Bộ Khuy Kỳ Lạ - Loại Hoa Đỏ

Tủ sách Tuổi Hoa - 1971

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

Chương 5 & 6

Chương 7 & 8

  Chương 9 & 10

    Chương 11 & 12

    Chương 13 & 14

    Chương 15 & 16

             Chương 17 & 18 (hết)

Nguồn: DEECEE sưu tầm và đánh máy

--------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 1

Trực chỉ Du-Ráp

Việt-Kim ngẩng phắt đầu như một con búp bê hình nộm có giây giật. Em đưa tay lên dụi mắt, vén gọn những lọn tóc nâu tơ mịn lòa xòa che kín cả mắt.

Tia nhìn loang loáng, bao quát một vòng kéo tâm trí em trở về thực tại ... Thì ra thân mình em đang lơ lửng trên chín tầng mây trắng cách mặt biển trong xanh, mênh mông sóng nước của Ấn-Độ Dương có trên 3.000 thước. Kề sát ngay bên cạnh là ký giả Hải Âu, cha em, trong một chiếc ghế nệm nhung êm của chiếc phi cơ vĩ đại đang soải cánh trực chỉ Du-Ráp! Một tiểu vương quốc, nhỏ bé nhưng nổi tiếng nhờ những giếng dầu lửa. Chỉ chút nữa đây, máy bay sẽ hạ cánh ghé Ba-Lê, tại phi trường Óoc-Ly.

Việt-Kim vươn vai thoải mái tự nhủ:

- "Chuyến bay du lịch này quả là một cuộc phiêu lưu kỳ thú chỉ có được trong những chuyện thần tiên".

Việt Kim đã được đọc nhiều sách báo nói về tiểu quốc Du-Ráp. Những trang sách kể các chuyện kỳ thú về sự tích "Ngàn lẻ một đêm" ...

Trí óc lâng lâng, em hình dung lại bóng vị "thần" vừa hiện ra trong giấc mơ hồi nãy. Và em thấy vị thần đó thật là giống "chú Ngọc" ghê. Giống chú Ngọc? Tại sao lại có thể giống chú Ngọc được nhỉ?... À, chắc vì, có tới gần một tuần nay, chú Ngọc cứ bắt Việt Kim đọc mãi để được biết nhiều tin tức về cái tiểu quốc tí hon của miền Trung Đông đó. Chắc thế rồi! Chú Ngọc chả là Giám Đốc Nha Thông Tin Đô-Thành vừa là bạn rất thân của ký giả Hải Âu, ba em mà. Và việc em được theo ba đi du lịch đây cũng là nhờ chú Ngọc một phần lớn.

Tiếng ngáy pho pho của ký giả Hải Âu nơi ghế nhung bên cạnh đã làm em tỉnh ngủ. Em nhẹ nhàng đỡ đầu, khẽ nâng vai cha cho ngồi ngay ngắn lại, và tủm tỉm cười thầm nghĩ:

- Ba chỉ ngủ là tài! Vậy mà hứa là sẽ đánh thức mình dậy khi phi cơ bay tới trời Âu đấy. Té ra chính mình lại phải đánh thức ba ấy chứ!

Việt Kim đưa tia mắt trìu mến ngắm khuôn mặt rắn rỏi, đường nét thanh tú, rám nắng của người cha thân yêu. Ngay cả khi ngủ, ký giả Hải Âu cũng vẫn có cái vẻ đặc biệt của người có một sức sống mãnh liệt.

Ngồi thoải mái trong ghế bành bọc nhung êm, hai tay khoanh lại, bắt chéo trước ngực, đôi mắt nhắm kín, nhưng sắc diện ông vẫn toát ra một cái gì rất sống động như đang ngưng tụ thần trí đặng đặt một vài câu phỏng vấn một nhân vật trứ danh trên màn ảnh truyền hình vậy.

Nhưng Việt Kim chợt nhận ra hình bóng một nếp nhăn rất nhỏ chạy ngang trán ông Hải Âu. Chắc trong lòng ông đang có một sự gì lo lắng. Và chẳng hiểu điều lo lắng ấy liệu có gì dính dáng đến công việc của ông tại Du-Ráp không? Tuổi trẻ dễ buồn mà cũng dễ vui. Nếp nhăn nhỏ trên trán cha chợt làm em áy náy, nhưng khi nghĩ tới "chú Ngọc", giám đốc Nha Thông Tin Đô Thành, em lại thấy trong lòng phấn khởi vô cùng.

Hơn một năm nay, ông Ngọc tuyển Việt Kim vào tập sự làm ký giả. Mấy tháng sau, ông lại chiều ý, biệt phái em qua phụ tá cho ông Hải Âu, cha em, một cây viết kỳ cựu, tuy tuổi mới ngót 40, của đài Phát Thanh và Vô Tuyến Truyền Hình. Hải Âu! Cứ nhắc đến hai tiếng đó, các khán thính giả của Vô Tuyến Truyền Thông, Truyền Hình lại nhớ ngay đến những cuốn phim tài liệu thời sự quốc tế với những bài dẫn giải rất có giá trị của ông. Tại khắp mọi nơi trên thế giới hễ nơi nào hơi có một cái gì lạ, là thế nào ký giả Hải Âu cũng cậy cục xin đi cho bằng được, để săn tin và thu hình.

Với danh nghĩa phụ tá, Việt Kim thường tháp tùng cha hầu hết trong các cuộc du lịch từ Á sang Âu, Úc, Mỹ, Phi ... Ký giả Hải Âu thường hay nửa đùa nửa thật, bảo con gái yêu:

- Con sẽ là đôi mắt, đôi tai thứ hai của ba đó, nghe!

Quả có thế! Công việc của Việt Kim là sưu tầm các sự kiện, tổng hợp mọi yếu tố, moi móc, phát giác ra những chi tiết đặc biệt và đôi mắt thì lúc nào cũng phải có một cái nhìn thật tinh tế để nhận ra được những nét độc đáo, những khía cạnh đặc biệt của sự việc và sự vật.

Giờ đây, em đang cúi xuống, khom người bới tìm dưới gầm ghế ngồi, cái sắc tay và đôi giày đã tháo ra cho đỡ tức chân từ lúc lên phi cơ. Em muốn sửa soạn lại một chút cái khuôn mặt đẹp, rồi sau đó mới đánh thức ba dậy để ba được vui sướng với niềm kiêu hãnh có được một đứa con gái rất xinh tươi.

Nhấc bỏ tấm chăn len mềm thơm vắt ngang người, Việt Kim nhẩy nhẹ qua chân ông Hải Âu, lướt ra lối đi ở giữa phi cơ, tiến về phía đuôi. Hành khách, đa số vẫn còn ngủ gà ngủ gật trong lòng ghế ấm.

Việt Kim ngắm bóng mình từ tấm gương sáng trong phòng rửa mặt. Sau tiếng la khẽ "Trời! Đầu với tóc!" em rút trong sắc tay ra một cái lược dài, đưa lên gỡ rối những lọn tóc nâu mịn đẹp như tơ. Úp mặt vào làn nước từ vòi "la va bô" chẩy đầy chậu men, Việt Kim nhẹ rùng mình khoan khoái với cảm giác toàn thân mát rượi. Một nốt ruồi tròn lệch về phía bên trái cái cằm xinh xinh khi em nheo mũi làm mặt xấu. Việt Kim lấy bông phấn chấm chấm, xoa xoa như muốn che lấp cái mụt ruồi "ăn tham" đó đi. Em tưởng như tiếng cô Hiền lại dịu dàng văng vẳng đâu đây. "Tại sao cháu lại cứ phải bôi xóa che lấp cái điểm ông trời đánh dấu đó vậy? Người ta kiêng cữ lắm đó nghe! Mà cô thấy cứ để thế lại càng đẹp, càng tôn nước da trắng hồng của cháu lên đấy chứ! Nhiều cô gái khác mong còn không được đó!"

Cô Hiền là em ruột ba Việt Kim. Cô thay thế má em đã khuất bóng từ năm em mới lên hai tuổi. Tuy ở ngay tại Saigon với anh và cháu từ lâu lắm rồi, cô Hiền vẫn giữ nguyên được nếp sống ngăn nắp, trật tự như hồi còn ở Hà Nội. Thêm vào đó là một tấm lòng vị tha không bờ bến xen lẫn chút ít tư tưởng châm biếm khôi hài tính chất xây dựng cho cháu và anh.

Bỏ chiếc bông phấn xuống. Việt Kim đưa tay làm một cái hôn gởi theo gió về Saigon cho cô.

Mở cửa bước ra, quay về chổ ngồi, đã thấy nhiều hành khách thức giấc, mắt mở tỉnh táo. Một chú bé đói bụng khóc oa oa. Cô chiêu đãi lẹ chân bước tới, kê vào miệng "búp bê" bình sữa ấm. Tiếng ngáp khẽ vẳng lên đây đó, nhiều cánh tay vươn vai nhô lên thụt xuống sau lưng ghế nệm êm.

Máy bay cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất hồi 20 giờ 30 trực chỉ phía trời Tây. Sẽ ghé qua Ba-Lê để lấy thơ.

Việt Kim ngó đồng hồ tay. Hai chiếc kim dài ngắn vẫn chỉ theo giờ Việt Nam. 1 giờ 30! Vậy mà qua cửa sổ tròn, mặt trời đã rạng đông. Cô chiêu đãi tươi cười khuyên Việt Kim nên lấy lại cho đúng giờ địa phương.

Ký giả Hải Âu vẫn say ngủ. Việt Kim ghé mắt qua lỗ cửa sổ tròn bịt kiếng dầy, ngắm bờ biển nước Pháp. Một giải viền màu nâu hiện ra rõ rệt về phía bên tay mặt, đẹp mơ hồ như trong một bức tranh thủy mạc.

Việt Kim lay tay cha:

- Ba ơi! Ba! Dậy đi ba! Âu châu đây này, ba!

Ông Hải Âu giật nẩy người:

- Gì ... gì? Cái gì thế? Ủa! Con thức dậy hồi nào đó?

Việt Kim nũng nịu:

- Ba ngủ hoài à! Chút xíu nữa là con lỡ mất dịp ngắm Pháp quốc từ trên phi cơ đó, hà!

Sau một giấc ngủ ngon, ông Hải Âu cười tươi, giọng thật vui, nhưng câu nói của ông úp mở, thông minh một cách rất tinh quái:

- Pháp quốc hả! À ... à! Nước Pháp đẹp lắm hả con? Ừ, đẹp lắm; - Ông Hải Âu ngó qua cửa sổ tròn, - Ừ, ừ đẹp thật. Nhưng ... nước Pháp thơ mộng chưa kịp ... trải dầu, chưa kịp ... sửa soạn kỹ. Khi phi cơ hạ cánh, con sẽ thấy nó còn đẹp hơn nhiều nữa kia. À, mà ba tưởng con gái ba đã có dịp biết Pháp quốc rồi chứ?

Việt Kim chẩu đôi môi:

- Lâu lắm rồi, còn nhớ được gì đâu ba. Hồi đó con còn bé chút xíu à!

- Ba đã cho con học cả tiếng Pháp nữa mà. Không nhiều lắm, nhưng chắc cũng đủ để vượt bứt các bạn trong lớp chứ?

- ... Chưa chắc đâu, ba! May mà chú Ngọc lại bắt con đi học thêm "cua" tối đấy. Nếu không, giờ đây chắc gì con nói được tiếng nào.

- Vậy thì tốt lắm! Nói riết rồi con sẽ thạo ngay đó mà. Nhẩy vào cái nghề "báo bổ" này, tối thiểu con phải biết thêm hai sinh ngữ, nói thông viết thạo, không được tiếng Anh thì ít ra cũng phải có chút ít tiếng Pháp. Nhất chuyến đi này, cần Pháp ngữ lắm đó Việt Kim! Du-Ráp chả là một vương quốc do nước Pháp bảo hộ mà dân bản xứ nói hai thứ tiếng: Ả-Rập và Pháp ngữ.

- Con biết rồi, ba! Bởi vậy con phải "vòi" chú Ngọc cho theo ba bằng được để thử lại cái vốn liếng "com sì", "com sà" ở trong cái đầu này xem còn lại được bao nhiêu. Nhiều động tự bất quy tắc lắm khiến con điên cái đầu luôn đó, ba!

Ký giả Hải Âu mỉm cười:

- Nhưng con lại được cái can đảm, tinh thần vững lắm. Cái đó mới là điều cốt yếu ... Thôi, để ba đi rửa mặt đã, nghe!

Ngồi lại một mình, Việt Kim thả hồn cho trí óc tự do tưởng tượng đến những ngày sắp tới ... và gần hơn, những giây phút sắp tới, lúc phi cơ hạ cánh xuống phi trường Óoc-Ly, nghĩa là vào địa phận nước Pháp. Có lẽ không đủ thời giờ đi thăm Ba-Lê. Gọi được giây nói cho vài nơi cũng đã là may lắm rồi đó.

- Hay mình gọi cho anh Di cái coi! Chắc anh chưa hay tin mình đi Du-Ráp với ba chuyến này đâu.

Di được Bộ Thông Tin biệt phái qua Pháp đã được hai tháng nay và anh đã tỏ ra thích thú vô cùng. Đầu óc Việt Kim đầy rẫy, tràn ngập hình ảnh Mạnh Di và Ba Lê, kinh thành ánh sáng, rồi em cứ tưởng tượng hoài bóng dáng của Mạnh Di đang hoạt động trong cái vùng ánh sáng đó.

Mạnh Di, một cây viết rất trẻ của Việt Tấn Xã, cơ quan thông tin Việt Nam, có chi nhánh trên khắp hoàn cầu. Chính anh đã xung phong dự kỳ thi tuyển lấy đặc phái viên đi ngoại quốc, tên dính bảng vàng. Khi mới qua Ba Lê được vài ba tuần, anh đã gửi về những bài rất giá trị, so với số tuổi còn rất trẻ của anh. Vậy mà Việt Kim, lúc còn ở Saigon cứ đoán giá đoán non những là "anh sang bên ấy sẽ lạc lõng, bơ vơ thất bại ..." với những gì nữa nghe "kinh" lắm. Dụng ý của Việt Kim, Mạnh Di ngầm biết, là chỉ nhằm cầm chân anh tại Saigon để ... gần em mà thôi.

Việt Kim nở nụ cười, hồi tưởng lại những giây phút Di-Kim còn ở gần nhau, đi săn tin tại cùng một địa điểm, nắm cùng một sự việc, thảo luận, cãi nhau ỏm tỏm, tưởng chừng như có thể giận hờn nhau được. Nhưng thực ra, càng cãi nhau, lại càng yêu quí nhau. Những ngày đầu, sau khi tiễn Mạnh Di lên máy bay qua Pháp, Việt Kim đã buồn rũ ra. Vì ... còn ai nữa đâu để dẫn em đi chợ Bến Thành những chiều thứ Bảy, lên Sở thú viết bài những sáng Chủ nhật mát trời. Nhưng đôi lúc Việt Kim lại có cảm tưởng được "giải thoát" trong cái cảnh kẻ ở người đi ấy. Lý do: Mạnh Di hay chòng ghẹo em, chế riễu em là "ký giả Babilac, học đòi làm nữ trinh thám Mai Hương ra cái điều ..." Ghét ghê! Ghét anh Di ghê! Nhất là khi thấy Việt Kim có ý không vui vì chuyện anh sắp ra đi, Di lại còn cứ cầm tờ Sự vụ lệnh múa may trước mắt em để trêu tức. "Gồ ghề lắm chứ! Hề hề! Viết gồ ghề lắm mới được đi đấy chứ bộ! Ngòi bút "yếu" như "ai" kia thì còn lâu hề hề!"

Những câu nói thật sóc óc móc tim, ai mà chịu được. Nhưng đến khi gã thanh niên tinh quái bay bổng đi Tây rồi, Việt Kim lại thấy bâng khuâng ... Và một câu hỏi chợt loé trong tâm não:

- Sang tới Ba Lê thế nào Mạnh Di cũng tìm ra một cô bạn gái đặng làm đối tượng để trêu ghẹo chứ, hừ!

Chưa kịp tự trả lời đã thấy cha trở về chổ ngồi. Cô chiêu đãi viên xinh tươi bưng khay thức ăn lót dạ bước liền theo sau ...

Vừa uống cà-phê nóng thơm, Việt Kim và cha vừa bàn chuyện công việc. Duyệt lại chương trình đã hoạch định trước, lúc ra đi từ Saigon Việt Kim chợt giật mình nhận ra là mình chưa được biết một chút gì về tình hình chính trị tại Du-Ráp cả. Em chỉ biết đại khái Du-Ráp là một tiểu quốc nhỏ bé do một vị vương gọi là "Shah" cầm đầu cai trị. Tên vị vương đó: El Mohama Shah-Ja. Vương quốc gồm nhiều bộ lạc. Mỗi bộ lạc có một nền luật pháp riêng, nhưng tựu trung đều thần phục trung thành với quốc vương Mohama. Vị chúa tể này là một nhân vật đầu óc thấm nhuần tư tưởng tiến bộ, bình dân, nên được quần chúng thương mến vô cùng.

Mọi điều hiểu biết của Việt Kim chỉ có chừng đó. Thật là ít ỏi vô cùng.

Đúng lúc hai cô chiêu đãi thu dọn các khay đồ ăn thì máy phóng thanh loan giờ giấc địa phương, hiện trạng thời tiết, giờ phút hạ cánh tại phi trường Óoc-Ly cùng một đôi điều về thủ tục quan thuế. Tiếng nói giọng oanh trong vắt, bằng tiếng Pháp, đoạn bằng Anh ngữ.

Việt Kim thích thú ngó cha:

- Tin tức loan bằng tiếng Pháp, con hiểu gần hết ba ơi, thú quá!

Phi cơ soải cánh thu ngắn dần khoảng cách tiến về phi trường. Qua ô kính tròn, ngoại ô Ba-Lê hiện ra, kéo dài tưởng chừng như bất tận, mờ mờ trong đám sương sáng xám đục như một làn khói.

Phi trường Óoc-Ly! Vẫn như tự bao giờ: hành khách đổ xuống, rồi các phi công, nhân viên phi hành đi lại nhộn nhịp. Đúng là cảnh ngựa xe như nước áo quần như nêm. Hai cha con Hải Âu theo làn sóng người tiến đến ô cửa quan thuế ...

Mười phút sau, Việt Kim đã thở ra một hơi dài nhẹ nhõm:

- Họ làm lẹ ghê! Con cứ tưởng như ở nước nhà, các ông quan thuế khám xét tỉ mỉ ghê lắm chứ. Bắt mở tung va-li, sắc tay ... đủ thứ. May quá! Ở đây họ chỉ hỏi có gì cần khai không, vậy thôi ba à!

Tiếng người cha:

- Ừ! Thủ tục quan thuế tại đa số phi trường Âu châu chỉ có thế thôi đó, con!

Bộ áo đầm màu đỏ tươi may rất khéo, ôm vừa sát, làm nổi bật thân hình xinh xắn khoẻ mạnh của cô tiểu ký giả có nước da trắng như một bông hoa hồng bạch. Việt Kim càng nghĩ lại càng thấy tự bằng lòng mình lắm vì đã mang đôi giày gót phẳng thay cho đôi giày gót nhọn nên mới bước theo kịp bước chân đi nhanh như gió của cha.

Đột nhiên em linh cảm có một người nào đó đi theo sát bóng em đã từ mười phút trước, giờ đây đang sán đến gần sát bên em. Và:

- Thưa cô! ... Cô có đem theo kẹo ngon thuốc lá thơm và một vài cái ... nắm tay thân mến cho một người bạn thân đấy không hà cô?

Tiếng nói thình lình bằng tiếng Pháp rất thạo nhưng giọng nói thì ối chao! Đặc biệt ... Saigon.

Việt Kim dừng chân đứng sững lai. Âm thanh giọng nói đó, chỉ thoáng nghe, dù nói tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhựt, em cũng đã nhận ra được là của ai rồi: Mạnh Di! Hà! Mạnh Di! Dù ở Saigon hay ở Ba-Lê, anh cũng vẫn là anh, chẳng có cái gì thay đổi!

Việt Kim trả đũa ngay:

- Chẳng có kẹo ngon, chẳng thuốc lá và dĩ nhiên là cũng chẳng có ...

Giọng nói tinh quái thật nhanh chận ngay:

- Ấy, ấy! Khoan chút! Để đoán thử cái coi xem dĩ nhiên cũng chẳng có ... a ... a ... cái gì này, a, bàn tay ấm áp cho người bạn xưa, há?

Việt Kim quay lại chìa tay ra nắm chặt bàn tay Mạnh Di, không cất nổi tiếng nói. Nhưng cái nắm tay thầm lặng ấy đã nói nhiều: "gặp lại anh em mừng không để đâu hết!"

Chàng trai nheo mũi:

- Trời đất! Việt Kim! Ở đây vắng Kim, ngày giờ sao mà dài quá chừng hà!

- Ba ơi! Anh Di này ba!

Ký giả Hải Âu quay lại:

- A, cháu Di! Mạnh giỏi hả? Bác đang định dẫn em đi cho nó thưởng thức bánh mì đặc biệt của Pháp quốc đây. Thôi, vậy cháu cho em đi ăn dùm, bác còn cần gọi giây nói gấp chút xíu đây nhé!

Mạnh Di "xoắn" ngay lấy ông Hải Âu:

- Thưa bác, cháu tha thiết xin bác cho biết sơ qua sứ mạng của bác tại Du-Ráp? ... Miệng nói nhưng tia mắt Mạnh Di lại hướng về phía Việt Kim, chăm chú ngắm nhìn khuôn mặt xinh đẹp của em.

Ông Hải Âu cũng đã nhận ra tia mắt chiêm ngưỡng ấy. Ông mỉm một nụ cười bao dung:

- Vì thế cháu mới lặn lội mò ra đây sớm thế? Thật không đó? Hay là lý do chính khiến cháu ra đây là cái mà cháu đang ngó đó! Mà thôi, ... không có phỏng vấn, phỏng viếc gì đâu nghe Di! Chờ lúc về sẽ hay ...

Vừa dứt lời, tia nhìn sắc bén của Hải Âu đã bắt gặp ngay một nhân vật nhỏ thó, nước da nâu thắm như màu đồng tụ. Người này mặc một bộ đồ lớn màu đen. Trên đầu nổi bật một vành khăn lụa trắng điểm những sọc đen nhánh, giắt đầy trân châu bảo ngọc. Người lạ đặt bước tiến thẳng tới chổ ba người. Việt Kim liếc nhanh mắt nhìn vành khăn kỳ dị: đúng là loại khăn thông dụng của dân Du-Ráp, trong tài liệu chú Ngọc đưa cho đọc, em đã được coi kỹ.

Giọng nói trong như pha lê của người lạ:

- Thưa, xin lỗi! Ký giả Hải Âu?

Đồng thời người khăn trắng rút trong túi áo ngực phía trong ra một chiếc phong bì dài dán kín. Sau một cái cúi đầu thật thấp, y trao phong thư cho ông Hải Âu. Lại một cái ngả người gập xuống gần như góc thước thợ, thoáng cái, người lạ đã lẹ làng bước đi mất hút trong đám đông.

Ông Hải Âu xé phong bì gắn si cẩn thận, rút ra một tờ giấy trắng gấp tư, liếc mắt thật nhanh. Phía trên lề mép giấy, ông thoáng bắt gặp đôi mắt tròn to chăm chú của con gái đang dõi theo tia mắt ông, ý chừng muốn tìm hiểu coi lá thư viết những gì. Việt Kim thoáng thấy trán cha cau lại, nếp nhăn em chợt bắt gặp lúc cha con còn ở trên phi cơ hằn sâu xuống. Nhưng giọng nói của ông vẫn điềm tĩnh như không:

- Mạnh Di! Dắt em đi mua bánh mì đặc biệt, rồi hai anh em liệu kiếm cái gì mà điểm tâm lẹ đi, nghe!

Đôi má xinh xinh phùng ra; đôi giày đế bẹt dậm dậm: "Ba mình không muốn nói vì vướng có anh Di ở đây!" và em nói to:

- Thôi đi anh Di! Đứng hoài à! Em đói lắm rồi! Mau thưởng thức bánh mì đặc biệt của "Tây" xem sao đi!

Rồi quay nhìn Di, Việt Kim nở nụ cười phô hàm răng trắng đẹp, đều như hàng hạt bắp.

Vừa nhấm nháp ly cà phê sữa bốc khói, đôi bạn trẻ vừa trò chuyện tưng bừng. Việt Kim cho Mạnh Di biết tình hình tại Saigon cùng các bạn hữu của hai người ra sao. Tuy miệng nói liến láu, tia nhìn của em đôi lúc lại thoáng bắt chợt một vài áng mây lướt nhanh trong đôi mắt người bạn trai. Linh tính em tự nhủ: "Anh này chắc chỉ thích hỏi đến công việc của cha con mình thôi đây!" Và Việt Kim đã đoán trúng:

- Việt Kim! Nói cho anh biết qua sứ mạng của ba em tại Du-Ráp đi! Công tác liệu có gì đặc biệt lắm không hả em?

- Quấy rầy hoài anh Di! Không nghe ba em nói gì hồi nãy sao? Đừng có hòng "thẩm vấn" em nghe!

- Thẩm vấn gì đâu, Việt Kim! Anh ... anh chỉ hơi lo lắng chút xíu thôi!

Việt Kim nhổm người lên:

- Cái gì? Lo lắng gì hả anh Di? Anh lo lắng cái gì chứ? ... Du-Ráp chỉ là một quốc gia nhỏ tí xíu, mới nổi tiếng gần đây nhờ những giếng dầu hỏa vừa khám phá được. Rồi là sự tương phản rõ rệt giữa hai nếp sống cổ truyền và văn minh tân tiến. Ba và em chỉ định làm một thiên phóng sự về sinh hoạt chung của toàn quốc, à ... và cuộc khảo cổ tại vùng Can Pác, có vậy thôi mà.

- Hiểu rồi, anh hiểu rồi. Có điều là anh tính hay lẩm cẩm như một cô gái già, lúc nào cũng cứ lo lắng chỉ sợ có kẻ trộm lọt vào nằm gọn dưới gầm giường mà thôi. Nhưng, dù sao cũng nên dè dặt, cẩn thận chút nghe ... Việt Kim!

Em ngẩng đầu nhìn bạn. Giọng nói Mạnh Di nghe có vẻ thản nhiên nhẹ nhàng, nhưng ánh mắt của anh thoáng lộ vẻ ưu tư. Lạ! Hay là Di đã biết được một điều gì kỳ bí tại Du-Ráp mà chính Việt Kim đã quên khuấy đi hoặc là chưa được đọc tới? Hừ! Biết đâu chừng! Và Mạnh Di định nói gì khi để thoát ra vành môi hai chữ "lo lắng"?

Chương 2

Sự tiếp đón của Đức "SHAH" tại Ba-ga-ra

- Ba ơi, có thật mình đi Du-Ráp hay là ... lên mặt trăng đây thế hả ba?

Vừa nói Việt Kim vừa đưa tay chỉ mặt đất đang vùn vụt tiến sát lên bụng máy bay. Biển cát rộng mênh mông, gió lộng thổi khiến mặt sa mạc nhấp nhô gợn sóng. Toàn cát là cát. Không một lùm cây, không một đám cỏ ... Không dấu vết một đời sống của người cũng như của vật.

- Này ba! Trông như cảnh chụp mặt trăng do phi thuyền Apollo 11 gởi về trái đất ấy hả ba! Hoang vu, rùng rợn quá.

- Ừ, con nói đúng đấy! À, à ... Trông như mặt nguyệt tinh ấy nhỉ!

- Dư biết là cha con mình sẽ phải đi qua một sa mạc mênh mông nắng thiêu cát bỏng khiếp lắm, nhưng con vẫn hy vọng là thế nào cũng có được một vài cái gì nên thơ đó ba! Ba thử tưởng tượng coi, một giải bình nguyên bằng phẳng soải dài cát trắng lấp lánh dưới ánh trăng huyền ảo, thoáng điểm đó đây một vài bóng dáng các vị tù trưởng sa mạc, tà áo trắng rộng thùng thình phấp phới bay trong gió lộng, phóng những con ngựa thần soải vó như bay! Ôi chà!

Ký giả Hải Âu mỉm cười:

- Như trong xi-nê ấy hả con?

- Không hẳn đâu ba! Nhưng cũng gần như thế! Con tinh lắm chứ không lơ mơ đâu, ba ơi! Tài liệu nói về Du-Ráp con đọc kỹ lắm chứ. Sa mạc ở đây là nơi dung thân của các bộ lạc bán khai, vậy mà sao lại không thấy bóng dáng sinh hoạt gì hết thế hả ba?

- Chịu khó nhìn kỹ chút xíu nữa đi Việt Kim! Thế con chưa biết Du-Ráp là phần đất đầy rẫy những sự trái ngược, mâu thuẫn lạ lùng nhất trên mặt địa cầu hay sao?

Việt Kim chăm chú ghé mắt qua ô cửa kính, đăm đăm ngó xuống hầu như nín cả hơi thở:

- Trời ơi! Đẹp quá ba ơi! Như trong truyện thần tiên "Ngàn lẻ một đêm" ấy ba ơi!

Quả vậy! Phía dưới, quang cảnh "mặt đất nguyệt tinh nhăn nhúm" đã biến đâu mất. Giây phút này chỉ thấy toàn những mái nhà tròn cao vút trên đỉnh gắn những hình cầu thếp vàng chóp nhọn trông như những cánh tay đang cố vươn lên cho đụng tới trời xanh.

Việt Kim luôn luôn vỗ tay, miệng không ngớt suýt xoa, chạy từ mạn bên này qua phía bên kia, ngó qua cửa sổ phi cơ:

- Ôi chà! Thật đúng một dẫy toàn là cây Noel ba ơi. Đẹp vô cùng là đẹp!

Những thân dừa cao, lả lơi uốn mình, đong đưa theo làn gió thoảng. Từng đám người lúc nhúc chạy lăng xăng như những đàn ong đen: dân chúng Du-Ráp.

Phi cơ xuống thấp dần. Thành phố tọa lạc ngay trên bờ biển, lượn cong, từ trên cao nhìn xuống trông như hình một lưỡi đại nguyệt đao. Trên làn nước biển xanh ngăn ngắt, nổi bật những cánh buồm trắng, đỏ, vàng. Màu sắc rực rỡ như trong giấc mơ thần thoại.

Việt Kim la khẽ:

- Ba-ga-ra! Ba-ga-ra đây hả ba?

- Đúng đó con! Kinh đô rực rỡ của vương quốc Du-Ráp đó! A-la-đanh đã trải dưới chân con tấm thảm thần đó, Việt Kim!

Máy bay chạm đất, mới dừng lại, em đã nhẩy xô ra, và Việt Kim là người thứ nhất đứng trước khung cửa nhôm mở rộng. Phi trường gồm nhiều tòa nhà xây cất theo kiểu pha tân pha cựu. Cái khiến em chú ý trước nhất là đám người náo nhiệt, quần áo màu sắc sặc sỡ, những bóng hình trắng lôm lốp cũng không hiếm. Nhất là các phụ nữ, đa số trang phục có thể nói là cả một súc vải tơ trắng nõn quấn kín suốt từ chân lên đến đầu. Một số lại mặc những cái xiêm thật rộng, thêu rất đẹp, đủ các màu, choàng trên đầu hoặc vắt ngang vai một chiếc khăn quàng xanh đỏ, nhất là đỏ, vàng rực rỡ. Đàn ông thì có người mặc âu phục, đa số lại khoác áo dài lụng thụng gọi là "ráp phi ê", một chiếc khăn to tướng nhưng có vẻ nhẹ nhàng quấn quanh đầu, phía trước giát đầy đồ trang sức và bảo thạch; hạt trai sáng lấp lánh.

Không khí ồn ào náo nhiệt vì tiếng ê a, vo ve như đàn ong vỡ tổ. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng chào nhau bằng tiếng Pháp ...

- Chúng tôi kính mừng quý khách đến thăm Ba-ga-ra vương quốc chúng tôi.

Câu vừa nghe nói bằng tiếng Việt rất sõi. Và Việt Kim ngạc nhiên không hiểu sao lại có thể nghe được rõ ràng trong hàng ngàn tiếng lao xao như vậy chứ!

Em vội vàng chuyển chiếc sắc tay sang tay trái cùng với chiếc va-li để có thể chìa bàn tay phải ra trước một người đàn ông bản xứ đang thẳng người đứng trước mặt:

- Thưa, tôi là Lư-hà-sa! Xin có lời kính chào cô!

Dứt lời, người đàn ông dáng vẻ đứng đắn nghiêm chỉnh ấy, không bắt tay Việt Kim, mà lại áp lòng bàn tay mình lên trán, rồi đặt vào ngực cúi thật thấp.

Đoạn, ông tay ngay người lên, chìa thẳng tay bắt tay ký giả Hải Âu một cách rất thành thạo lịch sự.

Tiếng ký giả Hải Âu:

- Được gặp ông thật là mừng quá! Hai cha con tôi chỉ mong cho mau đến nơi để được chiêm ngưỡng Du-Ráp thôi đó!

Thủ tục lễ nghi hoàn tất, ông Lư-hà-Sa đưa tay mời hai cha con ông Hải Âu lên một chiếc xe hơi lộng lẫy hiệu "Ca đi ắc" kiểu mới, tối tân nhất.

Chiếc xe đẹp, bóng lộn, bon bon lăn bánh qua những đường phố chật hẹp ngổn ngang xe do lừa kéo và những phụ nữ chân bước thoăn thoắt, trên đầu ngất nghểu một bó đồ bao giấy to tướng. Lư-hà-Sa lên tiếng:

- Đức vua đã ra lệnh cho bày tiệc ngay tối nay để khoản đãi ông và cô đó. Sáng mai, ngài phải ngự giá xuất cung có việc quốc sự cần kíp. Và ngài đã ra lệnh cho tôi sửa soạn mọi phương tiện trong cung dành cho ông và cô xử dụng. Để đưa ông và cô về khách sạn tắm rửa thay quần áo. Một tiếng đồng hồ nữa tôi sẽ cho xe tới rước ông và cô vào hoàng cung.

Chiếc xe "Ca đi ắc" dừng bánh êm như ru. Ông Lư-hà-Sa ra lệnh bằng tiếng Ả-Rập kèm theo một tiếng vỗ tay nghe "bốp" một cái. Trong chớp mắt, gần hai chục chiếc va-ly hành lý đã được đem tất cả lên phòng khách sạn dành riêng cho hai cha con. Quay lại để cám ơn và đưa chút đỉnh tiền "cà phê", ông Hải Âu và Việt Kim ngẩn người vì không còn thấy bóng dáng một ai cả.

Việt Kim sực nhớ lại lời dặn của Mạnh Di lúc ở Ba-Lê. "Người Du-Ráp giống như những bóng ma! Lúc đến và lúc đi không ai biết được cả".

Ông Hải Âu nghe con cho biết như vậy, gật gù:

- Nếu vậy thì kể ra cũng khôi hài thật! Nhưng lại đỡ được những câu cám ơn xã giao rỗng tuếch!

Việt Kim ngó cha:

- Ba ơi! Ông Lư-hà-Sa là gì thế hả ba? Coi bộ ông ta có vẻ nghiêm trang quan trọng quá hà!

- Ừ, quan trọng lắm. Ông ta là cánh tay phải của đức Vua đấy! Chính ra thì ông ta là Chủ Tịch Hội Đồng Nội Các, bên Việt Nam mình kêu bằng Thủ Tướng Chính Phủ đó con! ... Nghĩa là trăm công ngàn việc, trong cũng như ngoài, quốc vương tức là "Shah", đều giao cho ông quyết định hết.

- Úi chà! Một nhân vật trọng yếu của cả một vương quốc như vậy mà cha con mình có quyền ... sai phái ...! Trời đất để con phải viết cho anh Di nói chuyện ngay về cái mục này mới được.

Ông Hải Âu mỉm cười nhẹ đẩy lưng con gái vào phòng trong:

- Thôi, khoan viết thơ đã, Việt Kim! Đi tắm rửa thay quần áo đi, kẻo trễ đó! Để lúc khác viết, vội gì. Trang điểm cho đẹp nghe cưng.

Việt Kim mới đặt chân được hai bước đã quay ngoắt lại:

- Ba, cho con hỏi cái này chút, cần lắm, ba! Lá thơ người lạ đưa cho ba ở phi trường Óoc-Ly, nói gì vậy, ba? Hình như có cái gì quan trọng lắm, hả ba? Lúc đó, con thấy rõ ba có sắc mặt băn khoăn lắm mà! Cái người trao lá thơ đó là dân Du-Ráp phải không ba? Và ông ta nói với ba cái gì vậy?

Em ranh mãnh lắm. Lòng thầm hy vọng rằng hỏi thật nhiều như thế, người cha sẽ, nếu không trả lời tất cả, thì ít nhất cũng được hai, ba cau ... hay cùng lắm ... cũng phải một câu.

Ký giả Hải Âu trừng mắt ngó ngay mặt con gái. Sắc diện ông nghiêm lại, đôi môi mấp máy định nói cái gì đó. Nhưng đột nhiên nét mặt ông thấy khác hẳn đi: ông đổi ý mất rồi. Quả nhiên:

- Ồ! Có gì đâu, con! Vài điều căn dặn trong chuyến du hành, ông Lư-hà-Sa viết đó mà ... Thôi, đi tắm rồi thay quần áo, lẹ đi, con!

Việt Kim hiểu ngay là không còn hy vọng kéo nài cha được nữa. Ông Hải Âu không muốn nói ra sự thật! Mà tại sao chớ? Tại sao cha em lại không muốn nói sự thật cho em biết chứ? ... Việt Kim nóng lòng muốn tìm hiểu ngay nhưng ... ác quá, bữa tiệc đức "Shah" ban đang chờ em kia! Thì giờ đâu? Trí óc em cứ bấn loạn lên và em chợt nghĩ: "cô Hiền mà bắt gặp mình trong tình trạng đầu óc sôi sục, chân tay cuống quít như thế này, chắc cô sẽ phải khóc thét lên vì thương cháu chứ chẳng không đâu!"

Hai bên lối đi vào hoàng cung thật đúng là một cảnh chỉ có thể có được ở trên tiên giới. Mặt trước cung điện xây toàn bằng đá cẩm thạch màu trắng, trạm trổ tỉ mỉ công phu trông như một bức viền "đăng ten", soi mình trên bóng nước những mảnh hồ bản nguyệt phản chiếu ánh sáng xanh lơ dìu dịu ảo huyền như trong một giấc mơ huyền hoặc.

Hai cha con được dẫn tới một gian đại sảnh rộng mênh mông, chung quanh xây những bậc đá trắng mịn nhiều vô số kể. Tường bằng đá hồng bóng loáng như lung linh nhẩy múa do ánh sáng từ hàng ngàn cây nến trắng hắt ra.

Bước tới bực thềm cao nhất, trước mắt Việt Kim hiện ra khúc lượn của một vòng cầu thang bằng cẩm thạch vân đen, đẹp như trong tranh vẽ.

Ông Lư-hà-Sa đã đứng chờ sẵn ở chân cầu thang từ bao giờ.

Ông dẫn cha con ký giả Hải Âu đi một vòng, lướt qua tam cung lục viện của đức "Shah", vừa đi ông ta vừa to tiếng nói oang oang như để thông báo, rồi đưa hai người vào chính điện: nơi tọa lạc ngai vàng.

Quốc vương Du-Ráp mặc vương phục toàn màu xanh biếc. Khăn bịt đầu màu xanh giát đầy trân châu bảo ngọc, áo bào màu xanh cho tới đôi vương hài cũng biếc màu xanh chạy chỉ vàng kim tuyến óng ánh.

Việt Kim không dám nhìn thẳng ngay mặt đức Vua nhưng em có cảm giác như có ai vừa chạm nhanh hơi lửa gần ngay tai: định liếc mắt nhìn đức "Shah" cho rõ mặt, nhưng chưa kịp, ông Lư-hà-Sa đã khẽ đẩy lưng Việt Kim đi nhanh bước tới nơi khác.

Câu nói khẽ bằng tiếng Việt rất sõi của vị Thủ tướng họ Lư lại vẳng bên tai em rõ rệt:

- Phụ nữ không được phép có mặt trong chính điện quá ba phút. Ông nhà có thể nán lại nói chuyện với đức "Shah". Còn cô, xin mời đi theo tôi. Tôi đã dành sẵn cho cô một cái này ... bất ngờ thú vị lắm.

Tiếp theo câu nói là một nụ cười đôn hậu để lộ hàm răng trắng như ngà, nổi bật trên làn da rám nắng của ông.

Thủ Tướng Lư-hà-Sa đưa tay mở một cánh cửa sơn son thếp vàng. Việt Kim bước vào một căn phòng nhỏ, đồ đạc bày biện rất sang trọng, màn treo trướng rủ toàn bằng sa tanh và nhung màu xanh lợt.

Giữa đám gối, nệm, màu sắc rực rỡ, một cô bé gái xinh xinh đang ngồi. Cô gái nhỏ quá, bé quá, khiến Việt Kim chợt liên tưởng đến đám búp bê của em ở nhà. Trông cô bé quả giống con búp bê mới lấy từ trong tủ kính ra thật. Cái áo thật xinh ôm sát thân hình nhỏ thó, vành xiêm đẹp xoè rộng như một cánh hoa. Mái tóc đen nhánh, mịn như tơ, vớt ngược ra phía sau cột theo kiểu đuôi ngựa, choàng ngoài bằng một chiếc khăn màu xanh không hiểu là vải gì, lụa gì mà mỏng như mạng nhện, nhẹ như tơ, trong vắt, ren chỉ kim tuyến. Cái "khôl", mà lưới che mặt, trắng toát, thay vì che kín mặt lại khiến đôi mắt mở to như đen hơn và đôi chân mày mịn đẹp như bóng nhẫy lên hơn.

"Búp bê" nhẹ nhàng đứng lên. Giọng trong như pha lê, lơ lớ, trọ trẹ thật đáng yêu, cô bé nói bằng tiếng Việt:

- Chào chị! Chị Việt hả? Em là Á Minh nhé!

"Búp bê" quay nhìn cha:

- Kìa ... sao ba chẳng giới thiệu đi, ba! Có phải chị Việt Kim đây không?

Việt Kim gật đầu:

- Á Minh gọi tôi là Kim thôi cho dễ, nhé!

"Búp bê" quả đã lúng túng khi phát thanh chữ Việt thành chữ "Vẹt".

Việt Kim tự nhủ: "Cô bé xinh quá". Em mỉm cười nhìn Á Minh và có cảm tưởng mình là một người khổng lồ đứng bên một cô công chúa nước chim chích.

Ông Lư-hà-Sa bước tới:

- Cô Việt Kim! Xin giới thiệu đây là con gái tôi, Á Minh! Nó còn nhỏ tuổi nên hay nói và nghịch ngợm lắm!

Giọng nói người cha cố làm ra vẻ nghiêm nghị, nhưng trên mặt ông, Việt Kim chỉ thấy lộ ra một niềm trìu mến thương yêu con không để đâu hết.

Một chuỗi cười phá lên như pha lê vỡ:

- Ba! - Á Minh nhìn ngay mặt cha, - Ba đi ra đi để con "bắt bồ" với chị Kim chứ!

Thủ Tướng Lư hà Sa bất giác trợn mắt ngó lên ngơ ngác chẳng hiểu "bắt bồ" nghĩa là sao. Ông mỉm một nụ cười vui vẻ rồi quay mình bước ra.

- Chị Kim! Chị thấy em nói tiếng Việt được không? Hồi ở bên Thụy Sĩ, chị bạn cùng phòng người Việt đã dậy em nói đó!

- Giỏi! Á Minh nói tiếng Việt giỏi lắm! À, Á Minh có gẩy đàn được không? Tôi thích nghe đàn cổ của xứ sở Á Minh lắm.

- Nếu chị muốn nghe, thì em sẽ gẩy cho chị nghe! Em là người Du-Ráp và em rất lấy làm kiêu hãnh được là dân Du-Ráp. Nhưng em cũng yêu thích cả nước Việt Nam nữa. Chỉ mong có ngày được ba em cho qua nước chị. Bây giờ có chị ở đây, em thích lắm.

Hai cô bạn gái nói chuyện vui như Tết. Những câu hỏi: "Thế nào hả chị?" "Ra sao hả em?" nối tiếp nhau bất tận. Hết Á Minh hỏi Việt Kim về Việt Nam lại tới phiên Việt Kim hỏi "búp bê" về Du-Ráp.

Có tiếng gõ cửa khiến hai em ngưng bặt. Một người đàn ông cao lớn lực lưỡng ăn mặc chỉnh tề, dáng dấp hiên ngang như một trang võ sĩ bước vào, cúi thấp người nói với Á Minh câu gì đó. Âm thanh giọng anh ta nghe như tiếng nhạc. Á Minh quay mình ngó Việt Kim:

"Chị em mình ra dự tiệc, chị Kim!"

Chiếc bàn dài, thấp, đặt ngay chính giữa một gian phòng rộng. Hai bên bàn, không thấy một chiếc ghế nào. Chỉ có đệm tròn bằng gấm thêu màu sắc sặc sỡ, nhiều, nhiều đệm lắm. Thì ra, rất đông quan khách Du-Ráp sẽ tới dự tiệc để được tiếp xúc, nhìn tận mắt cô gái Việt Nam.

Cuộc giới thiệu qua mau. Á Minh nhẹ nhàng ngồi xếp bằng tròn, khoanh hai chân gọn gàng trên một tấm đệm. Việt Kim bắt chước bạn làm theo nhưng đầu gối và gót chân cứng đơ khiến em phải lúng túng đôi chút.

Một cô gái hầu lướt nhẹ đến bên Việt Kim, tay bưng một cái bát nạm vàng và một chiếc bình xinh xinh, không biết bên trong đựng gì Việt Kim liếc nhanh ngó Á Minh rồi cũng bắt chước "búp bê" chìa hai tay ra, úp hứng trên miệng bát. Nữ tỳ giốc nước thơm từ chiếc bình ra, tưới đẫm lên đôi bàn tay trắng muốt của em rồi lau khô bằng một chiếc khăn tơ nõn. Mùi thơm thần tiên thoảng hương trầm bay vào mũi, khiến em bất giác ghé vào tai Á Minh nói khẽ:

- Sang trọng quá hả Á Minh!

- Tập tục cổ truyền đấy chị Kim. Có gì mà sang trọng!

Thế rồi ngót hai chục tay gia nô bưng lên những chiếc khay thật lớn bên trên để đầy những món ăn ngon, bổ: thịt cừu quay vàng ngậy, cơm nhuộm khương hoàng (một loại nghệ củ) vàng ngậy thơm như xôi gấc, cà nhồi thịt, ớt khổng lồ xanh ngăn ngắt mà lại ngọt lừ, nho, cam, lê, táo, bưởi, đào ...

Á Minh thạo lắm. Búp bê nhận xét, phê bình từng món ăn và dẫn giải cho cô bạn Việt Nam cách ăn các món ấy ra sao. Có điều khiến Việt Kim ngỡ ngàng nhất mà không dám nói ra là: dụng cụ để gắp thức ăn, duy nhất chỉ có những thanh ... bánh mì, vừa dùng làm muỗng, vừa là dao, nĩa để lấy thức ăn đưa lên miệng.

Việt Kim đói bụng nên ăn ngon lắm. Búp bê Á Minh, tuy bé người mà xem ra cái tài "xực phàn" cũng không thua sút Việt Kim mấy tí. Bữa tiệc chấm dứt bằng một chầu tráng miệng dưa hấu ... trắng ruột nhưng thơm ngọt một cách lạ lùng. Tiếp đó lại là mục rửa tay bằng nước thơm ở cái bình lạ, hứng trên chiếc bát sứ nạm vàng, do các nữ tỳ phụ trách.

Một tiếng "công" chợt vang lên: cuộc trình diễn trò vui bắt đầu. Gần hai chục lực sĩ mình trần thân hình bắp thịt nổi cuồn cuộn, xuất hiện, đẹp như những tượng thần Hercule; họ mặc một loại quần rộng, cột gọn phía dưới khiến hai ống phùng lên như hai quả bóng te te. Họ xếp hàng chữ nhất, cách khoảng nhau thật đều, nắm tay cầm chắc một cái mộc côn to tướng màu nâu bóng loáng. Theo nhịp hát "ê a ê a", đoàn lực sĩ nhất loạt tung mộc côn lên cao, đợi rơi xuống, vươn tay ra bắt, nhanh nhẹn và khéo léo vô cùng.

Việt Kim thích thú không bút nào tả xiết, thỉnh thoảng lại đưa nhanh tia mắt ngó cha ngồi ở phía đầu bàn bên kia. Ông Hải Âu làm dấu bằng mắt ra hiệu cho con gái nhận xét thật kỹ để ghi nhớ làm tài liệu viết bài phóng sự.

Cuộc vui chấm dứt. Thủ Tướng họ Lư và ông Hải Âu tiến lại phía các con, dẫn ra xe hơi riêng của các ông.

Xe đã nổ máy êm êm, Á Minh còn thò cổ ra cửa tay vẫy, miệng nói oang oang:

- Chị Kim! Sáng mai đừng đi đâu vội, nghe! Nhớ gọi điện thoại cho em, rồi em đến đưa chị đi xem chợ Ba-ga-ra nhé!

  Xem tiếp chương 3 & 4