Ánh Nắng Nhiệm Màu - Loại Hoa Đỏ

Tủ sách Tuổi Hoa - 1973

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

Chương 5 & 6

Chương 7 & 8

  Chương 9 & 10

             Chương 11 & 12 (hết)

Nguồn: ĐÈN BIỂN sưu tầm &  đánh máy

--------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 01

THẰNG THUẬN ĐẦU BÒ

Đến đại lộ Cộng Hòa lúc nào cũng không hay, Hiệp theo thói quen cho xe chạy chậm lại. Đây là một trong những con đường còn xứng danh là một đại lộ của Đô thành, có đường rộng cho xe lớn lướt vội vàng, có lối thênh thang cho xe hai bánh chạy ung dung, có lề lót gạch phẳng phiu và nhất là có bóng mát, thật nhiều bóng mát cho người đi bộ.

Ở đây, mỗi người cất bước là một vì vương tiến giữa hai hàng cây sừng sững như những tên lính khổng lồ đứng thẳng tắp giương lên thật cao những chiếc lọng thiên nhiên lợp bằng lá cây xanh ngắt.

 Dù bận đến đâu, Hiệp cũng không nỡ cho xe chạy nhanh trong cái khung cảnh êm đềm ấy. Nó gợi lại trong đầu chàng bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào của thời thơ ấu. Bao nhiêu buổi sáng mát rượi, bao nhiêu buổi chiều dìu dịu, chàng đã được cùng các bạn nô đùa thỏa thích nơi đây trong khi ở đàng kia, không xa, trời nắng như đổ lửa.

 Hiệp mỉm cười ôn lại những trận đấu sức cùng các bạn ngày nào trong bóng cây râm mát.

 Bỗng chàng giật mình thấy một toán sáu bẩy cậu học sinh trạc 14, 15 tuổi đang sắp sửa dánh nhau. Đánh nhau thật sự chứ không phải giả ngộ như ngày xưa chàng nô giỡn cùng chúng bạn.

 Một bên hai cậu, một bên đông gấp đôi, bốn cậu, đã quăng cặp xuống đường, sắp xông vào đấm đá.

 Hiệp ngừng xe, chưa kịp chạy lại can thiệp đã thấy từ đâu phóng tới một cậu học sinh thứ bẩy cũng trạc tuổi sáu cậu kia.

Cậu này giang hai tay tách sáu người ra làm hai toán.

 - Thôi – cậu ôn tồn nói – cho tôi xin đi, anh em cả mà, đánh nhau chi cho mệt, kỳ lắm!

 Hiệp ngạc nhiên, bụng bảo dạ tiếng ai nghe quen quen như tiếng thằng Thuận. Vẫn ngồi yên trên xe lúc này đã đậu sát lề, chàng gỡ cặp kính râm ra coi, thấy quả là cháu mình, lại đeo kính lên, lặng yên thử xem nó hòa giải các bạn của nó ra sao.

 Thuận, một tay cầm cặp, vẫn tươi cười giang rộng hai tay như một đôi cánh xòe ra giữa hai toán đứng ngó nhau gườm gườm.

 Quay sang bên phải, nó bảo hai cậu vốn là bạn cũ ở gần nhà:

 - Thiết, Thực, hai bác đang trông ở nhà kìa! Nghỉ hai giờ cuối, sao còn lạng quạng ở đây? Về nhà lẹ đi kẻo hai bác la cho đó!

 Rồi quay sang bên trái, nó ngạc nhiên nhận được một người quen:

 - Ủa! Lợi hả? – nó hỏi – Giờ này chưa đi học sao? Hà hà, anh phải mách anh Lộc trị tội cậu này mới được!

 - Giáo sư bệnh – Lợi vội bào chữa – chúng em cũng được nghỉ hai giờ chót mà.

 - Ờ, thôi được – Thuận nói – Lợi về đi. Cả ba anh nữa. Học trò với nhau cả mà, ai lại nói chuyện phải trái với nhau bằng đấm đá bao giờ!

 Thằng Lực, to con và vẻ mặt ba trợn nhất trong đám bạn thằng Lợi, định sừng sộ. Thằng Lợi vội gạt đi, cướp lời:

 - Vâng, vâng, chúng em về… Dĩ hòa vi quý mà anh!

 Trong khi hai anh em thằng Thiết dắt nhau đi vô hướng đường Lý Thái Tổ thì Thuận rảo bước đi còn ngoái lại bảo Lợi:

 - Lợi vô nói với anh Lộc tối nay ghé chơi anh Thuận nghe!

 - Dạ, anh Thuận nhớ đừng mách anh em đấy nhé.

 - Ờ!

 Hiệp mỉm cười, sắp nổ máy cho xe chạy, bỗng ngưng lại lắng tai nghe.

 - Lợi, thằng nào đó? – Lực hậm hực hỏi bạn – Thằng Thuận nào mà mày có vẻ ngán dữ vậy?

 - Anh Thuận bạn thân của anh Lộc tao đó. Khỏe lắm mày ơi! Mày đánh không lại đâu!

 - Nhưng tao không thích nó can cái kiểu đàn anh ấy – Lực vẫn ấm ức nói – Đánh không lại, tao cũng không ngán.

 Thằng Lợi cười cười:

 - Biết rồi. tao thấy bộ dạng mày muốn ăn đòn nên phải cướp lời không để cho mày gây sự. Bộ mày chưa nghe tiếng Thuận đầu bò sao?

 - Chưa, nó ghê gớm như thế nào, nói tao nghe đi.

 - Oai hùng không thể tả! – Lợi ba hoa kể – Chẳng những một mình thằng Lực chả đi đến đâu, cho luôn cả ba thằng chúng mày xúm vào, ảnh cũng đá bay trong nháy mắt. Đến anh Lộc tao sừng nhất trường, muốn hạ tụi du đãng choai choai xóm Sáu Lèo để cho các em lớp Sáu khỏi phải nạp tiền mãi lộ, còn phải nhờ anh Thuận giúp một tay mới xong. Chúng mày biết không, năm sáu thằng đen chùi chũi và đô thật là đô, có cả dao con chó nữa, thế mà hai anh ấy tay không đánh cho một trận bò lê bò càng, cạch không dám bắt nạt và làm tiền các em nhỏ nữa…

 Thằng Chi nãy giờ đứng im, lên tiếng hỏi:

 - Thằng chả cùng học với anh mày ở Chu văn An hả, Lợi?

 - Đâu có!

 - Nhưng chắc cũng trên chúng mình vài lớp? – Chi hỏi gặng.

 - Đâu có! – Lợi nhắc lại như một điệp khúc.

 - Vậy cũng mới có lớp Mười thôi à? Thế mà ra vẻ đàn anh ghê ta!

 - Đàn anh là ở tư cách – Lợi cãi – Đàn anh là ở lối xử sự chứ ở đời bộ mày tưởng mỗi lúc đứng ra vỗ ngực khoe học lớp mấy lớp mấy ở trường này trường kia, hay vác bằng cấp ra lòe cho thiên hạ sợ mà làm đàn anh được người ta hay sao? Nói cho chúng mày biết mà ngán luôn. Anh Thuận đang học lớp Tư đó.

 - Lớp Tư là sao?

 - Lớp Tư là lớp Tư tiểu học chứ còn là sao nữa. Được không?

 - Ủa, sao kỳ vậy? – cả ba đứa tròn mắt ngạc nhiên kêu – Mày nói giỡn sao hả Lợi?

 - Đâu có giỡn – Lợi quả quyết – anh Thuận cùng học với anh Lộc tao từ lớp Một, lớp Hai tiểu học. Bây giờ anh tao sắp thi Tú Tài I mà anh Thuận vẫn lẹt đẹt ở lớp Tư. Chúng mày thấy có kỳ không?

 - Kỳ chứ sao không kỳ! Tao chưa thấy ai chậm chạp một cách quá quắt như vậy.

 Lợi thở dài, đáp lời thằng Chi:

 - Không phải là chậm, mày ơi! Vì có chậm cũng chỉ chậm đến hai năm là cùng, chứ đâu có thua sút đến những sáu bẩy năm lận. Ông ấy cứ lằng nhằng leo từ lớp Một lên đến lớp Năm, rồi lại mỗi năm mỗi tụt xuống một lớp. Lại leo lên, lại tụt xuống, y như ngày xưa người ta leo cột mỡ, quanh đi quẩn lại đến nay lớn xộn vẫn còn ở lớp Tư.

 Thằng Lực đã hết cau có, phì cười nói khôi hài:

 - Không biết chừng cuối năm nay ông ấy dám “lên” lớp Ba cho mà coi!

 - Dám lắm! – Lợi trả lời, nét mặt nghiêm trang.

 Thằng Ngoan, đứa thứ tư trong bọn, lên tiếng:

 - Tao chắc gia đình nó bê bối, thả lỏng cho nó chơi rông tối ngày, không ai nhòm ngó chi đến bài vở của nó chứ gì.

 - Khỏi có bê bối đi! – Lợi hăng hái cãi – Mày biết ba anh ấy là ai không? Bác sĩ lận. Ông bác sĩ Hòa hay chữa thí cho người ta đó! Ông nội anh ấy cũng là giáo sư nữa chứ bộ giỡn sao! Ai cũng dư sức nhồi cả đống chữ vào trong đầu ảnh, nhưng chữ vẫn không chịu vô mới ức người ta chứ!

 Thằng Lực cười hì hì, vỗ tay vào đùi bôm bốp, có vẻ khoái chí.

 - Tao hiểu rồi – nó nói – Tao hiểu vì sao người ta gọi nó là thằng Thuận đầu bò rồi. Có phải vì nó quá tối dạ nên thầy giáo hay bạn bè mới sỉ vả nó như vậy không, hả Lợi?

 - Đúng – Lợi gật đầu đáp – nhưng cũng chỉ đúng có một phần mà thôi. Phần khác, người ta cho anh ấy là đầu bò đầu bướu vì anh ấy bướng bỉnh không chịu được. Có điều cái bướng của anh ấy là cái bướng hay mà chúng ta phải học. Anh Lộc tao bảo đó là cái tính bất khuất của người anh hùng. Nghĩa là khi nhận thấy mình có lẽ phải nhất định bênh vực lẽ phải đó cho bằng được. Có lần anh ấy dám đánh nhau với hai tên anh chị to lớn, mặt mũi dữ dằn, để che chở cho một thằng nhỏ bị chúng hà hiếp. Anh ấy yếu sức, yếu thế bị đòn đau nhưng không chịu lùi bước, rốt cuộc hai thằng kia sợ cái gan lì của anh ấy mà phải chào thua đó.

 - Thảo nào – Thằng Lực kết luận – thảo nào tao thấy thằng Lợi sợ nó một phép. Cả tao, tao cũng đâm ra phục nó nữa mới chết chứ!

 Bốn đứa kéo nhau bề, vẫn tiếp tục nói chuyện huyên thuyên.

 Hiệp thở dài, nổ máy cho xe lướt nhẹ trên những vũng nắng đọng rải rác trên mặt đường láng bóng. Gió reo vui trong lá, nhưng lòng người bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn, buồn nhiều hơn vui…

Chương 02

TRONG GIA ĐÌNH

Đang ngồi đọc báo, Hiệp nghe tiếng cửa mở, ngửng đầu lên, ngó thấy bà Hòa, người chị dâu, vừa bước vào vừa niềm nở hỏi han:

 - Chú ba đã đi làm về đấy à?

 - Thưa chị vâng – Hiệp đáp – chị đi đâu về mà em thấy chị có ý vui tươi hơn mọi ngày?

- Tôi lại đàng trường thằng cháu Thuận đó chú.

 Ngồi xuống chiếc ghế bành trước mặt em, bà Hòa thong thả kể:

 - Thế này, chiều qua tôi nhận được thư ông Hiệu trưởng mời tới trường để nói về việc học của cháu. Mấy năm nay, mỗi lần nhận được thư mời như vậy là y như rằng ông ấy cho hay thằng cháu của chú học không được, phải xuống lớp. Tôi rầu hết sức. Ông và ba nó cũng buồn không kém. Bởi vậy, lần này được thư, tôi lại trường mà không trình ông hay trước, cũng không cho ba nó hay luôn nữa. May sao bữa nay “hên”. Trông nét mặt của ông Hiệu trưởng và nụ cười của ông ấy, tôi yên tâm được phần nào. Quả nhiên ông ấy hân hoan báo cho biết cháu đã có tiến bộ đôi chút, nếu cố gắng cuối năm có thể lên lớp được…

Ngưng mấy giây để lấy hơi, bà Hòa nói tiếp:

- Tôi cứ lo ngay ngáy phen này cháu phải xuống lớp Ba thì cực không biết thế nào mà kể.

- Ông Hiệu trưởng có cho biết hạnh kiểm của cháu ra sao không hả chị?

- Có chứ! Trường này tuy nhỏ nhưng lo việc giáo dục rất đứng đắn. Bao giờ hạnh kiểm cũng được chú trọng đến trước việc học hành. Và cháu chú tháng nào cũng được điểm hạnh kiểm tối đa, 10 trên 10, đó chú.

- Vâng, vậy cũng mừng – Hiệp nói – Chứ học đã kém mà hạnh kiểm lại bết bát thì thật là “hết thuốc chữa”.

Bà Hòa tâm sự với em:

- Nói chú mừng, lần nào ông Hiệu trưởng cũng khen cháu có hạnh kiểm gương mẫu, anh chị cũng được an ủi phần nào. Ông ấy thường nói như thế này : Học sinh chỉ cần hiền, ngoan, lễ phép là đủ được 10 trên 10 điểm hạnh kiểm một cách dễ dàng. Cháu Thuận không những hiền, ngoan, mà còn rất tốt bụng, hay bênh vực kẻ yếu và thích giúp đỡ mọi người. Cháu xứng đáng được một số điểm gấp đôi, nhưng tôi rất tiếc không thể phê điểm ra ngoài thông lệ được. Do đó, tôi xin nhắc lại, tôi quý cháu lắm nên vẫn giữ cháu ở đây để cố gắng làm sao cho một ngày kia trí tuệ cháu được mở mang cho bằng người ta.

- Vậy ra – Hiệp nói – việc học của cháu chẳng những là một nỗi gian truân đối với gia đình ta mà còn là một thử thách đối với trường học của cháu nữa.

- Phải rồi – bà Hòa nói – Tuy nhiên, ông Hiệu trưởng có lo cũng lo có chừng, chứ ba nó lo, tôi thấy thật tội. Ai đời làm việc suốt ngày ở nhà thương, tối về ăn vội vàng miếng cơm rồi xoay trần ra dạy con học mà chẳng thấy tiến bộ được chút xíu nào, chú bảo có tức không chứ! Anh ấy kiên nhẫn hết sức, cố không đánh con, không sỉ vả con, song đôi lúc giận quá cũng không dằn được, thế là quát tháo ầm nhà, rốt cuộc cháu đã tối dạ lại càng thêm rối trí. Nghĩ tội cho cả hai cha con!

- Nhưng dù sao cũng tội cho thằng con hơn!

Bác sĩ Hòa về từ lúc nào không ai nghe thấy tiếng xe, mở cửa bước vào góp chuyện. Ông đăm chiêu ngồi xuống, tiếp:

- Trông mặt cháu nó lúc ngồi học thấy tội nghiệp vô cùng, chú ạ! Đôi mi mắt nặng nề sụp xuống khiến cho toàn khuôn mặt của nó có một nét đần độn lạ thường. Nghĩ xót xa cho con, lại chua xót luôn cả cho chính mình.

Ông Hòa bước tới trường kỷ ngồi xuống cạnh Hiệp trong khi bà Hòa đứng dậy lấy nước cho chồng giải khát với em.

- Chú ba à – ông Hòa tâm sự - từ ngày ông thấy tôi nổi nóng đánh mắng cháu, ông không cho tôi kèm cháu nữa. Ông có tuổi, ông kiên nhẫn hơn, khoa sư phạm lại là nghề tay mặt của ông nữa nên dậy cháu có tiến bộ hơn đôi chút.

- Mình à – bà Hòa hỏi chồng – có khi nó tiến bộ nhờ những lúc nó học truyền khẩu với chú sau những buổi tập võ ngoài vườn cũng chưa biết chừng.

- Không biết nữa – ông Hòa mỉm cười đáp – Chỉ những khi thằng Thuận tập võ, tôi mới thấy những nét thông minh của nó xuất hiện. Từ ngày chú đổi về đây, mãi đến hôm nghỉ cuối tuần lễ trước, tôi mới có dịp coi chú dậy cháu đánh quyền, tôi nhận thấy đôi mắt của cháu quắc lên thật sáng. Tôi nghĩ mắt ấy phải là mắt của một người thông minh mới phải. Bữa ấy tôi nhận thấy : học với tôi, cháu như một con cá tội nghiệp mắc cạn, khác hẳn lúc tập với chú, nó như loài thủy tộc được vẫy vùng dưới nước.

- Hay là mình cho con theo nghiệp võ? – Bà Hòa nhỏ nhẹ ướm lời.

- Văn hay võ không thành vấn đề – ông Hòa trả lời – điều cốt yếu là phải có một căn bản học trước đã. Không lẽ để cho con cam phận làm lính i tờ hay sao?

- Thưa anh – Hiệp nói – em nghiệm thấy cháu chỉ học chữ là không kham, thuộc đó rồi quên ngay đó, còn học võ thì cháu sáng dạ lắm. Ngoài ra, kiến thức thông thường của cháu cũng không đến nỗi tệ. Em nghĩ hay là cơ thể của cháu có một cái gì không ổn.

- Có lẽ thế – ông Hòa đáp – tôi cũng nghĩ vậy. Tôi đã gia công nghiên cứu mà chưa rõ được nguyên nhân…

Khi bà Hòa vào nhà trong lo cơm nước, ông Hòa đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng một lúc như đắn đo suy nghĩ, rồi lại ngồi xuống cạnh em tâm sự:

- Nếu cháu bệnh, anh có bổn phận phải chữa cho kỳ lành mới thôi, chú nghĩ coi ai đời cha làm bác sĩ mà con học hành dốt nát quá như vậy. Lắm lúc nghĩ mà mắc cỡ.

- Anh cũng đừng quá nghĩ ngợi – Hiệp khuyên – Buồn là buồn chung cho cả gia đình, chứ không riêng gì anh hay cháu…

- Không, chú hiểu lầm tôi – ông Hòa mỉm cười ngắt lời em – Không phải tôi mắc cỡ vì có con học dốt, mà mắc cỡ vì không chữa được cho con khỏi dốt. Mắc cỡ hơn một bực nữa là mình làm thuốc mà xét ra không có từ tâm bằng nó…

Ông Hòa hăng hái nói tiếp trong khi Hiệp ngơ ngác không hiểu kịp ý người anh:

- Như chú thấy, tôi muốn giữ tròn đạo làm thầy của một lương y nên suốt ngày tận tụy ở nhà thương và không hề nghĩ đến chuyện mở phòng mạch tư như người ta. Ai ngờ chính thằng cháu ngu đần của chú lại có sáng kiến thúc đẩy cha nó mở một phòng mạch nho nhỏ ở nhà. Để chi, chú biết không? Để chữa miễn phí cho bà con cô bác ở quanh đây, trong những hẻm bùn lầy nước đọng. Họ quá nghèo để vào bệnh viện tư, và quá bận về sinh kế để có thì giờ chầu chực tại các bệnh viện công. Thành thử phòng mạch của tôi được việc cho họ vô cùng. Và tôi cảm thấy mình hữu ích cho đồng bào hơn trước.

- Vậy mà khi mới đổi về đây, em cứ tưởng anh mở phòng mạch để đỡ đần thêm cho chị chút đỉnh đấy chứ!

- Đã hết đâu chú! Từ ngày ông nội thấy tôi hay gắt mắng cháu, ông không cho tôi dậy cháu nữa. Mỗi ngày ông dành ra ít giờ kèm riêng cho cháu. Được mấy hôm, cháu chú đã tỉ tê xin với ông nội dậy luôn cho ít chục đứa nhỏ thất học trong xóm. Ông nội ừ rồi, nó lại nhõng nhẽo bắt bà nội và mẹ nó khâu vá những quần áo cũ còn tốt cho những gia đình quá rách.

- Ái chà – Hiệp bật cười lớn – thằng nhỏ vậy mà có óc lãnh đạo. Thế nào cũng có ngày cậu cả bắt chú cậu dậy võ cho tất cả các trẻ con trong khu phố!

- Dám lắm, chú ơi! – bà Hòa từ trong nhà bước ra góp chuyện – Ông bảo thằng bé này tuy tư chất kém cỏi nhưng ngày sau có thể khá được vì, ông nói, nó biết “trồng cây Đức”. Ông dậy cả nhà phải lo làm điều lành để phúc lại cho con cháu…

Ông Hòa cười hề hề bảo vợ và em trai:

- Đó là những chuyện siêu hình, tôi không dám có ý kiến sợ cụ chửi chết. Nhưng tôi nghĩ nếu mình làm điều lành chỉ cốt để cầu hưởng phúc về sau, chẳng hóa ra mình cầu lợi bằng cách “đầu tư” cho tương lai sao? Theo ý tôi, tất cả những gì gia đình ta có thể làm cho xã hội chỉ là một đóng góp nhỏ nhoi giúp san bằng những chênh lệch quá đáng và có quá nhiều ở chung quanh ta mà thôi.

Trời đất sinh ra con người, ai cũng như ai. Thế mà ta ở nhà lầu, áo quần lành lặn, con cái được ăn học đàng hoàng, trong khi cách đây chỉ ba bước, thiên hạ chui rúc trong những căn nhà ổ chuột, áo quần rách rưới, trẻ con thất học, lêu lổng… Sự bất công thật quá rõ ràng. Mình không tạo ra nó, nhưng chính mình nghiễm nhiên hưởng thụ nó, mới chết chứ! Cho nên tôi nghĩ mình có làm phước được tí nào chẳng qua cũng chỉ để cho mình khỏi tự thẹn với chính mình mà thôi…

Ông bác sĩ đang nói thao thao thì Thuận và Thuần, chị nó, đi học về, cùng bước vào phòng khách.

- Thưa ba má, thưa chú, con đi học đã về.

- Ờ, Thuận hôm nay có thuộc bài không?

Hiệp kéo Thuận vào lòng. Nó sịu mặt thưa:

- Thưa chú, cháu xui quá! Chiều nay con tưởng lượm ngon ơ 20 điểm, ai ngờ suýt nữa bị ăn hột vịt.

- Sao vậy? Lại không thuộc bài chứ gì? – Hiệp hỏi.

- Không phải. Con có thuộc nhưng cô không kêu trả bài. Cô hỏi một câu để thử coi học trò có hiểu rõ bài không. Con giơ tay xin trả lời. Nhiều đứa cũng giơ tay. Cô trỏ con. Con đứng lên, nói được một câu suôn sẻ, thấy cô gật đầu đã mừng, rồi bỗng dưng con quên khuấy hết những gì phải nói tiếp. Một phút trước, dường như con thấy câu trả lời hiện ra thật rõ trong đầu óc con như được viết bằng phấn trắng trên một tấm bảng đen. Nhưng một phút sau, tất cả dường như bị một bàn tay vô hình xóa hết đi, không còn một nét. Chưng hửng, con đứng ì ra, không nói tiếp được, mắc cỡ hết sức. May cô thông cảm nên không trách mắng và cũng không cho điểm xấu.

Hiệp ôn tồn gạn hỏi:

- Cái điều con vừa nói với chú là một “hiện tượng”. Vậy cái hiện tượng ấy có thường xẩy ra cho con không?

- Thưa chú, có. Nhiều bài ông giảng lại cho con, con nhớ ngay và khi trả bài, tưởng chừng có thể đọc rành mạch từng hàng chữ viết rõ ràng trong óc. Ác cái những hàng chữ ấy thoắt hiện thoắt mờ, nên nhiều khi tưởng thuộc mười mươi bỗng hóa ra chẳng thuộc một chữ nào.

Thuận nói tiếp trong khi Hiệp còn trầm ngâm suy nghĩ:

- Chú à, có lúc nằm chơi nghe chị Thuần học, con cũng hiểu đôi chút và cũng có khi thuộc từng đoạn nữa. Con không dám khoe vì sợ chị mắng là nói láo. Có lần chị làm toán viết sai mấy con số trên bảng, con bảo chị và định sửa lại giùm cho chị, nhưng vừa cầm cục phấn bỗng quên không biết phải sửa ra sao…

Thuần nẫy giờ ngồi thủ thỉ cạnh mẹ bỗng nói xen vào:

- Thưa chú, đúng như vậy đó. Con coi lại quả nhiên con toán ấy sai. Kể cũng lạ, chú nhỉ?

- Giá tấm bảng trong óc con không bị xóa hoài hoài một cách ngang xương như vậy, có phải sung sướng biết bao không! – Thuận than thở.

- Vậy thì em tôi thành nhà thông thái mấy hồi! – Thuần cười trêu em.

- Và giỏi hơn chị là cái chắc! – Thuận cũng cười trêu lại.

- Còn lâu, em ơi!

- Rồi chị coi! – Thuận nói với nhiều tin tưởng – Để rồi chị coi. Em có cảm giác một ngày không xa, em sẽ vỡ trí và không còn cù lần như thế này mãi đâu.

Xem tiếp chương 3 & 4