Trong cặp nến hồng - Chương 5 & 6

Chương 5

SÁNG SỚM HÔM SAU

 

Vốn biết tính ông giáo tuy là một con người khoáng đạt thích giúp ích mọi người và không câu nệ giờ giấc, nhưng rất không ưa lãng phí thì giờ trong những vụ đợi chờ vô vị nên ông Ba đã quần áo chỉnh tề thật sớm để khỏi mang tiếng là người trễ hẹn.

Đúng lúc máy truyền thanh trong nhà cất tiếng "te te" báo hiệu bẩy giờ, ông Ba giơ tay bấm chuông trước cổng biệt thự ở đầu hẻm vừa được ánh nắng ban mai mạ lên trên một lớp vàng tươi sáng.

- Ông Ba đúng hẹn quá ! Mời ông thưởng thức với tôi một tách cà phê đã. Cà phê nhà rang lấy, và vừa mới xay xong. Khá lắm !

Câu chuyện bắt đầu ở chỗ bất ngờ nhất đối với ông Ba.

- Đêm qua, ông Bắc nói, tôi đã tìm hiểu ý nghĩa của những hàng chữ số ông Hai để lại. Bây giờ tôi cần kiểm điểm lại xem có đúng hay không. Nhờ ông Ba soi sáng giùm những chỗ chưa được tỏ rõ lắm nhé.

- Dạ, xin ông giáo cứ hỏi. Tôi biết đến đâu xin thưa đến đấy.

- Vâng, cảm ơn ông Ba. Người bạn thân của gia đình ông Hai tên thật là chi nhỉ ?

- Dạ, anh ấy tên Tư. Cũng là thứ Tư nữa. Mọi người vẫn quen gọi ảnh là Anh Tư.

- À, thì ra Tư vừa là tên, vừa là thứ. Ông ấy có biệt hiệu gì nữa không, ông Ba ?

- Biệt hiệu của anh ấy cũng là ANH TƯ luôn.

Ông Bắc hỏi gặng :

- Không còn biệt danh hay bút hiệu nào khác nữa hay sao ?

Suy nghĩ giây lâu, ông Trực chậm rãi trả lời :

- Còn, anh ấy còn một bút hiệu. Thường ký là Tâm... Lâu, tôi quên khuấy đi mất, không nhớ anh ấy ký là Tâm gì nữa.

- Tâm Điền chăng ? Ông giáo nhắc.

Ông Ba vỗ đùi đánh đét một cái, nhẩy nhổm lên, mặt tươi như vừa có một ánh sáng bừng lên.

- Phải rồi ! Tâm Điền. Thế mà nghĩ mãi không ra ?

- Chắc ông Tâm Điền thường hay tâm sự với ông Hai ?

- Dạ, đúng như vậy đó. Hai ông ấy hợp ý nhau vô cùng. Quan điểm chính trị đã tương đồng, thơ văn xướng họa lại càng tương đắc. Hai ông ấy tin nhau còn hơn là anh em ruột thịt nữa kìa !

- Nếu tôi đoán không lầm, ông giáo nói, thì ông Tư tức Tâm Điền hoạt động chính trị trong vùng xôi đậu, tuy ngoài mặt làm việc cho bên kia, nhưng thực ra bên trong lại đứng mũi chịu sào để đỡ đòn cho lương dân bên này. Có phải thế không ạ ?

- Thưa, chính thế. Nếu không có anh Tư che chở cho thì khối người chết oan chết ức đấy, thưa ông giáo.

- Tôi hiểu. Công việc của ông Tư như vậy thật nguy hiểm. Chỉ sơ sẩy một chút là dám bị thủ tiêu ngay. Có chạy thoát thì cũng bị chúng tìm cách làm cho bên này nghi ngờ. Và một khi đã bị liệt vào hạng có thành tích bất hảo thì khó mà ngóc đầu lên được lắm.

- Vâng, vâng. Chị Hai tôi bảo chính vì lẽ ấy mà anh Tư đã giao cho anh Hai cất giữ những giấy tờ cần thiết để lúc cần đem ra chứng minh tấm lòng trung trực của anh.

- Tôi cũng đoán thế, ông giáo nói. Nhưng sao khi lâm chung, ông Hai không giao lại cho bà Hai cất giữ hay là bảo cho bà Hai biết rõ nơi chôn giấu ?

Ông Ba xua tay, lắc đầu, trả lời :

- Không được đâu. Nguy hiểm lắm, ông giáo ơi ! Ðàn bà thường không được kín chuyện lắm. Chỉ hở ra bằng một câu nói vô tình hay một cử chỉ vô ý, cũng đủ làm chết oan cả đám. Anh Hai tôi không cho chị Hai biết tí gì là đúng lắm.

Trầm ngâm giây lát, ông giáo hỏi một câu khiến ông Ba giật thót mình :

- Tôi hỏi thế này hơi đường đột một chút, ông Ba vui lòng bỏ lỗi cho nhé... Có phải nơi mộ ông Hai có dựng một tấm bia đẹp lắm phải không ?

- Dạ phải. Anh Hai tôi xưa có học Trường Bách Nghệ nên rất khéo chân khéo tay. Biết mình không qua khỏi được, anh cất công đi thửa cho mình một tấm bia để chính tay anh o bế chau chuốt từng li từng tí. Có điều lạ là anh dặn kỹ vợ con phải chôn tấm bia cho thật sâu, chỉ để ló lên một chút cho khỏi mất dấu thôi, chứ không được để lộ những hàng chữ khắc trên mặt đá.

Mắt ngó chiếc đồng hồ tròn treo trên tường, ông giáo kết luận :

- Vậy là phải. Ông Hai chu đáo lắm !

Ông khách ngơ ngác nghe chủ nhà nói tiếp :

- Ngày mai chủ nhật, ta có thể về quê tảo mộ ông Hai và nhân tiện xin về những giấy tờ cần thiết cho tự do và danh dự ông Tư. Đường sá bây giờ đã thông suốt, ta có thể sáng đi chiều về một cách không lấy gì làm vất vả. Vậy ông Ba về thưa chuyện với bà Hai thế này. Nếu bà Hai thấy không có điều chi trở ngại thì sáng sớm mai, tôi xin đánh xe đưa bà hai, ông Ba, bà Ba về quê tảo mộ. Xe được cái cũng rộng, mấy cháu muốn theo cũng được. Chiều tối, trễ lắm là bẩy giờ, sẽ về tới nhà. Sáng sớm thứ hai, mang giấy tờ tới cơ quan công quyền. Có thể ông Tư được trả tự do nội trong ngày thứ hai cũng chưa biết chừng...

- Vâng. Ông giáo cất công giúp đỡ chúng tôi như vậy thật quý hóa quá. Chả gì cũng mất hết một ngày chủ nhật, một ngày nghỉ ngơi vô cùng quý giá.

Ông giáo gạt đi những lời khách sáo và chuyển nhanh qua vấn đề kế tiếp :

- Như tối qua chúng ta đã nói đến sơ sơ, tôi e tối nay chúng dám đến gỡ gạc ván bài chúng vừa mới thua xong.

- Dạ, ông Ba cười trả lời, ví von bằng ngôn ngữ cờ bạc. Thua cay ván thứ nhất, chúng dám liều đánh "gấp thiếc" ván thứ hai lắm ạ.

- Cái đó là cái chắc rồi, ông giáo cũng cười, nói khôi hài. Nhưng đã không có chính nghĩa thì chúng mong thắng làm sao được ! Đánh lớn thua lớn, đánh nhỏ thua nhỏ, càng đánh càng thua mà...

Chủ nhà đứng dậy, khách cũng vội đứng lên theo, yên trí đã tới giờ nhà giáo đi dạy học.

Ông Bắc vội giơ tay cản lại :

- Không, ông Ba cứ ngồi chơi. Còn sớm chán !

Nói xong, nhà giáo dời chỗ ngồi đối diện với khách, thân mật nắm tay ông này lưu lại để cả hai cùng ngồi xuống chiếc sô pha gần đấy.

Hai người hạ thấp giọng bàn bạc với nhau một hồi khá lâu.

Tuần trà thứ ba sau chầu cà phê đã cạn, ông Ba đứng dậy kiếu từ. Ông giáo tiễn khách ra cửa, còn khẽ dặn với trước khi chia tay :

- Chúng ta cứ y thế mà làm. Tôi mong giải quyết một lần cho xong. Có thế dân lành mới được yên ổn làm ăn, khỏi lo những rắc rối không đâu nữa.

Ông Ba sốt sắng đáp :

- Vâng, vâng, chính thế. Nếu còn để dây dưa thì nó chẳng khác chi cái mục nhọt bọc, nhức nhối khó chịu mà không biết vỡ ra lúc nào.

 

 

***

 

Ông Trực bước vội về nhà, vừa may lũ nhỏ chưa đi học. Ông bảo chúng chạy ù đi kêu tất cả các bạn chúng trong xóm tới cho ông căn dặn.

Lũ trẻ lúc ấy đã quần áo chỉnh tề, sắp cắp cặp lũ lượt kéo nhau ra khỏi hẻm.

Chúng lắng tai nghe ông dặn dò, thích thú được đóng góp một phần vào việc của người lớn.

Sau khi nhắc đi nhắc lại hai ba lần những điều chỉ dậy, ông Ba còn cẩn thận hỏi lại chúng một lần nữa cho chắc ý :

- Các cháu đã hiểu rõ chưa nào ? Cháu nào không nghe kịp, cứ việc hỏi, bác sẽ nói lại cho rành lượt nữa.

- Dạ, hiểu ! Chúng đồng thanh đáp.

Có đứa ranh mãnh thêm :

- Bác Ba cứ yên trí lớn đi. Chúng cháu "một cây" mà bác !

- Ờ, thôi đi học đi kẻo muộn. Bác tin nơi các cháu đó !

- Dạ, dạ ! Thưa bác, con đi học ! Thưa bác, cháu đi học !...

Chúng ào ào kéo ra cửa, ồn như một đám chợ con.

 

 

***

 

Trẻ con là tuổi vô tư và vì thế thật sung sướng. Chúng chạy nhẩy luôn chân, cười nói luôn miệng.

Ra khỏi hẻm, chúng tách ra từng nhóm, rồi hợp với các đám bạn khác từ các xóm lân cận túa ra.

Có đứa vừa đi vừa gậm bánh mì, có đứa chuyên việc trêu chòng, phá rối các đứa khác.

Chúng dức lắc om sòm. Chuyện trong nhà, chuyện trong trường, chuyện trong xóm, không chuyện nào chúng không dám đem ra khoe với bạn.

- Mày biết không ? Thằng Minh, cháu nhỏ nhất của cụ Hương Cả nói. Đêm nay, xóm tao có tiệc. Ông giáo Bắc đãi các anh Nhân dân Tự vệ. Tiệc lớn lắm, mày ơi !

Một thằng bạn xóm trên "kê" nó :

- Đãi các anh ấy chứ bộ đãi tụi nhóc chúng mày đâu mà cũng bầy đặt khoe khoang !

- Sao lại không, bạn ? Các anh lớn được sực là cánh nhóc tì cũng được sực theo luôn. "Sua" mà bạn.

- Sức mấy ! một đứa khác chêm vào, cố ý "chọc quê" thằng Minh.

Cậu này tức mình, nói tía lia, dường như không để ý đến một người đứng tuổi vô công rồi nghề đang đi la cà gần đám học sinh nhỏ tuổi mỉm cười nghe chúng dức lác để giết thì giờ.

- Chúng mày biết không ? Thằng Minh ba hoa, ông giáo sư ở xóm tao có một cái biệt thự rộng ơi là rộng. Tối nay, ông ấy đãi tiệc bà con lối xóm...

- Chi vậy ? một đứa hỏi xen vô.

- Để khao thưởng các anh Nhân dân Tự vệ. Mày biết không các anh này lớn hay nhỏ đều là học trò của ông giáo sư hết trơn hết trọi. Thầy dậy hay lắm. Mà dậy miễn phí, mày ơi ! Chiều qua, các anh tóm cổ được hai tên khủng bố nên tối nay mới có tiệc khao quân đấy chứ !

- Minh, mày nói vô lý. Khó tin lắm, mày ơi ! Nhân dân tự vệ bắt được quân khủng bố thì ăn nhầm gì đến thầy giáo mà thầy giáo phải khao quân.

Thằng Minh gân cổ cãi, mắt liếc về phía đàng sau bắt gặp ông già lạ mặt đang mỉm cười theo dõi câu chuyện của hai đứa :

- Thầy thích thì thầy khao chứ có chi là lạ. Mày tin hay mày không tin thì tối nay tụi nhỏ chúng tao vẫn chắc chắn được dự ké một bữa tiệc khuya. Giờ giới nghiêm ngoài đường có xe tuần tiễu canh chừng, các anh cất súng đi nhậu là "hết xẩy" ! . . .

Quanh đi quẩn lại có mỗi một đề tài mà thằng Minh nói huyên thiên mãi không biết mỏi, cho đến tận trường, tới giờ vào lớp mới thôi.

Trên con đường khác thằng Linh "dóc tổ", em ruột thằng Lưu "xí xọn" cũng ba hoa không kém.

Nó khoe với chúng bạn, khoe từ đầu ngõ khoe đi :

- Chúng mày có biết không ? Đêm nay, xóm tao có tiệc. Người lớn, trẻ con "sực líp ba ga". Ông giáo sư có cái biệt thự bự, thiệt bự. Sáng nay, bà giáo sư đi chợ mua đồ nhiều thật nhiều. Tối nay, lúc nào chúng mày nghe thấy tiếng còi báo trước giờ giới nghiêm thì đó là lúc chúng tao đã bắt đầu vào tiệc...

- Thôi, Linh ơi ! Mày nói mãi, đến tao cũng phát thèm. Nhưng tao chỉ sợ mày quá giầu tưởng tượng.

- Khỏi đi ! Tao cam đoan tiệc lớn lắm mà mày. Mày biết không, ăn uống xong, còn nhiều mục hấp dẫn khác nữa cơ.

- Thôi, dóc vừa vừa chứ, ông tướng !

- Tao thề không có dóc đâu. Đứa nào dóc cho máy bay cán dẹp lép đi ! Ít ra cũng có ca nhạc giúp vui này. Các anh chị trong xóm ca hát và diễn kịch hay không chịu được !

Trẻ con vô tâm chỉ biết nói nhăng cho sướng miệng, đâu có để ý đến những người lạ mặt đang thả bộ trên lề đường, mắt vờ coi đồ trong các cửa tiệm, nhưng tai lắng nghe câu chuyện của chúng từ đầu đến cuối.

Thằng Nhiên, con ông Phó Thản, cũng không hơn gì các bạn đồng trang lứa. Nó nói bô bô như máy phát thanh vặn lớn.

- Phải chi không kẹt vụ giới nghiêm, đêm nay tao dám mời tụi bay lại dự tiệc với tao luôn.

- Nhà mày đãi tiệc, hả Nhiên ? Một tên bạn hỏi móc vì nó biết nhà thằng Nhiên chẳng giàu có gì.

Thằng Nhiên tỉnh bơ đáp :

- Không có. Nhà ông giáo sư, chủ cái vi la bự ở đầu hẻm đãi đấy chứ.

- Người ta đãi ai đâu, chứ bộ đãi mày à ? Một đứa khác bẻ.

- Sao lại không, bạn ? Thằng Nhiên bịa thêm, sợ đuối lý. Có đến ba bốn tiệc liên tiếp lận. Mày biết không, đàn bà, con gái ăn trước này, rồi đến tụi nhóc chúng tao. Gần 11 giờ mới đến lượt các ông và các anh lớn. Tao khoái bữa sau cùng này, chắc "vui nhộn" lắm. Nhưng vì còn nhỏ nên phải ăn trước vậy...

Thật là "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay", có khi giờ này cụ Cử, cụ Hương Cả, ông Phó Thản, ông Mười Xe Lam cũng chưa hay đêm nay trong xóm có tiệc linh đình. Ấy thế mà vô số người xa lạ chả có một chút xíu cảm tình nào với hẻm Ngọc Lan đã biết. Mà biết một cách tường tận mới chết chứ !

Chương 6

CẬN GIỜ GIỚI NGHIÊM

 

Phiên gác của anh em Nhân dân Tự vệ bắt đầu từ bảy giờ tối. Thành phố đã lên đèn mặc dầu ngọn gió hiu hiu chưa gỡ hết mấy vệt nắng còn vướng mắc trên những ngọn cây cao chót vót.

Hẻm Ngọc Lan vẫn sinh hoạt bình thường như mọi ngày. Hai anh mặc đồng phục ứng trực ở trụ sở Nhân dân Tự vệ án ngay đầu ngõ trong khi các em nhỏ quần áo tươm tất vui chơi thoải mái trên đường tráng xi măng sạch sẽ trước cửa nhà.

Giờ này, ít khi có người lạ bước vào trong hẻm. Nhưng cũng giờ này, ngoài lộ bắt đầu đông hơn vì là lúc người ta thường đi hóng mát.

Gió thổi lồng lộng làm tan biến bao nỗi mệt nhọc của một ngày dài làm việc. Có người đi chầm chậm, như cố ý ngâm mình trong không khí mát. Có người dừng chân lại, tai lắng nghe ngọn gió tốt lành vi vu những nhạc điệu tuyệt vời trong không gian.

- Hùng, một anh áo đen tên Đồng hỏi bạn, mày đã ăn uống gì chưa ?

- Rồi ! Hùng trả lời. Nhưng tao chỉ dằn sơ sơ ba hột thôi. Còn phải để bụng nhậu cho đã chứ !

- Ừ, thế là khôn đấy. Tao cũng vậy. À, mày có biết đích xác mấy giờ bắt đầu không ?

- Biết chứ.

- Mấy giờ ?

- Không thể tiết lộ được. "Bí" mà bạn !

- "Bí" cái con khỉ khô !

Đồng đang cáu kỉnh bỗng dịu giọng năn nỉ :

- Thôi mà, mấy giờ, mày nói đi, Hùng. Hết phiên gác, tao cần rông lại nhà thằng Vũ có chút việc cần, sợ về trễ thầy chửi chết.

Hùng cười bảo bạn :

- Mới đùa chút xíu đã suýt nổi cộc rồi ! Bí mật quân sự gì đâu mà tao phải giấu ! Này Đồng, đi đâu thì đi, nhưng nhớ còi hụ báo trước giờ giới nghiêm là phải có mặt ở nhà rồi. Về chậm, ông xơi hết đừng có trách !

Đồng hể hả trả lời :

- Thế thì nhất rồi. Đúng mười rưỡi, tao sẽ về tới. Không ai nói vào đâu được. Ha ha...

Đường phố mỗi lúc một đông người đi dạo. Chả ai phiền nhiễu ai, cũng như chả ai buồn để ý đến ai. Vả lại, những câu chuyện vu vơ như thế này có thể được coi là vô thưởng vô phạt, ai nghe lỏm làm gì cho rác tai, nên mấy anh bạn trẻ phóng tâm nói chuyện thả dàn.

Chín giờ, thay phiên gác. Thấy Châu và Sơn đi tới, Hùng giơ tay coi đồng hồ rồi reo lên :

- Ủa ! Thoắt một cái đã chín giờ rồi ! Thôi, hai ông tướng vô đây cho chúng tao rông.

- Chúng mày đi đâu vậy ? Chân hỏi.

- Thằng chó này lại nhà bạn, Hùng đáp. Tao về tắm một cái cho khoái rồi ra coi thầy có sai bảo gì không. Chả lẽ ngồi đợi đến giờ vác mồm tới đớp !

- Ừ, mày nghĩ thế là phải. Nhưng tụi tao mắc kẹt ở đây thì sao ?

- Bất khả kháng mà bạn ! Thầy thông cảm chứ. Nhưng nhớ còi hụ lần thứ nhất... À, ông toán trưởng có dặn gì không ?

- Có chứ, Sơn đáp thay bạn, ổng dặn, còi hụ lần thứ nhất, thu xếp cho nhanh mà vô. Có cóc gì mà thu xếp, phải không mày ?

- Ờ, ờ ! Châu đáp. Thì cũng phải giăng cái giây xích ngang hẻm cho "Nội bất xuất, ngoại bất nhập" chứ. Nửa phút là xong.

 

 

***

 

Gần đến giờ giới nghiêm. Hàng phố đã cửa đóng then cài. Các hàng rong đã biến hết từ lúc nào. Khách nhàn du tản bộ cũng không còn nữa. Họa chăng chỉ còn những chiếc xe vội vã lướt trên đường.

Còi hụ báo trước giờ giới nghiêm vang lên, ngân dài như thúc giục.

Nhanh thoăn thoắt, Châu quàng vội sợi xích sắt dài ngang hẻm, miệng hô :

- Tắt đèn đi, mày, Sơn !

- Rồi !

- Rồi thì vô !

Châu đẩy cánh cửa sắt ngôi biệt thự hai tầng ở đầu hẻm, dắt bạn bước vào trong sân, không thèm ngoảnh đầu lại nên không trông thấy bốn người cưỡi hai chiếc xe gắn máy vừa đi tới.

Xe đậu dưới lộ, ngay đầu hẻm.

Cả bốn người bước xuống.

Còi hụ dứt tiếng ngân. Trên đường lúc này vắng tanh vắng ngắt, như thể chỉ có bốn người lạ mặt này còn sinh hoạt và làm chủ luôn cái sinh hoạt của khu phố quạnh hiu này.

Hai xe gắn máy dựng song song trên mặt lộ. Cả bốn tên nghênh ngang đứng trên lề, bốn cặp mắt láo liên ngó sâu vào trong hẻm.

Tên to lớn nhất, y hẳn là đàn anh ba tên kia, đảo mắt ngước nhìn ngôi biệt thự có cây ngọc lan cao vút trong sân, cành lá ngả nghiêng tựa hồ đang rũ hương thơm xuống đường cho chúng hưởng.

Y tấm tắc khen :

- Mấy thằng cha cho tin hay thiệt. Đúng y boong. Còi chưa kịp hụ đã biến không còn một mống !

Đắc chí, y cười khẩy :

- Cho chúng mày chết đáng đời. Tiệc với tùng !

Rồi y giục đồng bọn :

- Thôi, thằng nào việc nấy, mần lẹ đi, rồi chuồn cho được việc !

Hai tên, một cao một thấp, tách rời ra, bước tới cúi đầu chui xuống dưới sợi dây xích căng ngang hẻm.

Chúng chưa kịp đứng lên thì cả bốn tên cùng giật mình đánh thót : chiếc đèn ống lớn gắn sát ngôi biệt thự vụt tắt !

Cả bốn tên cùng có cái cảm giác rờn rợn của một điềm rất xấu, một điềm báo trước ngọn đèn đời của chúng cũng sắp tắt đến nơi.

Ngán nhất là hai tên sắp bước vào trong hẻm. Tên nọ hỏi tên kia :

- Mày, tao lo quá ! Sao bỗng dưng đèn lại tắt ?

Tên này chưa biết đáp ra sao thì đèn bừng sáng. Nó mừng quá bảo bạn : .

- Đó, đèn lại sáng rồi. Yên trí nhé.

Hí hửng, hai tên chui lẹ vào trong hẻm, không gây một tiếng động.

Cây đèn vừa sáng bừng lên lại tắt phụt.

Một tên văng tục, rồi trấn an đồng bọn :

- Đừng mê tín ! Bóng đèn nào sắp hư cũng vậy hết. Ăn nhằm gì !

- Đành vậy rồi. Nhưng tao linh cảm chuyến này khó lòng suông sẻ...

- Linh cảm là cái cóc khô gì ? Tên kia cự nự. Sao mày hãy còn duy tâm quá vậy ?

- Duy tâm, duy vật con mẹ gì đâu ! Chúng mày động một chút thì gán cho người ta hết "duy" nọ đến "duy" kia. Tao bực mình hết sức !

- Ờ, ờ, tao cũng như mày, đâu có muốn vậy ! Chẳng qua là quen miệng đi mà thôi. Làm những cái công tác khốn nạn này chỉ có phúc bẩy mươi đời mới thoát, không thì duy Chí Hòa, duy Côn Đảo, chớ duy vật, duy tâm chó gì.

- Thôi, hết cha nó năm phút rồi, vô lẹ đi, mần cho xong rồi "chẩu". Giới nghiêm còn láng cháng giữa đường là tiêu tùng sự nghiệp !

Chúng ngửng đầu lên, mạnh dạn bước vào trong hẻm.

Ô, thì ra tất cả đèn trong hẻm đều tắt chứ không riêng gì ngọn ở đầu đường. Tắt từ trước. Nhưng đường vẫn sáng. Mặt trăng đêm rằm tròn vành vạnh treo lơ lửng trên vòm trời xanh ngắt như một ngọn đèn trần. Ánh sáng dìu dịu tỏa đều xuống khiến cho hai tên gian sau một phút hoang mang bỗng có một cảm giác lâng lâng thích thú.

Chúng thấy chúng chẳng khác chi những hung thần khét tiếng trong một cuốn phim cao bồi nào đó đang bước những bước hiên ngang vào trong một thị trấn vắng tanh. Một thị trấn bỏ ngõ vì tất cả đều sợ, tất cả đều chạy trốn.

Đi hết chiều sâu con hẻm chúng đã tới gốc cây ngọc lan ở cuối xóm. Ánh trăng trong mát thừa đủ cho chúng nhận rõ số nhà của những nạn nhân đã được các đàn anh lựa chọn.

Công việc của hai tên đứng lại ở đầu đường cũng vừa xong : chúng đã yên vị được một trái mìn định hướng chĩa vào ngôi biệt thự. Thiếu chi người sẽ chết vì ngón đòn này khi nhà chức trách tới điều tra những biến cố xảy ra trong hẻm.

Chúng hí hửng cho xe nổ máy, sẵn sàng chờ đồng bọn chạy ra tới là rông, mắt đăm đăm theo rõi từng cử chỉ của hai tên đã có nhiều thành tích xài lựu đạn.

Trong này, hai đứa thì thào phân công với nhau thật lẹ. Tên sẹo mặt dặn tên kia lúc đó đứng ở xế trước nhà ông Liên gia trưởng :

- Tao hai, mày một. Mày cứ đứng đây. Tao vào trong kia cho nhà thằng cha Mười Xe Lam một trái trước rồi ra đây hai đứa cùng làm mỗi đứa một phát hòa âm. Mày nhà mụ Hai, tao nhà tên Ba Trực.

- Đồng tình !

Hai tên khủng bố đều lựu đạn cầm tay trong tư thế sẵn sàng mở chốt.

Một ánh sáng bỗng loé lên chói lòa, đột ngột như tia chớp báo trước một tiếng sét sắp nổ ngang trời.

Không phải tiếng sét. Đó là một tiếng quát vang lên trong lúc không ai ngờ nhất.

- Muốn sống đưa tay lên !

Giật mình quay phắt lại. Thì ra chúng vừa bị chụp hình. Và hiện chúng đang bị bao vây. Nhiều ngọn súng trường đã dí sát người, hết đường chống trả. Ô hay ! Vừa thấy đám Nhân dân tự vệ đứng lố nhố trong nhà ông giáo sư, tưởng họ còn đang nhậu nhẹt, sao lại ở cả đây rồi ?

Hai đứa thở dài, đành chìa tay nhận chiếc còng lạnh buốt.

Biến cố xảy ra chớp nhoáng, ngoài sự tưởng tượng của những tên khủng bố bi quan nhất.

- Chết mẹ rồi ! Vọt ! Tên chỉ huy đứng ở đầu đường la lên ra lệnh cho đồng bọn.

- Đứng yên không nát óc !

Tiếng quát không to mà chúng tưởng như sét đánh ngang đầu, bưng tai không kịp. Thì ra một chiếc xe tuần tiễu êm ru đã đến sát sau lưng chúng từ lúc nào chúng không hay biết.

Bao nhiêu ngọn đèn trong hẻm, ngoài hẻm đều cùng lúc bật sáng trưng.

Người trong hẻm đổ ra đông nghẹt.

Ông giáo sư từ trong cổng bước ra xiết tay viên chức chỉ huy chiếc xe tuần tiễu.

- Cám ơn anh nhiều, ông nói. Anh tới vừa đúng lúc, không sớm quá, không muộn quá.

- Không đúng cũng không được với nhà đạo diễn ! Viên chỉ huy cười đáp. Nhà đạo diễn đã dặn kỹ nên tôi phải căn giờ. Từ lúc có hiệu đèn, tôi đã theo dõi cử chỉ của hai ông bạn. Và phải đợi hai ông bạn công tác xong mới dám tới đó.

Hai tên này được đứng chụp hình cạnh công trình chúng vừa hí hửng dựng nên mà sau đó chúng phải đích thân tháo gỡ dưới sự giám sát của chuyên viên chất nổ và trước sự căm giận của dân chúng quanh vùng.

Rồi bốn tên khủng bố lần lượt bước lên xe bít bùng vừa được gọi tới.

Thế là bốn tên ra quân cả bốn tên về bót.

Ván bài, chúng đã thua. Thua cháy túi.

Ông giáo khẽ hỏi :

- Trong bốn đứa, đã có tên Bảy Cát chưa, ông Ba ?

- Thưa chưa ! ông ba Trực đáp.

- Vậy hả ? ông giáo cố thản nhiên cười để mọi người khỏi thấy niềm vui của ông chưa trọn vẹn.

Xem tiếp chương 7 & 8