Bên Vỉa Hè - Loại Hoa Xanh

Tủ sách Tuổi Hoa - 1971

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

Chương 5 & 6

           Chương 7 & 8 (hết)

Nguồn:  BD sưu tầm và đánh máy

----------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 1

Cô nhi viện nằm trên một khu đất thật buồn, mặc dù gần trung tâm thành phố, nhưng khoảng đường nầy ít xe qua lại nên những tiếng động ồn ào gần như chìm ỉm suốt ngày. Nó được lập ra bởi một số nhà hảo tâm, và sự nâng đỡ của những hội phụ nữ. Phần đông những đứa trẻ bất hạnh ở đây đều là nạn nhân của chiến tranh, và một số ít là con lai da màu. Chu vi nó được bao bọc bởi một hàng rào kẽm gai cao độ chừng một thước, nó gần như che khuất phía bên trong bởi những chiếc lá nhỏ nhắn xanh tươi, lẫn những bông giấy đỏ thắm quấn quýt trên sợi gai. Tạo thành bức tường kết bằng hoa lá trông dễ thương.

Trong chu vi hạn hẹp nầy, con Rớt không có ai làm bạn hết! Hình như tất cả đều xem nó như một người bị hủi, hay một con vật thật ghê tởm. Rớt biết phận mình lắm, nên thường thui thủi mỗi một mình không tụ lại chơi chung với nhau như những đứa trẻ khác. Dù là nó mong muốn nhưng cũng không được, vì không một đứa trẻ nào muốn sự có mặt của nó. Có chăng chỉ để làm trò cười cho chúng mà thôi! Rớt thường tìm một chỗ thật vắng lặng không có bóng người tìm đến. Chỗ mà Rớt thường tìm đến là khu vườn rau lang nằm sau sân chơi: ngồi một mình nhìn ra vườn rau có những chiếc lá xanh mượt bò lềnh khềnh dưới đất.

Cuối vườn rau một cây điệp già có tàn lá trải rộng cho bóng mát ngập đầy. Vào những ngày mưa đổ về Rớt lặng buồn dõi theo những bông hoa đỏ rơi xuống và những chiếc là nhỏ lao đao chao xuống làm cho Rớt muốn bật khóc; chỉ có tiếng khóc mới làm cho Rớt buồn mà thôi. Nhưng tiếng khóc của Rớt sẽ làm cho những đứa trẻ chung quanh càng ghét thêm; cho nên tiếng khóc lịm theo tiếng mưa, và những giọt thầm vẫn lặng lẽ xuống má, xuống môi.

Rớt sợ tất cả những bộ mặt trong cô nhi viện nầy! Những ông lớn, những bà lớn đến thăm thường niềm nở, vỗ về những đứa không có màu da đen, tóc quắn quíu như Rớt. Một lần họ đi ngang Rớt chờ đợi một câu nói mà họ thường hỏi những đứa trẻ ở đây.

_ “ Cháu có vui không? ”

_ “ Cháu học có giỏi không? ”

Nhưng họ nhìn Rớt lạnh nhạt bỏ đi. Sao họ không hỏi han, vỗ về Rớt như bao đứa trẻ ở đây ? Mấy cô giáo coi sóc ở đây cũng gần giống như họ. Còn những đứa trẻ cùng lứa tuổi Rớt còn sợ hơn nữa! Giờ cơm chung, đói. Rớt quơ lua vài miếng rồi bỏ đi. Giờ ra chơi, Rớt ngồi một mình trong lớp không dám bước ra bên ngoài để tránh những câu châm chọc.

_ Ê con lọ nồi, mầy lạc từ vùng rừng rậm Phi-Châu sang đây hả?

_ Má mầy đẻ mầy ra, rồi quăng vào lò than phải hôn?

Bọn trẻ ở đây khoái cái màn chọc Rớt nhất. Chúng cười ồ lên sau mỗi câu nói. Rớt đâu có chọc gì tụi nó đâu, mà hễ thấy Rớt đứa nào cũng bu lại chọc phá. Phần đông tụi nó hoàn cảnh cũng không khác gì Rớt: Không cha, không mẹ. Đáng lý ra chúng không chọc Rớt đến muốn khóc như thế! Rớt lạc lõng, Rớt không có ai hết. Với trí ngây thơ Rớt cũng hiểu được trên cõi đời nầy ai cũng có cha mẹ hết, không ai tự dưng dưới đất mà chui lên được! Rớt cũng có nhưng vì hoàn cảnh nào những đấng sinh thành không nuôi Rớt, lại bỏ vào viện cô nhi nầy?

Buổi tối sau khi học bài và đọc kinh chung, tất cả đều được trở về phòng chơi một chút, hay nằm đọc sách trước khi lên giường ngủ. Rớt không có sách đọc, không có gì để chơi. Nó leo lên chỗ nằm của mình, cái giường sắt được chia làm bốn từng. Rớt nằm từng cao nhất. Bà giám thị ở đây chỉ định như thế để lũ trẻ bớt chọc phá trước khi nhắm mắt.

Phía trên mặt Rớt, ngọn đèn nê-ông phủ sáng loá, làm cho đôi mắt nó không khi nào nhắm được trước khi đèn tắt. Nhìn sang bên cạnh một con nhỏ đang nằm đọc mấy quyển truyện hình mỏng. Rớt thèm một quyển nhhư vậy đọc để mau nhắm mắt hơn! Thấy con nhỏ còn dư một vài quyển để trên đầu nằm, Rớt đưa tay khều nhẹ:

_ Cho tao mượn một quyển đi .

Đang xem, con nhỏ quay lại thấy Rớt, nó bực mình:

_ Hỏng có đâu mà cho mượn.

Rớt không dám nói gì hết lẳng lặng nằm xuống. Một chút, Rớt nghe bên cạnh một vài tiếng xì xào gì đó, rồi một vài tiếng cười rúc rích nổi lên. Không thèm nghe những tiếng động đó, Rớt quay mặt vào vách cố dỗ giấc ngủ cho sớm.

Bỗng một vật nhỏ từ sau lưng chọi trúng ngay đầu Rớt. Một tiếng ối nhỏ. Một chút sau, một chiếc dép lại thảy tới trúng lưng, lần nầy Rớt quay lại nhìn thấy chung quanh đứa nào cũng nằm im thin thít, làm như không có chuyện gì xảy ra. Đã quá quen với cảnh chọc phá như vậy, Rớt không dám hó hé gì hết, nếu nói gì tụi nó sẽ dựa theo đó mà chọc nữa. Rớt trở mình nằm lại, nhưng chỉ vài phút sau một vài vật lại được chọi tới. Như một chiếc dép, một cây bút chì cụt, một cục gôm. Rớt ngồi dậy nhìn quanh quất, nhưng đứa nào cũng nằm tỉnh bơ. Rớt nói đại:

_ Tao hỏng giỡn với tụi bây à nha!

Một tiếng cười nhỏ từ chiếc giường phía bên dưới:

_ Hí hí! Con nhỏ đen nói gì kìa tụi bây!

Rớt cố nói rõ hơn:

_ Tao nói tụi bây đừng giỡn nữa.

Con nhỏ Rớt mượn quyển truyện khi nãy chỏ mỏ qua:

_ Xịt lãng hôn! Ai thèm chơi giỡn với Ma rốc mà bảo giỡn với không giỡn.

Nghe hai con nhỏ đanh đá như vậy, Rớt tức lắm. Nhưng không biết nói gì hơn nữa, nó ngã lưng xuống. Cả đám ngủ chung một phòng thấy vậy cười khúc khích với nhau ; một vài đứa thấy Rớt không nói gì, nên không có cách gì để tiếp tục chọc nữa. Nhưng chỉ được một lúc. Tất cả các gian phòng đều được tắt đèn tối thui, đã đến giờ ngủ không ai được nói chuyện hết, dù rất khẽ. Bỗng một giọng nói con gái muốn kéo dài cuộc nghịch phá nói lớn:

_ Đen thui, chả thấy con đen đâu hết !

Đang vắng lặng bỗng có tiếng người la như vậy, cả phòng cười rộ lên. Tiếng cười vang đến tai bà giám thị đang đi bên ngoài. Bà giám thị nầy được tiếng dữ như bà chằn, cũng được gọi là bà giáo già khó chịu. Hầu hết những người già tánh tình họ hay thay đổi luôn, vui đó, khó chịu đó. Đang đi kiểm soát bên ngoài bà lật đật bước vào phòng bật đèn sáng trưng, trên tay bà cầm cây roi mây dài gần cả thước, đôi mắt bà thả dài khắp phòng ngủ. Gian phòng im thin thít, một vài tiếng muỗi vo ve vẫn còn nghe. Một vài đứa chọc Rớt khi nãy nằm im lìm không dám trở mình làm như đang ngủ say.

Nhìn một lúc giọng bà sang sảng :

_ Đứa nào khi nãy làm cười trong nầy ?

Không một tiếng trả lời,căn phòng vẫn hoàn toàn im lặng. Chỉ cần vô phước đứa nào gây một tiếng động nhỏ thôi ! Cây roi mây trên tay bà sẽ bay vun vút vào người. Đám trẻ mồ côi ở đây tuy phá không ai bằng ; nhưng chúng phải sợ như rét khi đôi mắt bà nhìn phải. Nhiều lúc giờ ra chơi, chúng đang chạy phá hễ thấy bà đứa nào cũng giả vờ hiền lành, không thời nhận hình phạt của bà cho. Những hình phạt của bà làm đứa nào cũng khiếp đảm : Hình phạt nhẹ nhất là nắm lỗ tai xách lên; hoặc lấy bàn tay chụm lại để lên bàn hưởng những cây thước kẻ vuông góc nơi tay bà giáng xuống lia lịa. Quà thưởng đó đến năm sáu ngày vẫn còn vết bầm tím. Như hôm nay nếu bà bắt được đương nhiên bị ăn đòn nhưng mai trong giờ ngủ trưa sẽ được canh thức duới cột cờ. Hai đầu gối sẽ đặt xuống nền đá ong lởm chởm mà mưa đã làm cát trôi đi.

Nhìn bọn ngoan ngoãn ngủ yên bà tắt đèn định bước ra. Bỗng cuối phòng lợi dụng ngọn đèn vừa tắt một đứa nói lớn:

_ Con đen.

Lần nầy tiếng cười rộn lên như vỡ bờ, bỗng im bặt khi ngọn đèn chớp sáng. Bà giám thị tức tối như dẫm phải ổ kiến lửa. Bà chạy tới chạy lui giữa khoảng trống của mấy giường sắt. Nghi đứa nào, bà quất đứa đó. Có đứa đang ngủ ngon giấc bỗng bị ngọn roi của bà quất phải đau điếng giật mình dậy khóc mếu máo. Thấy bộ điệu chúng, bà biết mình lầm, lại càng tức tối hơn.

Nguyên nhân cũng tại con nhỏ đen hết. Bà xồng xộc đi lại chỗ Rớt nằm. Trên giường Rớt nín khe không dám trở mình. Nó hình dung gương mặt bà giáo già như mụ phù thuỷ trong truyện cổ tích thấy mà phát khiếp. Rớt nghe tiếng cây roi nhịp chỗ giường sắt của nó, giọng bà giáo rít qua khẽ răng:

_ Con nhỏ nầy, mầy xuống đây?

Chưa chi mà Rớt đã điếng cả người nó ngồi dậy lắp bắp:

_ Dạ ! Con đâu có làm gì !

_ Xuống đây ! Xuống đây!

_ Nãy giờ con nằm im không hè, hổng làm gì hết !

Bà nhìn Rớt trừng trừng:

_ Xuống không ? Tao lên mầy chết!

Rớt hoảng hồn líu ríu leo xuống. Vừa đứng xuống đất, Rớt đã bị ngọn roi của bà giám thị quất tới tấp. Cơn tức bực của bà được đổ vào đầu ngọn roi, những ngọn roi không chùng tay xuống mình con mọi đen. Rớt đau lắm! Hai hàm răng của Rớt cắn vào nhau khít rịt. Tiếng khóc không dám bật ra khỏi cuống họng nghẹn cứng. Vừa đánh Rớt bà vừa nói:

_ Mầy không đen thì làm gì tụi nó phá?

Thấy Rớt không khóc ra tiếng bà dừng tay lại. Trên khuôn mặt đen đúa đó, hai hàng nước mắt đổ xuống sóng sánh, những giọt nước mắt mặn như muối. Bà kêu Rớt trở về chỗ nằm; đứng lại một lúc bà bước ra cửa phòng tắt đèn. Tiếng chân của bà khuất ngoài hành lang xa.

Trong phòng lúc nầy mới hoàn toàn im lặng. Không một đứa nào chọc phá nữa có lẽ tụi nó tụi nó đang hối hận, vì làm cho Rớt bị một trận đòn oan đau đớn.

Rớt nhìn vào bức vách đen sừng sững, đen như màu da trên người nó. Tiếng nói

của bà giám thị như lởn vởn đâu đó:

_ “Mầy không đen thì làm gì tụi nó phá ?”

Mình có cái tội đó sao? Mai mốt Rớt có thể trắng được không? Nếu không chắc suốt đời nầy Rớt phải mang cái tội nầy sao? Ở đây Rớt thấy cũng có nhiều đứa tóc vàng mắt xanh. Sao chúng không ai ghét bỏ hết vậy? Mà tất cả mọi sự ghét bỏ đều đổ dồn vào mình Rớt!

Một lần Rớt đứng nhìn mấy cô giáo đùa giỡn với chúng, Rớt thèm thuồng. Nếu như mình được những lời dịu ngọt như chúng, chắc Rớt vui sướng lắm!!! Nhưng không bao giờ, đó chỉ là tưởng tượng nho nhỏ để an ủi số phận hẩm hiu của nó.

Trong giấc ngủ, Rớt thường mơ ước một bà tiên, bà tiên có đôi cánh trong suốt, bà tiên cầm cầm đôi đũa thần gắn ngọc lóng lánh trong những chuyện cổ tích “Nàng công chúa da lừa ”. Bà tiên sao mà hiền ghê thường hay giúp đỡ những kẻ khốn cùng. Nếu như bà giúp được Rớt bớt khổ, nếu như bà đưa Rớt đến một nơi nào đó không có ganh tị chọc phá như ở đây, Rớt sẽ sung sướng biết là ngân nào. Những ý nghĩ vẩn vơ làm đôi mắt Rớt mau nhắm, và nó ngủ quên tự bao giờ.

Chương 2

Buổi sáng sau khi ăn điểm tâm một khúc bánh mì bằng ba lóng tay, một trái chuối nhỏ, là giờ vệ sinh chung. Những buồi sáng vui nhất của Rớt là vào giờ nầy. Tất cả những đứa trẻ đều đi rải rác quanh cô nhi để quét dọn hoặc lượm giấy và những lá cao su. Đứa nào lượm nhiều thường được thưởng thêm một trái chuối vào giờ ăn trưa, hay được mấy cô phụ trách cho tiền. Nếu như không lấy những thứ nầy thì được ghi danh vào sổ điểm tốt. Rớt không khi nào được thưởng, vì những đứa trẻ ở đây đã dành hết rác, đuổi Rớt đến một chỗ nào chỉ toàn là cỏ xanh.

Rớt thảnh thơi nhưng không lấy thế làm buồn. Rớt thong thả đi ra sau dãy nhà cơm, nơi đây chỉ toàn là cỏ xanh. Nó khoái bứt những cọng cỏ ướt sương, những giọt sương mai chưa tan đọng ngời lóng lánh. Bàn tay của Rớt để vào lành lạnh như những lần nước mắt của Rớt thầm rơi khi bước ra đứng một mình ở đây.

Thoáng thấy hai cô giáo đang đi lại phía mình, hai cô giáo nầy có bổn phận đi rảo chung quanh để xem chừng mấy đứa trẻ lượm rác trước giờ dạy học. Cô đi bên phải đã có dạy Rớt một vài lần, cô tên Thoa. Còn một cô nữa hình như mới đến đây dạy lần đầu nên Rớt thấy lạ. Rớt giả bộ cúi xuống làm như đang say sưa nhổ cỏ không để ý gì đến hai người. Rớt nghe loáng thoáng hình như cô Thoa đang nói về mình với cô mới đến:

_ Ở đây có con nhỏ đó tội nghiệp lắm, bị tụi bạn nó chọc phá hoài.

_ Nó con lai?

_ Chắc Mỹ đen.

_ Nghe bà hội trưởng có nói lưu ý con nhỏ dùm đừng để nhó bị bạn bè ăn hiếp quá.

Cô giáo mới đến nhìn Rớt một chút, nói với cô Thoa:

_ Nó không còn ai thân thích hết hả?

_ Nghe bà hội trưởng nói hình như con nhỏ còn má.

Nghe hai cô giáo nói vậy, Rớt khựng đi một chút, tay nó đang cầm những cọng cỏ ướt sương run run rơi nhẹ xuống. Không làm sao nói hết được sự sung sướng đang tràn ngập trong tâm hồn nhỏ của nó, và trái tim thật nhỏ đập dịu dàng bởi tiếng Rớt còn má. Rớt muốn nhảy lên, muốn hò hét, muốn cười cho thoả thích hay làm bất cứ một cử động gì đó để biểu lộ sự vui mừng đang tràn ngập vỡ bờ. Một ý nghĩ chạy lên trong đầu Rớt. Đến bên cô giáo lạy lục để nhờ hai cô chỉ dùm Rớt chỗ mẹ ở. Khi đó Rớt sẽ rời bỏ đây đi tìm má bất cứ chỗ nào, chốn nào. Miễn sao Rớt được gần má, được thương yêu chìu chuộng.

Nhiều đêm Rớt vẽ trong đầu những hình ảnh thật đẹp đẽ về má. Khuôn mặt của má hiền dịu, má giống như cô Thoa, có tiếng nói trong ngọt dỗ dành, má có bàn tay trắng muốt như mấy cô giáo diu dàng với phấn trắng bảng đen. Má có nụ cười vừa đủ nói hết thương yêu. Nếu như Rớt gặp được má. Rớt sẽ sà vào lòng khóc thật nhiều để trút đi tất cả những cay đắng ở đây. Bao lần Rớt đã nghĩ những câu hỏi, những câu nói, nếu như gặp được má Rớt sẽ hỏi ngay.

_ Sao má bỏ con hở má?

Và Rớt sẽ nói tiếp:

_ Má biết con ở đây khổ lắm không? Từ ngày có trí khôn đến giờ con chưa một lần được nghe tiếng ai dịu dàng như mây và ngọt như mật ong. Má nói cho con nghe đi má. Trong cô nhi viện nầy con chưa một lần nghe được tiếng nói thương yêu, chỉ toàn là những cay đắng, toàn là những hình phạt phủ xuống vì thân hình xấu xí của con.

Má sẽ nói với Rớt, tiếng thật nhỏ:

_ Không ngờ con gái má lại khổ như vậy!

Hình như sau câu nói những giọt nước mắt của má xuống trên tóc Rớt. Rớt nói cho đỡ nhớ thương:

_ Không ai nói ngọt như má, không ai ôm con vào lòng, không ai hôn lên tráng con. Má đã cho con tất cả những thứ đó, làm con quên hết những ngày trong nầy buồn tủi.

Rớt lan man nghĩ như thế, bỗng câu nói của cô Thoa làm chùng ý nghĩ của nó lại.

_ Má nó bán bar, lấy thằng Mỹ đen nào đó để kiếm nhiều tiền. Khi đẻ nó ra giống thằng cha nó đen đúa xấu xí. Xấu hổ với hàng xóm chung quanh, nên đem cho vào đây, rồi vắng biệt luôn không thấy đến nữa !

Không muốn nghe gì nữa hết, Rớt thẫn thờ đứng lên. Má bỏ Rớt vào đây vì thân hình xấu xí… Tất cả mọi người đã xa lánh nó vì lý do đó. Má Rớt cũng như thế sao?... Bước trở về phòng không muốn vững. Giờ nầy, không còn một đứa nào trong phòng hết, những chiếc giường sắt nằm buồn lặng lẽ với chăn mùng được xấp gọn gàng. Leo lên giường Rớt nằm lăn ra như có điều gì làm Rớt ngồi dậy không muốn nổi nữa, nó thiếp đi.

Buổi trưa, mấy con nhỏ ở chung với Rớt kéo về phòng. Thấy Rớt nằm trên giường mặt mầy xanh lét, mồ hôi vã ra như tắm, tưởng Rớt bị trúng gió, chúng hoảng hốt chạy lên báo cáo bà giám thị. Bà giám thị xồng xộc đi xuống, bà nhìn Rớt thật kỹ, bà nghĩ con nhỏ dám giả bộ bịnh để khỏi quỳ gối ở cột cờ. Đưa tay bà nắm đầu Rớt hét vào mặt:

_ Ranh con, mầy dám qua mặt tao hả?

Rớt giật mình dậy, thấy bà giám thị như thấy mụ phù thủy và nhớ đến những ngọn roi khi hôm, Rớt tỉnh hẳn người. Thuận tay bà ký vào đầu Rớt một cái “cốp”, gằn giọng:

_ Đi ra ngoài kia quỳ gối đến hai giờ mới được vô.

Rớt ríu ríu bước đi cho đỡ bị đòn, ra giữa sân cô nhi viện. Nắng buổi trưa đi xuống từng mảng xanh đỏ trước mặt, chói chang nóng rát. Chỗ cột cờ trống trải không một bóng cây. Bà giám thị đi theo Rớt đến cột cờ bắt Rớt quỳ xuống. Những cục đá ong quái ác chỉa ra những cạnh lởm chởm làm Rớt đau điếng, làm Rớt tê rần hai đầu gối. Nắng vẫn đổ xuống sức nóng trên người Rớt, mồ hôi nhỏ giọt hai bên thái dương, mồ hôi làm ướt tèm lem áo đang mặc.

Ở xa mấy con nhỏ đứng nhìn Rớt, chúng thấy Rớt như một tượng nhỏ bằng đồng đen. Không đến muời phút, người Rớt run run, Rớt thấy cảnh vật trước mắt như đảo ngược, chúng quây quần, nhảy múa quanh Rớt. Bỗng chúng sa sầm lại tối đen. Rớt ngã quập người xuống cột cờ như một vật vô tri, như một cục đá được thảy xuống sông chìm lỉm không biết gì.

Đứng trong khoảng mát, bà giám thị nhìn thấy Rớt té xỉu. Bà hét mấy đứa đang đứng gần đó chạy ra khiêng Rớt vô, đem vào phòng lấy nước vả vào mặt cho tỉnh dậy. Không biết nghĩ sao, bà giám thị căn dặn những đứa khiêng Rớt vô phòng không được nói gì hết, coi như không có chuyện gì xảy ra, sợ đến tai bà hội trưởng ở đây chăng ? !

Những ngày sau Rớt bệnh thật sự, người nó nóng hâm hấp vì trúng nắng. Rớt được bà giám thị cho phép nghỉ tại phòng, không đến lớp học cũng như không làm cỏ những giờ vệ sinh chung. Mỗi ngày bà đến phát cho Rớt vài viên thuốc cảm, nhưng những viên thuốc không làm giảm cơn đau của Rớt một chút xíu nào hết. Rớt cần tình thương hơn là những viên thuốc.

Mấy tụi nhỏ hằng ngày chọc Rớt để làm vui, mấy hôm nay thấy Rớt như vậy, không một đứa nào hó hé nữa. Tuổi nhỏ dễ vị tha và mau xúc động. Một vài đứa còn dành phần ăn sáng hoặc cơm trưa đem đến tận phòng cho Rớt. Chỉ có những lúc như vậy, tụi nó mới tử tế, tụi nó mới nở nụ cười hỏi han. Rớt không muốn lành bệnh một chút xíu nào hết.

Mai mốt lành bệnh tụi nó có chọc phá nữa không ? ! Làm sao mà không được !

Rớt không thể chịu đựng hơn được nữa. Rớt phải rời khỏi chỗ nầy đi đến bất cứ đâu, miễn làm sao không nghe những câu nhạo báng, nét mặt khinh khi. Còn má của Rớt nữa ! Rớt phải tìm gặp má, nói cho má nghe những tủi buồn mà Rớt phải chịu.

Ý định rời khỏi cô nhi nầy ngày nào cũng lẩn quẩn bên Rớt. Từ trước đến giờ nó ít khi có dịp đi ra bên ngoài lắm, nên không hiểu rành mạch những đường xá bên ngoài ra sao ? Ra ngoài rồi sẽ ở đâu ? Làm gì ăn ? Liệu đi xin người ta có cho không ? Ý nghĩ nầy thường làm Rớt chùng lại.

Một tiếng động ngoài cửa phòng, Rớt đưa mắt nhìn ra. Con nhỏ Mi đang nhẹ bước tới, trên tay nó cầm gói giấy nhỏ. Giờ nầy đứa nào cũng vào lớp ngồi học hết, chỉ mỗi mình con nhỏ Mi là rảnh thôi. Nó có bổn phận đi chợ chung với mấy chị nhà bếp. Họ mua gì, Mi phải xách đem ra xe. Buổi sáng nó được nghỉ và học thế lại buổi chiều. Ở đây chỉ có mỗi Mi là không chọc Rớt. Con nhỏ hiền và dễ thương như mấy cái hoa mười giờ tím ngắt nằm trong những chậu sành để ở phòng bà hội trưởng. Đến chỗ Rớt, Mi ngồi xuống bên cạnh :

_ Mầy hết đau chưa Rớt ?

_ Gần hết rồi !

Mi đưa gói giấy ra trước mặt Rớt :

_ Hồi sáng đi chợ với mấy chị bếp, tao lén mua để dành cho mầy mấy trái “xí muội”.

Nhìn gương mặt lo lắng của Mi, Rớt muốn khóc ! Cái gì cũng có thể làm cho Rớt khóc được. Con Mi biết Rớt thích mấy trái mằn mặn chua chua nầy, nên lén mua cho nó. Rớt cảm động :

_ Cảm ơn mầy.

_ Ăn đi Rớt, tao nghe mấy chị bếp nói, đau ăn trái nầy vô sạch miệng lắm !

_ Thôi tao với mầy ăn chung đi !

Rớt mở ra chia chung hai đứa ăn. Trái “ xí muội ” làm cho miệng Rớt đỡ đắng. Nó ngồi dậy dựa lưng vào thành giường. Mi thấy vậy nói :

_ Mầy nằm yên cho khoẻ, ngồi dậy làm chi.

_ Tao thấy đỡ ghê !

Mi buồn buồn :

_ Tao ghét bà giám thị phạt mầy quá ! Không hiểu sao bả ghét mầy quá vậy nhỉ?

Rớt cười méo xệch:

_ Tại da tao đen thui như cục than mầy không thấy sao ?

Mi an ủi Rớt:

_ Không phải như vậy đâu !

_ Chứ tại lý do gì hở Mi ? Mầy thấy tao đâu có phá phách, không biết vâng lời đâu ?...

_ Thôi đừng nghĩ đến chuyện đó nữa mầy.

Hai đứa ngồi im một lúc. Rớt bỗng nghĩ Mi thường ra chợ, chắc phải biết nhiều cái bên ngoài hay lắm. Rớt muốn hỏi cho biết đôi chút:

_ Ở ngoài chợ chắc vui lắm hả?

Mi hí hửng:

_ Khi nào lành bệnh mầy lên xin bà hội trưởng cho đi chợ chung với tao cho vui. Ở ngoài đó vui lắm, người ta lui tới nườm nượp. Người buôn cái nầy, kẻ bán cái khác, vui không chê được.

Rớt ầm ừ:

_ Để tao thử xin coi có được không.

_ Mầy lui cui ở nhà bếp, thường đi ra ngoài chắc tụi nó sẽ ít chọc phá, chứ như vậy hoài làm sao mầy chịu cho thấu.

_ Nè Mi.

_ Gì hả Rớt?

_ Phải chi mình có ba má ở bên ngoài sướng hén mậy?

Câu hỏi của Rớt vô tình làm hai đứa rơi vào khoảng buồn mênh mông. Phải chi hai đứa còn ba má, còn những người thân yêu, giờ nầy đâu có buồn bã như thế nầy. Trí nhớ con nhỏ Mi quay ngược về những hình ảnh đẹp như mây trời tháng bảy, đẹp vào những ngày lên năm, lên sáu. Đêm đó gia đình Mi đang ngon giấc, bỗng những tiếng đan đưa về dồn dã, cả nhà kinh hoàng, cả nhà dẫy chết trong lửa đạn. Mi nhớ rõ lắm, cả nhà đều chết không toàn vẹn. Đứa em Mi, con Búp dễ thương, con Búp hay khóc rề rề tối ngày, thế mà bị cháy nám như con heo quay chưa trét phẩm. Đến bây giờ Mi cũng không hiểu tại sao mình nó sống sót và người ta đem Mi vào đây. Đôi lúc Mi nhớ gia đình, nhó em Mi cứ khóc hoài. Ngày trước Mi được đến trường học với chiếc áo đầm trắng mỗi sáng mỗi chiều. Mi đùa giỡn tự do với chúng bạn. Con Rớt nói làm cho Mi nhớ quá, làm cho nước mắt của Mi dầm dề, làm cho bờ môi hồng nhỏ méo xệch.

Nhìn Mi, Rớt trầm trầm:

_ Sao mầy khóc hở Mi ?

_ Nhớ ba má và em tao !

Rớt bùi ngùi:

_ Mầy còn có người để nhớ, tao đây không có ai hết.

Đứng lên, Mi nói muốn không ra tiếng :

_ Thôi mầy nằm nghỉ đi ! Tao còn phải xuống bếp làm đồ ăn nữa. Trưa nay tao lén để dành cho mầy một vài thứ ăn ngon.

Rớt nhìn theo cái bóng nhỏ thó của Mi ở cửa. Nó lăn mình nằm úp mặt xuống gối.

Con nhỏ Mi buồn ghê ! Hoàn cảnh nó đau đớn, nên trên khuôn mặt hồng sáng của con nhỏ lúc nào cũng thấy buồn, trên bờ môi đỏ nụ cười gần như mất hẳn, nhường lại những tiếng nấc tủi sầu. Hai đứa gần giống nhau về nỗi buồn, nên dễ thương nhau, dễ nhìn thấy khổ đau đứa khác nhận chịu. Rớt thấy hai giọt nước mắt ướt nhoè nền gối màu trắng bệch.

Xem tiếp chương 3 & 4