Mây Trên Đỉnh Núi - Loại Hoa Xanh

Tủ sách Tuổi Hoa - 1972

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

Chương 5 & 6

Chương 7 & 8

   Chương 9 & 10

                   Chương 11-12 & 13 (hết)

Nguồn: KITTY sưu tầm và đánh máy

-------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 1

Em đi chầm chậm theo triền đồi, Đà Lạt buổi sáng mặt trời lên muộn, sương còn giăng màn trắng đục trên những hàng thông xanh. Em ngước lên cao, mây mờ che khuất màu xanh của vòm trời trên kia. Vài tia nắng mai thật nhạt, thật yếu ớt cố xuyên thủng lớp mây dầy để trải dài lên cỏ, để nhảy múa lung linh trên những bóng hoa dại rải rác khắp đồi. Em kéo cao cổ áo len, chạy nhanh xuống thung lũng để sang sườn đồi bên kia. Ở đấy, rừng thông có vẻ dày hơn, xanh hơn với những thân dài vút cao đùa reo với gió ngàn, với tơ sương bàng bạc, với những đám mây chùng thấp xa xa … Một con suối nhỏ chắn ngang lối đi, em dừng lại bên tảng đá đen lăn lóc cạnh một gốc thông già, 2 tay ôm lấy ngực thở nhè nhẹ. Mệt quá, em nghe máu chạy bừng bừng trong huyết quản, tại hồi nãy mình chạy nhanh quá, em thầm nghĩ. Em ngồi bệt xuống thảm cỏ, tựa lưng vào phiến đá, mơ màng. Đám mây xám trên cao mỏng dần, mặt trời đã lên. Nắng vàng tươi, nắng rực rỡ nô đùa trên vạt áo em màu ngọc, trên cỏ xanh, trên dòng suối óng ánh như con sông bạc trong truyện thần tiên mẹ thường kể dạo em còn bé tí. Bóng dáng mềm dịu của người thiếu nữ từ bên kia đồi đi xuống làm em chú ý. Tà áo trắng bay nhẹ trong gió lạnh buổi sớm, chập chờn như cánh bướm non và đôi chân nàng thoăn thoắt lướt êm trên cỏ. Người thiếu nữ thoáng chốc đã đến trước mặt em, môi hồng cười tươi phô hàm răng đều đặn như hạt ngô, tay phải nàng ôm giá vẽ và tay kia xách chiếc túi màu nâu. Em và nàng chỉ cách nhau bằng con suối bạc, nàng gợi chuyện làm quen:

- Em bé ra đây từ hồi nào vậy ?

Em bối rối, em cười gượng gạo:

- Dạ … dạ … em ra từ sớm lận

Người thiếu nữ vẫn cười nhìn em bằng đôi mắt đầy thiện chí:

- Em ra đây ngồi một mình không buồn sao ?

Em dạn dần:

- Rứa còn chị ? Chị cũng ra có một mình ?

Người thiếu nữ đặt giá vẽ xuống cỏ:

- Chị có công việc của chị chứ, cưng.

Em hỏi thật ngớ ngẩn:

- Chị vẽ à ?

Người thiếu nữ nghiêng nghiêng mái tóc:

- Ừ, em có thích vẽ không ?

- Thích, em mê hội họa lắm. Nhưng … nhưng em không biết vẽ

Em lại hỏi:

- Chị là họa sĩ hở ?

Người thiếu nữ lắc đầu:

- Chị chả là gì cả, chị thích vẽ là chị vẽ, vậy thôi

Người thiếu nữ căng bức họa còn vẽ dở lên giá:

- Lội qua giòng suối, sang đây với chị, em cưng.

Em như bị hấp lực bởi giọng nói trong veo thoát ra từ đôi môI hồng nhung, em cởi giày, đứng dậy, vén cao ống quần và tiến đến bờ suối.

Người thiếu nữ nhắc:

- Cẩn thận em, bờ suối trơn lắm đó

Em thận trọng từng bước, nước lạnh làm em hơi buốt lòng bàn chân. Người thiếu nữ lại hỏi:

- Lạnh hở em ?

Em ngạc nhiên:

- Răng chị biêt ?

Người thiếu nữ đưa tay đỡ em:

- Nhìn cái mặt em nhăn nhăn

Em tròn mắt nhìn nàng cười:

- Giống khỉ ăn ớt không chị ?

Người thiếu nữ chúm môi:

- Bậy nào, em đẹp hơn nhiều chứ ly.

Hai chị em cùng cười. Tiếng cười tan loãng mênh mông … Nàng hỏi em:

- À, em tên là gì nhỉ ?

- Em tên Sơn.

- Sao tên giống con trai vậy ?

Em cười:

- Tại ngày xưa em sinh thiếu tháng, khó nuôi, nên bà nội biểu ba phải đặt tên con trai cho em đó chi.

- Hay nhỉ, em là người Huế phải không ?

- Da.

- Hèn gì. Chị thấy em là lạ …

Em ngắt lời:

- Phải rồi, em lên đây chưa đầy một tháng mà. Em theo gia đình đổi lên đây …

Người thiếu nữ cầm lấy tay em:

- Chị hơi tò mò một chút, ba má em là công chức hả ?

Em kể:

- Không, ba em là thầu khoán. Tại vì tình hình Huế dạo này chộn rộn quá, ba em lại bị thất bại mấy cái áp phe, nên ông đưa cả gia đình lên đây thử thời vận.

Gió lồng lộng thổi, rừng thông reo vi vụ Em đến bên giá vẽ:

- Ồ, chị đang vẽ cảnh chi mà đẹp rứa ?

Người thiếu nữ đang lôi cây cọ từ trong chiếc xách màu nâu, ngẩng lên:

- Đố em đấy

Em nhìn chăm chú vào bức họa:

- Em thấy một đỉnh núi … một đám mây …. Và những hàng thông vút cao …

Người thiếu nữ đến sau lưng em, hơi thở nhẹ nhàng, em quay lại:

- Chết, em quên chuyện ni quan trọng lắm

Nhìn đôi mắt ngạc nhiên của cô gái, em đưa một ngón tay lên môi:

- Em chưa biết tên chi.

Thiếu nữ đập nhẹ vào vai em:

- Vậy mà làm chị hết hồn. Chị tên là Vân, Bạch Vân.

Em vỗ tay reo:

- Tên của chị là mây trắng, làm đám mây bông gòn lang thang trên kia. Chị đẹp quá, chị Vân ơi.

Chị Bạch Vân nhìn em chan chứa cảm tình:

- Sơn, em dễ thương lắm, ước gì chị có một cô em gái như em

Em chớp nhẹ đôi mị Em cũng ao ước như vậy chị Vân, giá chị là chị ruột của em nhỉ, chắc em là người hạnh phúc nhất trần gian. Chị dịu dàng quá, chị trong trắng như một thiên thần, chị xinh tươi như nàng tiên này. Em là đứa con gái duy nhất trong một gia đình có 3 người con, mà chị Vân biết không ? Anh Hải em đã đi du học tận Tây Đức xa xôi ngàn dặm và bé Tuấn thì còn nhỏ xíu, em thật bơ vơ trong gian nhà rộng lớn. Ba mẹ đi vắng luôn, vú Thoan lại già nua lẩm cẩm, em chả biết chơi với ai ngoài con mèo Mi Mi … ước gì em có một người chị như chị, chị Vân ơi.

- Em nghĩ gì vậy Sơn ?

Em giật mình, nhìn chị Vân:

- Chị Vân, em đang nghĩ đến chị, em cũng ao ước có một người chị dịu hiền như chi.

rứa. Chị Vân ơi, chị cho phép Sơn được làm em của chị nghe.

Đôi mắt chị Vân rưng rưng, chị Ôm em vào lòng:

- Sơn, không hiểu tại sao chị thấy thương em kỳ lạ, dù đây là lần thứ nhất chị em mình gặp nhau.

Em ngồi sát vào người chị Vân, bàn tay chị vuốt nhẹ mái tóc em. Sương tan dần trên cỏ xanh, sương nhạt mờ theo bóng nắng. Và em lâng lâng thả hồn theo muôn tiếng chim hót trên cành. Thời gian qua mau, em bảo chị Vân:

- Chết chưa, em làm rộn chị quá, chị còn phải vẽ nữa chứ

Chị Vân dịu dàng:

- Hôm nay đặc biệt, chị cho phép chị nghỉ một buổi

Em mân mê cây cọ trong tay chị Vân:

- Ngày mô chị cũng ra đây vẽ hả chị Vân ?

- Mỗi sáng chủ nhật thôi em, chị còn biết bao nhiêu công chuyện

- Nhà chị Ở mô ?

Chị Vân đưa tay chỉ về phía ngọn đồi hồi nãy chị đã từ đó đi xuống

- Nhà chị Ở sườn đồi bên kia

Em nhìn về phía đối diện hướng nhà chị:

- Nhà em lại ở mép đồi bên ni, rứa là nhà hai chị em mình cách nhau bởi một thung lũng.

Chị Vân cướp lời:

- Và con suối nữa chứ

Em quàng tay ôm vòng lưng nhỏ nhắn của chị Vân:

- Dạ … cả con suối nữa

- Hôm nào rảnh, chị dẫn Sơn về nhà chị chơi nhé

- Da.

- Chủ nhật tuần sau, Sơn nhớ lại đây gặp chị nhé

- Da.

Chị Vân siết vai em:

- Trưa rồi, Sơn về đi kẻo ba má chờ

Em quyến luyến:

- Chị Vân, tuần sau mình gặp lại nhau nghe

- Ừ, Sơn cứ đến đây, sẽ gặp chị. Chủ nhật nào chị cũng ra đây vẽ cả mà

Em lại cởi giày để lội suối, em hỏi chị Vân:

- Chị về một lần với em chớ ?

Chị Vân mỉm cười, đôi má lúm đồng tiền thấy thương:

- Chị Ở lại vẽ chút xíu nữa. Sáng hôm nay nắng lên muộn quá, đến giờ này, rặng núi đằng kia mới thấy rõ, để chị tô màu nốt.

Em chần chừ, chưa muốn băng qua suối vội, em năn nỉ:

- Em ở lại xem chị vẽ nghe, chị Vân

- Trưa rồi đấy, Sơn a.

- Một chút thôi mà chi.

- Ừ, thôi lại đây

Em lại gần suýt soa:

- Ồ, tuyệt quá, đám mây giăng ngang đỉnh núi chị vẽ linh động ghê a

Chị Vân vừa đưa cây cọ lên xuốn lẹ làng, vừa bảo em:

- Chị sợ đám mây đó bay đi quá Sơn ạ, ít khi thấy được đám mây đẹp như vậy

Em quả quyết:

- Đám mây đó sẽ không tan mô chị Vân ơi

Chị Vân ngạc nhiên:

- Sao kỳ vậy Sơn ?

Em làm ra vẻ bí mật:

- Để em nói chị nghe hí. Em tên Sơn là núi, chị tên Vân là mây. Sáng ni mây gặp núi rồi thì núi sẽ ôm chặt mây lại, sức mấy mà mây bay đi cho được

Gương mặt chị Vân sáng ngời, chị cười theo em:

- Sơn của chị lý luận hay ghê, chị chịu thua rồi đó. Ừ, thì em ráng giữ đám mây đó cho chị để chị hoàn thành xong bức tranh nhé

Em đưa tay nhìn đồng hồ và chợt tiếc thời gian sao qua mau.

- Thôi em về nghe chị Vân

- Ừ, lội suối coi chừng ngã em cưng. Tuần sau nhớ ra gặp chị nhé

- Da.

Em chạy một mạch lên tới đỉnh đồi và quay lưng lại. Dáng dấp chị Vân thật nhỏ bé, màu áo trắng nổi bật giữa nền xanh của thảm cỏ, của ngàn thông và của vòm trời bao la biêng biếc trên cao.

Em gặp vú Thoan trên bậc thềm, đôi mắt vú nhíu lại:

- Con ni thiệt hết nước nói, đi chơi chừ mới chịu về

Em nhảy chân sáo vào nhà:

- Còn sớm mà vú

Vú Thoan gắt:

- Sớm, sớm, trưa đứng bóng rồi, ở đó mà sớm. Vô ăn cơm đi cho tao còn dọn dẹp

Em không để ý đến lời nói gay gắt của vú Thoan. Em hiểu vú, sau cái chết của đứa con trai độc nhất, tính tình vú thay đổi hẳn đi. Vú hay gắt gỏng, vú hay bực tức vô duyên cớ và làm cho mọi người chung quanh phải khó chịu theo mình. Nghe ba kể lại, ngày xưa vú góa chồng sớm, có một đứa con trai không nuôi nổi nên phải gởi vào cô nhi viện. Vú là người cùng làng với ba, nên ba thương tình gọi đến nhà cho ở giữ anh Hải hồi đó mới lên 3. Ba mẹ còn cho phép vú đem Lập, con của vú về ở chung nữa để mẹ con vú khỏi phải xa nhau. Anh Lập hơn anh Hải một tuổi, ba cho anh đi học và xem như con cháu trong nhà. Em vẫn nhớ mơ hồ cái dáng cao lêu nghêu và đen thui của anh Lập, mỗi lần anh leo lên cây trứng cá sau nhà hái trái cho em ăn. Rồi anh Lập thi rớt phần nhất, trong khi anh Hải tiếp tục học lên mãi. Anh Lập chán nản, anh đăng lính, từ đó anh theo đơn vị thuyên chuyển khắp nơi, cả năm mới về thăm nhà một lần. Vú Thoan vẫn ở lại nhà em và trở thành người quản gia trung thành thân tín. Sau ngày anh Hải xin được học bổng đi Tây Đức, nhà còn lại em và bé Tuấn. Vú Thoan thương 2 đứa em còn hơn con ruột, vú săn sóc, chiều chuộng 2 đứa đủ thứ, vú thường nói:

- Tội nghiệp 2 đứa bây, ông bà bận làm ăn cứ đi hoài đi hủy làm tao phải sốt ruột theo. Con cái kháu khỉnh ri mà cứ để lăn để lóc.

Rồi cách đây 2 tháng, hung tin từ biên giới đưa về, anh Lập đã hy sinh trong một trận đánh ở Cao Lãnh. Vú Thoan ngất đi trong tay người bạn đồng đội của anh Lập và khi tỉnh dậy, vú la vú hét, vú xổ tung mái tóc như bà điên. Vú lăn quay xuống nền nhà như cái vụ. Vú theo chiếc GMC chở linh cửu anh Lập về chôn tại quê chồng và khi trở lại, vú gầy sút hẳn đi. Từ đó vú ngẩn ngơ như kẻ mất hồn và đôi lúc vú dữ tợn kỳ lạ. Bé Tuấn thường gọi vú là bà chằng như ba la, ba bảo nên thông cảm với hoàn cảnh Vú. Rồi gia đình em dọn lên Đà Lạt, vú xin theo, đôi mắt vú rưng rưng, cái miệng vú méo xẹo:

- Ông bà cho tui theo với, tui một thân một mình, chừ biết nương tựa vô mô nữa

Tiếng bé Tuấn gọi làm em giật mình:

- Ăn cơm cho rồi chị Sơn, em đói quá

Em bước lại bàn ăn, vú Thoan dở nắp lồng bàn:

- Bữa ni tao nấu bún, 2 đứa bây gắng ăn cho no nghe

Bé Tuấn láu táu:

- Bún chi rứa vú ?

Giọng vú Thoan bỗng trở nên hiền dịu:

- Bún cua đó con, ăn đi con, ăn cho mau lớn, mau mập, mau mạnh …

Đôi mắt vú nhìn sững ra khung cửa, em có cảm tưởng như vú đang nói với anh Lập, với đứa con thân yêu đã vĩnh viễn ra đi.

Vú ăn thật ít, vú đứng dậy, lặng lẽ đi ra sau bếp. Bé Tuấn thúc tay em:

- Em sợ vú Thoan quá chị Sơn ơi, ngó như mụ điên a

Em trừng mắt:

- Tuấn không được nghĩ bậy nghe chưa ? Vú Thoan đang buồn nên vú mới rứa chớ

Bé Tuấn nói lảng:

- Bún ngon ghê chị Sơn hí. À mà ba me đi mô lâu về rứa hè ?

- Ba me xuống Saigon, chắc chiều hoặc mai là Ba me về đó

Em trở về phòng. Đồng hồ trên tường gõ một tiếng. Qúa trưa rồi. Em buông mình xuống giường và nghe cô đơn. Gian phòng như rộng hẳn ra, như thênh thang vô tận cho nỗi buồn dần lan khắp không gian. Ba ơi, ba đi đâu mà lâu vậy ? Me ơi, công việc làm ăn bận rộn đến nỗi me quên cả con sao ? Hôm chiều thứ 5, me bảo me đi đến thứ 7 về mà bây giờ đến chủ nhật rồi đó me ơi. Ngày nghỉ ở nhà không có me con buồn quá, vú Thoan thì càng ngày càng khật khùng, con sợ vú nổi cơn điên bất chợt ghê.

Em ngủ quên cho đến khi tỉnh giấc thì đã 4 giờ. Em vươn vai ngồi dậy, bước ra phòng khách, bé Tuấn đang chơi với chiếc tàu bay giấy và vú Thoan ngồi tư lự bên bực cửa. Em lại gần:

- Vú xê một bên cho Sơn mở cửa

Vú Thoan nhìn em dò hỏi:

- Lại đi mô nữa đây ?

- Sơn lên đồi chơi một chút mà

Vú đứng dậy càu nhàu:

- Đi, đi mô mà đi hoài rứa không biết

Sương lại bắt đầu xuống. Gió thổi về lành lạnh hất tung mái tóc. Em đếm từng bông hoa dại nở trên lối đi đưa em lên đến đỉnh đồi. Dưới thung lũng, con suối vẫn hiền hòa chảy qua bờ đá, nhưng chị Vân không còn ở đó nữa. Nơi chị Vân đặt giá vẽ ban sáng, thảm cỏ vẫn xanh tươi, ngàn thông vẫn vi vu ru vào hồn em nỗi niềm thương nhớ. Em cúi xuống nhặt một trái thông khô tung lên trời và gọi nhỏ chị Vân ơi, chị Vân ơi .

Chương 2

Sáng nay em vào lớp muộn, con Nguyệt Hồng gọi em ơi ới:

- Xuân Sơn, Xuân Sơn

Em quay lại:

- Chi rứa mi ?

Nhưng cô Thục đã bước vào lớp. Nguyệt Hồng nói nhỏ:

- Để ra chơi tao kể chuyện ni cho mi nghe hay lắm

Em nao nức suốt 2 giờ học. Nguyệt Hồng cầm tay em kéo nhanh ra khỏi lớp ngay khi trống vừa điểm giờ chơi

- Xuân Sơn ni, chủ nhật ni chị Hương tao tổ chứa làm bánh đó. Mi vẫn thường muốn tập làm bánh “su crème” phải không ? Nhớ đến chị Hương dạy cho.

Thật trúng ý em nếu Nguyệt Hồng cho em biết tin này ngay sáng thứ 7 vừa quạ Giờ thì không được nữa rồi vì em đã trót hẹn với chị Bạch Vân. Đối với em lúc này, không ai thay thế được chị Vân, dù đó là chị Hương, người chị cả của Nguyệt Hồng thùy mị dễ thương đã mến yêu em như đứa em ruột.

Nguyệt Hồng nhăn mặt:

- Răng Sơn ? Tao hỏi răng mi không trả lời ?

Em tần ngần:

- Chủ Nhật … Chủ nhật ni có lẽ tao bận …

Nguyệt Hồng hỏi dồn:

- Bận chi ? chừ mới thứ 2 thôi mà, còn đến 6 ngày nữa

Em ngập ngừng:

- Tại mi không nói sớm

Nguyệt Hồng không vui:

- Nói ri là quá sớm rồi chớ chi nữa - Rồi nó nhìn em nghi ngờ - Mà mi bận chuyện chi rứa ? Răng lại dấu tao ?

Không lẽ em nói với Nguyệt Hồng là em bận đi chơi với chị Bạch Vân. Mà chị Bạch Vân là ai, chính em, em cũng chưa biết rõ chị là ai nữa, chị là một họa sĩ ? một nữ sinh, hay là một cô gái đã ra đời va chạm nhiều với thực tế, nên mỗi sáng chủ nhật, chị thường lên đồi thông, thả hồn vào mộng tưởng để quên đi những giây phút muộn phiền ? Em không biết gì cả hay nói đúng hơn là em chưa biết gì cả. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi sáng hôm qua trên đồi thông ngát xanh đó, chỉ vừa đủ thì giờ cho em nhận thấy rằng, chị Bạch Vân là một cô gái thông minh và đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn nhiên ấy đã ám ảnh em suốt cả buổi chiều.

- Sơn, nói cho tao nghe đi

Em hứa để Nguyệt Hồng an lòng:

- Ừ tao sẽ cố gắng đến

Nguyệt Hồng là bạn học của em từ dạo ở Huế. Hai đứa ngồi bên nhau từ mẫu giáo cho đến lớp nhì thì gia đình Nguyệt Hồng dọn lên Đà Lạt sau tết Mậu Thân. Ba Nguyệt Hồng là công chức cao cấp nên sau biến cố đó, ông không dám ở Huế nữa, nỗi lo sợ ám ảnh sau một lần thoát chết đã khiến ông xin thuyên chuyển lên Đà Lạt. Em gặp lại Nguyệt Hồng giữa sân trường Bùi Thị Xuân chan hòa ánh nắng ban mai buổi tựu trường tung bay muôn ngàn tà áo trắng. Nói làm sao hết niềm vui sướng tràn lan khi gặp lại người bạn thời thơ ấu. Ngoài những giờ học ở trường, em và Nguyệt Hồng thường chở nhau trên chiếc Yamaha của nó đi chơi khắp nơi trong những ngày chủ nhật, hoặc đến nhà nó học đan và làm bánh với chị Nhật Hương. Hôm qua, Nguyệt Hồng bận đi ăn giỗ người bà con, em đành phải ở nhà đem toán ra làm một mình. Gian phòng vắng hoe, vú Thoan đi chợ về quăng chiếc giỏ xuống đất càu nhàu:

- Chợ với búa, chán ơi là chán, đồ ăn chi mà còn mắc hơn vàng.

Gặp mặt vú Thoan là thấy bực mình rồi, lại thêm bài toán hắc búa làm hoài chẳng ra. Em xếp tập bỏ vào ngăn kéo rồi thả bộ lên đồi chơi và tình cờ em đã gặp chị Bạch Vân ở đó.

Buổi trưa đi học về me ra đón em tại cửa. Em reo lên:

- A, me về, me về

Me ôm vai em:

- Sơn ở nhà có ngoan không ? Bé Tuấn có ngoan không ?

Em phụng phịu:

- Răng me hẹn con chiều thứ 7 mà mãi đến chừ me mới về ?

Me vuốt tóc em:

- Tại công việc chậm trễ chứ me cũng nóng lòng lắm mà

- Ba có cùng về với me không ?

- Có, ba đang tắm.

Em vào phòng cất cặp rồi lại ngồi bên mẹ Cơm đã dọn trên bàn với những đĩa thức ăn thịnh soạn, ba từ buồng tắm bước ra, xúng xính trong bộ pyjama mới. Bé Tuấn vỗ tay:

- Hoan hô ba, bữa ni ba diện ghê

Ba cười lớn:

- Me bây làm tốt cho tao đó

Ba kéo ghế ngồi xuống:

- Còn con Sơn, ba có mua cho con cái manteau đẹp lắm.

Em đang xới cơm, chợt dừng lại:

- Mô ba ?

Me trả lời dùm ba:

- Còn trên Air V.N a, ba me về bằng máy bay, nên bao nhiêu đồ đạc phải gửi

bagage.

Bé Tuấn khoe:

- Ba mua cho em đôi giày đẹp lắm chị Sơn ơi

Không khí trong phòng ấm cúng hẳn lên. Em nuốt miếng cơm thấy ngọt ngào cổ họng, em nhấp miếng canh nghe thanh thoát cả hồn. Nhưng hình ảnh êm đềm này biết có tái diễn được lâu không, hay là ngày mai, rồi ba sẽ đi, rồi me sẽ đi, trả em về với những ngày thui thủi buồn tênh, trả em cô đơn giữa căn nhà rộng rãi với bàn ghế lạnh lùng, với hoa cỏ vô tri, với đồi thông sau nhà ngàn năm vẫn reo hoài điệu buồn muôn thủa. Niềm vui trong em thật mong manh, nỗi mừng trong em chưa kịp dâng lên đã chìm xuống khi nghe ba bảo mẹ:

- Mình định đi mô về Bảo Lộc gặp anh Tường ?

Me gắp miếng thịt bỏ vào chén:

- Tùy mình, nhưng cũng phải liệu đi cho sớm, nội trong tuần ni, không thôi trễ chuyện hết.

Ba gật gù:

- Thôi để ngày mốt đi. Mai ở nhà nghỉ một bữa cho khỏe

Em buồn quá, em bỏ đũa xuống. Me âu yếm hỏi:

- Răng con ăn ít rứa Sơn ?

Em nói dối:

- Con no rồi me ơi

Me cười bảo ba:

- Con Sơn nôn thấy cái áo Manteau nên ăn cơm không được. Thôi ăn cơm xong mình nên đi lãnh Bagage về sớm cho con nó mừng.

Ba nhìn em cười chúm chím:

- Me nói rứa có phải không hở con gái của ba ?

Em cúi đầu nhìn những cành hoa tím thêu trên chiếc khăn trải bàn. Em muốn khóc quá, me không hiểu con rồi ba cũng không hiểu con nữa. Con chỉ cần ba me ở mãi bên con, săn sóc con từng li từng tí như ba me của Nguyệt Hồng vậy. Con thèm vòng tay ấm nồng của ba, con thèm ngủ vùi trong lòng me như ngày nào còn nhỏ dại, thế thôi, con không ham được mặc áo đẹp hay những món quà đắt tiền khác mà phải chịu xa lìa ba mẹ hoài, con buồn quá làm sao chịu nổi.

Cả nhà đã dùng cơm xong. Vú Thoan lặng lẽ bưng chén bát xuống bếp. Me nói với theo:

- Chiều ni vú ra chợ mua tim cật về, tôi nấu cháo, tối cho hai đứa nó ăn

Vú Thoan lại nhăn mặt:

- Chợ chiều làm chi có tim cật, chợ chiều vắng hoe vắng hoét, người ta chỉ hạ heo buổi sáng thôi bà ơi.

Me biết tính vú, me đấu dịu:

- Vú chịu khó đi một chút nghe vú, tôi mới về mệt quá, không thôi ai làm phiền vú làm chi

Vú cầm tờ năm trăm me vừa đưa, vú ra ngồi bên chiếc giường tre sau bếp, lẩm bẩm:

- Cháo tim cật, cháo tim cật. Con ơi là con, tao nhớ là mi ưa cháo tim cật lắm mà, có ăn không tao nấu cho luôn thê?

Vú đang lên cơn. Bé Tuấn chạy vào mách ba:

- Ba ơi ba ơi, vú Thoan nổi điên

Cơn khủng khoảng chỉ đến với vú 5-10 phút thôi rồi vú bình thường trở lại. Vú hỏi em:

- Mi ưa ăn tim cật với chi nữa ?

Em đang uống nước đáp:

- Vú mua dồi trường nữa nghe vú

Vú Thoan vỗ vào tay em suýt rơi cái ly xuống đất:

- Con ni nhỏ mà khôn vô hậu. Ừ, dồi trường cũng ngon lắm, thằng Lập cũng thích lắm.

Vú lại nhắc đến anh Lập, em sợ vú nổi điên thêm một lần nữa, em đi vội lên nhà trên.

Em giúp mẹ bắc nồi cháo lên. Vú Thoan đi chợ về ra ngồi rửa tim heo cạnh lu nước. Vú hỏi em:

- Sơn ni, tim heo có giống tim người ta không Sơn ?

Em lại ngồi gần vú:

- Tim người ta cũng rứa vú ơi

- Tim mi cũng rứa, tim tao cũng rứa mà tim thằng Lập cũng rứa phải không Sơn ?

Em nhíu mày:

- Vú cứ nhắc tới anh Lập hoài rứa ?

Vú đứng lên múc một gáo nước đổ vào chậu:

- Tim thằng Lập không giống ri mộ Thằng Lập chết rồi, tim thằng Lập tan nát rồi

Em ngồi yên nhìn đôi cánh tay vú vuốt ve quả tim heo đỏ bầm trong chậu. Em không trả lời thêm câu nào dù vú hỏi thêm dồn dập. Em nghe lòng mình xúc động khi nhìn vào đôi mắt rưng rưng của vú Thoan, bà mẹ già nua đã gửi một nửa linh hồn theo người con thân yêu về bên kia cõi sống. Trong nhà, ai cũng có nhận xét như em, từ ngày anh Lập chết, vú Thoan như kẻ mất hồn, có nhiều đêm khuya khoắc, vú mở cửa sau, chạy lang thang trên đồi như một bóng ma.

Me gọi em:

- Sơn ơi, lấy cho me chút tiêu

Me đang xắc những cọng hành thơm tho, em nói:

- Me để con làm dùm cho

Me âu yếm:

- Thôi, con gái me vào phòng nghỉ đi để đó cho me.

Ngày vui qua mau như bóng câu, như cánh én. Sáng nay me đã sửa soạn đi Bảo Lộc với bạ Xe ba đưa em tới trường, bạn bè đông đúc nhưng sao em vẫn thấy lạc lõng bơ vợ Nhìn theo màu xe xanh khuất sau khúc quanh cuối đường, em lủi thủi đi vào cổng. Gió sớm lạnh lùng như hồn em băng giá, ngọn lửa nào sưởi ấm được lòng em giữa lúc này?

Xem tiếp chương 3 & 4