Qua giấc mù sương - 7 & 8

Bảy

Em đưa hai ngón tay bịt chặt mũi lại. Nhưng cái mùi đó vẫn như chui vào từng thớ thịt của em. Trời ơi! Mùi y hệt như mùi gà rô-ti. Em muốn hét lên. Không phải gà rô-ti, mà là thịt của con mèo Na yêu dấu. Ba đang lấy đĩa thịt mèo Na ra khỏi lò nướng. Má đang luôn miệng kêu trời ở dưới bếp. Em ở trong phòng, nghe lạnh cả xương sống. Ai đã giết mèo Na? Câu hỏi lớn nhất của em là như vậy. Em nhìn quanh. Cái gì trong nhà bây giờ cũng đáng sợ cả. Nhúm lông của mèo Na còn nằm dưới chân bàn. Hình như đêm hôm qua mèo Na có vào phòng em, đi quanh rồi lại đi ra. Ai đã nỡ giết mèo Na? Ngay cả em cũng không dám đánh nó một cái nhẹ nữa mà!

Má khóc rưng rức đi theo ba vào phòng. Vừa thấy ba, em òa khóc:

- Ba ơi! Sao mèo Na lại chết?

Ba không trả lời em mà ngồi thừ trên ghế. Em hỏi thúc:

- Ba ơi! Thịt mèo Na đâu rồi?

- Ba… ba đã cho vào một cái bao rồi con à.

Em nức nở:

- Na ơi! Na ơi!

Ba điềm tĩnh bảo em:

- Đừng khóc nữa con. Má cũng sợ nữa kìa! Hãy để cho ba suy nghĩ nào! Đừng làm ba rối.

Má sụt sùi:

- Ngoài anh và em, bé Trí thì nằm trên giường, nhà ta còn ai? Mà dù có, cũng không ai đi giết một con mèo. Ai mà có gan ăn thịt mèo?

Ba hỏi:

- Sáng nay có ai đến chơi không?

- Không. À, chỉ có cô y tá Trang đến thay băng cho Trí.

Ba trợn tròn đôi mắt. Má vội vàng nói ngay:

- Nhưng không thể ngờ bậy cho cô Trang. Cô ấy ở trong phòng này săn sóc cho con rồi về, không làm gì hơn nữa.

 Em nói:

 

- Chính con cũng nói chuyện với chị Trang sau khi băng bó xong nữa.

Ba thở ra:

- Lạ thật! Một kẻ man rợ đến đâu cũng không ăn thịt mèo. Ba quyết tìm cho ra nguyên nhân chuyện lạ này.

 

Bữa cơm dọn ra. Ba má ăn qua quít còn em thì vẫn húp cháo và ăn bánh mì. Xong bữa, ba mệt mỏi nằm nghỉ ở nhà ngoài. Má lo dọn dẹp ở dưới bếp. Bây giờ là lúc thằng Mai hiện ra. Nó liếm quanh mép như thèm thuồng một cái gì. Em giật mình. Lần này thì em cảm thấy sợ nó. Nó đấm tay xuống nệm, bực tức nói:

 

- Hỏng cả công trình!

 

Em hỏi:

 

- Hỏng gì?

 

- Ba ném thịt mèo Na vô thùng rác!

 

Em há hốc miệng nhìn thằng Mai. Nó gắt gỏng:

 

- Trí không biết à? Ngu quá vậy?

 

- Mai… Mai???

 

- Tôi đã làm thịt mèo Na để làm món “mèo nướng”.

 

Em ôm đầu, bịt chặt lấy tai. Khủng khiếp quá đi! Ngoài sức tưởng tượng của em. Thằng Mai đến ngồi bên chân em. Em sợ hãi xích ra nhưng khối bột nặng như đè em xuống. Thằng Mai bĩu môi:

 

- Không cần. Ta vẫn còn hơn hai nghìn đây, tha hồ ăn phở.

 

Em kêu lên một tiếng nhỏ trong cổ họng. Thằng Mai móc trong túi quần ra một xấp giấy bạc, thích thú nói:

 

- Trí không hiểu hở? Tiền trong tủ của má chứ đâu! Gớm, Trí thông minh chỗ nào không biết, mấy chuyện này Trí khờ quá! Vậy mà hồi sáng nay ông Hiệu trưởng vào phát bảng danh dự cho Trí đó!

 

Em nắm chặt tay thằng Mai:

 

- Mai cũng đi học nữa sao?

 

- Ừ.

 

- Đúng rồi! Tháng trước tôi nhiều điểm nhất lớp. Tôi hạng nhất phải không? Bảng danh dự đâu?

 

Thằng Mai lục trong túi quần, rồi lắc đầu:

 

- Chắc tôi liệng mất rồi.

 

Em nghẹn cả họng, nhìn thằng Mai, giận tràn lòng. Em thở dài:

 

- Tôi không thể tin Mai được.

 

Mai cười:

 

- Không tin? À, vậy thì ngày mai tôi sẽ làm cho Trí tin.

 

Rồi nó đứng dậy đi đến gần chân bàn đá hất nhúm lông mèo. Em kêu:

 

- Mai!

 

Nhưng nó đã tan biến mất rồi.

Tám

Cô giáo Hòa đợi chờ thắc thỏm. Bầy học trò đã vào lớp hết mà vẫn chưa thấy bé Trí. Có một chuyện gì đã xảy đến cho thằng bé chăng? Trăm nghìn câu hỏi giăng đầy óc cô. Vạn mối hồ nghi làm cô thấy mình như đang ở trong một cơn khủng hoảng. Một sự thật nào sắp hé màn? Nhưng tất cả chỉ làm cô rối óc thêm. Nếu cô không ở gần nhà cô y tá Trang? Nếu cô không thấy bức tượng chú lính có đề “Thân tặng chị Trang – Em Trí”? Cô đã sửng sốt khi nghe Trang nói: “Đây là món đồ chơi của một cậu bé rất dễ thương, bị xe đụng gãy chân, phải bó bột”. Trang cả quyết rằng mình không bao giờ nghe lầm tên của cậu bé bệnh nhân dễ mến là Trí, trường của cậu bé học là trường Việt Ấu, lớp của cậu bé là lớp ba. Khi cô giáo Hòa bảo rằng cậu bé Trí không bị bó bột nằm nhà, mà vẫn đi học và đã gây cho cô nhiều phiền toái, Trang đã lạ lùng nhìn cô giáo và băn khoăn:

 

- Chị… chị vẫn khỏe trong người chứ?

 

Cô Hòa cười khổ sở:

 

- Trang nghĩ rằng chị nói tầm bậy à?

 

Trang cười:

 

- Dạ không. Nhưng chính em cũng đang thắc mắc đây. Hay là… để ngày mai đến săn sóc cho Trí, em bảo Trí viết vài chữ thăm chị?

 

Cô Hòa mừng rỡ đồng ý ngay:

 

- Trang nhớ nói với nó là chị… cô Hòa, chị ở gần nhà Trang…

 

Nhưng rồi bây giờ cô vẫn không thấy an tâm chút nào. Cô hoang mang, lo lắng, như người đang chờ đón một tai họa sắp xảy đến cho mình.

Kìa! Trí đã đến! Cô giáo Hòa sửng sốt. Vẫn thằng bé Trí xinh đẹp mọi ngày. Nó đi đến chỗ ngồi và liếc nhìn lên cô. Tia mắt ẩn giấu một sự độc ác. Cô Hòa cúi xuống, nghe một nỗi sợ hãi vô cớ hiện đến. Cô đứng dậy viết bài Sử Ký‎ lên bảng. Cô vẫn cảm thấy đàng sau lưng, có đôi mắt tinh quái của Trí nhìn chòng chọc vào cô.

 

Khi chép xong bài học, cô Hòa đến bên Trí, nói thật khẽ:

 

- Trí, con hãy vui lòng trả lời câu hỏi của cô nhé!

 

Trí ngước mắt nhìn cô, gật đầu ra vẻ ngoan ngoãn. Cô Hòa lấy lại nét tự nhiên, hỏi:

 

- Con có một người anh hay em sinh đôi nào không?

 

- Không.

 

Thằng bé đáp cụt ngủn làm cô Hòa lùi lại một bước.

 

- Nhà con ở đâu?

 

- Đường Hoàng Diệu, số 3300…

 

- Ba má con có đứa con nào nữa không?

 

- Không.

 

- Trí là con một?

 

Trí gật đầu, thản nhiên. Cô ngạc nhiên thấy tập vở của nó trắng tinh. Cô giục:

 

- Trí chép bài đi!

 

Rồi cô bước lên bục, lòng rối như tơ vò. Cô cầm cây thước kẻ lên, sửa soạn giảng bài. Thấy Trí cúi đầu trên trang giấy, hí hoáy viết, cô bỗng hành động một cách không chủ ý, đưa tay sờ mái tóc. Cô giật mình. Cây bút bằng vàng, mà cô luôn luôn giắt trên đầu, đâu mất rồi? Cô vội vã lục lọi ví tay, trong sách vở, vẫn không tìm ra. Những đôi mắt ngây thơ nhận ra vẻ hoảng hốt của cô, cũng nhìn lên, chờ đợi. Cô Hòa run giọng nói:

 

- Các con, cô bị mất cây bút bằng vàng, các con hãy tìm giúp cô.

 

Những chiếc cặp được dốc ngược. Những hộc bàn được xem xét. Nhưng vẫn không thấy cây bút. Cô Hòa đặc biệt chú tâm quan sát Trí. Nó cũng dốc cặp, lục hộc bàn, nhưng thỉnh thoảng nó nhìn cô bằng tia mắt bén như dao. Cô nói, trong khi cổ họng khô đét:

 

- Cô không bao giờ rời cây bút đó. Sáng nay khi vào lớp cô vẫn còn nó ở trên đầu. Các con cũng thường khen và đã biết đó là di vật độc nhất mà mẹ cô đã để lại cho cô. Cô qu‎ý nó lắm. Nếu cô đã làm rơi và có trò nào lượm được, hãy đem lên cho cô xin lại.

 

Những gương mặt ngây thơ nhìn nhau. Không có ai đáp lại lời cô. Đứa bé nào trông cũng vô tội. Cô lại đưa thêm một giải pháp:

 

- Bây giờ, cả lớp làm theo lời cô, úp mặt xuống bàn hết. Cô cũng quay mặt vào tường. Trò nào đã giữ cây bút của cô, hãy tự động đem lên để ở bàn cô. Cô sẽ không phạt, cô sẽ không tìm hiểu trò đó là ai.

 

Tất cả học sinh làm y lời cô. Cô Hòa quay lưng lại, nhìn vào tường. Cô tin rằng đứa học trò dại dột nào đó sẽ không bị xấu hổ và tự động lên trả bút cho cô.

Năm phút qua đi. Cô Hòa xoay người lại. Cô ngạc nhiên vô cùng, vì không có gì khác ngoài mấy quyển sách để trên bàn. Cô nói:

 

- Ngẩng mặt lên hết đi! Cô buồn lắm, không lẽ cô phải khám xét từng trò? Cô sẽ không phạt nếu…

 

Cô Hòa im bặt. Cô vừa nhìn thấy trên tay của Trí, cây bút vàng lấp lánh. Trí đang xoay xoay cây bút và nhìn cô bằng ánh mắt trêu chọc. Cô không thể bình tĩnh được, hấp tấp bước xuống. Cô giật mạnh cây bút trên tay Trí. Thằng bé la lên:

 

- Á! Cô làm gì vậy?

 

Cô Hòa thở dồn dập, nói:

 

- Tại sao Trí không đem lên trả, hở?

 

- Bút của em, bút của em.

 

- Láo!

 

Cô tát Trí một cái tưởng chừng tóe lửa. Thằng bé khóc òa lên, gào to:

 

- Bút của em mà! Cô nhận lầm rồi!

 

- Còn chối nữa hả? Cái gì đây?

 

Con bé Phương Hương ngồi cạnh Trí, kêu lên:

 

- Thưa cô, viết của Trí mà!

 

Cô Hòa nhìn lại tay mình. Không phải cây bút của cô, mà là cây bút chì của Trí. Cô ngơ ngác. Mắt cô đã lòa chăng? Không, rõ ràng cô thấy cây bút vàng mà! Trí vẫn khóc nức nở như bị oan ghê gớm.

Chuông reo tan học như những sợi thủy tinh nhức nhối chạy vào tai cô, lan đầy óc. Cô cho các học trò về, và uể oải lên ngồi trên ghế. Lần đầu tiên trong đời một nhà giáo, cô thấy chán nản và gớm ghiếc một lớp học. Nó đã làm cô mệt mỏi và căng thẳng. Hay là vì cô đã già nua, đã lú lẫn? Đến những phút giây này cô mới thấy nghề giáo là một nghề nhiều đau khổ.

Kìa! Bây giờ thì không phải cô nhìn lầm nữa. Cây bút vàng của cô lại xuất hiện trên tay của Trí. Cô dụi mắt hai, ba lần và vẫn thấy đó là cây bút vàng. Thằng bé nhìn cô, kiêu hãnh. Cô đẩy xô những bàn ghế học trò, chạy đến nắm tay Trí, hét to:

 

- Đưa cây bút đây!

 

Thằng bé thản nhiên đưa ra: cây bút chì. Cô Hòa mở to đôi mắt nhìn tay nó, nhìn mặt nó, rồi nhìn toàn thân nó. Cô nói như nói sảng:

 

- Mày… mày là ai?

 

- Dạ, em là Trương Đức Trí, con của ông…

 

- Câm đi! Mày là ai? Mày không phải là bé Trí dễ thương. Mày là người… hay là… quỷ?

 

- Ơ! Bà này kỳ quá!

 

Thằng bé vùng vẫy trong tay cô Hòa. Và cô – con người điềm tĩnh, ưu ái đó, nhà giáo mấy mươi năm trong nghề chưa bao giờ giận dữ với một học trò đó – đã túm lấy thằng bé mà đánh túi bụi như một kẻ điên. Cô vừa đánh, vừa khóc… Nó cũng kêu la đau đớn… Cho đến khi ông Hiệu trưởng xuất hiện ở cửa lớp và la lên:

 

- Bà Hòa! Xin bà dừng lại!

 

… thì cô Hòa vẫn không nghe gì hết. Ông Hiệu trưởng chạy vào, kéo Trí ra. Thằng bé khóc tru tréo. Cô giáo Hòa thở hổn hển:

 

- Mày là ai? Mày là ai?

 

Ông Hiệu trưởng nói:

 

- Kìa! Bà Hòa! Đây là bé Trí. Bà nói gì vậy?

 

Trí nức nở:

 

- Con cầm cây bút này, mà cô cứ nhất định là con ăn cắp cây bút vàng cài tóc của cô. Cô đánh con…

 

Nó vừa nói vừa đưa cây bút chì ra. Cô Hòa rên rỉ:

 

- Không! Nó nói láo…

 

Thằng bé nép người bên ông Hiệu trưởng như sợ hãi lắm. Ông Hiệu trưởng bảo:

 

- Con đi về đi! Có thầy đây, con đừng sợ.

 

Trí chạy vụt ra khỏi lớp, quên cả cặp vở. Ông Hiệu trưởng bấy giờ mới tỏ thái độ. Mặt ông rắn đanh lại, ông nói:

 

- Tôi thật không ngờ.

 

- Thưa ông…chuyện gì?...

 

- Còn chuyện gì nữa? Một cô giáo hành hung học trò sau giờ học. Bà hãy nhớ lại, bà đã đánh nó bao nhiêu lần, thưa bà Hòa?

 

Cô Hòa cúi đầu không đáp. Ông Hiệu trưởng gằn giọng:

 

- Nguyên tắc căn bản của một nhà giáo là chỉ đánh học trò với tính cách răn dạy và yêu thương. Một đứa bé lớp ba chỉ chịu đựng một thước kẻ vào tay là đủ. Bà đã đánh nó như đánh một kẻ thù.

 

Cô Hòa kêu lên:

 

- Tôi không hề thù nó. Ông Hiệu trưởng hãy nghe tôi…

 

- Bà Hòa! Tôi không xét đoán oan cho bà, vì tận mắt tôi đã trông thấy những lần bà đánh bé Trí. Dù với lý do nào đi nữa, tôi cũng không thể chấp nhận hành vi đó. Tôi không thể nói hơn nữa. Xin bà tự giải quyết.

 

Rồi ông đi nhanh ra khỏi lớp. Cô Hòa bước theo, nói:

 

- Ông Hiệu trưởng! Ông…

 

Cánh cửa lớp đóng sầm chắn lối đi của cô. Cô ngồi phịch xuống ghế, ôm mặt khóc nức nở. Cô phải tự giải quyết? Nghĩa là cô phải rời khỏi ngôi trường này chăng? Không có con đường nào khác. Đến những phút cuối của đời dạy học, cô thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết.

Xem tiếp 9 - 10 & Kết