Ngón tay của nhà kỹ sư - Phần 5 & 6

Phần 05

Nhanh đến nỗi tôi không kịp có thì giờ để ngắm xem căn nhà nó ra thế nào. Tôi vừa qua bậc thềm thì cánh cổng nặng nề đóng sập lại ngay. Và tôi nghe tiếng động bánh của xe lăn đi vọng lại tai tôi rất yếu ớt.

Trong nhà tối đen như mực. Ông Đại tá lần mò kiếm quẹt và ông ta lẩm bẩm những gì tôi nghe không rõ. Bỗng nhiên, ở đầu hành lang bên kia, một cánh cửa mở ra và một luồng ánh sáng vàng xuất hiện, hướng về phía chúng tôi. Ánh sáng lớn dần lên và một người đàn bà bước ra tay cầm ngọn đèn. Bà ta nghiêng đầu về phía trước, chăm chú nhìn chúng tôi. Tôi có thể nhận thấy là bà ta đẹp, và ánh sáng ngọn đèn làm bộ áo đen bà ta mặc bóng lên khiến tôi biết rằng đó là thứ hàng đắt tiền. Bà ta nói vài câu tiếng ngoại quốc, như là để hỏi gì, và khi ông kia trả lời một cách khó chịu, bà ta giật nẩy mình lên làm ngọn đèn suýt rớt ra khỏi tay. Ông Đại tá tiến tới gần thì thào vào tai bà ta mấy câu và đẩy bà ta trở vào căn phòng lúc nãy. Sau đó ông cầm lấy ngọn đèn và bước lại phía tôi, mở một cái cửa khác và nói:

- Ông có thể vui lòng chờ tôi ít phút tại đây được không?

Đó là một căn phòng nhỏ dễ thương, đồ đạc giản dị, có một cái bàn tròn ở giữa và nhiều sách tiếng Đức rải rác trên tấm thảm. Đại tá Linh Sa đặt ngọn đèn trên một cây đèn cạnh cửa và bảo tôi, trước khi ra:

- Chỉ một phút thôi, ông vui lòng nhé!

Tôi nhìn những cuốn sách, và dầu không biết tiếng Đức, tôi cũng hiểu rằng hai cuốn trong số đó nói về khoa học, và những cuốn khác là những tập thơ. Tôi đi ra cửa sổ, mong thấy cảnh đồng quê, nhưng cánh cửa bằng gỗ sồi đã đóng kỹ, gài then sắt. Căn nhà hoàn toàn yên lặng. Trong hành lang có một cái đồng hồ treo tường cũ kêu tích tắc, còn ngoài ra tất cả đều im lìm như chết. Tôi cảm thấy hơi rờn rợn.

Tôi tự hỏi không hiểu mấy người Đức này là ai, họ làm gì, và tại sao họ lại sống trong khu vực hẻo lánh này và nơi này là ở đâu. Tôi ở xa làng Y Phong hai mươi cây số, tôi chỉ biết có thế nhưng về hướng nào? Bắc, nam, tây hay là đông? Tôi chẳng biết được. Rất có thể là có một thành phố nào đó ở gần ngay đây, vì làng Y Phong đâu có hẻo lánh đến thế. Chỉ có một điều chắc chắn là tôi đang ở giữa vùng quê. Tôi vừa đi quanh phòng vừa huýt sáo để giữ bình tĩnh, và tôi cảm thấy được an ủi khi nghĩ là mình sắp kiếm được năm chục đồng vàng.

Bỗng nhiên, cánh cửa phòng chầm chậm mở ra, không gây một tiếng động nào. Người đàn bà lúc nãy đứng ở ngưỡng cửa, thân mình in rõ ràng trên nền đen của hành lang. Ngọn đèn soi tỏ vẻ mặt xinh đẹp của bà ta. Tôi nhận thấy ngay là bà ta có vẻ đang điên lên vì sợ và máu tôi như muốn đông lại. Bà ta run run giơ một ngón tay ra hiệu cho tôi đừng nói gì cả, rồi bà ta vừa thì thào với tôi, bằng một thứ tiếng Anh dở tệ, vừa nhìn ra sau lưng như một con ngựa khiếp hãi.

Bà ta cố gắng bình tĩnh để nói:

- Tôi mà ở địa vị của ông thì tôi đi ngay! Tôi đi ngay! Tôi không ở lại đây đâu! Không có gì tốt đẹp cho ông đâu!

Tôi nói với bà ta:

- Nhưng, thưa bà, tôi chưa làm công việc mà người ta nhờ tôi khi kiếm tới đây. Tôi không muốn đi trước khi trông thấy cái máy đó.

Bà ta cứ nói:

- Không nên ở lại đợi đâu! Ông có thể qua khỏi cửa đi : không ai ngăn cản ông đâu.

Khi bà ta thấy tôi mỉm cười và lắc đầu, bà ta không giữ được nữa. Bà ta bước tới trước và xoắn hai tay vào nhau, lẩm nhẩm:

- Trời ơi! Đi ngay đi trước khi quá trễ!

Nhưng tôi vốn tính bướng bỉnh, và càng gặp trở ngại chừng nào tôi càng cố gắng tiến tới. Tôi nghĩ tới lời hứa trả năm chục đồng vàng, và quãng đường lạnh lẽo phải đi đêm nay, nếu tôi ra bây giờ… Chả lẽ tôi lại bỏ cuộc trước khi được trả tiền? Ai có thể nói chắc là bà ta không loạn trí? Tôi đứng thẳng người, và trả lời bà ta là tôi muốn ở lại. Bà ta vừa định nói với tôi nữa, thì một cánh cửa đóng sập ngay phía trên đầu chúng tôi, và có nhiều tiếng chân người đi xuống thang gác. Bà ta nghe ngóng, đưa hai tay lên trời biểu lộ sự tuyệt vọng, rồi chạy trốn, cũng lặng lẽ và bất ngờ như khi bà ta vào.

Những người mới tới là Đại tá Linh Sa và một người đàn ông mập lùn, có bộ râu quai nón xoăn tít trên cái cằm chảy xệ của ông ta. Ông ta được giới thiệu tên là Phát. Ông Đại tá nói:

- Đây là người thư ký và cộng tác của tôi. Ủa, tôi tưởng mình đã đóng cửa này lúc nãy lại rồi kia mà?

- Không, chính tôi mở ra đấy, tại vì tôi thấy trong căn phòng hơi có mùi ẩm mốc.

Phần 06

Ông ta nhìn tôi với vẻ ngờ vực, rồi nói:

- Có lẽ ta nên lo vụ này cho xong đi, ông Phát và tôi sẽ dẫn ông tới xem máy.

- Vậy để tôi đội mũ lên đã…

- Ồ, chả cần, cái máy ở ngay trong nhà.

- Ủa, vậy ông đào lấy đất sét quí ở ngay trong nhà lên ư?

- Không, không, chúng tôi chỉ nén đất sét ở đó thôi. Nhưng điều đó chẳng có gì quan trọng! Điều cần là muốn nhờ ông xem dùm tại sao nó lại bị hỏng.

Chúng tôi lên lầu nhất. Ông Đại tá đi đầu, tay cầm đèn, thứ đến người cộng tác béo mập của ông ta, và sau cùng là tôi. Căn nhà cổ này đầy những hành lang, ngã rẽ, những cầu thang xoắn, và những cái cửa thấp mà bực cửa vì lâu đời nên mòn trũng xuống. Tôi chả thấy có một cái thảm nào và cũng chả có bóng dáng của một món đồ đạc nào, kê trong các phòng ở tầng trên này. Vách tường thì đầy những vết rêu phong ẩm ướt. Tôi cố làm ra vẻ thản nhiên, nhưng sự thực tôi vẫn chưa quên những lời báo trước của thiếu phụ hồi nãy. Dẫu không quan tâm tới lời nói của bà ta, nhưng tôi vẫn để ý dò xét hai người đang đi cùng. Phát có vẻ rầu rĩ và ít nói, nhưng qua vài câu nói của hắn ta, tôi biết hắn là người Anh.

Sau cùng Đại tá Linh Sa dừng lại trước một cái cửa thấp, và mở ra. Một căn phòng nhỏ vuông vức hiện ra : chúng tôi không thể vào cả ba người vì nó bé quá. Phát đứng lại bên ngoài. Ông Đại tá đẩy tôi vào trong phòng, và nói:

- Đây không phải là một căn buồng mà là một cái máy ép. Trần nhà là khối pít-tông, nền nhà là bàn ép bằng kim loại. Áp suất của nó lên hàng tấn. Chung quanh phòng có nhiều cột rỗng nhỏ chứa nước, và khi chuyển một sức vào những cột ấy, sức nước sẽ được nhân lên gấp bội rồi truyền vào trong này, theo đúng lý thuyết ông đã rõ. Nhưng bây giờ nó chuyển vận không được điều hòa, sức ép của nó bị giảm đi nhiều. Tôi mong ông xem xét nó lại dùm và chỉ cho chúng tôi biết làm cách nào để sửa lại được.

Tôi cầm đèn, xem xét cái máy rất cẩn thận. Thực ra, đó là một cái máy khổng lồ, có một sức ép rất mạnh! Khi tôi đã đi quanh một vòng, và khi tôi ra ngoài, ấn nút cho máy chạy, tôi nghe một tiếng rít, và nhận ra đó là một chỗ nước rỉ, do một lỗ thủng nhỏ ở một cái ống. Tìm kỹ hơn, tôi thấy đó là do một miếng cao su lót giữa hai ống đã co lại, nên nó không bịt kín nữa, và làm nước rò ra ở ngay chỗ đó. Đó là lý do tại sao một phần sức ép của nước bị mất đi. Tôi trình bầy nhận xét này cho hai người kia. Họ nghe tôi rất chăm chú, và đặt nhiều câu hỏi về cách sửa chữa ống nước đó. Khi tôi đã chỉ cho họ tất cả những gì họ cần biết, tôi trở lại căn phòng máy, và tôi ngắm nhìn để thỏa trí tò mò về nghề nghiệp. Tôi nhận thấy ngay rằng câu chuyện đất sét quí chỉ là láo khoét : Thật vậy, một cái máy khổng lồ như vậy đâu có cần thiết để ép đất sét.

Tường thì bằng gỗ, nhưng nền nhà bằng kim loại dắn chắc ; hơn nữa lúc tới gần nhìn kỹ, tôi nhận thấy một vài mẩu kim loại còn sót lại. Tôi quì xuống cầm lên xem đó là thứ kim loại gì, thì vừa khi ấy có tiếng la lớn bằng tiếng Đức rồi ông Đại tá hướng bộ mặt nhợt nhạt như xác chết về phía tôi, giận dữ:

- Ông làm cái gì vậy?

Tôi cảm thấy nổi giận vì đã bị ông ta lừa bịp : Ông ta đã kể chuyện láo với tôi. Tôi khô khan trả lời:

- Tôi đương chiêm ngưỡng mẩu đất sét quí của ông. Có thể tôi sẽ chỉ cho ông cách sử dụng máy hữu hiệu hơn nếu tôi biết rõ ông thực sự dùng nó để làm gì.

Tuy chưa nói hết câu, nhưng tôi đã thấy hối hận ngay về cái giọng gắt gao mà tôi đang dùng. Mặt ông Đại tá dắn đanh lại, và một ánh đen tối thoáng hiện trong cặp mắt xám của ông ta. Ông ta gầm gừ:

- Nếu ông muốn vậy, ông sẽ được biết tất cả về cái máy này.

Ông ta lùi lại một bước, sập cửa lại rồi vặn chìa khóa. Tôi hốt hoảng lao về phía cửa. Tay tôi quơ lấy nắm đấm cửa xoay mạnh, nhưng nó cứng ngắc.

Tôi gào lên:

- Mở ra! Mở ra!... Đại tá…

Nhưng chỉ có sự im lặng trả lời tôi, rồi trong sự im lặng đó, một tiếng động làm máu tôi ngừng chảy : Tiếng máy chạy, và tiếng rít của chỗ nước rỉ ra. Ông Đại tá đã cho cái máy ép chạy!

Cái đèn mà tôi dùng để quan sát bây giờ, vẫn còn đặt dưới nền nhà. Ánh sáng đủ soi tỏ cho tôi thấy cái trần nhà đen thui đang từ từ hạ xuống chậm chạp, đôi lúc dừng lại, nhưng không ai biết rõ hơn tôi là chỉ trong một phút nữa, nó sẽ ép tôi như một tờ giấy. Tôi gào lên to hơn. Tôi ném mình vào cánh cửa. Tôi van nài ông Đại tá. Nhưng tiếng máy ồn ào đã át hết tiếng kêu tuyệt vọng của tôi.

Xem tiếp phần 7 - 8 & 9 (hết)