Con Đường Lá Me - Chương 3 & 4

Chương 03

Hai tuần lễ trôi qua từ ngày tôi trọ học nhà bác Phán. Mọi người đều đối xử với chị em tôi đầy tình thương mến, do đó, tôi dần dà quen đi với nếp sống mới và không còn buồn vì nỗi nhớ Huế nữa. Tôi có gửi thư cho Tuyết và Hoàng nhưng chưa thấy trả lời. Việc ghi danh vào học và những cuộc đi chơi đây đó, đã giúp tôi có thêm một số bạn mới, đó là những người bạn của chị Trinh cùng đến dự những cuộc vui do anh Trứ tổ chức, những lần đi chơi Lái Thiêu, đi Cấp… nhưng tôi vẫn cảm thấy hình như tâm hồn mình đang trống vắng, đang thiếu một cái gì, một ánh mắt, một lời nồng nàn săn đón, đó là Hữu, đó là người con trai đầu đời đã làm con tim tôi xao động thật sự, tôi thương nhớ mông lung, tôi mong ngóng từng ngày nhưng hình bóng Hữu vẫn biền biệt xa xôi. Từ lần gặp gỡ ban sơ đó, tôi không còn gặp lại Hữu nữa, nhiều lúc tôi định hỏi thăm anh Trứ về Hữu nhưng rồi lại ngập ngừng, tôi cảm thấy vô duyên quá khi hỏi đến một người con trai có thể nói là xa lạ đối với tôi, anh Trứ sẽ chế nhạo tôi, chị Quyên và chị Trinh sẽ trêu tôi hoài hoài dù tôi mới chỉ hỏi về Hữu có một lần chăng nữa, đó là điều mà tôi không thích chút nào. Tôi muốn sống cho riêng tôi trong cái tháp ngà tình cảm kín đáo, đừng ai hay, đừng ai biết niềm tưởng nhớ vừa manh nha trong tôi dành gửi đến một người.

Tiếng anh Trứ làm tôi giật mình :

- Ngọc, làm gì đó, ra anh nói cái này cho nghe.

Anh Trứ đang tươi cười vẫy tôi ngoài hàng hiên, tôi chạy ra :

- Chi rứa anh Trứ ?

- Đi Mỹ Tho chơi không ?

- Đi với những ai anh ?

- Thì cũng như thường lệ, Minh, Phương, Đồng…

- Chị Quyên em có đi không anh?

- Lẽ dĩ nhiên là có.

Tôi bỗng thấy chán nản, những cuộc picnic không có Hữu trở thành vô vị, những lần ngồi trên xe mặc các bạn nói cười, tôi im lìm lặng lẽ như một chiếc bóng cô đơn. Tôi không muốn tái diễn lại cảnh đó nữa, tôi thích nằm nhà nghĩ tới Hữu, như vậy có lẽ thú vị hơn.

- Thôi em không đi mô anh Trứ, để em ở nhà trông nhà cho.

- Sao vậy Ngọc, em sợ không có ai trông nhà hả ? Cần gì, mình khóa cửa lại, gửi chìa khóa cho bác Lễ tài xế ở sau nhà. Ba me anh lên Đàlạt chắc trưa nay cũng về tới mà.

Tôi vờ vỗ vào trán :

- Bữa nay em hơi nhức đầu, anh cho em ở nhà nghỉ nghe.

Anh Trứ có vẻ lo lắng :

- Em đau sao vậy ? Để anh lấy thuốc em uống nhé.

- Thôi anh, em vừa uống viên Rhumex xong. Chúc anh và các bạn đi vui vẻ nghe.

Chị Quyên vừa vào tới :

- Răng ? Ngọc không đi à ?

Anh Trứ đáp thay tôi :

- Nó hơi nhức đầu, để nó ở nhà một bữa, thôi tụi mình đi.

Chị Quyên siết nhẹ tay tôi trước khi rời bước, tôi buông mình xuống chiếc fauteuil vẩn vơ nhìn lên trần nhà. Tâm trí tôi trống rỗng, đầu óc tôi như nhão rời bởi nhiều ý nghĩ lẫn lộn, những hình ảnh xen trộn diễn biến mất trật tự làm tôi chóng mặt. Tôi đứng dậy, bước ra sau vườn, cỏ trên lối đi còn đọng sương đêm, lành lạnh bước chân tôi. Chị bếp xách chiếc giỏ nhỏ từ cuối vườn hấp tấp đi lại :

- Ủa, cô không đi Mỹ Tho với cậu Trứ à ?

- Bữa ni tôi mệt. Chị đi mô rứa ?

Chị Bếp kéo chiếc khăn vắt lên vai quấn lên đầu :

- Thằng con út tôi đau nặng phải chở vào bệnh viện Nhi Đồng. Tôi đã xin cậu Trứ cho nghỉ một bữa. Tưởng cô đi chơi luôn với các cô cậu chớ, tôi vừa mới xuống nhà bác Lễ dặn coi chừng nhà đó, bây giờ có cô rồi, khỏi lo.

Tôi nửa đùa nửa thật :

- Rứa trưa ni lấy chi cho tôi ăn đây ?

Chị Bếp như sức nhớ ra điều chi :

- Ấy chết, mà không lo, có bánh mì và đồ nguội trong tủ lạnh, cô ăn tạm nghe.

Tôi cười vỗ vai chị :

- Nói giỡn đó, tôi nhịn một bữa cũng chẳng chết ai, thôi chị mau về lo cho cháu.

- Dạ, cám ơn cô.

Tôi nhìn theo dáng chị Bếp đi vội vã, tưởng tượng đến đứa con chị xanh xao gầy guộc mà mới tuần trước đây, người em gái của chị từ Long An ẵm lên cho chị thăm, thằng bé sinh thiếu tháng, trông ốm yếu đến thảm hại. Trời về trưa, nắng lên cao nhuộm vàng cây lá trong vườn, ngôi vườn nhỏ xinh xắn thật hi hữu giữa cái thành phố ồn ào náo nhiệt này, nơi mà con người chen lấn nhau từng tấc đất căn nhà, từng miếng cơm manh áo. Tôi với tay ngắt một cành hoa thông thiên, màu hoa vàng rực rỡ nổi bật lên những ngọn lá thon dài xanh mướt đong đưa như thầm hỏi tôi : "Cô bé sao buồn vậy ?". Vâng, tôi đang buồn, nỗi buồn không duyên cớ, hồn tôi như chùng xuống, tâm tư tôi ray rứt kỳ lạ. Hữu, anh có phải là nguyên nhân nỗi buồn đang dằn vặt trong em ? Có tiếng lắc cắc trong bụi cây, tôi tò mò nhìn vào, bác Lễ đang dùng kéo tỉa nhánh ngọn lá hồng sâu.

- Kìa bác Lễ, bác nhiều nghề hí.

Bác Lễ giật mình ngẩng lên :

- Cô Ngọc, cô ra thăm vườn đó à ? Gớm, đã lâu tôi mới thấy cô ra tận đây đó.

- Tại cháu bận quá đó bác.

- À, cô vừa mới nói gì vậy ?

Tôi cười :

- Cháu nói bác nhiều nghề, vừa làm vườn, vừa lái xe.

Bác Lễ vui vẻ đứng lên, phủi mấy vết đất dính trên áo.

- Ông ở nhà dạo này bận công việc đấu thầu liên miên nên vườn tược càng ngày càng bị bỏ bê. Cỏ mọc tràn lan, còn mấy khóm hồng thì sâu ơi là sâu, giống ở Đàlạt đấy, ông quí lắm nên mỗi buổi sáng tôi phải săn sóc dùm ông. Cô nghĩ coi, công việc bề bộn, tôi không có thì giờ để nhổ ba cái cỏ dại, trông bê bối quá nhưng phải đành để vậy chứ biết làm sao.

Tôi góp ý kiến :

- Hồng giống Đàlạt mà răng hoa nhỏ ghê bác hí.

- Đất Sai gon mà, nóng như lửa, hoa nào mà chịu nổi, mấy khóm hồng này còn sống là may lắm đó.

- Thôi bác nghỉ tay đi, trưa rồi đó.

- Mời cô vào nhà tôi chơi nhé.

Tôi hỏi :

- Nhà bác đâu ?

- Kia kìa.

Bác Lễ chỉ tay về phía cuối vườn, ngôi nhà gỗ màu trắng khuất sau hàng phượng vĩ um tùm, tôi buột miệng :

- Nhà bác nên thơ ghê đi.

Bác Lễ thu dọn đồ làm vườn vào một cái túi đeo lên vai :

- Cô đến chơi nhé.

Tôi theo chân bác Lễ băng qua con đường hẹp lát gạch, mầu đỏ đã sạm đen vì ẩm mốc rêu phong. Hoa phượng rụng đầy lối đi, tôi chợt thèm nghe một tiếng ve sầu, điệp khúc mùa hạ ngân vang rền rĩ trong những ngôi vườn hoa lá xanh um của vùng trời kỷ niệm nào đó giờ xa tít mù khơi… Những buổi sáng học bài thi bắc ghế ngồi dưới rặng nhãn lồng, bên hồ sen mát, nhạc ve như quen thuộc, như quấn quít không gian ngào ngạt vạn mùi thơm với hương cau thoảng nhẹ, hương hồng bì vương vấn say mê. Tôi khép hờ đôi mi, hít nhanh vào buồng phổi bầu không khí trong lành buổi sáng, bác Lễ đã bước lên bậc thềm mở cửa :

- Mời cô vào.

Ánh sáng hắt vào nhà, tôi thấy một bộ bàn ghế kê ở giữa và sát về phía bên phải, một chiếc giường tre trải chiếu nylon, ngoài ra không còn một bộ đồ vật nào cả. Bác Lễ cười hiền hòa :

- Cô ngồi chơi, để tôi đi lấy nước.

Tôi xua tay :

- Thôi bác, cháu vừa mới uống trà xong.

Bác Lễ vén bức màn gió nhìn vào trong nhà :

- Chuyên ơi, Chuyên.

Có tiếng dạ lớn. Tôi nhìn bác như thầm hỏi, Bác gãi gãi tai :

- Thằng con tôi, mới được biệt phái về làm ở nha Kiều lộ.

- Bác ở đây với anh ấy thôi ?

- Vâng, mẹ nó mất sớm, hơn hai mươi năm tôi sống trong cảnh gà trống nuôi con. Thằng Chuyên vừa được biệt phái về, thiệt tôi mừng hết sức. Nhờ ơn Trời Phật.

Đôi mắt bác Lễ long lanh một niềm tin. Người con trai cao gầy từ bên trong bước ra gật đầu chào tôi.

- Cô đến chơi. Tôi có nghe ba tôi nhắc đến cô và người chị ở Huế vào đây trọ học. Cô là…

Tôi lúng túng:

- Dạ phải. Tôi là Ngọc, còn anh…

- Tôi là Chuyên, vừa ra khỏi đảng Kaki.

Chuyên cười, kéo ghế ngồi đối diện tôi :

- Cô Ngọc vào đây học Luật phải không ?

- Răng anh biết ?

- Trinh nói. Hình như Trinh sáng nay đi chơi đâu thì phải.

- Dạ, chị ấy đi Mỹ Tho với các bạn.

- Sao cô không đi ?

- Tôi hơi nhức đầu, đi dạo trong vườn cho khuây khoả, tình cờ mới biết được nhà bác Lễ, ngôi nhà ở vào một vị trí thật nên thơ, tôi thích dễ sợ.

Chuyên ngạc nhiên :

- Dễ sợ… ?

Tôi cố gắng giải thích :

- Ờ, đó là tiếng người Huế tôi thường dùng để chỉ một sự gì thái quá, có nghĩa là nhiều lắm, ghê lắm.

Chuyên hơi mỉm cười, tôi đưa tay chấm vào vệt nước trên bàn vẽ những đường vòng vô nghĩa để che dấu thẹn thùng, tính tôi thường hay mắc cỡ như vậy mỗi khi nói chuyện với người khác phái. Bác Lễ đem hộp mứt mận để lên bàn.

- Ăn mận uống nước trà cho vui cô Ngọc.

Có tiếng guốc khua nhẹ trên bậc thềm, chị Trinh bước vào nhà, tà áo xanh mát dịu cả gian phòng. Tôi ngạc nhiên :

- Ủa, chị không đi Mỹ Tho với chị Quyên à ?

Chị Trinh mở sắc tay lấy khăn lau mồ hôi lấm tấm trên trán :

- Đi Mỹ Tho hoài chán thấy mồ, chị theo xe ra phố lấy cái áo rồi trở về đây.

Chuyên nhìn chị Trinh bằng đôi mắt khác lạ, tôi đọc được trong đó vẻ trìu mến thiết tha, nửa gần gũi, nửa xa vời như một buổi nào đó, tôi đã trông thấy một lần, ánh mắt người con trai bâng khuâng trao gửi, phải, đúng rồi, ánh mắt của Hữu nhìn chị Quyên. Tôi thoáng hiểu phần nào khi nghe giọng Chuyên lạc đi :

- Trinh…

Chuyên đang muốn nói chuyện riêng và tôi đương nhiên trở thành người thừa thãi, tôi đứng dậy kiểu từ :

- Chị Trinh ngồi chơi nghe, em lên phòng nằm nghỉ một chút.

Bác Lễ đang đào đất gieo những hạt giống, tôi đến cạnh bác :

- Bác trồng chi rứa bác ?

- À, hoa mồng gà cô. Cô thích chứ ?

Tôi lắc đầu :

- Hoa mồng gà hữu sắc vô hương, cháu không ưa lắm mô.

Chương 04

"Trả lại em yêu, khung trời đại học, con đường Duy Tân, cây dài bóng mát…"

Tôi bước ra cổng trường Luật, vừa đi vừa hát nho nhỏ. Những ngày đầu niên học buồn thật buồn, giáo sư dạy chưa thường xuyên và hình như tôi xa lạ giữa đám bạn bè đông đúc này. Tiếng Huế khó nghe lắm, đó là ý kiến của Châu Hà, cô bạn người Nam đến làm quen với tôi hôm tựu trường đã khiến tôi mặc cảm, tôi không dám mở miệng nếu không ai hỏi đến, và chính vì vậy mà tôi chưa có thêm một người bạn nào thêm nữa ngoài Châu Hà. Sáng nay Châu Hà nghỉ, học hai giờ đầu tôi một mình thả bộ theo đường Duy Tân suy nghĩ vẩn vơ. Tôi nhìn sang công trường Duy Tân, hai nụ hoa súng đỏ hồng nổi trên mặt hồ nước thật dễ thương và một đôi nhân tình nhỏ dìu nhau đi trên thành hồ lát đá hoa, ríu rít chân sáo làm tôi chạnh nghĩ đến thân phận lẻ loi của mình. Mười tám mùa Xuân trôi qua trong cuộc đời, lần đầu tiên, tôi đã nhận thức được thế nào là tình yêu. Nhưng ánh lửa tình yêu vừa nhen nhúm trong tôi sao mong manh dễ tắt quá, tôi đặt tình cảm mình không đúng chỗ rồi chăng ? Hữu ơi, tôi gọi thầm tên anh, giờ này anh ở đâu và có một giây phút nào đó nghĩ đến em không, hay anh chỉ xem em như một đứa con nít, bởi bên cạnh em còn có chị Quyên, chị Quyên đẹp đẽ, chị Quyên duyên dáng, chị Quyên lịch thiệp mà cách đây ba năm, chị đã một thời vang danh hoa khôi Đồng Khánh, em đã lu mờ, em đã chìm đắm hoàn toàn trước sắc đẹp chị Quyên.

- Ngọc, cô Ngọc.

Tôi quay lại. Tôi nhìn lầm chăng. Hữu đó, Hữu của tôi đó từ trong viện Đại Học đi ra, trên tay ôm tập sách, đôi môi tươi cười :

- Cô Ngọc đi học về đó à ?

Tim tôi đập mạnh :

- Dạ.

- Cô Ngọc đã quen với không khí Saigon chưa ?

- Dạ rồi.

Tôi trả lời cộc lốc. Lưỡi tôi như líu lại giữa hai hàm răng, chân tôi luýnh quýnh và hai tay tôi thừa thãi vụng về. Hữu đi song song bên tôi hồi nào tôi cũng không hay biết.

- Hai tuần nay tôi đi công tác ở Nha Trang, cả nhà vẫn bình yên chứ cô Ngọc ?

- Dạ.

Hai đứa rẽ về phía tay mặt, suốt con đường rợp mát bóng me. Tôi lặng người. Hình ảnh nầy tôi đã được thấy một lần trong mộng, cũng Hữu bên cạnh tôi cùng đếm bước trên một con đường mơ hồn nào đó với ánh nắng êm soi cành lá, lung linh bóng hàng me nhảy múa trên mặt đường nhựa đen tuyền. Tôi còn nhớ, tôi có đọc trong một số báo về Siêu hình, người ta giải thích giấc mơ như sau : Có nhiều loại, có những giấc mơ vẩn vơ nhưng cũng có nhiều khi ta xuất hồn thật, nghĩa là, khi ngủ say, linh hồn ta có thể trở về quá khứ hoặc đi vào tương lai, linh hồn sẽ gặp trước những sự kiện mà sau này khi gặp lại trong hiện tại, ta cứ ngợ ngợ rằng hình như ta đã gặp nó ở đâu rồi. Phải chăng tôi đã nghĩ đến Hữu nhiều quá nên trong buổi chiều ngủ muộn đó, linh hồn đam mê của tôi đã lang thang đi vào tương lai để tìm gặp người mình mơ tưởng ?

Tôi lặng lẽ nhìn Hữu, anh vẫn điềm nhiên bước đều bên tôi, không hay biết được muôn ngàn niềm sung sướng đang reo vui trong hồn tôi, đang nở hoa trên đôi môi tôi ấp e lời nói.

- Con đường này nên thơ quá, cô Ngọc nhỉ ?

Tôi lại nói không thành lời :

- Đây là đường…

- Trần quý Cáp đó cô Ngọc. Nhìn những cành lá hai bên đường giao nhau im mát, cô Ngọc có ý nghĩ gì không ?

Tôi đáp không ngần ngại :

- Dạ, Ngọc không nghĩ chi hết, nhưng Ngọc nhớ đến một câu trong bản nhạc của Trịnh công Sơn : "Hàng cây lá xanh gần với nhau…" 

Hữu nhíu mày :

- Đó là bài…

- Dạ Mưa Hồng.

- Chắc cô Ngọc thích nhạc lắm nhỉ ?

- Dạ, Ngọc yêu tất những cái gì được gọi là nghệ thuật.

- Con đường này, dạo tôi và Trứ đón hai cô từ phi trường về, Trứ có lái xe qua đây, cô Ngọc còn nhớ không ?

Tôi ngước nhìn lên khoảng trời xanh trong suốt như pha lê :

- Saigon nhiều đường quá, Ngọc không nhớ hết nổi, nhưng trong tư tưởng Ngọc, hai hàng me xanh mướt với cành lá giao nhau vẫn là hình ảnh sâu đậm nhất kể từ ngày Ngọc biết Saigon.

Có chiếc Honda màu đỏ đi ngược chiều, tôi thoáng nhận ra người con gái ngồi phía sau, chị Trinh.

Hữu quay sang tôi :

- Kìa, Trinh và Chuyên. Cô Ngọc biết Chuyên chứ ?

Tôi gật đầu :

- Dạ, Ngọc mới biết đây, anh Chuyên con của bác Lễ tài xế nhà chị Trinh.

- Chuyên đi lính lâu rồi, chắc anh chàng được về phép.

- Ủa, anh không biết à ? Ngọc nghe bác Lễ nói anh Chuyên được biệt phái về Nha kiều lộ đó.

- Vậy à - Hữu đưa một ngón tay lên trán - à mà đúng, Chuyên là cán sự công chánh mà, loại này được biệt phái về nhiều lắm, các Nha thiếu nhân viên.

Tôi không nói chuyện nữa. Tôi muốn nhắc đến bài thơ của một thi sĩ nào đó ca tụng con đường lá me nhưng tôi quên mất câu mở đầu. Mặt trời càng lên cao, bóng tôi và Hữu in trên mặt đường dần thu ngắn lại, mồ hôi tôi đổ lấm tấm hai bên thái dương. Hữu nhắc :

- Trưa rồi, mình về đi thôi.

Tôi bàng hoàng bước ra khỏi vùng mộng mơ :

- Dạ, thôi anh về trước đi, Ngọc đi từ từ ra đầu đường đón xe lam.

Hữu đưa tay vẫy chiếc Taxi :

- Để tôi đưa cô Ngọc về.

Tôi muốn con đường cứ dài mãi ra để xe đừng bao giờ tới nhà được, nhưng chiếc cổng vôi trắng đã hiện ra đằng kia, anh Trứ vừa đi làm về đang dắt chiếc xe Vespa vô ngõ.

- Kìa Hữu, đến chơi gì mà trưa thế ? Cả Ngọc cũng về nữa à ? Hai người gặp nhau ở đâu mà tương ngộ thế ?

Hữu cười vui vẻ :

- Đi công tác về nghỉ phép buồn quá, đi lang thang chơi thì gặp cô Ngọc.

Anh Trứ nhìn tôi chăm chú. Tôi bước nhanh lên bậc thềm đi vào nhà, có tiếng Hữu cáo từ.

- Thôi tao về đã, hẹn gặp mày ngày mai.

- Vô nhà chơi đã nào, xe máy đâu ?

- Xe nổ lốp hồi sáng, bỏ sửa rồi.

- Thôi, lên đây tôi chở về ông ơi.

Tôi đưa hai tay lên ngực. Toàn thân tôi nóng bừng, giòng máu luân lưu trong huyết quản tôi chạy nhanh hơn bởi trái tim tôi đang đập mạnh, Hữu đưa tôi về, chỉ với mục đích đó thôi, không phải nhân dịp Hữu đến thăm anh Trứ hay chị Quyên, sao tự nhiên, tôi cảm thấy đời đẹp đến thế này ?

Tôi huýt sáo bản : "La vie en rose" làm chị Quyên đang nằm trên giường đọc sách phải nhăn mặt :

- Ngọc, dị rứa, con gái mà huýt sáo như con trai. Cái tật me la hoài không bỏ.

- Em đang vui mà.

- Vui thì hát hò lên có được không, còn bày đặt huýt sáo, tao nể mi luôn rồi đó.

Tôi mỉm cười một mình. Chị Quyên trở mình, quay mặt vào trong :

- Mấy giờ rồi Ngọc ?

Tôi nhìn đồng hồ :

- Gần 12 giờ rồi chị. Hai bác đi mô chưa về hả ?

Chị Quyên ngồi dậy :

- Hai bác đi Bình Dương từ sáng, chiều mới về.

Tôi chép miệng :

- Làm thầu khoán thiệt mệt, đi hoài.

Chị Quyên vén mái tóc :

- Con ni nói vô duyên. Có rứa mới giàu chứ. Làm công chức như ba me suốt đời không mua nổi xe đi.

Tôi đưa một ngón tay lên môi :

- Nì chị Quyên, em vừa khám phá ra một chuyện ni, bí mật lắm.

Gương mặt chị Quyên sáng lên, chị là chúa tò mò :

- Chi ? Chuyện chi rứa Ngọc.

- Du dương lắm !

- Ai du dương ?

- Mùi mẫn lắm !

- Ai mùi mẫn ?

- Tuyệt vời lắm !

- Ai tuyệt vời ?

- Đắm say lắm !

Chị Quyên củng vào đầu tôi :

- Con ni thúi.

- Thúi thì thôi, tôi không kể nữa.

Chị Quyên đấu dịu :

- Thôi mà, ai biểu mi úp mở làm chi.

Tôi xoa xoa đầu :

- Đánh người ta đau vô hậu.

- Xin lỗi mi mà, kể tao nghe đi Ngọc.

Tôi xích lại gần chị Quyên :

- Chuyện chị Trinh đó.

Chị Quyên lại xích sát vào người tôi thêm :

- Chị Trinh răng mi ?

Tôi nói bằng hơi gió :

- Chị Trinh có bồ nì, em mới bắt gặp quả tang hai ông bà đang dẫn nhau đi chơi.

- Mà người nó là ai, mi có biết không ?

Tôi vênh mặt :

- Sức mấy mà không biết, đố chị ai ? Nói trúng tôi thưởng 100 đồng.

Chị Quyên suy nghĩ một lát rồi lắc đầu :

- Nuốt một trăm bạc của mi coi bộ khó quá. Tao chịu thua. Nói đi.

- Anh Chuyên con bác Lễ đó.

Chị Quyên giật mình :

- Bậy nà, có lý mô…

Tôi trợn mắt :

- Răng lại không có lý, tình yêu mà.

- Anh Chuyên chỉ là…

Tôi cướp lời :

- Chị muốn nói anh Chuyên chỉ là con một ông tài xế nghèo hèn thôi phải không ? Răng chị nặng thành kiến rứa, theo em, anh Chuyên rất xứng đáng…

- Ngọc, em còn con nít quá, em còn mơ mộng quá nên em thường thi vị hóa các mối tình…

Tôi tức quá, tính con trai trong người tôi bừng dậy, tôi la lên :

- Rứa tại răng chị yêu thầy Thông được, mà chị không muốn chị Trinh và anh Chuyên yêu nhau ?

Chị Trinh hốt hoảng bịt lấy miệng tôi, nước mắt chị ứa ra làm tôi quýnh lên :

- Chết cha, em xin lỗi chị, em lỡ lời, chị đừng giận em nghe chị Quyên.

Chị Quyên cúi đầu :

- Chị không giận em mô, nhưng lần sau Ngọc gắng giữ gìn lời ăn tiếng nói. Đừng khơi lại nỗi buồn mà chị đang cố gắng quên, đừng làm khổ chị - có tiếng máy xe nổ, tôi mở xắc lấy khăn tay đưa cho chị :

- Chị lau nước mắt đi rồi ra ăn cơm, anh Trứ về nơi tề.

Chị Trinh đi chơi vẫn chưa về, anh Trứ bảo chị bếp :

- Chị khỏi để cơm cho con Trinh. Đi về đúng bữa thì ăn, chả ai hầu.

Chị bếp dạ nhỏ, để mâm cơm trên bàn rồi lui ra.

Tôi ái ngại nhìn anh Trứ :

- Thưa anh, hình như bữa ni anh có điều chi bực mình ?

Anh Trứ bưng chén cơm lên :

- À, chuyện con Trinh đó mà.

Chị Quyên lại tò mò :

- Chuyện chi rứa anh ?

Anh Trứ không đáp, lặng lẽ gắp thức ăn bỏ vào chén. Chúng tôi cũng nín luôn, không dám hỏi nữa. Một lát, anh Trứ trầm ngâm :

- Quyên và Ngọc là cháu ruột của ba anh, anh xem như người trong gia đình này rồi, thành thử, anh cũng chả dấu diếm gì hai em nữa. Anh muốn nhắc đến chuyện con Trinh…

Tôi nhìn chị Quyên, chị cũng đang len lén nhìn tôi. Anh Trứ tiếp :

- Con Trinh nó yêu thằng Chuyên con bác Lễ tài xế. Chúng nó ngày xưa học cùng lớp, tình bạn dần đổi thành tình yêu, điều mà gia đình không thể ngờ trước để ngăn ngừa.

Chị Quyên xen vào :

- Thưa anh, theo em thì vấn đề tình cảm, làm răng mà ngăn cấm được ?

Anh Trứ dằn chén cơm hơi mạnh lên bàn :

- Được chứ, được chứ. Tuổi trẻ nông nổi, con Trinh nông nổi. Thằng Chuyên chắc gì đã yêu nó thành thật.

Tôi nói nhỏ :

- Em thấy… anh Chuyên cũng là người đôn hậu…

Anh Trứ nghiêm nghị nhìn tôi :

- Ngọc nhỏ hơn cả Trinh nữa, Ngọc làm sao hiểu được lòng người. Con trai thời bây giờ ghê lắm đó. Theo anh nghĩ, thằng Chuyên theo con Trinh chỉ vì tiền, thằng đào mỏ…

Thằng đào mỏ. Ba tiếng dội mạnh, âm thanh vang vọng từ bốn bức tường trong phòng ăn, tôi cảm thấy tội nghiệp cho Chuyên quá. Tôi nhớ lại ánh mắt Chuyên nhìn chị Trinh buổi sáng tôi sang thăm nhà bác Lễ, nồng nàn và trìu mến, con người như vậy không thể nào có tâm địa xấu được. Tôi hơi bất bình, anh Trứ có thể phản đối cuộc tình giữa chị Trinh và Chuyên bởi vì Chuyên nghèo, chứ anh không thể khinh Chuyên quá thế. Tôi nghĩ vậy nhưng không dám nói ra, khoảng thời gian sau này, tôi có một nhận xét khi giao tiếp với những người thân yêu quanh tôi là, hai bác tôi chỉ biết sống bằng lý trí, tình cảm của hai bác đã bị bẹp dí dưới đống tiền cao ngất càng ngày càng dồi dào, càng ngày càng phong phú mà hai bác tôi đã dùng biết bao nhiêu thủ đoạn để tạo nên. Chị Trinh như lạc lõng, như bơ vơ trong tình thương nhạt nhèo của cha mẹ, có lần chị tâm sự với tôi :

- Ba má chị đi tối ngày Ngọc ạ, ba má chị cứ tưởng cho chị tiền nhiều là chị sung sướng, như vậy là tình thương đó ư ? Chị không cần, chị chỉ muốn được thấy hàng ngày sự săn sóc ân cần của ba chị, chị chỉ muốn được nép mãi trong vòng tay ấm nồng của má chị, thế thôi, tiền bạc để làm gì, của phù du.

Tôi an ủi :

- Thôi chị đừng buồn nữa, hai bác ham làm giầu cũng chỉ cốt là lo tương lai cho chị, cho anh Trứ…

Chị Trinh nói như khóc :

- Nhưng ba má chị không từ bỏ một thủ đoạn nào để làm giầu cả, chị sợ quá Ngọc ạ, chị sợ trời trả báo quá đi.

Anh Trứ cũng giống hệt hai bác tôi ư ? Tôi tự hỏi. Anh luôn luôn nghĩ đến tiền đó kia, làm thế nào để có thật nhiều tiền, vậy thôi. Chuyên nghèo, Chuyên lại yêu chị Trinh, tại vì Chuyên ham tiền. Kết luận của anh Trứ thật giản dị như hướng ý nghĩ nông cạn của anh. Tình cảm tôi dành cho anh Trứ như vơi đi thật nhiều trong bữa ăn trưa này.

Có tiếng mở cửa nhẹ, chị Trinh rón rén đi vào. Anh Trứ đập bàn mạnh làm tôi và chị Quyên giật mình theo.

- Trinh, mày đi đâu bây giờ mới về ?

Chị Trinh ấp úng :

- Dạ, em… lên trường…

- Láo, sáng nay mày nghỉ, tao vừa gặp con Huệ thực tập cùng nhóm với mày. Trinh, mày đi chơi với thằng đào mỏ phải không ?

Đôi má chị Trinh chợt đỏ bừng vì giận :

- Anh không được gọi anh Chuyên như vậy.

Anh Trứ xô ghế đứng dậy :

- Tao gọi đấy, tao gọi thằng Chuyên là thằng đào mỏ đấy, rồi ai cấm được tao ? Đẹp mặt nhỉ. Đồ mất dạy.

Chị Trinh buông chiếc xắc xuống bàn cúi mặt khóc. Anh Trứ vẫn không tha :

- Tao cũng mong nó đi lính mất đất cho rồi, ai ngờ nhà này còn xui nên mới khiến nó được biệt phái về. Này Trinh, mày coi chừng đấy, mày tự xét xem, nó yêu mày hay yêu cái gia tài của mày ?

Chị Trinh vẫn tấm tức khóc. Anh Trứ đấu dịu :

- Nói trước cho mày biết để mà liệu lấy. Ba me mà biết chuyện này, ông bà sẽ không để yên cho mày đâu.

Bàn tay chị Trinh bấu mạnh trên tấm khăn bàn, hình như chị đang đè nén niềm đau thương vừa dâng nghẹn trong tim. Anh Trứ đã đứng dậy ra ngoài, chị Quyên gọi nhỏ :

- Chị Trinh.

Chị Trinh ngước lên, nuớc mắt chảy dòng trên má :

- Mình khổ quá, Quyên ơi.

Tôi đến bên chị :

- Thôi chị đừng buồn nữa, tính anh Trứ nóng lắm.

Chị Trinh đưa tay chùi nước mắt :

- Mình không buồn vì bị mắng đâu. Mình chỉ đau đớn một điều là anh Trứ đã hiểu lầm Chuyên, hai đứa mình yêu nhau thành thật mà.

- Chị ăn cơm chưa ? Để em xuống bếp…

Chị Trinh khoác tay :

- Thôi Ngọc, chị hơi mệt, để chị vào nghỉ một tí.

- Em đưa chị vào.

Nụ cười chị Trinh héo hắt :

- Ngọc làm như chị sắp xỉu đến nơi không bằng.

Chị Quyên dục tôi :

- Để chị Trinh đi nghỉ, còn Ngọc, dọn thức ăn xuống đi.

Trời sắp chuyển mưa, mây đang trắng bỗng xám hẳn lại, gió xua hơi nóng bên ngoài bốc vào cửa sổ, chị Quyên để chiếc dĩa xuống bàn, hắt hơi liên tiếp :

- Trời ở đây thiệt độc.

- Sao em thấy không khí ngột ngạt quá chị Quyên ơi, vừa khí hậu ngoài trời, vừa cả dưới mái nhà này nữa.

Chị Quyên gật đầu :

- Ừ, chị cũng thấy rứa. Những người trong nhà này đối với nhau có vẻ bề ngoài quá, tình cảm hời hợt, hai bác ham làm ra tiền quá rồi không ngó ngàng chi đến con cái cả.

- Tội nghiệp chị Trinh.

Chị Quyên thở dài :

- Chị Trinh muốn tìm một bóng mát bên anh Chuyên, nhưng… chắc là khó đạt thành.

Tôi nói như giận dữ :

- Chi lạ ghê, anh Trứ với hai bác răng mà giống nhau như rứa không biết, thích tiền rồi cứ tưởng ai cũng ham tiền hết. Chuyến ni em phải làm răng cho chị Trinh và anh Chuyên thành vợ thành chồng, hai người ngó đẹp đôi bắt chết.

Chị Quyên xí một tiếng :

- Con ni vô duyên, chuyện của mình không lo, đi lo chuyện thiên hạ.

Tôi hỏi chị :

- Chuyện của em là chuyện chi ? Dị chưa ? Người ta còn nhỏ, còn ngây thơ vô tội mà.

- Ở đó mà ngây thơ trăm lá. Chuyện mi với thằng Hoàng ai mà không biết.

Hôm qua tôi có nhận một lá thư của Hoàng. Chắc bà chúa tò mò này muốn lái câu chuyện sang vấn đề Hoàng để tìm hiểu nội dung lá thư đây. Đâu có được, tôi phải dấu kỹ để chọc tức chị Quyên chơi dù trong thư Hoàng không có gì cả ngoài những câu thăm hỏi thân mật giữa hai người bạn. Tôi đánh trống lảng :

- Thôi dọn bàn, còn đi ngủ trưa nữa, em buồn ngủ bắt chết.

Chị Quyên có vẻ tức vì không hỏi được thêm gì nơi tôi, chị nguýt dài :

- Mi đi ngủ đi, để đó cho tao.

Tôi thao thức hoài với hình bóng Hữu chập chờn trong trí. Tôi vừa đi dạo với Hữu đó ư ? Tôi vừa cùng Hữu sánh bước trên con đường Trần Quý Cáp lợp mát bóng me, màu xanh dìu dịu ru hồn tôi về một bến mộng mơ nào đó thật xa vời, thật ư Hữu ? Thật ư anh ? Em không mơ chứ ? anh vẫn bằng xương bằng thịt chứ không phải là ảo ảnh mà em vẫn nghĩ từ khi gặp anh lần ban sơ đó rồi hình bóng anh biền biệt xa mờ, phải không anh ? Tôi úp mặt vào gối, tôi tựa má vào tay, tôi cố tạo một tư thế thoải mái để dỗ giấc ngủ muộn, mà vẫn không được. Đồng hồ trên tường gõ hai tiếng, sắp đến giờ tôi đi học, tôi uể oải ngồi dậy, gian phòng im vắng, cả nhà im vắng, chắc giờ này mọi người đang thả hồn vào giấc ngủ. Có tiếng nước giội thật mạnh ở cuối vườn, nơi chiếc giếng nhỏ mới đào hồi tháng trước, tôi mở cửa sau bước ra vườn. Nắng không lên, bầu trời âm u ngột ngạt, khóm hồng khô héo tàn tạ dưới tiết trời nóng nực, tôi ghé hôn nhẹ lên những cánh hoa, hương thơm dìu dịu thoảng qua xua tan cơn buồn ngủ.

Tôi nhìn ra xa, bên giếng nước, Chuyên đang chùi rửa một chiếc xe jeep mang bảng hiệu V A mầu trắng, thoáng thấy tôi, Chuyên ngước lên, mỉm cười. Tôi đi lại :

- Xe của ai rứa anh Chuyên ?

Chuyên kéo chiếc gàu từ giếng lên.

- À, xe trong sở tôi phế thải, tôi lấy về sửa lại để dùng.

Tôi tròn mắt :

- Xe còn tốt mà, anh khiêm nhường rứa, Ngọc hỏi anh phải nói thật nghe, có phải xe của sở cấp cho anh đi không ?

Chuyên cười :

- Cô Ngọc làm như tôi làm cái chức gì thật to trong sở ấy.

- Cần chi phải địa vị lớn, theo Ngọc thấy, làm công chức, cỡ Cán sự như anh là đã có xe đi rồi.

- Cũng tùy nơi chứ cô Ngọc.

Tôi lại bảo :

- Anh chưa trả lời câu hỏi của Ngọc mà.

Chuyên lại cười, nụ cười hiền hòa đôn hậu :

- Thôi, xin chịu thua Ngọc.

- Ủa, ngày nay anh không đi làm à ?

- Tôi còn phép thường niên cô Ngọc ạ. Chiều nay cô Ngọc có giờ không ?

- Ngọc sắp đi đây, chiều nay Ngọc có giờ Kinh tế.

- Cô Ngọc vào đây học có cảm thấy vui hơn khi ở Huế không ?

Tôi lắc đầu :

- Buồn lắm anh. Chắc tại Ngọc chưa quen, hơn nữa, Ngọc thấy cuộc sống ở đây có vẻ xô bồ quá.

- Nhưng mà ở Saigon có cái hay là dư luận dễ dãi, ai làm gì mặc ai, ít người dòm ngó.

Tôi nghĩ đến chuyện của chị Quyên, tôi gật đầu :

- Đúng đó anh, ở ngoài Huế dư luận khắt khe lắm, mình làm gì người ta cũng biết cả, con gái giao thiệp với con trai là một trọng tội, thiên hạ xầm xì bàn tán dữ lắm, đôi lúc Ngọc thấy vô duyên ghê. Nhưng Ngọc được sinh ra và lớn lên ở đó gần mười tám năm trời, Ngọc quen thuộc từng bờ lau ngọn cỏ, những con đường êm đềm men theo từng nhánh nhỏ của giòng sông Hương thơ mộng, Ngọc quyến luyến mỗi buổi chiều đi học về qua mấy nhịp cầu Tràng Tiền gió lộng thổi, Ngọc yêu tha thiết những đêm trời nóng thả bộ ra vườn hoa Nguyễn Hoàng ăn chè hạt sen ướp nước đá... những kỷ niệm đó như khắc sâu vào tâm khảm Ngọc, những kỷ niệm đó không thể tìm thấy được giữa cái thành phố náo nhiệt này, do đó Ngọc nhớ Huế kinh khủng là nhớ.

Lời Chuyên trầm ngâm :

- Ở đâu quen đó. Tôi thì thích Saigon hơn. Có một dạo tôi đi công tác ở Huế một tháng, cảnh vật trầm lặng quá, tịch mịch quá, thiệt tôi buồn muốn khóc... lên đó.

Tôi cười :

- Ngọc không tin. Anh đàn ông mà biết khóc à ?

Chuyên vừa chùi khung kính xe vừa tròn mắt nhìn tôi :

- Sao lại không biết, bộ Ngọc tưởng tôi nói đùa hả. Con người ai cũng có tuyến nước mắt chứ.

- Nhưng con trai ít xúc động hơn con gái.

Chuyên gật đầu :

- Ngọc nói như vậy tôi chịu. Nhưng phản đối thành kiến con trai không biết khóc.

Tôi đưa tay nhìn đồng hồ :

- Đến giờ Ngọc phải lên trường. Anh ở nhà nghe.

Xem tiếp chương 5 & 6