Ánh nắng nhiệm màu - Chương 9 & 10

Chương 09

BÉ THU

Mới hơn bẩy giờ sáng, đã có tiếng Lộc gọi ơi ới ở cửa sau trong khi Thuận đang tập thể dục trong vườn cạnh đó.

- Thuận ơi Thuận! Mở cho tao vào đi. Chú Hiệp có nhà không mày?

- Vào đi – Thuận kéo then cửa, nói – Chú Hiệp vừa đi làm tức thì đó.

- Tao tưởng chú còn nghỉ chớ. Thế là lỡ cả việc rồi. Tao định lại từ nẫy, nhưng ba tao sợ tới sớm quá, làm mất giấc ngủ của chú không tiện.

Thấy Lộc có vẻ lo buồn, Thuận hỏi săn đón:

- Có việc gì quan trọng mà mày buồn thỉu buồn thiu vậy?

Lộc thở dài đáp:

- Ba tao bảo tao lại gấp nhờ chú gỡ giùm cho ba tao một vụ rắc rối.

Nghe có tiếng người lạ nói chuyện léo xéo trong vườn, bà Hòa ngạc nhiên bước ra, hỏi:

- Ủa! Cháu Lộc, có việc gì mà rắc rối cho ba cháu?

Lộc chắp tay cúi đầu chào và thưa:

- Thưa bác, tối qua ăn cơm ở đây xong về nhà, cháu thấy ba má cháu ngồi nói chuyện nho nhỏ, thở vắn than dài và buồn rười rượi. Cháu hỏi mãi ba cháu mới bảo là bị tình nghi trong vụ mở tủ sắt ở biệt thự ông kỹ nghệ gia Vân. Ba cháu bảo : trong báo người ta nói bóng gió rằng quân gian để chữ ký lại sau khi ăn hàng với dụng ý thách thức cơ quan cảnh sát. Chữ ký đó chính là hộp quẹt máy và phong thuốc lá hút dở dang mà ba cháu để mất từ mấy hôm trước.

Bà Hòa nói:

- Vậy là có người cố ý đánh cắp mấy vật ấy của ba cháu, rồi đưa cho kẻ gian bỏ lại nhà ông Vân để đổ riệt tội cho ba cháu chứ gì. Nếu biết được người ấy là ai, truy ra là bắt được thủ phạm tức thì…

Bà an ủi tiếp:

- Cháu đừng lo. Trời không hại kẻ hiền lành, lương thiện đâu, thế nào người ta cũng tìm ra manh mối. Chú Hiệp hẹn bác chỉ đi một lát lại sở rồi về ngay chứ không ở đó hết buổi đâu vì chú còn đang nghỉ phép… Cứ yên trí ở đây chơi với em Thuận.

Chợt thấy bé Thu đứng lấp ló sau lưng anh nó, hai con mắt tròn và đen như hai hột nhãn trông thật dễ thương, bà quàng tay ôm con nhỏ vào lòng nựng nịu:

- Tội chưa! Cháu Thu đứng đây nãy giờ mà bác không trông thấy chớ! Nào để bác vào lấy xôi cho mấy anh em ăn nghe. Ăn sáng nhẩn nha, chú Hiệp về thì vừa đó, cháu Lộc.

- Dạ.

Rồi ba đứa nói chuyện bi bô, mải quá đến nỗi không nghe thấy tiếng xe Hiệp về.

- Mấy cháu còn xôi để phần chú không đó?

Nghe tiếng Hiệp từ nhà trên bước xuống nói giỡn, chúng giật mình ngửng nhìn, cùng reo:

- A, chú Hiệp đã về!

Hiệp lại vuốt tóc Lộc và bồng bé Thu lên thơm vào đôi má phính hồng.

- Thưa chú – Lộc nói – ba cháu sai cháu sang thưa chuyện với chú về cái vụ ở nhà ông Vân hôm qua.

- Ờ – Hiệp đáp – hôm qua đọc báo chú cháu mình vô tình đâu có biết là dính dáng cả đến ba cháu nữa. Sáng nay lại sở chú mới hay.

- Vậy ba cháu có sao không chú?

Hiệp gạt đi:

- Ăn nhằm gì đến ba cháu nữa đâu mà lo cho mệt!

Lộc rụt rè thưa:

- Chiều qua, ông Quận trưởng có lại sở ba cháu gặp ông Tổng giám đốc để điều tra. Xong rồi còn mời ba cháu qua Ty làm tờ cung khai rành rọt nữa.

- Thể lệ phải như vậy đó cháu – Hiệp nói – Nhưng ba cháu đâu có bị đe dọa. và đâu có bị bắt giữ hay làm khó dễ điều gì. Cháu về thưa với ba cháu thế này nhé : Nước ta có Hiến Pháp đàng hoàng. Và Hiến Pháp tôn trọng quyền tự do của mọi công dân. Cảnh sát bây giờ không phải là một công cụ của bọn thống trị dùng để đàn áp dân bị trị. Trái lại, nó là một cái bánh xe trong guồng máy nhà nước có phận sự lo an ninh cho đồng bào. Cán bộ cảnh sát bây giờ đâu có phải là bọn vũ phu chỉ biết lấy đấm đá làm đầu, mà trái lại họ là những người có học, biết tôn trọng luật pháp hơn ai hết… Cháu nghe kịp không?

- Dạ kịp – Lộc thưa – cháu hiểu và cháu nhớ.

- Ngay như việc rắc rối của ba cháu – Hiệp tiếp – Có thể nói là có chứng cớ rành rành, ấy thế mà ông Cò Thành thấy ngay là ba cháu oan. Ông ấy mời ba cháu qua Ty nhưng dặn kỹ đừng ra khỏi sở cùng một lúc với ông Cò sợ có người độc miệng phao lên rằng ba cháu bị bắt. Bao nhiêu đó đủ thấy những tự do cá nhân của ba cháu không bị đe dọa mà thanh danh của ba cháu cũng chẳng hề bị thương tổn chút nào…

Thôi, bây giờ cháu Lộc lấy xe của Thuận, đạp tới sở nói cho ba cháu yên tâm đi. Nội nhật ngày hôm nay câu chuyện sẽ ngã ngũ và ba cháu sẽ không còn bị dính líu vào vụ rắc rối ấy bất cứ về phương diện nào…

- Vâng, cám ơn chú – Lộc vui vẻ thưa – lại ba cháu xong, cháu tạt về qua nhà nói cho má cháu mừng. Xong rồi, cháu lại đây chơi với anh Thuận.

Chạy tìm bé Thu đang tha thẩn chơi một mình ở góc nhà, Lộc hỏi:

- Bé có muốn về nhà bây giờ với anh không? Về anh chở về…

Bé Thu lắc đầu phụng phịu:

- Bé hổng về đâu. Chưa chơi được tí nào đã bắt về!... Anh tư về trước đi, em chơi ở đây với anh Thuận chị Thuần đến tối cơ…

Bà bác sĩ Hòa tươi cười reo lên:

- Phải rồi, bé Thu ở đây chơi với anh Thuận chị Thuần đến tối. Anh Lộc đi cho xong việc đi rồi về đây ăn cơm với hai bác nhé.

- Dạ. Thưa bác cháu đi, thưa chú cháu đi…

Lộc đi khỏi, bé Thu không sợ bị ai quát mắng nữa, sà ngay vào lòng Thuận nũng nịu:

- Anh Thuận chơi trò bịt mắt với bé Thu đi!

Thuận không có em nên cưng chiều bé Thu hơn anh ruột nó. Cũng có lẽ vì không có em nên mặc dầu lớn xác, thuận vẫn giữ được tính “con nít” hơn những đứa cùng tuổi có nhiều em thường tỏ ra vẻ “ông cụ”.

Nó thường sà vào lòng mẹ bắt đền mẹ phải cho nó một thằng em trai để chơi đánh lộn cho thỏa thích. Có lúc mẹ nó cười chẳng nói gì, nhưng cũng có lúc bà buồn bã xoa lưng nó và bảo : “Tại con học hành tệ quá, ba con sợ có thêm một đứa tối dạ như vậy nữa thì làm sao? Rồi ba than thở với má : Đối với một người cha, sự trừng phạt nặng nề nhất là có một đứa con dốt nát.”

Hai giọt nước mắt nhỏ xíu như hai hạt minh châu từ đôi mắt bồ câu của bà rơi xuống vỡ tan trên má thằng Thuận vừa ngửa mặt lên. Nó cũng rưng rưng nước mắt:

“Con xin lỗi má! Nào con có muốn thế đâu! Tại con học không vô. Hay là nó có vô nhưng mà nó không chịu ở lại… Ba còn nói gì nữa không má?”

Bà vỗ vỗ vào lưng con an ủi : “Ba giận thì ba nói thế, nhưng ba nguôi ngay và ba lại thương con. Ba thường khen : thằng Thuận thế mà ngoan. Anh cũng mừng. Vì học hành giỏi giang mà hư thân mất nết mới thật là vô phước. Vậy xét cho cùng, phải nói : Đối với một người cha, sự trừng phạt nặng nề nhất là có một đứa con hư hỏng.”

Thằng Thuận ôm chầm lấy mẹ, xúc động, thổn thức : “Con cố gắng, một ngày kia con sẽ sáng dạ, nhưng con vẫn cứ ngoan hoài…”

Rồi nó lại phụng phịu : “Con không thích em trai nữa đâu má! Nhỏ quá làm sao chơi đánh lộn ngang sức với con được! Má cho con một em bé gái xinh xinh như bé Thu nghe, má!...”

Có tiếng bé Thu giục nó bầy trò chơi mới. Nó lên lầu rủ chị Thuần. Chị bận học không chịu xuống, nó phải chạy đi kêu mấy đứa nhỏ trong xóm vào cùng chơi cho vui.

- Mấy đứa chơi không được làm ồn nghe – nó dặn – Ra sau vườn, xa nhà, chơi cho rộng rãi…

Chơi đang vui, bỗng có tiếng chị Thuần trên lầu kêu chõ xuống:

- Thuận! Còn mấy bài toán ông nội ra, làm chưa?

- Chưa.

- Thì lo làm đi chứ. Chơi mãi. Ông nội bảo không được, ông nội buồn à!

Thuận tiu nghỉu lấy sách ra lúi húi làm bài, bỏ mặc mấy đứa nhỏ nô đùa quanh mấy gốc cây ăn trái ở cuối vườn.

Bé Thu nhỏ nhất trong bọn nhưng cũng tinh ranh nhất, lại thông thuộc nhất những chỗ khuất trong khoảnh vườn rộng thênh thang.

Nhưng những chỗ trốn kín nhất, chơi mãi chúng nó cũng biết hết. Phải kiếm xó xỉnh nào chưa đứa nào biết mới hay. Bé Thu lần lần mò ra được lối lách qua hàng rào sang vườn nhà bên cạnh.

Ở đó, vườn rộng mênh mông. Có nhiều thân cây lớn, tha hồ mà nấp. Xa xa, lại còn một căn nhà gỗ vuông vức, trốn ở mé sau có trời mới tìm thấy. Chạy ở chung quanh đó, đố đứa nào bắt được!

Nó hí hửng nấp hết nơi nầy đến nơi khác trong khi các bạn nhỏ của nó nhớn nhác không tìm thấy con bé xí xọn đâu.

Chương 10

TRONG CĂN NHÀ GỖ

Cô gái áo xanh tất tả bước vào như người chạy trốn. Người đàn ông nằm trên giường như tự chôn mình dưới cả chục tờ báo mở rộng phủ lên người, cất tiếng hỏi:

- Chi mà hoảng hốt vậy, chị Tâm?

- Tôi sợ không khéo mình bị lộ rồi đó, anh Chí!

- Lộ làm sao được mà lộ. Tôi đã tính đâu ra đó cả rồi. Chị coi tất cả các báo ra chiều nay đây này, tờ nào cũng đăng ấm ớ như tờ nấy. Cảnh sát có biết cái gì đâu mà phòng ngại.

- Có người theo dõi tôi, anh ạ.

Chí cười lớn, chỉ cái gương treo trên tường, nói với một giọng chế giễu:

- Chị này ngây thơ quá đi thôi! Chị soi giùm tôi một chút vào cái gương kia kìa. Con người xinh đẹp nõn nà như thế, thiên hạ không theo thì biết theo ai bây giờ đây! Bộ chị muốn làm bà Chung Vô Diệm để cho ai ngó thấy cũng lảng xa và quay bước đi ngược chiều hay sao?

Thị Tâm phì cười:

- Giỡn hoài! Tôi có cảm giác mình bị theo dõi thực sự đó!

- Vô lý! Có theo dõi thì theo dõi tôi đây này. Tôi là một thằng có tiền án và có những thành tích đáng nể trong nghề. Còn chị, nói xin lỗi, có ai biết chị là ai đâu mà sợ hão sợ huyền không biết nữa. Nghỉ đi, sợ vớ vẩn chi cho mệt não!

- Ờ, anh nói cũng có lý – thị Tâm trả lời có vẻ phục thiện.

- Có lý hẳn hoi chứ “cũng có lý” sao được! Này nhé, hãy nghe Gia Cát quân sư luận đây này. Thứ nhất, nếu Cảnh sát làm việc tắc trách thì thằng cha Thụ chết mất ngáp. Dấu tay in rành rành trên hộp quẹt và bao thuốc. Hộp quẹt lại có khắc tên y thì còn nghi ngờ chi nữa. Ngữ ấy là chúa nhát đòn. Cứ xích tay lôi về bót tẩn cho một trận sặc gạch thì tội gì cũng nhận phứt đi cho rồi. Thứ hai, nếu Cảnh sát tinh khôn xét đến tài nghệ cá nhân của các “anh hùng mở khóa” thì ngoài tôi ra còn thằng Hồ tay nhám nữa, chứ tôi đâu có giữ độc quyền. Điều tra ra thì thấy sáng hôm qua, hồi 10 giờ sáng, thằng Lý Quý Ý Chí đụng xe ở Vũng tàu. Vậy thì bao nhiêu nghi kỵ phải trút hết xuống đầu thằng Hồ tay nhám vì thằng Chí cóp pho đâu có phép phân thân mà cùng một lúc vừa đụng xe ở Vũng tàu, vừa mở tủ sắt ở Saigon được.

- À, nói đến Vũng Tàu mới nhớ, sao anh Hoạt mãi không về nhỉ. Điện tín hẹn sẽ có mặt trước bốn giờ mà sao bây giờ vẫn bặt tăm?

- Cái đó cũng chả có gì là khó hiểu cho lắm – Chí cười đáp – Ông anh tôi yên trí triệu phú đến nơi, thế nào chả lả lướt ở đó thêm vài giờ cho đã. Chiều về càng mát, có “chết thằng tây đen” nào đâu mà sợ. Vả lại kế hoạch của mình là ngày mai mới rông nên tội chi mà vội vã. Thôi, chị cứ yên chí lớn đi, anh ấy về ngay bây giờ đó. Trong khi chờ đợi, chị coi tạm mấy tờ báo đây cho đỡ buồn. Lát nữa Hoạt về, ta cùng ăn một thể…

Mãi đến tám giờ khuya vẫn chưa thấy Hoạt tới, mụ Tâm lo ngại nói:

- Tôi sợ anh Hoạt bị ngăn trở ngoài đó cũng chưa biết chừng!

- Vô lý – Chí vội trấn an – nếu bị trở ngại, hắn ta đã không đánh điện báo là công việc trót lọt đúng giờ ấn định và hẹn sẽ về tới trước bốn giờ. Điệu này, tôi chắc anh chàng về nhà không thấy chị nên trộm phép bay bướm mấy giờ đây.

Họ dọn đồ nguội mua sẵn ra ăn, vừa ăn vừa đợi, quá giờ giới nghiêm vẫn không thấy tăm hơi người vắng mặt.

- Thôi, khuya quá rồi – Chí nói – đừng thèm lo nghĩ chi cho mệt, chị Tâm à. Phải ngủ một giấc cho lại sức, ngày mai còn “công tác” nữa chứ. Chuyến đi ngày mai mà xuôi chèo mát mái thì cuộc đời ba đứa bọn mình tha hồ lên hương…

Họ ngỡ tương lai sẽ đến trước với họ bằng những giấc mộng tuyệt vời dệt toàn bằng hoa, bằng gấm. Nhưng, oái oăm thay, giấc ngủ chỉ tới với họ chập chờn, đứt khúc, rời rã. Tâm mơ thấy Hoạt và Chí tranh nhau va ly tiền đến đâm chém nhau chí mạng, cả hai người cùng chết trong khi giấy bạc tung tóe đầy đường, gió thổi một lúc bay mất hết không còn một tờ.

Chí thấy mình chỉ được một phần ba số tiền chính y trộm được là quá ít. Đối với công lớn của y, thế là quá bất công.Một cuộc cãi vã tay ba đã xẩy ra. Một miệng không chống chế nổi hai kẻ già hàm, y nổi sùng, sẵn con dao phay, y sả cho mỗi người một nhát lăn quay ra chết. Và y một mình làm chủ cả chiếc va ly đầy nhóc…

Tỉnh dậy, lúc đó cũng đã khá muộn, cả hai người đều cảm thấy tâm hồn mình đã thay đổi sâu xa.

Chí nói bâng quơ:

- Tám giờ rồi mà chưa thấy về, lạ nhỉ?

- Vậy anh tính sao, anh Chí?

- Còn tính chi nữa chị? Ta rửa mặt mũi cho nó tỉnh táo, kiếm cái gì ăn qua loa rồi rông đi cho được việc. Đến chín giờ, hắn không tới là hắn sai hẹn, lỗi về phần hắn.

- Phải rồi, tiền cứ chia ra làm ba phần đều nhau như đã giao ước. Chín giờ, anh ấy về thì ba người đi chung, theo đúng chương trình định trước. Quá giờ ấy, ảnh vẫn vắng mặt thì anh và tôi đường ai nấy đi, phần của hanh Hoạt đã có tôi lo, anh khỏi phải bận tâm.

- Đâu có được! – Chí sa sầm mặt đáp – Dù Hoạt có mặt ở đây đi chăng nữa, số tiền ấy cưa đôi cũng đã quá tốt rồi. Vì tuy ba người mà chỉ có hai phe. Tôi làm việc khó khăn nguy hiểm còn hai người thì khỏe phây phây. Nếu hưởng bằng nhau chẳng hóa ra bất công lắm hay sao! Vậy tôi tính thế này là gọn và công bằng. Trước hết hãy cưa đôi, tôi một nửa, hai người chung một nửa. Nhưng vì Hoạt chưa về nên phần của hai người lại phải cưa đôi một lần nữa để tôi giữ giùm phần riêng của Hoạt. Chị chỉ phải lo phần riêng của chị mà thôi. Thời buổi này, đàn bà con gái mang nhiều tiền quá không nên. Không giữ nổi đâu! Lại còn rước họa vào thân là khác nữa!...

Đã bực mình về đề nghị chia tiền kiểu “sư tử” của Chí, lại thêm ức về giọng điệu có vẻ dọa nạt của y, thị Tâm trả lời sẵng:

- Thôi, tôi cũng cảm ơn cái lòng tốt của anh. Nhưng xin anh nhớ kỹ lại giùm tôi lời giao ước khi ba người mới sắp đặt cuộc làm ăn.

- Biết rồi! Nhưng tôi hỏi chị câu này, chị suy nghĩ cho kỹ, rồi hãy trả lời thành thực nghe. Trong ba người bọn ta, công việc của ai nặng nhọc và nguy hiểm hơn tất cả? Một đàng, tôi phải vào sinh ra tử, trổ tài nghệ trong một thời gian kỷ lục, chậm một phút là chết không kịp ngáp. Một đàng khác, ông Hoạt thì phây phây ra Vũng Tàu chơi đóng một tấn kịch dễ ợt đến trẻ con cũng thừa sức làm nổi, còn bà chị thì chỉ có mỗi một việc là lấy dấu ổ khóa và đánh cắp chiếc hộp quẹt và phong thuốc lá, thật là ung dung và không một chút hiểm nghèo. Có phải thế không nào?

Chủ quan, Chí tin tưởng những lý lẽ vừa đưa ra quá vững vàng để y vừa thủ lợi tối đa vừa khỏi mang tiếng nuốt lời với đồng bọn. Không ngờ thị Tâm chẳng phải tay vừa, mụ cãi đâu ra đó, có điều mụ nghĩ mình yếu thế nên không dám nói nặng e thiệt thân khi tên Chí đổ quạu dùng đến sức mạnh.

- Anh không thương đàn em, anh dậy thế – mụ nói – chứ công việc của chúng tôi đâu có quá giản dị như anh tưởng. Nếu tôi không mặt dạn mày dầy đi ở đợ cho người ta mấy tháng trời thì sức mấy anh dò biết được ông Vân ra băng lấy tiền ngày nào, cất tiền ở nhà hay ở sở, ổ khóa tủ sắt ra sao, hàng ngày lúc nào nhà vắng người và vắng trong bao lâu. Không thông suốt những điểm đó, thử hỏi tài anh dùng được vào việc gì nào? Lại còn ai lo giúp anh vu oan giá họa cho ông Thụ để anh thong dong đứng ngoài vòng pháp luật mà hưởng thụ kết quả của việc làm phi pháp của anh? Còn anh Hoạt, anh ấy giúp anh đứng hẳn ra ngoài tất cả mọi sự nghi kỵ của nhà chức trách mà anh nỡ bảo là công việc không quan trọng à? Không có anh ấy mập mờ đánh lận con đen ở Vũng tàu, tôi đoan chắc việc đầu tiên của Cảnh sát là hãy tóm cổ anh là một tay mở tủ sắt cừ khôi nhất nước cái đã. Anh lại cho là cái trò đùa ấy không có gì là nguy hiểm cả. Vậy thử hỏi, nếu không nguy hiểm, sao giờ này anh Hoạt vẫn chưa về?... Đó, anh thấy không, nhiệm vụ của mỗi người mỗi khác, nhưng nhiệm vụ nào cũng có phần hữu ích, khó khăn và hiểm nghèo của nó, và tất cả đều quan trọng và có giá trị ngang nhau…

Mụ nói một hơi, lời lẽ ngọt ngào vuốt ve, nhưng mỗi lý lẽ đưa ra như một gáo nước lạnh tạt vào mặt tên đồng bọn. Tên này cố cãi lấy phần phải:

- Chị muốn nói sao thì nói cho sướng miệng đi. Nhưng rốt cuộc, tôi chỉ biết có một điều : Công trạng của ông bà gom góp lại dù có to tát bằng trời đi nữa cũng cầm bằng nước lã trôi sông nếu không có thằng này nhúng tay vào.

Y đắc chí cười khà khà tiếp:

- Bấy nhiêu đó đủ rồi, khỏi cãi vã làm chi cho thất công. Thằng này nhất định phải hưởng phần xứng đáng nhất. Bằng lòng hay không bằng lòng cũng đến thế thôi!...

Thị Tâm cười khẩy hỏi lại:

- Nói vậy, anh cương quyết nuốt lời, không đếm xỉa gì đến luật giang hồ phải không?

- Luật giang hồ! Luật giang hồ là cái gì nếu không phải luật của kẻ mạnh, luật của người cầm dao đàng chuôi!

- Tôi không ngờ – Tâm sỉ vả – tôi không ngờ người như anh mà cũng lật lọng nhanh như vậy. Lúc chưa đâu vào đâu, cần người này người kia giúp đỡ sao nói ngon nói ngọt thế, như sẻ cửa sẻ nhà không bằng! Ấy thế mà khi đồng tiền đã nắm gọn trong tay, lại giở giọng lá mặt lá trái ngay được!...

Đuối lý, Chí nổi sùng nói ngang:

- Ừ, lá mặt lá trái đấy, làm gì tôi tốt? Đã muốn lật lọng, đây cho lật lọng luôn!... Này, muốn tốt muốn lành, đây còn nghĩ tình chia chác cho chút đỉnh. Nếu không, đừng hòng! Không có một đồng xu nhỏ cho coi…

Dứt câu, y đứng dậy quơ chiếc va ly bạc vào lòng định đai lại cho chặt chẽ.

- Ngang ngược như vậy đâu có được, bạn!

Tâm rít lên, xốc tới một tay nắm quai va ly giằng lại, một tay lăm lăm con dao sắc lẻm mà y thị rút ra từ lúc nào.

- Á à! To gan nhỉ! – Chí cười gằn trêu tức – Có giỏi cứ đâm đi.

Tâm phóng tới một nhát. Chí khẽ nghiêng mình né, và chỉ trong chớp mắt đã nắm cứng cổ tay cô gái, bẻ quặt ra đàng sau thật mạnh.

Tước dao xong, đôi mắt Chí đỏ ngầu và long lên sòng sọc. Y nghiến răng vật thị Tâm ngã sóng soài xuống đất. Rồi như nổi điên, y chận một đầu gối lên ngực cô gái, hai bàn tay thô kệch của y đai quanh chiếc cổ nõn nà và xiết chặt, xiết chặt… Thị Tâm chỉ kêu ằng ặc lên được vài tiếng, rồi mặt đỏ lên, tím bầm, mắt trợn ngược.

Một tiếng hét lanh lảnh bỗng vang lên. Chí giật mình, buông tay, đứng phắt dậy, ngơ ngác nhìn bốn phía chung quanh.

Trên nền nhà, thị Tâm nằm chết giấc, thân xác bèo nhèo như một mớ giẻ rách.

Xem tiếp chương 11 & 12 (hết)