Bông Uất-Kim-Hương Đen - Loại Hoa Đỏ

          Tủ sách Tuổi Hoa

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

Chương 5 & 6

Chương 7 & 8

   Chương 9 (hết)

Nguồn: THU HỒ sưu tầm, scan và LAN NGUYỄN đánh máy.

--------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 01

Ai cũng biết là có rất ít người được hưởng một cuộc sống thật sự sung sướng trên thế giới này. Nhưng, Văn-Bách lại là một trong số người may mắn ấy. Văn-Bách sống ở Đốc, một tỉnh lỵ nhỏ của Vương quốc Hòa Lan. Anh là một Y sĩ trẻ tuổi nhất tỉnh nhà, nhưng sau khi cha anh qua đời, đã bỏ nghề y sĩ.

Cha của Văn-Bách lúc sinh thời, là một thương gia được nhiều người biết tiếng. Trong cuộc sống ông đã dành dụm được một ít tiền bạc dự định sẽ dành tất cả sản nghiệp mồ hôi nước mắt cho Văn - Bách sau này. Cho nên, khi gần qua đời, ông kêu Văn-Bách đến gần:

- Con yêu dấu của cha! Từ khi mẹ con qua đời đến bây giờ, cha chỉ còn mỗi mình con. Nay cha biết cha không còn sống được bao lâu nữa, cha cầu mong cho con may mắn nhiều trên đường đời. Như cha, suốt ngày trong văn phòng, cha biết đó không phải là một đời sống sung sướng. Cha cầu mong con không phải như cha, một thương gia, cũng sẽ không như chú Vũ-Bình, một chính trị gia nổi tiếng. Đó là những đời sống bận rộn và phiền toái vô cùng. Cha mong con sẽ có một đời sống êm đềm và yên lành hơn cha, hơn hết cả mọi người. Đó mới là đời sống sung sướng. Cha đã dành dụm được môt tí tiền, một gia tài nhỏ cho con, con có thể hưởng dụng suốt đời.

Bây giờ là năm 1670.

Ít lâu sau, cha Văn-Bách qua đời. Chàng trơ trọi trong ngôi nhà rộng lớn của cha để lại với một bà quản gia già giúp việc. Văn-Bách đóng cửa phòng mạch, chỉ nhận chữa bệnh cho mọi người với tính cách giúp đỡ mà thôi. Ngoài ra, anh không còn cách nào để qua thời giờ. Cuối cùng, anh quyết định dành hết thời giờ rảnh rỗi để trồng hoa Uất Kim Hương. Sau nhà Văn-Bách có một thửa vườn khá lớn, Văn-Bách lo sưu tầm các giống mới lạ về gây trong vườn. Có thể nói vườn hoa của chàng không thua bất cứ vườn hoa nào khác. Anh trồng riêng các giống hoa này trong một căn phòng kính.

Cũng nên biết thời kỳ này, dân Hòa Lan rất ít trồng hoa Uất Kim Hương và người ta đã dành những phần thưởng lớn trao cho bất cứ ai gây được giống Uất Kim Hương mớI hay một màu sắc mới lạ.

Cạnh nhà Văn-Bách là nhà của Ba Tốn. Ông ta cũng là một nhà chuyên trồng hoa và sinh sống nhờ nghề bán hoa. Ba Tốn không được giàu có như Văn-Bách. Ông ta lo sợ rằng người thanh niên giàu có kia sẽ trồng được những loại hoa tốt hơn của mình, nhất là hoa Uất Kim Hương. Ba Tốn luôn theo dõi công việc trồng hoa của Văn-Bách, không bỏ sót một cử chỉ nào của chàng. Muốn cho việc theo dõi được dễ dàng, ông ta mua ngay một cái ống nhòm, để có thể quan sát ngay cả trong nhà kính qua khung cửa sổ nhà Văn-Bách. Trong căn phòng đó, Văn-Bách đang làm việt với những hạt giống và những bọc nhỏ bằng kính (hoa Uất Kim Hương được mọc lên trong những bọc kính ấy). Cho đến một ngày kia, Ba Tốn thấy vườn hoa nhà Văn-Bách đã nở đầy những bông hoa rực rỡ, kiêu sa. Ngay đêm hôm ấy, ông ta bắt một cặp mèo, lấy dây buộc chúng vào với nhau rồi ném qua bờ tường nhà Văn-Bách.

Hai con mèo rớt xuống vườn, vùng vẫy cố thoát khỏi sợi dây buộc và làm nát gần hết những bông hoa của Văn-Bách. Sáng hôm sau thấy cảnh tượng ấy, Văn-Bách buồn lắm. Hai con mèo đã cắn đứt dây bỏ đi từ lúc nào rồi. Chàng nhờ bà quản gia già canh giữ vườn hoa cẩn thận hơn, hầu tránh chuyện rủi ro đáng tiếc như vừa rồi.

Trong thời gian đó, một giải thưởng lớn nhất sẽ được trao cho người nào có thể trồng được cây hoa Uất-Kim-Hương màu đen, thật đen, và không được dùng bất cứ một phẩm chất nào cả. Nghĩa là nó phải được trồng tự nhiên, với đất, nước và ánh sáng. Giải thưởng này lên tới một trăm ngàn đồng tiền vàng và người trao giải thưởng ấy là ông Hoàng-Thế-Diễn, Hội trưởng Hội trồng hoa của Hòa-Lan ở Hà-Lâm.

Biết được tin ấy, Văn-Bách bắt tay ngày vào công việc trồng hoa Uất-Kim-Hương đen. Ban đầu, anh trồng được những cây Uất-Kim-Hương màu đỏ thẫm. Sau đó, từ những cây đỏ thẫm anh trồng thành những cây màu nâu. Năm sau, anh đã có những cây Uất-Kim-Hương thật nâu. Anh rất có hy vọng thành công.

Ba Tốn cũng không kém gì Văn-Bách. Trong thời gian này, ông ta cũng trồng hoa Uất-Kim-Hương đen để mong đoạt được giải thưởng kếch sù kia. Những cây Uất-Kim-Hương của ông cũng đã trở thành màu nâu nhưng chỉ là màu nâu lạt. Không như Văn-Bách, Ba Tốn chán nản rồi đâm ra tức giận, bỏ luôn công việc đang làm dở dang ấy. Ông ta không biết làm gì hơn ngoài việc dòm ngó Văn-Bách. Ông ngồi nơi cửa sổ với chiếc ống nhòm và nhìn Văn-Bách cặm cụi trong phòng với những bọc kính và những hạt giống của anh. Anh hỗn hợp loại Uất-Kim-Hương nầy với loại Uất-Kim-Hương kia hầu có thể tạo ra một loại Uất-Kim-Hương hoa đen. Càng xem xét Văn-Bách làm việc, Ba Tốn càng ghen ghét với anh hơn.

Vào dịp ấy, Phạm Vũ Bình đến Đốc. Ông là một chính trị gia có lập trường đối lập với chính quyền Hòa Lan lúc bấy giờ.

Vũ Bình đến nhà Văn-Bách vào buổi chiều. Bấy giờ là tháng Giêng 1672. Bước vào nhà, Vũ Bình lặng người đi một lúc, ông nhìn toàn thể gian phòng, vẫn cái bàn ấy, ghế ấy, đồ vật ấy, bao nhiêu thứ gợi lại cho ông hình ảnh của người bạn thân thiết của ông. Văn-Bách đứng cạnh ông, yên lặng. Một lúc, Vũ Bình quay sang Văn Bách, trìu mến:

- Chú muốn nói chuyệm riêng với cháu vài phút.

Văn Bách đáp:

- Mời chú sang phòng ương hạt giống của cháu.

Cả hai chú cháu đều không biết rằng: trong lúc đó, mọi cử chỉ của họ đều lọt vào mắt Ba Tốn, đang ngồi sau cửa sổ với chiếc ống dòm.

Văn Bách cầm lấy một cây đèn và dẫn Vũ Bình đến phòng hạt giống. Ở đây bày biện đơn sơ một chiếc giường nhỏ, một cái tủ, một cái bàn và vài thứ lặt vặt. Một cái hộp lớn để ở giữa bàn với những hạt giống và bầu kính ở trong. Lúc này, Ba Tốn quan sát cẩn thận hơn lúc nào hết. Hắn nhìn thấy ánh đèn lọt vào trong phòng qua cánh cửa mở, rồi chú cháu Văn Bách bước vào. Ba Tốn nhìn Vũ Bình là người như thế nào rồi.

Vũ Bình nói chuyện gì với Văn Bách trông có vẻ bí mật lắm. Ba Tốn không thể đoán những lời đối thoại của hai người. Nhưng sau đó, hắn thấy Vũ Bình lấy từ trong người ra một số những giấy tờ và bỏ tất cả vào một phong bì lớn dán kín lại rồi đưa cho Văn Bách, dặn dò một vài điều gì đó. Ba Tốn đoán là những giấy tờ rất quan trọng có liên quan đến chính trị. Nhưng hắn không hiểu tại sao những giấy tờ ấy lại được đưa cho Văn Bách, một người không lấy gì làm thích thú với những vấn đề chính trị cả.

Ba Tốn cũng dư biết rằng dân chúng Hòa Lan không ưa gì Vũ Bình. Càng ngày họ càng ghét ông ta nhiều hơn vì đường lối chính trị của ông. Có lẽ những tờ giấy ấy có chứa đưng một vài bí mật chính trị nào đó mà Vũ Bình cần giữ bí mật.

Văn Bách sau đó cầm phong bì bỏ vào trong hộp đưng bầu kính Uất Kim Hương của anh rồi đóng lại. Vũ Bình dặn dò một vài điều nữa rồi bắt tay Vũ Bình một cách thân mật. Hai người bước ra khỏi phòng, cánh cửa khép kín lại. Một lát sau đó, Vũ Bình lên đường.

Những điều Ba Tốn đoán rất đúng với sự thực. Những tờ giấy mà Vũ Bình đã đưa cho Văn Bách là mật thư gởi cho Hoàng Đế nước Pháp. Nhưng Vũ Bình đã cẩn thận không nói gì với đứa con của bạn ông cả. Ông chỉ dặn chàng hãy gìn giữ chúng cẩn thận, không được đưa cho một ai ngoại trừ chính tay một người thân tính do ông gởi tới.

Về phần Văn Bách, anh bỏ phong bì bí mật vào đáy hộp và không quan tâm đến nó nữa.

Chương 02

Vào ngày 20 tháng 8 nam 1671, tại Hạ Ngân, thủ đô Hòa Lan. Trên đường phố, đầy những người mang vũ khí, lăng xăng chạy qua chạy lại trước cửa chính nhà giam.

Bên ngoài nhà giam, nơi cửa chính: một đại đội kỵ mã vất vả ngăn chặn đám đông dân chúng đang muốn ùa vào bên trong. Và bên trong nhà giam là Vũ Bình và em ông ta, Vũ Bảo.

Tiêng của đám đông dân chúng vang lên:

-Anh em Vũ Bình không thể thoát được! Giết chúng ngay đi !

Toán binh lính dàn hàng ngang bên ngoài nhà giam vẫn không xê dịch. Họ đang cố gắng ngăn cản sự cuồng nộ của đám đông. Tiếng la của đám đông vẫn không ngớt vang lên:

- Giết ngay anh em tên Vũ Bình!

Viên Đại úy chỉ huy đội lính thuc ngựa tiến tới, hét lớn:

- Mấy người muốn gì?

- Chúng tôi muốn anh em Vũ Bình! Chúng tôi muốn giết họ!

Viên Đại úy nói lớn:

- Tôi ra lệnh không một ai được đến gần nhà giam, nếu mấy người không nghe, bắt buộc tôi phải nổ súng.

Đám đông lùi lại, viên Đại úy dõng dạc tiếp:

- Anh em Vũ Bình sẽ được pháp luật xét xử, ngoài ra không ai được đụng chạm tới họ.

Lúc ấy, bên trong nhà giam, Vũ Bình đang nằm trên giường bệnh. Vũ Bảo đứng bên cạnh:

- Anh Vũ Bình, cảm thấy đỡ nhiều không? Hiện giờ có một chiếc xe đợi ta ở cửa sau. Tất cả đã sẵn sàng để chúng ta co thể trốn ngay đi được.

Vũ Bình mệt nhọc hỏi em:

- Anh nghe có những tiếng la ó ở bên ngoài. Anh không nghe lầm đấy chứ?

- Vâng! Đám đông dân chúng. Họ muốn giết chúng ta vì những lá thư của ta gởi cho Hoàng đế Pháp quốc đã bị bại lộ.

Vũ Bảo nghiến răng tiếp:

- Em thực không hiểu tại sao họ lại biết chúng ta viết những lá thư đó. Chắc hẳn phải có ai tố cáo? À nầy, hiện giờ anh giấu chúng ở đâu, hả anh?

- Thì vẫn ở nhà cháu Văn Bách! Anh đã đưa hết cả cho nó giữ!

Vũ Bảo chau mày:

- Văn Bách . Em không tin là nó lại nỡ hại chúng ta!

- Đừng nghĩ xấu cho nó, Bảo!

Vũ Bảo xua tay:

-Ồ, không! Không phải! Nhưng nguy hiểm cho nó quá. Nó không biết một tý gì về vấn đề này. Nhưng nếu những mật thư ấy bị tìm thấy trong nhà nó, chắc chắn nó sẽ bị giết chết hoặc ít nhất cũng bị tống giam.

Từ phía dưới đường, tiếng la ó của đám đông lại vang lên:

- Giết chết anh em Vũ Bình đi ! Đồ phản trắc!

Trong phòng, Vũ Bảo hối hả:

- Anh Bình! Những lá thứ ấy phải được thủ tiêu. Chúng ta phải báo cho cháu Văn Bách biết ngay. Càng sớm càng tốt.

Vũ Bình hỏi:

- Nhưng, nhờ ai được bây giờ?

Vũ Bảo nói ngay:

- Nhờ chú Chánh, người giúp việc của em, chú ấy hiện có mặt ở đây. Lẹ lên, anh Vũ Bình!

Vũ Bình cầm lấy quyển thánh kinh của ông đang để trên bàn. Ông xé ngay một tờ của quyển sách và gượng ngồi dậy, viết vào đó:

20 tháng 8 năm 1672

Cháu Văn Bách mến,

Cháu hãy đốt ngay những lá thư mà chú đã đưa cho cháu, đừng xem những gì viết trong đó. Nó không có lợi gì cho cháu khi biết những điều trong đó. Thủ tiêu nó là cháu đã cứu được mang sống và danh dự của Vũ Bình, Vũ Bảo.

Vũ Bình

Vũ Bảo cầm lá thư đưa cho người giúp việc trung thành của mình:

- Chú đem ngay đến cho Văn Bách nhé!

Chánh lo lắng:

- Thưa vâng! Tôi hiểu .... nhưng còn ông...,??

- Cám ơn chú! Để mặc chúng tôi lo, chú cứ yên tâm !

Chánh ngần ngừ một lát, rồi vụt chạy đi.

Bên ngoài, tiếng la hét vẫn tiếp tục. Vũ Bảo đỡ anh đứng dậy:

- Chúng ta phải trốn mau.

Một người đàn ông len lỏi qua đám đông, tiến tới trước mặt viên Đại úy, nói lớn:

- Tôi đem tới một sắc lệnh của chánh quyền ở đây. Lệnh truyền cho Đại úy rút binh về.

Đám đông dân chúng nhốn nháo, họ ùa đến gần toán lính. Viên Sĩ Quan hét lớn:

- Dừng lại! Không tôi sẽ bắn....

Tiếng người đàn ông vang lên:

- Xin Đại úy hãy đọc sắc lệnh và cho lính rút lui ngay lập tức!

Viên Sĩ Quan thoáng thất vọng lẩm bẩm:

"Nghĩa là anh em Vũ Bình phải chết. Nhưng lệnh là lệnh! Phải tuân hành."

Ông ghìm cương ngựa hét lớn:

- Anh em binh sĩ, quay lại. Đi!

Đám lính và toán kỵ mã lục tục di chuyển.

Vũ Bình bước xuống giường, Vũ Bảo khoác lên người anh tấm áo choàng. Cả hai rời khỏi căn phòng. Vũ Bảo nói với anh:

- Cháu Mỹ Lan đang đợi chúng ta ở cầu thang. Chắc nó nóng lòng lắm.

- Làm gì vậy?

- Anh không biết ư? Nó giúp chúng ta trốn đấy!

- Ồ !

Mỹ Lan đã đứng dưới chân cầu thang. Nàng là con gái của vị quản ngục Nguyễn Quân. Nàng xinh đẹp lắm và khoảng mười tám tuổi. Trông thấy Vũ Bình và Vũ Bảo, Mỹ Lan hấp tấp chạy đến:

- Hai chú ơi!

- Gì đó, cháu?

- Hai chú đừng nên ra ngoài và xuống dưới đường. Những ngườI lính đã dời đi rồi, dân chúng sẽ giết hai chú nếu họ nhìn thấy hai chú.

- Vậy chúng ta chịu chết hay sao?

- Không, hai chú sẽ đi bằng cửa sau, trông ra một con đường nhỏ. Cháu đã dặn sẵn người đánh xe đợi hai chú ngoài đó. Mau đi hai chú!

- Liệu cha cháu có mở cửa cho không?

- Cháu biết cha cháu không đời nào mở cửa đâu, nhưng cháu đã lấy được chìa khóa của cha cháu rồi. Đây này, chú!

Vũ Bình cảm động:

- Ồ, cháu tôi! Chú không biết làm sao để cám ơn cháu cho được. Cháu tốt quá! Chú không còn gì cả ngoại trừ cuốn thánh kinh mà cháu có thể tìm thấy ngay trong phòng chú. Chú biết cháu không đọc được nhưng chú tin rằng một ngày nào đó rồi đây sẽ dạy cháu. Đó là quà tặng cuối cùng của một người đàn ông đang cố gắng cứu lấy quốc gia mình. Sau cùng, chú hy vọng nó sẽ mang lại cho cháu những điều tốt đẹp.

- Cháu cám ơn chú, cháu sẽ giữ nó luôn luôn, cháu mong ước sẽ biết được cách đọc nó.

Tiếng hò hét của dân chúng càng lúc càng tới gần hơn. Mỹ Lan giục:

- Họ tới kìa! Nhanh lên mấy chú!

Ba người bước nhanh xuống thang lầu, họ băng qua một cái sân nhỏ. Một cái cửa nhỏ đã mở sẵn, họ đi qua và băng sang đường. Một cỗ xe đang đợi sẵn.

- Hai chú đi bình an. Cháu phải về kẻo cha cháu mong.

- Tạm biệt cháu ! - Vũ Bình, Vũ Bảo cùng nói.

- Nhanh lên! Dân chúng đang phá cửa vào kìa !

Chuyến xe lăn bánh, chạy được một lúc, Vũ Bình, Vũ Bảo đã đến cổng sau cùng của thành phố, nhưng cánh cổng đã đóng kín. Người đánh xe giục giã:

- Mở mau! Mở cửa ra! Mở cổng ra!

Một người đàn ông chạy ra, ý chừng như là người gác cổng. Người đánh xe la lớn:

- Chúng tôi có chuyện gấp! Mở cổng ra!

- Không thể mở được, chìa khóa đã bị lấy mất rồi!

Tình hình nguy cấp, biết chần chờ mãi cũng không yên, Vũ Bảo thò đầu ra khỏi xe kêu:

- Xà ích, chúng ta cố gắng đi qua cổng khác vậy.

Chiếc xe quay đầu lại. Bốn con ngựa lồng lên một lúc rồi vụt chạy. Tiếng vó ngựa lộp cộp nghe rộn rã cả một góc phố. Bỗng một vài người võ trang xuất hiện chung quanh ngã tư, rồi một số khác ùa ra bao vây chiếc xe, Vũ Bảo hối thúc:

- Nhanh lên! Nhanh lên!

Một người đàn ông đứng giữa đường dang hai tay cảm chiếc xe, hét lớn.

- Đứng lại!

Chiếc xe vụt qua. Người đàn ông bị hất văng xuống mặt lộ, bánh xe cán qua người gã. Một tiếng thét rùng rợn vang lên. Nhiều người nữa, túa ra đường cang lúc càng đông. Vũ Bình ngồi trong xe hốt hoảng:

- Dừng lại! Chúng ta phải rời chiếc xe này ngay!

Một người đã bám vào một con ngựa đi đầu và ghì nó lại. Chiếc xe cố lết đi một khoảng rồi dừng lại. Dân chúng kéo Vũ Bình, Vũ Bảo ra khỏi cỗ xe. Vũ Bảo hốt hoảng:

- Anh tôi! Anh tôi đâu?

Vũ Bình lúc ấy đã nằm chết sóng soài trên mặt đường. Một người cầm khẩu súng chĩa vào đầu Vũ Bảo nhưng khẩu súng không nhả đạn. Hắn đưa khẩu súng lên cao đánh Vũ Bảo gục xuống đất.

Chẳng bao lâu, xác của hai anh em Vũ Bình đã bị đem treo lên một cành cây đại bên ngoài nhà ngục. Việc làm ghê rợn của dân chúng đã hoàn tất.

Xem tiếp chương 3 & 4