Bức Mật Thư - Loại Hoa Đỏ

Tủ sách Tuổi Hoa - 1972

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

Chương 5 & 6

Chương 7 & 8

                                                        Chương 9 & 10

 

                                                        Chương 11 - 12 & Đoạn Kết

Nguồn: KIM sưu tầm và KIM, NGUYỄN TUẤN, YÊN CHI đánh máy. 

ĐÈN BIỂN sưu tầm hình bìa .

----------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 01

NGÔI NHÀ CÓ MA

Trí giương mắt ngó tôi một cách đăm chiêu khiến tôi bất giác rùng mình lo ngại, nghi là đã có sự gì gay cấn xảy ra:

- Trời ơi ! Việc gì thế anh Trí? Được tin anh gọi, tôi tới liền đây này!

- Chuỗi hạt trai ! Về việc chuỗi hạt trai đó! Bà vợ ông Chủ Tịch xã đã tìm thấy rồi, CT3 (1) ạ.

A! Thế thì bực thật . Vụ nghỉ hè năm nay, hãng Thám Tử tư của chúng tôi chẳng vớ được dịp nào để hoạt động, buồn quá. Chả bù cho mấy vụ hè những năm truớc. Khu vực Ba Chuông dạo này cứ êm như ru khiến cho những ngày nghỉ của chúng tôi chẳng có cái gì thú vị, may mà mới hôm kia đây xẩy ra vụ vợ ông Chủ Tịch xã Tân-Minh bị mất chuỗi hạt trai đáng giá hai triệu đồng bạc. Trí và tôi đã tưởng lại có dịp trổ tài trinh thám. Không ngờ!... Tiếng Trí:

- Bà ấy kêu rầm lên là bị mất trộm. Nào ngờ ông Chủ Tịch xã, để cảnh cáo bà vợ vô ý bỏ quên trong phòng rửa mặt, đã giấu đi cho bà lên ruột đặng tởn đến già không còn dám buông tung bỏ vãi nữa đó.

Buông mình ngồi phịch xuống ghế bành, tôi càu nhàu:

- Có thế thôi mà anh cũng nói ám hiệu gọi tôi đến?

Trí cười giọng tinh quái:

- Dĩ nhiên! Gọi Chiêm đến để báo cho biết là phải tốp ngay lại việc điều tra cái vụ trộm... không có đó đi. Vậy thôi! Và tôi còn muốn ban một vài chỉ thị cho Chiêm nữa.

Tôi nhổm nay lên, yên trí "sếp" đã có một cái gì:

- Chỉ thị? Vụ gì đấy?

- Chỉ thị cho Chiêm phải làm bất cứ cách nào lùng cho ra một vụ gì bí mật. Nghe CT3! Và đi một mình vì tôi còn đang bận học cách lấy dấu chân bằng bột hoá học đấy, không thể đi với CT3 được đâu.

Tôi nhăn mặt:

- Nhưng mà biết cách nào chứ? Làm cách nào mà tóm đuợc một vụ bí mật? Riêng tôi, điều bí mật nhất bây giờ là làm sao kiếm thêm đuợc hai thân chủ mua báo tháng nữa đây. Toà soạn Chuông Vàng treo giải thưởng cho em nào có nhiều thân chủ nhất. Tôi và thằng Tâm Sứt đồng hạng... số Một đây này. Làm cách nào mời được hai vị nữa là tôi hơn đứt nó. Có thế mới ăn ngon ngủ yên được.

Trí lờ đi làm như không nghe cái vụ thi đua gay cấn giữa tôi và Tâm Sứt:

- Biết đâu chừng CT3! Không để ý thì chẳng nói làm chi. Nhưng một khi đã để ý thì đâu có khó gì. CT3 nên nhớ là sở dĩ hãng mình nổi danh được cũng là nhờ tụi mình đã có những con mắt rất tinh đấy! Đồng ý không?

Sếp đã "chỉ thị" tôi còn biết nói sao. Quay bước ra về, lòng tôi buồn vô hạn. Lùng bằng được một vụ bí mật? Rõ chán chưa? Bí mật ở đâu mà sẵn thế! Mấy vụ hè trước, cũng nhờ may mắn lắm mới vớ được vụ Đồng tiền giả, rồi lại nhờ có cậu Hải- Minh viết thơ về mà hai anh em mới làm ăn được vụ Ngọc Báu Ngai Vàng đấy chứ. Bộ tưởng dễ như đi chơi chắc! Thật khó như đi săn thân chủ mua báo tháng vậy đó!

Ngao ngán, tôi thả bước đi lần về nhà, bỗng chạm trán ngay với Tâm Sứt, đối thủ ngang tay, đồng hạng số 1 với tôi. Vừa mới chạm mặt nhau. Tâm Sứt đã reo lên:

- Ê, ê! Chiêm! Thôi đừng đi săn độc giả mua báo tháng nữa nghe mày! Vô ích! Tao về đích trước mày rồi đó!

Trong lòng uất hận, nhưng tôi vẫn thản nhiên:

- Thật hả? Cũng khá đấy!

- Ừ khá đứt đi rồi chứ còn "cũng, cũng" gì nữa! Ông Hai Ích chủ tiệm gần đường xe lửa và ông Tám Đôn bán hàng ở Siêu thị trong hẻm mình đó. Thôi, nghe bồ, đừng đi kiếm nữa nghe ! Uổng công! Hí hí!

Tiếng cười của Tâm Sứt nghe sao mà vô duyên thế! Dứt tiếng cười, trong khi tôi còn đang ngẩn ngơ đứng nguyên tại chỗ, tên địch thủ đáng ngại này đã dắt xe đạp quay đi, nhảy phóc lên cắm đầu đạp.

Bực mình ghê lắm, tôi quyết định: chỉ còn một cách đến nhà Mai-Điên là tôi chưa mò tới mời mua báo tháng. Tôi đã biết từ lâu rồi, nhà đó chưa bao giờ mua báo của ai cả. Từ trước đến nay vẫn biết như vậy, mà tôi không dám mò đến vì một lý do rất chính đáng:

Người ta đồn rằng ngôi nhà đó có... ma! Chưa biết có thực như thế không. Có điều ngôi nhà đó xây cất tại một nơi hẻo lánh, chung quanh toàn ruộng bãi sình lầy nước đọng, ở cách phi trường Tân-Sơn-Nhất có tới hai cây số. Nhưng từ nhà tôi tới đó, đi đường tắt không đầy một cây số. Bốn bên chẳng có hàng xóm láng giềng gì hết trơn. Điều đó kể cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Hỏi, ba tôi cho biết ngôi nhà đó xây cất đã từ lâu lắm, gần 60 năm rồi. Chủ nhà là ông Đinh-Tùng-Mai, chuyên môn buôn gỗ, giầu lắm mà hà tiện cũng vào hạng số một.

Lúc nào ông ta cũng chỉ sợ có người lấy trộm tiền. Và chắc vì lý do đó mà ông ta đã lựa mua chỗ đất hẻo lánh ấy làm nhà ở cho yên trí, khỏi gần cận với ai, đỡ bị dòm ngó tiền của lôi thôi.

Toà nhà coi kỳ cục lắm, biệt thự không ra biệt thự. lâu đài chẳng phải lâu đài, cách kiến trúc rất phức tạp, chung quanh xây tường thật cao, bốn góc lại có bốn chòi canh như trại lính hay nhà giam vậy.

Đã cẩn thận đề phòng như thế mà ông Đinh-Tùng-Mai này cũng chẳng sống được bao lâu. Một đêm, một bọn cướp lọt vào nhà, cướp của của ông và bắn ông một phát chết tốt.

Người ta đồn rằng kể từ ngày ấy, ngôi nhà đó có ma. Các cụ già ở bên cạnh nhà tôi kể lại rằng: đêm đêm, oan hồn ông già Mai cứ hiện về, lượn lờ trong khắp khu nhà hoang phế... để tìm kẻ hung phạm đã bắn chết ông. Và các người nhà, con cái ông Mai đã phải bỏ đi kể từ cái đêm ghê gớm ấy. Có người, đôi ba phen liều quay về để ở, nhưng rốt cuộc, đều hoá điên cả.

Vậy mà bây giờ khu nhà ấy lại có người ở. Cái đó mới kỳ! Tôi chưa biết mặt mũi những người thuê lại căn nhà ấy. Chỉ nghe nói đâu là ông Sáu Bang thì phải. Và có điều rõ rệt nhất là ông Sáu Bang này chưa hề mua báo tháng của ai. Trong lòng bình tỉnh, tôi cắm đầu đạp xe thẳng hướng nhà Mai-Điên.

Thú thực là tôi cũng hơi run. Đến gần, chẳng thấy một vẻ gì chứng tỏ là ngôi nhà có ở cả. Chỉ thấy cửa sổ mở toang hoác, các ô kính vỡ nát gần hết, một vài ô lại bịt bằng bìa dầy.

Ngập ngừng mãi, tôi mới xuống xe, dắt dần lại phía cửa. Lạ! Người tôi tự dưng nổi da gà và cảm thấy như có một con mắt nào đó đang nhìn tôi để theo dõi. Giơ tay lên gõ cửa. Vừa đụng khẽ, cánh cửa đã mở tung như có ai đứng sẵn ở phía trong kéo mạnh. Trước mắt tôi, xuất hiện một nhân vật kỳ quái.

Một người đàn ông đầu hói nhẵn thín như quả trứng, mình lao về phía đằng trước vì cái lưng cong vòng, gù gù kiểu lưng tôm. Có điểm lạ nhất: bộ quần áo ông ta mặc trên người. Nguyên nó là một cái áo liền quần, dệt bằng sợi, kẻ những sọc ngang màu xanh như áo “may ô” , lính thủy. Loại áo lót ta thường gọi là “áo khỉ”, có lẽ tại khi mặc vào, dính liền cả quần, trông người sẽ lom khom như con cháu ông Tề Thiên Đại Thánh? … Ông đầu nhẵn thín lại đeo cặp mắt kính người nhái lù lù che kín mắt.

- Bé con, đem cá đến đấy hả?

Tôi ngơ ngác:

- Cá ? … Cái gì… à không, không! Tôi đến để mời ông mua báo Chuông Vàng hàng tháng ông ạ! Nhật báo Chuông Vàng là tờ báo hay nhất thủ đô đó thưa ông!

- Thế hả ? Thế có đem xuống nước đọc được không ?

Trời đất ơi, Sao cái ông này hỏi gì lạ quá! Báo gì lại báo đọc ở dưới nước chứ?

Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng nói chuyện:

- Dạ, cái đó thì tôi không biết! Nhưng Chuông Vàng là một tờ báo đứng đắn, bài viết rất giá trị, in lại đẹp, mỹ thuật lắm. Nếu ông mua tháng, tôi sẽ đem tới tận đây mỗi buổi chiều cho ông.

Ông “đầu trứng vịt” này chẳng để ý gì đến lời tôi nói. Bây giờ tôi mới lại thấy hai tai ông đeo một cặp vỏ hến bóng loáng như đàn bà đeo bông tai vậy. Đột nhiên:

- À chờ chút đi! Để tôi vào hỏi Tư Dậu xem sao đã nghe, chú bé!

Tôi chưa kịp trả lời sao, ông đầu hói đã quay ngoắt vào, đóng sập cánh cửa lại. Lưỡng lự chẳng biết tính sao. Ở chờ ông Tư Dậu hay là bỏ về quách?

Tôi chưa kịp quyết định, cánh cửa đã lại mở bét. Một ông béo phục phịch, bộ râu mép rậm đen nhánh, miệng ngậm một cái tẩu thuốc rất lớn. Bộ quần áo ông ta mặc trên người cũng lại thật kỳ dị. Tôi có cảm tưởng như đang đứng trước vua hề Charlot. Trời Saigon nóng bức như vậy mà ông ta mặc sơ-mi thắt ca-vát, ngoài khoác vét-tông dạ nâu. Cái áo “gi-lê” màu xanh lá mạ trông không thể nín cười được. Nhất là cái quần: quần soóc không ra quần soóc, dài không ra dài, ống nhỏ như hai ống máng, chỉ chấm đến ngang bụng chân. Đôi giày cao cổ đánh si bóng loáng ôm gọn đôi vớ dài mãi đến tận đầu gối. Cái mũ da đen băng xanh lại cắm một túm lông gì trông như đuôi con sóc. Tiếng nói ông này tôi chắc là Tư Dậu, nghe ồm ồm, lại ngọng nữa:

- Sáu Bang cho biết là chú bán báo, có phải không? Hở?

Tôi cố nhịn cười lễ phép:

- Thưa ông, vâng! Cháu đưa báo tháng. Tờ báo Chuông…

Không để tôi kịp nói hết, ông Tư Dậu Charlot đã cắt ngang:

- Ôi! Báo với bổ cái gì! Tôi ghét báo lắm, chỉ nói láo ăn tiền không hà!

- Thưa ông, báo nào nói láo ăn tiền thì cháu không biết, chứ tờ Chuông Vàng này quả là một tờ báo đứng đắn nhất Thủ Đô đó, thưa ông! Tin tức hàng ngày tại quốc nội cũng như quốc ngoại, rất đầy đủ và luôn luôn chính xác, sốt dẻo.

Như mớ rơm khô bén lửa, bốc cháy dữ dội. Đụng vào nghề nghiệp chuyên môn, tôi thuyết trình hăng say thao thao bất tuyệt. Tôi ca tụng tờ nhật báo Chuông Vàng của tôi hết cỡ. Nào là: mục xã luận sắc bén, tin tức và phóng sự chính xác, những mục trao dồi kiến thức rất bổ ích... mà giá tiền mua năm lại rẻ. Hứng chí quá, tôi còn khoe luôn cả vấn đề thi đua có giải thưởng do Toà soạn tổ chức cho các em đi đưa báo như tôi và hiện tôi đang mong chiếm được giải có nhiều thân chủ mua báo tháng nhất.

- Ý a! Ý a! Ý a!

Ông Tư Dậu không nói ra tiếng givào tiếng gì mà chỉ "ý a, ý a" như vậy, đầu gật lia gật lịa, ống điếu ngậm giữa hai hàm răng được ông mím môi mút chùn chụt. Tôi thở hổn hển, tiếp tục thuyết trình:

- ... Nhật báo Chuông Vàng lại còn có trang truyện bằng tranh vẽ rất đẹp dành cho các em nhỏ nhà ông nữa.

Vừa nghe tôi dứt câu sau chót, ông Charlot Tư Dậu chợt biến sắc mặt một cách rất lạ kỳ. Đưa tay hạ thật lẹ chiếc tẩu thuốc khỏi vành môi, ông ta ngó tôi trừng trừng:

- Cái gì? Cậu nói sao? Em nhỏ nhà tôi? Em nhỏ nào? Nhà tôi làm gì có em nhỏ nào...? Tôi không có con...! Cậu đã hiểu chưa?

Chưa nói hết, ông ta đã quay phắt đi, quài tay hất mạnh cánh cửa, suýt đập vào mũi tôi. Thế là hết! tôi chỉ còn một nước là bỏ ra về. Thất vọng! Hoàn toàn thất vọng!

Tay dắt xe chân bước mà cảm thấy hai đầu xương bánh chè lỏng ra, chán nản hết sức. Chợt thấy nhột nhạt phía sau gáy, liền quay nhanh mặt về phía sau: tôi cảm tưởng như trái tim muốn ngưng đập.

Nơi một ô cửa sổ gian nhà dưới, giữa hai mảnh màn gió hé rộng, một chú nhỏ cỡ tuổi tôi đang giương mắt nhìn chăm chú. Thời gian ánh chớp chú bé biến mất, tựa hồ có người nào đứng kế bên kéo giật chú về đằng sau. Hai mảnh màn gió buông xuống thật nhanh, kín mít.

Tôi chắc chắn là không nằm mơ. Xin cam đoan với các bạn như vậy. Nhưng có một điều quái lạ quá chừng. Ông Tư Dậu nói rằng ông không có con. Vậy chú bé nào xuất hiện nơi khung cửa sổ ngôi nhà bí mật của ông Mai-Điên vậy?

-----------------------------------------------------------------------------------------

(1) CT3 là bí danh của Chiêm, chú bé thám tử trong Đồng Tiền Giả và Ngọc Báu Ngai Vàng đã đăng trên Tủ Sách Tuổi Hoa.

Chương 02

BÍ MẬT THÊM DẦY ĐẶC

Bước vào phòng thí nghiệm, thấy Trí đang lúi húi xem xét nghiên-cứu mấy cái dấu chân đổ bằng bột hoá học. Khi nghe tôi kể xong câu chuyện, anh tươi hẳn nét mặt:

- A! Nếu vậy thì Chiêm đã nắm được một vụ khả nghi lắm rồi đó.

Tôi ngạc nhiên:

- Cái gì? Khả nghi? Còn gì mà khả nghi nữa chú? Đúng là một vụ bắt cóc trẻ con rồi chớ còn cái gì nữa mà khả nghi! Chú nhỏ thấp thoáng bên cửa sổ nhà ông Mai Điên đúng là bị tụi bắt cóc đem về nhốt tại đấy rồi chờ tiền chuộc đó.

Nét mặt Trí đăm chiêu, đầu anh gật gù:

- Có thể lắm!... Thế khi trông thấy Chiêm, chú bé đó có kêu gọi hay la hét gì để cầu cứu không?

- Không! Nhưng tôi tin chắc rằng dù chú bé có muốn kêu la lên cũng không được vì rõ ràng có người đứng đàng sau lôi giật thằng bé vào mà.

Sếp tôi đứng dậy, đặt bước đi ngang lại đi dọc trong gian gác gỗ:

- Tả rõ cho tôi nghe hình dáng hai người đàn ông ở trong nhà Mai-Điên coi sao nào, Chiêm! Đừng bỏ sót chi tiết nào nghe!

Tưởng cái gì, chứ tả lại hình dáng ông Sáu Bang, Tư Dậu cùng giây phút chạm trán với họ mới rồi đây, tôi tưởng không còn gì dễ dàng hơn nữa. Tôi nói thao thao một hồi rồi kết luận:

- Hai cái ông này coi bộ có vẻ "khùng" quá xá, hả "sếp"?

Trí không trả lời mà chỉ lẩm bẩm:

- Có thể thế lắm! Có thể thế lắm!

Tôi hăm hở:

- Phải đứt đi rồi, chứ còn có thể, có thể gì nữa?... Già đầu như vậy mà chưa nên nết, ăn mặc kỳ cục quá trời, chẳng phải điên là gì? À có lẽ họ bị hồn ma ông Mai ám ảnh nên loạn óc cả rồi chăng?

Trí tán thành:

- Loạn óc! Có lẽ họ bị loạn óc thật! Nhưng theo tôi thì chắc chắn là họ muốn làm cho Chiêm tưởng rằng họ "khùng" thì đúng hơn.

- Á, ủa! Mà tại sao lại như vậy chứ?

Giọng "Sếp" đầy vẻ bề trên như một giáo sư giảng bài cho học trò khiến tôi bực mình hết sức:

- Có thế mà cũng không hiểu. Họ làm thế để cho Chiêm sợ không còn dám léo hánh tới nữa. Chỉ có vậy thôi hà!

Ấy đấy! Một lần nữa, Trí lại giải thích được một cách rất giản dị, nhưng cũng rất chính xác nữa. Trong lòng tôi niềm kính phục liền thay thế cho sự bực mình. Và tôi tin chắc là anh có lý. Đúng thế. Bộ trang phục của hai người đàn ông tên Sáu Bang và Tư Dậu đáng bật cười thật tình, nhưng phải công nhận rằng nó còn có vẻ tinh quái nữa.

Trí lẩm bẩm như nói một mình:

- Hai ông này không phải là kẻ gian phi tầm thường đâu nghe. Bị lộ chân tướng họ có thể trở thành nguy hiểm lắm đó nghe! Phải dè dặt cẩn thận lắm mới được.

Nghe Trí nói, tôi lại cảm thấy bao nhiêu hăng hái trong lòng tiêu tan mất quá nửa.

- Hay là ... hay là chúng mình đi báo Cảnh Sát đi!

Trí trừng mắt:

- Việc là việc của mình mà lại đi báo Cảnh Sát là thế nào. Hãy tự lực mở cuộc điều tra. Khi nào gặp trở ngại lớn lao sẽ hay. Chúng mình là thám tử trứ danh trong vụ "Đồng tiền giả" và "Ngọc Báu Ngai Vàng" chớ bộ Thỏ Đế đấy chắc.

Tôi đành phải nói vuốt đuôi:

- Biết rồi! Biết rồi! Nhưng bây giờ phải làm gì đây chứ?

- Quay trở lại đó!

- Ý! Trở lại đó? Quay trở lại khu nhà Mai Điên?

- Chứ sao? - Và anh hạ thấp giọng - nghe đây này CT3! Đừng nói hở chuyện này cho ai biết nghe! Phải giữ thật bí mật đó! Chiều nay, khi nào mấy cái cây ngoài vườn kia đổ bóng thật dài, tức là mặt trời xế chiều rồi, chúng mình sẽ mò tới nhà Mai Điên.

Tôi cố gắng lắm mới nói được đàng hoàng:

- Ừ, tới thì tới... À nhưng mà tôi còn phải chạy xe đạp đi đưa báo một tua đã, và sau đó còn phải ăn cơm nếu không, để ba má tôi chờ đợi thì...

Tôi nêu ra bao nhiêu cái "còn phải, còn phải" định để né tránh cái công việc khiến tôi nổi da gà ấy, nhưng Trí vẫn thản nhiên:

- Được! Thì Chiêm có việc cứ làm cho xong đi. Bẩy rưỡi tối có mặt tại đây là êm mà. Nhớ tới đúng giờ đấy!

Đúng giờ?... Trí hẹn đúng giờ? Riêng tôi cảm thấy khó quá. Buổi chiều hôm đó, tôi thẫn thờ, làm việc chẳng đâu vào đâu cả. Thường ngày vẫn khéo léo chân tay lắm. Tới nhà các thân chủ mua báo tháng, mỗi nhà đều có một chổ đặc biệt để liệng tờ báo vừa tránh khỏi bị nước mưa vừa dễ trông thấy. Mọi khi cứ vung tay là ném trúng phong phóc, Bữa đó hồi hộp trong lòng hay sao mà tôi liệng tờ báo nào cũng bay đi chổ khác. Mỗi lần ném tờ báo là mỗi lần xuống xe lôi ra ném lại, tốn không biết bao nhiêu thì giờ. Chưa hết! Về đến nhà lại phải chờ ba má tôi mãi mới được ăn cơm.

Khi đạp xe tới "Phòng Thí Nghiệm" của Trí thì đã gần tám giờ tối. Anh không nói gì hết nhưng tôi biết là Trí bực mình lắm. Anh đã sửa soạn xong từ lâu và phải ngồi đợi tôi chắc cũng kha khá. Cái sắc dầy đeo ở vai kia , bên trong đựng cái gì, tôi đã biết cả, nghĩa là mọi dụng cụ chúng tôi cần tới: một cuộn dây thừng, một cái xẻng vừa là cuốc nữa, một con dao săn đút trong bao da, cái máy chụp hình, chiếc đèn bấm, một ống nhòm và một vài thứ lặt vặt mà tôi chẳng nhớ là cái gì. Nhưng, Trí, tôi chắc là anh không quên một thứ gì hết.

- Thôi đi đi Chiêm! Lẹ lên một chút, nếu không, mò đến nơi đã nửa đêm thì hỏng hết đấy.

Hai anh em để xe đạp ở nhà, đi bộ, băng qua bãi tha ma, tới một cánh rừng mọc đầy lau sậy và cây dại. Dừng lại trong đám bụi cây xen lẫn cỏ lau cao, kín đáo, tôi bâng khuâng lo ngại đưa mắt nhìn bãi cỏ thấp phẳng phiu soãi dài từ bìa rừng tới sát khu nhà bí mật. Cỏ trụi trống trơn thế kia thì lộ mục tiêu hết còn gì! Làm sao tiến sát tới ngôi nhà mà không bị bắt gặp chứ? Câu hỏi không lời giải đáp ấy khiến tôi lo ngại vô cùng. Chỉ còn trông chờ vào tài tháo vát của Trí.

Quả nhiên, khi hai đứa nhô ra khỏi bìa rừng, Trí dừng lại, mở túi vải, lôi ra hai cái áo nhà binh bằng vải kaki màu xanh lá cây, hai cái mũ vải và bảo tôi làm theo anh: mặc áo vào, lấy mấy giây cỏ rối cài kín lên chiếc mũ. Rối Trí nói nhanh:

- Chúng mình phải nguỵ trang thế này mới trà trộn lẫn vào cỏ cây được.

Mặc áo, gài cỏ vào mũ, tôi cảm thấy việc sắp làm có vẻ nguy tai quá. Trí vẫn thản nhiên cài khuy áo. Anh lấy ra một cái nùi giẻ cháy một đầu thành than đưa lên bôi đầy mặt tôi, đoạn bảo tôi "đánh phấn" cho anh cũng bằng cách đó. Hai anh em "trang điểm" cho nhau xong, nếu tình cờ má Trí và má tôi có đứng trước mặt, chắc chắn là các bà cũng không thể nhận ra được hai thằng "ma bùn" này lại là hai đứa con trai yêu quý của các bà đâu. Tôi đưa mắt nhìn Trí như ngầm hỏi "Bây giờ sao đây?"

- Cẩn thận nhé, CT3! Theo sát bên tôi nghe!

Hai anh em cúi khom lưng, lủi vào phía sau những bụi cây nhỏ, tiến dần ra bãi cỏ thấp. Tới nơi, Trí nằm dán bụng xuống mặt cỏ xanh êm. Tôi cũng làm theo anh lập tức.

Bên tai bỗng vẳng lên tiếng thầm thì của “sếp”:

- Đây rồi! Ngôi nhà có những người bí mật!

Trí vừa lẩm bẩm vừa đưa tay lên điều chỉnh ống viễn kính. Toàn thân tôi bất giác lại run lên nhè nhẹ. Lý do: ngôi nhà của ông Mai-Điên ban ngày coi bộ cũng hiền hòa vui vẻ, thế mà lúc hoàng hôn xuống sao trông lại có một vẻ gì đáng ngại quá chừng. nhất là trông từ phía đằng sau, ngổn ngang hết căn nọ đến căn kia: nào vựa lúa, căn để xe, một căn mái ngói thấp có vẻ như một cái chuồng gà cũ, mái và một góc tường đã sụp nghiêng xuống. Tôi khẽ hỏi Trí:

- Có thấy người nào không?

Giọng “sếp” chắc nịch:

- Không! Nhưng nhất định còn có người trong đó!

- Sao anh biết được?

- Chiêm có nhìn thấy quần áo phơi trên dây thép kia không? Không lẽ nó biết bay rồi tự vắt lên đó?

Thì ra có gần chục cái vừa quần vừa áo phơi trên một sợi giây thép nơi gần ô cửa xép thật. Nhưng cái giọng nói kẻ cả của Trí khiến tôi bực mình, liền hỏi khó anh một câu để anh bí chơi cho bõ tức:

- Có quần áo phơi thật nhỉ! Nhưng chắc là phơi từ lâu rồi , và khi bỏ đi, mấy người trong đó quên không đem theo chăng?

Trí vẫn thản nhiên:

- Không phải thế! Họ mới phơi độ chừng mười lăm phút thôi hà!

Mười lăm phút! Gớm thật! Đúng là anh nói xạo! Thử hỏi làm sao anh lại biết đích xác được như thế chứ?

Tôi to tiếng, hỏi “sếp”:

- Sao anh dám nói chắc như vậy, hả?

- Rành rành trước mắt đó, có gì là khó đâu nào! Chiêm thấy không? Mấy cái khăn mặt to, cái khăn trải giường rủ xuống thõng thượt thế kia, gió cũng không khiến nó lay động được. Như vậy tức là hãy còn ướt sũng nước. Mà một ngày nắng gắt như hôm nay, tới bây giờ cũng chưa khô, thì rõ là đồ mới phơi chứ còn gì nữa!

Một lần nữa tôi lại cứng họng… chào thua. Trí nhẹ nhún vai lẩm bẩm: "Cái việc phân tích và tổng hợp đó, bầy cho Chiêm hoài mà chẳng tập dượt thi hành gì cả!"

Một phút sau, anh hích nhẹ vào vai tôi:

- Ê! Hai ông bạn già của chúng mình và chú bé con chắc còn ở cả trong đó! Vô đi Chiêm! Sát người xuống mặt cỏ, đừng ngẩng đầu và bò theo tôi. Nhớ kỹ là nếu lộ mục tiêu là nguy đó, nghe!

Dứt lời anh bò lướt đi thật nhanh, xuyên qua đám cỏ, may quá , quãng này lại khá cao, rậm, lá xanh um.

Tôi hít vào một hơi để trấn áp sự hãi sợ trong lòng cứ làm toàn thân tôi tự động run lên bần bật. Và vì bổn phận, tôi mím môi bò theo Trí. "Sếp" tôi, tay nào chân ấy bò nhanh thoăn thoắt nhằm vựa lúa tiến lại. Liếc nhanh mắt nhìn anh, tôi phải công nhận Trí rất tinh khôn khi chọn cái vựa lúa làm mục tiêu tiến tới. Từ địa điểm đó, phóng tầm mắt ra, có thể quan sát trọn vẹn cả khu nhà Mai-Điên được.

Vừa bò hết gần nửa bãi cỏ thấp, tới vựa lúa cũng còn chừng 20 thước nữa, đột nhiên một sự việc xẩy ra khiến hai anh em sợ lạnh người, muốn đứng tim luôn: có tiếng hét thất thanh từ trong khu nhà bí mật vọng ra lanh lảnh:

- Cắt cổ nó đi! Cắt cổ nó đi!"

Nổi kinh hoàng khiến tay chân tôi cứng ngắc như bị vọp bẻ và ngạc nhiên hết sức không hiểu sao lại chưa ngất xỉu đi. Một ý nghĩ loé lên thật nhanh trong óc biến thành hành động ngay tức khắc. Nghĩa là tôi vắt giò lên cổ, co cẳng chạy một mạch, không dám quay đầu ngó lại.

Trong lúc sợ hãi thất thần như thế tôi vẫn nhớ được một điều khôn ngoan là cúi gập đôi người mà chạy, đồng thời lẩm bẩm: "Chạy mau và thật xa, càng xa càng tốt, xa cái nơi âm u ghê gớm là khu nhà Mai-Điên này!"

Chắc Trí cũng đồng ý với tôi nên nghe tiếng chân anh nện mặt đất huỳnh huỵch, tôi biết là anh chạy cũng hăng lắm. Quả nhiên, bóng anh vút qua mặt tôi như làn chớp xẹt. Nháy mắt đã thấy anh lao tời bìa rừng sậy. Hai anh em chui vào bụi cỏ um tùm để... thở. Tôi chưa hết hổn hển, Trí đã lên tiếng:

- Chu choa! Đẹp mặt quá! Thám tử trứ danh của hãng CT2. Ha! Ha! Chạy nhanh như thỏ đế khi mới nghe có điều nguy biến! Đẹp mặt quá xá!

Tôi nói vẫn chưa ra hơi:

- Anh có nghe tiếng gì không đã nào? Chắc tụi họ giết chết thằng nhỏ đó rồi chứ chẳng không đâu, hả "sếp"?

Tiếng Trí bình tĩnh hơn:

- Biết đâu tiếng kêu thét đó lại chẳng từ máy vô tuyến truyền hình hay ra-đi-ô mà ra. Một phim trinh thám chẳng hạn. Hay có thể là họ đã trông thấy tụi mình rồi hét đại lên như thế làm cho chúng mình thất đảm một phen. Biết đâu! Và dọa mình một chầu bở vía, kể thì họ cũng đã thành công đấy. Tính sao bây giờ đây?

Tôi nói ngay:

- Phải đi báo cho Cảnh sát gấp!

Trí làm như không nghe tiếng tôi nói. Đôi chân mày cau lại, anh cắn môi suy nghĩ. Rồi đưa tay lột chiếc mũ vải đầy cọng cỏ trên đầu xuống, anh lùa ngón tay vào mớ tóc bồng bềnh, miệng lẩm bẩm:

- Có điều kỳ lạ nhất là giọng kêu thét vừa rồi, nghe sao có vẻ không phải của người quá. Nó lanh lảnh, chát chúa như thế nào ấy. Giọng các bà các cô, chua như giấm, nhưng cũng không thể thế được. Ừ đúng! Thật quả là giọng la không phải... của người ta.

Tôi lại run lên:

- À, à.. thì ra... thì ra... anh định nói là tiếng của ... của hồn ma ông Mai Điên?

- Cũng chưa biết được, chưa biết chắc được, Chiêm à... Hừ! Vụ này có vẻ gay cấn, bí mật kinh khủng đấy nhé!

Tôi bầy kế thật ngon và gọn:

- Báo quách cho Cảnh Sát là xong chuyện. Họ đủ khả năng và phương tiện để đương đầu với những vụ ghê gớm như thế này mà!

Miệng nói, chân tôi đồng thời dợm bước nhắm hướng đèn sáng của khu Ba Chuông:

- Thôi đi về anh Trí! Về Phòng Thí Nghiệm rồi tụi mình gọi điện thoại cho Cảnh-Sát. Đi!

Trí lắc đầu bướng bỉnh:

- Không! Về sao được! Phải tìm hiểu xem là cái gì đã!... Quay lại đó đi!

Quay lại đó! Quay lại khu nhà Mai-Điên có cái tiếng la thất thanh rùng rợn đó! Tôi lại nổi gai ốc cùng mình, vội nói tía lia:

- Trễ rồi còn gì! Đi lâu thế này ba má tụi mình lại thắc mắc lo lắng thì phiền lắm. Về đã!

Sau một hồi ngẫm nghĩ, Trí gật đầu:

- Chiêm nói có lý! Đừng để lộ cho ai biết, ngay cả ba má tụi mình. Đừng để ai nghi ngờ gì về chuyện này! Ừ, phải đấy! Thôi bây giờ về đã, mai ta sẽ trở lại?

Thế rồi dù muốn dù không, sáng hôm sau, khoảng mười giờ, Trí và tôi đã dán bụng nằm ép xuống bãi cỏ phía sau nhà Mai Điên. Hai anh em lại khoác bộ đồ nguỵ trang, trà trộn với màu xanh cỏ cây như hôm trước.

Dưới ánh mặt trời, khu nhà bí mật như tươi vui rạng rỡ hẳn lên, trông chẳng có gì là một khu nhà có ma cả.

Nằm im ở địa điểm phục kích chưa đầy năm phút, đã thấy cánh cửa ở gần chổ căng dây thép phơi quần áo hôm qua mở rộng. Hai bóng người tiến ra. Một cao, một thấp và có cả một con chó ra nữa mà tôi không thấy hình dáng màu sắc ra sao, chỉ nghe tiếng sủa "gâu, gâu".

Chống hai khuỷu tay, tôi nhích người một chút nữa và nhẹ ngóc đầu lên ngó. Hai người hiện ra rõ rệt cùng với con chó trắng khoang vàng tung tăng chạy bên cạnh, vừa chạy vừa sủa nhặng lên. Một người đàn ông mập lùn độ tuổi 40, đi cùng với chú nhỏ cỡ tuổi tôi. A kìa! Chú nhỏ lại cầm nơi tay một cây dù rất to, màu sắc loè loẹt, loại dù các cô các bà, chiếc dù mở thật rộng. Bất giác tôi nhìn bầu trời sáng trong, râm mát, ánh sáng dịu êm. Có nắng đâu mà sao chú nhỏ kia lại che dù để làm gì chứ? Tôi thấp giọng, rỉ khẽ vào tai Trí:

- Đúng chú nhỏ hôm qua tôi trông thấy đó, Trí à! Thì ra chú ta chưa bị... giết chết, há!

Trí cũng nói thật khẽ:

- Thế người đàn ông kia?... Sáu Bang hay Tư Dậu đó?

Tôi ngẩn người:

- À. à... kỳ quá! Sao lại chẳng phải Sáu Bang mà là Tư Dậu cũng không đúng nữa! Tôi chưa hề gặp ông này lần nào cả! Ồ, lạ!

Trí lầu bầu cái gì không nghe rõ, nhưng tôi chắc là đang đang khó chịu vì ý nghĩ thầm kín: "Lại có thêm một người đàn ông thứ ba nữa trong ngôi nhà quái quỷ này! Bực quá!" Thắc mắc của riêng tôi thì lại là "Chú nhỏ kia che cái dù loè loẹt làm gì khi trời không nắng chứ?"

Thắc mắc của tôi được giải thích tức khắc, và lời giải thích tức là cái quang cảnh trước mắt khiến "sếp" CT1 và tôi đờ người vì kinh ngạc hết sức. Thật vậy! Chú nhỏ tay cầm chắc chiếc dù mở rộng, tiến lại gần sợi dây thép căng phơi quần áo hôm qua. Giờ đây tôi mới có dịp nhìn kỹ sợi dây trần không có quần áo giăng mắc ở trên. Nó khá to, bằng chiếc đũa ăn cơm, bóng loáng, thẳng căng trên hai cây cột gỗ chắc chắn. Chú nhỏ vác dù trèo lên một chiếc thang gỗ, đặt hai chân đứng vững lên... sợi dây thép. Đứng ở dưới, người đàn ông mập lùn, bụng to, theo dõi từng động tác của chú bé đi dây. Chú bé đi dây! Thì ra chú bé là một tay tài tử trong gánh xiếc. Và cái dù xanh đỏ cùa đàn bà trong tay kia là để giữ thăng bằng cho chú bước đi trên dây thép đấy.

Khi đi tới đầu dây đằng kia, chú nhỏ rún mình nhảy xuống đất, nhẹ nhàng như một con chim se sẻ.

Trí quay nhẹ đầu nhìn tôi định nói cái gì đó, nhưng tia nhìn của anh chợt hướng về phía xa xa và nét mặt anh chợt đanh lại:

- Ấy! Cẩn thận nằm im, Chiêm!

Tôi cảm thấy như có một luồng điện chạy thật nhanh suốt từ chân đến đầu:

- Cái gì thế?

- Nhìn kìa! Đằng sau bụi cây kia kìa! Khe khẽ chứ!

Tôi nhè nhẹ quay đầu rất chậm và… chẳng thấy gì cả, ngoài cái bìa rừng lau sậy phía xa xa và một vài lùm sim dại hoa tím mọc rải rác trên bãi cỏ thấp… Nhưng, à kia rồi! Bây giờ tôi đã hiểu vì sao Trí lại trừng mắt ngó chăm chăm về phía đó. Một bóng người mặc toàn đồ đen đang ngồi thụp, lấp sau một bụi ổi rừng. Áo sơ-mi đen rồi cả chiếc mũ vải trên đầu cũng màu đen luôn nữa. Không thể nhìn rõ mặt coi già trẻ ra sao vì người bí mật đang soi ống nhòm. Không nhìn về phía chúng tôi mà y lại dõi ống kính về hướng khu nhà Mai Điên, nơi chú nhỏ che dù đang dượt lại môn đi dây.

Trí nằm sát bên tôi tự lúc nào. Anh rỉ khẽ qua hai hàm răng:

- Thì ra, ngoài tụi mình ra, cũng còn có kẻ mò tới thám thính ngôi nhà ma này nữa.

Tôi lại có một ý nghĩ tự trấn an:

- Có thể là một ông Cảnh Sát!

- Chưa biết! Có điều là người áo đen này không ngó về phía chúng ta. Hắn đang theo dõi quang cảnh trước cửa nhà Mai Điên đó.

Tôi lại đưa mắt về phía một già một trẻ đang giở trò hát xiệc. Chú nhỏ đi hết cái dây thép một lần nữa, và lần này, thay vì nhảy nhẹ xuống mặt đất, chú lại tung mình lộn mèo hai cái liền trong không trung trước khi hạ mình nhẹ nhàng như một chiếc lá rơi. Mục trình diễn hay quá khiến tôi suýt nữa buột miệng hoan hô và vổ tay đôm đốp. May sao lại kịp hãm lại được.

Ông mập bụng bự khẽ đập lên vai chú nhỏ một cái có ý khen đoạn quay mình, đặt bước, đi vào trong nhà. Chú nhỏ cúi xuống lượm cái gì đó, một mảnh gỗ thì phải. Và chú giang thẳng cánh tay, liệng ra bãi cỏ. Trí khẽ nói nhanh:

- Nằm sát xuống. Chiêm!

Tôi tuân lệnh ngay, nhưng vẫn chiếu tia mắt nhìn thấy chú nhỏ đang chơi trò gì. Con chó đuổi theo mẩu gỗ. Nó chạy thật nhanh, càm “mồi” vào mõm rồi phóng trở lại cũng rất nhanh, trao cho tiểu chủ. Cứ thế, người và chó chơi trò liệng gỗ, càm mồi, tiến về phía chúng tôi nằm nấp. Nhưng đột nhiên, tôi lại thấy chú nhỏ xoay mình, nhẹ đổi hướng đi, nên vô tình tiến lại đúng chổ người đàn ông áo đen đang phục kích. Tôi hồi hộp trong sự chờ đợi một biến cố chắc chắn thế nào cũng xảy ra.

Nhưng bản tính ham chơi, tia mắt tôi cứ dính chặt lấy mẩu gỗ chú nhỏ liệng đang bay trên không trung. Đột nhiên nhận thấy Trí nằm sát bên cạnh đang … nín thở luôn.

Rõ ràng người đàn ông, đen sì như một bóng ma, đang từ từ đứng lên. Tay anh ta cầm một cái túi lớn, to gần bằng bao gạo chỉ xanh, tay kia cầm vật gì dài chừng hai gang tay người lớn, khá dầy. Trí nín thở điều chỉnh ống viễn kính. Anh lẩm bẩm:

- A tay này cầm cả một chiếc dùi cui như của cảnh sát ấy Chiêm ơi. Coi chừng! Có lẽ nó dám quất chú nhỏ bằng cái đó lắm nghe. Kìa, y sửa soạn tấn công thằng bé kìa.

Đúng như lời Trí nói, người đàn ông khả nghi đang rón rén, cúi thấp, lom khom, lao người vun vút từ bụi cây này qua bụi kia, chớp mắt đã sáp lại gần chú bé con, chỉ còn năm sáu thước. Trí nắm chặt cánh tay tôi, tiếng anh rít qua kẽ răng:

- Không! Không để tên gian này xuống tay tàn độc như thế được! Lao tới đi, Chiêm!

Hai đứa tôi nắm tay nhau, cúi rạp người chạy như bay mà cũng rất êm nhẹ. Thiệt may, tên áo đen chăm chú rình “mồi” nên không nghe tiếng gì hết. Chú bé mãi đùa với con chú, vô tình đã vượt qua chỗ hắn nấp. Tên áo đen đứng ngay sau lưng chú, … sửa soạn tấn công. Hai tay hắn căng rộng miệng túi vải, người hắn đứng thẳng lên. Nó định chụp chiếc túi lớn vào đầu chú nhỏ. À kìa, hắn giơ cao hai tay lên rồi kìa!

… Trí hét lớn:

- Xung phong!

Tôi lao người tới như mũi tên xé gió. Vốn là một tay cầu thủ đá banh vào hạng khá, tôi nhẩy vọt lên, hạ cả hai cẳng chân vào đúng khoeo chân tên áo đen đúng lúc Trí đưa hai tay phóng thẳng vào cổ y, xô mạnh vào cổ y, xô mạnh y ngã xấp mặt vê phía trước. Tên áo đen bị tấn công bất thần, ngã đè lên chú nhỏ lúc đó đã bị cái túi gai chụp kín đầu. Chú kêu thét rầm lên, hai tay cố gỡ cái túi gai ghê gớm, hai chân nhỏ bé đạp vung vít vào ngực, vào đầu, và vào cả mặt của tên gian phi. Gã đàn ông cũng không vừa. Y quơ tay đấm loạn xạ, miệng la hét, nguyền rủa om xòm bằng một thứ tiếng gì mà tôi không hiểu.

Gã tuổi ngót 30, khỏe như trâu, giựt tay ra dễ dàng và thích cùi chỏ vào bụng tôi một cái đau điếng. Cả người tôi bay lên như trái cầu lông gà và khi hạ xuống chắc là rơi trên mặt cỏ. Tôi nói “chắc là” vì lúc đó tôi đã tối tăm mặt mũi ngất đi rồi, còn biết gì nữa đâu.

Ngất đi không bao lâu, nhưng khi mở mắt thì quang cảnh bắt cướp đã đổi khác. Trí đang cố gỡ cho chú nhỏ, rút chiếc túi đen rất to khiến chú nhỏ nghẹt hơi sặc sụa, kêu ằng ặc như con heo bị trói mõm. Tên mặc quần áo đen thì đang đào tẩu. Y chạy băng băng qua cánh đồng, qua ruộng nước sâm sấp mà không hề giảm tốc lực, giống hệt một người bị ma đuổi. Mà quả tình y đang bị ma đuổi thật… Con “ma” có hình thể như một con… chó… biết sủa, biết dán chặt cái mũi nhọn vào gót tên gian mà gâu gâu inh trời khiến y phải chạy nhanh như bay trên mặt đất. Chớp mắt, người và “ma chó” đã biến mất sau đám rừng lau rậm rạp.

Không biết có cái gì xui khiến, tôi đột nhiên quay ngoắt lại nhìn về phía khu nhà… Và tôi muốn nghẹt thở luôn. Người đàn ông bụng bự, người đi cùng chú bé, dạy chú bé nhào lộn trên dây thép, đang tiến lại. Ông ta không chạy mà cũng chẳng… đi … Nhưng, trời ơi! Ông ta cứ phăng phăng tiến lại, tiến lại rất nhanh,… ngồi chễm chệ… trên lưng một con… bồ tượng.

Xem tiếp chương 3 & 4