Thần Mã - Chương 5 & 6

Chương 05

TRÊN ĐƯỜNG TỰ DO

Đình và chú Lùn Tịt rời khỏi thành phố Sài Gòn. Hai người đã lén trèo lên một xe chở hàng và núp trên những kiện hàng trong xe đó. Nhờ nhanh nhẹn, khéo léo, hai người đã làm tài xế không để ý và không hay biết gì hết.

Đình và chú Lùn Tịt chưa biết đi đâu cả, hai người chỉ cần làm sao rời khỏi Sài Gòn để tránh màng lưới của cảnh sát đã !

Ngồi trong chiếc xe cam nhông đang vùn vụt trên quốc lộ, Đình và chú Lùn Tịt sung sướng hưởng bầu trời đẹp xanh lơ và tự do. Cho đến lúc khi chiếc xe bắt đầu quẹo vào một nông trại, cả hai vội vã nhảy xuống đất. Nhìn qua kính chiếu hậu, tài xế chiếc xe vô cùng ngạc nhiên khi thấy giữa quốc lộ vắng vẻ, bỗng nhiên có một đứa bé và một anh lùn đang đi bộ mà mới lúc nãy, anh ta không thấy gì cả.

Ngày hôm đó chả có chuyện gì xảy đến cho hai người, nhưng ngày hôm sau, một vấn đề tế nhị bắt đầu được đặt ra. Chú Lùn Tit đã lấy cắp trong bếp của gánh xiếc Bành Tổ vài món ăn, nhưng hiện giờ không còn gì hết. Và lại phải nghĩ đến bữa ăn chiều...

Đình hỏi :

- Chiều nay mình ăn gì hả chú ?

Vừa nghe Đình hỏi, chú Lùn Tịt giơ tay chỉ ra phía chân trời trước mặt :

- Cháu xem kìa ! Các cô, các bà đang gặt lúa ! Cháu có nghe họ đang hò, hát không ?

Quả nhiên, một luồng gió đưa đến tai Đình những câu hò, những bài hát thật êm đềm, đầy vẻ thôn quê dân tộc. Nhưng Đình không lấy gì làm thích thú lắm, vì Đình đói. Thấy chú Lùn Tịt lảng sang câu chuyện khác, Đình hỏi lại :

- Cháu hỏi chú là chiều nay mình làm thế nào có gì ăn đây ? Chú mơ mộng quá !

- Chú đâu có mơ mộng ! Cháu nghe chú nói đây : Các cô, các bà gặt lúa - Lùn Tịt - Đình - một bữa ăn chiều ngon lành...

- Như thế nghĩa là thẽ nào ?

- Chờ cho đám thợ gặt nghỉ về nhà ăn cơm, lúc bây giờ cháu sẽ thấy...

Một lúc lâu sau, đám thợ gặt ngừng tay và tụ họp lại trở về nhà. Thấy vậy chú Lùn Tịt la lên :

- Họ về kìa… Mình theo họ ngay !

Đình nắm áo chú Lùn Tịt lại :

- Chú muốn làm gì vậy ? Chú không được ăn xin lòng tốt của họ đó nghe !

- Không ! Cháu cứ yên chí ! Chú không làm vậy đâu ! Cháu ở đây nhá ! Chừng nào chú gọi hãy lại !

Vừa nói xong, chú Lùn Tịt chạy một mạch đến chỗ đám thợ gặt đang tụ họp. Chợt hiểu ý định của chú Lùn Tịt, Đình la to :

- Trở về ! Trở về ! Chú...

Nhưng chú Lùn Tịt không nghe lời kêu gọi của Đình… Chú nhào lộn mấy vòng, đi bằng hai tay đến chỗ đám thợ gặt đang ngồi nghỉ. Rồi chú còn biểu diễn nhiều trò hề làm mọi ngươi cười nôn ruột. Đám thợ gặt bất ngờ được xem những màn biểu diễn kỳ thú.

Hiện nay, các gánh xiếc được chia làm ba loại rõ rệt : Loại thứ nhất tổ chức qui mô chuyên trình diễn ở các thành phố lớn như gánh xiếc Bành Tổ, loại thứ hai nhỏ hơn loại nhất nhiều, trình diễn ở các làng mạc xa xôi, còn loại thứ ba gồm có một vài nhà xiếc hết thời chỉ dám đi biểu diễn tài nghệ mình từ xóm hẻo lánh này đến xóm hẻo lánh khác với mục đích kiếm cơm và kiếm chỗ ngủ mà thôi...

Đình vô cùng giận dữ khi thấy chú Lùn Tịt tự hạ đẳng cấp xiếc của mình, chú đã từ đẳng cấp cao nhất hạ xuống đẳng cấp cuối cùng.

Đám thợ gặt đang vỗ tay ào ào hoan nghênh những trò hề của chú Lùn Tịt.

Nhưng không có gì kích thích và lôi cuốn các nhà xiếc bằng những tiếng vỗ tay hoan nghênh của khán giả, vì thế Đình đã bị hút hồn và tự động nhào xuống đất đi bằng hai tay...

"Kính thưa quý vị khán giả thân mến ! - Chú lùn nói - Không những chúng tôi trình diễn cho quý vị xem màn "Trò leo Thất sơn" mà còn muốn trình diễn thêm màn "Phi thuyền" vừa mới nhập cảng ở bên Tàu… Nhưng vì, thưa quý khán giả, xưa kia có một tục ngữ như thế này : Có thực mới vực được đạo !"...

- Anh này đói ! Mời anh ấy ăn cơm đi các chị !

- Mời anh ấy uống rượu đi !

Tất cả đều mời mọc chú Lùn Tịt hết sức ân cần, nhưng không ai để ý đến sự hiện diện của Đình cả. Thấy vậy, Đình nói dỗi :

- Thôi ! Chú Lùn Tịt ở lại đây nhé ! Cháu đi một mình vậy !

Chú Lùn Tịt kéo áo Đình lại :

- Cháu chờ chú một lát ! Chú sẽ chia cháu phân nửa ! Phải kiên nhẫn cháu ơi !

Đình vẫn không chịu :

- Không ! Cháu đi ! Chú ở lại đây với khán giả của chú đi !

Lúc bấy giờ, mọi người mới để ý đến Đình. Thấy Đình nằng nặc đòi đi, một người nói :

- Em nghe lời anh ấy cho anh ấy vui lòng !

Chú Lùn Tịt khẩn khoản :

- Cháu tính đi đâu bây giờ ? Trời tối rồi ! Cháu xem quanh đây đó, toàn là ruộng nương không à, cháu sẽ té xuống chết chìm cho xem. Ngày mai mình sẽ đi chả muộn, đừng đi ngay đêm nay, nguy hiểm lắm cháu ơi ! Mình phải nhẫn nại để có chỗ ngủ đêm nay... Kìa ! Người ta đem đến hai phần ăn đó, cháu thấy không, họ đâu có quên cháu ! Cám ơn họ đi cháu, rồi mình ăn.

Đình thì thầm :

- Cám ơn !

Chú Lùn Tịt nói thật long trọng :

- Cám ơn thật nhiều lòng tốt của quý vị... Cám ơn bà !

- Các ông ăn đi, ăn cho thật no rồi các ông theo anh Ba về ngủ ở nhà ngoài anh ấy, sáng hãy đi !

- Cám ơn bà !

Chú Lùn Tịt quay sang Đình :

- Đó cháu thấy không ! Mình có chỗ ăn và chỗ ngủ đàng hoàng rồi đó, khỏi phải ngủ giữa cảnh màn trời chiếu đất !

Đình nói có vẻ lơ đãng, chả chú ý gì đến sự thành công của chú Lùn Tịt cả :

- Cháu muốn sống được nhờ chính đôi tay và mồ hôi của cháu !

Chú Lùn Tịt ngạc nhiên trước lời nói của Đình :

- Bộ từ nãy giờ mình sống không nhờ chính đôi tay và mồ hôi của mình à ?

- Cháu không thích làm việc theo kiểu đó ! Nếu cực chẳng đã, cháu sẽ vẽ tranh trên đất như ở Sài Gòn. Phấn màu của cháu còn ở trong xắc không chú ?

- Cháu có lý ! Hội họa là một lối làm việc chú không theo được, vì đó là một nghệ thuật... nhưng không phải bất cứ một nghệ sĩ nào cũng có thể trở thành một nhà hát xiếc được !

Đình có vẻ hãnh diện về tài nghệ của mình :

- Sáng mai, cháu sẽ vẽ một bức tranh lộng lẫy trên vách ván cũ ngôi nhà mình ngủ tối nay, để mọi người thấy tài nghệ của cháu.

Sáng hôm sau, đang ngủ ngon, chú Lùn Tịt phải bừng mắt dậy vì những tiếng la lao xao bên cạnh.

Vừa thấy chú, một người la chú một thôi làm chú xlểng niểng chả biết trời trăng gì hết :

- Anh để thằng nhỏ vẽ bậy trên vách nhà tôi như thế hả ? Cái vách như thế này mà nó lại nó trét đầy phấn tùm lum... Anh coi đó ! Bọn đi hoang các anh chỉ làm hại thiên hạ mà thôi !

Chú Lùn Tịt nhìn lên vách ! Nhà họa sĩ trẻ tuổi tài ba vừa vẽ xong một con công đang đậu trên một cành cây trong một khu rừng thưa. Và Đình đang đứng cạnh bên bức tranh, mặt tái mét.

Sợ Đình nổi cơn giận lên thì lại càng nguy hiểm hơn nữa, chú Lùn Tịt vội nắm tay Đình kéo ra ngoài. Dù vậy, Đình cũng cố gắng nói được vài lời :

- Các ông không hiểu nghệ thuật gì hết !

Thấy tình thế đã trở nên nguy hiểm, vừa kéo Đình vừa chạy vừa nói :

- Mình ra khỏi đây ngay ! Nơi đây không phải là môi trường của các nghệ sĩ chúng ta !

Cả hai tiến thẳng ra quốc lộ.

*

* *

Đồng hồ nhà ai vừa gõ mười hai tiếng khô khan. Trời trưa nắng thật gắt. Thỉnh thoảng các mùi xào nấu từ các gian nhà bay ra xông vào mũi làm Đình khó chịu và rạo rực trong lòng. Đình và chú Lùn Tịt đã đi bộ suốt hơn bốn tiếng đồng hồ, đi về hướng vô định, tới đâu thì tới. Cả hai đều gần như kiệt lực.

Đình nói :

- Tất cả mọi người sắp ăn trưa rồi !

Vừa nghe Đình nói, chú Lùn Tịt mỉm cười :

- Thì người ta ăn, mình cũng ăn ! Bộ mình không có gì sao ?

Nói xong, chú Lùn Tịt ngồi xuống đất trong bóng râm của một hàng bã đậu mọc bên đường.

- Chú quên kể cho cháu nghe chuyện kỳ lạ chú vừa trải qua hồi sáng nay. Đố cháu biết chuyện gì ? Ô kìa ! Sao cháu không ngồi ?

- Cháu nghe đây !

- Cháu phải ngồi xuống chú mới kể được chứ ! Cháu đứng y như một ông quan tòa vậy !

- Một ông quan tòa ! Chú nói gì lạ vậy !

Tuy nhiên, Đình vẫn đứng và chú Lùn Tịt bắt đầu kể :

- Cháu biết không... Cháu đừng cười nghe ! Cháu hãy đoán thử xem cái gì xảy ra sáng nay, khi cháu đang vẽ trên vách ? Khi đó chú đang ngủ, ngủ một cách hết sức êm đềm, ngủ thật ngon, thì thình lình chú choàng tỉnh dậy vì một tiếng ồn chói tai : "Cục tác, cục tác !"

- Rồi sao nữa chú ?

- Cháu đừng nóng ! Chú phải kể mạch lạc từ từ cháu mới hiểu được vì việc này có vẻ rất khó tin, nhưng có thực ! Chú choàng tỉnh dậy, nhìn chung quanh và nhìn thấy bốn, à có lẽ nhiều hơn, năm hay sáu con gà mái gì đó đến đẻ mỗi con một trứng ngon lành. Chú không thể nào ngờ được, chú chỉ còn cách nhặt các quả trứng đó bỏ vào túi.

Nói tới đây, giọng của chú Lùn Tịt hết sức long trọng :

- Đúng là Thượng Đế đã chứng tỏ sự hiện diện của Người !

Đình ngó thẳng vào mắt chú Lùn Tịt :

- Nếu ba cháu còn sống, ba cháu cũng sẽ chứng tỏ cho chú thấy sự hiện diện của ba cháu… Nhưng, chắc chú biết, ba cháu cấm tuyệt đối ăn trộm ! Và chú cũng biết có những nhà tù chỉ dùng để giam những người ăn trộm !

- Cháu Đình ngây thơ quá, cháu quên một điều ?

- Điều gì ?

- Điều.. một nhà hát xiếc có thể lấy bất cứ một cái gì không ai có thể biết được.

- À ra thế... Cháu bắt đầu hiểu vì sao dù vỗ tay ào ào, mọi người vẫn không có vẻ gì kính nể chúng ta cả... Cháu sẽ không ăn những quả trứng này đâu...

Mặc dù chú Lùn Tịt nài nỉ hết sức, Đình vẫn nhứt định không ăn một trứng nào hết. Đình nhịn đói đến nửa đêm. Hai người ngủ trên một đống rơm cách một căn chòi hoang giữa đồng trống. Đến nửa đêm, đói quá chịu không nổi, Đình phải thức dậy mở túi : trong túi vẫn còn bốn quả trứng ngon lành !

- Cháu nghĩ - Đình càu nhàu nói trong khi tay dùng kim xuyên lỗ quả trứng thứ tư để nút - Chú đã vào chuồng gà như một tên trộm tầm thường để cắp trứng khi cháu đang ngủ.

- Đình. Chú xin thú nhận với cháu từ trước đến nay chú có tật ăn cắp, nhưng chú chỉ ăn cắp để làm trò đùa thôi, chú chưa có làm gì xấu xa cả. Chú ăn cắp chỉ có mục đích độc nhất để cháu khỏi chết đói ! Chắc cháu thông cảm chú rồi, phải không cháu.

Hôm sau, hai chú cháu lại tiến bước đến phương trời vô định. Thấy một bác nông phu đang dẫn những con bò khổng lồ, chú Lùn Tịt và Đình chạy đến trước mặt chào kính cẩn và nói :

- Thưa ông ! Ông có cần dùng thợ gặt không ạ ?

Hai người đã hỏi câu này nhiều lần trong ngày rồi nhưng than ôi, không có kết quả gì cả ! Vừa nghe chú Lùn Tịt hỏi, bác nông phu nhìn chung quanh và nói :

- Cần chớ ! Nhưng thợ ở đâu ?

Chú Lùn Tịt đáp :

- Dạ ! Chính chúng tôi đây !

Nghe chú Lùn Tịt trả lời, bác nông phu bật cười :

- Một anh chàng lùn và một đứa con nít ! Mướn mấy người để đút cơm à !

Chú Lùn Tịt nhẫn nại :

- Tuy tôi lùn, tuy cháu tôi còn con nít, nhưng chúng tôi là những nhà hát xiếc, nếu ông muốn, chúng tôi sẽ về nhà ông trình diễn những màn đặc sắc, bù lại chúng tôi chỉ xin....

Bác nông phu lắc đầu :

- Cám ơn ! Hiện nay có nhiều nhà hát xiếc qua làng tôi lắm, mới sáng nay, có một người vừa ra khỏi làng sau khi đã trình diễn suốt ba ngày những trò ảo thuật lạ lùng.

Chú Lùn Tịt hỏi, chú có vẻ hơi ganh tị với địch thủ.

- Trò gì mà ông cho là lạ lùng ?

- Chẳng hạn như : để một bức thư bên lỗ tai này, rồi lấy ra ở lỗ tai kia... Anh có thể làm được như vậy không ?

- Xin lỗi ông, nhà ảo thuật đó có làm trò lấy ở mũi ra một con chuột trắng không ?

- Có !

- Người đó sói đầu ?

- Phải !

- Đúng tên Lãnh rồi ! Hai chú cháu la to một lượt... Ông có biết người đó đi về đâu không ?

Bác nông phu giơ tay chỉ một con đường nhỏ giữa hai hàng cây :

- Có lẽ giờ này, người đó đang ở trong một ấp nào về phía đó để tìm chỗ ngủ đêm nay !

Đình nói dồn dập :

- Cám ơn ! Cám ơn ông ngàn lần !

Cả hai chú cháu chạy như bay, để lại một đám mây bụi sau lưng làm bác nông phu vô cùng ngạc nhiên. Nhưng, dù tìm khắp nơi, hai người vẫn không thấy tung tích tên Lãnh.

Khi hoàng hôn hồng xuất hiện trên dòng sông Đồng Nai uốn khúc, chú Lùn Tịt và Đình đến một ấp trù phú. Hai người thấy dân ấp đang bu quanh và có vẻ cổ võ một người ở giữa hết sức nhiệt liệt. Đình và chú Lùn Tịt đến gần xem thì thấy tên Lãnh, đúng hắn ta rồi, đang giơ hai tay lên trời phân bua với mọi người là khi hắn ta đang ngủ không biết tên trộm nào đó đã lấy mất mấy cái túi vải đựng gần hai triệu đồng bạc của ông ta.

Chú Lùn Tịt nói nhỏ với Đình :

- Đúng là số tiền nó giật của cháu đó.

Đình tiếp lời chú Lùn Tịt :

- Với số tiền đó, cháu và Vân đâu phải khổ sở như thế này !

Tên Lãnh chưa thấy Đình và chú Lùn Tịt. Tức quá, Đình la lên :

- Tên phản bội ! Ăn cướp !

- Trời ! Đình, Tịt ! Hai người đến tận đây à ?

- Ờ ! Chúng tao đó ! Chắc mày không ngờ phải không ?

Vừa nói xong câu đầu tiên, chú Lùn Tịt phóng mình lên nắm cổ tên Lãnh, còn Đình cũng nhào tới đá vào chân tên Lãnh túi bụi. Vừa đánh tên Lãnh, Đình vừa giải thích cho mọi người hiểu là tên Lãnh đã phản bội và ăn cắp tiền của hai anh em nó…

Biết rõ chuyện, mọi người rống lên phỉ nhổ tên Lãnh dữ dội. Tên Lãnh mặt đỏ như gấc chín, đứng yên chịu trận.

Thình lình, một đứa trẻ chạy đến báo tin :

- Cảnh sát đến !

Mọi người la lên :

- Giữ tên phản bội lại kẻo nó chạy !

Mọi người không ngờ khi đó chú Lùn Tịt lại buông tên Lãnh ra và đồng thời Đình cũng không đá chân tên Lãnh nữa, cả hai bỏ chạy ra khỏi ấp trước cặp mắt vô cùng ngạc nhiên của mọi người. Lợi dụng phút hỗn loạn đó, tên Lãnh chạy trốn về phía ngược chiều với hai chú cháu Đình và biến mất ở chân trời.

- Tên trộm đâu ? Người bị mất trộm đâu ? - Cảnh sát hỏi.

- Kỳ quá ! Vừa nghe tin cảnh sát đến cả hai phía đều chạy mất tiêu…

Mọi người chạy tản ra đồng tìm kiếm... Đình và chú Lùn Tịt sợ bị bắt gặp phải núp ở một hốc đá. Đến nửa đêm, hai người nghe tiếng nói lao xao bên ngoài. Sợ cảnh sát đi tìm, hai người không dám trườn đầu ra. Nhưng Đình cũng lén nhìn ra xem. Đình thấy ba người đang nói chuyện với nhau :

- Nơi đây kín đáo lắm, mình có thể chia tiền lấy được của tên hát xiếc rồi !

Đình thì thầm :

- Trời ơi ! Tiền của tôi !

- Còn những giấy này mình quăng đi, đem theo làm chi cho mệt !

Liền lúc đó, Đình thấy một vật rơi vào cạnh chân mình. Đình lượm lên : thì ra đó là giấy tờ của anh em Đình.

Khi bọn cướp đã đi xa, Đình cùng người chú tật nguyền ra khỏi hốc đá và lại bắt đầu đi nữa, vì hai chú cháu lúc này không thấy buồn ngủ gì cả.

Chợt nghĩ đến thân phận hẩm hiu, Đình buồn tủi nước mắt chảy dài :

- Tiền của mình ở ngay trước mắt mà mình không lấy được ! Trời ơi ! Phải chi mình lớn cỡ hai mươi tuổi thì mình có thể lấy lại được rồi !

Nhờ ánh sáng trăng vừa xuyên thủng mây trời chiếu xuống đất, Đình có thể đọc được các giấy tờ của anh em Đình :

"Nguyễn Văn Đình, sinh ngày 22-8-1959...

"Nguyễn Thị Vân, sinh ngày 12-2-1966...

Thình lình, một tiếng còi xe lửa chát chúa nổi lên giữa đêm khuya vọng vào tai hai người. Chú Lùn Tịt mở to hai mắt nhìn đến tận chân trời : một đoàn xe lửa chở hàng hóa vừa đỗ trước một ga nhỏ đang lóng lánh dưới ánh trăng.

- Đình ! Mau lên ! Mình theo xe lửa kia để đi thoát khỏi nơi nầy !

Hai chú cháu chạy thục mạng xuyên cánh đồng, bất chấp cả gai góc cào chân.

- Nhanh lên ! May ra kịp !

Đình và chú Lùn Tịt leo lên một toa xe trống một cách dễ dàng và té nhào trên đống rơm trong toa xe.

Sau khi đoàn tàu bắt đầu lăn bánh, cả hai đều tự hỏi :

- Đoàn tàu này đi đến đâu ?

*

* *

Những tia sáng đầu tiên của mặt trời đã chiếu vào toa xe, nơi chú Lùn Tịt và Đình đang nằm ngủ.

Đình vươn vai ngáp dài. Thấy vậy, chú Lùn Tịt nói :

- Nếu cháu còn buồn ngủ, cháu cứ ngủ nữa đi !

- Không ! Cháu hết buồn ngủ rồi !

- Như thế tại sao cháu ngáp ? Hay là tại bộ tiêu hóa của cháu hôm nay xấu ?

- Ngáp là lẽ dĩ nhiên khi người ta không có gì trong bụng !

- Như thế cháu đói phải không Đình ?

- Thưa chú phải ! Vậy mình làm thế nào bây giờ ?

- Trời ! Chú ngu quá, phải chi chú nghĩ tới sớm một chút ! Đúng là từ hôm qua đến nay mình không có một hột cơm nào vào bụng cả !

- Điều khổ nhất hiện nay là chúng ta không có một đồng dính túi để mua cái gì ăn cho đỡ đói…

Lúc đó, đoàn tàu đang chạy nhanh bỗng chậm dần và ngừng lại trước một ga. Nhìn ra ngoài, chú Lùn Tịt nói :

- Chúng ta đến Tháp Chàm rồi ! Cháu ngồi đây chờ chú một lát, chú trở về ngay !

Chú Lùn Tịt xuống tàu và chạy như một thằng điên. Vài phút sau, chú trở về có vẻ hết sức vội vã. Chú vừa thở hổn hển vừa nói :

- Đình ! Mình trèo lên nóc toa xe bên cạnh, mau lên !...

Giọng chú có vẻ ra lệnh bắt buộc chớ không như thường lệ.

Đình ngạc nhiên cực độ :

- Nhưng… tại sao vậy chú ? Mình ở đây được mà !

- Mau lên cháu ! - Chú nói như van xin, mắt láo liên.

- Được ! - Đình vừa trèo vừa nói - nhưng chú phải nói cho cháu biết lý do tại sao mình phải đổi chỗ như thế này ? Mình sống có vẻ đen tối quá !

- Đen tối còn hơn bụng rỗng !

- Cháu không hiểu gì hết ! Cháu đã có gì vào bụng đâu !

- Có chứ !

Chú Lùn Tịt có vẻ rất đắc ý đưa cho Đình một ổ bánh mì thịt.

- Tại sao chú có được vậy ?

- Chú có được trong trường hợp có vẻ khó tin lắm, nhưng có thực… Chắc cháu thấy chú chạy khi xuống xe… hồi lúc nãy…

- Có ! Cháu có thấy !

- Khi đang chạy, chú bỗng té vào một xe bán bánh mì…

- Chú tiếp tục đi...

- Trên xe, có nhiều ổ bánh mì có thịt sẵn để bán cho khách hàng.

- Chuyện này giống như chuyện con gà đẻ trứng của chú quá !

- Chú thề với cháu là kỳ này chuyện có thực đúng y như chú kể... Khi té vào xe bánh mì đó, chú làm hai ổ bánh mì rơi xuống đất. Người bán vì vệ sinh, bỏ hai ổ bánh mì đó, nên chú lượm...

Đoàn xe chuyển động... Chú Lùn Tịt thở phào nhẹ nhỏm :

- Thế là tàu chạy rồi ! Khỏe quá !

Đình ngó thẳng vào mắt chú Lùn Tịt :

- Tại sao chú lại thấy khỏe khi tàu chạy ?

- Tại vì... chú cũng không rõ... Có lẽ tại chú thấy Tháp Chàm buồn quá ! Thôi cháu ăn đi, ăn cho no đi cháu !

Đình vừa để ổ bánh mì vào miệng cắn thì...

- Ăn trộm ! Ăn trộm !

- Tiếng la vang rền ở ga làm mọi người hốt hoảng chả biết vụ gì.

Đình nghiêng đầu xuống xem chuyện gì xảy ra. Nhiều người đứng dưới ga xem đoàn tàu lăn bánh. Và một người đang chỉ tay lên các toa tàu :

- Chắc chắn nó trốn trên đó ! Nó giựt của tôi hai ổ bánh mì. Nó nhanh như khỉ !

Đình đã nghe rõ tất cả. Chú Lùn Tịt kéo áo Đình :

- Cháu đừng nghiêng đầu xuống quá, nguy hiểm lắm. Hơn nữa đừng để ai thấy mình.

Đoàn tàu chạy càng lúc càng nhanh và qua khỏi ga Tháp Chàm.

Đình nghiêm khắc :

- Như thế mà chú dám nói là chú lượm được hai ổ bánh mì... Đã mấy lần cháu xin chú đừng ăn cắp nữa, chú biết không ?

Biết ý Đình, chú Lùn Tịt phải van xin dữ dội :

- Chú hứa với cháu từ giờ trở về sau chú không ăn cắp nữa !

- Chú đừng để cháu mang tiếng ăn cắp... Như thế cháu sẽ hư suốt đời và em Vân không bao giờ ngẩng đầu lên được !

Chú Lùn Tịt xúc động trước lời nói của Đình :

- Chú thề với cháu từ giờ đến chết chú sẽ không bao giờ ăn cắp vặt nữa. Cháu tin chú nghe cháu !

- Cháu tin chú ! Cháu nghĩ lần này chú thành thật và cháu khỏi bị ám ảnh phải đi với một người không lương thiện...

*

* *

Đoàn tàu chạy vun vút... Bầu trời trong vắt với màu xanh êm dịu dễ nhìn.

Chiều đã xuống từ lâu. Từng đàn bò đang chậm rãi theo các em bé chăn bò trở về chuồng.

Đình buột miệng :

- Đẹp quá ! Êm đềm quá !

- Mình sẽ xuống tàu ở ga tới !

Đình và chú Lùn Tịt đi ra khỏi ga chả ai chú ý cả. Cả hai tiến về phía có nhiều nhà cửa của dân chúng. Vừa thấy hai chú cháu, một cô bé gái má hồng hồng đầu cài hoa xanh đang đi với mẹ phải la lên :

- Quỷ sứ ! Quỷ sứ !

Đình và chú Lùn Tịt nằm trong toa xe chở than nên cả hai dính than đen thui. Vừa nghe con la, bà mẹ cười :

- Con đừng nói bậy ! Đó là những người thợ chùi xoong chảo đó !

Nói xong với con, bà ta liền quay sang Đình :

- Tôi có một lô xoong chảo phải chùi, các anh tính giá bao nhiêu ?

Chú Lùn Tịt trả lời ngay :

- Chỉ cần bữa ăn chiều và chỗ ngủ đêm nay !

Đình kéo chú Lùn Tịt làm chú ta phải hỏi :

- Gì vậy cháu ?

- Chú nói dối !

- Sao vậy ? Mình có việc rồi... Lần này cháu quá lố rồi đó, chú đâu có ăn cắp...

Đình nói :

- Bà này cho mình một bữa ăn và chỗ ngủ, đáp lại, mình đã lừa bà ta ! Bộ chú không cảm thấy mặc cỡ sao ?

- Vậy thì... thưa bà… chúng lôi không có ai là thợ chùi xoong chảo cả !

- Tại sao mới vừa rồi các anh lại xác nhận như thế ? Hơn nữa tại sao các anh đen quá vậy ?

Đình mỉm cười :

- Không phải tại vì xoong chảo, chúng tôi mới đen đâu ! Chúng tôi chỉ có rửa nước là sạch.

Hai chú cháu tiến đến một vòi nước công cộng. Sau khi tắm rửa xong xuôi, hai chú cháu đi ngang qua bếp một quán trọ đang tỏa mùi thơm nồng nặc. Cả hai thấy một bà, có lẽ là bà chủ, đang đấu lý với hai nhân viên của mình, một người đội mũ trắng, một người mặc áo gilê và khăn choàng trắng trước ngực. Chú Lùn Tịt kéo Đình dừng lại nghe.

Bà đó la :

- Không thể tưởng tượng nổi, các anh không chịu làm gì hết. Khách gọi cũng không thưa, trong bếp các đồ ăn sẽ cháy khét hết cả nếu tôi không vào coi !

Đình bấm tay chú Lùn Tịt :

- Mọi người mải mê cãi lộn quên cả bếp đang cháy. Mình hãy giúp bà chủ đi, kẻo thịt gà cháy khét kìa !

Chú Lùn Tit gật đầu :

- Được rồi ! Gì chớ nấu ăn là nghề của chú rồi ! Cháu canh lửa đi ! Chú coi thịt gà cho !

Trong lúc đó, cuộc cãi vã càng lúc càng dữ dội hơn. Người đội mũ liệng mũ xuống đất, người mặc áo gilê cởi áo gilê bỏ ra ngoài.

- Chúng tôi không ở đây một phút nào nữa ! Bà chủ tím mặt gật đầu :

- Tốt ! Các anh đi liền đi !

- Bà đuổi chúng tôi phải không ? Chúng tôi đi bữa nay, ai nấu bữa tiệc cho ông quận đãi khách ? Ai hầu bàn ?

Sau những tiếng này, bà chủ có vẻ nao núng. Cuối cùng, bà nói có vẻ van xin : "Nhưng nếu có thể, các anh giúp tôi đêm nay, chỉ đêm nay thôi !"

Liền lúc đó, một giọng trong trẻo rõ ràng nổi lên :

- Thưa bà ! Bà cứ để cho họ đi ! Chúng tôi sẽ giúp bà đêm nay và mãi mãi nếu bà muốn...

Mọi người quay lại và vô cùng ngạc nhiên thấy một người lùn và một cậu bé đang biểu diễn trò làm bếp thật lanh lẹ và rành nghề.

- Không có tôi, những con gà kia cháy khét rồi !

- Không có tôi, những con cá này thành than rồi !

- Được !

Bà chủ quay sang hai người giúp việc của mình :

- Đó ! Hai anh thấy chưa ? Hai anh có thể đi được rồi ! Còn các anh, tốt lắm, các anh có thể ở lại !

*

* *

Thế là Đình và chú Lùn Tịt ở lại, cuộc sống của hai người trầm trầm, êm đềm trong suốt một thời gian. Mỗi buổi tối, cả hai lên gác lửng sát mái bếp dành riêng cho hai người để đếm tiền buộc boa nhận được của khách hàng....

- Đình ! Bà chủ ra lịnh, làm một đĩa mì xào, thịt sườn này cho bàn số 1.

- Dạ, thưa bà... Này chú Tịt, ông Tân cho cháu 50 đồng và bà Tèo, 30. Như thế tất cả 80 đồng.

- Hai tô cháo gà cho bàn số 5 !

- Dạ, thưa bà... Này chú Tịt, ông Mã vừa mới cho cháu 100 đồng, như thế tất cả 180, cộng thêm 20 hôm qua thành…

- Anh Tịt ! Bà chủ hỏi, còn bao nhiêu miếng thịt sườn trong tủ lạnh ?

- 200 ! - chú Lùn Tịt lơ đãng trả lời, đầu óc chú đang tính toán số tiền riêng của mình.

- Sao ? 200 miếng thịt sườn ? Dữ vậy ? Bộ tính ram cho cả quận ăn sao ? Cho tôi xem nào ?

Bà chủ mở cửa tủ lạnh và đếm thấy chỉ có 10 miếng sườn :

- Có 10 mà sao anh dám nói tới 200 ?

- Xin lỗi bà ! Vì chúng tôi đang đếm tiền riêng của chúng tôi.

- Cả hai anh đúng là đại hà tiện ! Hai anh đem tiền gửi ở quỹ tiết kiệm ở ngân hàng đi... để khỏi bận rộn cho tôi và cho các anh nữa !

Sau khi suy nghĩ chín chắn lời khuyên của bà chủ, sáng hôm sau, Đình và chú Lùn Tịt đem tiền đến một ngân hàng gởi.

Sau khi đưa tiền xong xuôi, nhân viên ngân hàng đưa cho Đình một cuốn sổ có đề tên Nguyễn Văn Đình và số tiền đã gửi. Cả hai trở về quán trọ, khoan khoái như vừa trút được một gánh nặng. Nhưng thình lình, một ý nghĩ chợt loé lên trong đầu chú Lùn Tịt. Chú vội chạy đến ngân hàng :

- Nếu có ai đến lấy tiền của Nguyễn Văn Đình (người này đầu sói dễ nhận thấy lắm), các cô đừng đưa vì đó là tên ăn trộm.

- Ông yên chí ! Vì sổ có tên đàng hoàng, chúng tôi chỉ trao tiền cho người mang tên đó mà thôi !

Bà chủ hỏi chú Tịt lý do vắng mặt lần thứ hai này…

- Tôi trở lại ngân hàng dặn người ta đừng đưa tiền cho ai ngoài Đình !

- Tiền ! Luôn luôn tiền ! Lúc nào cũng tiền cả ! Anh thì còn được, nhưng anh đừng đem tính mê tiền vào đứa nhỏ, anh sẽ thấy hổ thẹn...

Nằm dài trên gác lửng, hai chú cháu sung sướng giở trang cuốn sổ mới tinh.

Đình nói :

- 50.000 đồng ! Chú Tịt, mình có khá nhiều tiền rồi. Cháu tin rằng tương lai em Vân cháu sẽ được bảo đảm nhờ hoàn cảnh sống như thế này của chú cháu mình. Cháu muốn cho bà Liên Hương biết ý định của cháu là : Muốn em tiếp tục học đến thành tài khi em lớn.

- Thì viết thư cho bà ấy !

- Có như thế mà cháu không nghĩ ra ! Không biết khi nhận thư, bà Liên Hương có trả lời cho cháu biết không ? Nhận được thư của bà, cháu thích lắm !

Vài phút sau, Đình viết thư cho bà Liên Hương trên một tờ giấy học trò. Đình viết hết sức dễ dàng.

*

* *

- Đình ! Có thư...

- Thư của tôi à ?

- Chứ còn của ai nữa !

Đình, tim đập thình thịch, tay cầm lá thư chạy xuống bếp.

- Chú Tịt ơi ! Bà Liên Hương trả lời cháu nè !

- Thế thì đọc ngay đi…

- Chú đọc thư giùm cháu đi, tay cháu run quá bóc không được !

- Đưa đây !

Chú Lùn Tịt cầm bức thư với dáng điệu kẻ cả. Chú xé bao ngoài, lôi ra hai tờ giấy đầy những nét chữ dịu dàng và bắt đầu đọc :

- Đình con !

- Tiếp tục đi chú ! - Đình cảm động nói.

- Chú không thể đọc được... giọng chú run đây nè... - Chú Lùn Tịt nức nở khóc.

- Kìa ! Hai người làm gì vậy ?

Bà chủ vừa vào bếp thấy lạ hỏi ngay. Khi thấy cả hai chú cháu nước mắt chan hòa, bà ái ngại hỏi :

- Hay là các anh nhận được tin buồn ?

- Tôi không biết ! - Đình đáp.

- Tôi không biết ! - Chú Lùn Tịt đáp.

- Tại sao các anh không biết ?

- Tại vì chúng tôi chưa đọc thư !

- Như thế các anh đã khóc trước khi đọc thư ? Kỳ vậy ! Đọc đã rồi hãy khóc...

- Chúng tôi không thể đọc được thư… - Đình trả lời.

- Tại sao vậy ? Hay là hai người không biết chữ.

- Biết chứ ! Nhưng vì lần đầu tiên chúng tôi xúc động quá !

Bà chủ thở phào :

- Trời, vậy mà tôi tưởng có tin gì buồn làm hai người khóc. Đưa thư đây, tôi đọc cho.

- Cám ơn ! Cám ơn bà !

Bà chủ lấy kính lão trong túi ra đeo vào mắt và bắt đầu đọc :

Đình con !

Trước tiên, bà xin được ôm con vào lòng như mẹ con vậy ! Tại sao con không viết thư cho bà sớm ? Chắc con có nhiều chuyện hay kể cho bà nghe chứ gì ? Con biết không ? Bà lo cho con lắm, bà không biết con trở thành ra sao ? Nhưng, nay bà biết con làm ở một quán trọ khá đẹp với anh Tịt mà bà chưa được hân hạnh gặp mặt, bà mừng lắm !

Con ráng sống theo con đường lương thiện đó... Sống bằng chính mồ hôi của mình... Bà rất cảm động khi biết con đã dành tất cả số tiền kiếm được cho tương lai của Vân…

Tới đây, bà chủ ngừng đọc và hỏi :

- Vân là gì của Đình ?

- Là em gái tôi ! Năm nay tám tuổi, hiện ở trong một cô nhi viện ở Sài Gòn. Người viết thư cho tôi là bà giám đốc ở cô nhi viện đó. Bà hiền lắm.

- Để tôi đọc tiếp theo nghe... - Bà chủ nói giọng có vẻ hơi cảm động.

… Với ý chí của con, bà tin rằng em Vân con sẽ được học đàng hoàng, học ở một trường lớn cho đến tuổi trưởng thành. Ba má con ở dưới suối vàng chắc sẽ vui lòng lắm và người bạn già của con trên này, bà cũng sung sướng có được một người bạn nhỏ biết sống có ý nghĩa.

Con mèo tàn tật hiện đã lành rồi, trông dễ thương lắm. Con mèo này tiêu biểu cho sự hiện diện của con trong cô nhi viện đó !

Thôi bà chào con nhé ! Chúc con và anh Tịt mạnh giỏi. Cho bà gởi lời thăm bà chủ của con.

Bà Liên Hương

Đọc xong, bà chủ không ngăn được dòng lệ chảy dài trên má. Mọi người đều khóc. Nhưng chỉ một lát sau, tất cả đều trở về thực tế phận sự hàng ngày cấp bách đang đòi hỏi họ. Bà chủ nói :

- Như thế các anh định dùng tiền là để cho Vân ?

- Dạ ! - Đình gật đầu.

- Vậy mà tôi nói các anh hà tiện !

- Không có gì thưa bà ! Chúng tôi rất sung sướng có việc làm ra tiền dành cho tương lai Vân !

Chương 06

ÔNG BÍT VÀ ÔNG BỐT

Gần quán trọ "Sao Hồng" nơi Đình và chú Lùn Tịt đang làm có một hố sâu đầy ếch. Trong những đêm trăng sáng, tiếng ếch kêu vang dội cả cây số còn nghe, nhưng khi có người đến gần, tức thì các con ếch liền biến mất tức khắc dưới hố sâu...

Những cái lưng xanh và sáng ngời như những lá non, những cái bụng trắng và láng bóng của ếch trông rất đẹp.

Chú Lùn Tịt mỗi đêm đều đi câu ếch và nấu cháo, chiên bơ. Chú ngồi bất động suốt đêm cạnh hố sâu và thỉnh thoảng thình lình phóng ra một loại lưới đặc biệt để bắt ếch. Chú phải hành động thình lình vì các con ếch dường như đã quen biết sự hiện diện của chú.

Chú đã bắt được rất nhiều ếch, nhưng đồng thời vì thức khuya quá độ, chú đã bị nám phổi và sốt li bì. Chú phải nằm liệt giường suốt một tháng trường. Đình phải lấy ở quỹ tiết kiệm ra mất hơn mười ngàn đồng để lo bác sĩ và thuốc thang cho chú. Tiền thuốc và tiền khám bác sĩ thật đắc ! Khi vừa ngồi dậy được, dù vẫn còn ốm nhom, chú Lùn Tịt vẫn nói :

- Cháu Đình ơi ! Cháu đừng rút tiền ra khỏi quỹ tiết kiệm nữa. Chú khỏe rồi. Để dành tiền cho Vân.

Đình không chịu :

- Chú đừng nói như vậy nữa ! Vân tuy là em cháu, nhưng cháu cũng coi chú như chú của cháu. Tiền buộc boa và tiền lương là của chung hai chú cháu... Chú phải nghỉ ngơi, ăn uống, thuốc thang cho khỏe. Đây là quả trứng gà tươi vừa mới đẻ, chú ăn ngay đi để lấy lại sức.

Chú Lùn Tịt dần dần bình phục. Dù đôi chân vẫn còn yếu, đi muốn không vững, chú vẫn muốn làm việc trở lại ngay.

Một bữa nọ, có hai người vào quán trọ tự xưng tên là Nguyễn Bít và Tô Bốt hỏi thăm chỗ ở của ông Vĩnh Tiên, một người thuộc dòng dõi hoàng gia triều Nguyễn. Nguyễn Bít người cao lêu khêu, còn Tô Bốt lại mập và lùn, có một bộ râu ngạnh trê trông rất tức cười. Khi nghe hỏi chỗ ở của ông Vĩnh Tiên, bà chủ chỉ như thế này :

- Hai ông theo đường này, đi thẳng rồi quẹo sang trái, rồi đi thẳng, rồi quẹo sang phải, kế đó đi thẳng là đến !

Thấy đường đi quá phức tạp, Nguyễn Bít và Tô Bốt xin bà chủ cho một người hướng dẫn, bà chủ gọi chú Lùn Tịt.

Chú Lùn Tịt phải đi hết tốc lực với đôi chân quá ngắn ngủi của mình mới theo kịp được Nguyễn Bít và Tô Bốt.

Khi đi đường, Nguyễn Bít và Tô Bốt im thin thít, trái lại chú Lùn Tịt rất muốn nói chuyện. Chờ mãi không thấy ai mở lời, chú lùn nhà ta phải cất tiếng trước :

- Ông Vĩnh Tiên quý phái… Nhưng nghèo hơn tôi !

- Chúng tối đã biết !

- Ông ấy sống có một mình !

- Chúng tôi đã biết !

Chú Lùn Tịt chỉ một ngôi nhà tranh giữa một vùng đất trống rồi nói :

- Chắc các ông biết ông Vĩnh Tiên đang ở nhà đó ?

Nguyễn Bít lầm lì nói :

- Nếu chúng tôi biết thì chúng tôi đã không cần anh dẫn đường.

Bỗng Tô Bốt lên tiếng :

- Trời, Không thể ngờ "nó" lại ở chỗ này !

Chú Lùn Tịt cười :

- Nhưng là dòng dõi hoàng gia đó !

Nguyễn Bít nói :

- Anh đùa vừa vậy ! Không phải chúng tôi nói ông Vĩnh Tiên đâu, mà muốn nói "Thần Mã" !

Chú Lùn Tịt ngạc nhiên hỏi :

- Thần Mã là gì vậy ?

Nguyễn Bít có vẻ khó chịu :

- Bộ anh không biết mã là ngựa sao ? Đó là một con ngựa !

Chú Lùn Tịt nghĩ :

- Đúng là hai người này đến đây chỉ vì một con ngựa...

- Anh chờ chúng tôi ở đây, chúng tôi muốn nói chuyện riêng với ông Vĩnh Tiên.

- Dạ !

Chú Lùn Tịt đi vòng quanh nhà để tìm cách dòm lén vào trong qua một cửa sổ.

Ông Vĩnh Tiên đang cởi trần trùng trục quét nhà. Vừa thấy Nguyễn Bít và Tô Bốt vào, ông hỏi :

- Các ông muốn gặp ai ?

- Chúng tôi muốn gặp ông Vĩnh Tiên !

- Xin các ông chờ một lát... Tôi mặc quần áo rồi ra tiếp các ông.

Ông Vĩnh Tiên liền biến mất sau tấm màn.

Tô Bốt lầm bầm :

- Các nhà quý phái dòng dõi nhà vua nào cũng vậy, lúc nào cũng lễ nghi rắc rối...

Vài phút sau, ông Vĩnh Tiên xuất hiện và nói :

- Mời các ông ngồi !

Ông Vĩnh Tiên mặc áo dài, đầu đội khăn đóng, cái áo dài đen đã bạc màu. Tô Bốt không nói gì cả, chỉ có Nguyễn Bít nói mà thôi. Nguyễn Bít cho ông Vĩnh Tiên biết mình là thư ký riêng của ông Hoàng Tuấn, một nhà đua ngựa lừng danh, có một chuồng ngựa đua số một.

- Chúng tôi nghe nói ông có con ngựa tên là Thần Mã, thuộc dòng máu ngựa ở Hoàng Liên Sơn !

Ông Vĩnh Tiên mỉm cười.

- Vâng ! Con Thần Mã của tôi thuộc dòng máu chính thống chân truyền Việt Nam !

- Ông chủ tôi muốn mua Thần Mã của ông !

- Nhưng tôi không có ý định bán nó !

- Giá bao nhiêu cũng được !

- Tôi không nghĩ tới !

- Tại sao vậy, thưa ông ? Ông không nghĩ đến ngày ông nằm xuống bất ngờ sao ? Chắc ông có những nài giỏi điều khiển Thần Mã ?

- Không ! Con ngựa của tôi được tự do suốt ngày muốn làm gì tùy thích...

- Chắc ông có ý định cho nó đua không cần tập dượt gì cả ?

- Tôi không muốn cho nó đua !

- Thưa ông ! Tại sao vậy ?

- Tôi giữ nó ở đây để nhớ đứa con trai độc nhất của tôi, đứa con trai của tôi lên cỡi nó hồi mới năm tuổi và đã chết rồi.

Nguyễn Bít thuyết phục ông Vĩnh Tiên :

- Tôi xin chia buồn cùng ông ! Về vụ này, tôi có ý kiến như thế này : Tôi biết trước sau gì rồi ông cũng bán con ngựa đó. Vậy thì tại sao bây giờ ông không bán cho ông chủ tôi ? Ông chủ tôi là một người biết điều lắm, sẽ mua ngựa của ông với giá thật đắt. Con ngựa của ông đã gần thành ngựa hoang rồi ! Ông để lại cho ông chủ tôi đi, ông đừng bán cho người ngoại quốc uổng lắm !

Ông Vĩnh Tiên ôm đầu, nước mắt chan hòa...

Im lặng. Mọi người đã nghe rõ tiếng chân nhảy và tiếng hí của Thần Mã vừa trở về. Thần Mã da lông trắng bóc xuất hiện dũng mãnh giữa một vùng cây cối xanh um.

Ông Vĩnh Tiên nói :

- Hai ngày nữa các ông trở lại, tôi sẽ quyết định bán hay không bán Thần Mã !

Nguyễn Bít và Tô Bốt nghiêng mình chào ông Vĩnh Tiên rồi bước ra ngoài.

Hai ngày sau, hai người trở lại... Vừa thấy bóng dáng hai người, Thần Mã đang đứng trước nhà phóng chạy như bay ra sau nhà !

Nguyễn Bít mở lời :

- Ông đã quyết định bán cho ông chủ tôi rồi ?

- Vâng !

- Hoan nghênh ông ! Ông đã quyết định hết sức sáng suốt… Chúng tôi sẽ dành cho Thần Mã một địa vị hết sức đặc biệt. Thần Mã sẽ bất tử và trở nên con ngựa số một trên trường đua ngựa quốc tế. Quyết định của ông đã không làm mai một giống ngựa Việt Nam ở trong xó kẹt này !

Ông Vĩnh Tiên nói buồn rầu :

- Thưa các ông ! Con trai tôi xưa kia mặc toàn trắng, cỡi Thần Mã từ hồi mới năm tuổi. Nó biết nói chuyện với Thần Mã và Thần Mã đã trả lời nó bằng những tiếng hí dễ thương. Từ thuở còn nhỏ đến giờ, Thần Mã chỉ có một người bạn độc nhất : đó là con trai tôi, tôi có cảm tưởng là Thần Mã muốn hỏi tôi đứa bé thường cỡi nó đâu ? Tôi biết rõ giọng hí đặc biệt của Thần Mã khi muốn hỏi tôi... Nhưng con tôi đã chết hồi nó mới mười tuổi ! Kìa ! Các ông nghe kìa !

Lộng lẫy trong bộ lông và bộ da trắng tinh, Thần Mã cất cao đầu hí vang dội cả một vòm trời.

Ông Vĩnh Tiên phều phào :

- Thần Mã là sinh vật duy nhất còn lại của tôi ở trên cõi đời này ! Các ông mang Thần Mã đi mau đi, tôi khổ lắm ! Xin các ông nhớ cho, Thần Mã dù là một con ngựa dũng mãnh nhất, nhưng lại không muốn mang một trọng lượng nào nặng hơn một đứa bé mười tuổi... Tôi thấy có bổn phận cho các ông biết điều đó !

Tô Bốt cười :

- Tôi đã từng dạy nhiều con ngựa dữ... Dù dữ và khó dạy đến đâu bất cứ một con ngựa nào cũng trở thành hiền như cục bột trước mặt tôi…

Chờ ông Vĩnh Tiên và Nguyễn Bít ký giấy tờ mua và bán Thần Mã xong xuôi, Tô Bốt nắm dây cương kéo Thần Mã ra đường.

Con ngựa thở phì phò, miệng sủi bọt trắng, tỏ vẻ vô cùng sung sức như một con ngựa hoang.

Xem tiếp chương 7 & 8