Nhóm Lửa - 11 & 12

11- Hoà

Em hỏi anh Dũng : 

- Bao giờ lớp học mới mở, anh ? 

Anh Dũng đáp thật buồn : 

- Chưa biết bao giờ nữa, các anh đang cố gắng tìm lớp nhưng chưa được… 

Hỏi là hỏi vậy thôi, chứ làm gì em không biết chuyện anh và anh Nhật xin đất nơi ông Trưởng Khóm, xin lớp nơi thầy An và hai anh đã bị từ chối. Má em phê bình về chuyện này : 

- Hai em trai đó tốt lắm, nhưng đâu phải ai cũng tốt như hai em đó… 

Ngoại em : 

- Tao chỉ tiếc một điều là nhà mình chẳng những chật chội, lại không có chút xíu đất dư nữa… Chớ không… 

Ba em : 

- Đằng bà Tám Giàu có căn nhà bỏ trống, treo bảng cho mướn, phải chi bả giúp căn nhà đó thì tốt biết bao… Nghe đâu hai em trai đó có tới hỏi mướn, nhưng bả đòi cao quá, họ không đủ tiền… 

Buổi sinh hoạt tất niên vừa rồi, không như nhiều lần trước, lần này, em được lãnh thưởng rất nhiều. Một ôm đến hơn gang tay lận ! Em mừng quá đi ! Và hãnh diện nữa ! Trong các cuộc đố về lịch sử, địa lý, em vẫn thường trả lời được nhiều câu hỏi và được chọn trao phần thưởng. Việc này đã khiến nhiều đứa bạn em ganh, nhưng có lẽ chính nhờ đó mà tụi nó chịu học hơn trước. Hai ba lần, thằng Thành, thằng Ngọc, con oanh đã khiến em… hụt giò, giành của em phần thưởng nơi anh Nhật, anh Dũng. 

Được biết hai anh có ý định mở một lớp học cho tụi em, tụi em mừng ghê đi. Không phải tụi em ham được thưởng, mà tụi em nghĩ rằng có lớp, chắc tụi em sẽ học được nhiều thứ hơn. Có lần, anh Nhật bảo em đánh vần chữ ngoằn ngoèo, em ấp úng hoài… Anh nói, nếu có lớp, thế nào anh cũng dạy cho em môn chính tả. Anh nói có lý chớ, chữ nước mình mà viết kkhông trúng thì nói gì đến việc học chữ nước khác. Một lần nữa, anh hỏi tụi em chớ đứa nào cũng biết hát nhiều bản nhạc rồi, nhưng có đứa nào biết nốt nhạc là gì không ? Thằng Thanh hỏi : 

- Son lá mì đó phải không anh ? 

Anh gật đầu : 

- Phải rồi… Em biết hả ? 

Thanh lắc đầu : 

- Dạ không… em chỉ nghe người ta nói rồi bắt chước nói lại… 

Anh : 

- Nếu có giờ âm nhạc, anh sẽ chỉ cho các em cách đọc nốt nhạc. Rành nốt nhạc rồi, các em sẽ dễ dàng trong việc học hát, và nếu có thể, các em tiến đến việc học đàn cũng được… 

Con Oanh rất mê cây đàn của anh Nhật, cười híp mắt : 

- Hì hì… tới hồi đó, em sẽ xin anh Nhật dạy em đàn để tối tối, em về gảy từng tưng cho má em nghe, chắc má em ưng lắm… 

Những môn học khác nữa, như môn Toán, môn Luận chẳng hạn, trong những buổi sinh hoạt, các anh không sao dạy tụi em được, dù rằng các anh, và tụi em đều muốn. 

… Lớp học… 

Đó không phải chỉ là niềm mơ của hai anh đâu, mà còn là ao ước của tụi em nữa, của ba má tụi em nữa. Ngoại em nói : 

- Không hiểu hai em đó có nghĩ đến chuyện mở lớp học rồi, các em ấy làm mích lòng thầy An không ? 

Ba em : 

- Má lo chi chuyện đó, con tin là hai em đó dư hiểu rằng hai em ấy có làm gì thì cũng phải tránh va chạm quyền lợi của người khác chớ… 

Rồi ba em chép miệng : 

- Tới má là người ngoại cuộc mà còn nghĩ vậy huống gì thầy An, thẩy chẳng sợ lớp học của hai em kia giành hết học trò của thẩy… 

Nhưng lớp học của anh Nhật, anh Dũng đã thành hình đâu ? Và biết có thành hình không ? Cứ nhớ đến nét mặt buồn buồn của anh Dũng khi nhắc đến chuyện lớp học là em thấy buồn lây…

12- Ông Long

Cho đến bây giờ, đối với tôi, Dũng không còn chỉ là con trai của người bạn chí thân của tôi, cũng không chỉ là một người trọ học trong gia đình tôi, mà còn là một ân nhân của gia đình tôi nữa. 

Tôi là một thương gia tăm tiếng ở Sàigòn này, hẳn nhiên, công việc giao dịch, bán buôn chiếm rất nhiều thì giờ của tôi trong ngày. Tôi rất ít khi để ý được đến hoạt động của con cái. Năm đứa con, ngoại trừ con Lan Hương đã ra trường, là một giáo sư, bốn đứa còn lại, tôi trông cậy vào sự dạy dỗ của mẹ và chị chúng. Nhưng thằng Trí, con Lan Phương mải mê với đàn hát, danh vọng; thằng Tuấn lại miệt mài với sách vở, và chỉ sách vở; con Lan Anh đâm ra buồn chán, cô đơn. Tôi bận việc quá nhiều, nhà tôi lại dễ dãi với con cái – mà có lẽ, phần đông đàn bà Việt Nam đều như thế -- Con Lan Hương đi dạy xa, nếu không có Dũng xuất hiện, thì chưa biết chừng nào, gia đình tôi có được sự vui vẻ như ngày nay. 

Trí và Lan Phương đã bỏ hẳn được mộng cầu danh, giúp sức Dũng trong những việc hữu ích. Tuấn đã nhìn được ở Dũng một điều : ngoài việc học, cũng nên có những phút giải trí, hoặc nếu có thể được, những hoạt động vì người. Lan Anh có niềm vui mới : hoà đồng với các anh chị trong những sinh hoạt vui tươi… 

Tôi tiếc là không được biết sớm ý định của Dũng và người bạn trong việc mở lớp học cho trẻ em ở khu xóm gần đây. Thế nào tôi chẵng giúp được chút phương tiện. 

Những ngày tết vắng Dũng, tôi thấy hiện diện rõ ràng một sự thiếu thốn trong gia đình. Các con tôi quây quần trò chuyện, một lúc hứng chí, chúng vác đàn ra ca hát với nhau và không quên, mời cả tôi và má chúng tham dự. Lũ con chúng tôi đã “dạy” chúng tôi hát những bài hát hùng mạnh, vui tươi mà chúng thường hát trong các buổi sinh hoạt với đám trẻ trong xóm. Chúng “dạy” tôi hát “Trả lại tôi tuổi trẻ”, dạy tôi “Đời lên hương”,… Tôi hát ồm ồm mà chúng khen hay, vỗ tay muốn bể nhà. Tôi thấy mình như trẻ lại và bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ xa xưa bấy lâu nay nguội lạnh vì những lăn lộn nơi trường đời, giờ như được hâm nóng lại. 

Chính trong buổi họp mặt này, lũ con tôi đã cho tôi biết ý định của Dũng về một lớp học. Tôi trách chúng : 

- Thế mà chúng mày không cho tao biết sớm ? 

Trí : 

- Hồi Dũng mới có ý định, tụi con còn đang “kình địch” nhau mà ba ! 

Lan Phương : 

- Hồi đó, con “tức” anh ấy không biết đâu mà kể. Nếu như anh ấy có ngỏ lời muốn được ba giúp đỡ, con cũng nhất định chống tới cùng… 

Tôi mỉm cười : 

- Thế còn bây giờ thì sao ? 

Con bé cười mỉm không đáp. Chị nó nói với tôi : 

- Con bé cứng đầu này bị thầy giáo của nó gõ đầu nên giờ hiền lắm rồi đó ba… 

Tôi cười, nhớ lại hôm Lan Phương khép nép bên má nhờ má nói với tôi xin Dũng cho làm “học trò”, “ông thầy” mà trước đó, nó đã chê. 

Tuấn kể : 

- Con biết một chuyện bí mật lắm ba à ! 

- Chuyện gì thế ? 

Tuấn liếc Lan Phương : 

- Chuyện của chị ấy đó ba ! 

Lan Phưong : 

- Chuyện gì của tao mà mày gọi là bí mật ? 

Tuấn cười hì hì : 

- Thì chuyện mấy cái chữ tắt ấy chứ còn chuyện gì ? 

Mặt Lan Phương bỗng ửng đỏ. Tuấn nói với mọi người : 

- Chị ấy viết trong tập nháp không biết bao nhiêu là những chữ tắt… Ba má với các anh chị biết chữ gì không ? 

Lan Phương chồm tới lấy tay bịt miệng Tuấn, nhưng thằng bé đã tránh thoát, nó to giọng : 

- Toàn là hai chữ P.D. 

Lan Phương ấp úng : 

- Tại… tại tao mê Phương Dung nên tao viết vậy chứ bộ… 

Trí ghé tai Tuấn nói nhỏ, nhưng cố ý để mọi người cùng nghe được : 

- Nó vừa nói gì mà tao nghe không rõ vậy. Phương Dung hay… Phương Dũng ? 

Tội nghiệp con gái tôi, mặt nó đỏ bừng…

Xem tiếp chương 13-14 & 15 (hết)