Chú Thỏ Tinh Khôn - Chương 16 & 17 (hết)

Chương 16

LUẬN ANH HÙNG 

Thỏ cao hứng nói: 

- Luận về sức mạnh ở chốn núi rừng thì Đệ nhất anh hùng là Đại vương Sư tử, Đệ nhị anh hùng là Thỏ chứ ai vào đó nữa? 

Voi nghe câu ấy không khỏi xốn tai, nhưng mình vừa thua nó sờ sờ ra đó đành phải chấp nhận chứ biết sao? 

Thỏ hỏi Voi và Gấu: 

- Đệ tam anh hùng về phần bác Voi hay bác Cọp? 

Voi nói: 

- Bác và Cọp không mấy khi đụng độ với nhau. Vừa trông thấy từ đàng xa đã tìm cách tránh mỗi người một ngả. 

Gấu ngắt lời: 

- Nhưng nếu buộc lòng hai bác phải xáp trận với nhau thì sao? 

Voi suy nghĩ trong chốc lát, chậm rãi đáp: 

- Kể ra thì Cọp lanh lẹn hơn tôi, y lại có những nanh vuốt nhọn. Nếu y mà nhảy được lên đầu lên cổ, bấu vào tai vào mắt chắc tôi không sao chịu nổi nhưng chết thì nhất định không sao làm tôi chết được. Nhưng nếu tôi lừa được y mà ép vào núi đá hay lấy chân đạp mạnh lên mình y rồi dùng ngà nhọn mà đâm thì y không sao sống nổi. Đó là điều tôi phỏng đoán vậy thôi chứ sự thật chưa bao giờ xảy ra. 

Thỏ: 

- Cháu thưa để hai bác biết, chính mắt cháu đã trông thấy cuộc tranh hùng giữa một bác voi và một bác cọp. 

- Thôi, mầy đừng bịa chuyện ra nữa, không ai tin đâu. 

Voi cứ nghĩ rằng Thỏ nói láo. 

- Cháu xin thề trên có trời cao, dưới có đất thâm, chung quanh có núi sông, đối với hai bác cháu không bao giờ dám đặt chuyện ra mà nói cả. 

Gấu hỏi: 

- Thế thì mầy trông thấy thế nào, từ bao giờ, hãy thuật lại cho tao và bác Voi nghe thử. 

- Cháu xin kể lại có đầu có đuôi, có xuôi có ngược, thấy sao nói vậy không thêm không bớt mảy may nào. 

Thỏ tằng hắng một tiếng rồi bắt đầu vào chuyện: 

“Số là một hôm, cách đây đâu chừng một năm, anh Ngựa Bạch bị một ông phò mã, quất mấy roi về tội gì đó không rõ, anh bỏ cả lầu son gác tía, bỏ cả mỹ vị cao lương, trở về chốn núi rừng là quê hương xứ sở. Tình cờ anh gặp cháu. Anh bảo rằng: “Thà chịu cam khổ mà được tự do còn hơn sung sướng mà bị đánh đập ràng buộc. Trong lúc rời bỏ Kinh thành để chạy lên rừng xanh, anh Ngựa Bạch đã chạy ngang qua Sở Hổ Quyền là nơi loài người lập ra, bắt Voi Cọp đấu với nhau làm trò giải trí. Anh Ngựa gặp một anh Chuột đang đứng hóng mát. Anh Chuột thích du sơn du thủy mà chưa có dịp, liền nhờ anh Ngựa chở đi cho biết đó biết đây. Cũng nhờ thế mà Chuột với cháu mới có cơ hội làm quen với nhau. 

Lúc trở về, anh rủ cháu đi theo. Bản tánh của cháu không muốn đi đâu xa, nhưng rồi cũng đánh liều một phen rời khỏi khu rừng thân yêu, về Kinh Đô xem chơi cho biết. Hai miền thành thị và sơn lâm thật khác nhau một trời một vực, thuật lại không bao giờ hết. Cháu ở chơi với anh Chuột hai hôm, định cáo từ thì anh giữ cháu lại và nói: “Ngày mai sẽ có trận đấu Voi-Cọp ngay trước mặt nhà tôi, vui lắm. Anh hãy lưu lại thêm một hôm nữa mà xem cho biết. 

Tưởng cháu cũng nên thưa để hai bác biết, đấu trường đào sâu như cả một cái hố rộng lớn. Giữa lòng chảo lát gạch phẳng lỳ, người xem ngồi trên nhìn xuống. 

Hôm khai diễn trận đấu khán giả đông vô số. Có vua và các hoàng tử công chúa nầy, có bá quan nầy, có lính hầu hạ nầy. Người ta đã đào sẵn một đường hầm để đưa bác Voi và bác Cọp vào giữa lòng chảo đấu trường. Anh Chuột đào chân tường để làm hang nên cháu và anh đứng trong nhà nhìn ra trông rõ mồn một. Chao ôi! Cháu nhìn thấy bác Cọp mới thảm hại làm sao! Thật không sao cầm được nước mắt. Ở chốn sơn lâm nghênh ngang biên thùy một cõi, chỉ nhường bước có Sư tử Đại vương. Khi bác gầm thét chim muông đều khiếp sợ. Thế mà nay bác ngồi co ro trong cái cũi song sắt, cổ mang một sợi xích dài, mồm may trít hai môi lại, mấy vuốt nhọn ở chân đều bị cắt sạch trụi sạch trơn. Giữa đấu trường đã trồng sẵn một cái cọc to tướng và khi bác Cọp bị đuổi ra khỏi chuồng thì sợi xích sắt, một người lính đóng chặt vào cọc. Như thế bác Cọp chỉ có thể chạy quanh quẩn giữa lòng chảo mà không thể thoát đi đâu được. 

Bác Voi đến sau, không bị xiềng xích gì cả và cũng không bị nhốt vào cũi. Nhưng sau lưng bác Voi có hai người lính mặc áo đỏ viền xanh, đầu đội nón sơn, chân vấn xà cạp, mỗi người tay cầm một cái mác lào. 

Bác nói đúng đấy, bản tính đồng loại của bác hiền lành không hay gây sự nên trông thấy Cọp thì đi chệch sang một bên chứ không hướng thẳng về phía bác Cọp đang nằm nép chờ đợi. 

Nhưng hai người lính đâu chịu để cho bác Voi yên, họ lấy mác nhọn đâm vào hai bắp vế của bác đến chảy máu ròng ròng, bắt phải chiến đấu với bác Cọp. Khi Voi Cọp đều nổi cơn thịnh nộ, gườm gườm nhìn nhau quyết một còn một mất, mấy người lính mới từ từ rút lui ra ngoài đứng và đóng cửa đấu trường lại. 

Cọp phóc lên lưng Voi định cào cấu, nhưng những móng nhọn đã bị vặt trụi cả rồi, mồm cũng không sao cắn được, Cọp chỉ còn cách lấy chân trước giáng mạnh xuống đầu Voi những đòn đích đáng khiến Voi lảo đảo long cả đầu óc. Voi cơn giận bốc lên bừng bừng, lắc mấy cái cho cọp rơi xuống. Nhưng Cọp ôm chặt lấy đầu Voi không chịu thả. Voi đưa cao vòi lên, vói ra đàng sau định vớ Cọp nhưng Cọp lại lấy chân tát một cái nữa vào vòi khiến Voi đau không sao tả xiết. Voi mới nghĩ đến mưu, nằm ngã lăn ra đất cho Cọp phải lăn theo, rồi nhanh như chớp đứng lên lấy chân dẫm lên thân hình Cọp. Cọp xoay mình tránh né không ngờ chạm phải bức thành của đấu trường. Vả lại sợi xiềng ở cổ Cọp không được dài lắm. Cọp không thể nhích ra xa hơn nữa. Voi thừa thế dùng vòi vấn lấy Cọp, tung lên cao rồi chờ khi rơi xuống đất thì lấy ngà đâm mạnh vào bụng Cọp, rạch thành một đường dài, gan ruột đổ ra ngoài ngã xuống trông chẳng khác gì một đống thịt vụn.” 

Kể xong, Thỏ kết luận: 

- Trận đấu ấy, theo con mắt của cháu, tuy Voi thắng Cọp nhưng thắng mà không vinh hiển, vì nếu Cọp không bị cắt hết vuốt nhọn, không bị may miệng, tròng xích vào cổ thì dễ gì Voi đã giết được Cọp. 

- Bác công nhận lời nói của cháu đúng, nhưng da của bác dày bịch như thế nầy, Cọp cũng chẳng làm gì xuể. 

Thỏ tiếp: 

- Như thế thì hai bác đều là đệ tam anh hùng đồng hạng. Dưới nữa đến các bác : Gấu, Beo, Lợn Lòi, Tê Giác, Trâu Núi, Trâu Nước v.v… Mang, Nai, Chồn, Nhím đứng vào hạng bét… Đó là cháu nói phỏng chừng thôi, chứ bao giờ cháu lập được võ đài, tổ chức những cuộc tranh hùng giữa những anh tài tứ xứ, khi đó việc xếp hạng mới có giá trị. Còn bây giờ thì có ba cao thủ không ai chối cãi được là : Đại vương Sư tử, Trung vương Thỏ và Tiểu vương Voi Cọp. 

Chương 17 (hết)

TRỞ VỀ LÀNG CŨ 

Với năm quan tiền của Voi, Thỏ cũng đỡ được cơn túng thiếu. Thỏ lại lập được một khu vườn khác, rộng rãi hơn vườn Hướng Thiện, nhưng phải cái xa sông ngòi, mỗi lần đi lấy nước cực nhọc hơn trước. Vườn ở một nơi địa thế hiểm trở, cô tịch, nên mấy con thú khác không đến quấy phá. 

Thỏ không lấy lại danh từ cũ để đặt cho khu vườn, không phải vì nó sợ bị xui xẻo như lần trước, chỉ mới trong vòng có mấy tháng, hoa mầu bị Sấu tàn phá hư hại cả. 

Lần nầy Thỏ chọn hai chữ TĨNH TÂM để đặt tên vườn, ngụ ý lòng của nó ngày nay, không khác gì mặt nước hồ thu phẳng lặng, không còn xao động như hồi niên thiếu hăng say tự phụ, gặp ai cũng thích trêu chọc. 

Hiện thời Thỏ con đã khôn lớn, Thỏ cái sinh thêm một bé tí cũng đã tập tễnh biết đi, mái tóc và râu mép của nó bắt đầu một vài sợi điểm bạc. Giờ đây Thỏ chỉ lo lắng cho tròn bổn phận của một người chồng, một người cha chứ không muốn chung đụng với ai nữa. Nó hết sức cố tránh Cọp đang tìm bắt nó để ăn thịt, Chồn, Chó Sói chờ cơ hội để hại nó, Cá Sấu mà vớ được thì ít ra nó cũng bị gãy giò. Còn mấy con kia thì nó cũng không lấy gì làm thân. Ngoại trừ Hải Ly vừa là bạn vừa là ân nhân nên cứ vài tuần nó lại đến nhà chơi một dạo. 

Cuộc đời của Thỏ như vậy kể cũng tạm yên ổn. Nhưng một buổi sáng, nó đang ngồi uống nước trà thì thấy thằng cháu ruột từ ngoài chạy vào, theo sau là ông bác họ, bà thím dâu và hai người bà con xa nó quên tên chỉ nhớ mặt. Ai nấy bộ tịch sợ sệt, hoảng hốt như vừa trải qua một cơn khủng khiếp. Thỏ chưa kịp hỏi thì thằng cháu lớn tiếng nói: 

- Chú ở đây yên ổn sung sướng thật. Nhưng sao chú không nghĩ đến họa lớn đang xảy đến cho bà con dòng họ Thỏ nhà ta? 

Thỏ sửng sốt đáp: 

- Cháu trách như vậy thì cũng oan cho chú, vì chú có hay biết gì đâu? 

Bà thím la đứa cháu: 

- Mầy không được hỗn. Hơn nửa năm nay chú mầy đâu có về làng, còn cái con ác điểu ấy mới xuất hiện đâu chừng nửa tháng nay. 

- Chuyện con ác điểu thế nào, thím cho cháu biết với. 

Ông Bác nói: 

- Bà con xa gần của mình nó bắt hết mười mạng cả thảy. Thằng Bạch, con út của bác nhờ tinh khôn, chui vào nằm nép giữa hai tảng đá, ác điểu mỏ ngắn nên không làm gì được, đành phải bay đi, suýt tí nữa thì thằng út mất mạng. Lúc kéo đến đây, một anh hàng xóm cũng bị nó bắt mất. Bác đã dặn trước chỉ nên đi một vài người cũng đủ, càng đông càng nguy hiểm. 

Anh chàng bà con xa nói: 

- Nhiều người sợ quá, bao nhiêu khoai sắn, rau cải trồng ra đều bỏ cả để di cư đi nơi khác. Làng mình bây giờ xơ xác hơn trước nhiều. Trong họ ngoài làng đều nghe tiếng bác khôn ngoan tài trí nên đem nhau đến đây, xem bác trù liệu cách nào để giết chết con ác điểu ấy để mọi người làm ăn được yên ổn. Cháu đã nói nhiều lần : Kẻ cướp đến làng thì phải đồng tâm hợp lực mà chống cự, chứ sao lại bỏ chạy mỗi người một ngả để mặc nó tha hồ thao túng. 

Bà thím hỏi lại: 

- Anh nói như vậy chứ nó thì bay trên trời mà mình lại ở dưới đất, sức yếu đương sao nổi nó? 

Thỏ nói: 

- Thật tình lâu nay cháu xa lánh cuộc đời không tu cũng như tu. Nhưng nay bà con xóm làng lâm vào đại họa chẳng lẽ lại ích kỷ chỉ biết yên vui với vợ con không đem hết tài hèn ra mà giúp đỡ? 

Nghe Thỏ nói vậy ai cũng vui vẻ hớn hở, nhưng trong bụng không khỏi hoài nghi, vì việc trừ được ác điểu là việc rất khó khăn, ngoài tài sức của họ. 

Thỏ nói tiếp: 

- Tôi phải trở về làng nghiên cứu tại chỗ mới nghĩ được diệu kế. Bây giờ tôi khuyên bà con nên áp dụng câu : “Mục quan tứ xứ, nhĩ thỉnh bát phương”… 

Thỏ cháu hỏi: 

- Chú nói gì cháu chưa được rõ… 

- Ra mầy không học sách binh thơ của ông Thủy tổ dòng họ nhà ta để lại cho con cháu sao? Câu đó có nghĩa : “Mắt phải xem bốn phía, tai nghe khắp bốn phương”. Trong lúc ăn uống cũng như khi làm lụng phải luôn luôn đề cao cảnh giác. Những con ác thú ấy tôi chưa rõ là Phụng hoàng, Diều Hâu, Kên Kên hay là chim Ưng, nhưng con nào cũng vậy, cặp mắt sắc vô cùng, dầu những nơi xa xôi chúng cũng trông thấy rất rõ. Bà con phải hóa trang thật tài tình, lấy cành lá phủ khắp mình và khi di chuyển phải chậm chạp kẻo nó hay biết. Giờ đây mời bà con ở lại dùng bữa với vợ chồng tôi, đợi tối mịt sẽ trở về. Còn về phần tôi, bà con hãy cho thư thả, trong vài hôm nữa có lẽ tôi sẽ nghĩ được mưu kế trừ con ác điểu ấy. 

Thỏ hóa trang như ngày đánh lừa Cọp để theo dõi con ác điểu. Nó nhận ra đó là một con KÊN KÊN to lớn, lông xam xám, nhơ nhớp như tắm đất bụi. Mỏ nó cứng và quặp xuống, mắt tròn, cổ sắc hồng đậm trơ trụi không có một cái lông nào. Hai chân nó cứng mạnh, đầu bốn ngón đều có vuốt nhọn. Mỗi khi bay, Kên Kên giang rộng cặp cánh như chiếc thuyền buồm lướt sóng giữa bể khơi. 

Nó làm tổ trên một chóp núi cao nhưng lại thường ra chơi với con trên một tảng đá bằng phẳng cạnh tổ. 

KÊN KÊN gieo rắc khủng khiếp cho loài chim nhỏ, cho những con thú cỏn con và cho cả những con cá ở biển. Thỏ từng thấy ác điểu từ trên trời bay xẹt xuống bấu lên lưng một con nai. Nai hoảng hốt vùng chạy nhưng không sao thoát khỏi vuốt nhọn của Kên Kên được. Chim mổ vào hai mắt của nai cho mù khiến nai lăn tòm xuống hố sâu. Chim đáp xuống theo để ăn thịt. 

Thỏ lại một lần thấy Kên Kên bổ nhào xuống vồ lấy cá nhám. Nhưng con ác ngư này cũng chẳng phải tay vừa, vùng vẫy cố lôi cho được Kên Kên xuống biển. Cũng may chim thoát được không thì chết về tay nhám xà rồi. 

Nhưng đau đớn cho Thỏ hơn cả là khi nó thấy những kẻ trong họ hàng nhà nó, đồng bào ruột thịt của nó bị Kên Kên quắp từ dưới đất, rồi bay vút lên trời đem thẳng về tổ rỉa rói, từng miếng xương vụn rơi xuống bãi cỏ dưới chân núi. Những con rùa với cái mai cứng mà Thỏ tưởng không ai làm gì nổi, Kên Kên cũng bắt bay lên thật cao thả mạnh cho rơi xuống trên những phiến đá. Mai rùa vỡ ra, thịt xương nát bấy, Kên Kên bay xuống đánh chén ngon lành. 

Nó tự bảo : Ta đã hiểu rõ đời sống của Kên Kên, nay ta có thể nghĩ cách trừ nó. Thỏ cúi đầu, bước từng bước dài vừa đi vừa nói lầm thầm: 

- Kên Kên ăn thịt thỏ thịt nai nầy, Kên Kên ăn thịt rùa thịt cá nầy lại ăn thịt cả những con chim nhỏ nữa. Nó tàn ác như vậy là nhất đời rồi, ta hạ sát nó là làm một việc chính đáng. Nhưng mưu kế của ta phải có anh Rùa giúp đỡ một tay mới được. 

Nó vội vã đi tìm Rùa và thuật lại những gì nó được trông thấy. Nó miêu tả cảnh Kên Kên giết những con rùa một cách tàn nhẫn. Rùa nghe xong không khỏi động mối thương tâm, nghiến chặt hàm răng tỏ ý căm hờn tột độ. 

Trước mối thù chung, Rùa và Thỏ xóa bỏ tất cả hận thù trong bấy lâu nay. 

Thỏ nói: 

- Anh thuộc vào hạng thông minh lanh lợi, trước tình thế nầy, anh có nghĩ được cách gì để trừ con ác điểu ấy không? 

Rùa suy nghĩ chốc lát đáp: 

- Tôi định thế nầy : Đây là loài chim xâm phạm đến tính mạng của loài thú, ta có thể viện lẽ ấy xin Đại vương sư tử huy động Voi, Hổ, Báo, Tê giác, Gấu mai phục trong các bụi rậm. Một anh thỏ hay chị nai nào đó đứng vẩn vơ ở giữa làm mồi để dụ nó. Khi nó liệng xuống để bắt mồi thì quân mai phục đổ ra nhất định giết được nó. 

Thỏ hỏi lại: 

- Nhưng nếu nó bay đi thì sao? 

- Dẫu có bay thoát nó cũng phải khiếp vía bận sau không còn dám trêu chọc đến loài thú nữa. 

- Tôi chưa cho đó là một kế vẹn toàn. Vả lại việc mình mình lo, tôi không dám phiền đến Đại vương chút nào cả. Nay tôi sắp đặt như thế nầy, anh nghe có được không? 

Thỏ đem kế hoạch của mình ra nói cho Rùa rõ. Rùa gật gù khen: 

Hay lắm! Hay lắm! 

Nhưng rồi nó cười và nói tiếp: 

- Tài trí như anh không ngờ đã có lần bị tôi đánh lừa, kể cũng lạ thật. 

Thỏ biết dân làng gần khu rừng thường làm trâu để tế thần. Nó mới nhờ Chuột lấy trộm cái bong bóng. Đó là nghề riêng của Chuột nên sáng sớm hôm sau Rùa và Thỏ có ngay cái lòng bóng trâu. 

Thỏ thổi cho cái bong bóng căng phồng lên, đầu kia lấy dây cột chặt trao cho Rùa đem ra giữa sông thả lềnh bềnh trên mặt nước. Bên dưới, dây cột vào một tảng đá ngầm. Họ hàng nhà Rùa tụ tập lại thật đông dưới nước và có bổn phận giữ sợi dây ấy. 

Hải Ly chịu làm vật hy sinh, ôm lấy quả bóng, nằm phơi bụng trên sông hồi hộp chờ ác điểu. 

Đó là tất cả mưu kế của Thỏ. 

Họ hàng nhà Thỏ ẩn núp trong những lùm cây hai bên bờ sông chờ xem kết quả. 

Đâu chừng nửa giờ sau thì Kên Kên xuất hiện trên nền trời cao. Nó bay quanh thành những vòng tròn, mỗi lúc một hạ thấp xuống, mắt hau háu nhìn cái thân thể ngon lành của Hải Ly. Rồi chớp nhoáng như tia sét, Kên Kên xẹt xuống vồ lấy con Hải Ly. Hải Ly lanh lẹn lăn mình xuống nước lặn mất. Vồ trật con mồi, những móng nhọn của nó chụp thủng quả bong bóng trâu, không khí ùa vào làm cho lép kẹp tức khắc. Mắc chân trong quả bong bóng, ác điểu không sao rút ra được. Họ hàng nhà Rùa lôi sợi thừng vừa mau vừa mạnh. Chim cố sức vùng vẫy nhưng cũng không đương nổi lũ Rùa đông đúc, đang nung nấu chí phục thù. 

Kên Kên bị ngâm mình và uống nước nhiều không chịu được, gục đầu chết. Bầy rùa kéo xác chim lên bờ, móng vuốt còn vướng trong quả bong bóng. 

Dòng họ Rùa và dòng họ Thỏ diễn hành lôi xềnh xệch trên mặt đất thân xác con ác điểu từng giết hại không biết bao nhiêu rùa và thỏ. Tất cả sung sướng reo hò vang dậy. 

Từ đó Thỏ trở về làng sống với bà con họ hàng cho đến ngày răng long đầu bạc. 

BỬU KẾ