Bức Tranh Màu Xám - Loại Hoa Tím

Tủ sách Tuổi Hoa - 1971

Chương 1 & 2 

Chương 3 & 4

          Chương 5 & 6 (hết)

Nguồn: GMC sưu tầm, scan và KIỀU MINH đánh máy

------------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 1

Bây giờ mỗi khi hồi tưởng lại những sự việc đã xảy ra trong khoảng thời gian ấy, tôi ngỡ như mình vừa trải qua một cơn mơ. Một cơn mơ được cấu tạo nên bởi bao nhiêu là phức tạp của nội tâm một đứa con gái bắt đầu bước chân vào tuổi dậy thì .

Năm tôi lên mười tuổi và bắt đầu khôn lớn, ba me tôi quyết định cho tôi vào học nội trú. Chính tôi đã khổ rất nhiều vì quyết định ngày đó của ba me nhưng hình như ông bà có một lý do chính đáng nào đó không muốn cho tôi biết đến. Ở lứa tuổi đó, sự quyến luyến gia đình là điều phải có nơi tôi. Cho nên những ngày đầu tiên sống trong bốn bức tường hầu như bị giam lỏng đối với tôi là một cực hình. Mặc dầu ở nhà tôi không có bạn để chơi thật, tôi là con út, nhưng tôi có sự tự do. Ở nhà, tôi có thể vọc đất, nhảy lò cò hay chơi bán đồ hàng với những đứa trẻ hàng xóm. Nhưng ở đây thì không. Bốn bức tường màu xám lợt đã giam hãm tuổi thơ ấu của tôi một cách muộn phiền và thật thiệt thòi cho tôi. Mỗi buổi sáng được gọi thức giấc bằng một hồi chuông lanh lảnh ở dãy phòng soeur trực, tôi thấy đời sống mình tù túng quá sức. Ở tuổi nhỏ mà tôi đã rất lãng mạn. Tôi muốn thoát ly. Tôi mơ một đời sống phóng túng, một đời sống trong đó con người được tự nhiên ăn, ngủ và thở, theo ý mình. Mỗi ngày 24 giờ, tôi chỉ có được buổi tối là thực sự của riêng tôi thôi. Sau khi học bài và đọc kinh tối, tôi buông người vào giường, là bắt đầu sống cho mình, cho cái thế giới của riêng tôi mà chỉ tôi hiểu được. Tôi thường mơ mộng về tương lai. Ở tuổi nhỏ thì tôi mơ một ngày mình sẽ được nhiều bánh kẹo, mình sẽ trả bài thuộc lòng mà không cần học và mình sẽ được bảng danh dự đều đều. Nhưng những năm sau này, khi tôi bắt đầu nhận thấy mình được để ý đến bởi những người khác phái, có một sự để ý tuy mơ hồ nhưng cũng đã giúp cho tôi hiểu rằng, mình đã lớn, sự mơ mộng của tôi chuyển hướng. Tôi bắt gặp mình biết làm dáng một cách thật đáng yêu. Buổi sáng, tôi không còn dậy thật muộn chờ mãi đến lúc chuông gọi mới mở mắt, mà tôi dậy thật sớm, đứng tì tay trên thành của sổ mơ mộng nhìn xuống hai hàng cây me cao đổ những lá úa xuống vàng cả mặt con đường nhỏ trải đá. Cuộc sống nội trú không cho phép tôi tiếp xúc với bạn trai nhưng tôi vẫn làm dáng cho chính mình. Tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy, nhưng tôi thấy mình thay đổi hẳn từ tâm hồn đến thể chất. Má tôi hồng và làn da căng mịn màng, môi tôi đỏ thắm và nhất là đôi mắt sáng long lanh. Khi nhìn mình trong gương, tôi tự hỏi như thế đã đủ gọi là đẹp để chinh phục được người khác chưa. Tự trong thâm tâm tôi những thay đổi lại càng mãnh liệt hơn. Một cành cây trơ vơ nằm trên bờ sông tượng trưng cho sự cô độc hay một chiếc lá rơi nhẹ nhàng xuống mặt đường cũng làm cho tôi bồi hồi xúc động. Tôi đâm ra ít nói và thích sống một mình. Sự chuyển hướng đột ngột đó của tình cảm đã tạo một bức màn ngăn cách giữa cuộc sống của tôi từ trước cho đến ngày nay và bắt đầu từ bây giờ là một giai đoạn mới.

Trong lần sinh nhật thứ mười bảy của tôi, ba me tôi quyết định cho tôi ra khỏi nếp sống nội trú. Từ trước khi còn ở trong dòng, tôi những tưởng ngày mở hội hoa đăng sẽ là ngày mình được thoát ly nếp sống ràng buộc này. Nhưng sự thực hoàn toàn khác. Tôi hiểu là mình đã lầm lẫn khi nghĩ như vậy. Cuộc sống đó trong sáu năm trời đã tạo nên trong tôi những thói quen rất khuôn khổ không thích hợp với đời sống bên ngoài chút nào. Tôi thấy nhớ nhung những buổi sáng thức dậy tỳ tay trên thành cửa mà mơ mộng đâu đâu. Tôi cố gắng dung hòa với nếp sống gia đình, một nếp sống nếu nhìn vào từ bên ngoài hẳn phải hết sức chán nản vì cái tẻ lạnh của nó. Tôi thui thủi một mình trong căn nhà rộng ngoài giờ học, vì ba tôi đi làm và mẹ tôi thì còn hơn thế nữa, bà bận tối ngày, nào hụi hè, nào hội họp.

Thuở tôi còn ở trường, tôi vẫn thường tự hào với tất cả bạn bè về bà mẹ của mình và bạn hữu tôi chúng cũng thường mơ ước có được một người mẹ như thế. Mẹ tôi không phải là một người đàn bà sống bình thường cho gia đình, cho chồng, cho con – bà còn bị lệ thuộc bởi địa vị của chồng, cha tôi, và của chính bà nữa. Từ nhỏ tôi đối với mẹ có phần nhợt nhạt trong tình mẫu tử. Tôi đã tưởng có lẽ việc đó phát sinh do sự xa cách lâu ngày tạo nên, và tôi vẫn mong rằng ngày tôi trở về sống dưới mái gia đình thì tình yêu thương của tôi và mẹ sẽ hàn gắn mau chóng. Nhưng tôi đã lầm lẫn lớn khi nghĩ như vậy. Tôi đã sống bên mẹ một năm nay, nhưng càng sống gần mẹ tôi càng xa cách mẹ. Mẹ tôi hình như không phải là một người đàn bà của gia đình, một người mẹ của những đứa con. Mẹ tôi không cho người ta cảm tưởng gần gũi mà chỉ làm người ta cảm thấy xa lạ hơn mà thôi. Tôi rất hãnh diện về mẹ tôi nhưng yêu thương mẹ nhiều thì tôi không dám xác nhận điều đó.

Các bạn tôi thường bảo tôi có phước được sinh ra trong một gia đình danh giá. Khi bạn tôi đến nhà chơi, chúng được mẹ tôi tiếp đón một cách lịch sự nếu bà có nhà. Điều đó càng làm tụi nó tin chắc về hạnh phúc mà tôi đang hưởng thụ. Còn gì hơn khi có một ông bố làm lớn và một bà mẹ sống lối sống hết sức trưởng giả quý phái và được tôn xưng bằng nhiều mỹ từ cao trọng.

Mẹ tôi làm chủ tịch một hội từ thiện lớn, làm cố vấn cho một hội khác và còn nhiều chức vụ linh tinh ở nhiều hội đoàn khác nữa. Không phải tôi vị kỷ nhưng đôi lúc nhìn mẹ tôi bỏ mặc tôi trong căn nhà rộng, mặc áo đi chủ tọa một buổi gì đó, tôi đã tự nghĩ là phải chi mẹ tôi bớt chút thời giờ làm phước cho người khác mà ở nhà với đứa con gái của bà, thì có lẽ cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi hẳn đi rồi. Những khi nghe bạn bè khen, tôi tủi thân nhiều nhưng dĩ nhiên là không bao giờ tôi nói lên với chúng nó điều đó. Để người ta lầm tưởng mình hạnh phúc vẫn hơn chứ. Các bạn tôi làm sao biết được có những phút tôi mơ ước điên cuồng được như chúng nó, có một người cha tầm thường và một người mẹ càng phải tầm thường hơn để lo cho gia đình, cho con cái. Vậy mà mẹ tôi muôn đời vẫn là người đàn bà của xã hội và đám đông.

Một năm trôi qua, trong cuộc sống gia đình tẻ lạnh, tôi không hấp thụ được gì hơn ở cái nếp sống ngoại trú này. Tôi vẫn đóng khung mình thật kỹ trong những sáo ngữ hằng ngày phải xử dụng và cố gắng cư xử làm sao cho xứng đáng với danh nghĩa là con của ba mẹ tôi. Đôi lúc tôi chỉ muốn làm một cái gì đó, để nói lên được cho mẹ tôi hiểu tôi chỉ là một con người, đừng huấn luyện tôi, giáo dục tôi, đào tạo tôi theo một chiều hướng khuôn khổ nào hết. Hãy để tôi sống theo bản năng và cá tính của tôi. Nhưng tôi không bao giờ nói lên được như vậy hay đúng hơn, tôi không có cơ hội để nói lên, một ngày mẹ tôi gặp tôi được bao nhiêu phút đâu ? Sự lạnh lùng trong cuộc sống du tôi vào cái thế phải tìm cho chính mình một sự giải thoát nào đó. Tôi không thể sống mãi trong không khí nặng nề nhạt nhẽo này. Mặc dù ba mẹ tôi không khó khăn lắm trong vấn đề bạn bè giao thiệp của tôi, nhưng tôi vẫn không thích những cuộc vui chơi của lứa tuổi mình. Bởi thế, thỉnh thoảng tôi nghe chúng bạn chê tôi già trước tuổi. Khi nghe câu đó lần đầu, tôi đã giận lắm và quả quyết phải làm sao cho tụi nó thu hồi lại câu nói. Tôi quyết định phải đi dự cái « bum » do Tuyết mở ra trong ngày sinh nhật nó.

Thoạt đầu cuộc vui còn có vẻ được, tôi cố hoàn mình với chúng bạn bằng cách nói cười vui vẻ. Nhưng đến lúc nhạc trổi lên và những thằng con trai, những đứa con gái lôi nhau ra nhảy thì tôi thấy quả thật là mình nên rút lui có trật tự cho được việc. Khi tôi nói ý định đó với Tuyết, nó đã kêu lên :

- Trời ơi ! Con nầy điên à ? Vi, ở lại, mầy

Câu nói của Tuyết hơi lớn đã lôi kéo sự chú ý của một số đông bạn bè đứng quanh đó. Chúng xúm lại mỗi đứa nói một câu hoặc chỉ trích hoặc khuyến khích tôi nên ở lại. Tuyết cũng phụ họa :

- Coi như bây giờ mới là bắt đầu. Mầy mà về bây giờ thì quê tao lắm.

Tôi hơi bực mình nên cãi :

- Tao về nếu không « quê » tao thì thôi sao lại quê mày ?

Tuyết gật đầu :

- Thật mà. Tại tao giới thiệu mày chì nhất lớp mình. Như vậy là mày đủ hiểu.

Tôi gắt :

- Ai biểu mày giới thiệu ẩu. Tao có chì hồi nào đâu.

Tuy nói vậy, nhưng tôi thừa hiểu tại sao Tuyết lại giới thiệu như vậy. Bạn bè tôi chỉ dựa trên ba mẹ để đánh giá đứa con. Sở dĩ chúng nó đưa tôi ra cũng vì thế. Nếu ba mẹ tôi không làm chức nầy chức kia thì chưa chắc gì tụi nó đã thèm mời tôi nữa, nói chi đến việc giới thiệu nầy nọ. Tôi thấy chua chát cho chính mình. Tuy vậy, hôm đó tôi bắt buộc phải ở lại.

Sau buổi đó, tôi tự hứa với mình là không bao giờ vác mặt tới những cuộc hội họp choai choai như thế nữa. Tôi không chịu đựng được sự kiện những gã con trai tóc tai bù xù như con gái, ăn bận thật lố lăng, ôm những đứa con gái cũng tương tự trong tay uốn éo lắc lư theo điệu nhạc. Đôi lúc tôi nghĩ bạn bè chê tôi « quê » cũng có lý. Có lẽ tại mấy năm tuổi thành niên lớn lên âm thầm trong khung trời nội trú, sống giữa các sœur lạnh lùng suốt ngày chỉ có sách vở nên tôi cằn cỗi trong cách thế đối xử và ngay cả quan niệm sống nữa. Khi có cuộc bàn cãi về « mode » của giới trẻ thì tôi bao giờ cũng thuộc thiểu số bởi vì bạn bè tôi chúng nó đều rất « à la mode ». Tôi công nhận rằng mình không nên sống cổ hũ quá, theo thời trang một tý, nhưng vừa phải thôi. Sự xa cách với bạn bè càng thôi thúc tôi hơn trong ý hướng tìm cho chính mình một lối thoát cho cuộc sống gò bó hiện tại.

Trong một sự tình cờ, tôi quen chú Ngọc.

Một hôm tôi đến chơi nhà Thúy, một đứa bạn cùng lớp. Thúy ở chung với người chú ruột, chú Ngọc đã có vợ hai con. Tôi đến đúng lúc Thúy không có nhà và chú Ngọc vừa từ đâu về đến. Tôi vẫn ít khi gặp chú Ngọc vì tôi và Thúy không thân nhau lắm, chỉ gặp ở trường nói chuyện qua loa, nhưng hôm nay tôi cần mượn Thúy mấy cuốn sách. Thấy chú Ngọc đi vào tay cầm giá vẽ, tay bưng hộp sơn, tôi đã thiếu điều muốn reo lên.

- Chú, chú đi vẽ về sao ?

Tôi vẫn gọi chú bằng chú như Thúy. Chú Ngọc cười, cho giá vẽ vào một góc phòng và cất hộp sơn lên kệ sách. Chú trả lời tôi :

- Ừ ! Không có gì làm xách giá đi vẽ bậy cho vui. Vi đến tìm Thúy, nó đâu rồi ?

Tôi lắc đầu :

- Dạ, Thúy chưa về. Mà chú Ngọc, chú vẽ tranh sơn dầu hả chú ?

Tôi muốn hỏi chú Ngọc nhiều về hội họa. Tự dưng tôi muốn làm quen với nghệ thuật đó. Ừ nhỉ, tại sao không. Thuở ở nội trú, tôi vẫn được tiếng là khéo tay mà, tại sao không nhờ chú Ngọc hướng dẫn dùm, chú thể giúp tôi việc đó lắm chứ ! Tôi thực hiện ý định của mình :

- Vi cũng biết sơ sơ về hội họa.

Mắt chú Ngọc hơi sáng lên :

- Thế à, vậy chắc Vi vẽ khéo lắm nhỉ.

Tôi lắc đầu :

- Dạ đâu có, chú. Biết là tại … thích rồi tìm hiểu vậy thôi, chứ Vi mà vẽ vời gì. Còn chú, chú tốt nghiệp lâu chưa chú ?

Đến lượt chú Ngọc lắc đầu :

- Tốt nghiệp gì đâu. Chú học cho biết vẽ tiêu khiển, bộ Vi không thấy điều đó sao.

Tôi gật :

- Dạ thấy, nhưng ít ra thì chú có học rồi. Còn Vi thì mù tịt. Chú Ngọc …

- Gì Vi ?

- Chú dạy Vi vẽ nha.

Nụ cười nở trên môi chú Ngọc :

- Gì chứ việc đó coi bộ chú chạy làng rồi nghe Vi. Nghe Thúy nó về nhà cứ khen với chú thím là Vi khéo tay, nhiều tài nhất lớp mà. Gì Vi cũng biết thì chú chịu, ai mà dám dạy một cô bé tài hoa thế.

Tôi nhăn mặt :

- Eo ơi ! Thúy ác ghê. Vi chả có gì hết vậy mà Thúy về dám tuyên truyền dữ dội. Mai lên lớp rồi biết tay nhau nhé.

Vừa lúc đó có tiếng xe PC nổ dòn trước hiên nhà. Tôi nghĩ là Thúy đã về đến. Tôi quay ra, quả nhiên cô nàng đang cắm cúi dựng chiếc xe. Thúy vừa nhìn thấy tôi đã kêu lên :

- Ôi trời, người đẹp, đi đâu mà hạ cố đến nhà tôi thế !

Tôi cười đập khẽ tay lên vai Thúy.

- Thôi mà, cho xin. Đi đâu về mà mồ hôi tuôn ướt áo thế này.

Thúy vừa đưa tay lau những giọt mồ hôi tuôn ướt tóc mai và lưng áo, trả lời :

- Lại đàng nhà con Tuyết hỏi nó xem mai có phải đi bum không ?

- Tụi mày thì lúc nào cũng nhảy với nhót hoài, không chán à ?

Thúy trề môi :

- Sức mấy mà chán, còn khuya.

Nói xong con bé ngồi xuống cạnh tôi, vừa cầm cuốn tập quạt lia lịa, miệng than :

- Cái quạt trần phải gió này chạy chậm chi lạ, người ta nóng muốn chết.

Rồi như chợt nhớ ra, nó quay sang tôi :

- Quên chứ, mày đến lâu chưa. Có chuyện gì không ? Quan trọng chứ hả ?

Tôi lắc đầu :

- Mới đến. Cũng chả có gì quan trọng. Mượn mày cuốn sách.

Bây giờ Thúy mới có thời giờ quay sang chào ông chú ruột nãy giờ ngồi nhìn cô cháu chăm chăm với một thái độ không mấy hài lòng.

- Chú ơi, Vi mới tới hả chú ?

Chú Ngọc đáp khẽ và đứng lên :

- Ừ, cũng mới tới thì cháu về. Thôi cháu ngồi nói chuyện với Vi nghe, chú vào.

Chú Ngọc vừa cười với tôi và khuất sau cánh cửa phòng khách. Thúy đã thôi quạt, nó mở một nút áo của chiếc tunique để hở một khoảng da trắng nõn nà trước ngực.

- Nóng quá, tao đi đường mà cứ tưởng mình sắp cháy thành than đến nơi. À, mày đi bum không Vi, tao mời ! Chiều mốt.

Tôi lắc đầu :

- Tao bận.

Thúy cười khẩy :

- Bận, tao thừa biết câu trả lời đó của mày rồi, có điều hỏi là … cho vui vậy thôi mà. Sao mày không nói đại ra là mày không thích có phải hơn không, tao đâu trách mà mày ngại. Chỗ bạn bè hiểu nhau …

Ngừng một lát Thúy tiếp :

- Tuy nhiên điều thắc mắc của tao cũng như của nhiều đứa khác là tại sao mày không sống đúng với lứa tuổi của mày và dung hòa với tụi tao, bạn bè mày. Mày thừa điều kiện để sống cho đáng sống mà …

Tôi cười thầm khi nghe Thúy triết lý. Với nó, sống cho đáng sống có nghĩa là ăn mặc thật hợp thời trang, nhảy đầm thật hay, hâm mộ những thần tượng đang được mọi người hâm mộ. Đôi khi tôi có ý nghĩ so sánh kỳ lạ mà buồn cười, đó là tụi nó sống trong một cái khuôn đã được đúc sẵn và không đứa nào thoát ra được. Bắt buộc phải giống nhau để được coi là biết sống. Tôi không bỏ rơi ý định của mình, ý định nhờ chú Ngọc hướng dẫn trong việc học vẽ. Tôi nghĩ mình có thể nhờ Thúy nói dùm, may ra …

- Thúy nè, tao định nói với mày câu chuyện.

Thúy gật gù :

- Tao biết ngày mà. Mày đến đây là thế nào cũng có chuyện gì đặc biệt lắm đó. Ít khi mày chịu khó bỏ thời giờ bò đi đâu lắm. Vừa vào đến nhà, thấy mày ngồi là tao đã hiểu ngay …

Khiếp, sao con bé này nó dài dòng thế. Mà sự thật có phải như nó nghĩ đâu. Tôi chỉ có ý định nhờ nó giúp khi vừa gặp chú Ngọc đây mà …

Tuy nhiên tôi cũng gắng nói cho nó vui :

- Ừ, mày thì cứ như là thánh. Chuyện gì tao thấy mày cũng suy diễn ra được. Thôi bây giờ tao hỏi thử, mày biết tao định nhờ mày chuyện gì đây không ?

Thúy cắn môi một lát rồi khẽ lắc đầu :

- Chịu, cái gì chứ cái đó thì tao xin đầu hàng. Mày là con người bí mật nhất nước, ai mà hiểu nổi mày. Nói tao nghe đi Vi.

Tôi gật đầu :

- Dĩ nhiên, nhờ mày giúp thì không nói sao được. Nhưng tao đang lo không biết mày giúp tao được không nữa.

Thúy nhún vai rất tây :

- Nếu trong khả năng của tao …

Tôi nói ngay ý định của mình, Thúy kêu lên :

- Eo ơi ! … Tưởng mày thích gì chứ … Tao thật, tao chúa ghét cái vụ đó. Vẽ vời … mất thời giờ.

Tôi ngắt ngang :

- Mày ghét, nhưng tao thích. Mày nhờ chú hộ tao nghe. Đi học ở mấy trường tao không có giờ rảnh. Với lại học chú được cái là tao muốn học sao cũng được. Mà tao chỉ cần học đại khái.

Thúy mỉm cười :

- Rồi, vụ đó tao cố lo. Mày yên tâm, tao năn nỉ ổng thế nào mà chả được. Một lần chưa thành công thì hai ba lần.

Tôi đứng lên cáo từ.

- Thôi tao về nghe. Hẹn mai sáng tại lớp.

Thúy cũng đứng lên theo tôi. Nó đưa tôi ra.

- Mày đến bằng gì ?

- Taxi

Thúy ngạc nhiên :

- Ủa xe đâu ?

Tôi cười :

- Xe hư.

- Tao đưa mày về !

Tôi gạt ngang :

- Thôi, vào nghỉ đi cho được việc để tao đi taxi cho rồi.

Một chiếc xe trống đỗ lại, tôi chui vào dặn với Thúy.

- Nhớ nhé.

Thúy gật đầu vừa đưa tay vẫy vẫy. Bóng Thúy mất hút cuối khúc quanh.

Khi xe chạy ngang công trường Kennedy, tôi chợt nhớ mình cần mua mấy cuốn sách. Bác tài xế ngừng xe trước nhà thờ chánh tòa càu nhàu :

- Lúc nãy sao không nói xuống đây cho tôi ôm cái cua này.

Tôi lẳng lặng trả tiền xe. Nhà sách Liên Châu giờ này còn tương đối vắng. Tôi lựa được cuốn sách mình cần. Tôi vẫn có thói quen đi ngắm sách và lựa sách vào những giờ mà tôi tin là nhà sách còn thật vắng, đỡ đụng đầu với bạn bè mà còn tránh được sự chen lấn. Nhưng Sài Gòn có một giờ cố định nào đó, họ rủ nhau đi bát phố, họ rủ nhau đi mua sách. Cho nên có những khoảng thời gian đường phố, gian hàng quán sách chật ních. Mà thiên hạ đi biểu diễn nhiều hơn là mua đồ. Tôi bước ra khỏi Liên Châu, không khí mất đi vẻ oi nồng lúc trưa. Mặt trời bị che khuất sau một đám mây dày đặc, hứa hẹn một cơn mưa nhỏ bất ngờ không ai nghĩ tới. Tự dưng tôi thích bước đi lang thang. Tôi đi bộ rất tài, đi thật lâu và thật xa mà thường không biết mỏi chân. Chính mấy nhỏ bạn chúng nó phục tôi nhất về khoản đó. Tôi đi dọc Thống Nhất để quẹo qua Cường Để. Con đường này tôi ưa nhất. Con đường có hai hàng cây cao vút, đổ những chiếc lá chết nằm bơ vơ cộm đầy mặt đường. Con đường mà tôi tự cho mình cái quyền đi lang thang bất cứ giờ nào.

Khi tôi từ Thống Nhất quẹo qua Cường Để, một chiếc xe Honda bất ngờ từ sau lưng đâm tới. Người tài xế nhanh nhẹn lách tay lái. Nhưng sức va chạm vẫn làm tôi ngã nhoài trên mặt đường. Rất may mà giờ này vắng nên không ai trông thấy. Tôi lồm cồm bò dậy ngượng chín người, đưa tay phủi quần áo trong khi người tài xế lật đật dựng chiếc xe lên, rối rít :

- Cô có sao không ?

Tôi cúi gầm mặt không dám nhìn, tôi biết lỗi tại tôi băng ngang qua đường ẩu.

- Dạ, không sao !

- Tôi vô ý quá. Cô …

Tôi nhìn chủ nhân chiếc xe. Anh ta còn trẻ, khoảng hai ba hai bốn gì đó thôi. Anh ta dắt chiếc xe vô lề theo tôi. Chợt anh nói :

- Cô về đâu, tôi xin phép được đưa về để tạ lỗi vụ đụng xe bất ngờ làm cô hoảng hốt.

Tôi im lặng không đáp. Người con trai tiếp :

- Tôi là Ngạn – Khoa học.

Bắt buộc tôi phải lên tiếng :

- Tôi, Vi. Cám ơn anh Ngạn, nhưng tôi đi bộ được mà. Tôi chưa về nhà nên khỏi phải phiền đến anh.

Ngạn bắt chuyện làm quen thật tài. Anh nói chiều nay định đi đón đứa bạn ở Văn Khoa nhưng bây giờ thì thôi, không còn muốn đón nữa. Hai chúng tôi đi song song. Ngạn dắt xe, tôi bên cạnh. Gió chợt thổi mạnh, những chiếc lá chết nằm dưới đất đột nhiên được cuốn tròn, nâng cao lên rồi xoáy trong không gian.

Ngạn nhìn những cánh lá hỏi bâng quơ :

- Lá chết nhiều quá Vi nhỉ !

Tôi gật đầu. Tự nhiên tôi thấy thật dễ dàng thân quen với Ngạn. Ở Ngạn tôi không bắt gặp được cái dáng vẻ lấc cấc của những anh con trai thời đại vẫn chạy theo tán tỉnh tôi. Ngạn cao dong dỏng và ở anh hình như có một nét đặc biệt nào đó, tôi không thấy rõ nhưng tôi cảm nhận được. Ngang nhà nguyện, cơn mưa chợt dưng trút xuống không một báo trước. Ngạn bảo tôi :

- Vi chạy vào nhà nguyện nấp đi, nhanh lên kẻo ướt hết đó.

Tôi ngần ngừ :

- Còn anh ?

- Tôi dựng xe rồi vào ngay.

Tôi chạy nhanh trên mấy nấc thang, những hạt mưa đập mạnh vào da thịt. Ngạn cũng vào ngay sau đó, áo sơ mi trắng của anh ướt hết một khoảng trên. Hai đứa đứng nhìn nhau, không nói. Bên ngoài, cơn mưa vẫn tiếp tục, tôi nghe sự ấm cúng từ đâu chợt dâng tràn …

Chương 2

Khi dứt cơn mưa và tôi về được đến nhà thì trời đã tối. Chính mẹ tôi ra mở cửa. Bà nhìn tôi bằng ánh mắt hỏi tội mà ít khi nào tôi tiếp nhận được nó từ bà. Hai mẹ con đi vào nhà, mẹ tôi vẫn chưa nói gì, và trở lại bàn ngồi với chồng giấy tờ cao ngất. Đó chính là thế giới riêng của bà. Ở đó, mẹ tôi sống cho bà và danh phận xã hội. Ở đó là bức tường thành ngăn tôi đến gần bà. Mẹ tôi muôn đời vẫn cách xa con cái bằng con đường ngắn nhất và không ai trách phiền bà được. Khi tôi thay áo ngắn trở ra nhà ngoài, tôi đến bên canapé. Tôi phải ngồi xuống đó vì tôi biết mẹ sắp sửa hỏi tôi những gì. Quả nhiên, mẹ buông mục kỉnh và quay sang ngay khi tôi vừa đặt mình xuống ghế.

- Sao hôm nay con về trễ ? Con đi những đâu.

Tôi đan hai bàn tay vào nhau. Bao giờ cũng vậy. Cử chỉ đó thường giúp tôi thêm can đảm và trước mặt mẹ thì bao giờ tôi cũng cần phải có can đảm, thật nhiều, thật nhiều càng tốt, vì đôi khi chuyện chẳng có gì quan trọng. Ở mẹ toát ra một uy quyền nào đó làm hãi sợ cho kẻ đến gần. Tôi trả lời mẹ :

- Dạ, con lại nhà Thúy …

- Mẹ biết, nhưng con đến lúc bốn giờ kìa.

Tôi biết mình không thể nói với bà mẹ rằng mình đi lang thang, không thể nói về cuộc gặp gỡ Ngạn ngoài phố. Với mẹ tôi không bao giờ bà chấp nhận những sự kiện như vậy. Đời sống của bà quy tắc quá, đôi khi bà bỏ quên chính bà nữa thì làm sao có thể sống được cho người khác và như người khác, dù người đó có thể là con gái bà đi nữa. Mẹ tôi sẽ nghĩ sao khi biết tôi đã dễ dàng làm quen với Ngạn, mặc dù bà không phải quá khe khắt đối với vấn đề bạn bè của tôi. Bà rất nguyên tắc. Và vì thế, lần đầu tiên trong đời, tôi nói dối mẹ tôi.

- Thưa mẹ, con lại nhà Thúy, ở lại đánh domino với Thúy và mấy đứa em. Rồi trời mưa, nên con ở lại chờ hết mưa.

Giọng mẹ tôi chậm rãi :

- Con chưa dùng cơm tối đấy chứ ?

- Da thưa chưa, mẹ.

Im lặng rơi xuống giữa hai mẹ con, tôi biết buổi nói chuyện đã kết thúc. Mẹ tôi tin hay không tin những lời tôi vừa nói, tôi không thể biết được. Có điều tôi hiểu là mẹ đã chấp nhận sự việc tôi trình bày đủ rồi. Và bây giờ, sự im lặng tiếp theo của bà xác nhận với tôi rằng, bà đang cần làm việc một mình, thật yên tĩnh và tôi lặng lẽ rút lui.

Sáng hôm sau Thúy vào lớp trễ hơn thường lệ. Tôi đón nó ngay cửa lớp.

- Sao hôm nay đi trễ vậy mày.

Thúy cười cười.

- Có việc.

Hai đứa ngồi xuống bàn. Thúy nói :

- Tại hồi tối tao thức khuya.

- Cha, mầy gạo dữ hả.

- Sức mấy mà tao gạo. Tại mày đó chớ.

Tôi mở to mắt :

- Gì mà tại tao.

Thúy nhíu mày.

- Con này sao mau quên. Hôm qua chính mày nhờ tao mà.

Tôi vẫn không quên là tôi có nhờ Thúy nói với chú Ngọc cho tôi được học vẽ, nhưng tôi không ngờ Thúy lại giúp mau mắn đến như vậy. Tôi mừng rỡ nắm tay Thúy.

- Ừ, tao nhớ chứ, nhưng tao tưởng mày chưa nói dùm.

Thúy bĩu môi :

- Mày thì cái gì cũng không ngờ hết. Mày nhờ là tao lo liền. Hồi tối tao phải thức đấu lý với ổng mãi đó.

Tôi sốt ruột :

- Khiếp, sao mày vô đề dài dòng thế. Thì mày nói đại cho tao nghe là kết quả như thế nào, chú mày có chịu dạy cho không. Mày nói vòng vòng làm tao nóng ruột.

Thúy giọng kẻ cả :

- Mày vẫn còn tính bộp chộp. Chuyện đâu còn đó. Rồi tao cũng đi đến kết luận chứ. Này nhé, chú Ngọc bảo tao là chú bận lắm, chú không có giờ rảnh, tao bèn đi một đường…

Tôi cắt ngang :

- Thì mày cứ nói là tao học vào giờ nào chú rảnh.

Thúy gắt :

- Mày im tao nói. Thì tất nhiên là tao đi một đường bảo lại rằng mày học chiều chiều cũng được. Ông lại nói tại sao mày không đi học ở mấy trường hội họa vẫn mở ra nhiều nơi. Tao nói mày không thích đi. Cuối cùng ông gật đầu đại.

Tôi reo lên :

- Thật há !

- Không lẽ tao nói láo.

Hai đứa nói chuyện tới đó thì chuông vào lớp reo lên. Câu chuyện bị cắt đứt nhưng tôi hiểu là mình sắp được thỏa mãn nguyện vọng.

Kể từ hôm đó, mỗi buổi chiều sau giờ tan sở của chú Ngọc, tôi đến nhà chú. Dĩ nhiên tôi đã phải trình bày với mẹ tôi sở nguyện đó. Khi nghe, mẹ tôi không tỏ ý chỉ trích, nhưng sự bằng lòng của bà không khuyến khích tôi được tý nào. Thôi kệ, miễn mẹ bằng lòng là được rồi. Tôi thừa hiểu là mẹ tôi không thích cho tôi đam mê một nghệ thuật như vậy. Một nghệ thuật mà những kẻ làm nghệ thuật đó được coi như tượng trưng cho giới bừa bãi. Mấy ông họa sĩ, danh từ có pha một chút mỉa mai nào đó mà người đời thường dùng để ám chỉ mỗi khi nghe ai nhắc đến người cầm cọ. Mẹ tôi, một người đàn bà mẫu mực và nguyên tắc. Một người đàn bà lý tưởng trong xã hội nhưng hết sức xa lạ và lạnh nhạt trong gia đình. Tôi bắt đầu học nơi chú Ngọc những nét chấm phá đầu tiên trên khung vải. Từ những hình vẽ phối cảnh, cho đến lúc tôi cầm cây cọ pha mầu, tôi đã tưởng như mình không còn là riêng mình nữa mà đã lệ thuộc rất nhiều vào một người đã đưa tôi đến những hiểu biết hôm nay về ngành hội họa. Chú Ngọc, chú đối với tôi thật tốt, chú thật thương tôi. Buổi chiều nào, hai chú cháu cũng ngồi trong vườn bên nhau. Nhà chú Ngọc ở ngoại ô nên rộng. Bên hiên nhà chú có một cây vú sữa rất già. Tôi thích nhất là ngồi dưới gốc cây vú sữa đó, để thỉnh thoảng nghe một vài chiếc lá khô rụng trên tóc, trên áo. Thỉnh thoảng khi rỗi rảnh, chú Ngọc kể chuyện cho tôi nghe, những mẩu chuyện nho nhỏ về thời ấu thơ của chú. Chú Ngọc cũng thường hay nói về mối tình của hai chú thím. Vợ chú Ngọc, tôi vẫn quen kêu bằng dì. Đó là một người đàn bà thật duyên dáng, tôi đước biết bà tên là Thương. Thuở còn đi học, dì Thương được coi như hoa khôi của lớp. Thật ra nhìn kỹ và phân tách từng nét thì dì Thương không đẹp. Nhưng nhìn chung chung và khi nói chuyện với dì, hầu như khó ai thoát khỏi sự lôi cuốn của dì. Chú Ngọc kể những ngày đầu hai người quen nhau. Chú Ngọc nói miên man về dì Thương. Tôi tế nhận được một điều là chú Ngọc yêu thương vợ, quá yêu thương là đàng khác. Trái lại dì Thương luôn luôn có một nét hơi xa lạ nào đó. Chính tôi cũng nhận thấy điều đó. Hình như chú Ngọc càng âu yếm săn sóc vợ bao nhiêu thì dì Thương càng cách xa chú chừng đó. Và điều đó đã làm nảy sinh trong tâm hồn con gái của tôi một niềm ưu ái với chú Ngọc mà chính tôi không hay. Cho đến khi nó bộc phát quá mãnh liệt, thì tôi không còn kìm hãm được nữa.

Có lần hai chú cháu ngồi chơi dưới cây vú sữa, chú Ngọc hỏi tôi :

- Vi thấy thím như thế nào ?

Tôi đáp :

- Vi thấy thím thật duyên dáng. Có một người vợ như thím là điều đáng hãnh diện lắm.

Chú Ngọc thở dài :

- Vi nói thật sao ?

- Dạ.

Chú Ngọc cúi xuống nhặt một chiếc lá khô vo vo trong lòng bàn tay. Chú tiếp :

- Đáng lẽ chẳng bao giờ chú nói cho Vi nghe. Nhưng bởi vì Vi đối với gia đình của chú còn thân thiết hơn cả cô cháu ruột, nên chú không ngần ngại nói thật với Vi. Bộ Vi không nhận thấy gì nơi thím sao ?

Tôi làm bộ lắc đầu :

- Đâu có, chú. Vi đâu có nhận thấy điều gì khác lạ.

Chú Ngọc buông chiếc lá cầm trong tay xuống đất, giọng chú lạc đi :

- Thím không thương chú.

Tôi mở to mắt suýt kêu lên. Không phải là tôi không biết mảy may gì về điều đó. Tôi đã lờ mờ nhận thấy một sự bất an nào trong cuộc sống vợ chồng chú Ngọc, nhưng tôi không ngờ chú Ngọc biết được điều đó. Tôi cứ tưởng người trong cuộc thì mù quáng không nhận được gì. Chú Ngọc quay nhìn tôi.

- Gì mà Vi trợn mắt lên thế ?

Tôi lúng túng :

- Vi … Vi không nghĩ như vậy, không thể như vậy. Chú Ngọc, sao chú nói lạ thế ?

Chú Ngọc cười buồn :

- Có gì là lạ đâu Vi. Sự thật đấy.

Tôi lắc đầu :

- Không, Vi không tin đâu chú Ngọc.

- Vi không tin là tại Vi còn ngây thơ không biết gì. Chú thương Vi như Thúy, nhưng ở Vi có một sự gì làm chú yên tâm nên chú mới nói cho Vi nghe. Chú chưa tìm ra được nguyên nhân vì sao dạo này thím tỏ ra hơi khác thường với chú, nhưng chú tin là chú sẽ tìm ra không muộn lắm.

Chú Ngọc cúi xuống cầm một viên đá nhỏ ném ra xa.

- Cuộc đời không bao giờ chịu dừng lại ở những giới hạn êm đẹp mà nó nên dừng cả. Không bao giờ thỏa mãn với những gì mình có. Không bao giờ chịu ổn định trong khuôn khổ.

Chú quay sang tôi, giọng buồn thật buồn :

- Có thể bây giờ Vi nghe chú nói chuyện gia đình chú, Vi không hiểu gì, Vi sẽ cho là chú bi quan. Nhưng một mai khi Vi lớn lên, Vi sẽ thấy tại sao chú chưa nắm được trong tay một dữ kiện nào mà chú lại vội vàng kết luận. Trong tình cảm, ai cũng có một linh giác bén nhạy Vi ạ !

Chú ngừng nói, mắt vẫn dõi xa xa.

Từ đó, tôi thấy chú Ngọc thay đổi hẳn nếp sống. Ban đầu, sự thay đổi còn rất dè dặt và được ngụy trang dưới nhiều hình thức, nhưng sau đó nó được bộc phát không cần dấu diếm. Dì Thương thì hầu như không thèm chú ý đến những thay đổi nơi chồng. Có lẽ với dì bây giờ, chỉ cần chú Ngọc đi làm tháng tháng đưa tiền về đầy đủ là được. Tôi không nghĩ là mình hồ đồ khi kết án người đàn bà đó như thế, bởi vì đó chính là sự thực. Chú Ngọc đâm ra chơi bời, chú xao lãng tất cả mọi việc, trừ việc dạy tôi học vẽ vào buổi chiều.

Đối với tôi, mỗi ngày qua đi như ghi đậm thêm một chút ưu ái tôi dành cho chú Ngọc. Tôi thương chú lúc nào chính tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết mỗi tối ngồi một mình bên bàn học, đầu óc tôi trống rỗng khi nghĩ đến chú Ngọc giờ đó đang lao đầu vào những cuộc ăn chơi. Chắc hẳn chú đang vùi say bên men rượu hay ngây ngất trong vòng tay người đàn bà lạ lẫm nào đó. Bài vở đối với tôi như vô nghĩa. Tôi nhớ đến chú Ngọc cả trên hai mươi bốn giờ của một ngày. Có lúc tôi đứng tựa bên cửa sổ nhìn ra con đường phía dưới. Buổi đêm, con đường mang màu xám nhờ nhờ nổi bật trong bóng đêm đen. Mấy ánh đèn đường vàng nhạt hắt những tia sáng yếu ớt soi mấy hàng lá xanh rì rào của những thân cây cao hai bên vệ đường làm tăng thêm vẻ đìu hiu. Thỉnh thoảng mới có một chiết taxi đêm chạy ngang, hai ngọn đèn pha quét một vệt vàng như hai con mắt mỏi mệt của một người vừa trở về sau cuộc ăn chơi. Tôi nhìn những bóng cây đen ngòm, nhớ da diết đến cây vú sữa bên hiên nhà chú Ngọc. Gió đêm lành lạnh thổi vờn lên da thịt một cảm giác mơn man, nhột nhạt. Tôi nhắm nghiền mắt lại và tự trong tâm thức, hình ảnh chú Ngọc chợt dưng hiện ra, thân yêu gần gũi. Tôi úp mặt vào hai lòng bàn tay. Chú Ngọc ! Tại sao chú lại dịu dàng với Vi như thế. Tại sao chú lại gần gũi với Vi như thế. Chú làm Vi thương chú mất rồi chú Ngọc ơi !

Tôi không thể tự mình phân tích được cảm tình mình để hiểu tại sao lại thương chú Ngọc một cách mù quáng như vậy. Chú đã là một người chồng, một người cha trong gia đình. Chú có bổn phận và có trách nhiệm. Tôi đâu được quyền yêu thương chú dù chỉ là yêu thương trong ý tưởng âm thầm. Dù là tôi thương đơn phương, tôi cũng không được phép như thế. Chính tôi tự hiểu được những điều đó, nhưng tôi biết làm sao hơn ? Con tim có những lý lẽ riêng của nó mà ta không thể xen vào. Tôi là một đứa con gái cô đơn, phải nói là quá cô đơn. Tôi không thể tự dối mình điều đó. Tôi có thể tự mình đi tìm cho mình một lối thoát nào thôi. Tôi sống trong gia đình như một cái bóng âm thầm. Các anh chị lớn ở ngoại quốc một năm chưa về đến một lần. Ba tôi bận cả ngày. Mẹ tôi lại càng hơn thế nữa.

Đôi khi tôi tự nghĩ, phải chi mẹ tôi săn sóc yêu thương tôi thêm một tí thì có lẽ sẽ chẳng có những phức tạp tình cảm xảy đến cho tôi như ngày hôm nay đâu. Tôi nhìn qua nhìn lại, tôi thấy tôi lẻ loi cô độc. Tôi đưa tay ra vịn vào một ai đó đứng bên cạnh, tôi tìm một người để tôi nương tựa, nhưng mọi người trong gia đình phủi tay. Không phải gia đình cố tình như vậy, nhưng gia đình vô tình và hời hợt, gia đình cách xa tầm tay mà tôi tìm tới. Đối với tuổi dậy thì của tôi, lại cô đơn, đôi lúc làm tôi muốn ngạt thở, muốn đập phá một cái gì đó để may ra nhờ tiếng khua động của âm thanh một chất vụn vỡ, tôi dựa vào đó mà tìm cho mình một sự an bình. Nhưng tôi không thể làm vậy. Tiếng động, bất cứ một tiếng động nào cũng làm cho mẹ tôi chú ý và phá rối công việc của bà. Tôi không muốn làm phiền mẹ tôi. Tôi đứng nghĩ ngợi lan man mà mẹ tôi đến bên cạnh lúc nào tôi cũng không hay. Bà đằng hắng cho tôi biết là có sự hiện diện của bà. Tôi tự hỏi tại sao mẹ tôi lại không đặt một tay lên vai tôi để báo hiệu sự có mặt của mẹ. Cử chỉ đó quá dễ dàng, quá tự nhiên, nhưng hình như mẹ lại không muốn thế, vì tôi chưa hề thấy mẹ làm. Mẹ tôi hỏi :

- Con không vào học ?

Tôi nhìn mẹ, lúc nào cũng vậy, với mẹ tôi, tôi chỉ có hai con đường : hoặc là đi chơi hoặc là học. Đó là hai con đường của một đứa con nít. Tôi, tôi đã lớn. Tại sao mẹ tôi lại không nhìn thấy và nghĩ ra điều đó ? Tại sao mẹ tôi không chịu hiểu là tôi cũng cần phải có những giờ phút suy tư ? Nếu mẹ tôi đọc thấy được trong tâm can tôi, không biết mẹ tôi sẽ nghĩ sao ? Nghĩ sao khi biết đứa con gái mà mẹ ngỡ còn vòi kẹo đã biết thương nhớ. Tôi đáp lời mẹ :

- Con đang không muốn làm gì cả.

- Tại sao ?

Giọng của mẹ tôi như một nhà chủ khảo đang đứng trước một thí sinh. Tự dưng bao nhiêu ý muốn tâm sự với mẹ tôi vụt chắp cánh bay vèo. Không, tôi không thể tâm sự với mẹ được. Tôi không thể gục đầu vào vai mẹ yêu thương được. Tôi lại sẽ phải giấu mình lại trong cái vỏ cố hữu.

- Con cũng không hiểu nữa.

Gió đêm thổi những sợi tóc tôi bay lòa xòa. Mẹ vẫn im lặng đứng cạnh tôi. Hai tay mẹ, một tay cầm cuốn sách còn tay kia buông xuôi, thừa thãi. Phải chi chú Ngọc đứng cạnh tôi giờ này chắc chú đã đưa tay vuốt những sợi tóc lòa xòa hai bên má và trên vầng trán tôi rồi. Chú Ngọc dịu dàng quá, ưu ái trìu mến quá. Ở bên chú chẳng những tôi cảm thấy được che chở mà còn cả sự trìu mến của một người mẹ nữa, sự trìu mến mà tôi cần thiết nhất.

Giọng mẹ tôi cất lên, âm vang giữa khuya như những lời buộc tội đã cắt ngang cảm nghĩ tôi :

- Dạo này mẹ thấy con hơi khác đấy nghe, Vi.

Tôi quay phắt người nhìn ra bóng đêm. Tự dưng tôi không dám nhìn thẳng vào mặt mẹ. Tôi tưởng như chỉ trong một khoảng khắc đứng bên tôi, mà mẹ đọc được chuỗi dài ý tưởng tôi. Giọng tôi tuy cố đè nén mà âm thanh vẫn run run :

- Thưa mẹ, không có gì.

Tôi nghĩ giá lúc đó mà mẹ tôi chỉ đứng thêm một phút nữa, đặt bàn tay lên vai tôi mà han hỏi thì chắc tôi đã gục vào ngực mẹ kể lể tình thương đơn phương của mình, kể lể những nhớ nhung đau xót của mình. Nhưng mẹ tôi đã bỏ đi về phía cửa, câu nói sau cùng của bà như đọng lại trong không gian căn phòng :

- Năm nay con thi đó, hãy tự liệu.

Tôi gục đầu vào thành cửa sổ khi ngoài kia, tiếng dép mẹ tôi gõ đều và nhẹ trên mấy bực thang lầu. Tại sao tôi không có một người mẹ tầm thường như tất cả những người đàn bà khác, suốt ngày chỉ biết lo lắng cho chồng con ? Tại sao mẹ tôi lại có một lớp vỏ rất kỹ và hào nhoáng bên ngoài để đứa con gái nhỏ của bà không thể nào đến gần bà được. Tại sao mẹ tôi lại không chịu chỉ cho tôi một lối ngõ nào hầu giúp tôi tìm đến mẹ dễ dàng hơn. Với mẹ tôi, hình như việc biểu lộ tình thương là một điều phi lý hết sức và không thể xảy ra được. Cho nên tôi thành một đứa con cô đơn bất đắc dĩ lúc ban đầu và mãi sau này thì nỗi cô đơn đó trở thành một ám ảnh nặng nề trong tôi đến nỗi tôi không thể bôi xóa bằng bất cứ cách bôi xóa nào.

Xem tiếp chương 3 & 4