Lòng Mẹ - Chương 3 & 4

Chương 03

Chiến tranh Mỹ - Nhật ở Thái Bình Dương tiếp diễn một cách ác liệt hơn trước. Đùng một cái, trung tuần tháng 9 năm 1945, Mỹ thả hai quả bom nguyên tử đầu tiên xuống trên đất Nhật, làm bình địa hai thành phố lớn là Hiroshima và Nagasaki, gây thiệt hại nặng nề cho Nhật Bản. Nhật Hoàng lo sợ, xin đầu hàng vô điều kiện và ra lệnh cho quân đội Nhật trên khắp các mặt trận phải hạ khí giới. Thật là một tiếng sét làm ngã ngửa tất cả quân đội Nhật và làm rúng động cả thế giới!

Nhật đã đầu hàng Mỹ! Nhật đã đầu hàng Mỹ! Tin ấy truyền từ miệng người này qua kẻ khác. Cục diện thế giới thay đổi: chiến tranh chấm dứt! Các người tản cư sung sướng thu xếp hành trang trở về thành phố

Đợi một vài hôm để nghe tin tức cho chắc chắn, ông bà Đức Hợp bàn với ông bà Nghĩa Hưng đem gia đình trở về Sài Gòn. Ông Nghĩa Hưng chán nản trả lời:

_ Anh chị và các cháu trở về trước đi, tôi thì chưa định sao cả.

Ông thở dài nói tiếp:

_ Nếu cháu Thái còn thì tôi mới về Sài Gòn, bằng không, tôi thuê nhà ở lại đây luôn. Anh chị xem: bao nhiêu hy vọng tôi đặt vào cháu; nếu cháu có thế nào, tôi còn lòng trí đâu mà làm ăn được nữa!

Thấy ông trả lời một cách cương quyết như thế, bà Nghĩa Hưng và ba đứa con chỉ nhìn nhau và ứa nước mắt. Từ ngày tản cư, sống cực sống khổ, bà và con cái chỉ chờ đợi ngày trở về, thế mà bây giờ ông nhất định ở lại. Bà không dám cản ngăn ông sợ ông nổi khùng, thêm khổ.

Sáng hôm sau, ông bà Đức Hợp và hai đứa con thuê xe trở về Sài Gòn. Bà Nghĩa Hưng và ba đưa con tiễn chân ra tận bến xe. Bà nhờ ông bà Đức Hợp khi về đến Sài Gòn, hỏi tin tức Thái cho. Hùng, Thanh, Thu Thảo, Thúy Hạnh nắm lấy tay nhau khóc ròng. Lâu nay, các em chơi thân với nhau, thương yêu nhau như ruột thịt; bây giờ kẻ ở người về, không biết khi nào lại được gặp nhau.

Ông bà Đức Hợp trở về Sài Gòn mới được vài hôm, mà bà Nghĩa Hưng cảm thấy lâu dài quá sức, một đàng vì bà mong tin Thái, đàng khác vì buồn.

Hai hôm nay, bà không đi mua hàng nữa. Thu Thảo và Thanh cũng ở nhà vì cô giáo đã hồi cư. Ông Nghĩa Hưng hết bạn đánh cờ, ông uống rượu nhiều hơn. Rượu say, ông nằm ngủ. Căn gác trước đây, ngày còn gia đình ông bà Đức Hợp ở chung, lúc nào cũng vang rộn tiếng cười đùa của bọn trẻ, bây giờ thì vắng vẻ như “Chùa bà Đanh”!

Chiều hôm thứ hai, bà Nghĩa Hưng dọn cơm tối ra, lại đánh thức chồng dậy. Ông lè nhè, giọng sặc mùi rượu:

_ Bà và các con ăn đi, tôi không đói!

Bà buồn rầu, xới cơm cho ba đứa con ăn. Lòng bà như tơ vò, không biết cách làm cho chồng hăng hái trở lại công việc làm ăn, chứ kéo dài cuộc sống như thế này rồi tương lai con cái sẽ ra sao? Ba đứa con ăn đã gần xong bữa, mà bát cơm của bà vẫn chưa mất một miếng! Bọn trẻ vừa ăn vừa nói chuyện thì thầm với nhau. Bỗng có tiếng chân bước lên cầu thang. Vừa thấy đầu người ló vào cửa, Thu Thảo đã reo lên:

_ Ơ kìa! Anh Thái về, má ơi!

Bà Nghĩa Hưng quay lại nhìn: Thái trở về thật! Bà vội bỏ bát cơm xuống, đứng dậy ôm choàng lấy con nghẹn ngào:

_ Trời ơi, con đi đâu để ba má lo lắng, mất ăn, mất ngủ bấy lâu nay?

Ba đứa con chạy lại đánh thức ông dậy:

_ Ba ơi! Anh Thái về!

Ông Nghĩa Hưng choàng dậy, thấy đứa con cưng, ông tỉnh hẳn rượu, nắm lấy tay con mừng rỡ:

_ A, Thái! Con ở đâu về đây? Thật ba nhớ con hết sức!

Thái ngồi xuống bên cạnh cha kể chuyện nhỏ tiếng:

_ Con và mấy đứa bạn bị Pháp tình nghi. Sợ ở nhà sẽ bị bắt nên chúng con trốn theo quân đội Nhật. Mới đây, Nhật Bản đầu hàng đồng minh, chúng con lại trốn về. Con về đến nhà, thấy nhà đóng cửa, con sang nhà bác Đức Hợp thì may gặp hai bác vừa tản cư về. Hai bác chỉ cho con xuống đây.

Bà Nghĩa Hưng đang lắng tai nghe con nói, bỗng bà sực nhớ ra, vội vàng đứng dậy bảo:

_ Con kể tiếp cho ba con nghe đi, má chạy ra phố mua tí đồ ăn, ba con cũng chưa dùng cơm tối đâu.

Gặp được con, ông Nghĩa Hưng vui mừng hết sức, vừa ăn vừa bàn chuyện với con. Bao nhiêu hy vọng của ông tan biến từ trước, nay hiện lên chắc chắn rực rỡ. Các em Thái vui vì sẽ chóng được trở về Sài Gòn, gặp lại bạn bè, tiềp tục việc học. Riêng bà Nghĩa Hưng, có lẽ bà sung sướng hơn cả. Mấy tháng trời, Thái đi biệt tích, có lúc nào lòng bà lại không nghĩ đến con! Nay con trở về, thật chẳng khác gì như thấy con đã chết đi mà sống lại. Một điều làm cho bà vui mừng hơn nữa là nhờ Thái trở về, chồng bà sẽ tìm lại được nguồn an ủi để hăng hái làm ăn, cho tương lai con cái khỏi khổ.

Trưa hôm sau, ông bà và các con, cám ơn và từ giã gia đình ông bà chủ đã vui lòng cho nương náu mấy tháng nay, rồi thuê xe trở về Sài Gòn. Mất gần một tuần dọn dẹp, sắp đặt mọi sự khang trang, hiệu buôn bán xe đạp Nghĩa Hưng lại mở cửa đón khách hàng. Hai người thợ cũ cũng đến làm việc lại. Công việc làm ăn mỗi ngày một tiến, ông Nghĩa Hưng vay thêm tiền để mua dụng cụ, và gọi thêm thợ làm để cung ứng kịp hàng cho khách mua. Lúc này xe đạp bán được nhiều. Người dân quê đã nhận thấy lợi ích của xe đạp, nên dù nghèo cực họ cũng cố dành dụm đồng tiền để sắm cho được một chiếc.

Con cái ông bà lại tiếp tục việc học: Thái vào Đại học Luật Khoa, Thông vào trung học, Thu Thảo và Thanh theo tiểu học. Ít tháng sau thời cuộc lại thay đổi, nhưng ở Sài Gòn, lần này không ảnh hưởng đến công việc làm ăn bao nhiêu.

Chương 04

Bảy năm sau …

Gia đình ông bà Nghĩa Hưng thay đổi hẳn bộ mặt. Thái đã trở thành một vị luật sư trẻ tuổi có tài hùng biện… Đậu cử nhân luật, Thái xin vào tập sự với một vị luật sư lão thành. Hai năm sau, chàng thành hôn với ái nữ của ông và được nhạc gia cho một căn nhà hai tầng để ở và mở văn phòng tiếp thân chủ. Thái đã được kết quả mong muốn của thân sinh.

Thông học hết tú tài, thi vào trường Mỹ Thuật chuyên ngành về hội họa. Sau bốn năm thành tài, chàng cũng lập gia đình. Người bạn đường của chàng là cô bạn học cùng lớp. Đôi vợ chồng nghệ sĩ này, xin ra ở riêng, mở xưởng vẽ. Hai lần triển lãm các họa phẩm, tài danh cả hai đã được nhiều người mộ mến. Các bức họa của họ đã được hỏi mua với giá khá cao. Ban ngày, cả hai vợ chồng cặm cụi vào việc sáng tác trong xưởng vẽ. Nhưng ban đêm, căn nhà của họ, là nơi hội họp các nghệ sĩ tài hoa son trẻ, với những cuộc vui đùa kéo dài nhiều lúc thâu đêm.

Thu Thảo sau khi đậu trung học, cũng từ giã cha mẹ, lên xe hoa về nhà chồng. Chồng nàng là một tư chức, lương phạn vừa đủ, nhưng đôi vợ chồng trẻ tuổi này hiểu biết nhau, nên bầu không khí gia đình rất êm đềm hòa hợp.

Ông Nghĩa Hưng sung sướng mãn nguyện nhìn bầy con đủ lông đủ cánh, lìa tổ ấm ra đời sống tự lập. Bà Nghĩa Hưng tuy cũng rất vui mừng vì con cái nên danh nên phận, nhưng lòng người mẹ, khi nhớ lại những lúc bồng con trên tay, cho con bú mớm, lo lắng săn sóc tiếng con vui đùa, líu lo kể chuyện – bây giờ trong nhà vắng vẻ quạnh hiu, không còn nghe tiếng cười đùa của con cái, tự nhiên bà ứa nước mắt, lòng bà cảm thấy cô độc, những niềm an ủi xưa kia, nay như mất hết!

Bà chỉ còn Thanh, niềm an ủi cuối cùng của bà. Nhưng bà cảm thấy buồn khổ hơn là an ủi vì chồng bà thường tỏ ra lãnh đạm với Thanh tuy nó không làm gì phật ý ông. Thanh học đến tú tài I, hai lần thi hỏng, chàng thôi học. Lúc đầu chàng định ở nhà giúp thân sinh, coi sóc người làm, nhưng bà mẹ sợ giữa cha con có điều gì bất đồng ý kiến xảy ra chăng, nên bà khuyên con nên tìm việc khác. Chàng xin vào làm thư ký cho Hãng nước mắm Phú Quốc, đặt trụ sở tại Sài Gòn. Lương tiền được bao nhiêu chàng đem cả về cho mẹ.

Tính tình Thanh vẫn như hồi nhỏ: gan dạ, thích mạo hiểm, nhưng nóng nảy, bướng bỉnh. Trông thấy chuyện bất bằng nào, dù không can dự gì đến chàng, chàng cũng lên tiếng phản đối. Bởi thế có lần chàng bị bọn du đãng suýt đánh chết!

Một buổi chiều tan sở làm, Thanh đạp xe vào vườn Bách Thú dạo chơi một vòng. Bỗng chàng nghe có tiếng kêu khóc về phía cầu sông Thị Nghè. Chàng chạy lại, thì ra bốn cậu thanh niên, đầu chải tém, mặc quần áo rằn ri, đang vây quanh ba cô học sinh, chọc ghẹo nhảm nhí. Các cô sợ hãi cuống cuồng, nhưng không biết làm cách nào thoát ra được, chỉ đứng kêu khóc. Trong số ba cô có Thúy Hạnh, con ông bà Đức Hợp, Thúy Hạnh bất ngờ thấy Thanh, cô mừng rỡ gọi:

_ Anh Thanh ơi! Cứu chúng em với. Mấy cậu này cản đường không cho chúng em về!

Thanh dựa xe đạp vào gốc cây, khuỳnh tay, mắt nhìn trừng trừng vào bọn mất dạy:

_ Các anh làm gì kỳ vậy? Bắt nạt kẻ yếu thì anh hùng gì? Các anh không thôi đi, tôi kêu cảnh sát đến bắt các anh ngay

Cả bọn gườm gườm nhìn Thanh, thấy Thanh to lớn, vẻ mặt gân guốc, lại nghe Thanh dọa gọi cảnh sát tới, bọn chúng hời chùn. Ba cô gái lợi dụng cơ hội, kéo nhau chạy về phía cửa. Đợi cho các cô chạy khuất, Thanh mới dắt xe đạp đi, mắt vẫn liếc trông chừng. Chàng định nhảy lên xe đạp, nhưng vì tự ái, chàng sợ bọn chúng chê là hèn nhát, nên chàng cứ ung dung dắt xe đi thong thả.

Bẽ mặt với gái, và xấu hổ vì bốn đứa mà thua một đứa, bọn chúng cà khịa lẫn nhau. Một đứa bậm môi, dẫm chân nói:

_ Không lẽ tụi mình mà thua thằng đó? Nhào đại vô, chết thôi, bây ơi!

Đứa nọ giục đứa kia, rồi nhất loạt phóng theo, đứa nắm lấy xe, đứa ôm lấy chân Thanh. Bị tấn côn bất ngờ, Thanh vất xe, một tay gạt hai đứa đang xông vào, một tay giáng mấy cú thật mạnh vào đứa đang ôm chân, nhưng nó liều đau không bỏ. Ba đứa đang phía trên, một đứa ôm chân phía dưới, cuối cùng Thanh bị chúng vật ngã sấp xuống mặt đường.

Cả bọn đè lên người chàng, lấy dây trói tay chân chàng lại, rồi thi nhau đánh. Thanh bị chúng đánh đau lắm, nhưng chàng không kêu, vì biết kêu cũng vô ích. Trời đã nhá nhem tối, trong vườn Bách Thú cây cối um tùm, lại càng tối hơn, ai biết đâu mà cứu? Thanh cắn răng cố chịu những cú đấm đá như mưa rào. Chàng kiệt sức, tin chắc thế nào mình cũng bị đánh chết. Bỗng từ xa một chiếc tắc xi chạy tới, ánh đèn pha chiếu sáng cả đường dài. Cả bọn hò nhau chạy tán loạn. Một đứa lưu manh hơn, lấy chiếc xe đạp của Thanh, nhảy lên phóng đi. Chiếc tắc xi ngừng lại gần bên, một người đàn bà nhảy xuống chạy lại đỡ Thanh dậy, bà khóc òa lên:

_ Trời ơi! Con tôi, sao thế con?

Thanh lúc đó đã bất tỉnh, chàng không nghe tiếng mẹ chàng gọi nữa! Bà Nghĩa Hưng thấy con bị đánh bất tỉnh, cuống lên, bà không biết nên đem con đi nhà thương nào, thì vừa may ông bà Đức Hợp và Thúy Hạnh đi xe tới. Thấy Thanh vì cứu con mình mà bị đánh nhừ tử, ông bà Đức Hợp xuýt xoa thương cảm, còn Thúy Hạnh ôm mặt khóc. Ông bà Đức Hợp bàn với bà Nghĩa Hưng đem Thanh về nhà thương riêng của bác sĩ Hoàng là em trai bà Đức Hợp, để dễ bề săn sóc thuốc thanh hơn. Sau khi chích một mũi thuốc hồi sinh, bác sĩ Hoàng khám nghiệm cẩn thận các vết thương không đến nỗi nguy hiểm, chỉ cần băng bó và tĩnh dưỡng vài tuần lễ. Bà Nghĩa Hưng vội chạy về tin cho ông hay, bà nói với ông là Thanh đi làm về bị đụng xe bất tỉnh phải đem vào nhà thương, nhưng không nặng lắm. Ông Nghĩa Hưng định đi cùng bà đến nhà thương thăm con, nhưng bà nói thác rằng bác sĩ cấm không cho ai vào thăm. Suốt đêm ấy, bà ngồi canh chừng một bên con. Đến gần sáng Thanh mới tỉnh lại. Chàng bàng hoàng nhìn mẹ, rồi nhìn căn phòng như vừa qua một giấc mộng khủng khiếp. Thấy con đã hồi tỉnh, bà vui mừng bảo con nằm yên, đoạn bà lấy muỗng nhỏ đổ nước cam cho con uống. Bà dịu dàng kể lại cho con nghe tự sự:

_ Hôm qua, sáu giờ chiều rồi mà má chưa thấy con về, tự nhiên má bồn chồn nóng ruột. Một lúc sau, Thúy Hạnh hốt hoảng chạy sang, nói nhỏ với má là có lẽ con bị tụi du đãng chận đánh vì con vừa cứu Thúy Hạnh thoát tay bọn ấy. Nghe vậy, má chắc con bị rồi vì tụi chúng những bốn đứa, con một mình cự sao nổi. Má liền vội vàng thuê tắc xi đến đó ngay. Thấy má tới, bọn chúng bỏ chạy hết, và con thì bất tỉnh rồi. Má cuống lên không biết đem con về đâu, thì may ông bà Đức Hợp và Thúy Hạnh đem xe tới giúp má chở con về đây, đây là nhà thương tư của bác sĩ Hoàng, em ruột của bà Đức Hợp. Bác sĩ đã khám cẩn thận các vết thương của con, và bảo đảm không can gì, chỉ cần tiêm thuốc bổ và tĩnh dưỡng vài tuần sẽ khỏi…

Bà vuốt tóc con nói tiếp:

_ Má thấy con bị bất tỉnh, má lo quá! Sao con không kêu để người ta tới cứu?

Thanh khẽ nhích một tí thấy đau ê ẩm cả người, chàng mỉm cười nắm lấy tay mẹ:

_ May có má tới, chớ lúc đó trời tối rồi, còn ai đâu mà kêu cứu! À mà ba có biết chuyện chưa má?

Bà Nghĩa Hưng trấn tĩnh con:

_ Con đừng lo! Má nói với ba là con bị đụng xe. Ba con định đi thăm con ngay, nhưng má nói bác sĩ cấm không cho ai gặp nên ba con ở lại nhà.

Sau hai tuần lễ nằm nhà thương, Thanh đã khá hẳn, bác sĩ cho phép chàng về. Từ hôm ấy, chàng ở nhà giúp cha mẹ coi sóc người làm.

Mấy tháng nay, cửa hàng xe đạp Nghĩa Hưng ế ẩm. Ông Nghĩa Hưng, vì thấy hàng bán chạy, nên đã vay vốn mua nhiều khung xe bằng nhôm (duralumin). Hồi đó, ai cũng thích loại khung xe vừa bền, vừa tiện lợi này, vì không phải sơn quét gì cả. Hễ xe bị đen, chỉ lấy giấy nhám, hay cát mịn mà chùi là xe sạch bóng như mới. Nhưng gần đây, các nhà nhập cảng mua ở ngoại quốc một loại khung xe kiểu mới, nhẹ nhàng và thanh nhã hơn loại cũ. Các cô học sinh rất thích loại xe này. Bởi thế, loại khung xe bằng nhôm rất khó bán, không còn mấy người thích. Ông Nghĩa Hưng gặp hoàn cảnh bế tắc, không còn tiền để mua loại mới. Vay mượn thêm, không biết vay mượn vào đâu? Có ông bà Đức Hợp thì đã vay mượn một số khá nhiều rồi. Tiến thoái lưỡng nan, ông Nghĩa Hưng nghĩ đến hai con trai đã thành gia thất. Chúng làm ăn khá, chắc có thể giúp ông qua cơn bế tắc này được.

Nuôi con không nệ tốn hao, nhưng đến lúc ngửa tay nhờ con giúp đỡ, ông thấy ngại ngùng. Ông bảo bà đến nói với Thái giúp. Thái cũng muốn giúp cha mẹ, nhưng lại sợ vợ kỳ kèo, nên chàng đánh trống lảng:

_ Ba má thấy chúng con bề ngoài ăn ra làm được, nhưng sự thật to thuyền thì lớn sóng, làm ra nhiều, tiêu pha cũng nhiều, nào tiền điện, tiền nước, tiền công hai, ba người giúp việc trong nhà. Đó là con chưa kể những việc tùng thù tiếp bạn bè thân chủ. Có tháng chúng con cũng phải đi mượn, chứ có dư dật gì. Hay là má sang chú Thông xem. Hai vợ chồng chú ấy đều làm ra tiền, chắc có dư nhiều.

Bà Nghĩa Hưng lủi thủi đến nhà Thông. Bà chưa nói hết chuyện thì Thông đã giơ hai tay lên trời kêu:

_ Chao ôi! Anh Thái làm luật sư, cãi được một vụ kiện thì tiền thù lao bỏ vào két không hết. Hơn nữa, vợ anh lại giàu, thế mà anh ta vẫn còn kêu thiếu. Tụi con đây 5,7 ngày chúi mũi, chúi lái mới xong được một bức họa, may lắm thì được mấy ngàn bạc. Làm ra thì như vậy, mà tiêu pha thì thật kinh khủng: nay thết tụi này, mai thết tụi kia, mà không dừng được, mình đi ăn của họ, thì phải mời họ ăn của mình. Tụi con phải cắt vạt vá vai mới khỏi đi vay. Có lúc túng quá, tụi con còn định chạy về xin ba má giúp nữa là khác!

Đứa náo cũng kêu thiếu thốn, bà Nghĩa Hưng thất vọng trở về thuật chuyện lại với chồng. Ông điếng người, bao nhiêu hy vọng ông đặt vào hai đứa con lớn, tan biến như mây khói. Ông nằm vật xuống giường, kêu trời kêu đất, than trách con bất hiếu. Bữa cơm chiều hôm đó thật là buồn bã, ông chỉ uống rượu, không chịu ăn một miếng cơm nào, mặc dầu bà hết lời nài nỉ. Đêm ấy ông không chợp mắt, chỉ ngồi thở dài. Nỗi thất vọng nặng nề làm dao động tinh thần ông rất mạnh. Bà tìm lời khuyên giải và đề nghị với ông để bà sang nhà ông Đức Hợp vay thêm một số tiền nữa, nhưng ông không chịu:

_ Con cái mình giàu có mà chúng không giúp. Hai bác ấy đã cho mình mượn nhiều rồi, chưa trả lại được, còn mặt mũi nào mà sang mượn nữa!

Từ đó ông Nghĩa Hưng bơ phờ như người mất hồn. Bà sầu khổ lo lắng, không biết làm cách nào để an ủi ông, bà sợ ông buồn bã quá, sinh trọng bệnh thì nguy! Thanh thấy các anh đối xử tệ bạc với cha mẹ như thế, chàng tức giận hết sức. Tuy không thể làm gì cho tình trạng bớt đen tối, chàng cũng cố gắng “còn nước còn tát” chàng điều đình với hai người thợ tạm nghỉ việc, và chịu lại họ số tiền lương chưa trả được. Chàng quán xuyến lấy hết mọi việc trong nhà. Các người thợ cũng thông cảm hoàn cảnh bế tắc của ông bà, họ vui lòng thôi việc và hẹn khi nào ông bà có tiền sẽ trả công cho họ cũng được.

Quẫn trí quá hóa dại, một đêm kia, chờ cho vợ con ngủ yên, ông Nghĩa-Hưng nhẹ nhàng xuống chỗ sửa xe, lấy một nắm giẻ lớn, tẩm xăng rồi đem ra phòng ngoài, châm lửa đốt. Thâm tâm ông trù tính gây cuộc hỏa hoạn này, để lấy số tiền bồi thường bảo kê nhà cháy mà ông đã đóng. Với số tiền bồi thường hơn ba trăm ngàn, ông hy vọng sẽ gây dựng lại được cơ sở làm ăn.

Thanh nằm ngủ phòng gần cầu thang, cảm thấy nóng, chàng giật mình mở mắt ra thấy lửa cháy ở phòng bán xe đạp. Chàng vội qua đánh thức mẹ dậy. Hai mẹ con chạy xuống thấy ông đang lúi húi ôm săm lốp xe vất vào đống cháy cho ngọn lửa bốc lên cao.

Tưởng ông bị cuồng trí, Thanh vội mở cửa chính rồi hai mẹ con dìu ông ra đuờng, kêu cứu. Lúc đó ngọn lửa trong nhà đã bốc lên cao, nhưng nhờ có tường bằng gạch, nên lửa chỉ cháy phía trong nhà thôi. Nhiều người cùng phố đang thức, kéo nahu lại xem. Ông Đức-Hợp gọi điện thoại cho sở cứu hỏa. Mười phút sau xe cứu hỏa tới. Chỉ trong chốc lát, ngọn lửa bị nước xịt tắt ngấm. Cảnh sát vào tìm xem nguyên nhân gây ra hỏa hoạn. Họ tỉ mỉ bới đống tro tàn và nhận ra đây là một vụ đốt nhà cố tình chứ không phải vì vô ý. Họ mời ông bà vào nhà để điều tra. Thanh thấy nét mặt cha chàng tái mét, run lẩy bẩy, ấp úng nói không nên lời. Chàng vội chạy đến trước mặt Cảnh sát đang điều tra và nói:

_ Thưa ông, chính tôi đã cố tình gây ra vụ hỏa hoạn này!

Viên Cảnh sát chăm chú nhìn chàng:

_ Tại sao cậu lại làm một việc điên rồ như thế?

Thanh chỉ tay về phía cha chàng:

_ Tại sao à? Tại vì ba tôi không ưa tôi, nên tôi đốt nhà cho bõ ghét!

Viên Cảnh sát đưa mắt làm hiệu, nhanh như chớp, hai nhân viên công lực áp lại nắm chặt cánh tay Thanh. Thanh nhìn cha mẹ cách trìu mến và nói:

_ Ba má tha lỗi cho con !

Ra tòa, Thanh bị phạt ba tháng tù ở về tội cố tình đốt nhà.

Bây giờ ông Nghĩa-Hưng mới mở mắt: đứa con ông thương hơn hết, thì ăn ở bất hiếu với ông ; đứa con ông ít thương, lại rất mực hiếu hạnh. Ông không ngờ Thanh đã can đảm đứng ra nhận tội thay cho ông: Thanh đã cứu vãn danh dự cho ông. Cử chỉ cao thượng của con làm cho ông vừa hối hận vừa thương con hết sức. Ông tự dằn vặt mình và khóc tức tưởi:

_ Con ơi! Thanh ơi! Lâu nay ba xử tệ với con, con tha lỗi cho ba. Thật ba không đáng làm ba của con nữa, con ơi!

Con bị tù, nhà cửa hư hại, xe đạp và đồ phụ tùng bị cháy gần hết: tất cả những việc xảy ra vì một ý nghĩ điên rồ của ông, khiến ông càng hối hận buồn bã. Những lo nghĩ, sầu khổ liên tiếp ấy làm cho sức khỏe của ông mỗi ngày một kém dần. Sau ngày Thanh bị bắt, ông ngã bệnh nặng. Tuy vậy, trí khôn của ông vẫn minh mẫn, ông cứ đòi bà đem ông đến nhà lao thăm Thanh. Bà thấy ông liệt nhược, nên can ông để lành rồi hãy đi.

Chồng bị đau, con bị giam, bà Nghĩa Hưng lúc này thật vất vã. Hễ ông ngủ yên được một tí, bà lo quét dọn nhà cửa lại cho sạch sẽ. Nhưng chẳng được mấy phút, nghe tiếng ông gọi, bà lại phải bỏ dỡ công việc. Thái, Thông nghe tin nhà bị cháy, cha ốm nặng cũng có đến thăm, nhưng họ chỉ hỏi han vài câu qua quít, rồi xin về vì có việc cần. Vợ chồng Thu Thảo và hai đứa con nhỏ cũng tới thăm. Thấy mẹ vất vã, Thu Thảo định ở lại giúp đỡ mẹ, nhưng thấy con cái nàng còn nhỏ dại quá, nên bà bắt phải về.

Trong mấy ngày này, bà Nghĩa Hưng được vài phần an ủi nhờ có ông bà Đức Hợp qua lại thăm nom giúp đỡ luôn. Mỗi sáng, bà Đức Hợp đi chợ mua đồ ăn rồi bảo Thúy Hạnh qua nấu nướng giúp. Bệnh tình ông Nghĩa Hưng kéo dài hơn nửa tháng không thấy thuyên giảm. Một đêm bà mệt quá nằm ngủ thiếp đi một lúc, bỗng nghe chồng kêu ú ớ, bà giật mình dậy chạy lại, thì ông đã cấm khẩu. Bà cuống cuồng chạy sang nhờ ông Đức Hợp đem ông đến nhà thương cấp cứu. Bác sĩ khám nghiệm rồi lắc đầu:

_ Muộn quá, cơ thể ông đã bị liệt hẳn. Bà nên đem ông về thì hơn, chắc không thể sống được vài ngày nữa đâu!

Bà Nghĩa Hưng thất vọng, đem chồng về. Trưa hôm sau, tự dưng ông tỉnh lại, ông nhìn bà rồi nhìn quanh quất như tìm kiếm ai, miệng ông ú ớ gọi:

_ Thanh! Thanh!

Rồi ông nhắm mắt, đi thẳng! Bà Nghĩa Hưng đứng thẳng nhìn chồng, lòng bà như chết theo chồng. Bà thương xót ông hết sức: gần ba mươi năm, vợ chồng chung sống, sinh con ra, nuôi dưỡng cho đến khôn lớn, bây giờ ông nằm xuống, không thấy mặt đứa con nào bên cạnh. Bà đau đớn quỳ phục xuống cạnh chồng khóc như điên dại!

Xem tiếp chương 5-6 & 7 (hết)