Cuộc đời thơ ấu của vua hề Sạc-Lô - Chương 5 & 6

Chương 5

Anh Sít-nê tôi bây giờ lên mười bốn tuổi, đã rời trường học và giữ chân bưu tín viên ở nhà dây thép gần đấy. Nhờ cái đồng lương nhỏ nhoi của anh và tiền mẹ tôi kiếm được trong sự may vá, chúng tôi cũng sống đắp đổi qua ngày. Tiền mẹ tôi kiếm thật là ít ỏi mà công việc bà thật là nặng nề. Thường thường, buổi tối, tôi thức nhìn bà cúi khòm người trên máy may, ngọn đèn dầu hôi tỏa sáng lờ mờ chung quanh đầu bà và khuôn mặt bà cúi xuống trong khoảng tranh tối tranh sáng, đôi môi của bà hé ra theo sự điều khiển đường may chạy nhanh dưới mũi kim máy, và cứ như thế tiếng máy đều đều đưa tôi vào trong giấc ngủ. Khi phải làm khuya như vậy, thường là cần phải thanh toán một món nợ nào. Không kể hàng tuần phải trả tiền góp chiếc máy may đó.

Một cuộc khủng hoảng xảy ra : anh Sít-nê cần có bộ đồ mới. Mọi khi anh vẫn mặc bộ đồng phục của bưu tín viên để mà đi làm, mặc luôn cả ngày chủ nhật, cho đến một lúc bạn bè của anh diễu cợt quá sá điều đó. Suốt hai tuần liền, vào ngày nghỉ việc, anh phải ở mãi trong nhà, cho đến khi mẹ chúng tôi tìm cách mua về cho anh một bộ quần áo nỉ xanh. Tôi cũng không hiểu làm sao mà bà tìm được mười tám “xi linh” để mua sắm. Số tiền ấy làm điên đảo đời sống kinh tế chúng tôi, đến nỗi mẹ tôi cứ mỗi buổi sáng thứ hai lại đem bộ quần áo ấy gởi tiệm cầm đồ vì vào ngày đó anh tôi đã đi làm việc với bộ đồng phục của sở, rồi đến thứ bẩy bà lại mang tiền đến chuộc cho anh tôi mặc vào trong ngày nghỉ. Cứ thế cầm đi cầm lại suốt một năm trời cho đến cái ngày bộ quần áo kia đã cũ mèm rồi. Và chúng tôi gặp một nỗi khó khăn đáng kể.

Theo như lệ thường buổi sáng thứ hai hôm đó mẹ tôi đem bộ quần áo đến tiệm cầm đồ. Ông chủ tiệm tỏ một ý lưỡng lự:

- Thưa bà, chúng tôi không sao đưa món tiền cũ cho bà mượn được.

Mẹ tôi ngạc nhiên:

- Sao vậy, thưa ông?

- Thiệt là bất lợi cho chúng tôi quá, vì bà coi xem, cái quần đã mòn hết rồi.

Rồi ông luồn tay dưới đáy:

- Nhìn xem, có thể ngó xuyên qua được đây này.

Mẹ tôi gặng lại:

- Nhưng thứ bảy sau chúng tôi sẽ lấy lại mà.

Người chủ tiệm vẫn lắc đầu:

- Cùng lắm chúng tôi có thể giao bà ba đồng là tiền chiếc áo mà thôi.

Mẹ tôi rất ít khi khóc, nhưng sau chuyện đó bà đã đầm đìa nước mắt. Bà vẫn trông vào bảy đồng cầm bộ quần áo để mà sống qua tuần lễ.

Quần áo của tôi thật ra cũng tả tơi rồi. Bộ đồ trình diễn ở trong đoàn vũ được đem mặc mãi bây giờ coi thực hết sức nham nhở. Chỗ nào cũng có miếng vá, ở cùi, ở quần, ở vớ.

Một hôm từ nhà thương về mẹ tôi thấy một đám trẻ chọc ghẹo một bà cụ già tả tơi, dơ bẩn, nên dừng lại để la chúng. Tóc bà cụ bị cạo sạch, một điều hiếm thấy vào thời đó, và lũ trẻ con vừa cười vừa xô đẩy nhau trước bà, nhăn những bộ mặt gớm ghiếc làm như đụng chạm đến bà là bị truyền nhiễm lập tức. Người đàn bà khốn khổ kia đứng yên như một con nai đã bị săn đuổi đến bước đường cùng thì vừa kịp lúc mẹ tôi can thiệp. Liền đó bà ta cũng nhận ra được mẹ tôi, kêu lên:

- Lin không nhìn ra mình sao? Ê-va đây mà!

Lin là biệt danh mẹ tôi dùng trong đoàn hát. Mẹ tôi nhận ngay được người bạn cũ vào thời ở ca nhạc đường. Lúc ấy tôi bối rối quá nên tôi đi thẳng và ngồi đợi mẹ tôi ở góc đường. Bọn trẻ đi qua trước tôi vừa cười và nói những lời diễu cợt. Tôi giận không biết chừng nào. Tôi quay lại nhìn mẹ tôi xem có việc gì xảy ra và thấy hai người đàn bà đang tiến dần về phía tôi. Rồi mẹ tôi hỏi bà kia:

- Còn nhớ thằng bé Sác-li của mình đấy không?

- Nhớ chứ – Người đàn bà nói với giọng thấm đầy nước mắt – tôi bồng nó hoài hồi nó còn nhỏ đấy mà.

Cái ý tưởng đó làm tôi khổ tâm vì người đàn bà trông thật dơ bẩn và gớm ghiếc quá. Lại càng bối rối hơn nữa là cứ nhìn thấy trên đường mà chúng tôi đi nhiều người quay lại để nhìn. Người đàn bà kia một thời đã được nổi danh xinh đẹp. Nhưng khi đã tàn tạ rồi, không còn theo đuổi được nghiệp cầm ca lại bị đau ốm nằm lâu ở trong bệnh viện nên lúc ra khỏi nhà thương phải ngủ ở dưới gầm cầu và trong những nhà cứu trợ. Mẹ tôi dẫn bà đi tắm ở nơi phòng tắm công cộng rồi đưa về nhà, điều đó làm tôi hoảng quá. Tôi không làm sao biết được có phải bị bệnh mà bà lâm vào tình trạng như thế hay không. Có điều mà tôi nhận thấy hết sức khó coi là bà nằm ngủ trên giường của anh Sít-nê. Mẹ tôi chia sớt cho bà một ít áo quần, đưa cho bà mượn vài đồng xi linh, rồi sau ba ngày nghỉ ngơi ở nhà chúng tôi bà lại ra đi. Kể từ ngày ấy tôi không bao giờ nghe nói về bà ta nữa.

Tiệm nước Ba Con Nai ở trong thành phố không phải là nơi cha tôi thường đến nhưng một buổi chiều đi ngang qua đấy tự nhiên tôi muốn dòm vào bên trong xem có ông không. Tôi hé cửa nhìn vào và thấy cha tôi ngồi trong góc phòng. Tôi tính bỏ đi nhưng sắc diện ông đột nhiên bừng sáng và ông làm dấu để gọi tôi vào. Thái độ của ông làm tôi ngạc nhiên vì ông ít khi cởi mở như thế. Trông ông có vẻ đau nặng. Đôi mắt hõm sâu và khắp người đều phù thũng. Một tay ông đặt vô ngực, theo kiểu của Nã Phá Luân, có lẽ để cho dễ thở. Buổi chiều hôm ấy ông tỏ ra rất ân cần với tội, hỏi thăm tin tức mẹ tôi và anh Sít-nê, và trước khi tôi ra về ông còn ôm tôi vào lòng và lần đầu tiên ông đã hôn tôi. Đó cũng là lần cuối cùng tôi nhìn thấy ông trong cõi đời này.

Ba tuần sau người ta đưa ông vào bệnh viện Thánh Tô Ma. Phải cho ông nốc rượu say rồi mới đưa ông đi được. Khi ông biết mình ở đâu, ông vùng vẫy thật dữ dội, nhưng với bệnh tình như thế ông không thể nào thoát khỏi. Ông đã qua đời vì chứng thủy thũng lúc còn quá trẻ, ba mươi bảy tuổi. Người ta đã rút từ đầu gối của ông ra gần hai mươi lít nước. Mẹ tôi đã đến nhiều lần thăm ông và những chuyến thăm viếng ấy càng làm cho bà buồn thêm. Bà kể rằng ông đã nói với bà ước muốn được quay lại sống bên bà và cùng qua bên Phi Châu làm lại cuộc đời. Khi tôi tỏ ra vui mừng trước một viễn ảnh như thế thì mẹ tôi bỗng lắc đầu vì bà hiểu rõ tất cả sự tình. Bà nói : “Ông ta chỉ nói cho vui lòng mẹ đấy thôi”. Một hôm bà từ nhà thương trở về có vẻ hết sức giận dữ vì cha Mác-Nên (Mc. Neil) lúc thăm cha tôi đã nói : “Trời ơi, này anh Sác-Li, tôi nhìn thấy anh tôi lại nhớ đến câu cách ngôn xưa : Gieo gió thì thế nào cũng gặt bão”. Mẹ tôi nói tiếp : “An ủi một người sắp chết mà mở miệng nói như vậy cũng lạ đời thật”. Vài ngày sau đó, cha tôi từ trần. Nhà thương muốn biết ai sẽ lo phần chôn cất. Không còn một đồng xu nào trong túi mẹ tôi nhờ Hội Cứu tế nghệ sĩ lo liệu. Nhưng ý kiến này gây nên nhiều sự chống đối dữ dội ở bên họ hàng cha tôi. Họ quan niệm rằng giao cho cơ quan từ thiện chôn cất là điều xấu hổ. Người em nhỏ nhất của cha tôi mới ở Phi Châu trở về ghé lại Luân Đôn cho biết ông sẽ chịu hết phí tổn về việc tống táng.

Ngày đi đưa đám chúng tôi phải đến bệnh viện để gặp gỡ hết mọi người ở trong họ hàng cha tôi rồi mới đi đến nghĩa địa. Anh Sít-nê không dự được vì bận công việc ở sở. Mẹ tôi và tôi đi đến bệnh viện sớm trước hai tiếng đồng hồ, vì bà muốn nhìn lại một lần cuối cha tôi trước khi người ta đậy nắp áo quan. Quan tài được độn bằng xa ten trắng và ở nơi đóng khung lại khuôn mặt cha tôi có những bông hoa cúc nhỏ. Mẹ tôi thấy cách trang trí ấy thật đơn giản và thật cảm động nên bà hỏi ai đã khéo trình bày như vậy. Nhân viên bệnh viện bảo có một người đàn bà đến từ lúc sáng tinh sương với một đứa bé. Người ấy là bà Lu-i.

Ở trong chiếc xe đưa đám dẫn đầu, mẹ tôi, chú tôi và tôi cùng ngồi. Hành trình đi đến nghĩa địa thật là gian nan vì mẹ tôi chưa bao giờ gặp chú em đó. Ông ta là một kiểu loại con người tự cho phong nhã hào hoa, nói bằng một giọng kiểu cách. Tuy rằng ông rất lễ độ nhưng cách đối xử thật là lạnh lùng. Người ta bảo ông rất giàu, làm chủ nhiều trại nuôi ngựa lớn lao ở Nam Phi và trong trận giặc chống người Bô E ông đã cung cấp ngựa cho chính phủ Anh.

Lúc khởi sự việc chôn cất thì trời tuôn mưa. Những phu đào huyệt ném đất trên mặt áo quan gây những tiếng động thô bạo. Quang cảnh có gì áo não và khủng khiếp quá khiến tôi bỗng òa lên khóc. Rồi đến những người ở trong gia đình ném hoa và các vòng hoa lên mộ. Mẹ tôi, không có gì để ném cả, lấy chiếc khăn tay rất quý của tôi và bảo : “ Này con, hãy ném khăn này cho phần mẹ con chúng ta”. Sau đó họ hàng bên nội của tôi dừng lại quán nước ăn trưa, và trước khi họ từ biệt chúng tôi họ cũng ngỏ lời lịch sự hỏi chúng tôi muốn về đâu thì họ đưa xe đến nơi.

Khi chúng tôi trở lại nhà, chẳng còn chút gì bỏ vào bụng ngoại trừ một tách mỡ bò, mẹ tôi không có một đồng xu nào trong túi. Còn lại hai xu cuối cùng thì bà đã đưa anh tôi mang theo để ăn trưa. Từ ngày cha tôi lâm bệnh, bà không còn có thì giờ rảnh rỗi để làm việc, và ngày hôm ấy, gần vào cuối tuần bảy đồng hào lương của anh Sít-nê cũng tiêu hết rồi. Đi chôn cất về chúng tôi thật đói. May thay một người mua đồ ve chai đi ngang qua đường và chúng tôi còn một cái lò nấu dầu hôi đã cũ. Mặc dầu tiếc rẻ mẹ tôi cũng đem bán đi để lấy nửa xu và mua nửa xu bánh mì ăn với mỡ bò.

Vì là vợ chính thức nên qua ngày sau mẹ tôi được gọi tới bệnh viện nhận đồ đạc cha tôi. Đồ đạc gồm có một bộ quần áo màu đen dính đầy vết máu, ít quần áo lót, một cái sơ mi, một cà vạt đen, một cái áo ngủ đã cũ và đôi giày vải có mấy quả cam nhét ở bên trong. Khi mẹ tôi lôi mấy quả cam ra, nửa đồng tiền vàng rơi theo. Thiệt là món quà hết sức bất ngờ.

Chương 6

Suốt nhiều tuần lễ tôi mang băng tang ở trên cánh tay. Dấu hiệu tang tóc đó kể ra cũng thật có lợi, và tôi nhận biết điều đó vào một buổi chiều thứ bảy khi tôi bán hoa. Tôi bảo mẹ tôi cho mượn một đồng xi linh, để tôi vào trong chợ hoa mua chừng hai bó thủy tiên, rồi khi bãi học về nhà tôi cột bông lại từng chùm, mỗi chùm tính giá một xu. Khi tôi đem bán hết số hoa đó tính ra tôi đã lời được một trăm phần trăm. Tôi bước vào trong tiệm nước, vẻ mặt đau khổ, nói như van lơn : “Xin mời mua hoa, thưa cô, xin mời mua hoa, thưa bà”. Những người đàn bà thường hỏi : “Để tang ai vậy, chú nhỏ?” Và tôi trả lời bằng giọng gần như thì thầm : “Cha cháu” và họ thường cho tôi tiền. Có một buổi chiều khi tôi trở về mẹ tôi hết sức ngạc nhiên thấy tôi đếm được tới năm xi-linh (Shilling). Vào một ngày nọ, tôi từ quán nước bước ra, gặp phải mẹ tôi, thế là hết chuyện bán hoa. Với bà, để cho con mình bán hoa trong những tiệm nước là điều xúc phạm. Bà bảo : “Rượu chè đã giết cha con và đồng tiền ở một nơi quán rượu chỉ đem tai họa cho chúng ta thôi”.

Kể ra tôi cũng có khiếu thương mại. Trí óc của tôi luôn luôn chứa đầy dự định : nhìn vào hàng quán vắng vẻ tôi thường tự hỏi mình sẽ buôn gì để cho có lời, từ chuyện buôn cá, buôn món khoai chiên, đến các loại thực phẩm khác. Điều tôi cần nhất là vốn nhưng làm sao kiếm cho ra được vốn bây giờ? Cuối cùng tôi thuyết phục được mẹ tôi cho tôi nghỉ học để kiếm việc làm.

Tôi làm thật là nhiều nghề. Bắt đầu tôi đi chạy hàng cho tiệm dược phẩm. Giữa hai chuyến đi, tôi chun một cách thích thú vào trong hầm chứa, giữa những xà phòng, bột mì, đèn cầy, bánh kẹo, xực đến no nê mấy thứ ngọt ngon đến phải sinh bệnh. Rồi tôi lại đến làm việc tại văn phòng của hai ông bác sĩ phụ trách cho một công ty bảo hiểm. Chỗ này do anh Sít Nê nhường lại cho tôi. Kể ra cũng kiếm được tiền : tôi chỉ làm việc tiếp khách và sau khi các bác sĩ đi rồi tôi lau chùi nhà, mỗi tuần lãnh được mười hai xi linh. Trong việc tiếp khách tôi thành công lắm vì tôi làm vui lòng mọi người bệnh đến đó. Nhưng về công việc trong nhà thì tôi chẳng thích tí nào, anh tôi làm công việc ấy hay hơn. Tôi chẳng ngại gì công việc đổ bình nước tiểu nhưng phải lau các cửa sổ cao hơn ba thước quả là việc làm hết sức lớn lao. Càng ngày các cánh cửa ấy càng đen đúa hơn, bụi bặm phủ đầy cho đến lúc người ta lịch sự bảo tôi rằng tôi còn quá nhỏ tuổi để mà tiếp tục việc làm. Khi nghe tin ấy, tôi òa lên khóc. Bác sĩ phụ trách phòng mạch ở đó đã cưới một bà rất giàu, có một tòa nhà khá lớn, thấy thương hại tôi nên bảo tôi đến nhà ông làm người sai vặt. Tôi cảm thấy vui không biết chừng nào. Hầu hạ trong một ngôi nhà đặc biệt và được trả thù lao nhiều, còn gì khoái hơn. Vào làm nơi ấy, thật thích, vì tôi được tất cả chị bồi phòng cưng yêu. Họ coi tôi như một đứa bé con và ôm hôn tôi từ giã vào mỗi buổi chiều. Không có định mạng xui khiến có lẽ tôi đã trở thành đầu bếp. Một hôm bà chủ bảo tôi xuống cái hầm chứa dọn sạch một nơi chứa đầy thùng gỗ và các mảnh vụn. Bất ngờ tôi tìm được một ống sắt dài gần hai thước rưỡi và tôi cảm thấy thích thú ngậm lấy để thổi như là thổi kèn. Giữa lúc tôi đang vui vẻ như thế, bà chủ xuất hiện… và tôi bị đuổi khỏi nhà với lời báo trước ba ngày.

Khi vào làm việc trong tiệm sách của gia đình ông Xi-Mít tôi thật hứng thú nhưng rồi người ta thấy tôi quá nhỏ lại cho nghỉ việc. Tôi lại xin vào làm nghề thổi chai. Tôi có đọc được ở trường một bài nói về thổi chai và qua bài tả tôi thấy nghề ấy thật là tuyệt diệu nhưng khi vào việc hơi nóng làm tôi ngộp thở và tôi ngã lăn bất tỉnh khiến người ta phải khiêng tôi đặt nằm trên một đống cát cho hồi tỉnh lại. Bấy nhiêu cũng là quá đủ, và tôi không dám trở lại nơi đó để lãnh lương ngày hôm ấy. Rồi tôi vào làm trong một nhà in. Tôi cũng nói dối rằng tôi biết chạy máy lớn, loại máy in dài sáu thước. Khi đứng ngoài phố tôi có nhìn vào người thợ chạy máy và tôi thấy công việc ấy có vẻ đơn giản dễ làm. Gặp một tấm biển có đề dòng chữ : Cần một thợ trẻ biết chạy máy Hoạt-phê-đan (warfedale). Lập tức, tôi vào trình diện. Khi người cai xưởng dẫn tôi đến nơi chiếc máy tôi thấy nó ở trước tôi như con quái vật. Muốn điều khiển máy phải leo lên ngồi trên một mặt cao cách đất độ một thước rưỡi và tôi có cảm tưởng như mình ngồi ở trên đỉnh tháp Ép-phên (Eiffel). Người cai xưởng bảo:

- Cho máy chạy đi!

Làm sao mà cho chạy được? Thấy tôi vẫn cứ lúng túng, ông ta bật cười:

- Rõ là chú mày chưa chạy máy này bao giờ.

Tôi nói:

- Nhờ bác chỉ giúp tôi đi, tôi sẽ chạy được liền mà.

Ông ta chỉ cho tôi thấy cần máy rồi cho máy quay từ từ. Khi máy lăn đều với những tiếng nghiến và những tiếng gầm tôi có cảm tưởng như nó sắp nuốt sống tôi. Những tờ giấy in cũng thật là lớn. Chỉ mỗi một tờ cũng đủ gói kín tôi rồi. Với một cây cào bằng ngà tôi tách các tờ giấy và nắm một góc đặt nó cẩn thận trên các răng cưa vào lúc mà con quái vật chuẩn bị nuốt lấy. Làm xong ngày đầu, tôi thật tơi tả vì quá căng thẳng thần kinh trong cái ý tưởng con quái vật kia có thể xơi tái tôi mất. Tuy vậy người ta cũng chịu trả tôi mỗi tuần mười hai xi linh.

Những buổi sáng mai trời lạnh, khi chưa hừng sáng, đi trên các con đường phố vắng lặng, thỉnh thoảng mới gặp đôi bóng dáng người lướt qua rồi tiến bước về tiệm trà đầu phố để ăn điểm tâm, thật có vẻ gì lãng mạn và đầy ý vị phiêu lưu. Người ta có một cảm tưởng yên lòng trong sự chung đụng khi ngồi uống tách trà nóng trong cái hơi ấm dịu dàng của phút chờ đợi một ngày công việc. Và việc tôi làm ở tại nhà in cũng không có gì là khó khăn cả. Trừ cái phần việc nặng nề ở mỗi cuối tuần là phải rửa sạch mực in trên những ống lăn to lớn mỗi cái nặng hơn năm chục kí lô, còn thì những công việc khác thật là dễ chịu. Nhưng chỉ hai ba tuần lễ tôi đã bị cúm và nằm liệt giường. Mẹ tôi ép tôi trở lại trường học.

Bây giờ anh Sít-nê đã mười sáu tuổi rồi, và một hôm anh về nhà tỏ ra hết sức vui vẻ vì đã kiếm được một chỗ thổi kèn trên một chiếc tàu chạy sang Phi Châu. Phần việc của anh chỉ là báo hiệu giờ ăn, giờ nghỉ v.v… Hồi đến học Trường Hải Quân Ích Mao anh đã có tập thổi kèn, nhờ vậy bây giờ mới có việc làm. Mỗi tháng anh lãnh được hai đồng “liu” và hưởng thêm tiền quà nước khi anh giúp phần dọn ăn ở ba chiếc bàn cho những hành khách hạng nhì. Trước giờ khởi hành người ta chịu giao cho anh số tiền đặt cọc là ba mươi lăm xi linh, dĩ nhiên anh đem về giao hết cho mẹ tôi.

Sau chuyến đi đầu tiên, lúc anh Sít-nê trở về, gia đình thực vui như hội vì anh hưởng được món tiền quà nước khá lớn. Tôi còn nhìn thấy lại anh móc tiền ở trong túi áo đổ xuống mặt giường. Tôi có cảm tưởng như chưa bao giờ tôi nhìn thấy được nhiều tiền như thế trong cuộc đời mình. Tôi nhặt một mớ, tôi thả rơi chúng, tôi lại xếp chúng thành chồng và tôi cứ đùa với tiền mãi cho đến lúc mẹ tôi cùng với anh tôi đồng bảo rằng tôi quả là một tên hà tiện. Cuộc sống lúc này kể thực là sang. Chúng tôi đang ở mùa hè, cũng là thời kỳ chúng tôi được uống nước đá, được ăn bánh ngọt và nhiều thứ ngon khác nữa. Đó là thời kỳ được ăn cá muối, thịt ướp, bánh nướng v.v…

Anh Sít-nê lại cảm lạnh và nằm liệt giường nhiều ngày. Mẹ tôi và tôi thay phiên để săn sóc anh. Những ngày đó tôi tha thồ mà dùng nước đá. Tôi mang một cái thùng lớn đến tiệm để mua một xu nước đá khiến ông chủ tiệm có vẻ bực tức vô cùng. Khi tôi qua mua lần thứ hai ông bảo tôi hãy về mang theo một bồn tắm để chứa. Một trong các món giải khát thích nhất vào mùa hè ấy của gia đình tôi là dùng nước chanh pha sữa. Bọt li-mô-nát tung lên qua chất kem sữa tạo thành một sự pha trộn tuyệt diệu. Anh Sít-nê ở lại nhà mãi cho đến khi tiêu hết số tiền dành dụm. Rồi anh lại ghi tên vào một chuyến đi khác và lần này nữa lại được ứng trước số tiền ba mươi lăm đồng xi linh, anh lại đem về cho mẹ. Nhưng bấy nhiêu đó cũng không no đủ được dài. Độ ba tuần lễ chúng tôi hết tiền và phải đợi chừng ba tuần lễ khác anh tôi mới về. Mặc dù mẹ tôi vẫn cứ tiếp tục may vá nhưng tiền thu được chẳng đủ vào đâu. Chúng tôi lại lâm vào một cuộc khủng hoảng khác.

Nhưng tôi không thiếu sáng kiến để mà đối phó với tình trạng này. Mẹ tôi có đống đồ cũ và vào một sáng thứ bảy tôi bàn với bà để tôi mang ra chợ bán. Mẹ tôi cảm thấy khó chịu phần nào và bảo mớ đồ cũ kỹ ấy không đáng giá là bao. Tuy vậy tôi cũng tìm một mảnh chăn đã cũ gói hết chúng lại rồi mang ra chợ. Tôi đặt món hàng của mình xuống một vệ đường rồi tôi bước xuống đứng trong mương rãnh hè phố kêu lên : “Coi đây, bà con” vừa nói tôi vừa lôi ra một chiếc sơ mi đã cũ vung lên trước mắt mọi người, rồi lại lôi ra một chiếc nịt vú tàn phế… Tôi bảo những người qua đường : “Quý ngài muốn mua món này bao nhiêu? Bằng lòng một xi linh không, hay là sáu xu, ba xu, hai xu?” Nhưng dù tôi hạ xuống đến một xu cũng chẳng có ai thèm vào. Người ta dừng bước nhìn các món đồ một cách ngạc nhiên rồi phá lên cười và bước đi luôn. Tôi đã bắt đầu cảm thấy lúng túng, nhất là trong tiệm bán đồ châu báu trước mặt có một số người ngồi sau cửa kính nhòm ngó tôi hoài. Nhưng tôi định không chịu nhượng bộ. Cuối cùng tôi đem đôi ghệt coi mòi vẫn còn xài được bán lấy sáu xu. Nhưng càng đứng lâu, tôi lại càng thấy khó chịu. Được chừng một lát, người chủ tiệm châu báu kia tiến về phía tôi và hỏi tôi vào nghề được bao lâu. Mặc dù sắc diện của ông có vẻ trang nghiêm nhưng trong câu nói của ông có một vẻ gì cười cợt và tôi trả lời ông ta tôi mới tập tễnh bước đầu. Ông ta lững thững lại chỗ hai người đồng bọn ngồi sau tủ kính nhìn tôi vừa nói vừa cười. Bấy nhiêu kể cũng đủ rồi. Tôi nghĩ đã tới cái lúc cuốn gói đi về. Khi tôi nói lại cho mẹ tôi biết đã bán đôi ghệt với giá sáu xu bà lộ ra vẻ bất bình và nói : “Đôi ấy còn tốt. Đáng lẽ phải bán với giá cao hơn”. Trong tình trạng của chúng tôi bấy giờ, chúng tôi khỏi phải lo khoản tiền nhà bao nhiêu. Vấn đề đã được giải quyết quá dễ là cứ đến ngày người ta tìm đến thâu tiền thì mẹ con tôi dọn đi nơi khác.Đồ đạc chúng tôi cũng chẳng có gì. Thuê cái xe bò để chở coi còn tốn kém hơn là giá trị của mớ đồ ấy.

Vào thời gian này tôi làm quen với ông cụ và người con ông sinh sống trong những chuồng ngựa bỏ hoang sau thành phố. Cha con nhà này làm những đồ chơi và đem bán dạo từ thành phố này sang thành phố khác. Họ thật hoàn toàn tự do, chẳng phải vướng bận điều gì và tôi thèm muốn địa vị của họ. Nghề nghiệp của họ cũng không cần vốn liếng nhiều, chỉ độ chừng một xi linh là đã làm ăn được rồi. Họ nhặt nhạnh những miếng bìa lót dày mà các hàng tiệm sẵn sàng cho họ cùng các miếng rẻo niềng niễng bỏ vãi khắp nơi, rồi bỏ tiền mua một đồng xu keo, một đồng xu gỗ, chừng hai xu chỉ, một xu giấy màu là nhiều. Với cái vốn liếng một đồng xi-linh họ có thể làm ra được bẩy tá tàu thủy đem bán mỗi chiếc một xu. Thân tàu được cắt trên các bìa dày may lại trên một cái đáy cũng bằng bìa ấy và ở trên mặt trơn ấy bôi keo và đổ các bột niềng niễng. Người ta dùng dây chỉ có điểm những vảy nhỏ để dựng cột buồm và dán trên cao cờ xanh cờ đỏ, cả ở phía trước, phía sau. Hàng trăm những chiếc tàu nhỏ như thế lấp lánh đủ màu để làm vui mắt mọi người và họ tìm mua dễ dàng. Từ khi tôi làm quen họ, tôi tìm mọi cách phụ việc và nhờ vậy tôi học được cách làm. Khi họ rời bỏ khu phố của tôi đi về nơi khác, tôi bèn thế chỗ của họ mà làm nghề ấy. Với một số vốn sáu xu và chịu phồng cả da tay nhiều lần để cắt đống bìa tôi đã làm xong ba tá tàu thủy như vậy trong một tuần lễ.

Nhưng nhà chúng tôi quá nhỏ hẹp không đủ chỗ cho mẹ tôi may vá và cho cả tôi thiết lập xưởng tàu. Lại thêm mẹ tôi không ưa mùi hồ nấu sôi và cái chậu hồ của tôi trở thành một mối đe dọa thường trực các món đồ may hàng lụa choán chật gian nhà. Số tiền thâu được của tôi tính ra thua mẹ tôi nhiều nên tôi đành phải dẹp tiệm để chỗ mẹ tôi làm việc.

Xem tiếp chương 7 & 8 (hết)