Thằng Bảo - Chương 13 & 14 (hết)

Chương 13

 

 

Bích đang đọc sách trong phòng, nghe tiếng hát kỳ cục liền chạy ra hành lang :

- Ai làm gì mà om sòm vậy ?

Ẩn cười :

- Thằng Mão đấy. Tớ nhờ nó đi báo cho bà Sinh biết là có ông thanh tra tới.

Bích giật mình :

- Ông nào tới ? Ông thanh tra hả ?

- Ừ, ông thanh tra.

Bích tái mặt :

- Ô… ông thanh tra ! Thôi rồi, ông ta đến để coi khai sinh của tao…

Ẩn tròn mắt ngạc nhiên :

- Mày có khùng không ? Mắc mớ gì ông ta lại đến để coi khai sinh của mày.

- Không. Hôm qua tao đi xe buýt… tao mua có nửa vé… nhưng ông soát vé không tin tao mới có 12 tuổi… tao nói mãi ông ta cũng không tin, và cuối cùng ông ta cũng đành bán cho tao nửa vé, nhưng ông ta bảo sẽ có người tới điều tra xem có thật tao 12 tuổi không.

- Vậy, bây giờ mày có giấy tờ gì không ?

Bích do dự :

- Tao có quyển sổ tay ghi những ngày đáng nhớ, như ngày tao sinh, ngày tao đi học và còn ghi cả ngày tao bước chân vào trường này nữa. Có cả số nhà của tao.

- Vậy thì mày cứ đưa quyển sổ đó cho ông ta xem.

- Tao sợ ông ta không tin… Hay là… mày đi cùng với tao để làm chứng đi.

Ẩn nhận lời và quên khuấy đi mất bài đàn đang chờ nó…

***

Vào phòng đọc sách, Mạnh thấy Bảo đang gò lưng trên quyển sách Sử. Ngẩng đầu lên thấy Mạnh, Bảo cười toe toét :

- Tớ thuộc bài hết rồi. Bồ dò giùm tớ đi.

Mạnh khoát tay :

- Đợi chút nữa đã. Bây giờ tớ đang đi tìm thầy Vinh, có ông thanh tra muốn gặp thầy.

- Thật ông thanh tra hả ?

Mạnh gật đầu kiêu hãnh :

- Chứ sao. Tao thấy đầu tiên và đi báo với thầy Cang nè.

- Có phải ông ta đi bằng xe cảnh sát phải không ?

Mạnh ngớ ngẩn ra :

- Ơ… ơ… ông này đâu có mặc đồ cảnh sát, ông ta mặc “vét” mà…

Bảo hỏi nhỏ :

- Chắc có chuyện gì quan trọng lắm phải không Mạnh ?

Rồi nó gấp quyển sách lại và chạy theo Mạnh :

- Chắc ông này phải to lắm há Mạnh. Tìm mau lên đừng để cho ông ta chờ.

Mạnh mong cho có chuyện gì xảy ra để khỏi phải học chiều nay. Thứ nhất là giờ Sử - Còn Bảo vẫn tỉnh bơ :

- Tớ thuộc bài rồi, có đi học cũng không sao. Để tuần sau tớ quên bài mất.

Hai đứa đi ngang qua lớp của đội 5, Bảo thoáng thấy bàn tay đang vẽ những hình tam giác trên tấm bảng. Nhìn vào, nó kêu lên :

- Ồ, thầy Vinh ! Vậy mà từ nãy giờ chúng con đi tìm thầy khắp nơi.

Thầy Vinh khó chịu quay lại :

- Cái gì ?

- Thưa thầy, có một ông thanh tra muốn gặp thầy.

- Sao ? Ông thanh tra, có phải ông cảnh sát ?

Bảo gật đầu :

- Dạ, có lẽ, mà ông này mặc thường phục.

Thầy Vinh bàng hoàng :

- Cái ông… coi thế mà hiểm…

Mạnh hơi ức. Nó muốn chính nó là người báo tin này cho thầy Vinh vì nó là người thấy trước mà: quan trọng lắm chứ giỡn sao. Thế mà… cái thằng Bảo láu cá đã giành quyền của nó. Để chứng tỏ nó không phải là kẻ thừa, nó hỏi :

- Thầy ! Có chuyện gì không vậy thầy ?

Thầy Vinh gật đầu. Thầy lo lắng thật sự : Cái ông Cảnh sát… thầy đã năn nỉ hết lời thế mà ông ta vẫn ghi số xe của thầy. Thấy thầy gật đầu, Mạnh hỏi tiếp :

- Bây giờ thầy phải ra Ty Cảnh sát ? Thầy có về dạy giờ Sử chiều nay không ạ ?

- Có – Thầy Vinh gắt – Bộ các anh muốn tôi ở tù lắm hả ?

Mạnh cụt hứng lấm lét nhìn thầy. Thầy Vinh hỏi :

- Bây giờ ông thanh tra ở đâu ?

- Dạ, hồi nãy con chạy đi thì ông ta ngồi trong phòng các giáo sư – Và Mạnh ngập ngừng – Thầy… thầy cho tụi con đi với.

- Đi làm gì ? Đi chơi đi.

Và thầy Vinh tất tả chạy đi. Đầu óc thầy miên man nghĩ đến cuộc hội kiến sắp tới với viên thanh tra Cảnh sát.

*

Ông Trần Đức Minh, thạc sĩ, là một người cần mẫn. Ông còn trẻ lắm : chỉ độ 30 tuổi. Còn trẻ nên ông rất hăng say trong công việc. Ông là một người kiên nhẫn hiếm có. Ông rất ít khi gắt gỏng, bao giờ ông cũng bình tĩnh dịu dàng cho nên ít khi ông tỏ ra bối rối.

Ông đang ngồi đọc tờ “Tập san Sử học” thì nghe có tiếng gõ cửa và một thằng bé mặc sơ mi trắng, quần xám tro ló đầu vào. Ông thân mật :

- Chào cậu bé, cậu tên gì và đi đâu vậy ?

- Dạ, chào ông ạ. Cháu tên Mão. Bà Sinh nói cháu lên mời ông… Ông có phải là…

Nhìn cách ăn mặc của ông khách, Mão đâm lo, ông ta chẳng có vẻ gì là… nhân viên của hãng “Esso gaz” cả.

Nhưng ông Đức Minh đã vội nói :

- Phải, tôi là thanh tra, có phải em đến dẫn tôi đi gặp ông hiệu trưởng ?

- Dạ… không, bà Sinh bảo cháu dắt ông xuống dưới hầm.

- Dưới hầm ?

Ông thanh tra ngạc nhiên, nhưng ông không hấp tấp làm gì, cứ theo thằng bé sẽ rõ. Có lẽ ông hiệu trưởng mắc bận dưới đó.

Mão lên tiếng :

- Dưới đó tối lắm. Ông có mang theo đèn bấm không ?

- Không – Ông Đức Minh kinh ngạc – Tại sao lại phải mang đèn bấm ?

Mão dắt ông khách qua khỏi dãy hành lang, tới cầu thang dẫn xuống hầm, nó thận trọng dò từng bước :

- Tối như vậy làm sao ông nhìn thấy được – Ông đi coi chừng té.

Ông Đức Minh ngơ ngác :

- Không lẽ ông hiệu trưởng lại muốn gặp tôi dưới căn phòng tối om như thế này ?

- Không, ông hiệu trưởng đâu có ở đây. Dưới này chỉ có toàn là công tơ không thôi. Bà Sinh bảo cháu dắt ông xuống đây coi rồi để ông đi lên một mình cũng được.

Ông Đức Minh cảm thấy tự ái bị va chạm, trong nghề chưa bao giờ ông bị đón tiếp một cách kỳ lạ như vậy. Mặt ông bắt đầu nóng ran lên. Bỗng có tiếng chân đi xuống và hai cái bóng nhỏ xuất hiện.

Thấy ông, cái bóng lớn lên tiếng :

- Dạ, xin lỗi ông, ông có phải là ông thanh tra không ?

Ông Đức Minh trả lời cộc lốc :

- Phải.

- Vậy, thưa ông – cái bóng lớn tiếp – Đây là quyển sổ tay của cháu có ghi rõ ngày sinh, tên, họ của cháu nữa. Cháu mau lớn nên to con…

- Chú bé nói gì tôi không hiểu ?

Quyển sổ tay được đưa ra trước mặt ông thanh tra. Qua ánh sáng tù mù của căn hầm, ông đọc được hàng chữ :

Tên họ : Hoàng Đình Bích.

Tuổi : (tính theo lần Sinh nhật vừa qua) 12.

Đi học ngày : …

Số nhà : …

Bích nhìn viên thanh tra đắc thắng :

- Đó ông thấy chưa, cháu mới có 12 tuổi. Có cả địa chỉ của ba má cháu nữa. Nếu ông không tin ông hỏi thằng này sẽ rõ.

Bóng nhỏ bấy giờ mới lên tiếng :

- Dạ. Đúng nó mới 12 tuổi. Vậy nó có quyền đi xe buýt nửa vé chứ, thưa ông.

Ông Đức Minh sửng sốt :

- Nhưng để làm gì, tôi có cần biết tuổi của các chú làm gì ? Và địa chỉ nữa.

Bích giải thích :

- Dạ… cháu chỉ muốn cho ông xem tuổi của cháu thôi. Vì hôm qua… cháu nói cho nhân viên xe buýt của ông mà ông ấy không tin.

- Tôi làm gì có xe buýt … mà có nhân viên.

Bích giật mình :

- Thế ra, ông không phải là thanh tra… nghiệp đoàn xe buýt ?

Mão cười to :

- Sao mày ngơ thế Bích. Ông đây đâu phải là thanh tra xe buýt. Ông đây là…

Ông Đức Minh nhìn Mão biết ơn… trong khi Mão tiếp :

- Ông là người của hãng “Esso gaz”… tới để xem tháng này trường mình xài hết mấy kí gaz mà…

Mặt ông Đức Minh đỏ rần lên. Ông tức giận :

- Mấy người điên ! Điên hết ! Mấy người làm ơn đưa tôi lên cái phòng hồi nãy đi. Trời ơi !

Nói xong ông vội vàng chạy lên cầu thang. Mão, Bích, Ẩn lẹt đẹt chạy theo sau. Đứa nào cũng chưng hửng : té ra đây không phải ông thanh tra xe “ô tô buýt” mà cũng chẳng phải nhân viên của hãng “Esso gaz”… Vậy ông ta là cái gì ?

Vào đến phòng chơi, ông thanh tra cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút. Dù sao ánh sáng cũng làm cho con người vững tâm hơn. Ông nhìn chung quanh và bắt gặp một người đàn ông đang hối hả đi tới. Ông thanh tra mừng mừng. Ông quay lại hỏi :

- Có phải ông Hiệu Trưởng đó không ?

Mão lắc đầu :

- Dạ không ạ. Đó là thầy Vinh, thầy dạy Toán và Sử.

Chương 14 (hết)

 

 

Thầy Vinh chạy tới, cánh tay mở rộng chào đón. Thầy cố lấy vẻ vồn vã :

- Xin chào ông thanh tra. Tôi là thầy Vinh, ông thanh tra muốn gặp tôi…

- Vâng, vâng. Hân hạnh được gặp thầy.

Ông thanh tra vui vẻ nói trong khi Mão và Ẩn xích lại gần hơn để nghe cho rõ.

Thấy hai đứa nhỏ, thầy Vinh khó chịu gắt khẽ :

- Đi chỗ khác chơi ! Để tôi tiếp chuyện với ông Thanh tra.

Chờ cho bọn trẻ đi khuất, thầy Vinh mới quay lại phía ông thanh tra :

- Tôi xin lỗi ông thật nhiều. Đó là một sự hiểu lầm thường xảy ra. Thật tôi không cố ý.

Ông Đức Minh như rớt ở trên trời xuống :

- Hả ? Ông nói gì ?

- Dạ, tôi không cố ý phá luật… luật đi đường… luật cấm đậu ngày lẻ…

Ông Đức Minh lắc đầu ngán ngẩm… làm thầy Vinh luống cuống :

- Hôm qua… tôi tưởng là một ngày chẵn, nên tôi mới cho xe đậu phía đó. Thật ra hôm qua lại là một ngày lẻ. Tôi ghi trong sổ tay là ngày thứ Năm 24… Tôi…

Lại sổ tay : ông Đức Minh muốn điên cả đầu. Trường gì mà toàn những người…

- Ông biết không – thầy Vinh tiếp – tôi mới đậu được một chút, đi tới tiệm chữa răng, lúc lại thì đã thấy một nhân viên của ông đã đứng đợi đó rồi.

Ông Đức Minh không kềm nổi nữa la to lên :

- Ông câm miệng lại đi ! Cái gì mà nhân viên của tôi… Tôi làm gì có nhân viên mà ai cũng nói tới nhân viên của tôi… Bộ trong trường này không có ai có được một bộ óc bình thường sao ?

Như để trả lời, bóng hai người lớn nữa chạy tới : một người trẻ thì ông Đức Minh đã gặp khi nãy. Còn người kia già hơn, mập mạp, có vẻ vô hại. Nhưng thầy Vinh hồi nãy không tỏ ra vô hại là gì ? Ông Đức Minh vẫn giữ vẻ mặt lạnh lùng khi ông già hơn gật đầu chào :

- Xin chào ông Đức Minh. Tôi là Hiệu trưởng trường Tây Sơn này. Tôi xin lỗi ông vì sự chậm trễ của tôi.

Rồi ông giơ tay ra bắt. Ông Đức Minh hờ hững đưa tay ra :

- Có thật ông là Hiệu trưởng trường này ?

- Vâng chính tôi là Hiệu trưởng.

- Vậy tôi hy vọng ông giải thích cho tôi rõ những chuyện kỳ cục xảy ra từ lúc tôi bước chân vô đây cho tới giờ…

Ông Hiệu trưởng không biết ất giáp gì cả, nhưng ông cũng rối rít :

- Tôi… tôi thành thật xin lỗi ông.

- Tôi không cần xin lỗi – Ông Đức Minh gay gắt – tôi chỉ xin ông giải thích cho tôi rõ thôi : tôi đang ngồi thì có thằng bé dắt tôi xuống coi những cái công tơ rồi bắt tôi coi những quyển sổ ghi tên tuổi, địa chỉ…

Thầy Cang nhíu mày nhìn qua phía thầy Vinh :

- Sao vậy, thầy Vinh ? Chuyện gì đã xảy ra…

Ông Đức Minh vội vàng :

- Ông đừng hỏi ông này chi cho vô ích, ông ta cũng khùng chẳng kém gì bọn trẻ.

Thầy Vinh lúng túng :

- Tôi… tôi vừa mới xin lỗi ông ta vì cái lỗi hôm qua tôi đậu xe không đúng chỗ, tôi tưởng ông này là Cảnh sát.

Thầy Hiệu trưởng lắc đầu nhăn nhó, trong khi ông thanh tra “à” lên một tiếng hiểu biết.

Thầy Cang nhẹ nhàng vỗ vai thầy Vinh :

- Anh lầm rồi. Ông Đức Minh đây là một thanh tra của Bộ.

Thầy Vinh sửng sốt :

- Hả ? Thanh tra… Bộ… – thế mà tụi nó bảo tôi có ông Cảnh sát đến tìm tôi.

Thầy Cang cười :

- Ai nói với anh như vậy ?

Thầy Vinh tức tối :

- Thằng ranh Bảo chứ ai. Nó sẽ biết tay tôi…

Thầy Hiệu trưởng không để cho thầy nói hết câu :

- Chuyện đó chút nữa hãy hay. – Và quay sang ông Đức Minh, ông lịch sự :

- Xin mời ông thanh tra vào phòng khách, chúng ta sẽ nói chuyện nhiều.

Ông Đức Minh không còn giận trước vẻ ôn tồn, lịch sự của ông Hiệu Trưởng nữa. Nghĩ lại ông thấy buồn cười. Các đồng nghiệp ông nghe ông kể lại chắc sẽ cười vỡ bụng.

Thầy Vinh có vẻ ngượng. Thầy giận mấy thằng nhỏ ghê gớm.

2 giờ chuông vào lớp, thầy Vinh hầm hầm đi ra lớp của đội 3. Thầy gặp thầy Cang ở phòng Hiệu trưởng đi ra. Thầy Cang hỏi :

- Anh dạy giờ này hả ?

- Vâng, tôi dạy giờ Sử.

- Vậy anh nên sửa soạn đi thì vừa. Ông thanh tra muốn lại thăm anh ở lớp đó. Anh nên biết trước kia ông ta là giáo sư Sử Địa đấy.

Thầy Vinh nhăn mặt :

- Thật khổ ghê. Giờ tôi vẫn thấy xấu hổ.

Thầy Cang an ủi :

- Không có gì đâu. Ông ta nói chỉ buồn cười thôi.

Thầy Vinh mai mỉa :

- Buồn cười ? Chắc ông ta hay cười lắm nhỉ ? Rồi anh xem sẽ có màn “trời trồng” nữa cho xem. Rồi ông thanh tra sẽ nghĩ là bọn này chưa bao giờ nghe nói đến Sử cho xem.

Rồi thầy Vinh uể oải bước vào lớp. Thầy chẳng nói chẳng rằng, cầm phấn vẽ lên bảng sơ đồ về các vua triều Nguyễn. Thầy nghĩ : nữa ông thanh tra có vào, thấy bọn trẻ đang cắm cúi viết thì ông sẽ không hỏi lôi thôi.

Thầy quay xuống ra lệnh :

- Vẽ thật đẹp, sạch sẽ bản đồ này vào vở.

Bảo giơ tay :

- Thưa thầy… hôm nay thứ sáu…

- Im – Thầy Vinh trợn mắt quát.

- Nhưng thưa thầy…

- Tôi bảo im.

Bảo đành im… Được một chút thì ông Hiệu trưởng dẫn ông Đức Minh vào lớp. Mạnh, Bảo chưa biết gì, vẫn tưởng ông khách lạ này là nhân viên Cảnh sát. Chúng lo sợ : không lẽ ông ta tới để bắt thầy Vinh ?

Tiếng ông Hiệu trưởng làm nó giật mình :

- Các em, đây là ông Thanh tra Bộ Giáo Dục…

Bảo nhìn sang Mạnh, thấy thằng này cũng sửng sốt như nó : ông này không phải là Cảnh sát !

Sau vài lời giới thiệu, ông Hiệu trưởng đi ra. Ông Thanh tra đưa cặp mắt thật hiền nhìn cả lớp rồi quay lại thầy Vinh :

- Thưa thầy, thầy có thể cho phép tôi hỏi các em vài câu không ạ ? Tôi thích nhất môn Sử.

Thầy Vinh mỉm cười gật đầu, nhưng ánh mắt thầy thật bối rối.

Ông Thanh tra quay xuống đám học trò đang mở to mắt nhìn ông, rồi ông chậm rãi :

- Các em đang học về triều Nguyễn, một triều đại gần đây nhất. Vậy em nào có thể cho tôi biết một vài chi tiết về triều Nguyễn không ?

Không đứa nào nhúc nhích…. Ông mỉm cười tiếp :

- … Chẳng hạn như : đời sống dân chúng dưới triều Nguyễn hoặc chính trị…

Vẫn chẳng đứa nào động đậy… Thầy Vinh thở dài quay nhìn ra cửa. Trong khi ông Thanh tra thúc dục :

- Nào, có ai biết không ? Chịu khó nhớ một tí…

Cặp mắt ông lại làm một vòng quanh lớp và dừng lại ở thằng bé có cặp kính cận :

- Em ngồi bàn cuối kia. Thử trả lời xem.

Bảo hết cả hồn. Nhưng tay ông Thanh tra lại chỉ vào Mạnh. Nó thở dài thoát nạn trong khi Mạnh rụt rè đứng dậy. Câu hỏi này, nếu là thầy Vinh nó sẽ trả lời thật xuôi chảy. Nhưng sao bây giờ đầu óc nó trống rỗng. Nó chẳng nhớ gì cả. chữ nghĩa trong đầu nó chảy đi đâu mất hết. Nó lí nhí :

- Dạ… Con không biết ạ.

Thầy Vinh nhắm mắt và cố nén cơn giận : thật, chúng đã phản bội công lao khó nhọc của thầy.

Ông Đức Minh kiên nhẫn :

- Em khác… Em nào nói được ? Tôi tin rằng thầy Vinh đã kể cho các em rất nhiều chuyện về triều Nguyễn…

Vài tiếng ho rồi… im lặng.

Ông Đức Minh còn cố nuôi hy vọng :

- Này nhé… vị vua đầu tiên của triều Nguyễn lên ngôi năm 1802…

Bảo đột ngột đứng lên : cái gì chứ cái năm 1802 làm sao nó quên được, cái này có trong bài nó phải trả ngày hôm nay.

Ông Thanh tra gật gù :

- Em biết gì về năm 1802 ? Khoan đã, em tên gì ?

- Dạ, con tên Nguyễn Hoàng Bảo.

- Được, em cứ nói những gì em biết.

Bảo hắng giọng rồi hiên ngang :

- Vị vua đầu tiên của triều Nguyễn là vua Gia Long. Ông lên ngôi năm 1802, lấy hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân. Rồi sai sứ sang Tàu xin phong vương.

Năm Giáp Tí (1804) tức Gia Long năm thứ ba, nhà Thanh phong vương cho vua Gia Long.

Năm Bính Dần (1806) vua Gia Long làm lễ xưng đế hiệu ở điện Thái Hòa…

Thằng Bảo nói không vấp váp, từng chữ, từng chữ thoát ra cửa miệng nó dễ dàng… Trên kia, ông Đức Minh thích thú, thầy Vinh ngạc nhiên đứng trân trân nhìn thằng bé nghịch ngợm nhất trường, cả lớp nín thở theo dõi :

… Về cách tổ chức chính quyền trung ương : quan lại trong triều được sửa định gần giống như chế độ nhà Lê nhưng bãi bỏ chức Tham tụng và Bồi tụng. Vua Gia Long còn đặt ra 6 bộ : Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Lại, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công. Đứng đầu mỗi bộ có quan Thượng thư…

Bảo dừng lại để thở trước những con mắt ngạc nhiên lẫn thán phục của đám bạn. Nó sửa giọng đọc tiếp, nhưng ông Đức Minh đã khoát tay :

- Thôi. Cám ơn em. Em giỏi ghê lắm…

Bảo nhún nhường :

- Dạ, đó chỉ vì con nhớ những lời thầy Vinh đã giảng thôi ạ.

Ông Đức Minh quay qua thầy Vinh tươi cười :

- Tôi có lời khen thầy. Học trò anh có triển vọng nhiều đấy.

Thầy Vinh ngượng nghịu bắt tay ông Thanh tra, nhỏ nhẹ :

- Vâng, cám ơn ông.

Rồi ông Thanh tra tươi cười, giơ tay chào cả lớp và đi ra… Ra tới cửa, ông còn ngoái đầu lại :

- Hoan hô em Bảo. Em mang danh dự lại cho cả lớp đó.

Ông Thanh tra đi rồi, thầy Vinh hoan hỉ :

- Bảo giỏi lắm. Các em vỗ một tràng pháo tay mừng Bảo đi.

Tiếng vỗ tay vang dậy. Thầy Vinh sung sướng hơn bao giờ : Thầy cười luôn miệng… Lúc đó, một hồi chuông đổi giờ vang lên. Thầy Vinh ôm quyển sách và gật đầu chào cả lớp đi ra…

Trong hành lang, thầy gặp thầy Cang đang đi tới.

Thầy Cang cười hóm hỉnh :

- Thế nào anh Vinh ? Không có gì chứ ?

Thầy Vinh hớn hở trả lời :

- Tuyệt nữa là khác. Tất cả đều nhờ thằng Bảo. cả lớp mới vỗ tay mừng nó xong.

Và mặc cho thầy Cang tròn mắt sửng sốt, thắc mắc, thầy Vinh hiên ngang bước đi…

 

Nguyễn thị Quảng Bình