Trong cặp nến hồng - Chương 3 & 4

Chương 3

SỢ, BƯỚC ĐẦU CỦA DŨNG CẢM

 

Tên lạ mặt đảo cặp mắt cú vọ nhìn khắp mọi người, khẩu súng đen sì cầm trong tay vẫn lăm lăm chĩa vào ông giáo.

Y sẵng giọng quát :

- Ai ở đâu ở yên đó ! Lộn xộn là nát óc !

Giọng cứng rắn chuyển sang chế diễu, ngạo mạn :

- Còn nhà mô phạm, giơ thằng hai tay lên ! ... Cao chút nữa coi ! Hà hà ! ...

Ông giáo điềm nhiên giơ tay sau khi chặn mảnh giấy chi chít những con số bằng bao thuốc lá để trước mặt.

Cụ Cử vẫn giữ được cái hào khí của nhà nho quắc mắt lên nhìn người lạ mặt. Cụ Hương Cả nét mặt đăm chiêu, ngạc nhiên hơn là sợ sệt. Ông Ba là người đang áy náy hơn hết trong bàn tiệc vì nếu xảy chuyện không hay cho ông giáo thì ông sẽ ân hận suốt đời.

Bà Hai đứng gần đấy cũng lo âu không kém. Hùng đứng chết trân sau lưng người chú, trợn mắt nhìn quân gian, tức giận. Hiền từ nhà dưới vừa bước lên, sững sờ trong một không gian đặc quánh.

Không một cử chỉ. Không một tiếng động...

Ông giáo khẽ nghiêng đầu, đưa mắt cho Hiền. Hiểu ý thầy, cô gái lặng lẽ lùi nửa bước.

- Đứng lại, tên lạ mặt quát giật giọng.

Rồi y cười khẩy, hất hàm về phía ông giáo, hỏi bằng một giọng đe dọa pha hài hước :

- Sợ không, nhà giáo ?

Điềm đạm như khi ngồi dạy học, ông giáo mỉm cười, trả lời thật tỉnh :

- Sợ chứ !

- Hà hà ! Hà hà ! Nhà giáo cũng biết sợ à ? Thế thì còn chi là uy tín của nhà mô phạm ? Làm sao lãnh đạo được đời sống tinh thần của bà con trong xóm nữa ? Ha ha, trí thức ! Ha ha, trí thức thuần lương ! ...

Tiếng cười đã ngạo nghễ, lời nói lại càng cay độc, cố tình làm mất mặt người thất thế.

Vẫn ung dung như khi nhàn rỗi ngồi thưởng thức tách trà, nét mặt thản nhiên và lời nói từ hòa, ông giáo mỉm cười giải thích y như ông vẫn thường giảng bài cho các môn sinh :

- Lầm rồi, chú em ! Chú em nên nhớ kỹ điều này. Đó là : Đối diện với hiểm nghèo, chỉ có độc một phản ứng lành mạnh và khôn ngoan là SỢ. Không biết sợ là vứt đi, là hỏng bét. Đứng trước một nguy cơ thực sự mà tỏ ra vô tư vô lự một cách rồ dại là một thái độ ngu ngốc chứ không phải là một thái độ can đảm.

"Phủ nhận cái sợ đâu phải là một điều hay. Trấn áp cái sợ cũng không phải là một điều hay nữa. Vậy cái gì mới là điều hay ? Điều hay là chuyển biến cái sợ thành ra sự can đảm hay sự dũng cảm cũng vậy.

Tên kia cười khẩy, vặn lại :

- Biến được cái sợ thành sự can đảm ? Dóc hoài ! Đâu ông biến thử coi.

- Từ từ, từ từ, chú em. Đi đâu mà vội ! Để qua giảng kỹ cho mà nghe. Muốn chuyển biến cái sợ thành cái dũng cảm, trước hết phải nhìn thẳng vào sự việc.

"Phải, có nhìn thẳng vào mối nguy, ta mới gạt bỏ được cái "tinh thần kinh hoảng". Kinh hoảng là một trạng thái bệnh hoạn thúc đẩy người ta chạy thục mạng vào ngõ khủng khiếp để sa xuống hố thất vọng.

"Vậy yếu tố thứ nhất của sự dũng cảm là nhìn thẳng vào sự hiểm nghèo.

Nửa như bị lôi cuốn bởi cái giọng trầm và ấm của ông thầy, nửa như muốn dồn người đối thoại vào thế bí, tên lạ mặt hất hàm hỏi :

- Còn yếu tố thứ hai ?

- Ờ, có những ba yếu tố lận. Yếu tố thứ hai là sự kiên trì. Phải kiên nhẫn mới đợi được thời cơ. Phải bền gan mới nắm được phần thắng lợi. Hấp tấp lả hỏng việc.

Tên kia, tay vẫn chong mũi súng, thúc giục :

- Còn yếu tố thứ ba ?

- Yếu tố thứ ba là một yếu tố tối cần thiết cho sự can đảm. Đó là một nguyên động lực mạnh. Mà một nguyên động lực mạnh nhất người ta có thể có là gì nếu không phải là một chính nghĩa. Nói vắn tắt cho chú em dễ hiểu, yếu tố thứ ba của sự dũng cảm là có chính nghĩa.

"Phải có đủ ba yếu tố vừa nói mới tạo ra đủ can đảm để đương đầu và đánh thắng mọi hiểm nguy.

- Ái cha ! Ghê gớm đến thế kia à ? Tên to lớn kêu lên với một giọng cộc cằn pha chế diễu. Dũng cảm ! Chính nghĩa !... Thôi, dẹp cái chính nghĩa và cái dũng cảm của ông qua một bên đi. Biết điều, hãy đưa cái giấy kia đây, được không ?

- Được chứ, ăn nhằm gì !

Ông giáo bình thản trả lời và bình thản hạ tay xuống bàn.

Tên kia giật mình vội quát :

- Để đó ! Đưa tay lên !

Hất hàm ra hiệu cho ông Ba Trực, y tiếp :

- Nhờ ông Liên gia trưởng đưa giùm tờ giấy chặn dưới bao thuốc lá.

Cuộc đấu trí vừa chuyển sang một giai đoạn khác. Ông giáo vẫn bình tĩnh trong khi mọi người đang lo mất tờ giấy có những hàng chữ số mà chưa ai biết ý nghĩa. Còn tên kia dĩ nhiên yên trí nắm chắc phần thắng trong tay.

Nhét vội tờ giấy vào túi áo, y còn cắc cớ hỏi với một quyết tâm hạ uy tín nhà giáo cho bằng được :

- Ông đã tuyên bố sợ rồi. Bây giờ ông hãy tuyên bố thua đi, ông giáo.

- Thua làm sao được mà thua !

- Sao vậy ?

- Là vì, đối với tôi, tờ giấy ấy có cũng như không. Có mấy con số, tôi đã thuộc nằm lòng. Bài toán giải lúc nào xong lúc ấy. Đâu có như các chú...

Hơi hoang mang trước câu nói bỏ lửng, y hỏi vặn :

- Dễ thường chỉ có một mình ông giải được, còn chúng tôi chịu bó tay sao ?

- Các chú, nói xin lỗi, hạng răng đen mã tấu các chú đâu đã tới trình độ đặt được mấy cái phương trình rắc rối đó mà hòng giải với không giải...

Cụ Cử dường như là người tin tưởng nhất vào tài gỡ thế cờ bí của ông giáo. Cụ điềm nhiên vuốt râu rồi nâng chén trà lên nhấp.

Cử chỉ này vô tình gợi ý cho ông Ba ngồi bên cạnh. Ấp lòng bàn tay vào thân tách, ông suýt soa rút tay về, tỏ rõ nước trà trong tách còn nóng lắm. Ông nắm tay vào quai tách, xoay xoay mấy cái, mắt đăm đăm chiếu vào mắt ông giáo.

Hiểu ý, ông Bắc khẽ đưa mắt ra hiệu đừng vọng động.

Bỗng từ cuối hẻm vang ra mấy tiếng rao lanh lảnh và kéo dài :

- Kẹo kéo đi... Kẹo kéo đi...

"Mười đồng kẹo kéo...

"Kẹo kéo mười đồng...

"Bà già ăn trẻ lại...

Không phải âm thanh và bài hát quen thuộc của anh chàng bán kẹo ngày ngày vẫn rao trong xóm. Đúng là tiếng trửng giỡn của thằng Lưu, con thứ năm của ông Mười Xe Lam. Bà Hai cau mày, chắc lưỡi ngán cái thằng bé xí xọn trong lúc tinh thần mọi người căng thẳng. Ai nấy lắng tai nghe. Ông giáo mỉm cười độ lượng.

Tiếng rao tiếp tục vang lên :

- Bà già ăn trẻ lại...

"Con gái ăn đắt chồng...

Rồi tiếng thằng bé gắt, mỗi lúc một lớn :

- Không có kẹo kéo năm đồng ? Ơ kìa ! Sao cứ một đứa trong, một đứa ngoài, ép người ta như vậy ? Có xê ra cho người ta bán hàng không nào !...

Tiếng rao lại tiếp tục, thật gần, đến sát ngay cửa :

- Kẹo tôi là kẹo Tiên Rồng...

"Một cốt, một đồng, a a...

Ai nấy lắng tai nghe.

Ông giáo mỉm cười, mắt sáng lên khi nghe y láy lại :

- …A a... Một cốt, một đồng, một miếng, một ngon...

Có tiếng "ối" của thằng bé thét lên. Tiếp theo là tiếng người ngã đánh huỵch một cái, kèm luôn tiếng gỗ ván rơi đổ tung tóe.

Kế tiếp là mấy tiếng huỳnh huỵt vật lộn ngắn ngủi.

Sau chót, một tiếng reo "Rồi, rồi !..." đồng thanh kết thúc đoạn kịch vui diễn cương trong lúc tranh tối tranh sáng ở giữa hẻm.

Ý nghĩa tiếng reo "Rồi, rồi !..." vừa lóe sáng tên lạ mặt chưa kịp giật mình đã thấy tay cầm súng bị bẻ quặt ra đằng sau và khẩu súng bị đoạt mất.

Như cái máy, y đấm thốc tay trái lên. Cú đánh chưa tới đích, chiếc cằm nhẳn nhụi của y đã lãnh một quả đấm mạnh như trời giáng.

Bị tống văng ra phía cửa, y gục xuống, gần bất tỉnh, tai còn nghe như gần như xa tiếng nói nhu hòa của nhà mô phạm :

- Hùng, lấy lại tờ giấy, rồi sao cho thầy một bản nghe. Bản chính, giao chú Ba giữ cho...

Nhanh như chớp, Hùng và Dũng, cậu này là con trai lớn của ông Trực, đã sốc tới hai bên tên lạ mặt, bẻ quặt hai cánh tay y ra đàng sau trong khi ông Ba đã mang từ đâu cái còng gọn gàng và bóng loáng.

Hệt như một người ngái ngủ, tên khủng bố trố mắt ngạc nhiên nhìn ông giáo đang bóc múi cam ăn tráng miệng, vẫn không thể ngờ được rằng con người văn nhã thế kia sao có thể ra tay mạnh và nhanh đến như vậy.

Cằm y hãy còn đau.

Cuộc đấu, y thua còn đau hơn nữa.

Chương 4

CHIỀU HÔM TRƯỚC

 

Mấy anh Nhân dân tự vệ dẫn hai tên gian ra ngoài hẻm giao cho toán cảnh sát viên vừa được báo tin đã vội vàng kéo tới.

Trong nhà bà Hai, đông thật là đông, mỗi người nói một lời tíu tít.

Nỗi vui mừng lộ rõ rệt nhất trên mặt bà chủ nhà vốn là người lo sợ nhiều nhất khi biến cố vừa xảy tới. Phần lo cho sự an nguy của mấy mẹ con và nhất là của mấy vị tân khách, phần sợ mất tờ giấy bí mật nó chính là những lời trăng trối của chồng bà liên quan đến vận mệnh của một người vừa là bạn cố cựu, vừa là ân nhân của gia đình bà.

Cụ Cử, cụ Hương, ông Ba cũng vui mừng không kém. Mấy phút vừa qua nào có khác chi một cơn ác mộng.

Vuốt chòm râu bạc, cụ Cử cất tiếng cười ha hả :

- Ông giáo giải thích rất mực ôn hòa, cụ Cử nói, nhưng ra tay thật thần tốc và ác liệt !

Cụ Hương Cả tiếp lời :

- Tôi thật không ngờ diễn biến quá nhanh như vậy. Nghe ông giáo luận về cái Sợ, tôi mang máng nghi rằng ông dùng kế hoãn binh để chờ cứu viện, nhưng thực quả không nghĩ ra cứu viện tới bằng cách nào.

- Tôi cũng vậy, ông Ba Trực nói, tôi cho rằng khó lòng có một sự tiếp ứng nào từ ngoài tới. Coi thái độ an nhiên tự tại của ông giáo, tôi chắc ông đang tìm cách hạ tên cầm súng nên cứ nhìn ông chăm chăm xem ông có cần mình giúp đỡ một tay không.

Ông giáo cười hể hả, đỡ lời :

- Vâng, tôi biết ý ông Ba muốn nhắc cho tôi nhớ là nước trà nóng lắm và ông đã sẵn sàng để tạt cả tách trà vào mặt tên gian để tôi xuất kỳ bất ý chế ngự hắn.

Ông Ba thắc mắc hỏi lại :

- Tôi nghĩ cách đó dùng được, sao ông giáo bỏ qua ?

- Vâng, cách đó dùng được nếu không còn cách nào ổn hơn. Vì trước sau, tôi vẫn sợ...

- Ông sợ ? Hai ba người cùng ngạc nhiên hỏi.

- Vâng, tôi sợ. Không phải sợ tên đang uy hiếp ở trong nhà, mà sợ tên đứng trấn ở ngoài cửa. Không biết ngoài đó có một hay hai đứa. Không biết chúng mang súng hay mang lựu đạn. Tôi sợ chúng phát hoảng làm ẩu để tháo thân thì chết cả đám.

- Phải rồi, cụ Cử biểu đồng tình, cái đó kêu bằng "liệng chuột, sợ bể đồ quý".

Mấy cậu nhỏ tống tiễn hai tên khủng bố xong xuôi, kéo nhau về. Tiếng cười nói ồn ào của chúng vừa ngưng ở trước cửa.

- Vào đây, các cháu ! Bà Hai tiến ra cửa, niềm nở mời. Vào đây uống nước ăn bánh với dì lấy thảo đi các cháu.

Chợt thấy thằng Lưu, bà nắm tay nó kéo vào, cười nói :

- Vào đây, cậu Năm xí xọn ! Ai bầy cho cháu cái trò bán kẹo kỳ cục vừa rồi đó ?

Lưu bẽn lẽn thưa :

- Thưa bác, anh Thắng bầy cho con đấy ạ.

- Đâu, cậu Thắng đâu nhỉ ? Bà Hai đưa mắt tìm trong đám mấy cậu trai cao lộc ngộc đứng vây quanh thằng Lưu loắt choắt.

- Dạ, con đây ! Thắng vội thưa.

- Sao, chuyện ở ngoài đầu đuôi làm sao, cậu nói lại cho các cụ nghe đi.

- Dạ.

Thắng lễ phép khẽ cúi đầu như để chào cử tọa trước khi kể :

- Thưa các cụ, khi tên lạ mặt lọt vào nhà và chĩa súng ra uy hiếp, có em Lưu đi ngang qua cửa trông thấy trước. Nhờ em nhỏ người nên lỏn nhanh vào trong cùng hẻm mà tên đứng trấn ở cửa không để ý. Em báo tin cho con lúc bấy giờ đang tập bào mấy tấm ván dưới cây ngọc lan trước cửa nhà bác Mười.

"Con biết tính ba con cẩn thận muốn nắm vững tình hình ở ngoài trước khi hành động quyết liệt ở bên trong. Con bàn với mấy anh ở đây tìm cách báo cho ba con biết rằng ở ngoài này chỉ có một tên thôi cho ba con yên trí. Và nếu kiềm chế được tên này trước thì càng hay.

Ông giáo ngồi nghe, miệng phì phà điếu thuốc lá thơm, mỉm cười không nói gì nhưng coi bộ bằng lòng lắm.

Cụ Hương Cả khen :

- Người ta bảo : Biết con, không ai bằng cha. Bây giờ, ta nói ngược lại cũng vẫn đúng : Biết cha, không ai bằng con.

- Hổ phụ sinh hổ tử mà ! Cụ Cử tán thêm.

- Thưa, Thắng kể tiếp, con sực nhớ em Lưu có tính ưa khôi hài ứng khẩu đặt bài hát cũng dí dỏm, bắt chước tiếng rao của mấy người bán hàng rong để chọc quê cô bác trong xóm lại càng tài nữa...

Cụ Cử không nhịn được cười, một tay vỗ xuống bàn đánh bốp một cái, một tay cầm chiếc quạt chỉ vào mặt thằng Lưu.

- Ðúng rồi ! Cụ nói. Thằng này lắm lúc thật đáng đánh đòn. Các cụ ạ, có bữa tôi vui uống vài chén rượu, đang thiếu thức nhắm bỗng nghe thấy tiếng rao quen thuộc từ đầu hẻm rao vô, kéo dài ra như lời mọc "Ai nem... Bà Điểm ? ..." Sai trẻ ra mua thì có nem niếc gì đâu ? Chỉ có thằng Năm xí xọn nhe hàm răng trắng ởn ra cười, các cụ bảo có tức không ?

Mọi người cùng phì cười.

- Tôi cũng mắc lừa nó hoài đó, thưa cụ, bà Hai nói. Ai đời con trai mà nó bắt chước giọng đàn bà con gái cứ y hệt. Lắm hôm muốn ăn quà, nghe tiếng rao lanh lảnh "Ai xôi nước ra !" Cứ tưởng cô hàng đã tới hóa ra bị tẽn lừa, tức tức là…

Đợi cho tiếng nói, tiếng cười lắng xuống, Thắng kể tiếp :

- Con giao cho em Lưu làm bất cứ cách nào thông tin cho ba con trong nhà biết rằng ở ngoài này chỉ có độc một tên thôi.

"Nhân ở bàn thợ mộc, có mấy mảnh ván nhỏ để chơ vơ, em Lưu ôm ngay vào người giả làm anh chàng bán kẹo kéo. Và em Lưu ứng khẩu bịa ra câu rao hàng kỳ cục rồi giả vờ cãi nhau với chúng con.

"Một mặt, con rủ anh Cường đi kèm hai bên em Lưu, lừa lúc nào tên kia sơ ý không đề phòng thì xông tới khóa tay y lại, không cho y có thì giờ rút súng hay lựu đạn ra khỏi túi.

"Mặt khác, con bảo mấy em nhỏ chạy ra dặn mấy anh ở phía ngoài hẻm bố trí đón đầu chúng phòng khi trong này có để sổng thì bắt lại.

Ông Ba khen :

- Các cậu làm việc khá chu đáo đấy !

- Khi em Lưu la to "Sao cứ một đứa trong, một đứa ngoài, ép người ta thế này !" Rồi hát câu "Một cốt, một đồng..." cố ý láy đi láy lại tiếng "Một", con chắc ba con đã hiểu ở ngoài này không có chi đáng ngại vì chỉ có một tên mà chúng con có thể chế ngự được một cách ngon lành.

"Tên này không to lớn lắm nhưng có vẻ lanh lẹ. Y ngồi nguyên trên yên xe, cặp mắt láo liên nhìn trước ngó sau, có vẻ lo ra lắm. Y để xe nổ máy đều đều, lúc nào cũng sẵn sàng vọt. Có điều y không dám rút tay mặt ra khỏi túi quần, tức là sợ lộ, chưa dám hăm dọa mọi người ra mặt.

"Như vậy, kiềm chế y cũng không khó.

"Khi chúng con kéo nhau đến gần chỗ y ngồi, anh Cường khẽ giơ chân ngáng em Lưu một cái. Em Lưu kêu "Ối" lên một tiếng, loạng choạng mấy bước giả vờ vấp té, vất tung đồ lề vào chân y. Y giật mình, chưa kịp đối phó thì anh Cường một bên, con một bên, đã xông tới khóa hai tay y lại. Lựu đạn của gã vẫn nằm y nguyên trong túi. Thế là xong. Chúng con hô "Rồi rồi" để ở trong nhà biết chừng...

- Hay, hay ! cụ Cử tấm tắc khen. Mấy cháu nhỏ tuổi làm việc nhặm lẹ và tinh tế lắm, người lớn chưa chắc đã bằng.

- Thưa cụ, các cậu ấy khôn ngoan và khéo léo thật đấy, cụ ạ, bà Hai nói. Tội nghiệp, tôi có hiểu dụng ý sâu xa của các cậu ấy đâu ! Chỉ thấy hát hỏng và nô giỡn thì bực mình, nghĩ trong nhà người lớn còn đang hoang mang bối rối thế này mà ở ngoài vẫn bầy trò ra xí xọn được với nhau thì lạ thật !

Ông Ba Trực hoa chân múa tay biểu lộ một niềm vui xưa nay ông chưa hề có, hay có mà chưa hề để cho người ta trông thấy :

- Thảo nào, ông Trực nói, vừa nghe thấy hai tiếng "Rồi, rồi", mắt ông giáo sáng lên và ông ra tay nhanh như điện xẹt. Chưa kịp chớp mắt đã thấy khẩu súng nằm lù lù trên bàn và tên lạ mặt nằm một đống ở góc tường.

Cuộc nói chuyện kéo dài khá lâu. Nhưng các cụ dường như quên bẵng đi mảnh giấy moi ở trong ruột cây đèn cầy ra. Còn bọn trẻ thì mải bàn bạc ồn ào chung quanh cú đấm ác liệt của ông thầy đáng kính của chúng.

Sau khi cụ Cử và cụ Hương Cả kiếu từ ra về, ông giáo khẽ hỏi ông Ba :

- Hai tên bị bắt vừa rồi có phải là mấy đứa vẫn ra vào nhà ông Mười để dò dẫm tin tức không ?

- Thưa không. Nhưng tôi e chúng cũng cùng một bọn. Những đứa kia là chủ chốt. Còn hai tên vừa rồi chỉ là tụi thừa hành.

- Chắc vậy, ông giáo trầm ngâm tiếp. Vụ này hãy còn rắc rối đó, ông Ba.

- Vâng, tôi cũng nghĩ vậy.

- Hôm nay, chúng mới thua một keo. Thế nào chúng cũng bầy keo khác.

- Vậy ta phải làm sao, thưa ông giáo ?

- Đêm nay, chúng chưa dám giở giói gì đâu. Nhưng đêm mai, ta phải coi chừng. Chúng dám làm ẩu lắm đấy.

- Dạ. Mình phải tính làm sao cho ổn đây ?

- Theo tôi đoán, chúng còn phải thông tin liên lạc với nhau, rồi chúng còn phải bàn thảo kế hoạch, chắc không tài nào hành động kịp ngay đêm nay. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, ông Ba cần phải dặn dò anh em canh phòng cho nghiêm mật. Nói cách khác ta không cho chúng hành động đêm nay dù chúng muốn.

"Nhưng có thể chúng ra tay đêm mai. Ta sẽ chiều theo ý chúng, mở lối cho chúng vào và tạo điều kiện cho chúng tung hoành. Tiện dịp, ta giải quyết vụ này một lần cho dứt khoát.

Thấy người đối thoại có vẻ chưa hiểu rõ ý mình, ông giáo thêm :

- Ý tôi muốn nói : Nếu chúng muốn gỡ ván thứ nhì vào đêm mai thì ta cũng chả hẹp gì mà không cho chúng gỡ. Có điều ta phải lo bố trí cho đàng hoàng, làm một mẻ trọn bộ để trừ hậu hoạn.

"Nếu mọi việc sẽ đúng như ta dự liệu thì tuy rằng chúng tấn công mà té ra chúng ta nắm phần chủ động.

"Thôi, muộn rồi, ông Ba cho tôi kiếu về soạn bài. Sớm mai, ông Ba ghé tôi lối bảy giờ. Tôi sẽ bàn kỹ lại với ông ít phút trước khi đi dậy.

- Dạ.

Sực nhớ đến mảnh giấy chi chít những con số xếp ngay hàng thẳng lối như một toán quân ly kỳ, ông Ba vội hỏi sau khi ông giáo nói mấy lời từ tạ với bà Hai :

- Thưa, còn mảnh giấy...

- Vâng, ông giáo đáp vội, cháu Hùng đã sao cho tôi một bản đây rồi. Còn bản chính, tôi đã dặn cháu đưa cho ông Ba hay bà Hai cất kỹ đừng để lộ cho người ngoài biết.

Ông Ba gặng hỏi lúc tiễn khách ra đến tận đầu hẻm :

- Thưa, còn ý nghĩa của những con số, ông giáo đã thấy chút ánh sáng nào chưa ạ ?

- Yên trí đi, ông Ba. Không có gì khó khăn lắm đâu. Tôi sẽ tìm hiểu và sẽ thưa chuyện với bà Hai và ông Ba sau.

Xem tiếp chương 5 & 6