Tuổi Ươm Mơ - Chương 3 & 4

hiểu làm sao ?

làm sao hiểu ?

Một ngày nào đó, tình yêu sẽ đến với ta, rất tự nhiên, không cần phải ai dạy cả. Thật vậy, nếu để sống, chúng ta không cần người ta chỉ vẽ : phải rán chịu khó tập thở ra hít vào để trong người luôn luôn có dưỡng khí, phải ăn uống, phải ngủ nghỉ ; những điều đó, là bản năng nên tự nhiên là ta biết. Cũng thế, để yêu, không cần người ngoài phải chỉ dẫn : phải làm thế này, phải làm thế khác, phải biết bồi hồi, rung động. Cái đó ai chỉ được đây?

Phải, tình yêu tự nhiên nó sẽ đến, như một người khách đã quen thuộc từ thuở nào, nó sẽ bước vào tâm hồn ta bằng cửa chính một cách đường hoàng. Phiền một cái là có những tình cảm khác cũng tự nhiên đến với tâm hồn ta, nó có dáng dấp của tình yêu khiến chúng ta rất dễ tưởng đó chính là tình yêu. Phiền, vì cũng y như ta sửa soạn nhà cửa để đón tiếp một thượng khách. Người khách đã đến, ta mở rộng cửa tiếp rước và hầu đãi nồng nhiệt với tất cả tấm thịnh tình cùng mọi thức quí báu đã dành sẵn. Nhưng rồi cuối cùng ta bật ngửa, vì người khách đó không phải là vị thượng khách ta mong đợi. Để tránh cái cảnh "bé cái lầm" đến độ dở khóc dở cười, cần thiết chúng ta phải làm một cuộc "nhận diện tình yêu" thật kỹ càng trước khi nói đến chuyện tiếp rước.

Ta nghe hoài đến chữ Yêu, ta muốn Yêu và muốn được người Yêu. Nhưng nếu có ai cắc cớ hỏi rằng Yêu là gì? Như thế nào mới gọi là Yêu thì chưa chắc ta đã trả lời cho xuôi được. Trả lời được câu hỏi này tức là cuộc "nhận diện tình yêu" kết thúc một cách mỹ mãn.

Khó trả lời cho xuôi, nhưng như vậy không phải là người ta tránh né không định nghĩa yêu là gì đâu. Trái lại là khác! Nếu những định nghĩa Tình Yêu biết "xếp hàng một đằng trước thẳng", chúng tạo ra một hàng khá dài. Trong đám định nghĩa lố nhố ấy, ta thử nhặt ra một vài anh xem sao nhé:

- "Yêu là chết ở trong lòng một ít..."

Vừa nghe câu mở đầu, chúng ta có thể ào ào đọc tiếp luôn mấy câu sau:

- ... "Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu,

Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết".

Nhưng không cần thiết đến cái trí nhớ "siêu việt" trong lúc này, câu chuyện của chúng ta chỉ xoay quanh câu thơ thứ nhất. Cái định nghĩa của một thi nhân có khác, ôi! Sao mà nó lâm li bi đát và lãng mạn ghê gớm, đọc xong ta có thể mất năm phút sụt sùi thương cảm nếu tâm hồn ta đa sầu và dễ rung động. Nhưng... khiếp quá! Nếu yêu mà là chết thì chắc càng yêu nhiều càng chết nhiều. Điều này trong chúng ta không ai ham và hình như cũng không ai cảm thấy như thế. Đọc xong định nghĩa này, tâm hồn ta có thể rối bời, tan nát chứ không hiểu biết thêm chút xíu gì về tình yêu. Thôi, đành để đấy và tìm đến một định nghĩa khác:

- Yêu nhau không phải là nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng.

Đây là định nghĩa của nhà văn Antoine de Saint Exupéry, tác giả cuốn Le Petit Prince (Hoàng tử bé). Câu định nghĩa thật cao thượng, xây dựng và dĩ nhiên là đẹp, nó còn có một vẻ hay đặc biệt đối với vị nào thích trò chơi chữ. Nhưng rồi, như vậy là Tình Yêu đó à? Ta nhận thấy lờ mờ như có một cái gì còn thiếu thốn sao ấy ; nói đúng hơn, câu định nghĩa này mới chỉ nói đến một trong những đặc tính của tình yêu. Chưa bằng lòng với định nghĩa này, ta cứ thử tìm định nghĩa thứ ba nữa xem sao, "hàng một định nghĩa" còn dài lòng thòng cơ mà.

Và đây, định nghĩa thứ ba:

- "Yêu là những công việc xảy ra giữa hai kẻ"

Tác giả định nghĩa này là Francois Sagan, một nữ văn sĩ thuộc phái hiện sinh. Quả thật, định nghĩa mang đầy tính chất hiện sinh làm ta đau đầu, thế nào là "những công việc xảy ra giữa hai kẻ"? Chỉ biết được khi mình đã yêu thực. Vậy mà hiện tại ta chưa hiểu yêu thực nó ra thế mô. Cái vòng luẩn quẩn. Tạm xếp câu định nghĩa hiện sinh này vào vị trí của nó nhé, ta điểm mặt một "anh chàng" khác:

- "Yêu là quyến luyến, thương mến, thường dùng trong nghĩa quyến luyến giữa trai gái".

Quê quán của "anh chàng" này là cuốn "Việt Nam tân tự điển" của học giả Thanh Nghị. Đọc câu này, chúng ta hiểu được và dĩ nhiên cảm thấy nó cũng đúng ở một đặc điểm nào đó của Tình Yêu, nhưng chắc chắn tình yêu không đơn giản như vậy, nó phức tạp hơn hai chữ "quyến luyến" và "thương mến" nhiều. Bởi thế định nghĩa này cũng không làm cho ta thỏa mãn.

Vậy thử tìm hiểu xem những nhà tu hành quan niệm yêu là cái gì gì. Đây là định nghĩa của một linh mục Công giáo:

- "Yêu là sự hòa hợp âm thầm giữa lòng và trí".

Nghe có vẻ "thần học" quá ta! Tuổi chúng ta, nói đến "hòa hợp âm thầm" đã là chuyện khó tưởng tượng, lại "giữa lòng và trí" nữa. "Siêu nhiên" quá khiến ta nghiêng mình kính cẩn, nhưng chắc là đọc xong, ta cũng chẳng hiểu rõ thêm được gì mấy về tình yêu.

Đã thử qua năm định nghĩa, ta chẳng thấy "anh" nào vừa mắt cả. Cứ suy ra như vậy thì chắc rằng kể thêm mười lăm, hai mươi câu nữa cũng thế thôi, nhìn vào "thế giới tình yêu", ta vẫn chỉ thấy nó là một cõi "u u minh minh" không biết đằng nào mà lần. Vậy, đành dừng lại "định hướng" cái đã. Tuy không hiểu được rõ rệt tình yêu là gì, nhưng qua cuộc "nhận diện" vừa qua, chúng ta rút ra được một kết luận rất chính xác : Tình yêu không thể là cái có thể gói gọn trong một câu định nghĩa, nó phức tạp và mênh mang hơn nhiều. Bởi vậy, một nhà thơ rất có lý khi viết:

- "Làm sao định nghĩa được tình yêu?"

Ngán ngẩm làm sao! Để chuẩn bị, ta đã cẩn thận tìm hiểu "tình yêu là cái chi" trước khi có thể "vào cuộc". Nhưng rồi ngay trong giai đoạn đầu tiên, ta cũng đã chịu thua, không thể định nghĩa được. Chẳng lẽ buông xuôi, sau này lỡ có yêu thì cứ yêu đại! Không, phải tìm cách khác chứ.

Có hai cách để hiểu một vấn đề, nếu tìm được một định nghĩa thích đáng là điều nhất, nhưng giả dụ như cách đó không dùng được, vẫn còn cách thứ hai : thay vì định nghĩa, ta tìm những đặc tính của nó. Ở đây, đã không hiểu được tình yêu bằng lối tìm định nghĩa, ta quay qua cách tìm đặc tính vậy.

Người Mỹ có một trò chơi ngồ ngộ như thế này : một nhóm người tụ họp trong phòng và để cử một người bước ra ngoài. Những người ở lại sẽ chọn một đồ vật nào đó trong phòng. Thỏa thuận rồi, họ mời người lúc nãy bước vào đố người này đoán xem họ đã chọn vật gì. Dĩ nhiên người kia làm sao trả lời ngay được câu hỏi, vì nếu biết họa chăng có là thánh hoặc... đoán mò. Bởi vậy, những người trong phòng dần dần phải nói cho anh chàng kia những đặc tính của vật mình đã chọn, người kia sẽ căn cứ vào đó để phỏng đoán. Đặc tính càng được kể ra nhiều, câu trả lời càng dễ đúng, nếu các đặc tính được kể hết thì dĩ nhiên câu trả lời kia không sai đi đâu được. Thí dụ mọi người chọn vật để đố là cái bàn viết, anh chàng mới chập choạng bên ngoài bước vào sẽ được "mách nước" bằng câu đầu tiên:

- Vật chúng tôi đố anh có một cái mặt hình chữ nhật.

Có một chút ý niệm rồi đó, nhưng chưa thể hấp tấp trả lời ngay được. Có lẽ phải xin thêm câu nữa, và người ta cho biết thêm:

- Cái mặt ấy làm bằng gỗ...

Và nếu anh chàng "cù lần" đoán chưa ra, càng lúc người ta càng cho biết thêm:

- Nó có bốn chân.

- Bên hông có một vật có thể kéo ra, đựng đồ được.

Và cuối cùng:

- Nó được dùng khi anh ngồi viết.

Trong trò chơi này, người giỏi là người mới được nghe có một hai câu "giúp ý" đã nhận ngay ra được vật họ muốn đố mình. Những anh chậm trí khôn thì cứ phải chờ thêm, càng cần thêm nhiều câu giúp bao nhiêu, càng... "ngu" bấy nhiêu. Đây là một trò chơi khá thú vị và có thể đo lường sự nhanh trí của các bạn ; chúng ta cũng dựa theo nguyên tắc cuộc chơi này để tìm hiểu tình yêu nó ra thế nào. Chỉ khác một điều, ở đây chúng ta không tranh đua, không thử sức xem ai khôn hơn ai, mà chúng ta cùng hợp tác và chân thành tìm hiểu, thế nên cứ cùng nhau kể ra hết mọi đặc tính của Tình Yêu, để rồi chúng ta cùng hiểu, cùng nhận thức về nó một cách rõ rệt. Làm tài khôn, lỡ đoán bậy rồi cứ đinh ninh rằng mình đã trả lời đúng, cái đó mới thật là nguy hiểm.

Mời bạn, chúng ta bắt đầu cuộc chơi...

đặc tính của một tình yêu đúng nghĩa

Nói đến đặc tính của Tình yêu, điều phải nhắc trước nhất là sự vô vị lợi. Nói một cách khác, ta bảo yêu là một cuộc tận hiến. Tận hiến, theo nghĩa của nó là dâng hết, cho hết, không giữ lại một chút nào cho riêng mình. Bắt đầu một cuộc tình cũng là bắt đầu cho, và dấu hiệu để người ta nhận biết tình yêu đầy hay vơi là nhìn xem ta cho đối tượng của ta nhiều hay ít, càng cho nhiều, càng yêu nhiều. Đến lúc nào thực hiện đúng nghĩa của chữ tận hiến, tình yêu của ta là tình yêu trọn hảo.

Bản tính của tình yêu là cho, tình yêu không phải là cái ta có thể ôm giữ được một mình, mà là phải san sẻ, phải cho đi. Ở đây ta cũng cần mở ngay một dấu ngoặc để nói với nhau : cho ở đây không phải là tặng quà, là đưa nhau đi chơi, đi ciné, vì cho nhau như vậy kể ra cũng còn dễ. Ở đây là ta cho đối tượng của mình chính con người ta, với khối óc, con tim, ước muốn và mọi tư tưởng cũng như hành động. Chúng ta cần ý thức điều này : Mục đích của tình yêu không phải là tìm hạnh phúc cho ta, mà là cho đối tượng. Để thực hiện lòng bác ái, chúng ta ủi an, giúp đỡ hoặc làm những công tác xã hội với mục đích là đem lại nguồn vui, một chút gì ấm áp, ân cần, tha thiết cho chính những người đang thiếu thốn, đang cần thiết chứ không phải tìm cái gì cho chính ta. Cũng thế, trong tình yêu, ta nghĩ đến đối tượng của mình, mong cho "người ấy" được vui vẻ, hạnh phúc, cho dù chính vì muốn tạo hạnh phúc cho "người ấy", mình gặp nhiều đau khổ.

Có hai người kia yêu nhau, rồi anh đi nhập ngũ, chị hằng tuần phải xuống trung tâm huấn luyện thăm anh, phải năn nỉ ỉ ôi hết người này đến người khác để được gặp anh, chưa hết, về nhà chị phải cắn răng nhận những roi đòn của bố đến bầm tím cả thân thể vì cha mẹ chị phản đối tình yêu đó. Đứng trên phương diện tận hiến, đó là một tình yêu chân thật, chị đã thắng, cha mẹ chị hiểu được giá trị tình yêu của con mình và sau này vui vẻ chấp nhận. Kể như vậy, không phải là ta "mách nước" cho nhau, vì thực sự ta chưa đến tuổi, nhưng để nêu rõ cho nhau thấy : Yêu, người ta đã cho đến như thế.

Chúng ta nên học ở bà mẹ về tình yêu vô vị lợi. Khi bà mẹ thương yêu, âu yếm đứa con, không phải vì đứa con ấy đã giúp ích bà điều nọ điều kia, bà không hề nghĩ đến chuyện ấy và bà yêu thương, âu yếm nó chỉ bởi một lý do duy nhất : nó là con của bà, sự âu yếm thương yêu bà dành cho con là kết quả tự nhiên của tình mẫu tử. Trong phạm vi tình yêu cũng vậy, luôn luôn vô vị lợi, và hạnh phúc là kết quả tự nhiên của tình yêu chứ không phải chúng ta yêu để tìm lấy hạnh phúc.

Những người theo Thiên Chúa giáo cho rằng tình yêu Thượng đế dành cho nhân loại là tình yêu tột đỉnh và cao quí nhất, ngài đã chịu chết cho nhân loại, và "không có tình yêu nào cao quí bằng hiến cả mạng sống mình cho người yêu" (Gioan, 15, 13).

Ta vừa đưa ra đặc tính thứ nhất của tình yêu :  Biết cho đi. Nếu có thể, chúng ta thử ngừng lại một phút, "lòng hỏi lòng" thử xem mình đã làm quen được với đặc tính này chưa. Cho mà không mong được đền trả, đâu phải chuyện dễ thực hiện, trừ khi ta yêu. Nhưng nếu tình yêu có đặc tính là biết cho thì cũng mang một đặc tính song đôi : biết nhận. Nghe đến nhận, ta cười khoái chí, vì cho thì khó chứ nhận thì có gì đâu, nhận bao nhiêu cũng được. Nhưng có điều đáng lưu ý nhé : biết nhận không đồng nghĩa với sự đòi hỏi, sự đòi hỏi tự nó mang bản chất ích kỷ đến độ đáng ghét. Người đòi hỏi chỉ mong muốn người ta thỏa mãn mọi nhu cầu của mình. Những điều họ đòi hỏi, mong muốn đó là điều tốt đẹp, lợi lộc cho họ, họ muốn vơ mọi thứ về mình, như đứa trẻ tham ăn, đòi tất cả mọi phần bánh kẹo, đồ chơi của các anh chị cho riêng mình. Thái độ biết nhận trong tình yêu thì khác hẳn, ở đây ngầm chứa một bản chất của sự hy sinh, một tâm hồn vị tha, đại lượng. Ta bằng lòng đón nhận hết những gì của đối tượng, do đối tượng đem lại, không hề khước từ, không hề lựa chọn. Ta đón nhận cả niềm vui, nguồn an ủi, những hạnh phúc, sung sướng, những thích ý ; đồng thời cũng dang tay đón nhận cả những buồn rầu, đau khổ do đối tượng gây nên, những nghịch lòng trái ý, những khuyết điểm...

Nhận như vậy mới là thái độ biết nhận trong câu chuyện tình yêu, và ngay bây giờ, nếu tự xét bạn cũng có thái độ biết nhận như thế đối với những người thân, người ta có thể xác định rằng tình yêu của bạn trong ngày mai sẽ thật đẹp, bông hoa tình yêu của bạn sẽ nở tươi tắn vì được tưới bón bằng một "hóa chất" thật nhiệm mầu.

Có những người không hề biết nhận những gì do đối tượng đem lại, đấy là không nói đến phải nhận những khổ đau. Một ông chồng nọ chẳng hạn, ông đi làm vất vả suốt ngày, và ông yêu vợ thương con, ông muốn vợ con được sung sướng, luôn luôn đầy đủ, ông không nghĩ đến thân ông cho bằng vợ con. Ta kết luận ông là người biết cho. Nhưng trong khi đó, bà cũng yêu ông, bà ở nhà săn sóc các con, và nhất là chăm nom chồng. Bà lo giặt ủi cẩn thận từng bộ quần áo, cái cà vạt, chiếc mùi xoa. Bữa bữa bà chịu khó vào bếp làm những món ăn thật ngon lành, thức ăn được "điều chế" bởi bàn tay khéo léo của bà thì thật... tuyệt. Bà mong chồng mau về, ông sẽ ngồi vào bàn ăn, ông ăn thật nhiều và khen món ăn ngon, hợp khẩu. Niềm vui của bà chỉ có thế, thật đơn sơ, và bình thường. Nhưng rồi ông về, ông ăn uống uể oải, gắp món ăn lấy lệ và không thốt được một lời khen, không có một tia nhìn tràn đầy yêu thương pha đôi chút cảm phục. Và... dĩ nhiên là bà buồn, niềm vui bị dập tắt chỉ vì những cử chỉ vô tình hay thiếu tế nhị của ông. Ông yêu bà lắm, nhưng khổ, ông chỉ biết cho mà không biết nhận. Chúng ta chưa từng là chồng hay là vợ, chưa từng nếm nỗi buồn của một người cố gắng đem khả năng và những gì mình có dâng tặng đối tượng mà bị "họ" vô tình hay cố ý từ chối. Nhưng hôm nào cứ thử quan sát mẹ ở nhà xem. Trong bữa ăn, thấy các con ăn nhiều, khen món này ngon, món kia khoái khẩu, khuôn mặt mẹ như rạng rỡ, mẹ tươi cười, âu yếm nhìn lũ con đang đua nhau "thu dọn chiến trường". Trái lại, hôm nào một đứa trong bọn vô tình thốt ra câu chê món này, món nọ, vài đứa cầm đũa đưa hai ba "đường" rồi đứng lên, mẹ buồn ra mặt ; không phải vì tự ái mẹ bị tổn thương, nhưng vì "thiện chí phục vụ" của mình bị các con chối từ. Quan sát nho nhỏ ấy khiến ta ý thức thái độ biết nhận trong tình yêu ở tương lai.

Như thế, tóm kết, ta có thể hiểu tình yêu là biết CHO và NHẬN, nhưng CHO và NHẬN kiểu đó, hẳn nhiên là cần phải biết hy sinh ; biết tha thứ, nâng đỡ, sửa đổi và biết bồi đắp.

Thật đấy, không hề có tình yêu nào mà không có hy sinh, cũng như không hề có bông hồng nào mà cành không có gai nhọn. Ta phải hy sinh nhiều lắm, hy sinh cả những cái đáng lý ta có quyền có. Nhưng trong khi chấp nhận hy sinh như vậy, ta đã tự ý từ khước một hạnh phúc nhỏ bé để chọn một hạnh phúc lớn lao hơn. Đời người là một chuỗi dài những lựa chọn mà ; đã lựa chọn tức là đã có hy sinh.

Với chúng ta, tình yêu quả là một cái gì tươi đẹp, hấp dẫn, ngọt lịm cứ y như là mật ong. Thì đúng như thế, nhưng không phải như vậy là không có những sóng gió. Nguyên nhân là tính bất toàn của con người. Nếu hiểu được "nhân vô thập toàn" và nếu yêu thật, chắc chắn ta sẵn lòng tha thứ cho những khuyết điểm của đối tượng, vì như đã nói : Yêu là phải có thái độ chấp nhận toàn thể con người của đối tượng, cả cái đẹp lẫn cái xấu, cả điều hay lẫn điều dở. Tuy nhiên, tha thứ không phải là thái độ buông xuôi, mặc anh hay mặc cô muốn làm gì thì làm, tôi chịu được hết. Ở đây, tha thứ là để nâng đỡ và sửa lỗi cho nhau, giúp nhau hoàn thiện con người, đưa nhau xa bỏ những khuyết điểm để cùng tiến trên con đường tươi đẹp.

Cuối cùng, tình yêu còn là biết cố gắng để bồi đắp mãi. Tình yêu không phải là cái kho hàng, càng dùng lâu, càng vơi đi, cho đến một lúc nào đó thì... hết yêu. Nói khác, tình yêu không giống như thái độ của ta lúc còn nhỏ đối với một đồ chơi. Lúc đầu ta thích thú, ôm ấp đồ chơi ấy, nhưng rồi qua một thời gian, đồ chơi ấy trở thành tầm thường vì quá quen thuộc, không còn gì mới lạ, hấp dẫn cả. Tình yêu khác, và đối tượng của chúng ta cũng không thể là một đồ chơi.

Muốn vậy, cần phải biết thường xuyên bồi đắp, để tình yêu càng ngày càng gia tăng chứ không sút giảm. Yêu không phải là tùy cảm hứng và tình yêu đòi hỏi một tâm hồn chung thủy liên tục, vĩnh viễn.

Như thế, ta phải nhận với nhau : tình yêu không phải tự nhiên mà sống mãi được, nó đòi hỏi người nhập cuộc một sự cố gắng, một sự rèn luyện thường xuyên. Điều này không những không làm giảm vẻ đẹp của tình yêu, trái lại, nó khiến cho tình yêu càng thêm cao đẹp và giá trị, vì nếu không cần một chút cố gắng nào cả, ta vẫn thương yêu đối tượng suốt đời, điều đó trong thực tế không khi nào có, mà nếu có đi nữa, nó cũng mất tính cách thơ mộng và ít giá trị, vì ta đạt được mà chẳng phải tốn công tốn sức gì hết. Ta không dám so sánh tình yêu với tiền bạc, nhưng đồng tiền kiếm được do sự vất vả cực nhọc bao giờ cũng quí hơn đồng bạc nhặt được hay trúng số.

Những trang vừa rồi được coi như những câu "mách nước" cho chúng ta trong cuộc chơi "tìm hiểu tình yêu". Bạn hiểu rồi chứ, tình yêu là như thế đấy. Có thể một ý nghĩ vừa thoáng qua trong trí bạn : "Tình yêu kiểu này lý tưởng quá, thực hiện sao nổi". Nổi chứ bạn, vì đồng ý có lý tưởng thật đấy, nhưng lý tưởng đâu phải là ảo tưởng, lý tưởng buộc chúng ta phải cố gắng hoài, nhưng vẫn là cái gì có thể theo đuổi được. Tuổi trẻ chúng ta đều say mê lý tưởng và đặt lý tưởng ở một nơi cao trọng nhất của tâm hồn. Tình yêu là một tình cảm đẹp nhất của đời người, dĩ nhiên nó cũng đòi hỏi đặc tính lý tưởng.

Câu chuyện "tình yêu lý tưởng" sẽ còn được nhắc đến nữa, nhưng có một vấn đề được đặt ra ngay, vì nó cần thiết : có những tình cảm mang dáng dấp tình yêu  và trước giờ ta đã từng ngộ nhận, rất cần lôi những chàng ấy ra để điểm mặt chỉ tên cho đích xác, kẻo rồi cứ lầm lẫn hoài, lầm anh nọ với anh kia và lầm mấy anh đó với anh chàng tình yêu.

Xem tiếp chương 5 & 6