyện gì đó, bác?

Bác trả lời:

- Tử thần!

Bác rời bàn ngay và vào phòng nghỉ. Tôi kinh sợ, tuy vậy tôi cũng cầm lấy bao thư, và tôi đọc thấy ở mé trong bao thư ngay phía trên chỗ dán keo, có ba chữ K viết bằng mực đỏ. Ngoài ra chẳng có gì cả, trừ năm hột cam đã khô queo. Tại sao bác tôi lại sợ chết khiếp đi như thế? Tôi rời bàn và lên gác, nhưng tôi gặp bác đang đi xuống, một tay bác cầm một cái chìa khóa cũ đã rỉ sét, chắc phải là chìa khóa của căn buồng kho đóng kín, và tay kia cầm một cái hộp nhỏ bằng đồng như một hộp đựng tiền.

Bác vừa chửi thề, vừa nói:

- Bọn chúng muốn làm gì thì làm nhưng ta vẫn quyết làm cho bọn chúng phải thất bại! Nói với chị Sen là bác muốn đốt lò sưởi trong phòng hôm nay và cho người đi mời Phú hãn, chưởng khế ở Hồ Sam đến đây.

Tôi tuân lệnh ông. Khi viên chưởng khế đến nơi, bác tôi kêu tôi lên phòng. Bác tôi nói:

- Giang Âu, bác kêu cháu lên đây là để làm chứng nhân cho tờ chúc thư của bác. Bác để lại tất cả gia tài, cả những cái hay và dở, cho em bác, tức là cha cháu, và lẽ tất nhiên là sau này cháu sẽ được thừa hưởng. Nếu cháu muốn hưởng thì tốt lắm! Bằng nếu cháu nhận thấy là không thể thụ hưởng yên lành được, thì cháu nên nghe lời bác : nhường nó lại cho kẻ thù của cháu. Bác lấy làm tiếc mà cho cháu một món quà có cả điều lợi lẫn điều hại như vậy, nhưng bác cũng không biết trước được việc gì sẽ xảy ra. Cháu có chịu ký tên chỗ dưới này theo lời chỉ dẫn của ông Phú Hãn không?

Tôi ký tên lên tấm giấy, và sau đó viên chưởng khế mang hồ sơ đi. Chắc ông cũng đoán biết là câu chuyện này đã gây ấn tượng cho tôi đến bực nào : Tôi nghĩ đi nghĩ lại về những câu nói của bác tôi, mà vẫn không hiểu được gì cả! Tôi không thể cởi bỏ được một cảm giác sợ hãi mơ hồ nhưng cảm giác đó cũng nhạt dần, sau nhiều tuần lễ trôi qua và không có gì xảy tới thay đổi đời sống hàng ngày của tôi. Tuy nhiên tôi cũng nhận ra ở bác tôi có sự thay đổi : bác tôi uống rượu nhiều hơn bao giờ hết, càng ngày bác càng ít tiếp xúc với người khác. Cả ngày ông ở trong phòng, khóa cửa thật chặt. Nhưng đôi khi, uống rượu say quá, bác tôi như điên lên : Bác chạy ra vườn, tay cầm súng lục, vừa chạy vừa hét lên rằng bác không hề sợ ai và bác không chịu để cho ai nhốt mình lại như nhốt con gà, dẫu người ấy có là ma quỉ đi nữa. Khi bác hết cơn sôi máu, bác chạy vội về phòng, và cài then cửa kỹ lại như một người không thể tỏ vẻ cứng dắn được nữa trước sự sợ hãi xâm chiếm đến tận gốc rễ của tâm hồn.

Xem tiếp 3 & 4