Nhóm Lửa - 9 & 10

9- Thầy An

Tôi dạy học đã được cả chục năm, nhưng ngôi trường hiện nay, tôi mới chỉ xây dựng được cách đây bốn năm. Thật ra, gọi là trường vì không biết dùng chữ gì, chứ trường học của tôi chỉ là một căn nhà ngăn ba bằng những tấm phên đan, trong đó, bàn học, ghế ngồi đều làm bằng loại gỗ xấu, càng ngày càng cũ kỹ ọp ẹp. Trường tôi dạy từ mẫu giáo đến lớp nhất, nghĩa là gồm sáu lớp, luân phiên nhau hai buổi trong ba ngăn phòng. Học sinh là các em ngụ trong xóm, tổng cộng được khoảng hơn trăm. Ngoài tôi đảm nhận lớp nhất, tôi phải tìm thêm ba cô và hai thầy nữa để phụ trách các lớp khác. Học phí của học sinh, sau khi trang trải chi phí, lương bổng cho các thầy cô, chỉ còn vừa đủ cho gia đình tôi, một vợ, chín con chi dụng, tuy không đến nỗi chật vật, nhưng cũng chẳng khá chút nào. 

Tôi quen Nhật ngay khi em mới lên đây trọ học. Nghe đâu quê em ở Cần Thơ, hiện đang theo đuổi Dự bị Lý Hoá ở Đại học Khoa Học. Nhà trọ của em – căn gác xép nhà bà Năm Tiến -- chỉ cách nhà tôi chừng mười căn. Tối hôm đó, dẫn thằng con ra đầu ngõ uống sinh tố về, tôi nghe được tiếng đàn bập bùng trên căn gác xép vọng xuống. Dù đã đứng tuổi, nhưng tâm hồn tôi vẫn chuộng âm nhạc lắm. Xóm tôi ở là một khu xóm mà hầu hết dân chúng đều là dân lao động, đàn hát bị xem như xa hoa, có vài cậu em chung nhau mua được cây đàn gẫy tình tang cho nhau nghe, nhưng chỉ có tính cách giải trí, chứ không điêu luyện như tiếng đàn trên căn gác xép nhà bà Năm Tiến. Thằng con tôi dừng bước, ngước nhìn lên đó : 

- Ai đờn nghe hay quá ba há ? 

Tôi dừng lại theo nó, đứng lắng nghe. Người trên căn gác xép đang chơi bản “Cầu sông Kwai”. Tiếng đàn ru tôi mê mẩn đến nỗi bà Năm Tiến phải gọi đến lần thứ hai, tôi mới giật mình lên tiếng chào hỏi bà. Và tối hôm đó, tôi quen Nhật. 

Nhật có một người bạn, trong một lúc tâm sự với tôi, em kể rằng chính người bạn đó đã ảnh hưởng sâu đậm đến hướng sống của em. Tiếng đàn điêu luyện của Nhật và của bạn em nữa, không phải tự nhiên mà có được. Mà là kết quả hàng năm trời, hai em tập luyện với nhau. Nhật khoe ngoài tiếng đàn, bạn em còn có giọng hát rất khá. 

Giọng hát đó, vào một buổi sinh hoạt sáng chủ nhật nọ, tôi đã được thưởng thức. Và tôi thấy, Nhật quảng cáo không sai chút nào. Thật vững vàng và phong phú không kém bất cứ ca sĩ nào. 

Tạo một luồng sinh khí mới cho khu xóm, hai người bạn mới của khu xóm chúng tôi đã chiếm được cảm tình của mọi người. Chúng tôi, ai như nấy, đều phải thầm khen sáng kiến của hai em. Trong những buổi sinh hoạt sáng chủ nhật, có thể nói là thường xuyên từ hơn tháng nay, không những trẻ con trong xóm được dịp tập sống cộng đồng, tập hát những bài ca vui tươi, lành mạnh, mà còn học hỏi được rất nhiều điều hữu ích. Một trong những điều mà tôi cho là có lợi nhất là bọn trẻ đang được hai người anh tinh thần của chúng hướng về một tình yêu thiêng liêng, cao đẹp : tình yêu dân tộc ! 

Dân xóm, và chính tôi, đều công nhận một điều này : con em chúng tôi đang được hai người bạn trẻ hun đúc, nuôi chí, luyện tài. Họ đã tiếp tay với chúng tôi rất nhiều trong nhiệm vụ giáo dục cao cả. 

Thế mà thực ân hận, chúng tôi không giúp lại họ được gì cả. 

Nhật và bạn em vừa đến nhà tôi. Hai em cho tôi biết ý định muốn mở một lớp học và mong được tôi giúp đỡ. Dũng : 

- Bọn em nghĩ rằng nếu tổ chức được lớp học, việc dạy dỗ các em nhỏ sẽ được đầy đủ hơn là những buổi sinh hoạt sáng chủ nhật… 

Nhật : 

- Bọn em chỉ xin thầy cho mượn lớp vào buổi tối chừng hai tiếng đồng hồ… 

Tôi còn ngạc nhiên vì lời yêu cầu của hai em, có lẽ em Nhật tưởng tôi suy tính lợi hại, nói ngay : 

- Em biết lớp học không có điện, thầy khỏi lo chuyện đó, hai đứa em sẽ mắc điện lấy… 

Dũng thêm : 

- Hoặc nếu thầy sợ bọn trẻ phá phách lớp học, bọn em xin hứa sẽ đền bù những gì hư hao… 

Tôi lắc đầu : 

- Không, hai em đừng nghĩ thế… 

Vâng, hai em đừng nghĩ thế. Mà hai em hãy nghĩ đến điều này : từ ngày hai em đi hỏi dò ý kiến của dân xóm về ý định của mình, tôi đã nghe nhiều lời xầm xì, bàn tán. Bàn tán về việc làm của hai em, rồi bàn tán cả đến những lớp học hiện đang hoạt động của tôi nữa. Họ so sánh hai em và các thầy cô của tôi. Họ chê bai, trách phiền sự chểnh mảng của những người dưới quyền tôi. Tôi biết chứ, nhưng tôi hiểu, với đồng lương chẳng ra gì, làm sao họ hăng hái làm việc được ? Mà tăng lương cho họ, làm sao tôi sống ? Thu học phí cao, tránh sao được phụ huynh than van … 

Dân nghèo thường vẫn thực tế. Do đó, tôi không ngạc nhiên trước những câu nói, như : 

- Có lớp miễn phí, tôi cho tụi nhỏ học đằng ông An nghỉ hết. Học đâu mà chẳng vậy. Ở đằng này còn hơn được cái đỡ tốn tiền… mà các cậu ấy coi bộ cũng tận tâm… 

Không ngạc nhiên, nhưng tôi sợ. Vì không phải chỉ một người có ý đó, mà tôi biết, nhiều người đã có ý đó. Khổ cho tôi biết bao, càng mến, càng đồng ý với dự định của hai em bao nhiêu, tôi càng phải nghĩ đến miếng ăn, đến cuộc sống của tôi, của năm thầy cô dưới quyền tôi bấy nhiêu. 

Đó là một lẽ, lẽ khác nữa là chuyện cho các em mượn lớp học. Giả dụ như tôi cho các em mượn lớp đi, thì nếu chẳng may có gì hư hỏng, nỡ nào tôi lấy tiền đền bù của các em. Mà không nhận thì… còn gì ngoài tiền túi, tôi móc ra để sửa chữa. 

Tôi đã không dám trả lời dứt khoát với hai em Nhật, Dũng. Nhưng tôi nghĩ rằng, các em thừa thông minh để hiểu rằng, lời hẹn suy nghĩ lại của tôi là một lời từ chối… 

Hai em đừng giận tôi, xin thông cảm cho tôi, một người đang cần đến những lợi tức nuôi sống gia đình…

10- Huy

Tôi thấy anh em Trí dạo này đổi khác hẳn. Trí dường như lúc nào cũng chỉ nghĩ đến những việc làm của Dũng. Lan Phương cũng thế, luôn miệng nhắc đến hắn. Với anh em Trí, trước kia, tôi tự hào là hiểu họ bao nhiêu thì bây giờ, tôi càng thấy họ khó hiểu bấy nhiêu. 

Anh em Trí buồn vì Dũng không chịu gia nhập Four Stars chăng ? Tôi thấy buồn như vậy là vô lý. Đâu phải không có Dũng rồi Four Stars không làm nên trò trống gì ? Hàng đêm, chúng tôi vẫn nhận được những tràng pháo tay tán thưởng, những lời khen của khán giả, những bó hoa đầy khích lệ. Ông Lê Nguyễn lại vừa thông báo quyết định tăng tiền thù lao trình diễn cho Four Stars. Chúng tôi không thành công đó sao ? Và sự thành công này có cần đến Dũng đâu ? 

Tôi bảo Cường : 

- Lúc nào tao với mày phải hỏi anh em Trí cho rõ đầu đuôi mới được. 

Cường : 

- Chưa chắc tụi nó chịu nói cho tụi mình biết. 

- Không chịu nói thì mình buộc phải nói. Chứ cứ tình trạng này, tao hết cả hăng hái để tập luyện rồi. Gì đâu ban nhạc có bốn đứa mà mất hai cứ để hồn ở đâu không ! Thà rã đám còn hơn… 

Cường bịt miệng tôi : 

- Lại sắp nói bậy đi ! Không lẽ chỉ vì chuyện này mà Four Stars tan rã… 

Tôi lắc đầu, khoa tay tỏ vẻ thất vọng. Cường : 

- Được rồi, để lúc nào thuận tiện, mình sẽ hỏi anh em nó xem sao ?

*****

Nhưng chúng tôi chưa kịp hỏi, Trí đã cho chúng tôi biết : 

- Từ ngày có Dũng lên trọ học, anh em tao thấy bị mất khá nhiều những săn sóc nơi ba má… 

Cường phá lên cười : 

- Mầy to đầu thế kia mà cũng cần đến ba má “săn sóc” nữa cơ à ? 

Trí nghiêm nét mặt : 

- Không phải chuyện đùa đâu ! 

- Vậy thì xin lỗi mày… 

- Dũng đã làm lu mờ địa vị của tao và Lan Phương trong gia đình… Lại nữa, luôn luôn ba má tao đem hắn ra mà đề cao như một cái gương để anh em tao noi theo… 

Tôi : 

- Dũng thật khó ưa… 

Tôi tưởng Trí sẽ hài lòng vì câu nói của mình. Ngờ đâu, nó nói : 

- Tao lại thấy hắn rất đáng mến… Hắn rất xứng đáng với lời khen của ba má tao. Những hành động của hắn và thái độ của ba má tao đã khiến anh em tao phải suy nghĩ… 

- Mày đang nghĩ gì ? 

Trí cúi đầu không đáp. Thật lâu, nó mới nói nhỏ : 

- Tao không đủ can đảm để nói với tụi mày… 

Tôi nhận thấy điều mà Trí sắp nói với tôi và Cường như có một tầm quan trọng lắm. Tôi nắm tay Trí : 

- Chuyện gì thì mày cũng phải cho tụi tao biết chứ ! Bạn bè với nhau, chẳng lẽ tụi tao không giúp được gì mày sao ? 

Trí ngước lên : 

- Tụi mày chỉ có một cách để giúp anh em tao thôi… Đó là… tụi mày đừng phiền giận anh em tao… 

Cường : 

- Hôm nay mày khó hiểu quá Trí ạ, có gì thì cứ nói thẳng ra đi… 

Trí : 

- Được rồi, tao sẽ nói… Anh em tao vừa có một quyết định mà tao tin chắc là tụi mày sẽ buồn lắm… Tụi tao… Tao và Lan Phương sẽ… từ giã Four Stars… 

Cường kêu lên : 

- Mày nói gì ? Trí ! 

Tôi sửng sốt muốn rụng rời tay chân. Anh em Trí bỏ Four Stars… Cũng có nghĩa là Four Stars tan rã… Chỉ vì Dũng sao ? 

Giọng Trí : 

- Tao chỉ mong tụi mày hiểu cho anh em tao… Sở dĩ anh em tao có quyết định đó vì một đằng, chúng tao muốn chiếm lại tình thương gia đình, đằng khác, chúng tao cùng công nhận là Dũng đã tạo cho chúng tao niềm vui trong việc làm của hắn… Từ giã Four Stars, anh em tao sẽ tiếp tay cùng hắn…

*****

Tôi giận anh em Trí đến độ không còn muốn gặp mặt hai đứa nó nữa. Trí đến nhà thăm tôi, tôi cho người nhà ra trả lời là tôi đi vắng. Lan Phương gọi điện thoại đến tôi, tôi giả giọng khác, đáp tôi không có nhà. Một đôi lúc, cơn nóng giận kéo đến, tôi trút tất cả giận dữ vào Dũng. Tôi đã nghĩ đến một cuộc thanh toán hắn. Chỉ vì hắn tất cả… Nhưng may mà Cường đã khuyên can. Nó cũng vừa điện thoại đến tôi : 

- Sao ? Còn buồn về vụ Four Stars không ? Bỏ qua đi ! Buồn làm quái gì ! Tao vừa rủ được hai người bạn mới, họ đã bằng lòng hợp tác với mình để tái lập Four Stars. Đang cần gặp mầy để bàn tính vài điều kiện. Đến tao nghe : họ và tao đang ở địa chỉ… 

Tôi mặc quần áo, lấy xe đến chỗ hẹn với Cường. Nhưng đi được nửa đường, tôi chợt nghĩ đến một điều. Phải rồi, tại sao tôi lại không tạt qua nhà Trí để báo tin cho nó biết rằng chúng tôi sắp tái lập được Four Stars, để trả lời cho anh em nó biết rằng không phải vì sự rút lui của anh em nó mà tôi và Cường không làm được gì ! 

Tôi cho xe rẽ về phía nhà Trí. 

Trước cổng biệt thự Trần Long, tôi xuống xe, bấm chuông rồi đứng đợi. Chị Lan Hương chạy ra, khệ nệ với mấy gói bánh kẹo lớn. Chị rối rít : 

- A ! Huy đấy à ? Đến thăm Trí phải không ? Nó không có nhà… đang bận với bọn trẻ dưới xóm. Chị cũng vậy, bù đầu vì chúng đấy… Sao ? Rảnh chứ ? Xuống đấy chơi với Trí nghe ! Nhân tiện, cho chị quá giang luôn thể, được chứ ? 

Tôi nhớ đến lời hẹn với Cường, muốn từ chối, nhưng chẳng hiểu sao, lại gật đầu. Chị Lan Hương bỏ bánh kẹo ở băng sau, ngồi cạnh tôi kể : 

- Hôm nay bọn Dũng tổ chức sinh hoạt tất niên, có lẽ kéo dài đến chiều mới chia tay nhau… Chẳng biết mấy ông tướng chạy chọt ở đâu được hai cái dù màu để che nắng mà cái nào cái nấy đều lỗ chỗ từng mảng lớn… mang tiếng là để che nắng mà chỗ rợp thì ít, chỗ nắng lại… quá nhiều… 

Tôi bật cười. Chị Lan Hương : 

- Huy biết sao không ? Chúng nó gọi hai cái dù ấy là hai cái… máy điều hoà ánh sáng… Chỗ nào nắng, chúng nó bảo chỗ ấy được… rọi đèn ! 

Tôi lại phì cười. Và bỗng thấy vui vui. 

Hai cái dù “điều hoà ánh sáng” của bọn Dũng đã hiện ra trước mắt tôi. Một đám trẻ ngồi xếp hàng ngay ngắn trong những chỗ rợp. Vài người lớn hiện diện, có lẽ là nhân viên trong Khóm. Trí đang đàn và Lan Phương hát. Tôi đậu xe dưới một bóng mát. Chị Lan Hương bước xuống vẫy gọi Dũng đang loay hoay cột lại sợi dây căng dù. Dũng chạy lại, vừa đỡ mấy gói bánh kẹo từ tay chị, vừa chào hỏi tôi : 

- Lâu quá mới gặp anh Huy, anh vẫn mạnh chứ ? 

- Cám ơn Dũng, tôi vẫn như thường… 

Chị Lan Hương : 

- Huy nó đến thăm Trí, chị kéo lại đây luôn đấy. 

Dũng mau mắn : 

- Chắc sáng nay anh Huy cũng rảnh, vậy tiện đây, xin mời anh ở lại chung vui với chúng tôi nhé… Hôm nay, chúng tôi tổ chức buổi sinh hoạt tất niên… 

Tôi ngần ngừ. Chị Lan hương : 

- Huy xem chị đây nhé ! Cả tuần chỉ có ngày chủ nhật được nghỉ mà chị còn dám bỏ cả ngày vào việc này nữa mà… 

Tôi không còn cách nào từ chối ; 

- Vâng… thì em xin nghe lời chị vậy… 

Dũng cười mừng, trao ngay cho tôi một gói kẹo rồi một tay ôm gói bánh, tay kia kéo tôi về phía đám đông. 

Nhật chạy ra chào đón tôi. Trí và Lan Phương cũng vừa dứt bản hát. Trí đưa tay vẫy tôi. Tôi theo chân Dũng, Nhật, chị Lan Hương tiến lại. Lan Phương ra dấu cho bọn trẻ rồi bắt giọng : 

- Mau đến đây bồ nghe các em… 

Bọn trẻ vừa vỗ tay vừa hát, chúng gọi tôi là “bồ” : 

Này mau đến đây vui cười 

Mình vui ca hát với nhau 

Mang đến cho nhau an bình 

Này mau đến đây bồ ơi… 

Tôi cười đáp bọn trẻ rồi tự nhiên, hứng chí, tôi vỗ tay theo nhịp hát của chúng : 

Này mau đến đây chơi bồ… 

Tuấn và Lan Anh từ xa khệ nệ khiêng một túi lớn bánh mì ổ. Nhật phụ một tay đem túi bánh đến trước bọn trẻ : 

- Cũng sắp đến trưa rồi, chúng mình sẽ dùng bữa bằng… bánh mì gà ! Nhưng trước khi dùng bữa, ai còn bánh kẹo gì thì phải cố gắng mà thanh toán cho hết đã, được không các em ? 

Bọn trẻ đáp vang : 

- Được hẳn đi rồi ! 

- Bánh ngọt muôn năm ! 

- Bánh mì gà hạng nhất ! 

Nhật vỗ tay hát, bọn trẻ hát theo thật vui : 

Kiến bò bụng rồi chúng mình ơi 

Kiến bò bụng rồi chết thật thôi 

Nào ta đi đánh đánh đánh 

Nào ta đi chén chén chén… 

Những người có mặt đều vỗ tay hát theo, và vừa hát, vừa vỗ tay, lại vừa… ăn ! Chỉ mình tôi, không biết bài hát này, đành chỉ biết vỗ tay và… và cảm thấy quả thật, kiến đã bò bụng rồi ! 

Tôi sực nhớ đến cái hẹn của Cường. Chắc là nó mong tôi lắm. Tôi cũng nhớ đến ý định của mình khi ghé tạt qua nhà Trí… Tôi thấy thẹn…

Xem tiếp chương 11 & 12