Dưới Mái Gia Đình - Chương 3 & 4

Chương 3

Một trong những phương thức để giáo dục con cái là ba và mẹ tập cho chúng tôi tinh thần tự lập, ý thức trách nhiệm và ngay từ nhỏ biết giá trị của đồng tiền. Câu chuyện sau đây của em Thảo chứng minh điều tôi vừa trình bày.

Năm đó Thảo lên mười tuổi. Một hôm trong Hội Đồng Gia Đình Thảo đề nghị nên sơn lại hàng rào bao quanh sân. Có lẽ ai cũng tưởng tượng tới chiều dài và bề cao kinh khủng của hàng rào nên phản đối : người cho rằng nên mướn thợ để khỏi mất giờ học, kẻ yêu cầu đợi đến tết Tây hãy sơn lại cho mới. Thảo vẫn cương quyết giữ lập trường của mình. Mẹ lặng thinh. Ba không bác bỏ nhưng cũng không hẳn tán đồng, chỉ tuyên bố “lửng lơ con cá vàng” thế này:

- Đáng lý ra thiểu số phải phục tòng đa số, tuy nhiên ý kiến của cô bé Thảo cũng không hẳn là vô ích. Vậy nếu thuê thợ sơn chúng ta sẽ tốn khoảng ba ngàn bạc, nhưng nếu cô bé Thảo có cách nào… không cần đến thợ mà hàng rào vẫn được sơn phết lại thì cô bé Thảo sẽ được thưởng một món quà với giá tương đương với ngân khoản dành để thuê thợ.

Ai cũng tưởng Thảo sẽ “đầu hàng vô điều kiện”, nhưng rồi mọi người đều trợn trừng mắt, ngạc nhiên trước câu trả lời của Thảo:

- Chính con sẽ sơn lại hết. Xong việc con chỉ xin ba một đôi giày mới và cặp vợt vũ cầu.

- Đồng ý!

Mẹ vội vàng ghé vào tai ba, nói nhỏ:

- Con nó còn bé quá, làm sao một mình nó có thể sơn được cả cái hàng rào. Mình ngăn nó đi.

- An tâm. Mình phải tập cho con biết giá trị của đồng tiền và biết tuân giữ lời đã cam kết.

Ba quay lại hỏi Thảo:

- Con nhất định chứ? Mà một khi đã bắt đầu việc gì là phải đi tới cùng.

- Con xin hứa.

Thế là ngay ngày hôm sau Thảo bắt tay vào việc. Những buổi chiều và ngày chủ nhật nghỉ học, cô bé sơn phết không ngừng tay. Thấy tội nghiệp, các ông anh, bà chị muốn phụ giúp đều bị Thảo từ chối. Một tuần lễ sau hai bàn tay của Thảo phồng lên, bọng nước, nhiều đêm vì làm việc quá mệt, Thảo đã không thể nào ngủ được. Trong khi đó, tôi biết, ba cũng trằn trọc, xót xa. Mẹ vẫn không ngừng nói với ba:

- Thôi mình cản con lại, coi chừng nó kiệt sức thì chẳng bõ.

- Không! Đây là một bài học rất quí cho nó. Nhờ vậy nó sẽ hiểu hơn khi kiếm được đồng tiền người ta phải vất vả thế nào, nó sẽ tập được ý chí và sự nhẫn nại để đi tới thành công.

- Mình nói như một ông thánh!

Ba vẫn không nao núng, ít nhất là bề ngoài.

Mười hai ngày sau, Thảo hoàn tất công việc. Vẫn để mặt mũi và quần áo dính sơn, để lòng bàn tay quấn băng trắng, Thảo đi tìm ba trước tiên. Vừa gặp ba, Thảo òa lên khóc, nói mếu máo:

- Xong rồi, ba. Con hy vọng là ba sẽ bằng lòng.

Ba kéo cô con gái vào lòng, lấy khăn tay lau nước mắt trên khuôn mặt lỗ chỗ những sơn:

- Đừng khóc, cưng. Sở dĩ ba để con làm việc như vậy là muốn tập cho con những đức tính tốt. Thôi bây giờ con vào giường của con nằm nghỉ một chút rồi con sẽ hiểu là ba đã luôn luôn nghĩ đến con trong những ngày qua.

Thảo chạy vào giường và thấy dưới gối một đôi giày mới toanh và một cặp vợt vũ cầu đẹp tuyệt vời, bên cạnh có tấm danh thiếp của ba với dòng chữ : “Đây là phần thưởng cho lòng can đảm và sự kiên nhẫn”.

Và em Thảo đã chạy ra ôm chầm lấy ba, khóc nức nở.

*

Tinh thần tiết kiệm tiền bạc và vật dụng cũng được ba và mẹ tập luyện cho con cái. Trong các phiên họp thường lệ mỗi sáng chủ nhật chúng tôi đều phải phúc trình trước Hội Đồng Gia Đình về những chi phí của mình để mọi người góp ý kiến xem những khoản tiêu pha nào hữu ích hoặc những trường hợp nào không cần thiết. Tuy nhiên cũng có những vụ mà chúng tôi không biết nên xếp vào loại có lợi hay có hại. Tôi xin kể một chuyện điển hình sau:

Một buổi tối kia, trước giờ đi ngủ, Huỳnh Sún nhận thấy ai đã vô ý không khóa “rô-bi-nê” để nước chảy đầy bồn tắm. Có lẽ vì bị ám ảnh bởi nguồn tin do ba thông báo cho Hội Đồng Gia Đình :Chính phủ quyết định tăng giá điện, nước theo chương trình cách mạng kinh tế mùa thu, nên Huỳnh Sún cho đây là một sự phí phạm không thể tha thứ được. Hắn điều tra xem ai là kẻ đã tắm sau cùng hồi chiều. Và khi được biết Hải đầu bò là thủ phạm, Huỳnh Sún liền vào tận giường lôi tên này dậy:

- Hải! Yêu cầu bạn xuống khỏi giường và đi tắm ngay.

Mắt nhắm mắt mở, Hải đầu bò thều thào:

- Em tắm trước khi đi ngủ rồi!

- Chính vì vậy mà bạn phải tắm nữa.

- Nhưng người em sạch mà! Em đâu có… tè dầm mà phải tắm giữa đêm hôm thế này?

- Tại bạn hồi nãy quên đóng “rô-bi-nê” để nước chảy đầy bồn tắm, không lý bạn để phí một khối lượng nước đáng kể đó sao!

- Thế tại sao anh không tắm đi cho khỏi phí?

- Theo chương trình, tao tắm vào lúc bốn giờ chứ không phải lúc này. Hơn nữa, kẻ nào gây nên tội phải lãnh hậu quả. Thôi xuống đi, không mất công tao phải… bế mày!

- A, anh mày tao với em há. Em sẽ méc ba cho xem. Xin lỗi em đi!

- Đừng có nói lảng! Chuyện đó hậu xét. A lê vào tắm tút suỵt!

Thế là Hải đầu bò phải… bò vào nhà tắm dù còn đang ngái ngủ.

Kết quả, sau gần nửa tiếng ngâm mình trong nước dưới con mắt chứng giám của Huỳnh Sún, sáng hôm sau, Hải đầu bò bị cảm lạnh. Số tiền đi khám bác sĩ và mua thuốc cho… bệnh nhân bất đắc dĩ mắc hơn giá tiền nước! Đang yên lành phải nghỉ học ngang xương, không được nô giỡn với bạn bè, phải ăn cháo trắng và kiêng gió, kiêng nước trong bốn năm ngày liền, Hải đầu bò oán Huỳnh Sún thấu trời xanh! Xử kiện vụ này, Hội Đồng Gia Đình không trách cứ ai, nhưng cũng không khen ngợi kẻ nào, chỉ khuyến cáo : lần sau Hải đầu bò phải cẩn thận hơn, Huỳnh Sún cần khôn ngoan hơn và việc gì có tính cách quan trọng và khẩn trương cần phải thông báo ngay cho ông bà chủ tịch để xin quyết định!

*

Một hôm, ba trở về nhà với hai chiếc máy “cát-sét” và một chồng băng nhựa. Vừa bước chân tới cửa ba đã thổi tu huýt liên hồi để tụ họp con cái. Khi chúng tôi đã có mặt đầy đủ, ba trịnh trọng nói:

- Hỡi các con yêu quí của ba, hôm nay ba muốn dành cho các con một sự ngạc nhiên tuyệt vời. Đây, hai chiếc “cát-sét” và sáu cuốn băng đầy… hấp dẫn!

- Nhưng thưa ba, nhà mình đã có một chiếc A-Kai loại tốt rồi!

- Ba biết lắm chứ! Chúng ta sẽ để một cái dưới nhà, hai cái trên lầu. Như vậy không mê ly hơn sao?

- Tại sao vậy ba?

- Từ nay chúng ta sẽ tiết kiệm được… một số động tác đáng kể. Ba sẽ cho bắc một “ô-pạc-lơ” trong phòng tắm, một trong phòng ngủ của con gái, một trong phòng ngủ của con trai. Ba cá mí các con rằng trong thành phố Sàigòn “hoa lệ phí” này chỉ gia đình chúng ta duy nhất là có máy phóng thanh trong phòng tắm! Khi các con đánh răng, rửa mặt hay tắm giặt đồng thời cũng có thể cho máy chạy.

- Tại sao vậy ba?

Như bị cụt hứng bởi những tiếng “tại sao” của Huyền, ba gắt:

- Tại sao! Tại sao! Tại sao hoài! Bộ trước bất cứ chuyện gì cũng phải “tại sao” à?

Huyền nhỏ nhẹ thưa lại:

- Thưa ba, không phải hoàn toàn như vậy, nhưng với ba con thiết nghĩ cần phải… nghi vấn bởi vì thú thật với ba, khi nghe ba nói tới việc tiết kiệm động tác, việc mua máy cát-sét và băng nhạc, tự nhiên tiếng “tại sao” lại xuất hiện trong tâm trí con.

- Đây không phải là băng nhạc! Các con sẽ thấy các băng này hấp dẫn và ích lợi vô cùng.

Em Mộng chen vào:

- Thế loại băng gì vậy ba?

- Thú vị lắm!

- Ba chơi trò ú tim mãi. Bật mí đi ba! Hồi hộp quá!

Ba cười hề hề có vẻ khoái chí đoạn ngửa mặt lên trần nhà, lim dim đôi mắt, giơ tay như một vị tổng thống đang tuyên thệ nhậm chức, phán rằng:

- Đây là những cuộn băng học sinh ngữ Anh và Pháp văn!

- Trời!

Không nhận ra phản ứng ngạc nhiên của lũ con, ba vẫn say sưa tuyên bố:

- Các con không cần phải chăm chú nghe như khi ở trong lớp nghe giảng bài, cứ làm việc tự nhiên trong khi máy chạy, thế là thính giác của các con cũng sẽ làm việc trong vô thức, nhờ vậy mà các con sẽ nghe quen cách phát âm.

- Tuyệt! Cám ơn ba!

- Yêu cầu im lặng và nghe ba nói tiếp. Hỡi các con, các con có biết ba lấy ngân khoản nào để mua các vật dụng hữu ích này không? Dĩ nhiên không phải ngân sách của gia đình mà do ba tiết kiệm được trong các việc tiêu vặt rồi “tích tiểu thành đại” trong hơn một năm ba mới thành công. Tuy nhiên, các con phải hiểu việc làm của ba không phải để… phục vụ cho cá nhân ba mà chính là cho các con. Bởi vì các con biết ba đã thông thạo cả Anh và Pháp ngữ đến nỗi khi nghe ba nói người ta cứ tưởng… người ngoại quốc chính cống…

Thú thật lúc đó nếu không mím chặt môi có lẽ tôi đã phì cười vì tôi biết ba đã… phóng đại, “bốc thơm” mình quá mức trung bình! Đồng ý là ba vẫn chịu khó rèn luyện sinh ngữ, nhưng thật ra ba chỉ “một cây” về tiếng Pháp còn Anh văn thì ba còn “ẹ” lắm. Bằng chứng là trong những lần phải tiếp xúc với các nhân vật quan trọng từ Mỹ quốc qua nghiên cứu nền kỹ thuật Việt Nam, ba luôn luôn dắt mẹ theo để làm thông dịch viên; chính mẹ mới là “cây xanh rờn” về Anh văn, dường như trời đã phú cho mẹ một khả năng đặc biệt trong việc học và nói sinh ngữ…

Ba vẫn tỉnh bơ thao thao bất tuyệt:

- Các con đừng bao giờ quên là ba mua những thứ này để các con học, do đó ba muốn các con phải sử dụng hàng ngày. Nếu sáng nào mà ba không nghe máy chạy từ giây phút các con mở mắt dậy cho đến khi xuống phòng ăn dùng điểm tâm, thì lập tức phải báo cáo lý do cho ba biết ngay.

Chờ cho ba dứt lời, Huỳnh Sún nhăn mặt thưa lại:

- Thưa ba, cũng có khi chúng con kẹt chứ, chẳng hạn nếu một cuộn băng hết khi chúng con đang tắm thì làm sao thay cuốn khác?

- Kẻ nào biết áp dụng đúng phương pháp tiết giảm động tác vẫn có thể có dư thời giờ để vừa tắm vừa cho máy chạy.

Qua câu nói trên, ý của ba muốn nhắc đến phương pháp… tắm rửa của ba nhằm mục đích loại bớt những cử động không cần thiết đồng thời tiết kiệm được thời giờ. Phương pháp đó như thế này : Ba ngồi vào trong bồn tắm, lấy xà bông bằng tay phải, đặt lên vai trái, chà xuống cánh tay trái rồi lại kéo lên đến nách, đoạn xát cạnh sườn và phía ngoài chân trái, tiếp theo bôi ở phía trong chân trái rồi về tới cổ. Sang giai đoạn hai, ba chuyền cục xà bông qua tay trái rồi cũng tuần tự thực hiện những động tác đã áp dụng cho nửa phần thân thể trước. Giai đoạn ba dành cho bụng và lưng. Giai đoạn bốn để săn sóc đặc biệt bộ mặt, hai lỗ tai và các kẽ ngón chân, nghĩa là những chỗ có nhiều núi đồi và hang hốc.

Khi “sáng chế” ra phương pháp trên ba đã nhiều lần tụ tập lũ con trai chúng tôi lại trong phòng tắm để giảng giải và chứng minh; sau đó ba lại triệu tập con gái lại ở giữa phòng ăn để tắm tưởng tượng (dĩ nhiên ba vẫn mặc quần áo như thường) làm gương!

Như vậy mỗi một lần tắm không ai được quá mười phút!

Sau khi giải thích về sự lợi ích của việc học bằng cách tập nghe máy, ba phê bình cách phát âm sinh ngữ của chúng tôi:

- Khi các con học bài ba nhận thấy giọng đọc tiếng Pháp của các con nghe cũng… tạm được; ba hiểu gần hết những gì các con nói, nhưng giọng đọc tiếng Anh thì… kinh khủng quá! Ba dám cá rằng, ngoài chính các con, không ai hiểu được một tí ti ông cụ nào trong câu nói của các con! Nghe các con đọc Anh văn ba có cảm tưởng như các con đang sống thời tiền sử!

Chúng tôi phá lên cười trước câu ví von của ba. Đúng lúc đó mẹ ở trong nhà đi ra. Như vớ được đồng minh, ba xoa hai tay vào nhau, mừng rỡ:

- Có đúng vậy không mình?

Mẹ mỉm cười trả lời:

- Đúng! Các con mà nói Anh văn thì thánh cũng phải… “chào thua”! Nhưng tôi lại hiểu được ý các con muốn nói gì.

- A, tại trước đây mình học Anh văn ở… Phi châu nên mới hiểu! Còn tôi, tôi được chính những giáo sư ngoại quốc tài danh chỉ dạy nên đành… đầu hàng lũ con “thời tiền sử” của mình!

Chúng tôi lại cười trong khi ba đỏ gay mặt, còn mẹ dịu giọng lại để “vớt vát danh dự” cho ba:

- Có lẽ mình… nói đúng đấy! Xưa nay em vẫn chịu ngài!

Thế là từ hôm đó hàng ngày, chúng tôi bất đắc dĩ phải nghe những cuộn băng sinh ngữ trong khi đánh răng, rửa mặt và cả lúc tắm rửa. Tuy nhiên, mặc dầu bên ngoài chúng tôi chẳng lấy gì làm thích thú, chỉ cầu sao một bữa nào đó ba nổi hứng dẹp mấy cuốn băng sinh ngữ khô như củi để thay vào những băng nhạc thời trang thì nhất trên đời, nhưng trong thực tế chúng tôi cũng phải công nhận rằng nhờ phương pháp đó chúng tôi đã học tấn tới về môn sinh ngữ và thường được các giáo sư khen ngợi.

Cũng từ thời gian trên chúng tôi nhận thấy hàng đêm ba thường đi ngủ trễ hơn trước kia cả tiếng đồng hồ, sau mới bí mật khám phá ra là ba thức khuya để… luyện Anh văn : chờ cho các con đi ngủ hết, ba xuống phòng tắm của con trai bê chiếc máy và mấy cuộn băng vào phòng làm việc, vặn thật nhỏ để nghe và tập cách phát âm cho đúng giọng Ăng-lê.

Đó, tôi đã nói kỳ trước mà, ba còn “ẹ” về Anh văn lắm, thế mà không chịu nhận, vẫn tuyên bố là ba nói tiếng Anh không thua gì người ngoại quốc. Nhưng dù sao cũng phải cảm phục ba là người có chí và có óc cầu tiến, mặc dầu ba chỉ âm thầm hoạt động trong bóng tối! Mấy đứa lớn chúng tôi đã bàn nhau một đêm nào đó bò vào phòng làm việc của ba để “bắt tại trận” ba đang học sinh ngữ hầu trêu ba chơi, nhưng rồi đứa nào cũng sợ bị đòn nên không dám thực hiện.

Ngoài khả năng “khiêm nhượng” về môn Anh văn của ba, chúng tôi khởi sự nghi ngờ ba về các khía cạnh khác. Câu chuyện dưới đây cho thấy ngôi vị của ba đã bắt đầu lung lay. Một hôm ba thông báo cho chúng tôi một tin, theo ba, rất quan trọng:

- Ngày mai ba sẽ xây một cái bồn nước cho lũ chim bồ câu của nhà mình để chúng có chỗ… giải khát và… tắm rửa! Ai muốn xem cách ba xây để học hỏi thì tan trường xong phải về thẳng nhà mới kịp, về trễ sẽ mất một dịp may hiếm có và dĩ nhiên phải chịu lấy trách nhiệm vì ba sẽ không bao giờ làm lại những gì đã được thực hiện hoàn hảo.

Thật ra ba đã bỏ việc xây cất từ khi trở thành Phó Giám Đốc cơ xưởng để chuyên khảo cứu các cách tổ chức khoa học và phương pháp phân tích động tác. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tin tưởng một cách đặc biệt vào tài của ba vì xây cất là “nghề của chàng” mà, hơn nữa cách đây một năm ba đã cho xuất bản một tác phẩm viết về “nghệ thuật bê tông cốt sắt”.

Đúng giờ hạn định, trước sự chứng kiến đông đủ của đàn con, ba bắt đầu… biểu diễn. Trước hết ba đóng một cái khuôn bằng gỗ, rồi trộn xi măng với cát, rồi đổ vào khuôn đó. Ba nhìn chúng tôi với sự tự đắc rồi nói một cách thành thạo:

- Giai đoạn một đã xong, chúng ta phải để một thời gian cho nó khô, sau đó mới bỏ khuôn đi rồi xây tiếp theo trên một cái bệ. Thế là gia đình ta sẽ hãnh diện có một cái bồn đựng nước tuyệt vời cho chim. Bây giờ xin mời… quí vị giải tán có trật tự. Ba ngày nữa cũng vào giờ phút này, quí vị trở lại để… chiêm ngưỡng tác phẩm trứ danh của… ba.

Ba ngày sau, vừa mới ở sở làm về, thay vội quần áo, ba thổi còi tụ tập chúng tôi lại rồi bắt xếp hàng dẫn ra sân. Ba nói:

- Các con biết không, trong mấy ngày nay không lúc nào ba không nghĩ tới cái bồn nước. Chắc chắn bây giờ thì nó đã khô và rắn chắc lại rồi.

Chúng tôi bao quanh ba, háo hức xem công trình của ba. Anh Hoài lên tiếng hỏi ba:

- Thưa ba, liệu lũ chim có biết để đến uống nước và … tắm rửa như ba nói không ba?

- Có chứ! Không những lũ chim nhà mình mà tất cả chim của dãy phố này cũng sẽ tới. Ba dám cá rằng chỉ một tuần lễ sau thôi lũ chim sẽ nối đuôi nhau, đánh nhau không chừng mà vào bồn nước này.

Ba cúi xuống cái khuôn gỗ. Chúng tôi xúm lại.

- Các con lùi ra xa thì mới thấy rõ được kỳ công của ba!

Ai cũng như nín thở chờ đợi.

Nhưng khi ba vừa lấy khuôn ra thì một đống bụi và vụn hồ rơi lả tả sưới chân.

Ba hoàn toàn im lặng và kinh ngạc.

Chúng tôi hiểu ba đã thất bại nhưng không ai dám nói câu nào. Bỗng ba quay phắt lại, nhìn chằm chằm Huỳnh Sún:

- Huỳnh Sún, có phải con… ?

- Có phải gì ba?

- Con đã động tới cái bồn nước này phải không?

- Dạ… dạ… không, con xin thề…

Ba lại cúi xuống, lượm một ít vữa vừa rơi ra, và miết đi miết lại ở đầu ngón tay, lẩm bẩm:

- Nhiều cát quá!

Rồi ba quay nhìn Huỳnh Sún:

- Lỗi tại ba, bởi vì ba cho nhiều cát quá!

Sau đó ba nói lớn với chúng tôi:

- Thế là hỏng cả một công trình! Các con thấy có lạ không, ba đã từng xây những cao ốc chọc trời, dựng những cây cầu dài hơn cây số, làm những xa lộ rộng thênh thang…

- Thưa ba, thế xây một cái bồn nước cho chim có khó hơn xây một cái “bin-đinh”?

Ba không để ý tới câu hỏi của em Mộng, nhưng bộ mặt có vẻ giận dữ. Bỗng ba đá tung đống hồ vụn rồi đi thẳng vào nhà, miệng lẩm bẩm:

- Nhiều cát quá!

Chương 4

Mẹ tôi quan niệm ở mỗi đứa con là một cá tính, do đó tùy theo khả năng từng người mà hướng dẫn bằng những đường lối khác nhau hầu có thể chọn sự nghiệp sau này trong cuộc sống. Ngược lại ba cho rằng mười hai đứa con chỉ là một tập thể đồng nhất nên chỉ cần giáo dục theo một khuôn mẫu duy nhất; theo ba, điều gì tốt cho chị Thuần thì cũng đương nhiên tốt cho em Huyền, cho anh Hoài, cho Cu Bi…

Học nhẩy lớp là một phần nằm trong kế hoạch của ba. Đây, lý luận của ba:

- Hỏi rằng có thật sự cần thiết hay không khi bắt lũ con mình phải học chậm lại theo như chương trình giáo dục hiện tại, một thứ chương trình được hoạch định cho những học sinh của các bậc cha mẹ bình thường?

Cũng vì vậy thỉnh thoảng ba lại bất ngờ ghé vào trường chúng tôi để xem khi nào chúng tôi có thể nhẩy lớp. Ba bảo với phương pháp dạy dỗ độc đáo của ba, chẳng hạn cách học sinh ngữ bằng máy, cách học toán, học sử địa… theo khoa kiến trúc do ba sáng tác ra thì ắt các con của ba lúc nào cũng có đủ điều kiện để nhẩy lớp!

Để khuyến khích chúng tôi ba treo giải thưởng một chiếc Honda dam 50 Cc cho ai học nhẩy lớp!

Với ba thì vậy, còn thực ra với chúng tôi, tuy cũng mê xế Honda thiệt nhưng không đứa nào khoái cái mục học nhẩy, dù rằng hầu hết chúng tôi được coi là những học sinh xuất sắc trong lớp, bởi vì cứ tưởng tượng phải bỏ các bạn cũ để làm quen với các người mới, không khí mới và phải dài lưng ra mà học đuổi cho bắt kịp chương trình lớp cao hơn đó, đứa nào cũng thấy ngại ngùng kinh khủng.

Mẹ không đồng ý với đường lối của ba vì cho rằng học như vậy sẽ mất căn bản và có thể tạo cho lũ con những quan niệm lệch lạc về giáo dục, về xã hội, về cuộc sống. Tuy nhiên mẹ lại không phản đối, có lẽ mẹ nghĩ rằng với số tuổi ngoài năm mươi ba muốn vội vàng thấy các con chóng thành tài trước khi ba nhắm mắt nên chi bằng thông cảm cho ba vui lòng.

Trong chúng tôi, ai được điểm lớn, xếp hạng cao trong lớp đều được khen ngợi và trọng thưởng.

Mỗi lần đứa nào đem về bảng danh dự, ba mừng ra mặt và thường la lên:

- Đúng là hổ phụ sanh hổ tử! Các cụ dạy cha nào con nấy quả không sai! Hồi nhỏ cũng vậy, ba luôn luôn được chọn là học sinh xuất sắc và hay đại diện trường đi so tài với các trường khác trong các cuộc thi đố vui để học. Dĩ nhiên phần thưởng danh dự đều về tay… ba! Chỉ thỉnh thoảng để tỏ tình giao hữu và tỏ tinh thần… võ sĩ đạo, ba mới giả vờ thua mà thôi, còn tất cả những lần ra quân, ba đều “hết xẩy”!

Nói xong ba cười vang nhà. Cho đến bây giờ, ngồi viết lại câu chuyện trên tôi vẫn thắc mắc không hiểu ba tuyên bố như trên do sự thật đáng tự phụ hay là để khích lệ lũ con trong công việc học hành?

Ngược lại với trường hợp được bảng danh dự, đứa nào chẳng may bị thụt hạng hay bài làm, bài đọc được… “mang mắt kiếng” thì lập tức ngay ngày hôm đó phải rửa bát, quét nhà, nhặt cỏ, giặt quần áo dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các anh chị lớn và của ba, của mẹ. Tuy nhiên rất ít khi ba rầy “tội nhân”, trái lại cho rằng sở dĩ đứa đó bị điểm xấu là do sự nhận xét sai lầm của giáo sư. Ba nói với mẹ:

- Giáo sư đó chưa lành nghề! Con của mình đâu phải thứ bỏ đi mà hạ bút cho có ngần này điểm. Tôi dám cá với mình là lần sau giáo sư đó sẽ ăn năn hối hận mà tự sửa sai rồi sẽ phải cho điểm tối đa cho con mình!

Tôi còn nhớ lần thay đổi nơi cư trú lần thứ mười của gia đình tôi – chúng tôi phải đổi trường học cho gần nhà – từ Phú Lâm trên Chợ Lớn về Sài gòn. Bẩy đứa con được ba chọn cho ngôi trường danh tiếng vào bậc nhất ở Thủ Đô. Sáng hôm đó, sau khi ăn mặc chỉnh tề, chúng tôi đã sẵn sàng lên đường theo ba đi ghi danh học. Ba dõng dạc huấn thị:

- Các con hãy hiên ngang như đi ra trận. Gia đình họ Đào lại sắp sửa ghi thêm một trang lịch sử trong ngôi trường này. Hãy chú ý, đây là một trong những cuộc thí nghiệm quan trọng trong cuộc đời của các con. Bây giờ thì hãy mở mắt to, banh tai ra để xem ba hành động.

Sau đó chúng tôi leo lên chiếc “díp bụi đời” – Ba mở máy cho xe chạy đồng thời có bao nhiêu còi ba cho kêu rầm trời, đúng điệu một đoàn quân ra trận!

Ngôi trường do ba chọn kiến trúc theo lối tân kỳ; các bức tường xây bằng gạch đỏ thẫm và không được trát áo bên ngoài. Phía mặt tiền có hai cổng ra vào; mỗi bên có một tấm bảng với dòng chữ kẻ lớn: “dành cho nam sinh” – “dành cho nữ sinh”. Ba chỉ cho chúng tôi:

- Đây là trường học của các con. Sao các con lại có dáng điệu một bầy súc vật bị đem đi làm thịt thế kia? Lại đây! Hãy cử động mạnh bạo và hiên ngang lên!

Chúng tôi vâng lời một cách miễn cưỡng.

Khi đám con trai theo ba bước vào thì các chị gái đứng khựng lại. Ba ngạc nhiên:

- Ủa, sao lại không đi?

- Thưa ba, lối dành cho nữ sinh ở phía bên kia cơ mà.

- Sao hủ lậu quá vậy? Chúng ta không thể nhắm mắt tuân theo luật lệ chậm tiến đó được. Phải bỏ đầu óc kỳ thị nam nữ mới hy vọng tiến bộ!

- Suỵt! Nói khẽ chứ ba, người ta nghe kìa!

- Rồi sao? Người ta đã nghe danh ba từ khuya rồi chứ có phải bây giờ mới được hân hạnh biết tới đâu. Thôi, tiến lên!

Thế là tất cả chúng tôi đều vào chung một cổng của nam sinh. Nhiều cặp mắt từ trong các lớp ngó chúng tôi qua các cửa sổ. Gặp bà hiệu trưởng, ba nghiêng mình chào, đồng thời điểm một nụ cười tươi như hoa trên cặp môi khá dầy:

- Xin chào bà hiệu trưởng. Đây là “đoàn quân tinh nhuệ” của giòng họ Đào. Tuy nhiên, xin bà an tâm vì lũ này chỉ mới một phần thôi, còn phân nửa lực lượng nữa đang ở nhà với mẹ chúng! Ô, thưa bà hiệu trưởng, sáng nay trời đẹp quá phải không ạ?

Bà hiệu trưởng mỉm cười:

- Vâng, tuyệt!

Bà hiệu trưởng đã khá già, đặc biệt cũng phương phi, phốp pháp, phục phịch như ba nhưng tròn trịa hơn. Giọng nói miền bắc của bà nghe êm tai chi lạ. Tuy nhiên, nhân dáng của bà có vẻ một nữ vô địch đô vật khiến chúng tôi, trừ ba, đều kinh hồn.

Ba lại nghiêng mình, tự giới thiệu:

- Thưa bà hiệu trưởng, tôi là Đào văn Gióng.

- Rất hân hạnh, tôi đã được nghe danh ông!

Hất đầu về phía chúng tôi, ba nói tiếp:

- Các cháu đây từ trước đến giờ đều được giáo dục bằng những phương pháp đặc biệt. Tôi có thể hãnh diện mà nói rằng chúng là tượng trưng của một mùa lúa tốt đẹp mà chúng tôi đã dầy công chăm sóc, tưới bón. Diện mạo của chúng, bà hiệu trưởng thấy không, đứa nào cũng bảnh bao, tóc đen, mắt sáng, mũi cao, khuôn mặt trái soan, môi thắm, nói tóm lại chúng giống… bố y hệt!

- Vâng, quả thực ông bà có phúc. Và tôi hôm nay cũng rất sung sướng được ông ghé thăm.

- Ghé thăm? Ủa, tôi đâu có ghé thăm! Tôi tới đây với mục đích để ghi danh học cho các cháu, xem chúng được xếp vào lớp nào, xem các giáo sư nào sẽ phụ trách chúng. Sáng nay, tôi không có gì phải vội vã, tôi đã sắp xếp tất cả công việc ở sở, để có thể… đối thoại với bà hiệu trưởng cả buổi!

Bà hiệu trưởng vẫn từ tốn; điều đó làm chúng tôi có cảm tình và mến phục bà ngay.

- Thưa ông, tôi sẽ giới thiệu ông với quí vị giáo sư hữu trách, còn việc xếp lớp cho các cháu, nhà trường sẽ căn cứ vào lứa tuổi của từng cháu một.

- Trời! Đã đành tùy thuộc vào tuổi của chúng, nhưng phải là tuổi của trí óc cơ – Huỳnh Sún, lại đây con! Con mấy tuổi? Tám phải không?

Huỳnh Sún gật đầu xác nhận. Ba quay lại với bà hiệu trưởng:

- Thường thường những đứa trẻ tám tuổi bà xếp vào lớp mấy?

- Lớp nhì.

- Thưa bà, tôi mong rằng thằng con này của tôi sẽ được học ở lớp đệ thất!

- Nếu quả thật cháu khá hơn những trẻ khác, tôi cho cháu lên lớp nhất vậy.

Ba giơ hai tay lên trời, phân bua:

- Đâu có được, thưa bà hiệu trưởng. Tôi xin phép được thất lễ với bà một chút. Bà có biết thủ đô của Kampuchia tên là gì không? Dân số Phi Châu bao nhiêu? Bà có biết hết các bài học trong English for today và cuốn Langue Française? Dĩ nhiên bà thông thuộc hết cả vì bà là hiệu trưởng, nhưng thằng Huỳnh Sún này cũng biết hết và thằng Cu Bi em nó cũng có thể trả lời vanh vách; tiếc rằng tôi lại để nó ở nhà vì giờ này nó đang bú sữa, và thưa bà hiệu trưởng, tôi…

- Thôi được, cho cháu học đệ thất!

Sau “nghi thức” ghi danh nhập học kiểu “cò kè bớt một thêm hai” của ba, chúng tôi tất cả đều được thâu nhận vào trường. Cũng từ ngày đó, thỉnh thoảng ba ghé thăm trường một cách bất ngờ, làm chúng tôi kinh hoàng, bởi vì mỗi lần đến ba đều vi phạm nội qui của nhà trường. Chẳng hạn ba đi vào bằng các cửa có đề chữ “lối ra” và lên cầu thang có kẻ chữ lớn “lối xuống”. Nếu như học sinh vi phạm như vậy thì ít nhất cũng bị “cồng si” hai tuần lễ và nếu còn tái phạm có thể bị đuổi luôn, thế mà ba vẫn phây phây!

Ngược lại với sự khó chịu của chúng tôi, các giáo sư lại tỏ ra hài lòng mỗi khi ba xuất hiện. Các thầy, cô cho rằng gia đình và học đường cần liên lạc mật thiết với nhau thì việc giáo dục mới có kết quả mỹ mãn. Chẳng thế mà lần nào ba tới, bà hiệu trưởng cũng cố gắng lê “tấm thân cổ thụ” đi bên cạnh ba. Cả hai đối tượng đều “nhiều mỡ, thiếu thịt” và phục phà phục phịch như nhau khiến cho mấy nhỏ bạn trong lớp đã có lần khúc khích cười nói rằng “thật xứng đôi vừa lứa”.

Ở trường chúng tôi có điều lệ này rất nghiêm khắc là các buổi sáng thứ hai, học sinh nào đi trễ thì không được vào khi đang chào cờ. Kỷ luật này rất được bà giám thị tên Phún thi hành triệt để. Đã có nhiều đứa bị bà tát tai đến nẩy đom đóm mắt khi bị bắt quả tang chạy vào giữa lúc đang thượng kỳ. Bà giám thị Phún dữ lắm, học sinh ai cũng sợ. Và dường như bà càng dữ tợn hơn kể từ khi trong giới học trò xuất hiện câu : “bé không học lớn làm… giám thị”! Tuy nhiên với ba tôi, bà Phún trở nên hiền lành như một con chiên. Nhiều lần ba phom phom đi vào đúng lúc quốc kỳ đang được kéo lên. Ai cũng thấy rõ ràng bà giám thị khẽ nghiêng đầu, nở một nụ cười rạng rỡ trong khi ba cũng đúng nghiêm chỉnh chào cờ, mở to miệng hát – “Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống” – giọng ba thật vang, thật lớn, át cả trên một ngàn tiếng ca của học sinh. Sở dĩ ba thân thiện với bà giám thị Phún là do lần gặp gỡ đầu tiên ba tỏ ra rất “ga lăng”, rất “chịu chơi”. Tôi còn nhớ rõ sáng hôm đó, sau khi chào cờ, học sinh xếp hàng vào lớp. Vì là trường “có đạo” nên trước mỗi giờ học chúng tôi đều đọc kinh. Lớp chúng tôi giáo sư đến trễ nên “được” bà giám thị đến thay thế trong ít phút đầu. Bà Phún vừa cất giọng : “Lạy Chúa xin giúp chúng con chăm chỉ học hành, rèn luyện tư cách… “ thì ba ở đâu lù lù hiện đến nơi cửa ra vào. Rất tự nhiên, coi thiên hạ như “nơ pa”, ba cất giọng gọi:

- Thưa bà!

Tiếng đọc kinh im bặt, các mái đầu đang cúi xuống nghiêm trang ngẩng cả lên. Bà giám thị ngơ ngác. Ba vẫn tỉnh bơ:

- Xin chào bà!

- Chào… ông. Thưa, ông muốn hỏi chi ạ?

Ba bước hẳn vào trong lớp, tươi cười:

- Tôi xin lỗi đã làm phiền bà – rồi quay lại phía học sinh, ba nói tiếp – xin lỗi cả các em nữa nhé, tại sáng nay tôi phải đi gấp nên… làm gián đoạn công việc của các em. À quên, tôi xin tự giới thiệu, tôi là cha của Đào thị Thanh Huyền, nó ở hàng giữa kìa – rồi ba cao giọng – Huyền, ba đây nè! Ủa, tại sao con lại giấu mặt sau chồng sách thế kia?

Cả lớp cười vang trong khi chị Huyền đỏ chín mặt. Có lẽ vì vui tính và vì thích tuổi trẻ, ba cũng cười theo. Trước sự kiện quá đột ngột, bà giám thị há hốc miệng không hiểu gì cả; mãi đến khi tiếng cười dứt, bà lập lại câu hỏi:

- Thưa ông muốn chi ạ?

- À, thưa bà tôi tới để xin bà cho biết cháu Huyền học có khá không, lên hay xuống hạng trong tháng này? Liệu cháu Huyền có cần học thêm ở nhà nữa không?

- Tôi không phụ trách giảng dạy, nhưng cũng được các giáo sư cho biết Huyền học rất khá.

- Vâng, quả đúng như vậy, cháu nó giống… tôi đấy!

Bà giám thị mỉm cười trong khi ba xoa hai tay vào nhau khoái chí, hỏi vồn vã:

Thế thưa bà, liệu chừng nào cháu Huyền có thể… nhẩy lớp?

- Cái đó thì tôi không được rõ, xin ông tiếp xúc với văn phòng giám học.

- Vâng, cám ơn bà.

Tưởng rằng nói xong câu đó ba ra khỏi lớp, ai ngờ ba lại chuyển sang câu chuyện khác:

- Bà biết tôi có bao nhiêu đứa học trường này không?

- Dạ thưa bao nhiêu?

- Chắc bà mới đổi về đây?

- Đúng như vậy, tôi mới về gần được hai tuần lễ.

- Hèn chi bà không biết. Tôi có sáu cháu lận!

Bà giám thị mở tròn mắt:

- Sáu? Sáu cô con gái?

- Phải, sáu!

- Trời, một gia đình có đến sáu đứa con gái!

- Thưa bà, chưa hết đâu, tôi còn sáu thằng con trai khác nữa, vị chi là mười hai đứa, vừa đúng một tá!

Bà giám thị không kêu trời nữa, nhưng có vẻ kinh hoàng, miệng lẩm bẩm:

- Mười hai đứa trong thời buổi này! Tôi có bốn đứa mà cũng điên đầu rồi… huống chi… 12 đứa!

Thế là câu chuyện ròn tan về vấn đề con cái giữa ba tôi và bà giám thị. Hai người có vẻ tương đắc lắm, đến nỗi như quên hẳn lũ học trò đang thích thú chứng kiến một hoạt cảnh chưa từng bao giờ diễn ra trong lớp học. Mãi đến mười lăm phút sau ba mới xin phép bà giám thị đi sang các lớp khác. Trước khi rời bước, ba lịch sự hỏi:

- Xin lỗi bà, làm ơn cho biết quí danh để lần sau tiện xưng hô.

- Tôi tên là Phún, Trần thị Phún.

Chả hiểu ba nghe thế nào mà lập lại sai tên bà giám thị khiến cả lớp được một dịp cười như nắc nẻ:

- Trần thị Tún? Ồ, tên đẹp quá!

- Thưa không phải, là Phún ạ.

- À, Phún, thế mà tôi lại nghe là Tún, xin lỗi bà nhé!

Ba đi rồi, bà giám thị lại nghiêm nét mặt, mắng học sinh là vô lễ đã cười lớn tiếng khi có khách lạ.

Đến trưa về nhà, trong bữa cơm khi thuật lại câu chuyện hồi sáng, ba tỏ ra ân hận đã nghe lầm tên bà giám thị. Thế là ngay chiều hôm đó, ba gửi đến bà giám thị Phún một bó hoa hồng bạch như để tạ lỗi một lần nữa. Và cũng kể từ đó ba và bà giám thị trở nên đôi bạn thân, có vẻ tri kỷ lắm.

Riêng lũ con của ba, chúng tôi vẫn chọc là “ba có số đào hoa”.

Xem tiếp chương 5 (hết)