Chuỗi ngọc trường sinh - Chương 15-16 & 17 (hết)

Chương 15

Ông Hồng Phong và Linh đã tới đồn điền Thanh Lâm.

Bà Ngọc Sương nói với giọng mệt mỏi:

- Chẳng ai thấy gì cả. Tất cả mọi người , kể cả con nít, đều đã đi kiếm dấu hỏi mà chưa ai kiếm ra được.

- Sao lại kiếm dấu hỏi? – Ông Thuận hỏi.

Ông cũng có vẻ mệt lả, quấn áo nát nhầu.

Linh bèn giải thích rằng, những dấu hỏi được dùng làm mật hiệu cho ba cậu thám tử. Nếu tay Cảnh và Phúc được tự do, thế nào hai cậu cũng để lại dấu hỏi trên con đường đã đi qua.

- Vậy có lẽ họ đã bị lạc trong vùng đồng hoang – ông Thuận nói – Nếu họ ở trong thung lũng đồn điền thì tất nhiên chúng tôi đã tìm thấy từ lâu rồi.

- Có lẽ vậy – ông Hồng Phong đáp với giọng lạnh lùng – Tuy nhiên, thưa bà, cậu Linh đây có điều gì muốn trình bày, xin bà vui lòng nghe cho.

Bốn người đang ngồi tại phòng khách rộng rãi. Bà Ngọc Sương và ông Thuận tỏ ý rất chăm chú. Với một giọng nghiêm trọng, Linh bắt đầu nói:

- Thưa bà, lúc bình nhật, cháu vẫn thường tự vấn đáp về cái “tại sao” và cái “thế nào” của sự vật, và chính đó là công việc mà cháu đã làm trong vụ này. Thật vậy, cái bóng ma và tiếng hú của nó đã làm cháu bận tâm vô cùng. Cháu nghĩ rằng nếu bóng ma đã hú ở trong nhà thì chắc bên ngoài chẳng ai có thể nghe thấy được. Nên cháu đã đến tận nơi để thí nghiệm.

Nếu cho rằng bóng ma đã ra ngoài dạo chơi và hú lên thì quả là một điều khó tin.

Mặt khác, những lời khai về con số người đã vô thăm biệt thự tối hôm đó không phù hợp với nhau. Ông thì nói là có sáu người, ông lại nói là có bảy người. Riêng cháu thì nghĩ rằng ông nào nói cũng đúng cả.

Bởi vì có thể là sáu người đã cùng đi tới biệt thự. Người thứ bảy đã đứng đợi sẵn, và hắn đã hú lên, rồi hắn vào nhập bọn với sáu người kia.

- Rất hợp lý – ông Hồng Phong nhấn mạnh – Ông Thanh tra Duy Đức và tôi đáng lẽ phải nghĩ đến điều đó trước mới phải.

Bà Ngọc Sương chau mày, còn ông Thuận thì có vẻ xúc động.

- Có lý thì rất có lý – ông nói – Nhưng tôi tự hỏi tại sao ai lại đùa giỡn như vậy?

- Thưa ông, làm như vậy để người khác chú ý – Linh đáp – Khi muốn cho người khác chú ý thường người ta làm gì? Người ta kêu lên.

- Thế sao lại có việc ngẫu nhiên là sáu người rủ nhau vào biệt thự? – Ông Thuận hỏi.

- Thưa, không phải là ngẫu nhiên đâu ạ. Năm ông đã được ông thứ sáu thuyết phục để vào thăm biệt thự ạ.

- Nếu không thế thì sự trùng hợp rất khó tin – Ông Hồng Phong phụ họa.

- Một ông đã đi dạo trong khu đó – Linh nói tiếp – để rủ những ông khác vào quan sát. Khi người đồng lõa của ông đó đã thấy nhóm người tới gần biệt thự, hắn bèn hú lên.

Ông Thuận ra vẻ luống cuống, chớp chớp đôi mắt nhìn Linh.

- Nhưng để làm gì? – Bà Ngọc Sương hỏi – Đùa cợt trẻ con như thế có mục đích gì?

- Ấy, thưa bà, đó không phải là một sự đùa cợt hay một hành động trẻ con đâu ạ – ông Hồng Phong đáp – Cậu Linh đã giải thích cho tôi nghe những điều suy luận của cậu lúc ngồi trên xe và tôi thấy rất xác đáng. Trong vụ này, hai kẻ đồng lõa đã dụng ý dẫn vào biệt thự một số nhân chứng có thể xác nhận đã trông thấy bóng ma.

- Rồi sao nữa? Thật là khó hiểu – ông Thuận hỏi.

- Cháu Linh – ông Hồng Phong nói – Bây giờ là tới lúc cháu phải cho nghe cuốn băng đi.

Chiếc máy ghi âm đã sẵn sàng. Linh bấm nút. Một tiếng hú ghê rợn phát ra. Bà Ngọc Sương và ông Thuận giựt bắn mình.

- Đây mới là quãng đầu – ông Hồng Phong nói – Xin quí vị nghe cẩn thận quãng sau và cho tôi biết quí vị có nhận ra tiếng một người nào không.

Cuốn băng điện tử tiếp tục quay. Mọi người nghe thấy cuộc đối thoại của những người hiện diện bữa đó.

- Chúng ta phải vào trong nhà – một ông có giọng trầm trầm nói – Chúng ta muốn xem ngôi biệt thự trước khi…

- Thôi! – bà Ngọc Sương vừa hét vừa đứng phắt dậy, đôi mắt trợn tròn.

Linh hãm máy ghi âm lại. Bà Ngọc Sương liền quay lại ông Thuận:

- Đúng là anh! – bà nói – Đúng là tiếng nói của anh khi anh thủ vai trò những tên phản bội trong ban kịch của trường đại học!

- Sau khi nghe lại nhiều lần cuốn băng – Linh nói – chính cháu cũng nhận ra tiếng nói của ông Thuận, và nhất là cách phát âm của ông. Để cải trang, hôm đó ông đã dán thêm một bộ râu giả mà ban đêm khó ai phân biệt.

Lúc đó, sắc mặt ông Thuận đã tái mét và ông không còn muốn chối cãi gì nữa.

- Thưa cô, tôi xin nói hết – ông lẩm bẩm.

- Rất hoan hỷ được biết điều đó – bà Ngọc Sương đáp với giọng lạnh lùng – Nói đi, tôi nghe đây.

Ông Thuận bèn cung khai nội vụ. Tất cả đã khởi sự khi bà Ngọc Sương được tin Châu ở Hồng Kông và đã gọi cậu về Việt Nam. Vì cậu là cháu tứ đại của cụ Trịnh Thường, bà sẽ cho cậu đồn điền Thanh Lâm.

- Thưa cô, tôi vẫn tự tin là thừa kế của cô – Thuận nói tiếp – Dầu sao thì tôi cũng đã dành tất cả cuộc đời tôi cho công việc khai thác đó. Mà bỗng nhiên nó sẽ lọt vào tay kẻ khác.

- Kể tiếp đi – bà Ngọc Sương lạnh lùng nói.

- Do đó, một ý kiến nảy qua đầu tôi – Thuận vừa nói vừa lau mồ hôi trên trán – Tôi đã xây cất kho đựng trà, mua nhiều máy móc, tôi đã vay nợ của bạn bè, tôi bảo họ đòi rất gấp để cô có cảm tưởng rằng cô bị nợ nần quá nhiêu. Hơn nữa, tôi lại tuyển tên Ngưu làm quản lý và những bạn của hắn làm thợ thuyền, công nhân : Nhiệm vụ của chúng là làm cháy kho, phá máy móc, làm hư trà, chết ngựa v.v…

Để bù lại số lỗ lã đó, cô đã quyết định bán ngôi biệt thự Phú Lâm đi, trong khi cô đã thề là không bao giờ bán nó.

- Phải – bà Ngọc Sương đáp – Mà tôi đã thề như vậy với cụ Trịnh Thường và tôi vẫn muốn giữ lời thề đó cho má tôi. Nhưng tình thế đã tuyệt vọng. Tôi cần phải trả những món nợ do anh vay.

Linh nghe rất chăm chú. Cậu đã đoán biết ông Thuận là thủ phạm, nhưng cậu chưa hiểu rõ các chi tiết của tội ác ông đã làm.

- Khi bán được ngôi biệt thự, cô sẽ có thể lành mạnh hóa công việc khai thác đồn điền, và mưu đồ của tôi là làm cho cô bị khánh kiệt rồi nhân đó tôi sẽ mua lại được đồn điền của cô, sẽ không thể thực hiện được nữa. Đúng lúc đó thì tôi nhận được một tin.

- Tin gì? – Ông Hồng Phong hỏi.

- Tôi phải về Chợ Lớn để gặp một ông già người Huê Kiều tên là Lâm Kiệt. Lúc đó phải bịt mắt nên tôi không rõ cuộc gặp gỡ đã diễn ra ở địa điểm nào. Ông già ấy nói đã mua lại tất cả giấy nợ của đồn điền.

- Ông ấy làm như vậy với mục đích gì? – Bà Ngọc Sương hỏi.

- Một nữ gia nhân của gia đình ông ta trước kia là người hầu của cụ bà Trịnh Thường, được tin qua báo chí rằng ngôi biệt thự sắp bị phá hủy, người đó bèn tiết lộ một điều bí mật mà chị ta đã giữ kín từ nhiều năm.

Chị ta nói với Lâm Kiệt rằng xác cụ bà Trịnh Thường đã được quàn trong một căn phòng xây kín và mang ở cổ chuỗi ngọc huyền diệu mà vụ Trịnh Thường đã đem từ Trung Quốc về năm xưa.

Mặt khác, ông già Lâm Kiệt cũng dò la tin tức của tôi, ông ấy biết rằng tôi muốn được hưởng cái đồn điền trong khi việc bán ngôi biệt thự lại sẽ cứu vãn tình thế cho cô. Ông ta bèn bày với tôi một mưu kế như sau:

- Tôi phải làm thế nào để mọi người tin rằng ngôi biệt thự có ma để chẳng ai dám mua. Như vậy, tôi sẽ có đủ thời giờ để tìm ra căn phòng xây kín và đoạt lấy chuỗi ngọc. Tôi sẽ tuyên bố rằng tôi đã phát giác ra bộ hài cốt trong nhà và theo tôi thì ngôi nhà có ma thực.

- Cao kế, cao kế! – ông Hồng Phong phê bình.

- Sau đó, tôi sẽ bán lại chuỗi ngọc cho ông Lâm Kiệt với giá 40 triệu bạc. Để chắc ăn hơn, tôi sẽ cho con ma dọn nhà đến đồn điền để làm cho bọn công nhân phải khiếp đảm và cô bị khánh kiệt.

Tới khi không thể bán được ngôi biệt thự Phú Lâm, mùa trà lại bị mất, rồi ông Lâm Kiệt lại thúc nợ, cô sẽ bó buộc phải sang nhượng cái đồn điền này đi. Ông Lâm Kiệt chiếm được nó rồi sẽ bán lại cho tôi với giá tiền chuỗi ngọc. Như vậy, cả hai chúng tôi sẽ đạt được điều ước muốn : ông ta thì được chuỗi ngọc, còn tôi thì được cái đồn điền.

Như vậy thật là giản dị. Tuy nhiên, một sự trục trặc đã xảy ra : nhà thầu đã khởi công phá hủy ngôi nhà sớm hơn là dự liệu.

Tôi bèn phải hộc tốc tới Phú Lâm cùng tên Ngưu, vì sợ rằng họ sẽ tìm thấy hài cốt của  cụ bà Trịnh Thường. Nếu trường hợp này xảy ra, chuỗi ngọc sẽ phải trả về cho cô Sương và tôi không thể bán nó cho ông Lâm Kiệt được nữa.

Tối đến, tôi để tên Ngưu đứng nấp sau bụi cây cạnh nhà. Rồi tôi đi dạo gần đó và rủ những người mà tôi thuyết phục được tới xem ngôi biệt thự dưới ánh trăng. Tên Ngưu đã hú lên 3 lần. Chúng tôi vào biệt thự. Bóng ma đã hiện lên như trù liệu.

Mấy người trong bọn chúng tôi đã đi báo cảnh sát. Còn tôi và tên Ngưu thì tìm cách lảng đi không ai để ý. Hắn về thẳng đồn điền, còn tôi ở lại Phú Lâm.

Hôm sau, tôi trở lại biệt thự để tìm kiếm căn phòng bí mật. Rủi thay, bọn thợ đã khám phá ra căn phòng đó trước tôi. Thành thử khi có thể lấy được chuỗi ngọc thì không phải chỉ có một mình tôi : ông Hồng Phong, ông Thanh tra Duy Đức và cậu Linh cũng có mặt. Kết quả là tôi không có thể bán chuỗi ngọc cho ông Lâm Kiệt một cách lén lút. Khi tôi về tới đây thì ông già ấy gọi dây nói cho tôi : ông đã đọc báo và thấy hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan của tôi. Ông bèn xúi tôi dàn cảnh một vụ ăn trộm chuỗi ngọc.

Linh nói với vẻ khoái chí:

- Chính cháu đã nghi ngờ điều đó, vì cháu thấy ông đã dính líu vào nội vụ tới hai lần liên tiếp : Khi bóng ma hiện hình trong phòng bà Ngọc Sương và khi chuỗi ngọc bị mất trộm. Suy luận : có lẽ chính ông đã dàn cảnh bóng ma đã hiện hình và chính ông sẽ thụ hưởng món đồ mất trộm. Kết luận : vì tên Ngưu và ông đã cùng trở về nhà và có đầy đủ thời giờ để dàn cảnh vụ trộm giả tạo, hai người có lẽ là đồng lõa.

- Rất đúng – ông Thuận cúi đầu nhìn nhận – Tôi đã cho bóng ma hiện lên trong phòng cô Sương để gieo rắc sự khủng khiếp. Rồi tôi đã rút chuỗi ngọc từ tủ sắt ra để các cậu trông thấy.

Sự việc tiếp diễn đã được sửa soạn kỹ lưỡng. Ba kẻ thủ hạ của tên Ngưu phải nói đã trông thấy ma trong nhà kho, làm cho công nhân hoảng sợ và tên Ngưu phải bối rối chạy về phi báo cho tôi hay. Tôi cũng vờ làm ra vẻ hoảng hốt và quên không khóa tủ sắt vì phải đi ngay tới nơi nhà kho.

Khi tôi trở về, tên Ngưu trói tôi lại và đoạt lấy chuỗi ngọc. Hắn phải trả lại cho tôi hôm nay nhưng hắn đã không trả.

Thuận nói tiếp với giọng bực tức:

- Hắn nói với tôi rằng hắn sẽ tự đem bán chuỗi ngọc cho ông già Lâm Kiệt. Hắn tin rằng tôi sẽ không dám tố cáo hắn vì sợ lộ vai trò của chính tôi trong vụ này. Thằng khốn kiếp! Cả ngày hôm nay tôi chẳng thấy mặt nó đâu, chắc nó đang ở Chợ Lớn để trả giá với lão Tầu già.

- Đáng kiếp cho anh lắm – bà Sương nói – Anh đã hành động như một tên sát nhân. Nhưng bây giờ điều tôi lo sợ không phải là chuỗi ngọc, mà chính là sự an toàn của ba cậu nhỏ. Các cậu Châu, Phúc, Cảnh hiện giờ ở đâu? Trả lời đi.

Thuận lắc đầu:

- Tôi không rõ.

Bỗng Linh như có một linh cảm:

- Có lẽ các bạn cháu đã nghi ngờ tên Ngưu nên hắn đã bắt cóc họ để triệt đường tố cáo hắn.

Ông Hồng Phong gật đầu nói:

- Điều ấy có lý lắm, nhất là hắn cũng đang vắng mặt lúc này.

- Tôi hiểu tên Ngưu có thể nhốt các cậu như thế nào, nhưng hắn làm cách nào để giấu những con ngựa? – Thuận nói – Cả mấy chục người đã lục soát thung lũng và khu đồng hoang bên kia.

- Nếu ai thấy được một dấu hỏi thì tốt quá – Linh thở dài nói – Tôi biết Phúc và Cảnh vẫn đánh dấu lộ trình đi qua.

Vừa lúc đó, xẩm Lý vào báo tin có ông nhân viên cảnh sát tới.

- Ông ấy có tìm ra các cậu nhỏ không? – Bà sương vừa đứng dậy vừa hỏi.

Ông kia lắc đầu bước vào:

- Thưa bà, không kiếm ra, nhưng bà có hứa thưởng cho ai thấy một cái dấu hỏi. Và đây, có thằng bé đã thấy.

Một thằng nhỏ, từ trước vẫn núp sau lưng ông nhân viên cảnh sát, lúc đó bước ra.

- Cháu thấy một dấu hỏi như thế này! – Nó vừa nói vừa lấy tay vẽ lên trên không khí một cái dấu hỏi. Nó nói tiếp:

- Cha cháu bảo là bà chủ hứa thưởng hai ngàn đồng về cái dấu này.

Thằng nhỏ nhìn bà Ngọc Sương với con mắt bẽn lẽn và hy vọng. Rồi nó hỏi tiếp:

- Cháu có được hai ngàn không, thưa bà chủ?

- Có chứ, có chứ. Vậy cháu thấy dấu đó ở đâu?

- Trong một chiếc thùng, trên con đường tới đồng hoang.

- Trong một chiếc thùng ở đồng hoang? – Ông Hồng Phong nhắc lại với vẻ thất vọng.

- Thưa bác, cháu nghĩ ta cũng nên đi coi thử xem thế nào – Linh nói.

- Để tôi đi với – bà Ngọc Sương nói với giọng quả quyết – Lý ơi, đưa tao cái áo choàng đây.

- Tôi cũng xin đi cùng – Thuận đề nghị,

- Không, không – cô Sương cắt ngang – Anh , anh phải ở nhà.

Sau đó mười phút, xe đã tới đồng hoang. Đứa nhỏ chỉ hai cái thùng bỏ bên vệ đường.

- Kìa, trong cái thùng thứ nhất.

Mọi người xuống xe và, dưới ánh đèn bấm, họ thấy trong thùng một dấu hỏi vẽ bằng phấn xanh. Linh nhận ra là dấu của Cảnh.

- Tôi hiểu rồi – bà Ngọc Sương nói – Tên Ngưu đã chuyên chở các cậu ấy bằng cách này để không ai để ý đây mà.

- Có lẽ họ đã về Chợ Lớn – ông Hồng Phong phụ họa – Họ sang một chiếc xe khác ở chỗ này. Bây giờ chúng ta về để tôi đi báo các Ty cảnh sát liên hệ.

Xe quay trở lại, bỗng Linh nom thấy một miếng giấy trắng mắc ở bụi gai gần đó. Cậu bèn xin phép chạy ra xem cái gì.

Linh nhận ra là một trang giấy xé ở cuốn sổ, mang chữ viết của Cảnh như sau:

Đường hầm

Cầu cứu

???

- Như thế này là nghĩa làm sao? – ông Hồng Phong hỏi.

- Thưa bác – Linh đáp – Cảnh có ý nói họ bị giam trong đường hầm.

Vẻ lo âu hiện rõ trên nét mặt mọi người.

- Mảnh giấy của Cảnh – Linh nói – có nghĩa là Phúc, Châu và Cảnh đang lâm nguy. Bây giờ làm cách nào để cứu cấp?

Chương 16

Trong hang đá dẫn vào các đường hầm, Cảnh và Châu ngồi tựa lưng vào vách, có hai tên trong bọn Ngưu ngồi hai bên canh giữ. Chân các cậu bị trói nên chẳng có hy vọng gì trốn thoát.

Còn Phúc và Ngưu đã tiến vào đường hầm để kiếm chuỗi ngọc.

- Anh có tin tưởng vào ông già Lâm Kiệt không? – Cảnh hỏi bạn – Anh có chắc rằng ông sẽ cho thả bọn mình ra nếu Phúc nạp chuỗi ngọc cho tên Ngưu?

- Có thể tin tưởng lắm. Ông ta có quyền lực vô biên nên có thể tự cho phép mình được lương thiện. Có lẽ ông ta là một thủ lãnh bí mật của khu Huê kiều Chợ Lớn cũng nên.

- Dầu sao thì tên Ngưu cũng có vẻ rất sợ sệt khi đứng trước mặt ông. Nhưng một điều làm tôi lo ngại : Nếu Phúc không tìm thấy chuỗi ngọc thì sao?

- Thấy chứ, Phúc tinh khôn lắm.

Trong khi đó, tên Ngưu và Phúc vẫn vào sâu trong hầm.

- Nhãi con, đừng có gạt tao đấy nhé – Ngưu vừa lẩm bẩm vừa soi đèn – Ba con ngựa của tụi bây đã được giấu kín trong một hốc đá gần một cái giếng thiên nhiên. Nếu ta mà không có chuỗi ngọc mang về, tụi bây sẽ được quẳng xuống đó và khi cử hành tang lễ của tụi bây, ta sẽ là người khóc nhiều nhất, nhớ kỹ đấy.

Phúc nghe nói rùng mình. Cậu biết rằng tên Ngưu sẽ làm đúng lời hắn nói. Có lúc, cậu đã định bụng đưa cho hắn chiếc đèn có đựng đá cuội trong ruột để cứu vãn tình thế, nhưng như thế thì liều lĩnh quá. Nên cậu chỉ còn một ý muốn là tìm chuỗi ngọc nạp cho hắn để các cậu được tự do.

- Đồ bất trị! – tên Ngưu lẩm bẩm – Tụi bay tưởng đã bỏ rơi được ta. Cái lúc mà ta thấy tụi bay rẽ vào hang đá ta đã đoán biết tụi bay định đi ngã nào rồi. Các đường hầm này, ta còn biết trước tụi bay bởi vì khi ta tới một đất lạ, công việc đầu tiên là ta phải hỏi thăm đường đất, để khi cần cao chạy xa bay thì ít nhất ta đã thông thuộc đường đi nước bước.

Hai người đã tới chỗ hầm sụt.

- Ta đợi bay ở đây, nhãi con! Vào mà kiếm lẹ lên, nếu không…

Phúc đã quen lối, nên chẳng mấy chốc đã bò hết quãng khó khăn. Rồi cậu chạy một mạch tới chỗ bộ xương con lừa.

Nhưng ác hại thay! Cái sọ con lừa đã biến mất. Biến mất dưới một tảng đá lớn, đã bị lở từ trên vách hầm xuống, có lẽ vì động đất.

Chuỗi ngọc quí giá bị nghiền nát nhừ dưới khối đá, không còn nữa.

Bây giờ làm thế nào để có chuỗi ngọc nạp cho tên Ngưu?

Phúc thử đẩy tảng đá ra nhưng không chuyển. Vả chăng, các viên ngọc đã bị nghiền nát thì lấy lại để làm gì?

Phúc đứng suy nghĩ.

Cậu có thể chạy ngay tới Cuống Họng để thoát ra khỏi đường hầm bằng ngả kia. Nhưng như thế cũng có thể lọt vào một ổ phục kích của tên Ngưu, rồi Cảnh và Châu có thể mất mạng khi mưu cơ này bị đối phương phát giác. Cậu có quyền làm như vậy không?

Mặc dầu lo sợ, Phúc cũng gan dạ trả lời : Không.

Cậu bỗng nhớ lại chiếc đèn bấm đựng đá cuội trong ruột, được giấu gần đó. Tại sao không dùng nó để gạt tên Ngưu?

Cậu tìm thấy chiếc đèn dễ dàng vì đã đánh dấu bằng mấy cục đá.

Bây giờ cậu lại thấy ân hận là tại sao không để nguyên chuỗi ngọc trong chiếc đèn này, đến nỗi bây giờ bị mất. Nhưng ai đoán trước được tảng đá rơi vì động đất?

Cậu giắt chiếc đèn vào lưng rồi tìm đường ra. Tới chỗ hang bị sụt, cậu nom thấy ánh đèn bên kia và nghe thấy tên Ngưu thúc giục:

- Mau lên, thằng nhỏ! Bay đi dạo trong đó hết cả giờ rồi đó!

Trong dạ hoang mang, Phúc bò lổm cổm qua khỏi quãng sụt, rồi đứng lên phủi đất bụi dính đầy quần áo.

- Cái đèn! – Ngưu vừa quát vừa giựt ở tay Phúc. Thấy nó nằng nặng hắn bèn bỏ vào túi.

- Thôi đi! – hắn ra lệnh – Dễ thường bay muốn ngủ đêm ở đây chắc?

Rồi hắn bước mau ra lối cửa hang.

Phúc theo sau, trong bụng thấy thấp thỏm lo âu, không dám hy vọng rằng mưu cơ thành tựu.

Quả nhiên, tên Ngưu vừa đi được mươi bước thì dừng lại.

- Biết đâu tụi bay không gạt ta? – Hắn nói – Với những tên bất trị này thì khó mà tin được chúng.

Hắn bèn rút chiếc đèn trong túi ra rồi vặn nắp. Phúc vội ù té chạy. Nhưng tên Ngưu đã phản ứng nhanh hơn, hắn thò chân ra ngáng cẳng Phúc một cái, cậu bị ngã xuống đất như trời giáng, tối tăm cả mặt mũi. Một lát sau đỡ đau, cậu lồm cồm ngồi dậy.

Tên Ngưu sùi bọt mép vì phẫn nộ. Hắn đã thấy những viên sỏi gói trong chiếc khăn tay. Biết rằng đã bị gạt, hắn rút con dao ra cầm tay.

Dưới ánh đèn bấm, lưỡi dao sáng loáng.

Tên Ngưu giơ ta tóm lấy cổ Phúc, dí mũi dao vào sườn quát:

- Đi mau!

Phúc bước theo, lo lắng.

- Tụi bay đã biết cái gì đang chờ đợi tụi bay – Ngưu nói lầu bầu – nếu tụi bay tìm cách gạt ta thì ông già Lâm Kiệt đã bật đèn xanh cho ta để thanh toán cả ba đứa, đó là điều mà tụi bây muốn. sáng mai, mặt trời sẽ mọc, nhưng không phải cho tụi bay đâu nhé.

Phúc chẳng buồn giải thích gì nữa và cảm thấy vô cùng thất vọng.

Vài phút sau, hai người đã tới cái hang rộng ở lối vào. Phúc thấy Cảnh và Châu vẫn ngồi ở chỗ cũ, hai bên có hai người canh gác ngồi cúi mặt.

- Đứng dậy, các chú! – Tên Ngưu ra lệnh – Ta phải thanh toán mấy thằng bất trị này và rút lui cho lẹ.

Hai người kia từ từ đứng dậy.

Bỗng, có tới nửa tá đèn bấm bật lóe lên cùng lúc. Vừa lúc đó, hai người kia rút súng ra. Dưới ánh sáng, mặt họ khác hẳn hai kẻ đồng lõa của tên Ngưu bị trói nằm một xó.

- Giơ tay lên, Ngưu! – Ông cảnh sát viên ra lệnh.

Tên Ngưu vội chụp lấy cánh tay Phúc lôi cậu chạy tuốt ra ngoài. Không ai chận lại kịp và cũng không ai dám nổ súng vì sợ đạn trúng vào Phúc,

Tới cửa hang, hắn buông con tin ra và biến vào bóng tối. Mấy phát đạn nổ theo chỉ có hiệu lực làm cho hắn chạy mau hơn.

- Thôi, để mai sẽ tóm cổ hắn cũng được – cảnh sát viên nói – Bây giờ tôi rất hả lòng đã kiếm ra ba cậu nhỏ.

Phúc, Cảnh, Châu và Linh đang bày tỏ nỗi vui mừng về kết quả may mắn của cuộc phiêu lưu vừa qua.

- Sao những ông này tới đây được? – Phúc vừa hỏi vừa chỉ những nhân viên cảnh sát.

Ông Hồng Phong từ trong bóng tối tiến ra để trả lời câu hỏi đó, và kiêu hãnh đặt tay lên vai cậu con, ông nói:

- Linh đã khám phá ra tên chánh phạm. cậu cũng đã tìm ra mảnh giấy của Cảnh báo tin đang bị khốn ở trong hầm. Ông cảnh sát viên đã mang viện binh tới đây. Sau một trận thư hùng ngắn, những đồng lõa của tên Ngưu đã bị bắt và chúng ta đã thiết lập ổ phục kích mà con thấy đó.

Chương 17 (hết)

Vì thông thuộc đường lối, tên Ngưu đã thoát khỏi màn lưới của nhà chức trách, hoặc là hắn đã bị ngã xuống một khe núi và bị vong mạng rồi.

Tên Thuận thì bị đuổi khỏi đồn điền, nhưng bà Ngọc Sương không muốn truy tố hắn ra tòa. Sau khi về tới Sàigòn, ba cậu thám tử được mời tới gặp ông Thanh Tra Duy Đức.

Trong một căn phòng rộng rãi, ông ngồi đọc kỹ lưỡng bản phúc trình của Cảnh. Rồi gấp hồ sơ lại, ông bắt đầu vào đề:

- Các cháu đã làm nổi bật câu chuyện: tên Thuận muốn chiếm đoạt cái đồn điền, bèn vay tiền của các bạn và dặn họ phải đòi nợ gắt, để đồn điền phải phát mại đi với giá rẻ mạt vì lý do vỡ nợ. Tên Ngưu là đồng lõa của Thuận. Ông già Lâm Kiệt được biết chuỗi ngọc huyền diệu hiện vẫn còn trong biệt thự. Ông bèn mua lại các giấy nợ của đồn điền để cầm chân tên Thuận và có thể mua lại chuỗi ngọc mà một số tài phiệt Huê kiều khác cũng muốn có trong tay với giá đắt.

Ông Lâm Kiệt là một nhân vật rất kỳ dị. Một trăm lẻ bảy tuổi thọ! Một đời sống theo lối cổ truyền mà những con mắt bàng quan không bao giờ thấy được. Tất cả những cái đó, ta thấy không phải là chuyện thông thường. Thế sau này các cháu có nghe thêm gì về ông già kỳ khôi đó nữa không?

Cảnh đáp:

- Sau đó mấy ngày, có hai người khách trú của ông già Lâm Kiệt gởi tới đồn điền để xin phép thu nhặt chất bột ngọc dưới tảng đá, lẫn lộn với bột xương sọ con lừa. Để đền bù lại, ông già Lâm Kiệt cam kết sẽ để bà Ngọc Sương khất nợ đến bao giờ trả cũng được.

Bà Ngọc Sương chấp thuận đề nghị trên. Họ bèn mang xẻng, cuốc, xà beng, búa tạ vào đường hầm để phá vỡ tảng đá. Rồi đựng vào cái túi da, họ mang đi một chất bột mà chẳng ai hiểu là bột gì nhưng có lẽ ông Lâm Kiệt được thỏa mãn.

- Nếu trong những viên ngọc – ông thanh tra nói – mà quả thật có một vài hóa chất có thể làm tăng thêm tuổi thọ, thì không có lý gì ở trạng thái bột nó lại kém hiệu nghiệm hơn ở trạng thái viên!

Rồi ông quay lại Linh:

- Lần này, cháu Linh đã không có mặt tại chỗ trong khi diễn ra những pha gay cấn nhất của cuộc mạo hiểm vừa rồi. Tuy nhiên, chính cháu là người đã khám phá ra các điều bí hiểm. Nhưng còn hai điểm này cháu cần giải thích thêm.

- Thưa ông thanh tra, hai điểm nào ạ?

- Trong hồ sơ này, có nói đến một con chó đã giúp cháu kiếm ra đầu mối sự bí mật. Đây, trong phúc trình có viết rằng : “… con chó của một ông bế trong tay đã không có phản ứng gì, nó chỉ kêu nho nhỏ như là nó muốn được xuống đất để đi lại tung tăng”.

- Thưa ông thanh tra, người ta thường cho rằng những giống gia súc như chó mèo đều có một phản ứng rất đặc biệt khi đúng trước một năng lực linh dị : chúng bị dao động, sợ sệt. Con mèo thì sặc sụa, con chó thì rú lên. Thế mà tối hôm đó, con chó của ông Dậu lại chẳng có một phản ứng gì giống như thế cả. vậy là tiềm thức của nó không thấy gì linh dị. Nên cháu suy luận rằng bóng ma là giả tạo.

- Ta khâm phục nhận xét đó. Bây giờ thì cháu Cảnh giải thích cho ta điểm này : ông già Lâm Kiệt đã thôi miên tất cả ba cháu phải ngủ li bì và các cháu chỉ có thể thức tỉnh khi nào về tới đồn điền mà thôi. Vậy mà trên con đường từ Chợ Lớn về đồn điền Thanh Lâm, cháu đã có thể viết lời cầu cứu trên 39 tờ giấy xé ở cuốn sổ tay và rắc trên quãng đường từ Bảo Lộc về tới đồn điền. Cháu đã làm cách nào vậy?

- Thưa ông Thanh tra, cháu đã gạt ông già Lâm Kiệt đó ạ. Khi cháu thấy Châu và Phúc đã ngủ gục thì cháu hiểu ngay việc gì đã xảy ra. Nên lúc ông già bắt đầu thôi miên cháu thì cháu đã vờ làm bộ ngủ. Kết quả là cháu muốn viết bao nhiêu tờ giấy để kêu cứu cũng được. Nhưng gió thổi ở cánh đồng hoang làm bay mất cả. Trừ một tờ vướng vào bụi gai. Thật là điều may mắn vô cùng, vì cũng nhờ bụi gai mà Linh kiếm ra bọn cháu.

- May mắn à? Điều đó cũng đúng phần nào. Nhưng ta thấy phần lớn là do lòng can đảm và óc thông minh của các cháu. Nhưng còn một điểm này quan trọng hơn hết, suýt ta quên khuấy đi mất. Nếu đã không có bóng ma thật thì các cháu đã trông thấy cái gì? Ai đã lên cầu thang mà không đụng tới các bậc thang, ai đã biến qua tường?

- Thưa ông Thanh tra, điều đó thật quá dễ – Linh đáp – Cháu xin phép ông đóng cửa để làm phòng tối.

Ông Thanh tra gật đầu. Linh bèn đóng cửa sổ và kéo kín hết các màn cửa. Phòng giấy bỗng chìm trong bóng tối.

- Xin ông thanh tra coi trên tường!

Ngay lúc đó, trên tường trắng đã hiện ra một vệt sáng xanh, trong đó bóng ma của Linh đang đứng, trên người phủ một chiếc khăn giường. Nó lướt theo bức tường rồi biến mất.

- Thực là kinh ngạc! – Ông Thanh tra nhìn nhận, trong khi Cảnh và Phúc dẹp màn và mở cửa sổ – Khi cần đến, cháu có thể chế tạo ra một con ma rất thần tình.

Rồi ông Thanh tra ngắm nghía cái dụng cụ mà Linh đưa ra, nó giống như một chiếc đèn bấm cỡ lớn.

- Thưa ông, đây là một kiểu đèn chiếu chạy bằng pin, dùng để chiếu những hình ảnh. Nếu mang nó chiếu lên tường một căn nhà có ma thì người ta tạo ra được một bóng ma chẳng khó khăn gì.

- Ta thấy rồi! Không có gì dễ bằng làm cho hình ảnh lướt trên cầu thang. Chắc rằng ông già Lâm Kiệt đã tặng dụng cụ này cho tên Thuận chứ gì?

- Thưa ông đúng ạ. Khi Thuận mang bộ râu giả vào, làm cho giọng nói trầm xuống và đưa mọi người vào trong biệt thự, thì hắn đã thủ sẵn cái máy này trong tay. Ai cũng tưởng là một chiếc đèn bấm thông thường. Ông Thuận chiếu hình lên tường tùy ý và khi vặn cái khuy này, hình sẽ dần dần biến đi.

Chính Châu cũng đã tự hỏi không biết bóng ma có thực hay không. Nhưng cháu nhận thấy ba điều : 1 – Phải có một người đứng bên ngoài biệt thự để hú lên ; 2 – Con chó Ba Bi không cảm thấy một vật linh dị ; 3 – Chỉ có một mình ông Thuận ở cạnh bà Ngọc Sương khi bà trông thấy bóng ma. Còn những sự việc khác là sơ đẳng.

Linh bỏ vào túi chiếc đèn chiếu mà ông Thuận đã bỏ lại cho cậu và nói với giọng khôi hài:

- Cái này là “Kỷ vật cho ba anh em chúng cháu” của con ma vùng Phú Lâm đây ạ!

Ông Thanh tra Duy Đức và ba cậu cả cười.

THÙY HƯƠNG