Còn Dấu Chân Người - Chương 11 & 12 (hết)

Chương 11

Bước thật nhẹ vào căn phòng, Trúc nhìn thật kỹ một lần cuối những gương mặt thân quen. Ánh đèn mờ nhạt không làm Trúc thấy rõ từng đứa, nhưng Trúc không muốn đem ánh sáng vào làm thức giấc lũ trẻ. Trúc nhìn qua những chiếc mùng sậm màu, ở đó thấy lại những đôi mắt, những bàn tay, mà suốt những ngày qua đã đem đến cho mình tiếng cười. Sự việc đó xảy ra thật, nhưng quả giống chiêm bao. Đây là một làng cô nhi, như mọi làng cô nhi, nhưng phải chăng cũng là một xứ sở gồm những thần dân nhỏ biết yêu thương và biết cho nụ cười. Là xứ tí hon. Là nước “Chim Chích”. Còn ta là Gulliver. Ở đây ta được hưởng tràn trề những đãi ngộ. Không phải thịt cừu, rượu vang, mà cơm ghế khoai và nước lạnh. Không phải chiếc giường vương giả, mà tấm mền cũ, chiếc gối độn rơm. Nhưng tất cả đó là ân sủng của đấng thiêng liêng đã ban cho.

Những đôi mắt nhắm kín. Những bàn tay đặt ngoan ngoãn trên gối, trên mền. Thôi, giã từ nhé, nước tí hon đáng ỵêu! Những ngày sắp tới anh sẽ sống lại cuộc đời của anh. Chắc lại tiếp nối bước chân bận rộn. Nhưng cái hân hoan to lớn nhất là được gặp lại người thân, nhìn lại những khuôn mặt mà cách nay nửa tháng – khi nằm trong khu rừng nhỏ, anh đã tưởng như không còn bao giờ gặp lại. Là mẹ thân yêu, là các em thương mến, là Hồng Phước với màu áo vàng rực rỡ. Là phố phường vui vẻ tấp nập. Là bạn bè anh, những người còn sống.

Một đôi mắt mở lớn nhìn Trúc. Đôi mắt của bé Nhu Mì. Nhưng cái miệng xinh xinh như là biếng cười. Nhu Mì thức giấc tự lúc nào, ngồi trên giường. Trúc cúi xuống, nhìn đứa bé xuyên qua lớp mùng vải. Trong đôi mắt chứa chan những điều buồn bã tội nghiệp. Tự nhiên một niềm xúc động ùa đến thật mạnh mẽ, Trúc nói nhỏ:

- Bé không ngủ tiếp đi?

Nhu Mì lắc đầu. Trúc nói:

- Anh đi, nha bé!

Đứa bé gật đầu.

- Bé viết gì cho anh đi!

Một cái lắc đầu nữa. Đôi mắt Nhu Mì nhíu lại như không muốn nói thêm một điều gì. Trúc nhìn đứa bé thật lâu. Sự im lặng làm không khí trĩu xuống. Và cho đến khi có tiếng ông Năm gọi khẽ:

- Cậu Trúc! Xe đã sẵn sàng, cậu ra đi!

Trúc đành phải quay ra.

**

Cha Đạo ân cần nắm lấy bàn tay Trúc, nói:

- Cha chúc con gặp được vạn sự lành.

Và vuốt mái tóc Cát Tường, Cha cười nhẹ:

- Còn Cát Tường đây, Cha xin gửi gắm cho gia đình con. Cha mong nó sẽ hưởng được mọi thứ tình thương mà nó mong ước.

Rồi chừng như nhận thấy câu nói của mình có vẻ khách sáo quá, Cha Đạo mỉm cười yên lặng, nhìn Trúc và Cát Tường vào xe.

Cát Tường run run nói:

- Thưa Cha…

- Chi con?

Giọng nói trở nên ướt sũng:

- Con…

- Ừ, con đi bình an. Nhớ viết thư cho Cha.

- Dạ… Nhưng mà, thưa Cha…

Cát Tường nghẹn ngào. Trúc đang nói với Cha Đạo những lời tri ân và từ giã, nhưng Cát Tường nghe không rõ tiếng nào.

Ông Năm mở máy xe. Tiếng máy làm xao động không khí yên tĩnh của buổi sớm mai. Cái bóng áo đen của Cha Đạo quyện đầy khói, trắng mờ như mái tóc. Cát Tường quay đầu nhìn về phía nhà ngủ. Xem kìa!!! Tiếng máy xe rộn ràng đó đã khiến một cánh cửa sổ mở ra, hai ba cái đầu trẻ thơ xuất hiện. Có một nét hốt hoảng in trên gương mặt dại khờ. Rồi từ hai khung cửa, những bước chân cuống quít chạy ra. Đám trẻ nhỏ chạy theo xe ông Năm, vừa vẫy , vừa ríu rít lời chào từ giã. Cát Tường bấu bàn tay vào kính cửa, mà người cứng ngắc như tượng đá, trong khi Trúc đưa tay vẫy chào với bầy trẻ. Cát Tường thấy cánh cổng lùi lại sau lưng. Có tiếng chuông leng keng… leng keng… Rồi Cát Tường bỗng như nghe trong tiếng chuông đó, có vang vọng tiếng cười vui của những người được gặp gỡ. Ở đâu đây có nỗi mừng tủi của những kẻ thương yêu nhau. Mà trên đám cỏ xanh có một cội cây cô độc, trong những tiếng reo vui có lẫn một nốt nhạc buồn.

Con đường nhỏ dẫn ra lộ lớn ngắn dần, ngắn dần… Đến lúc thấy trước mắt là cái mặt đường quang đãng, khá phẳng phiu, Cát Tường nhỏm người dậy. Bây giờ mới thật sự hốt hoảng. Cát Tường kêu lên:

- Ông Năm! Ông Năm!

- Cái gì đó?

- Ngừng lại! Ông Năm ơi, ngừng lại!

Ông Năm thắng xe ngay. Két!!! Cả Trúc và ông Năm đều ngạc nhiên. Ông Năm hỏi:

- Chuyện gì vậy, Cát Tường?

Cát Tường mở cửa xe, bước xuống đường. Trúc lo lắng:

- Cát Tường, sao thế?

Cát Tường nói thảng thốt:

- Cho em về! Ông Năm, cho cháu trở vào!

Ông Năm ngơ ngác:

- Kìa, sao lạ vậy cháu?

Đôi mắt Cát Tường đỏ hoe. Cát Tường nói cứng ngắc:

- Ông Năm đưa anh Trúc đi tiếp đi, cho cháu ở lại.

Rồi Cát Tường quay mặt. Trúc xuống xe, đến bên Cát Tường, hỏi vội:

- Cát Tường, nói cho anh nghe, có chuyện gì?

Cát Tường đứng dưới một tàn cây. Cả hai gương mặt đều chìm vào bóng mát – không, là bóng tối, bởi vì mặt trời buồn bã còn chưa muốn chiếu sáng. Nhưng trong bóng tối ấy, đột nhiên Trúc đã nhìn thấy được Cát Tường – một Cát Tường không giống như Cát Tường những ngày qua. Đó là sự linh cảm, nhưng Trúc chắc chắn sự linh cảm của mình đúng.

Trong bóng tối chỉ có đôi mắt hiện rõ, long lanh. Và giọng nói như phát ra từ hai đáy nước đó:

- Em phải ở lại. Em đã thấy rồi, em không thể sống thiếu Cha Đạo…

- Cát Tường!???

- Em không thể sống thiếu bé Nhu Mì, thiếu Khánh, thiếu Hậu….

- Nhưng anh muốn…

- Cám ơn anh. Em đã bỏ một dịp để được sống bình thường. Nhưng… ở đây, em có đầy đủ…

Cát Tường nghẹn lời. Rồi lấy trong túi ra chiếc hộp hình trái tim, Cát Tường đưa cho Trúc:

- Bé Hậu nhờ em đưa lại cho anh và xin lỗi anh giùm. Vì bé không đọc được chữ nên lượm được vật này mà không biết của anh để trả lại. Đây không phải… là lý do khiến em ở lại, mà nó chỉ giúp cho em có đủ lý do … để ở lại mà thôi. Em phải ở lại vì… vì em thương Cha, thương các bé của em…

Trúc bồi hồi:

- Cát Tường đã nghĩ kỹ chưa?

- Cả đêm hôm qua em đã không ngủ. Như vậy anh đừng lo là em quyết định vội vàng. Có điều… em đã đi theo với anh được một quãng đường, và em thấy rõ là… em không thể đi thêm được nữa.

- Anh có làm gì để buồn lòng Cát Tường không?

- Không, không bao giờ.

- Anh không yên tâm chút nào.

- Em luôn luôn giữ với anh một lòng quý mến.

Trúc cầm lấy chiếc hộp, và nhận thấy hai bàn tay của Cát Tường run run. Đúng là một Cát Tường bé nhỏ, yếu đuối và đa cảm – con người đó, đôi mắt đó, mái tóc đó, cái dáng mảnh mai hiền hậu đó… Chúa ơi! Nếu điều linh cảm của con là đúng, thì con là người có lỗi phải không? Thời gian mười mấy ngày trú ngụ ở làng cô nhi chưa đủ để con cảm nhận một điều tế nhị, nhưng phải chăng đã đủ nuôi dưỡng một tình yêu kín đáo và thánh khiết của một người con gái?

Trúc cất chiếc hộp vào túi áo. Cát Tường cúi đầu xuống, mái tóc che mất hai vực nước long lanh. Nhưng ở trên cành, bỗng có tiếng của một con chim muốn dậy sớm bắt sâu. Tiếng chim làm Cát Tường nôn nóng trở về. Vì ở đó, nơi trú ngụ yêu mến của mình, những con chim nhỏ chắc cũng đang bắt sâu cho một ngày mới mẻ.

- Anh Trúc đi bình yên. Em phải trở lại.

Hai bàn tay giá lạnh của Cát Tường bỗng ấm lên, vì bàn tay rắn chắc của Trúc đang nắm lấy.

- Anh xin lỗi Cát Tường, nếu anh đã làm gì cho Cát Tường buồn.

- Không. Em đã nói là không bao giờ.

Cát Tường cố giữ nét mặt thật bình tĩnh để Trúc yên lòng. Ông Năm đứng yên ở đàng xa, lắc đầu.

Trúc thở dài:

- Cha Đạo đã gửi gắm Cát Tường cho anh. Cát Tường đổi ý như vậy, anh rất áy náy.

- Em sẽ nói cho Cha nghe ý nghĩ của em. Anh Trúc hãy đi, chẳng còn thì giờ nữa đâu!

Cát Tường rút bàn tay ra khỏi bàn tay Trúc, nói lớn với ông Năm:

- Ông Năm đi đi! Nhớ mau về, mua cho cháu nhiều sách truyện.

Mặt trời đang ló những tia mắt đầu tiên. Sau hướng đó, người sẽ tiếp tục bước chân. Cát Tường quay lưng, bước đi như chính mình không điều khiển được. Không dám ngó lại nhìn người đang vào xe. Nhưng ở sau lưng, tiếng máy nổ rộn ràng. Và khói, khói ùa tới, quyện lấy đôi chân mình, mênh mông….

Chương 12 (hết)

Đường đất ngắn còn hai bước, và đã đến cổng rào.

Cát Tường đứng dừng lại ở đó, hai bàn tay chắp vào nhau, đặt lên cánh cổng ghép bằng đủ thứ cây gỗ. Nắng dội tràn hai vai. Trên cây, chim đang hát giùm những lời thương thân. Mà sao hai mắt khô cứng, thần trí đặc quánh lại như không còn ý nghĩ.

Chỉ cần mở cánh cổng này, những tiếng chuông leng keng sẽ vang lên, ít nhất cũng lan đến phòng học, để trẻ nhỏ biết rằng có người đến, có người trở về. Nhưng kìa! Hai mắt Cát Tường mở lớn, nhìn thấy sợi dây buông thõng trên cánh cửa rào. Không còn có chiếc chuông, ai đã cắt đi? Cánh cổng mở, nhưng không có tiếng leng keng… leng keng… Không gian lạnh ngắt. Những mái nhà hờ hững. Những lối đi im lìm. Mới ban nãy khi tiếng xe nổ dòn dã, đám trẻ thơ ùa ra từ nhà ngủ, những bàn chân tí hon cuống quít, những bàn tay nhỏ bé vẫy đưa. Mình trở lại, chắc các bé không ngờ. Có lẽ giờ này sắp bắt đầu ăn sáng. Cát Tường ngơ ngác bước qua luống đất ướt. Đám bắp cải đã vừa lớn. Đám lá hành đã vừa cao. Những năm sống ở đây bình thản quá, mình chưa có một hôm nào ngồi tưởng tượng một trận mưa bão vô tình làm nát úa cỏ hoa. Mà đến nay thì đã thấy, chỉ những dấu chân trên thềm kia – dấu chân êm ái và hiền hòa biết bao – đã làm cho cõi lòng bé nhỏ của mình có những vết hằn sâu đậm. Ôi! Người đã đến, như Quy-Li-Ve, giấc ngủ ngon; người nào biết vây quanh người, là cảm tình của ta, là đôi mắt của ta. Tội nghiệp ta quá, tội nghiệp người quá – những kẻ không gặp nhau ở một môi trường thuận tiện, ở một thời gian tốt lành. Có Chúa không? Sao Chúa đã đem người đến rồi để người đi? Có Chúa không???...

Cửa nhà nguyện đã mở! Hai dãy ghế dài hun hút. Có một người, một vị thần, hay một nhà hiền triết, ở đầu xa lắc đó. Người không phải đang ban tình yêu cho thiên hạ ư? Ta thấy rồi, Người đang vui vẻ dang tay trên Thập Tự Giá. Đinh đóng trên da thịt Người. Máu đổ từ huyết quản của Người. Là Chúa đó! Là câu trả lời cho con đầy đủ nhất, phải không?

Cát Tường run run bước tới, qua từng hàng ghế. Trước mặt Thập Tự Giá, cái hình hài thân quen đang lặng im như một chiếc bóng. Tấm áo đen cũng bạc màu như đất. Mái tóc trắng là hình ảnh cô quạnh nhất đời. Và đôi mắt, khi người quay lại, không phải là hai giếng khô hạn, mà đang rơm rớm lệ.

- Thưa Cha…

- Sao con trở lại? Con quên thứ gì à?

- Thưa Cha, không.

- Chứ sao vậy? Trúc đâu?

- Anh ấy đi với ông Năm rồi. Con muốn thế. Con muốn… ở lại đây.

- Tại sao?

- Vì con không muốn xa Cha… xa các bé…

Nói xong câu ấy, Cát Tường cảm thấy mình dối trá, bật khóc nức nở. Thật lòng ta như như thế chăng? Không muốn xa Cha, xa các bé, sao ta bằng lòng về một thành phố lạ? Thương cái làng cô nhi này, sao ta bằng lòng yêu qu‎ý người hơn? Khi đi đã là mâu thuẫn, khi về lại càng mâu thuẫn hơn. Ta đã tự lừa dối chính ta khi nói “vì thương Cha, vì thương các bé”.

Cha Đạo thở dài:

- Nhưng con đi, đâu có nghĩa là con không thương Cha và các em con đâu! Chính Cha, vì thấy con đã lớn, nên Cha muốn con có đủ những điều kiện để sống thật với điều mong ước của con.

- Con không mong ước gì cả.

- Con đừng giấu giếm với Cha. Cát Tường, con yêu Trúc phải không?

Cát Tường bàng hoàng mở lớn mắt nhìn Cha Đạo. Điều gì quen thuộc quá, nhưng lạ lùng quá! Con yêu Trúc phải không? Cha Đạo hỏi một câu không ngờ. Cha nào biết câu hỏi đó có tác dụng như một cơn sóng làm nước mắt ào ạt chảy thêm. Con yêu Trúc phải không? Con có bao giờ nghĩ như vậy đâu! Hay chính con đã cảm thấy như vậy rồi, ngay từ lúc người được đưa về làng, từ dưới chân đồi nhỏ?

Cát Tường sụt sùi:

- Thưa Cha, xin Cha đừng bắt con phải nói ra những điều tồi tệ.

Cha Đạo lắc đầu:

- Yêu thương là tồi tệ à? Không, chính sự giấu giếm với Cha và giấu giếm chính con mới là tồi tệ.

Cát Tường nói như kể lể với mình:

- Anh Trúc chỉ muốn nhận con làm một đứa em. Anh ấy thương và lo cho con thật lòng, con biết vậy. Nhưng, tình cảm của con đối với anh ấy thì khác. Nếu chỉ thương anh ấy như thương một người anh, con… con… đã không rời nơi này để đi.

- Cha đã đoán như vậy.

- Nhưng thưa Cha, anh ấy đã có một người… một người yêu. Là Hồng Phước. Chiều hôm qua bé Hậu đưa cho con một chiếc hộp, trong ấy có ảnh của Hồng Phước và một dòng chữ đủ nói lên tất cả.

- Chiếc hộp ở đâu mà Hậu có?

- Dạ… ở bìa rừng, bé Hậu nhặt được từ hôm đưa Trúc về.

- Sao nó không đưa cho Trúc ngay hôm đó?

- Thưa Cha, Hậu không đọc được chữ, nên lúc ấy không biết là của anh Trúc.

Cha Đạo gật đầu:

- Cha hiểu rồi. Nhưng con đã đọc được dòng chữ gì?

Cát Tường cắn môi, nghẹn ngào:

- Xin Cha cho phép con không nói ra. Dòng chữ của một người yêu viết cho một người yêu… Con đã đưa trả cho anh Trúc ban nãy.

Cha Đạo thở dài:

- Những lần nói chuyện với Trúc, Cha thường hỏi Trúc “có ai chưa?”, anh ta chỉ cười. Cha hiểu rồi, khi chưa thì người ta sẽ đáp là chưa, còn khi người ta cười… A! Tâm lý bọn thanh niên, thật là…

- Con xin Cha tha lỗi cho con, vì con đã trở lại. Con biết như thế là làm buồn lòng Cha và anh Trúc, làm buồn… cả chính con. Nhưng Cha ơi! Con yếu đuối, tầm thường, con đã làm thế vì hình ảnh của Hồng Phước…

- Con không có lỗi. Cha thương con không hết, giận con sao được? Cha muốn con – và các con – có được một cuộc sống bình thường như mọi người, nên từ lâu Cha hằng chờ đợi có dịp gửi gắm con cho một nơi nào mà chính con cũng ưa thích. Vì mong muốn như vậy, nên Cha không hề bắt buộc con, các con, phải sống như Cha, ép mình theo một đời đạo hạnh.

Cát Tường bàng hoàng ngước nhìn Cha Đạo. Ôi, trong đôi mắt già nua đang rơm rớm lệ kia, có phải đã chứa đựng cả tình thương bát ngát của Chúa? Cha đâu có bắt chúng con học thuộc lòng kinh sách, hay phải sống như các nhà tu. Vì Cha còn muốn có một ngày Cha gửi chúng con về đời. Nhưng Cha ơi, con đã thấy, cái hạnh phúc cá nhân, tuy hân hoan lắm nhưng dễ tan vỡ lắm! Cha không ép con sống đời đạo hạnh, nhưng khi con rời bỏ nơi này, không làm một cánh tay của Cha nữa, chắc Cha cũng buồn lắm. Chính đôi mắt của Cha, bao năm khô khan, hôm nay long lanh lệ, đã nói với con đầy đủ.

Có tiếng ai gọi trước cửa nhà nguyện. Cha Đạo nhìn ra, rồi dời bước. Cát Tường còn ngồi im trên ghế. Nước mắt đã khô ở trên má. Cái cảm giác của một người-trở-lại mang mang ở trong lòng. Ta trở lại, chỉ vì chiếc hộp, chỉ vì tấm ảnh của Hồng Phước, cô bé áo vàng. Chỉ vì một dòng chữ yêu thương của một người-yêu viết cho một người-yêu. Chỉ vì con tim của ta bị tổn thương bởi chính ta. Ngoài ra, không vì lẽ gì hết. Không vì Cha Đạo, không vì các bé. Không vì lòng thương nhớ lưu luyến nơi này. Có phải như vậy không? Bây giờ thời gian bị chận lại ngoài cửa, không gian trở lại tĩnh yên như những buổi ta đem cơm vào cho Cha, ta đã nhìn thấy rõ ràng con người của ta, bé mọn, nhỏ nhoi, yếu đuối và tầm thường. Chúa ơi! Con chưa sống được một đời đạo hạnh. Có phải ở thời gian này, ở không gian này, Chúa muốn con nhìn thấy rõ Chúa? Vâng, con đã thấy rồi! Ở trước mặt con, trên cây Thập Tự Giá, hình như có những giọt máu của Chúa nhỏ ra, sáng ngời như nước mắt.

Cát Tường vùng đứng dậy, đi qua những hàng ghế, mở cửa nhà nguyện. Ánh nắng ùa vào làm nền nhà rực rỡ. Cát Tường nhìn thấy Cha Đạo đang bước nhanh qua khoảng sân đất mềm. Phía trước Cha là bé Ngoan. Bước chân của Cha khập khiễng vội vã nhưng không đi mau bằng đôi chân của đứa trẻ. Cái chân của Cha! Cái chân gỗ! Cái chân của một thời trả giá cho cuộc đời vị tha, đạo hạnh, trả giá cho một con tim bác ái. Cái chân nhắc nhở cho một đêm ở làng cô nhi này, cái chân cứu người thương binh, đêm đã trở thành một kỷ niệm se lòng…

Có việc gì ở đó? Giờ này các em ta đang ăn sáng, hay bắt đầu xuống rẫy? Có việc gì? Có việc gì? Cát Tường tự hỏi rồi hoảng hốt chạy theo hai cái bóng phía trước. Cha Đạo và bé Ngoan đã đi vào nhà cơm. Cát Tường chạy theo đến nơi. Rồi tự nhiên tim đập thật mạnh. Cát Tường khựng chân lại. Các bé có biết chị đã về đến không? Từ ngoài đường lớn vào đây là cả một không gian xa cách. Từ sáng tinh mơ khi mặt trời còn rúc đầu sau mây đến lúc này là cả một quãng thay đổi lớn của cuộc đời. Cái con người nào cũng vậy, hầu như có những khoảnh khắc cách nhau mươi- mười lăm phút là cả hai con người khác biệt. Các em biết vậy không? Cát Tường bồi hồi bước lên thềm nhà. Sau khung cửa sổ, những mái đầu lô nhô bên nhau. Là nai đàn. Là chim bầy. Nhưng đàn nai hỗn độn, bầy chim xao xác. Khánh đang đứng trước mặt Cha Đạo, phân trần:

- Thưa Cha, sáng nay Hiền, Lương và Hảo đòi nghỉ, không đi đào khoai.

- Tại sao vậy?

- Các em đó nói là khoai còn đủ ăn ngày hôm nay. Con muốn hỏi ý Cha có bằng lòng không.

- Việc đó tùy ở con sắp xếp chứ! Cha nhớ là Cát Tường đã giao cho con phần đào khoai và lượm củi.

- Thưa Cha, còn bé Hậu nữa, bé Hậu cũng xin qua phòng học để tập viết ạ.

Cha Đạo trố mắt:

- Hôm nay thằng bé siêng vậy?

- Con có bảo là làm việc xong, trưa sẽ học, Hậu không chịu.

Có tiếng bé Hậu:

- Em chưa thuộc bài. Em phải học, nếu không thì Cha bắt em lên tỉnh học nghề.

Cha Đạo cười:

- Ai nói với con vậy?

- Dạ, chị Cát Tường.

- Nhưng con cũng phải làm việc để phụ giúp anh Khánh, nghe không?

- Thưa Cha, con nghe. Nhưng… Cha đừng bắt con lên tỉnh.

- Sao? Con không thích lên tỉnh à?

- Dạ không. Lên tỉnh không vui. Con chỉ thích ở đây hà!

Trái tim Cát Tường thắt lại. Ở trong kia, Cha Đạo lại cất tiếng:

- Còn chuyện gì nữa không?

Khánh đáp:

- Thưa Cha, còn ạ. Nhiều bé áo đã rách, xin may áo khác.

- Đã có vải của ông Năm mua về.

Tiếng của Thương:

- Thưa Cha, con biết may, nhưng không biết cắt. Chị Cát Tường chưa dạy con cắt áo.

Khánh hỏi:

- Diệu đâu rồi?

- Diệu bị cháo đổ phỏng tay.

Cha Đạo lo lắng:

- Đâu? Diệu đâu? Đã xức thuốc gì chưa?

- Thưa Cha, con đây!

Cát Tường hốt hoảng nhìn thấy Diệu bước đến, cánh tay băng trắng toát. Cát Tường giật mình, thốt lên:

- Không được! Tay phỏng không được băng kín mít như vậy.

Chim đầu đàn xuất hiện ở cửa phòng, làm bầy chim nhốn nháo. Mấy mươi cái miệng mở ra, ríu rít những tiếng vui mừng:

- Chị Cát Tường!

- A! Chị Cát Tường về!

- Chị không đi nữa sao?

Cát Tường xúc động:

- Chị không đi. Không đi đâu hết.

- A! Thích quá! Thích quá!

- Nghe chị bảo đây! Sáng nay Khánh vẫn dắt các em trai xuống rẫy, đào thêm khoai để trưa nay chị làm bánh. Thương giúp chị tưới rau. Chị sẽ cắt áo quần cho các em. Hậu được nghỉ một bữa để tập viết. Còn Diệu, đưa cánh tay đây! Phỏng không bao giờ băng cột chặt như thế này.

Phút chốc, sự an ổn đã trở lại trong bầy chim xao xác. Vì sự có mặt của Cát Tường như lấp đầy một chỗ trống lớn lao. Khi ra đi tưởng mọi việc sẽ tiếp tục dù không có mình, lúc trở lại mới thấy rằng sự rời bỏ cái tổ chim thân ái này là một lầm lỗi vĩ đại. Cát Tường nhìn Cha Đạo. Ở trong đôi mắt già nua như đang rưng rưng sóng. Cha mỉm cười. Rồi Cha quay gót. Đôi chân khập khiễng. Áo màu đen. Tóc pha màu ngày tháng. Cát Tường cũng muốn nói “Cha ơi, con thương Cha…” như đêm nào có hai kẻ lạ mặt. Nhưng thôi, hãy để yên như vậy. Chắc Cha cũng biết trong lòng ta có những ý nghĩ gì rồi.

Cát Tường quay lại, hỏi:

- Các bé đã đọc lời tâm niệm chưa? Ăn sáng chưa?

Khánh đáp:

- Chưa ạ. Lúc Diệu mới bị phỏng, em bảo Ngoan qua mời Cha liền.

- Vậy các bé đọc đi! Trễ rồi, còn phải làm việc nữa.

Đàn trẻ ngồi vào bàn, trước bữa điểm tâm nóng hổi. Mấy mươi cái miệng mở ra, vui vẻ đọc:

- Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết chăm chỉ học hành, siêng năng làm việc, rèn luyện thể chất chúng con,…

Cát Tường nhíu mày, suy nghĩ. Có một cái gì thiếu vắng ở đây chăng? Hình như trong sự náo động thiếu một sự lặng yên. Hình như trong tiếng trẻ nhỏ đọc đều đều kia, thiếu một lời câm nín. Là thế nào? Cát Tường đảo mắt nhìn tất cả những khuôn mặt. Khi tiếng “A-men” vừa dứt, Cát Tường hỏi ngay:

- Nhu Mì đâu?

Không đợi nghe trả lời, Cát Tường ra lệnh:

- Các em tiếp tục ăn đi! Chị ra kiếm Nhu Mì.

Rồi bước nhanh ra cửa, Cát Tường chạy qua phòng ngủ. Không có Nhu Mì ở đó. Nhưng ở trên giường của Nhu Mì, quyển vở mở ra để hỏng hờ trên gối. Cát Tường cầm lên, thấy ở hai trang liên tiếp, Nhu Mì đã vẽ thật nhiều đèn nến – những ngọn nến nhỏ bé, mong manh như dáng nhỏ của Nhu Mì. Chiều hôm qua, Nhu Mì cũng đã vẽ như vậy. Nhưng niềm vui quá to lớn khiến Cát Tường không thấy lệ của nến lan quanh chân đèn. Bây giờ, nước mắt của Cát Tường đang rơi xuống hai trang giấy mỏng, tưởng như đông đặc lại thành sáp, tưởng như có âm vang thành tiếng chuông kêu. Cát Tường ôm quyển vở vào ngực, bàng hoàng bước ra cửa. Ở phía đó, phía mặt trời lên đó, nơi mà sáng hôm nào tiếng xe cót két hân hoan đưa người về, cái ngọn đèn nến cô độc nhỏ bé đang thất thểu đi lên. Mà Cát Tường thì hiện ra sáng chói dưới nắng. Những bước chân cuống quít chạy đến với nhau. Leng keng… Leng keng…! Tiếng chuông rung lên như từ một bản thánh ca, như từ một góc nhà thờ. Tiếng chuông từ trong giọt lệ. Tiếng chuông ở trong bàn tay của Nhu Mì!...

Nhu Mì nhé, chị đã biết bé đi đâu. Chị đã biết bé nghĩ gì. Chị chẳng đi nữa. Chị ở lại đây. Chỉ có kẻ dại khờ mới từ bỏ những thân tình hiện có. Chị chẳng muốn làm nữ tu, chẳng muốn làm thiên thần, mà chỉ muốn làm chị cả, của nai đàn, của chim bầy. Thế thôi! Chị ở lại đây, làng cô nhi chiến tranh, dấu tích có thật của chiến tranh, mà ở đây, mỗi một người chúng ta là một dấu tích đó! Cái chân của Cha Đạo, sự có mặt của em, nỗi buồn của chị… tất cả đều là dấu tích. Dấu tích chua xót. Dấu tích se lòng. Nhưng chỉ có ở đây, sáng mới thấy mặt trời lên từ rừng rẫy, chiều mới thấy bóng tối về từ đỉnh nóc nhà nguyện. Chỉ có ở đây, ta mới cất tiếng hát được những lời ca thoải mái. Mai mốt, khi các em lớn lên, khi Cha cho chúng ta về tỉnh thị, chị vẫn ở bên các em. Nhu Mì muốn vậy không? Hãy nói đi, nói bằng lời của nến. Và hãy đưa cho chị cái chuông đang nằm trong bàn tay bé nhỏ. Chị treo trở lại trên cánh cổng rào. Mai mốt còn nghe tiếng leng keng báo hiệu ông Năm về. Còn người, Quy-Li-Ve, chẳng trở lại đâu! Còn chị, đã trở lại rồi! Quy-Li-Ve, người đã đến, và đã đi, để giúp chị thấy chị nhỏ nhoi và thấy chị rộng lớn. Thế thôi!

Bước qua luống đất này đi! Đất còn mềm, còn ướt. Dấu giày của ai đó còn lún xuống như khắc vào lòng, đau đớn. Ở trên thềm nhà nguyện, dấu đất còn để lại, là những cung nhạc ngàn đời không phai. Nhu Mì hở! Kỷ niệm người để lại, nói không hết đâu! Kỷ niệm sẽ chói lòa mỗi khi bé ra cổng, mỗi khi bé ra sân, mỗi khi bé xuống rẫy, mỗi khi bé vào rừng. Ngồi ở đây đi, thềm nhà nguyện đã vắng. Khóc với chị đi, bé thơ ngây chỉ nói chuyện bằng nước mắt và nụ cười. Hai chị em cùng khóc. Khóc cho thấy nhớ một khuôn mặt, một mái tóc, một dáng người thân mến. Khóc cho nước mắt rơi. Rơi thay cho mưa. Rơi xuống thềm nhà, làm xóa mất dấu chân….

Tân Định, Sài Gòn

Mùa Đông 1974

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh