Những Nốt Nhạc Trầm - Chương 3 & 4

Chương 3

- Tất nhiên là Khánh phải đi rồi, đến Nha Trang mà suốt ngày cứ ru rú ở trong nhà thì thà ở lại Đà Lạt còn hơn, phải không Khánh ? 

Em mỉm cười thay câu trả lời, anh Hoàng thêm : 

- Xin quý vị chớ quên rằng chúng ta chỉ có ba ngày ở đây thôi đấy, đừng có làm điệu để rồi phải ân hận đấy nhé. 

Mọi người bật cười khanh khách, chị Hân là người đứng dậy trước hơn ai hết, chị nói liến thoắng: 

- Không có lôi thôi gì hết, nào đi, ai muốn đi thì đứng dậy, ai không muốn đi thì cứ ngồi lại đó. 

Anh Khải cười : 

- Tất nhiên không đi là ngồi yên rồi, cô rõ nói thừa. 

Chị Hân lườm anh Khải một cái rồi bỏ ra phòng khách. Anh Khải, anh Hoàng cười nhìn em : 

- Thôi mình đi Khánh, không thôi có người lạc đường khóc hu hu lên bây giờ. 

Chị Hân nghe loáng thoáng được câu nói quay phắt lại sừng sộ : 

- Cái gì, anh nói ai lạc đường ? 

- Ai thì người đó biết ấy. 

- Anh làm như anh thông thạo đường phố Nha Trang lắm đấy. 

- Không hơn ai nhưng hơn cô được rồi. 

- Chưa chắc. 

Anh Hoàng cười cười : 

- Thôi cô ơi, đấu khẩu không lại đâu, giả tỉ như đây là Sài Gòn thì tôi chịu thua cô đấy. Nhưng rất tiếc đây lại là Nha Trang mới đau khổ chứ. 

Hai má chị Hân vốn dĩ đã đỏ lại càng đỏ thêm vì câu nói của anh Hoàng. Không hẹn mà nên tất cả mọi người đều nhìn nhau mỉm cười chế nhạo làm chị Hân mắc cỡ. Ai cũng biết là anh Huy, hôn phu của chị Hân đang học Luật năm thứ ba ở trường Luật Khoa Sài Gòn. Vụ nghỉ Quốc Khánh ba ngày này nhà chia ra làm hai phe đi chơi. Một phe đi Nha Trang gồm anh Khải anh Hoàng. Phe kia là chị Hân. Em đứng trung lập bởi vì em đi nơi nào cũng được cả, ai hỏi em, em cũng lắc đầu không biết. Lần này hai ông anh của chị Hân nhất định không chiều chị nữa. Đi Sài Gòn gì mà đi hoài, đi Nha Trang thôi, lâu quá không thăm Nha Trang, nhớ lắm. Chị Hân chịu thua bởi chị không muốn bị chế nhạo là lúc nào cũng tương tư Sài Gòn hết. 

Bốn anh em ra xe, em muốn ngồi sau với anh Hoàng, nhưng chị Hân không chịu, chị nói Khánh lên phía trước đi, cạnh anh Khải. Anh Hoàng cười, le lưỡi : 

- Hân muốn ngắt véo hay cãi nhau với anh nữa cho tiện phải không ? 

- Ai thèm. 

Anh Khải lái xe đi, anh vừa cười vừa bảo : 

- Cô Hân thì ai mà nói lại, bây giờ đi đâu nào ? 

- Ra biển. 

Chị Hân nói liền, nhưng anh Hoàng phản đối : 

- Gì mà ra biển, quê thấy mồ, đi một vòng phố đi anh Khải. 

- Phố đi hết chiều hôm qua rồi, anh bảo anh thông thạo đường phố Nha Trang thì còn đòi đi phố làm gì. 

Anh Khải quay sang em : 

- Thôi để Khánh ưu tiên chọn, Khánh là khách của Nha Trang mà, bọn anh thì quen quá rồi. Khánh muốn đi đâu ? 

Em lắc đầu cười nhỏ : 

- Em đâu biết gì mà nói, anh Khải chở đi đâu cũng được. 

- Khánh chọn đi chứ. 

Em chỉ lắc đầu và lắc đầu, anh Khải yên lặng cười : 

- Thôi được, để anh cho Khánh nghe mấy ban nhạc hay của Nha Trang. Cam đoan là Khánh sẽ chịu ngay. 

- Ở đâu anh Khải ? 

Anh Hoàng ngó chị Hân cười chế nhạo : 

- Cô hỏi làm gì, cô thạo thành phố Nha Trang mà. 

- Em có hỏi anh đâu. 

Anh Hoàng đặt lưỡi vào hai hàm răng trêu : 

- Sao cô hiền thế, hở ? 

Xe ngừng trước một ngã tư, anh Khải tắt máy xe. 

- Thôi đừng cãi nhau nữa, Hân muốn biết ở đâu thì nhìn đi là biết ngay. 

Anh Hoàng đẩy tấm cửa kính trong suốt nhường chỗ cho em vào trước. Em ngập ngừng một chút không dám bước, em vẫn chưa quen với không khí và lối sống mới của gia đình bác Khanh. Chị Hân hiểu ý bước lên nắm tay em đi vào. Em thích một chiếc bàn trong góc, luôn luôn em thích ngồi những nơi như thế. Thu hình và chìm lỉm giữa đám đông. Anh Khải hỏi khi chú bé hầu bàn đến : 

- Khánh, Hân uống gì ? 

Em lại lắc đầu, thực tình em cảm thấy mình quê mùa và xa lạ với những tiệm nước như thế này. Em không dám và cũng không biết gọi gì vì sợ để cái dốt của mình ra. 

Anh Khải nói : 

- Sao mà Khánh thích lắc đầu thế, nói đi chứ. 

- Em không biết, anh Khải gọi gì cũng được. 

- Sao lại gì cũng được? 

Em cười bẽn lẽn cảm thấy đôi má mình nóng bừng lên vì thẹn. Anh Khải nhìn chị Hân : 

- Hân thì sao, lại cái gì cũng được phải không ? 

Chị Hân mím môi không nói, anh Hoàng dịu dọng bảo : 

- Để anh giới thiệu với Khánh môn sữa tươi ở đây, cam đoan là rất ngon. 

Anh Khải gật đầu : 

- Sữa tươi ở đây được lắm. Anh thích nhất café sữa, chưa có nơi nào làm anh vừa ý bằng café nơi này. 

Em biết tính anh Khải, anh uống café thật khó tính, café pha cho anh mà không đậm, không sánh thì anh thà uống sữa không còn hơn. Anh đã khen café ở đây thì chắc chắn là café phải ngon không sai chạy. 

Anh Hoàng gọi : 

- Cho hai phin sữa đá và một sữa tươi. 

Anh quay sang chị Hân : 

- Hân sao, sữa tươi luôn chứ ? 

- Không. 

Hai mắt anh Hoàng tròn lại : 

- Vậy chứ cô muốn gì ? Cam vắt ? 

Môi chị Hân chu lại bướng bỉnh : 

- Em uống phin sữa đá. 

Anh Hoàng cười nhẹ : 

- Giỏi, cô muốn uống anh cho uống. 

Em với anh Khải ngồi ngó chị Hân với anh Hoàng cười. Trong nhà chỉ có anh Hoàng là hay trêu tức chị Hân nhất. Hai anh em cãi nhau tối ngày, nhưng cũng chính vì thế mà chị Hân đối với anh Hoàng thân mật hơn anh Khải. Có chuyện gì chị cũng thủ thỉ kể cho anh nghe. Dẫu sao chị với anh Hoàng cũng sát tuổi nhau hơn với anh Khải. Một lý do nữa để chị Hân gần anh Hoàng hơn là vì anh Huy là bạn của anh Hoàng. 

Chú nhỏ bưng ra một khay ly tách, anh Hoàng đặt trước mặt em ly sữa trắng muốt. Anh Khải nói: 

- Uống sữa không ngon hơn. 

Anh Hoàng cãi : 

- Em thích « bào chế » hơn là để nguyên chất. 

Em ngồi ngó ly sữa tươi của mình, màu sữa trắng thật trắng, em nghĩ đến màu trắng của đôi cánh thiên nga trong những chuyện thần tiên. 

Anh Hoàng cầm chiếc muỗng dài và sáng bóng lên, anh nói : 

- Để anh sẹc via cho Khánh, cam đoan là anh pha rất ngon. 

Anh Khải lắc đầu : 

- Để tùy ý cho Khánh nó muốn uống sao thì uống. 

Em không muốn làm phật ý anh Hoàng nhất là khi anh đã cầm chiếc muỗng của em lên rồi. Em chỉ cười và nhìn anh thôi. Anh Hoàng cho vào ly một muỗng đường trắng cùng hai viên đá nhỏ, anh trả muỗng lại cho em : 

- Khánh uống thử xem. 

Sữa có mùi béo và thơm ngát dừa, em mỉm cười ngó anh Hoàng : 

- Ngon lắm. 

Anh Hoàng cười rất trẻ con : 

- Anh mà. 

Chị Hân chúm môi nguýt : 

- Thôi đi ông. 

Anh Khải không nói gì chỉ lẳng lặng với tách café của anh. Tiếng đá chạm vào thành ly nghe lanh canh êm êm, tự nhiên em thấy lòng mình êm ả khác thường. Buổi sáng tiệm còn vắng ngắt, băng nhạc mở thật dịu, em lắng tai nghe âm thanh của bản Reverie u buồn rơi trong không gian. Bài hát này anh Khải thường hay đánh những buổi tối. Ngồi từ phòng chị Hân học khuya em vẫn thường nghe những nốt nhạc buồn bã thoảng bên tai. Có những người đánh đàn thật buồn như anh Khải, dù là bản vui trong âm thanh vẫn xen nét buồn phảng phất. Anh Hoàng thì ngược lại, dù nhạc buồn mà qua tay anh âm điệu cũng thành rộn rã ngay. Nhiều lần anh Hoàng than, anh muốn đánh buồn một tí cho có vẻ mà không tài nào được, kỳ cục ghê đi.

Em tự nhiên gõ nhẹ chiếc muỗng vào thành ly, tiếng vĩ cầm kéo dài sao mà buồn quá chừng. Cúi xuống ly sữa thơm em mơ màng tưởng như hình ảnh đẹp của những câu hát nằm phơi trong mầu sữa trắng. Tiếng vĩ cầm vẫn kéo dài thanh thoát lạ thường.Chiều rơi từ nơi nào xa vắng cũ, bóng đêm về đó trời sầu tưởng nhớ và lòng nặng mong chờ …Bất giác em sẽ lẩm bẩm theo tiếng đàn một mình. Âm nhạc bao giờ cũng làm êm ái lòng người. 

Khi ngẩng lên em nhìn thấy anh Khải nhìn em đăm đăm, ánh mắt anh biểu lộ một sự cảm thông và khoan dung. Em ném trả lại một tia nhìn đồng ý và chúng em cùng mỉm cười một lượt. Cái mỉm cười ngầm hỏi bằng lòng không Khánh của anh Khải và cái mỉm cười chấp thuận của em. Tiếng ngân nga của nốt nhạc cuối cùng vừa dứt thì một điệu nhạc khác nối tiếp thật trong sáng, bản Sérénade, anh Khải nói nhẹ : 

- Băng nhạc của những bài tình ca bất tử. 

Em gật nhẹ đầu không trả lời, em hiểu vì sao anh Khải ưa thích đến đây. Cánh cửa trong suốt bỗng mở ra, em thấy một người con trai bước vào. Đôi mắt hắn thật ngộ nghĩnh và linh động, em cảm thấy trong đôi mắt ấy có một cái gì thật lạ lùng. Người con trai không nhìn em, hắn đi ngang bàn để tiến vào sâu bên trong. Em cúi mặt xuống, bỗng nhiên em thấy ngượng ngập. Một nỗi ngượng ngập thật lạ kỳ và vô cớ. 

Em nghe tiếng anh Hoàng reo lên : 

- Hùng, ê Hùng, đi đâu thế? 

Người con trai quay nhanh lại, đôi mắt mở ra trong dáng ngạc nhiên : 

- A… 

Anh Hoàng đứng dậy, anh thân mật nắm tay người con trai đẩy vào chiếc ghế của anh vừa ngồi : 

- Ngồi đây đã, mày đi đâu mà lạc ra đây, tao tưởng giờ này mày đang tà tà Sài Gòn chứ. 

Đôi môi người con trai nở một nụ cười, em suýt kêu lên, trời ơi, cái răng khểnh bên trái của hắn ngộ quá chừng : 

- Nhớ Nha Trang thì ra, sao bọn mi cũng ở đây ? 

Anh Hoàng cười quay sang hai cặp mắt đầy vẻ tò mò lẫn ngạc nhiên của em và chị Hân. 

- Ngọc Hân, em ruột tao. Kim Khánh, em họ. Còn đây tên này là Hùng, Trần Mạnh Hùng, bạn anh. 

Hùng lại mỉm cười rất tươi sau khi gật đầu chào chị Hân và em : 

- Mày giới thiệu kỹ thế. 

Giọng miền Bắc của Hùng ấm và trầm, xưa nay em vốn có cảm tình với miền Bắc trong trí tưởng, em luôn luôn mơ một ngày trở về miền Bắc thăm quê mẹ, quê ba. 

Anh Hoàng nói với một chút chế diễu : 

- Thế mà gọi là kỹ à, mi nhớ Nha Trang, hay nhớ cái gì ở Nha Trang ? 

- Cái đó còn xét lại. 

- Xét lại làm sao ? 

Ánh mắt người con trai vẻ ranh mãnh : 

- Trước khi ra Nha Trang thì tao nghĩ rằng tao nhớ Nha Trang, còn sau khi đi thì hình như điều đó có phần sai lạc. 

- Nghĩa là… ? 

- Có thể tao sẽ nhớ một cái gì không thuộc về Nha Trang nhưng ở Nha Trang. 

Anh Hoàng bật cười khanh khách : 

- Mày vẫn như thuở nào, vẫn ăn nói vòng vo nhăng nhít. À quên, mày dùng gì ? 

Hùng nhìn một vòng những ly tách trên mặt bàn, cái răng khểnh lại lộ ra dễ thương : 

- Có một cái ly đặc biệt… 

Em thấy nong nóng ở má, em hiểu là Hùng muốn nói ly sữa tươi của em lạc loài với ba ly café sữa của các anh chị. Anh Khải cười hiền lành trong khi anh Hoàng hiểu ngay : 

- Mày muốn uống ly đặc biệt đó hả, dễ quá mà, nhưng tao tưởng mày đã hết thời kỳ thèm sữa rồi chứ. 

Hùng đặt một tay lên mặt bàn, những ngón tay thuôn và mảnh dẻ gõ nhẹ : 

- Không, mới bắt đầu thời kỳ thèm sữa chứ. 

Ánh mắt dừng lại trên khuôn mặt em làm em ngượng ngùng cúi xuống. Em chưa từng có bạn trai và anh Khải, anh Hoàng là những người con trai đầu tiên dắt em đi chơi. Băng nhạc đang dạo đoạn giữa của bản Sérénade, em nghe tiếng Hùng trầm ấm nói khẽ : 

- Vẫn bản Sérénade cũ, không lần nào đến Nha Trang mà tao đừng đến đây. 

- Mày ra bao giờ ? 

- Chiều hôm qua. 

- Chừng nào về ? 

Người con trai lắc đầu, môi hơi cười : 

- Không biết. 

Những nốt nhạc nối tiếp nhau lướt đi, trong và cao nghe buồn bã trong không gian vô cùng. Một đoạn bi thảm và đau buồn. Đời sẽ thấy chúng ta sống không cầu, cho tình cứ úa phai mau, cho người cứ mãi phụ nhau. Em bất giác cắn nhẹ môi, không dưng mà lòng em cũng buồn theo những nốt nhạc xa xưa. Anh Khải vẫn ngồi trầm ngâm cạnh ly café của anh. Chị Hân thỉnh thoảng nói xen vài câu vào câu chuyện giữa Hùng với anh Hoàng. Em cứ cúi đầu yên lặng nhấm nháp từng muỗng sữa giữa hai hàm răng. Băng nhạc chuyển sang một bài hát lạ em không biết tên, nhưng em vẫn cảm thấy hơi buồn bã liên miên thoát ra không ngừng. Một vài lúc ngẩng lên bất chợt em nhìn thấy tia nhìn của Hùng có vẻ chế diễu. Em cảm thấy khổ sở, tưởng chừng như nét quê mùa của mình lộ ra hết cả mặt mũi tay chân. Câu chuyện giữa ba người không hề có em hay anh Khải tham dự. Đôi lúc anh Khải nhìn em, anh có vẻ như muốn hỏi sao Khánh buồn vậy, em lắc đầu. 

Thật lâu, khi tiệm đã bắt đầu đông khách, anh Khải mới hỏi với giọng bình thản : 

- Đi chưa ? 

Em hơi nghiêng đầu tỏ vẻ đồng ý, chị Hân, anh Hoàng và Hùng đều nói thôi đi phố một vòng. 

- Và đi ăn trưa luôn, sẽ chọn một cái chỗ nào đó ở gần biển. Mày đi luôn chứ Hùng ? 

Hùng mỉm cười : 

- Nếu mày cho phép 

- Úi, sao hôm nay mày lịch sự thế, không cất nó ở túi quần sau nữa à. 

Hùng không nhìn anh Hoàng mà lại hướng về em, nói lơ lửng : 

- Đôi khi. 

Chúng em rời tiệm, em lúng túng nấp sau chị Hân khi phải đứng dậy. Mỗi bước chân của em đều như bị vướng vấp khó chịu. Em đưa khăn tay lên môi ngậm thấy má mình nóng bừng. Hơi nóng bên ngoài hắt vào mặt khi vừa bước ra, em giơ tay lên che nắng. Lưng em nhột nhạt khó chịu vì cảm tưởng Hùng đang chăm chăm theo dõi từng cử chỉ của mình. Mồ hôi dính trên mái tóc em, em đưa khăn tay lên chùi trong dáng bối rối. 

Trời gần trưa, nắng vàng trải chói chang suốt con đường khô vắng.

Chương 4

Me yêu quý ! 

Con trả lời lá thư mới nhất của me đây, me yên tâm con đã viết me hàng chục lần rồi là con không sao cả, con ăn và lớn như thổi đấy me ạ. Hai bác Khanh vẫn thương con, cả anh Khải, anh Hoàng và chị Hân nữa. 

Đà Lạt tháng này không lạnh bao nhiêu, vâng, thưa me, con dạo này hơi bận rộn vì phải sửa soạn thi đệ nhị lục cá nguyệt. Thi xong là tha hồ mà rảnh rỗi. Như thế là không còn mấy tháng nữa con sẽ về rồi me ơi. Chị Hân với anh Hoàng thì lại mới về Saigon được vài ngày nay. Chị có rủ con đi mà con từ chối, sắp thi rồi, vả lại theo chị Hân đi chơi hoài con thấy ngượng ngùng, có phải thế không hở me? Bây giờ chỉ có anh Khải và con ở nhà thôi, nhớ me ơi là nhớ, nhớ cả em Vũ nữa. Em dạo này còn khóc nữa không me. Me ơi, con có nhiều quà cho em Vũ lắm, làm bằng mấy trái thông khô ấy mà mẹ. Mỗi lần đi chơi đồi con lại nhặt một ít về, anh Khải dạy con làm mấy con thú bằng thông xinh lắm cơ me ạ. 

Tối hôm qua ngủ một mình con sợ ma quá chừng, đến khuya vẫn còn nghe anh Khải thổi sáo buồn kinh khủng, sao mà anh ấy thổi sáo buồn thế không biết. Con nghe me nói thổi sáo thì có ma làm con sợ thêm. Nhưng mà sợ thì sợ con cũng thích nghe anh Khải thổi sáo lắm, nhất là thổi bài Khối tình Trương Chi thì thật là tuyệt diệu. Con muốn học thổi sáo về thổi cho me nghe mà chắc là học không được đâu. Con thì bận học mà anh Khải cũng bận đi dạy, soạn bài chấm bài hoài. Con cũng thích học đánh đàn me ạ, chị Hân đang đòi học piano. Nhà bác Khanh giàu sướng me nhỉ. Con chả dám đi chơi, chả dám nghĩ vơ vẩn chỉ sợ học tuột đi thì me buồn. 

Ở nhà bác Khanh thì đầy đủ thật đấy, nhưng mà nhiều khi nhớ me kinh khủng. Con thèm về ăn cháo hoa me nấu với củ cải muối, thèm cá kho mặn với rau luộc. Nhớ thật nhiều vậy đó me. Hôm nào con về me nấu cơm cho con ăn nghe me, me nấu canh rau đay với mướp và cà muối chua nghe me. Trời ơi, sao con muốn chạy ngay về nhà ghê me ạ. Về chui vào lòng me, ngửi mùi thơm thơm của tóc me, của người me. Ở đây chả có ai hỏi han săn sóc con hết, ai cũng tốt nhưng không ai cho con những âu yếm của me, me ạ. Thôi con không thèm than thở nữa, để me nghe me sốt ruột chết. Con sắp về với me rồi mà, ba tháng nữa thôi me, tha hồ mà làm nũng với me, me chịu không ? 

Học có anh Khải chỉ dạy khá lắm me, có gì không hiểu con lại mang đến nhờ giảng. Nhà chỉ có anh Khải là điềm đạm và hiểu con hơn hết. Anh Hoàng thì không nói gì, chị Hân cứ hay kêu con sao cứ chui đầu vào mấy quyển vở hoài thế, chị nói học lắm chỉ già người, chị vừa học vừa chơi. Nhưng mà me à, con không thích đi chơi thì làm sao. Mỗi lần chị Hân gọi đi chơi mà con không đi thì chị bảo có phải năm thi đâu mà Khánh học lắm thế. Học thong thả qua năm sẽ gạo sau cũng được. Thực tình thì con không thích đi chơi thật me ạ, ở nhà lại buồn, chỉ có học và đọc sách là thú thôi. Me xem con gái me có ngoan không. 

Con định viết thật dài me ạ, nhưng bây giờ thì con quên tịt hết mọi chuyện định kể với me rồi, tệ quá. Chắc lần sau con phải thảo một bản chi tiết trước khi viết thư cho me thì mới nhớ hết được, phải thế không hở me. 

Thôi, vì bây giờ con quên hết rồi, me chịu khó chờ lần sau nhé, rồi thì con sẽ viết thật dài cho me khỏi kêu sao Khánh lười thế, viết thư nào cũng ngắn ngủn như đuôi con vịt, nhé me. Tuần sau… 

Có tiếng gõ cửa phòng nhẹ nhàng, em ngừng viết ngẩng lên nhìn, giọng anh Khải dịu dàng vọng vào : 

- Khánh. 

- Dạ. 

Em vừa đáp vừa buông viết đứng lên mở cửa, anh Khải bước vào với một nụ cười : 

- Khánh làm gì đó, lại học phải không ? 

- Dạ không. 

Anh Khải đưa mắt nhìn một vòng bàn học của em, môi thoáng nét cười : 

- Viết thư ? 

Em cũng mỉm cười theo : 

- Dạ. 

Anh Khải tiến lên mấy bước nữa, anh nói : 

- Cô thì lúc nào cũng thế, chỉ thấy ngồi ở bàn học cả ngày. 

Anh giơ tay ra cho em xem : 

- Đây, anh cho Khánh đóa hoa, Khánh thích cắm hoa lắm phải không ? 

Đóa hoa thật lạ, em chưa từng thấy bao giờ, cánh hoa dài mướt thon nhỏ như một que tăm gỗ chuốt mỏng. Cánh tua ra đều ngoài một vòng nhụy hơi hồng. Trông nó mỏng manh và yếu ớt lạ thường. Hoa có màu cam nhạt, một màu rất dịu và thanh hiếm thấy. Cái cuống, có lẽ dài đến nửa thước, thẳng tắp không một chiếc lá. Trông hoa có vẻ quý phái và dễ vỡ lạ lùng. Em ngẩn người nhìn bông hoa và buột miệng kêu : 

- Hoa đẹp dễ sợ, anh Khải tìm ở đâu ra thế ? 

Mắt anh có những tia hài lòng, anh cười : 

- Anh nghĩ là thế nào Khánh cũng chịu mà, anh mới xin ở nhà người bạn đấy. 

- Sao anh không giữ lấy cắm ở phòng mình ? 

- Thật à ? Nhưng anh nghĩ nó thích hợp với Khánh hơn chứ, cho Khánh đấy. 

Em đỡ lấy đóa hoa một cách thận trọng, cánh hoa tưởng chừng như sắp vỡ ra, gãy xuống. Anh Khải ngó chiếc ly cắm hoa của em lắc đầu : 

- Không được, phải cắm bằng loại lọ nhỏ, trong và cao hơn mới đẹp. 

Em hơi ngơ ngác nhìn anh : 

- Nhưng em làm gì có chiếc lọ nào như thế. 

- Anh có, để chút nữa anh mang cho Khánh. 

Em cắm tạm bông hoa vào cốc thủy tinh trước mặt, cuống hoa dài quá vượt hẳn lên trên mấy bông hồng nhỏ, trông ngạo nghễ như một bà hoàng. Cả hai anh em cùng lui ra xa ngắm nghía, anh Khải nói : 

- Đặc điểm của hoa là thay màu hoài, lúc chớm nở thì trắng phớt, bây giờ màu cam nhạt chừng nở hoàn toàn và để càng lâu thì nó càng có màu hồng rất xinh. 

- Màu hồng phấn ? 

Anh Khải gật đầu : 

- Phải rồi, hồng phấn, hoa hồng phấn rất hiếm thấy trong các loại hoa, Khánh có thấy thế không ? 

Em ngắm những cánh hoa thuôn dài, nhọn như đầu lá thông, hỏi anh : 

- Nó tên là gì hở anh Khải ? 

Anh lắc đầu : 

- Anh cũng không biết nữa, Khánh thử đặt cho nó một cái tên xem sao. 

Em cười khẽ vuốt nhẹ cuống hoa, màu hoa thật đẹp, hoa cũng lạ nữa nhưng chẳng thơm gì cả. Em cúi đầu nói với một nụ cười : 

- Hoa chỉ có sắc mà không hương. 

- Chứ vừa sắc vừa hương thì thiên hạ chết cả còn gì. 

Em ngó anh Khải một lúc rồi cười cười đề nghị : 

- Gọi nó là hoa Hữu Dung Vô Hạnh đi. 

Anh Khải bật cười : 

- Có vẻ hay nhưng hơi tàn nhẫn, mình bớt đi hai chữ, gọi là hoa Hữu Dung thôi. 

- Hai chữ sau hiểu ngầm. 

- Nên hiểu ngầm, cái tên có vẻ hay lắm. 

Hai anh em cùng yên lặng một chút, anh Khải trầm ngâm cúi đầu xuống, những ngón tay đan vào nhau với vẻ lơ đãng. 

- Khánh ở đây nhớ nhà không ? 

- Dạ nhớ. 

- Có buồn không ? 

Em giấu vẻ xúc động trả lời nho nhỏ : 

- Dạ, không phải lúc nào em cũng buồn hết. 

- Anh thấy Khánh có vẻ học chăm lắm. 

- Em chỉ cố gắng hết sức em thôi. 

- Khánh đáng khen lắm, me Khánh sau này sẽ hãnh diện vì cô con gái của mình. 

Em cắn cắn ngón tay út, ngập ngừng : 

- Em thương me. 

- Anh biết. 

Anh ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi thêm : 

- Khánh có cần gì không, anh sẽ dạy thêm, hay Khánh muốn học thêm cours ngoài cũng được. 

Em nhìn anh Khải biết ơn, em đáp : 

- Cám ơn anh, em không dám để hai bác phiền vì em nhiều quá. Nếu em không hiểu bài em sẽ nhờ anh giảng cũng được. 

Giọng anh Khải nghiêm nghị : 

- Khánh, em không nên nghĩ như thế, ở đây ai cũng xem em là em ruột trong nhà. Em chăm học ngoan ngoãn như thế anh không phiền điều gì được cả. Em nên bỏ cái mặc cảm ăn nhờ ở đậu của em đi. 

Em lặng im, em biết là gia đình bác Khanh đối xử với em tử tế không khác gì con ruột nhưng em tự thấy mình không có quyền lạm dụng sự thương yêu quá đáng. Me gửi em lên đây coi như ký thác luôn cho hai bác nuôi, me biết là me không trả nổi bác công nuôi em ăn học, không thể nào trả nổi hết. Và dù me có gắng xoay sở đi nữa thì hai bác cũng không đời nào chịu nhận. Trên đời này những người có lòng tốt với họ hàng nghèo như gia đình bác Khanh là điều hiếm hoi. Trong thâm tâm em thấy mình mắc một món nợ lớn. Khó thể trả nổi lòng tốt hôm nay của hai bác và các anh chị, chỉ có một cách là em phải gắng học cho đàng hoàng để khỏi mất mặt me và cho hai bác đừng phiền trách. 

Anh Khải nói tiếp, giọng thong thả, khoan dung : 

- Anh hiểu những ý nghĩ của Khánh, Khánh luôn luôn mặc cảm tự ti, tự coi mình là người ngoài gia đình anh. Anh thấy Khánh từ chối những lần Hân nó rủ đi chơi và anh biết Khánh phải can đảm để làm điều đó. Khánh còn nhỏ để có thể cương quyết như thế. Anh đọc thấy vẻ ao ước muốn chạy nhẩy vô tư trong lòng Khánh. Khánh tự kiềm chế mình để chuyên chú vào việc học. Anh không khuyên Khánh xao lãng học hành nhưng Khánh đừng đặt nó lên tầm quan trọng quá như thế. Ép mình quá Khánh sẽ lớn trước tuổi, sẽ mất những ngày vô tư của Khánh đi. 

- Em biết anh Khải thương em như em ruột, nhưng em không thể quên địa vị của em trong nhà này, em… 

- Em nói nhảm, Khánh, em cứ xem như đây là gia đình em. Ba má anh có thể nuôi em ăn học thong thả đến hết Đại học. Em còn gì để lo nghĩ nữa chứ. 

- Em nghĩ rằng em đã xen vào gia đình và đã làm hai bác tốn kém vì em. 

Anh Khải ngước nhìn thẳng vào mặt em, nghiêm nghị : 

- Khánh, anh không muốn em nghĩ như thế, đó là việc ba má anh phải nghĩ đến, em đừng quên ba em là em ruột của ba anh. 

Em làm thinh không nói, ở địa vị của anh Khải thì anh ấy có quyền nói thế và nghĩ thế, em phải nhận là em may mắn hơn những người bạn khác. Em biết có những cô bạn em lên Đà Lạt trọ học như em ở nhà họ hàng vừa phải trả tiền vừa phải làm việc nhà mệt nhọc chứ đâu rảnh rỗi như em, đã được học đàng hoàng lại còn được đưa đi chơi đủ thứ. Tuy nhiên chừng đó điều không làm lấp được nỗi bứt rứt của em. Cứ nghĩ rằng mình ở đâu đến làm rầy rà người khác là em đã áy náy. Anh Khải nói đúng, em nhiều khi không phải là không thích đi chơi. Nhưng mỗi lần đi như thế em cảm thấy như đã vương thêm một chút nợ nần với hai bác. Me chỉ có thể gửi chút ít tiền cho em đủ chi dụng cần thiết mà chị Hân mỗi lần lôi em đi phố là cứ khen cái này khen cái kia rủ em mua và trả tiền tất cả. Em ngượng vô cùng vì mình cứ nhận quà của chị hoài. Lúc đầu em còn nể chị Hân nên đi, về sau em viện cớ học từ chối, chị có vẻ giận lắm. Thực ra, em cũng như chị, thích được mặc những hàng áo đẹp, thích được chọn những quyển sách hay mà không phải e dè nghĩ đến số tiền phải trả, thích có những gì mà các cô con gái nhỏ cùng tuổi với em ưa thích. Nhưng em không là chị Hân nên em phải từ chối, thế thôi. Em không thể quên được em chỉ là một đứa con của một gia đình nghèo nàn, với người mẹ ngày hai buổi đến công sở trong những chiếc áo dài cũ kỹ, với đứa em nhỏ tội nghiệp chỉ thèm muốn mà chẳng bao giờ giữ được các thứ ao ước bao giờ. Và những khi em nghĩ đến me em như thế em cảm thấy việc em ở với bác, ăn ngon mặc đẹp tha hồ là điều lầm lỗi, lòng em lại bứt rứt không thôi. 

Anh Khải gỡ cây đàn của chị Hân treo trên tường xuống. Nhà có ba người là ba cây đàn. Cây của chị Hân mới nhất, đẹp nhất trái với cây đàn phong trần đầy dấu khắc tên và hình quái gở của anh Khải và các bạn anh. Mọi khi anh Khải anh Hoàng thường chê đàn của chị Hân thiếu tính chất nghệ sĩ vì nó sạch sẽ không dấu vết gì cả. Em ngồi nhìn năm ngón tay anh Khải nhẹ nhàng lướt trên các phím đàn. Những tiếng nhạc rơi thanh thót mà thật buồn. Tiếng đàn của anh Khải không bao giờ vui nổi, nó cũng như vẻ mặt lặng lẽ và tính tình trầm mặc ít nói của anh. 

Anh đàn đi đàn lại mấy lần một khúc độc tấu thật buồn đó rồi thôi. Năm ngón tay lơ đãng đặt trên thùng đàn. Bàn tay anh Khải có ngón vô danh thật dài, cao gần bằng ngón giữa. Ngón vô danh của nghệ sĩ tính. Em hỏi anh khi chờ hoài không thấy anh đàn nữa : 

- Sao anh Khải lại thôi ? 

Anh mỉm cười, nụ cười phảng phất vẻ buồn bã : 

- Khánh thích lắm sao ? 

Em gật đầu : 

- Dạ, khúc nhạc anh vừa đánh xong là bài gì vậy ? 

Anh Khải đáp khẽ : 

- Romance. 

Em ngập ngừng nhìn anh một lát rồi chỉ thở dài : 

- Anh Khải đánh đàn buồn quá. 

- Khánh thích học không ? 

Em toan đáp là muốn nhưng rồi em cắn môi lắc đầu :

- Không, em bận học. Nhưng em thích nghe anh đàn lắm. 

Anh Khải nhìn em lắc đầu nhè nhẹ, anh trả cây đàn trở lại chỗ cũ : 

- Anh đi lấy cho Khánh lọ thủy tinh cắm hoa. 

Em đứng lên đi theo anh : 

- Để em đến lấy khỏi mất công anh trở lại. 

- Cũng được. 

Hai anh em lững thững xuyên hành lang qua phòng khách. Phòng riêng của anh Khải nằm gần như biệt lập ngó ra một góc sân đầy hoa, rất hợp với bản tính yên lặng của anh. Đứng ở phòng khách nhìn ra mặt đường uốn theo một chiều vòng cung đi dần xuống bờ hồ. Con dốc thoai thoải làm mỏi chân những người khách đến thăm và cũng rất dễ dàng cho chủ nhân nhìn thấy họ từ đầu mút cuối đường của dốc. Em nhìn thấy màu xanh lá cây đậm bóng quen thuộc của chiếc xe anh Hoàng đang từ từ bò lên. Em đứng dừng lại, reo khẽ : 

- A, xe anh Hoàng về anh Khải ơi. 

Anh Khải điềm đạm nhìn về hướng con dốc : 

- Thế à, sao chúng nó về sớm thế nhỉ ? 

Chiếc xe chỉ trong một thoáng đã lên đến đầu dốc chạy vòng vào sân. Trong xe lô nhô nhiều bóng người, anh Khải nói bình thản : 

- Thằng Hoàng lại khều được mấy đứa bạn của nó lên rồi. 

Những cánh cửa xe bật mở, anh Hoàng ra trước tiên, một người con trai lạ mặt bận áo xanh nhạt cùng đi với chị Hân. Và cuối cùng là… Hùng. Trái tim em bỗng đập rộn rã trong lồng ngực, em thấy thẹn, bất giác em lính quýnh thụt lùi ra sau lưng anh Khải. Anh không chú ý đến nỗi bối rối của em. Nắm tay em, anh Khải vừa đi vừa nói : 

- Đi Khánh, mình xem có quà gì hay không chứ. 

Em bước những bước chân ngượng ngùng, thực sự lòng em chỉ muốn chạy biến ngay về phòng riêng mà thôi. Chị Hân là người lên tiếng trước nhất, chị nói như la lên : 

- Khánh, uổng ghê chưa, bảo Khánh cùng đi mà Khánh không đi, vui quá chừng Khánh ơi. 

Hai má em nóng lên trước cái nhìn của hai người con trai mới đến, em mỉm cười bẽn lẽn. Người con trai mặc áo xanh nhạt vui vẻ nắm tay anh Khải : 

- Anh vẫn không thay đổi chút nào. 

Anh Hoàng nói mà mắt nhìn chị Hân chế nhạo : 

- Lôi được thằng Huy lên đây là nhờ công trình của « người ta » đấy anh Khải ạ. 

Huy. Em ngẩng nhìn người con trai, hai má chị Hân bỗng hồng thêm một chút. Anh Khải lắc đầu : 

- Tốn bao nhiêu nước mắt hả, Ngọc Hân ? 

Không đợi chị Hân trả lời anh quay sang em : 

- Huy, em rể tương lai của anh đó Khánh. 

Anh Huy mỉm cười : 

- Cô Khánh mà Hân hay nhắc đó phải không ? 

Em luống cuống nép sau anh Khải không biết trả lời sao, chị Hân đỡ : 

- Khánh đó, anh thấy dễ thương không ? 

Anh Huy cười và gật gật đầu làm em muốn chui xuống đất. Em chỉ cúi gầm đầu xuống di di chân, em nghe thấy tiếng Hùng trầm trầm vang lên : 

- Ơ hay, vào nhà thôi chứ, tiếp khách gì mà kỳ thế. 

- Ừ nhỉ. 

Chị Hân vừa reo vừa nhảy chân sáo vào nhà : 

- Mời quý vị vào thôi, vào thăm bàn ghế rồi sẽ tính. 

- Chỉ có bàn ghế thôi à ? 

- Tủ lạnh hay bếp nữa, nếu quý vị muốn. 

Mọi người bật cười vui vẻ rồi cùng bước vào nhà, anh Khải hỏi : 

- Hùng cũng rảnh rỗi đi theo thằng Hoàng nữa à ? 

Hùng cười nhỏ : 

- Không rảnh cũng phải đi. 

- Lý do ? 

Anh Hoàng cười bí mật : 

- Chưa thể tiết lộ. 

Anh Khải nhún vai se sẽ như không lưu ý, em để mặc mọi người vui đùa âm thầm rút về phòng mình. Đứng phân vân trước tủ sách em nhìn một loạt bìa mạ chữ vàng rực rỡ sáng. Nhìn để mà nhìn thôi chứ em không biết sẽ phải lấy quyển gì và làm sao. Đầu óc lơ đãng em cho tay lướt qua những gáy sách cứng. Em thấy nao nao, buồn buồn và cũng thấy hình như có một chút gì vui len vào lòng xao xuyến. Em không diễn tả được lòng em.

Xem tiếp chương 5 & 6