Pho Tượng Rồng Vàng - Chương 9 & 10

 

Chương 9

CHỨNG CỚ

Người lạ mặt hỏi to : 

- Tụi bây là ai ? Đến đây làm gì ? Trả lời ngay... 

Giọng nói của người ấy nghiêm dễ sợ. 

Anh Đông ho lên một tiếng trước khi nói để giọng cho rõ ràng : 

- Chúng tôi sẽ trả lời ngay nhưng xin ông đừng rọi đèn vào mắt chúng tôi. 

Người lạ mặt khẽ lách chiếc đèn bấm qua hướng khác. Nhờ vậy, chúng tôi có thể thấy rõ người đang đứng trước mặt. Đó là một người đàn ông độ 40 tuổi, người to lớn. Tay phải người ấy cầm đèn bấm, tay trái cầm cây ma trắc của cảnh sát. 

Người đó rống lên : 

- Rồi đó ! Trả lời ngay ! 

Anh Đông nói chậm rãi đầy tự tin không có vẻ gì sợ sệt cả : 

- Tôi tên là Đông, còn đây là em gái tôi tên là Hương. Anh em chúng tôi đều là học sinh trường này. Lúc nãy, anh em chúng tôi thấy trên tầng lầu trên có ánh sáng khả nghi mà theo anh em chúng tôi biết thì không có ai ở trường này ban đêm cả. Hơn nữa mới đây nhà trường lại bị người lạ mặt lén vào làm những điều mờ ám. Vì muốn bảo vệ trường, anh em chúng tôi đến đây dò xét. Đó là nguyên nhân chúng tôi ở đây. Bây giờ đến lượt ông ! Xin ông cho biết ông là ai mà lại có mặt ở đây vào giờ này ? 

Tôi rất hãnh diện được một người anh như anh Đông : can đảm, mưu trí. 

Người lạ hơi biến sắc trước câu hỏi của anh Đông. Người ấy ngó anh Đông đăm đăm. Một lúc sau, người ấy nói : 

- Tao là người vừa được nhà trường mướn giữ trường ban đêm được hai ngày nay. Lúc nãy tao cũng thấy ánh sáng khả nghi như tụi bây, tao lên đó dò và gặp tụi bây. Đủ chưa ? Tụi bây đi ngay để tao tìm kẻ gian không tao đập một cái bể đầu bây giờ ! 

Người đàn ông giơ ma trắc lên. Anh em chúng tôi chạy một nước. 

Sáng hôm sau, Xu Xu lại chỗ chúng tôi cho biết là kẻ gian vẫn còn lảng vảng chung quanh nhà Xu Xu. Anh Đông có vẻ bối rối trước tin mới này. 

Anh nói : 

- Pho tượng Bà Triệu do chính ông Xu Hào tạo ra bị dời chỗ một cách hết sức bí mật. Nhà Xu Xu luôn bị kẻ gian rình rập. Anh nghi là hai sự kiện này liên quan mật thiết với nhau trong bí mật mà chúng ta đang muốn khám phá. Nhưng còn cái hồ tắm ?... 

Tôi nói : 

- Em đề nghị tối nay mình dò xét trong trường một lần nữa xem sao. 

Anh Đông cười : 

- Em thật can đảm ! Anh cũng nghĩ thế ! Tối nay mình sẽ hành động theo chương trình đêm qua nghe ! 

Tối đến, tôi và anh Đông lén vào trường và vẫn thấy ánh sáng bí mật trên tầng lầu ba như đêm qua. 

Anh Đông quyết định đi tìm người gác đêm. Anh đi về phía cổng trước. Tôi theo sau. Thình lình anh quay lại nắm tay tôi : 

- Em xem kìa ! 

Một bóng đen đang chạy thật nhanh ở phía trước và mất hút trong một góc tối. 

Lúc đó, một giọng nói rổn rảng nhưng dữ tợn bỗng nổi lên sau lưng chúng tôi : 

- Chà ! Lại tụi bây nữa ! 

Chúng tôi quay lại. Người gác đêm nhìn chúng tôi giận dữ. Anh Đông bình tĩnh : 

- Tôi đang tìm ông để báo cho ông biết vẫn còn thấy ánh sáng bí mật trên lầu ba và mới đây tôi lại vừa thấy một bóng đen chạy biến mất ở phía trước kia kìa. 

Anh Đông vừa nói vừa chỉ tay ra phía trước. 

Vừa nghe anh Đông nói xong, người gác đêm có vẻ ngạc nhiên, dặn chúng tôi đứng đó đợi rồi người ấy đi thẳng về hướng anh Đông vừa chỉ. Khi người gác đêm vừa quay lưng, anh Đông khẽ nháy mắt với tôi và ra dấu bảo tôi theo anh. Anh Đông dẫn tôi về phía nhà để xe của trường. Anh lấy một chiếc đèn bấm nhỏ chiếu xuống đất. Đất nơi đây mềm trơn trợt. Tôi phải thận trọng tiến từng bước một vì sợ ngã. Thình lình anh Đông la lên : 

- Hương ! Em xem nè ! 

Nhiều vết giày còn ướt ấn sâu xuống đất mềm hiện lên rõ ràng. 

Ngó kỹ những vết chân đó, anh Đông có vẻ suy nghĩ. 

Anh nói : 

- Ngày mai chủ nhật, nhất định nơi này chả có ai lai vãng cả. Em xem kìa ! Bờ của các vết chân rất rõ ràng. Anh muốn làm một cái khuôn các vết chân đó. 

Tôi hỏi : 

- Để chi vậy anh ? 

- Để tìm dấu vết kẻ gian. 

Tôi thắc mắc : 

- Theo em biết, anh phải dùng xi măng để đúc khuôn. Vậy, lấy xi măng ở đâu bây giờ ? Hơn nữa, phải chờ xi măng khô mới lấy khuôn được như thế làm sao chờ được hả anh ? 

Anh Đông nói : 

- Xi măng có rồi ! Kia kìa ... Chờ ngày mai khô mình sẽ vào lấy. 

Anh Đông thật đúng là một nhà thám tử tài ba. 

Theo ánh đèn bấm, tôi thấy ở một góc cột có một bao xi măng dùng dở để sẵn đó từ bao giờ. Có lẽ vì dùng sắp hết nên thợ xây dựng bỏ lại.

 

Anh Đông nói tiếp : 

- Em lại đó hốt xi măng đến đây cho anh ! 

Trong khi tôi lấy xi măng, anh Đông đến hồ nước lấy nước. 

Anh trộn nhanh xi măng với nước rồi đổ vào vết chân. Xong rồi, anh đặt một miếng gạch khá to trên vết chân đó để bảo vệ tác phẩm của mình. 

Anh xoa tay : 

- Thế là xong ! Ngày mai mình sẽ có thể nhận diện được kẻ gian nhờ khuôn này. Về chỗ cũ mau ! Kẻo người gác đêm biết ! 

Sáng mai, tôi đến gặp anh Đông để đi lấy khuôn. Tôi thắc mắc không biết anh làm cách nào lấy được khuôn giữa ban ngày mà mọi người không biết. Nghe tôi hỏi, anh nói : 

- Sáng nay là chủ nhật nên trường nghỉ học không có ai ở trong đó cả trừ công trường đang hoạt động ở bên cạnh. Theo anh biết, sáng nay không có người gác đêm hôm qua, mà chỉ có ông Tư nhân viên thường trực của ban giám đốc gác điện thoại ở văn phòng chỉ dẫn cạnh cửa ra vào. Từ nơi đó vào chỗ lấy khuôn, anh chỉ cần ông Tư lơ năm phút là thành công. Vì thế anh thi hành chương trình như thế này... 

Anh Đông bỗng dừng nói. Tôi sốt ruột : 

- Chương trình như thế nào hả anh ? 

Anh Đông nói chậm rãi với vẻ hết sức long trọng : 

- Chương trình ấy thành công hay không một phần lớn do em đó ! 

Tôi ngạc nhiên nhưng sung sướng vì thấy mình quan trọng hơn lên : 

- Do em hả ? Anh tin em đi ! Em sẽ cố gắng với bất cứ giá nào ! Nhưng có khó lắm không anh ! 

Anh Đông mỉm cười : 

- Không khó gì lắm đâu ! Em chỉ cần bình tĩnh và có chút đảm lược là thành công ! 

Thấy tôi trố mắt nhìn, anh Đông ngừng một lát rồi nói tiếp : 

- Vì ban ngày mình không thể vào trường lén lút được; mình phải đường hoàng vào ra bởi cổng chính. Nhưng cổng chính lại bị đôi mắt của ông Tư canh chừng. Ông sẽ hỏi mình vào trường làm gì thì khó biện bạch lắm. Theo anh biết, ngoài việc gác trường, ông còn có nhiệm vụ trả lời điện thoại cho nhà trường nữa. Vì thế, trong lúc anh vào, em sẽ đến phòng điện thoại công cộng cạnh trường gọi điện thoại cho ông và cố gắng nói chuyện này chuyện nọ cho qua năm phút để anh vào lấy khuôn bởi khi nói chuyện điện thoại, ông Tư sẽ phải xây lưng ra ngoài. 

Tôi hỏi : 

- Nhưng mình nói chuyện gì cho hết năm phút hả anh ? 

Anh Đông ngó tôi cười : 

- Đó là tài của em ! Cần bình tĩnh và có đảm lược ! Anh để em tự do... Hơn nữa em đã từng thi hùng biện mà ! Cần gì phải hỏi anh ! 

Tôi hơi lo nhưng biết không thể nào từ chối thi hành được. Tôi hỏi : 

- Anh nhớ số điện thoại không ? 

- Đây này ! À ! Bây giờ là tám giờ hai mươi phút dê -rô giây mười hai sao ! Em hãy cố gắng cho anh năm phút để anh vào trường lấy khuôn. 

Tôi và anh Đông lái xe đến trường. Chúng tôi dựng xe ở một cột đèn. Tôi tiến đến phòng điện thoại cạnh trường. Từ đó, tôi có thể nhìn vào trường, thấy suốt từ văn phòng chỉ dẫn đến chỗ đặt khuôn của anh Đông. 

Tôi dòm đồng hồ. Tôl nhấc điện thoại lên quay số. Tôi nghe chuông reo ở bên kia đầu dây. Tôi thấy ông Tư đứng dậy đến chỗ để điện thoại. Đúng như lời anh Đông, ông Tư xây lưng ra ngoài. 

Tôi nghe ông Tư nói : 

- A lô ! Trung học... chúng tôi nghe đây ! 

- A lô ! 

Vừa đáp lại bằng tiếng "a lô", tôi bỗng nhiên nghẹn lời, chả biết nói gì nữa cả. Tôi run cầm cập.

 

Chương 10

 DẤU VẾT 

 

- A lô ! A lô ! Xin cho biết tôi được hân hạnh nói chuyện với quí vị nào ở đầu dây đó ạ ? 

Phải trả lời nhanh nếu không thì... Tôi thấy anh Đông đang từ từ đi vào trường. Anh đã vượt qua cổng tiến về phía đặt khuôn. 

Quýnh quá, tôi hỏi đại : 

- Tôi là má của em Liên học đệ nhị. Tôi muốn nói chuyện với người có thẩm quyền của nhà trường! 

Tôi cố sửa giọng cho có vẻ đạo mạo người lớn. Tôi cảm thấy tim tôi đập bình bịch. 

- A lô ! Dạ thưa bà, bà có thể nói với tôi được ạ ! Tôi là đại diện thường trực của ban giám đốc sáng nay. 

Bà ! Ông Tư gọi tôi bằng bà ! Tôi nói : 

- Thưa ông ! Sáng qua cháu Liên đi học như thường lệ… 

- Sao bà ? 

- Cháu Liên có đeo một cái đồng hồ... Cái đồng hồ đó quí lắm... bằng vàng... 

- Thưa bà ! Xin bà nói rõ... Bà muốn nói gì với nhà trường ạ... 

Ông Tư nói có vẻ sốt ruột. 

- Cháu bị giựt mất đồng hồ đó rồi ! Cháu khóc suốt từ sáng hôm qua đến hôm nay... 

Lúc đó tôi thấy anh Đông ôm một bịch bằng giấy xi măng vừa ra khỏi cổng trường. Tôi vội nói nhanh : 

- Nhưng ! Nhưng ! Thưa ông cháu nó đã tìm được rồi ạ ! Cám ơn ông ! Cám ơn ông ạ ! 

Vừa nói xong, tôi vội đặt ống nghe xuống ngay vì sợ ông Tư nổi giận. 

Tôi chạy lại gặp anh Đông. Ngó tôi, anh nói : 

- Đôi giày thật khổng lồ ! 

Tôi cầm cái khuôn lên xem. Tôi hỏi anh : 

- Anh có thấy những chữ Tàu ở gót chân ? 

- Thấy chứ ! Anh nghi lắm... 

- Phải anh nghi Quách Tĩnh không ? 

- Phải ! Mình đến Xu Xu ngay xem sao ! 

Anh em chúng tôi bèn lái xe thẳng đến nhà Xu Xu. Cái khuôn bằng xi măng quí giá để tìm dấu vết thủ phạm xâm nhập trường nằm gọn ở giỏ xe Honda của tôi. 

May quá ! Chỉ có một mình Xu Xu ở nhà ! Ông bà Hùng ra phố, Quách Tĩnh lên Chợ Lớn thăm bà con. Chúng tôi bèn nói cho Xu Xu nghe và đưa cho Xu Xu cái khuôn bằng xi măng in dấu vết chân của kẻ gian. Tuy nhiên, Xu Xu vẫn không tin Quách Tĩnh là tác giả các vết chân đó. Anh Đông khẩn khoản : 

- Xu Xu cứ thử để cho chúng tôi so sánh vết chân này với giày của Quách Tĩnh đi. 

Xu Xu bắt buộc phải dẫn chúng tôi vào phòng riêng Quách Tĩnh. Xu Xu có vẻ không bằng lòng. Anh Đông lấy một chiếc giày của Quách Tĩnh đặt vào khuôn thấy vừa khít. 

Anh nói : 

- Chả nghi ngờ gì nữa ! Đúng là vết giày của Quách Tĩnh rồi ! 

Lúc đó, bỗng có một tiếng động nhỏ nổi lên. Chúng tôi ngẩng đầu : Trời ! Quách Tĩnh ! 

Quách Tĩnh ngó chúng tôi giận dữ : 

- Xin hai nị giải thích tại sao lại dám vô phòng riêng của ngộ ? 

Xu Xu liền trả lời thay chúng tôi : 

- Xin lỗi Quách Tĩnh ! Nhưng tôi vừa tìm ra chứng cớ là Quách Tĩnh đã lén lút vào trường ban đêm. Xin anh hãy giải thích tại sao anh có hành động mờ ám như vậy ? 

Quách Tĩnh rảo mắt ngó chung quanh. Khi thấy chiếc giày nằm vừa khít trong cái khuôn bằng xi măng, Quách Tĩnh hiểu là mình đã bị bại lộ. 

Lúc bấy giờ, Quách Tĩnh bên tiến tới ngồi cạnh chúng tôi. Quách Tĩnh bắt đầu nói : 

- Cách đây mười năm, giòng họ Quách ở Hương Cảng có một gian hàng buôn hột xoàn thuộc vào hàng lớn nhất thế giới, khắp năm châu đều nghe tiếng. Nhưng, vì không may mắn, cách đây hai năm, cụ Quách Xú Há đã bị khánh tận. 

Xu Xu chận Quách Tĩnh lại, nói với chúng tôi : 

- Đó là ông cậu ruột của tôi. Tôi đã sống với ông khi tôi còn ở Hương Cảng. Ông rất già và rất đạo đức. Hiện nay ông đã 80 tuổi. Vì đạo đức thật thà nên ông mới bị khánh tận khi buôn hột xoàn. 

Chờ Xu Xu nói xong, Quách Tĩnh tiếp : 

- Sau đó, phần tài sản còn lại cũng bị nhà cầm quyền ở Hương Cảng tịch thu luôn chỉ trừ một vòng hột xoàn hết sức quí giá là thoát khỏi bị tịch thu vì nhờ lúc đó được gởi ở Chợ Lớn trong tay một người hết sức thân tín của cụ. Vòng hột xoàn phát xuất từ Hồng Hải trị giá hàng trăm triệu Mỹ kim. Đó là một trong những vòng hột xoàn đắt nhứt thế giới. Sau đó, ông Xu Hào ở bên Việt Nam từ nhỏ về thăm gia đình ở Hương Cảng. Nhân đó cụ Xú Há mới giao cho ông Xu Hào nhiệm vụ lấy lại vòng hột xoàn để cứu vãn nền kinh tế của gia đình. Cụ Xú Há đã ký giấy cho phép ông Xu Hào bán hột xoàn rồi gửi tiền về Hương Cảng. Vài tháng sau, cụ Xú Há nghe tin ông Xu Hào đã lấy lại được vòng hột xoàn và liền sau đó xảy ra tai nạn thảm khốc. Luôn mấy ngày chả ai nhớ gì đến vòng hột xoàn cả. Sau đó, cụ mới cho người điều tra biết là vòng hột xoàn vẫn chưa lọt vô tay bọn cướp và ông Xu Hào đã đích thân giấu cất ở một nơi bí mật nào đó. Cụ muốn tìm cách lấy cho được vòng hột xoàn ấy để lo cho tương lai của cháu cụ, tức là Xu Xu đó. Nhận được thư của ông bà Hùng gửi cho cụ xin phép nhận Xu Xu làm con nuôi theo di chúc của ông bà Xu Hào, cụ Xú Há tôn trọng ý muốn của người chết nên phải bằng lòng cho Xu Xu đi Saigon dù cụ thương Xu Xu lắm. Nhân đó cụ đã cho ngộ theo để hầu hạ Xu Xu đồng thời có nhiệm vụ phải tìm cho được chiếc vòng hột xoàn. 

Khi vừa đến Saigon, ngộ thấy ngay là Xu Xu đang bị theo dõi sát. 

Quách Tĩnh im lặng chốc lát, rồi nói tiếp : 

- Nhà bị lục tung. Ngộ đã hiểu hiện cũng đang có một người khác đi tìm vòng hột xoàn đó. Như thế, ngộ phải tìm ra nhanh. Nếu không sẽ hỏng. Nhưng ngộ chả biết làm cách nào. Một thời gian sau, ngộ thấy anh Đông này tìm ra bức ảnh nổi con Rồng Vàng của ông Xu Hào vẽ để lại và ngộ được nghe Xu Xu đọc câu bí mật ở dưới bức ảnh. 

Anh Đông liếc tôi. Quách Tĩnh đã tự thú là có nghe lén. Nhưng anh không nói gì hết để Quách Tĩnh nói tiếp : 

- Ông Xu Hào phải giấu vòng hột xoàn ở một nơi bí mật để khỏi bị mất cắp. Ông đã viết câu bí mật: Ngôi nhà hiểu biết. Vì thế ngộ phải vào tìm trong trường lúc ban đêm vì ngôi nhà hiểu biết tức là ngôi trường. 

Tôi hỏi : 

- Anh vào trường bằng cách nào ? 

- Ngộ lén leo rào vào... 

Tôi không hỏi nữa, Quách Tĩnh tiếp tục nói : 

- Ngộ đã lén vào trường đẩy pho tượng Bà Triệu ra xem ông Xu Hào có giấu hột xoàn dưới đó không vì pho tượng này là một tác phẩm của ông Xu Hào. Sau khi đã xem xét thấy không có gì, ngộ tính đẩy pho tượng trở về chỗ cũ thì một tiếng động khả nghi nổi lên, ngộ hoảng sợ bỏ đi một nước. 

Anh Đông chen vào : 

- Như thế đã quá rõ rồi ! Chúng tôi hiểu rồi ! Cả hồ tắm nữa... 

- Thưa anh Đông ! Ngộ không có nậy gạch ở hồ tắm. Việc đó ngộ chả hiểu gì hết. 

Anh Đông đứng dậy : 

- Như thế nghĩa là bọn gian cũng đã vào trường tìm vòng hột xoàn. Chúng đã theo dõi Quách Tĩnh và Xu Xu vì chúng đoán hai người giữ kho tàng đó. 

Quách Tĩnh nói : 

- Phải ! Bọn gian đã thấy ngộ vào trường. 

Anh Đông tiếp tục lý luận : 

- Ngoài ra, bọn gian biết ngoài dạy vẽ, dạy nặn tượng, ông Xu Hào còn dạy cả bơi lội cho học sinh trong trường nữa. Vì thế bọn gian đã nghi ngờ ông Xu Hào giấu hột xoàn dưới hồ tắm. Tôi đã quan sát kỹ các viên gạch bị nậy, tôi nhận thấy có nhiều viên bị trét bởi một loại xi măng đặc biệt khác hơn các viên khác. Có lẽ bọn gian cũng nhận thấy thế nên nậy lên hy vọng tìm được vòng hột xoàn giấu phía dưới. 

Xu Xu la lên : 

- Anh Đông giỏi quá ! Đúng là một nhà thám tử tài ba. 

Anh Đông mỉm cười khiêm nhượng : 

- Mình trở lại từ đầu trước khi xảy ra tai nạn, ông bà Xu Hào biết là đang bị theo dõi và bọn gian đó chính là tên Huynh hay Huyên gì đó đã gọi điện thoại nói gì với ông Xu Hào. Ông cảm thấy bị lâm nguy nên cố gắng vẽ gấp rút bức ảnh nổi Con Rồng Vàng và đồng thời tìm chỗ giấu vòng hột xoàn chờ Quách Tĩnh và Xu Xu qua. 

Tôi hỏi : 

- Nhưng ông bà đi lên Biên Hòa làm chi để bị gặp tai nạn ? 

- Anh đã nói với em, đó không phải là một cuộc dạo mát giữa trời mưa mà là… ông bà Xu Hào đã thi hành nhiệm vụ giấu vòng hột xoàn. Dù bị chết, ông bà cũng đã hoàn thành nhiệm vụ vì hiện nay bọn gian vẫn chưa tìm thấy gia tài hàng trăm triệu đô la đó ! 

Tới đây, Xu Xu đứng phắt dậy, dõng dạc nói : 

- Bây giờ tôi đã biết rõ chuyện. Tôi phải tìm ra vòng hột xoàn với bất cứ giá nào để ông tôi khỏi buồn, nhất là để ba má tôi bằng lòng vì tôi biết ba má tôi vẫn muốn thế. 

Anh Đông ngó Xu Xu mỉm cười : 

- Xu Xu yên chí ! Chúng tôi sẽ giúp Xu Xu ! 

Nhưng Quách Tĩnh không bằng lòng : 

- Không ! Cám ơn hai nị nhiều lắm ! Nguy hiểm lắm ! Hai nị hãy quên hết chuyện vừa rồi đi. Ngộ sẽ tìm một mình. 

Xu Xu nói : 

- Anh Đông và chị Hương đây tốt lắm, lại giỏi nữa, cứ để anh chị ấy giúp đỡ chúng ta. Càng hay chứ đâu có gì trở ngại. 

Quách Tĩnh vẫn cãi : 

- Không ! Cụ Xú Há đã dặn không cho người ngoài xen vào ! 

Anh Đông bình tĩnh : 

- Nhưng anh nên nhớ là theo như câu bí mật ở bức ảnh Con Rồng Vàng thì có lẽ hột xoàn ở trong trường. Nếu chúng tôi không giúp anh thì anh làm sao vào trường dễ dàng được. Nếu anh cứ bí mật vào một mình thì nhất định có ngày sẽ bị lộ lúc đó anh sẽ bị lâm nguy vì luật pháp xứ này cấm xâm nhập các cơ sở công cộng một cách lén lút. 

Quách Tĩnh có vẻ chịu thua lý của anh Đông. Nghĩ một lát, Quách Tĩnh nói : 

- Để ngộ xem quẻ đã ! 

Quách Tĩnh lại bàn lấy ra một cái bát và hai đồng xu, Quách Tĩnh cầm hai đồng xu chắp tay lại, mắt nhắm nghiền, miệng khẽ lẩm bẩm mấy câu thần chú. Vài phút sau, Quách Tĩnh bỏ hai đồng xu xuống chén. Hai đồng xu rơi xuống lẻng kẻng rồi quay tròn trước khi ngã xuống. Sau khi ngó kỹ hai đồng xu, Quách Tĩnh tươi cười nói với chúng tôi : 

- Ông bà cho đã cho phép anh và chị giúp đỡ chúng tôi. Cám ơn anh chị. 

Quách Tĩnh cúi rạp mình chào chúng tôi. Chúng tôi cúi đầu đáp lễ.

Xem tiếp chương 11 & 12