Vùng Biển Lặng - Loại Hoa Xanh

Tủ sách Tuổi Hoa -1971

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

Chương 5 & 6

Chương 7 & 8

                                                        Chương 9 - 10 & 11 (hết)

Nguồn: vnthuquan và GMC sưu tầm, KIỀU MINH đánh máy chương cuối.

-----------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 01

Em ôm con Bích Ty vào lòng:

- Rứa là mình mất mẹ rồi Ty ơi.

Bích Ty tròn mở đôi mắt ngây thơ, nhìn em:

- Chị nói chi lạ rứa chị Vy, mẹ đang làm bánh bột lọc sau bếp mà, mất mô mà mất.

Em lắc đầu:

- Ty không hiểu chi hết, chị muốn nói là …

Em im bặt. Ty nó chưa đủ trí khôn để nghe lời em giải thích, cả Cu Quang nữa, suốt ngày rong chơi, đánh bi đánh đáo, tuổi hồn nhiên căng tròn đôi mắt trong suốt suy tự Nó không có thì giờ để lo âu, để suy nghĩ, dù một giây phút thôi, rằng mẹ của chúng em, mẹ dịu hiền, mẹ tiên nga đang nới rộng vòng tay, đang mở dần cánh cửa trầm hương, vùng thiên đường diễm ảo của riêng bốn mẹ con em, để chào mừng, để ríu rít đón nhận một người đàn ông không phải là ba.

Em thù ghét, em oán hờn người đàn ông đang thay thế hình bóng ba trong trái tim cô đơn từ lâu của mẹ. Mẹ còn trẻ và đẹp, em biết như vậy vì mỗi lần ra phố vẫn có nhiều người nhìn theo mẹ với đôi mắt đầy chiêm ngưỡng.

Nghe nói ngày xưa mẹ là hoa khôi của trường Đồng Khánh, lắm người theo đuổi, nhưng mẹ chỉ yêu có mỗi mình ba. Dạo đó ba chỉ là một anh học trò nghèo, học trên mẹ ba lớp bên Quốc học, hai trường sát cạnh, chỉ cách nhau con đường nhỏ. Một buổi chiều ba đạp xe lạng quạng thế nào tông phải mẹ làm chiếc cặp văng ra xa và mẹ té sấp xuống lề đường. Các bạn kéo đến xem đông quá làm ba luống cuống đến tức cười. Mẹ bảo, nhìn cử chỉ lúng túng, nửa ngượng ngùng, nửa sợ hãi của ba mà mẹ tội nghiệp đến quên cả đau. Rồi ba và mẹ quen nhau từ đó.

Mối tình thật êm đềm và thơ mộng như màu trời xanh muôn đời soi mặt nước sông Hương. Ban đầu thì ông bà ngoại không chịu gả mẹ cho ba vì vấn đề môn đăng hộ đối. Ông ngoại ngày xưa là quan nhất phẩm triều đình, dòng dõi danh gia vọng tộc. Còn ba mồ côi cha, bà nội chỉ có một sạp hàng bán đồ gốm ngoài chợ An Cựu để làm kế sinh nhai, nuôi con ăn học nên người.

Tuy nghiêm khắc, nhưng ông bà ngoại rất cưng chiều con cái, nhất là mẹ, vừa học giỏi lại vừa nết na đằm thắm. Thấy ba và mẹ yêu nhau quá, ông bà ngoại không nỡ làm khổ con, nên một đám cưới đơn giản được cử hành, nối liền hai tâm hồn, hai cuộc đời riêng biệt, từ đây chung một mái nhà, bao ngọt bùi chia sẻ cho nhau.

Ngày ba mất, em mới lên tám, Quang lên năm và Bích Ty chưa đầy một tháng.

Sau đám tang ba, mẹ đau một trận tưởng chết. Không khí trong nhà ngột ngạt khó chịu. Dì Nguyệt sang thăm mẹ mà cứ ngồi khóc sụt sùi cả ngày nơi ngưỡng cửa.

Bà nội thì lo thang thuốc cho mẹ, vừa săn sóc cho Bích Tỵ Em còn nhỏ quá, chưa giúp đỡ được gì cho mẹ cả. Em chỉ biết ngồi bên giường mẹ, cầm lấy đôi tay gầy guộc rưng rưng: "Mẹ Ơi, mẹ đừng chết nghe mẹ!".

Mẹ mở đôi mắt buồn nhìn em:

- Thúy Vy, đừng khóc con, mẹ không chết mô, mẹ phải cố gắng sống với con và các em chứ. Cu Quang mô rồi con? Coi chừng trông em, đừng để nó ra nắng rong chơi rồi đổ đau đổ ốm thì khốn.

Một thời gian thật lâu, mẹ mới lành bệnh. Nghe bà nội nói bởI vì mẹ đang non ngày non tháng, lại gặp chuyện quá đau lòng nên mới sinh bệnh. Qua khỏi được cũng nhờ ơn trời phật.

Sau ngày ba mất, hình như mẹ càng yêu em hơn lên, cả Cu Quang vàBích Ty nữa. Bích Ty càng lớn càng xinh đẹp giống mẹnhư khuôn, nhất là cái miệng, đôi môi dày vừa vặn, mỗi khi cười trông như đóa hoa tường vi.

Mẹ thôi không đi làm nữa. Mẹ bảo đi làm một ngày hai buổi không có thì giờ săn sóc các con. Mẹ bàn với bà nội sửa sang lại căn nhà cho khoáng đạt, rồi mở tiệm tạp hóa buôn bán kiếm lời sinh sống. Nhờ trời thương, cửa hàng mẹ em càng ngày càng đông khách, cho nên đời sống mẹ con em trở nên thoải mái dễ chịu. Rồi em thi chuyển cấp vào lớp sáu trường Trưng Vương đạt hạng giỏi, mẹ đã ôm em vào lòng khóc thật lâu. Những giọt lệ mừng rỡ nóng hổi lăn dài trên đôi má trắng ngần của mẹ, đẫm ướt mái tóc thắt bím chấm vai của em. Mẹ đã dẫn em đi khắp trường, chỉ từng khóm hoa, bụi cỏ và nhắc lại những kỷ niệm thưở thiếu thời, hồi mẹ còn là một nữ sinh ngây thơ của trường này, vành nón lá nghiêng duyên mỗi chiều tan học thả bộ qua cầu Tràng Tiền, muôn tà áo trắng tung bay như ngàn cánh bướm.

Mẹ lại nhắc đến ba, đến mối tình đẹp như bài thơ giữa người con gái trâm anh quyền quí và người học trò nghèo áo rách sờn vai.

- Thúy Vy à, ngày xưa mẹ thường hái trộm hoa mimosa cạnh văn phòng bà hiệu trưởng đem ép tặng ba, mặc dù có lệnh cấm.

Có một lần mẹ bị bà hiệu trưởng bắt gặp quả tang, mẹ bị phạt bốn giờ cấm túc, từ đó mẹ thất kinh luôn, không dám hái nữa.

Ánh mắt mẹ rạng ngời nhìn lên những chùm mimosa nở rộ trên cành, màu lá xanh biêng biếc lấm tấm những nụ hoa vàng lả lơi trong làn gió thoảng nhẹ. Trước mắt mẹ, chắc hẳn một vùng quá khứ ngọc ngà đang trải rộng, khung trời hoa bướm ngày thơ như bừng sáng trong tâm hồn người thiếu phụ cô đơn. Em rộn rã trong vòng tay mẹ, đôi môi tường vi của mẹ liến thoắng kể chuyện về bạ Những câu chuyện hết sức người lớn mà ở tuổi em, em không thể hình dung được, em không thể tưởng tượng ra được. Em chỉ biết rằng, em chỉ hiểu rằng mẹ đang nghĩ về ba, mẹ đang nhớ đến ba nhiều lắm. Mẹ mở một bữa tiệc nhỏ để mừng em lên cấp hai. Có cả ông bà ngoại và dì Nguyệt sang mừng nữa. Em được mẹ thưởng cho một con búp bê thật to, gần bằng nhỏ Bích Ty đã lên bạ Ông bà ngoại cho em chiếc xe đạp, nhưng mẹ bảo Thúy Vy còn nhỏ chưa đi được, phải bọc giấy lại treo trên gác. Chú Minh cho em khẩu súng bắn ra lửa, nhưng cu Quang đã giành mất. Nó bảo rằng con gái mà chơi súng gì. Em vui vẻ cho nó sau khi củng yêu nó một cái trên trán, vầng trán rộng giống hệt ba, gan lì và cương nghị. Cả nhà hôm đó được ăn một bữa cơm ngon lành. Mẹ nấu ăn tuyệt diệu, em mê nhất là món chả tôm, săn cứng và dòn không thể tả. Mẹ nhìn em âu yếm rồi quay sang dì Nguyệt:

- Con Thúy Vy thích ăn chả tôm giống hệt anh Bảo ngày xưa.

Những ngày tháng êm đềm lặng lẽ trôi quạ Em đã lên lớp tám. Cu Quang lớp năm và bé Bích Ty đã chập chững vào mẫu giáo. Em không làm sao quên được ngày mà đám mây mờ cuối chân trời xa đã theo cơn lốc đến bao phủ lấy nguồn hạnh phúc bao la đang rạng ngời mái ấm gia đình. Đó là ngày giỗ đầu người cậu cả của em, và người đàn ông đó như một vị hung thần hiện đến xô đẩy hình bóng ba em ra khỏi trái tim mẹ. Nghe dì Nguyệt bảo với cô bạn:

- Anh Huy đó ngày xưa trồng cây si chị Hà tao. Nhưng chị Hà chỉ yêu anh Bảo và anh chàng thất vọng vào Sài Gòn cưới vợ. Hình như hai người đã ly dị nhau sau ngày cưới mấy tháng. Không hợp nhau làm sao mà ăn đời ở kiếp với nhau được. Chừ thì anh chàng vẫn còn cô độc.

Em liếc nhìn người đàn ông đang ngồi nói chuyện với mẹ, đôi mắt đầy say đắm. Mẹ vẫy em lại:

- Chào bác Huy đi con.

Em vẫn nhìn vào mặt người đàn ông tên Huỵ Ông ta cầm lấy tay em:

- Cháu đầu lòng của Hà đấy hả? Xinh quá, đôi mắt ướt giống hệt mẹ. Cháu tên gì?

Em đáp cộc lốc:

- Thúy Vy.

Người đàn ông cười:

- Tên cháu đẹp ghệ Hà khéo chọn tên cho con.

Em ghét nhất là ông ta cứ gọi mẹ bằng tên hồi còn con gái chứ không là chị Bảo như mọi người đã kêu. Mẹ nhìn em:

- Thúy Vy không được hỗn với bác. Con trả lời rứa mà nghe được à?

Tủi thân vì bị mẹ mắng trước mặt người lạ, em rưng rưng nước mắt:

- Con xin lỗi mẹ.

Mẹ nghiêm mặt:

- Xin lỗi bác Huy nữa.

Em cắn chặt môi dưới, im lặng. Mẹ thúc giục:

- Xin lỗi bác Huy đi Vy.

Một giây suy nghĩ, em bướng bỉnh vuột khỏi tay nắm của người đàn ông, chạy vụt ra sân, nhập bọn với đám trẻ. Tiếng mẹ đuổi theo giận dữ:

- Thúy Vy ! Thúy Vy!

Tiếng người đàn ông xen vào:

- Thôi Hà, cháu nó còn dại.

Chiều hôm đó về nhà, mẹ có vẻ còn giận em. Suốt buổi tối, mẹ không nói với em một lời. Đồng hồ gõ mười tiếng, mẹ giục cu Quang đi ngủ, rồi mẹ bồng Bích Ty lên giường. Gương mặt mẹ lạnh lùng, cố tình không để ý đến em. Bà nội tới cạnh em:

- Thúy Vy, mẹ mi giận mi hả?

Em giả vờ lắc đầu:

- Con không biết.

Bà nội thắc mắc một mình:

- Con mẹ Bảo tối ni chi lạ ghệ Ai làm chi mô mà cứ thở dài thườn thượt.

Em ngước lên:

- Khuya rồi, mệ đi ngủ đi.

- Kệ tao, con ni lạ. Bữa ni mi cũng thức khuya dữ.

Em đến ngồI bên bàn học:

- Con học bài mà, gần thi học kỳ rồi mệ Ơi.

Càng về khuya, không gian càng thanh vắng. Em nghe rõ tiếng thạch sùng tắc lưỡi trên trần nhà. Trước mặt em, bức ảnh bán thân của ba đang tươi cười nhìn em âu yếm. Em có cảm tưởng như ba đang cử động. Ánh mắt đó, nụ cười kia sắp chìm khuất trong tâm hồn mẹ được sao ? Mẹ Ơi ! Ba ơi ! Sao con khổ thế này. Em gục đầu vào cuốn sách để ngỏ. Một bàn tay ôm nhẹ vai em:

- Thúy Vy, con giận mẹ đó hả ?

Em chậm rãi ngẩng lên bắt gặp đôi mắt đẫm lệ của mẹ. Mẹ đang nhìn em chờ đợi câu trả lời. Em hối hận quá:

- Mẹ tha thứ cho con.

Mẹ áp má vào tóc em:

- Con đang nghĩ xấu cho mẹ đó phải không ?

Em ấp úng:

- Con mô dám rứa.

Mẹ cười buồn:

- Lần đầu tiên con nói dối mẹ. Thúy Vy à, con còn nhỏ lắm, con chưa hiểu được những gút mắc của người lớn đâu. Đừng làm cho mẹ buồn.

Mẹ dìu em đứng dậy:

- Thôi, đi ngủ con. Khuya quá rồi.

Em tắt đèn bàn học, lặng lẽ theo mẹ vào phòng. Mẹ dằn mùng lại đàng hoàng, sau khi hôn nhẹ lên trán em. Em thao thức hoài không ngủ được. Lời mẹ nói cứ văng vẳng bên tai. Vâng, em còn nhỏ quá. Em chưa hiểu được những phức tạp trong tâm hồn người lớn. Nhưng em vẫn chắc chắn biết rằng, một người đàn ông xa lạ sắp chen chân vào mái gia đình này giành đi của chúng em rất nhiều tình thương mến của mẹ. Em còn nhớ cách đây một tuần, mẹ dến đón em ở trường, con Cúc Nhật khen lấy khen để:

-Mẹ của mi đẹp can không nổi Vy ơi. Giống hoa hậu Nhật Bổn ghê đi.

Em sung sướng nguýt dài:

- Con ni xạo, làm như mi quen với hoa hậu Nhật Bổn không bằng.

Cúc Nhật chu môi:

- Có hình đăng trên báo chớ bộ, để khi mô tao đem tới cho mi coi.

Con Thủy Tiên xen vào:

- Mẹ mi đẹp như rứa, thì mi dễ có ba mới lắm Vy ơi !

Em trừng mắt:

- Nói tầm bậy đi. Coi chừng tao giận đó.

- Tao nói thiệt mà. Mi có thấy mẹ con Hoàng Anh không? Đâu có đẹp bằng mẹ mị Rứa mà chừ cũng sắp tái giá rồi đó !

Em bịt hai tai lại:

- Tao không thèm nghe, tao không thèm nghe miệng lưỡi yêu tinh của mi.

Em thở dài gác tay lên trán, nhìn chăm chăm vào đỉnh màn. Lời con Thủy Tiên thế mà đúng. Em sắp có ba mới thật rồi sao ? Con người mà mẹ bắt em gọi bằng bác Huy đó cũng khá đẹp, tương tự như cái ông gì hay nói trên tivi ấy. Nếu bác ta đừng có tình ý với mẹ, thì em cũng đã có thiện cảm với bác ngay lúc bác hỏi đến tên em. Con người có vẻ đôn hậu và đàng hoàng lắm. Nhưng vì bác ta cứ hay gọi mẹ là Hà, và nhìn em bằng đôi mắt của một người cha nên em không thích, nhất là khi nghe dì Nguyệt nói hiện giờ ông ta không còn gì ràng buộc nữa làm em càng phập phồng lo sợ. Lan man suy nghĩ, em ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Buổi sáng, bà nội gọi gánh cơm hến mụ Quỳnh vào cho tụi em ăn điểm tâm. Cu Quang đòi ăn hến khô có nhiều tóp mỡ. Bé Bích Ty ngúng nguẩy làm nũng, bắt bà nội phải đút mới chịu ăn. Em vừa bưng tô lên cho thêm chút ớt, thì chợt nhớ mẹ. Em định lên tiếng gọi, nhưng mẹ đã từ trong đi ra. Bà nội ngẩng lên:

- Con mẹ Bảo ăn hến khô hay nước ?

Mẹ đưa tay vén những sợi tóc lòa xòa trước trán:

- Con không ăn mô mạ. Sáng ni con ra phố có chút việc rồi ăn ngoài đó luôn.

Em nhìn mẹ, sáng nay mẹ bỗng diện thật đẹp, lộng lẫy hơn bao giờ hết kể từ ngày ba mất. Mí mắt mẹ thoa khá nhiều muội xanh làm đôi mắt viền chì đen của mẹ càng sâu thẳm. Đôi má phớt hồng đào làm chiếc mũi càng tăng vẻ thanh tú t rên chiếc miệng nhỏ xinh với làn môi màu son hổ phách. Bích Ty rời bà nội chạy đến bên mẹ, mân mê tà áo vàng hoàng yến:

- Mẹ Ơi ! Mẹ đi mô rứa ? Cho Ty đi với.

Mẹ cúi xuống hôn lên trán Bích Ty:

- Mẹ đi công chuyện, con ở nhà ngoan với bà nội nghe.

Quay qua em, mẹ hỏi:

- Thúy Vy chưa đi học hả con ?

Em đáp lí nhí:

- Sáng ni con nghĩ hai giờ đầu. Chín giờ con mới đi lận.

Có tiếng xe hơi lăn bánh lạo xạo trên con đường trải sỏi dẫn vào ngõ. Em nhìn ra. Bác Huy ! Phải, người đàn ông đang mở cửa xe đó là bác Huỵ Bác bước chân vào nhà như một cơn lốc xoáy, nhưng mẹ đã tươi cười đón nhận và bàn ghế, thềm nhà, bực cửa vẫn thản nhiên im lìm trước nỗi mất mát lớn lao trong em.

Nước mắt em khô đi tự bao giờ và lửa tâm hồn em bắt đầu ngùn ngụt cháy. Em đặt tô cơm hến xuống bàn, chạy nhanh vào buồng đóng cửa lại. Văng vẳng ngoài nhà, tiếng Bích Ty non nớt chào: "Thưa bác", tiếng cu Quang liến thoắng: "Mẹ Ơi, mẹ đi phố với bác Huy, nhớ mua cho con một cây súng nghe !"

Em úp mặt xuống gối, tay ép mạnh hai mép gối vào tai, nước mắt tuôn ra như dòng suối. Em mỏi mệt thiếp đi khá lâu, cho đến khi bà nội gõ cửa buồng kêu khẽ:

- Thúy Vy ơi ! Cúc Nhật tới rủ con đi học tề.

Em ngồi dậy, dùng tay áo chùi sạch nước mắt, rồi mở cửa bước ra. Cúc Nhật kêu lên:

- Mi đau à ?

Em nói dối:

- Ừ, tao hơi mệt một chút

- Liệu đi học có được không ?

- Được chớ. Mi chờ tao thay áo nghe.

Em và Cúc Nhật đi bộ qua cầu Gia Hội. Cúc Nhật nhìn đồng hồ:

- Còn sớm lắm, mi với tao qua phố chơi một chút nghe. Mi ăn sáng chưa ?

Em nhớ em có ăn một tô cơm hến hồi sớm, nhưng bao tử em như trống rỗng. Hình như em đã bỏ dở hơn hai phần tô cơm khi nhìn thấy bác Huy đi vào nhà. Em hỏi Cúc Nhật:

- Chi rứa, bộ tính bao tao hả ?

Cúc Nhật cười:

- Tao đói bụng quá, định rủ mi đi ăn luôn cho vui. Mình vào Ngã Giữa ăn bún bò nghe.

Một chiếc xe Toyota màu xanh từ ngã Hàng Bè chạy lên. Em thoáng thấy màu áo hoàng yến của mẹ bên cạnh người lái. Lúng túng, em vờ đánh rơi chiếc khăn mù soa xuống đất và làm bộ ngó xuống kiếm tìm. Nhưng Cúc Nhật đã vỗ vai em la to:

- Mẹ mi tề, mẹ mi tề, Thúy Vy.

Em giả đò ngơ ngác:

- Mô ? Mô ?

- Mẹ mi ngồi trên xe xanh vừa chạy ngang đó. Chao ôi, mẹ của mi còn đẹp hơn cả Diễm My nữa.

Lần đầu tiên em không thích nghe người ta khen mẹ đẹp. Lần đầu tiên em ao ước lạy trời cho mẹ em xấu thật xấu để không ai thèm nhìn, để mẹ hoài hoài là của chúng em. Em lẩm bẩm:

- Mi ngó lầm rồi Nhật, không phải mẹ tao mô.

Cúc Nhật quả quyết:

- Mẹ mi rõ ràng mà

Em bịa:

- Mẹ tao về quê chưa lên mà.

Cúc Nhật cứ khăng khăng:

- Chắc sáng ni mẹ mi mới lên đó.

Em không trả lời, quay trở lại:

- Mi ăn một mình đi, tao không ăn mô

Em đi về hướng bến xe buýt, Cúc Nhật chạy theo:

- Vy, Vy, chờ tao với. Thôi để tao mua bánh mì gà hai đứa lên trường ăn nghe.

Em nhìn con bạn thân:

- Mất công mi ghệ Đừng giận tao nghe.

Cúc Nhật cười nhẹ:

- Con ni chi lạ ghệ Nhiều lúc mi bốc đồng như đồ điên ấy.

Em cố làm mặt vui để Cúc Nhật đừng để ý nữa. Hai đứa vui vẻ từ bến xe cho đến trường. Em cười nói huyên thuyên, cố quên đi sự việc vừa xảy ra: Sáng nay mẹ đi chơi với bác Huy chứ chả có công chuyện gì cả.

Vừa bước vào lớp, em thấy con Thủy Tiên cứ nhìn em tủm tỉm cười hoài. Em lại gần nó:

- Chi mà cười thích thú rứa mi ?

Thủy Tiên vẫn cười:

- Không chi hết, con ni tò mò quá ta.

Cúc Nhật đến kéo tay em ra khỏi lớp:

- Vy nì, tao vừa nghe con Thùy nói, nó với Thủy Tiên mới gặp mẹ mi đi ăn sáng với một người đàn ông.

Em nóng mặt:

- Mấy tụi vô duyên, ăn cơm nhà bàn chuyện thiên hạ. Mặc kệ mẹ tao, có ai ăn hết của tụi nó mô mà bàn ra tán vào.

Thấy em giận, Cúc Nhật nói lảng:

- Thôi đừng để ý đến chuyện đó nữa, tụi mình ra sân chơi đi.

Em đi theo nó, đôi mi cay caỵ Cúc Nhật nắm tay em:

- Ủa, răng tụi nó về hết mi ơi. Ê Thùy, không học hả ?

- Cô đau, cho phép tụi bây dông.

Cúc Nhật kéo em đứng dậy:

- Vào lấy cặp đi về Vy

Các bạn cùng lớp em ùa ra nhà xe như bầy ong vỡ tổ. Cúc Nhật dúi gói mì gà vào tay em:

- Ăn đi mi, tao mua ở bến xe đó.

Em chiều lòng bạn, cất gói bánh vào cặp:

- Ai lại ăn giữa đường giữa sá rứa, dị chết. Thôi để tao về nhà ăn nghe.

Ra đến cổng, em chợt có một ý định. Em bảo Cúc Nhật:

- Mi về trước đi nghe, tao lên Nam Giao thăm mộ ba tao.

Cúc Nhật nhìn em rồi nhìn mông ra phía bên kia sông:

- Tao thấy mi bữa ni hơi lạ đó Vỵ Ừ thì tao về, cho mi được tự do sống với nội tâm. Chừ mi đi bằng chi ?

Em nắm tay bạn bóp nhẹ:

- Tao qua đường đón xe Từ Đàm, mi về một mình đừng buồn nghe. Chiều nhớ đến nhà tao chơi đó.

Nắng đã lên cao, nắng vàng rực, nắng đổ mồ hôi lấm tấm trên lưng em. Em đi theo con đường mòn dẫn lên ngọn đồi thấp. Cỏ hai bên đường thưa thớt rải rác màu tim tím hoa hổ ngươi. Mộ ba nằm im lìm dưới bóng mát táng cây bồ đề. Mẹ đã cho thợ xây một vòng rào bằng xi măng bao quanh, và chính tay mẹ đã trồng những cây hoa tí ngọ trang điểm mộ phần. Đã đúng giờ cho hoa nở rộ. Màu đỏ cánh sen của ngàn hoa bừng thắm một góc đồi. Em sờ lên từng cánh hoa, từng phiến lá nhỏ căng mọng nhựa sống mà nghĩ đến một người đã chết, nhưng hình bóng vẫn sống hoài trong em. Ba đấy, ba đang nhìn em từ tấm ảnh màu in trên phiến đá hoa trắng. Chiếc mũ lưỡi trai che khuất mái tóc bồng bềnh. Em ngồi xuống, tựa đầu vào tấm bia lạnh. Tay mơn man từng phiến đá vô hồn, gọi khẽ: "Ba ơi, ba ơi !!!"

Nắng chiếu xuống đầu em nóng ran. Em mở cặp lấy chiếc mù soa lau trán. Tay em chạm phải gói bánh Cúc Nhật đưa hồi nãy, tờ giấy bao bên ngoài đã thấm mỡ trắng... c, em chợt nghe bụng đói cồn cào. Em đặt gói bánh lên mộ ba và xá bốn vái:

- Ba ơi, về ăn bánh với con, bánh mì gà mà ngày xưa ba thích đó, có dưa leo, có cà rốt ngon lắm ba ơi.

Em nhoẻn cười với tấm ảnh ba, hình như ba cũng sắp sửa mỉm cười. Đôi mắt ba sáng chi lạ, như lời bà nội nói: cặp mắt thằng Bảo giống y hai ngọn đèn phạ Bà nội nói rồi bà nội cười một mình khi nhìn ảnh bạ Nhưng mẹ thì không thế. Mẹ lặng người đi mỗi lần nghe bà nội nhắc đến ba, rồi mẹ úp mặt vào đôi bàn tay búp măng, mẹ khóc lặng lẽ. Em cũng thích nhìn hình ba lắm. Ba oai như một ngọn núi. Bây giờ thì em chỉ biết nhìn hình để mường tượng đến ba, vì hồi ba còn sống, em còn nhỏ quá chưa đủ trí khôn để giữ những kỷ niệm hồng trong quá khứ. Em chỉ nhớ mang máng là, chiều chiều ba thường chở em ra vườn bông chơi bằng chiếc Vespa của bạ Theo lời mẹ kể, ba yêu em hơn cả Cu Quang, cháu đích tôn của dòng họ Hoàng. Ba thường bảo em có đôi mắt thật ướt, về sau thế nào cũng khổ vì tình. Bởi thế ba thương em nhất nhà để đền bù lại những mất mát mà có thể sau này em sẽ nhận chịu. Hình như em đã ngồi đây lâu lắm. Mặt trời đang ở đỉnh đầu và chiếc bóng em in lên mộ chỉ còn là một vòng tròn bao quanh thân em. Em uể oải đứng dậy, bốn bề thanh vắng, buổi trưa nghĩa trang thật yên tĩnh.

Em về đến nhà gần một giờ trưa. Bà nội hoảng lên:

- Trời ơi, con đi mô mà nắng nôi dễ sợ rứa, mặt mũi đỏ rần.

Em vứt chiếc cặp xuống bàn:

- Xe buýt đông quá, con đợi hơn một tiếng mới có xe rộng chỗ. Mệ ăn cơm chưa ?

Bà nội thở dài :

- Mấy đứa nhỏ ăn rồi, tao thì chưa. Chờ mẹ mị Không biết con mẹ Bảo đi mô mà giờ ni chưa chịu về.

Bích Ty từ trong nhà chạy ra:

- Chị Vy ơi, mẹ đi mô mà lâu về rứa ?

Em bực tức đến ngồi trên bực cửa:

- Tao mới đi học về mà, ai biết mẹ đi mô.

Thấy mặt Bích Ty xịu xuống, em an ủi :

- Đi ngủ đi Ty, chút nữa mẹ về.

Bích Ty đến bên em thỏ thẻ :

- Chị Vy ơi, khi sáng em viết chữ đẹp được cô giáo thưởng năm cây kẹo đó.

Em vuốt tóc nó :

- Rứa hả ? Bích Ty của chị giỏi ghệ Để rồi chị sẽ thưởng cho em nữa nghe. Em ưa chi ?

Bích Ty ngoan ngoãn ngồi xuống bên em :

- Chị Vy ơi, mai mốt chị mua cho em hộp viết chì màu nghe.

Em ôm đầu Bích Ty vào ngực :

- Ừ, ừ, Bích Ty thiệt giỏi.

Gió chiều thoảng nhẹ, ngôi vườn im bóng, phơ phất tấm màn xanh treo trên cửa sổ. Bích Ty đã lim dim ngủ trong vòng tay em. Bà nội dọn cơm lên bàn :

- Ăn ba hột với mệ rồi đi ngủ con. Chắc mẹ mi không về rồi đó.

Em vào giường nằm cho đỡ nhức đầu. Bích Ty và Cu Quang đã ngủ say bên cạnh em. Em định thức đợi mẹ về, nhưng hai mí mắt nặng trĩu, em ngủ quên lúc nào không haỵ Khi em chợt tỉnh, đồng hồ trên tường gõ bốn tiếng. Em nghe bà nội nói chuyện với mẹ Ở nhà ngoài :

- Bích Ty chờ con khóc rề rề, mãi đến khi con Vy đi học về dỗ nó mới chịu ngủ.

Tiếng mẹ nói nhỏ :

- Hồi sáng đi thăm mấy người bạn thân dạo học cùng lớp con. Họ đi Sài Gòn lập nghiệp một thời gian chừ về lại Huế. Có anh Huy nói con mới biết đó chớ. Trưa định về, thì họ níu lại ăn cơm...

Em chợt nghe buồn, thật buồn.

Chương 02

Hôm bác Huy đi Sài Gòn về, bác cho em một cái đồng hồ đeo tay, Cu Quang một chiếc xe tăng chạy bằng pin và Bích Ty một con búp bê thật đẹp.

Riêng mẹ, bác mua tặng một xấp hàng may áo dài rực rỡ. Em hững hờ đón nhận quà bác Huy cho, trong khi Cu Quang ôm chiếc xe nhảy nhót mừng rỡ và Bích Ty cứ hôn mãi vào đôi má phinh phính của búp bệ Mẹ cười, gương mặt rạng rỡ :

- Anh về khi mô rứa ?

- Hồi mười một giờ trưa naỵ Ăn cơm xong là tôi qua Hà ngay.

Quay sang em, mẹ bảo :

- Thúy Vy, vào pha nước cho bác Huy, con.

Em xuống bếp lấy bình thủy châm nước trà vào bình. Bà nội đang gọt khoai tây, ngẩng lên :

- Khách mô rứa con ?

- Dạ bác Huy.

Gương mặt nội thoáng vẻ buồn rầu. Nội cuối xuống tiếp tục làm việc, không nói thêm một lời nào. Em bưng nước lên, mẹ cầm lấy tay em:

- Thúy Vy, con đeo thử đồng hồ của bác Huy cho chưa ?

Em cuối đầu:

- Dạ rồi.

- Vừa không con ?

- Dạ vừa.

Bác Huy xen vào:

- Thúy Vy có thích kiểu đó không ?

Em đáp nhỏ:

- Dạ thích.

Rồi em bỏ vào nhà trong. Tiếng mẹ đỡ lời:

- Tính con Vy hơi bất thường, anh đừng để ý.

Bác Huy dễ dãi:

- Hà đừng bận tâm. Thúy Vy ngoan lắm.

Em thấy ghét những lời giả dối của bác Huy vừa thốt ra. Cử chỉ chống đối của em quá rõ ràng như vậy mà bác ta còn giả vờ khen em ngoan, cốt để lấy lòng mẹ chứ gì. Từ hơn một tháng nay, em cố tình lẩn tránh những vuốt ve âu yếm của mẹ, những lời săn sóc nồng nhiệt sau kỳ thi học kỳ hai : "Thúy Vy, con làm bài có khá không ? Cho mẹ biết để mẹ mừng".

Em như sống riêng biệt một thế giới khác, thế giới chỉ có một mình em thôi. Cu Quang và Bích Ty đã dần dần bỏ em để ngã về phía bác Huy, theo những món đồ chơi đem đến mỗi lần bác sang thăm mẹ. Nghe mẹ nói với nội, bác Huy có hùn vốn với một công ty xuất nhập khẩu ở Sài Gòn, nên bác thường vào Sài Gòn mỗi tháng ít nhất là một lần để coi sóc và tính xem lời lỗ. Ngày xưa, bác học cùng trường với ba và cùng lớp với cậu Cả. Gia đình bác quen thân với ông bà ngoại lắm. Nội nghe thì nghe cho có vậy thôi chứ em biết không mấy khi nội thích nhắc đến bác Huy, nhất là những lúc sau này, bác Huy cứ đến nhà chơi luôn, có khi ở lại ăn cơm nữa. Mẹ chưng diện nhiều hơn trước và đẹp hẳn lên. Mẹ về quê kiếm một đứa nhỏ giúp việc và trông chừng cửa hàng những lúc mẹ bận công chuyện. Sao dạo này em thấy mẹ bận công chuyện gì mà cứ vắng nhà luôn. Em biết mẹ đi cùng bác Huy, nhưng mẹ thường bảo là nhờ bác Huy đưa đi dùm, thế thôi. Em buồn mà không biết tâm sự ngỏ cùng ai. Cúc Nhật đã đi Đà Lạt nghỉ hè, em chả còn bạn để chơi nữa. Em ghét bọn Thủy Tiên, Bích Thủy lắm. Tụi nó chuyên môn ăn cơm nhà mà đi nói chuyện thiên hạ, nhất là đối với gia đình em. Mấy lúc sau này, tụi nó xầm xì bàn tán dữ lắm. Mỗi lần gặp, em thường bị chúng hỏi thăm :

- Khi mô chính thức có ba mới đó Vy ?

Em không thèm trả lời nữa. Ban đầu thì em cũng ậm ừ cho qua chuyện, nhưng dần dần, em thấy khó chịu và càng lánh xa chúng. Hôm lễ trao phần thưởng cuối năm, em tức đến phát khóc lên được. Năm nay em vẫn giữ vị trí cũ, hạng ba như năm ngoái. Cúc Nhật lên hạng nhì và xuất sắc vẫn vào tay Diệu Trâm. Sau màn văn nghệ cuối cùng chấm dứt, chúng em chia tay nhau về. Em và Cúc Nhật vừa bước ra khỏi cổng trường, Thủy Tiên và Bích Thủy vượt qua mặt em, quay lại cười dễ ghét :

- Thúy Vy được ba mẹ đến đón thích ha !

Em cúi xuống vờ nhìn cuốn tự điển sau lớp giấy bóng, Cúc Nhật lên tiếng :

- Đón hay không thì mặc kệ nó, mắc mớ chi tụi bây không ?

Thủy Tiên vênh mặt:

- Tao hỏi con Thúy Vy chứ không hỏi mi, vô duyên.

Cúc Nhật đỏ mặt:

- Tao là bạn thân nó, tao có bổn phận lên tiếng vì tụi bây cứ kiếm chuyện với nó hoài.

Bích Thủy bĩu môi:

- Không ai kiếm chuyện với ai hết. Người mô có tật thì kẻ đó giật mình, rứa thôi.

Em kéo tay Cúc Nhật:

- Thôi mi, tụi nó hàm hồ lắm, cãi không lại mô.

Mẹ và bác Huy đã tiến đến:

- Thúy Vy đợi mẹ có lâu không ?

Những lời châm biếm của tụi bạn còn văng vẳng bên tai. Em nhìn thật lâu vào xâu chuỗi hạt treo đeo trên cổ mẹ, không trả lời. Phần thưởng em ôm trong tay cũng không làm em hãnh diện nữa. Mẹ đã có nguồn vui khác thì nghĩa lý gì vài cuốn sách chơ vơ : Phần thưởng tinh thần sau một năm dùi mài kinh sử mà nhà trường đã ban phát cho em. Em muốn đi bộ với Cúc Nhật về nhà, nhưng bác Huy đã nhanh nhẹn mở cửa xe giục chúng em lên. Hôm đó về nhà, em thấm thía những lời mỉa mai, em buồn và bỏ ăn suốt một ngày.

Chừ thì em mất mẹ thật rồi, tình thương của mẹ đã bị chia sớt. Trong một lá thư gởi lên Đà Lạt cho Cúc Nhật, em đã viết : "Nhật ơi ! Tao khổ lắm. Tình thương của mẹ tao đã được chia làm hai : một nửa cho bác Huy và một nửa cho các con. Mà tụi tao lại có đến ba đứa, cho nên một nửa khối tình thương đó lại bị phân ra làm ba nữa. Mỗi đứa tao chỉ được một mãnh tí xíu chán ghê mi ơi !... "Cúc Nhật chắc cũng ham vui chơi với núi đồi thông xanh nên lá thư gởi đi không thấy hồi âm.

Nghĩ đến hạnh phúc gia đình Cúc Nhật mà em phát thèm. Cúc Nhật có đầy đủ cha mẹ, lại là con một, nên tình thương ngút ngàn của ba mẹ nó đổ dồn cho riêng nó. Một mình chìm đắm trong bể tình thương lồng lộng thênh thang, Cúc Nhật vô tư nhí nhảnh như con chim vành khuyên buổi sáng líu lo ngàn khúc hát vui tươi, chào đón ánh thái dương. Em quen Cúc Nhật đã ba năm, dạo em mới vào học Trưng Vương. Cúc Nhật có điểm cao nhất trong kỳ thi chuyển cấp và cái tên dài nhằng của nó ghi trên bảng đã làm mẹ chú ý : Huyền Công Tằng Tôn Nữ Cúc Nhật. Mẹ tấm tắc khen : "Cô bé vừa tên đẹp, vừa học giỏi".

Ngày tựu trường, tình cờ em được sắp chỗ ngồi cạnh Cúc Nhật. Cô bé có đôi mắt to tròn như con nai vàng ngơ ngác đã chiếm trọn cảm tình em ngay buổi đầu gặp gỡ. Em lén nhìn bảng tên dán ngoài tập của cô bạn nhỏ, thì cô bé đã mỉm cười:

- Tui tên Cúc Nhật, còn trò tên chi ?

Em ấp úng như vừa bị bắt gặp quả tang một hành động mờ ám:

- À, tui tên... Thúy Vy, Hoàng Thị Thúy Vy.

- Tên của trò gọn thật. Tên của tui dài một trăm thước luôn.

Em nheo mắt:

- Tui biết rồi, tui biết họ của Cúc Nhật rồi.

Cúc Nhật đập nhẹ vào bàn tay em:

- Răng mà trò biết được, tài rứa !

Rồi cô bé reo lên:

- Ê, tui biết rồi, trò vừa coi bảng tên của tui phải không ?

Em lắc đầu bào chữa:

- Mô có, tên của trò đứng đầu bảng treo ở ngoài đó, ai mà không biết. Trò học giỏi ghê.

Cúc Nhật sung sướng đỏ mặt:

- May rủi thôi mà. Đừng khen tui dị lắm.

Em bỗng thương giọng nói ngây thơ và vầng trán thánh thiện của Cúc Nhật chi lạ. Em bảo nó:

- Cúc Nhật vừa đẹp vừa học giỏi nữa, quí ghê.

Cúc Nhật véo nhẹ vào cánh tay em:

- Đừng nữa mà. Thúy Vy khen như người lớn ạ Thúy Vy cũng đẹp chớ bộ.

Hai đứa thân nhau lúc nào không haỵ Suốt ba niên học, em và Cúc Nhật gần nhau như hình với bóng. Cúc Nhật dòng hoàng phái, nhà khá giả, ba mẹ nó đều là kỹ sự Cúc Nhật thương em lắm, nhất là sau khi nghe em kể rõ hoàn cảnh gia đình. Ba em mất hồi em lên tám và mẹ buôn bán tảo tần nuôi nấng ba con. Nó thường bảo em:

- Mỗi người có một số phận, bằng lòng với những gì ta đang có là tìm thấy hạnh phúc rồi Vy nờ. Đừng nghĩ ngợi xa xôi chi cho mệt.

Vâng, em thấy hạnh phúc tột cùng, hạnh phúc tràn lan mặc dù mái gia đình đã thiếu vắng bạ Nhưng tất cả đã tan nát từ khi có thêm hình bóng bác Huỵ Em không thể chịu đựng được nữa, em muốn mẹ là của riêng ba, của riêng em cùng Quang và Bích Tỵ Bác Huy thừa thãi quá trong gian nhà ấm cúng này. Nhưng bác vẫn đến, vẫn cho quà chúng em và ngồi nói chuyện với mẹ suốt buổi. Em chán đời, nhiều lúc chỉ muốn chết đi.

Xem tiếp chương 3 & 4