Sông nước Tiền Giang - Chương 3 & 4

Chương 03

Bác phó Từ đã nói đúng. Khi đã biết rõ điều bí mật về đời mình, Thủy thấy dễ thông cảm hơn với bác Từ gái và các chị nó, đồng thời dễ chấp thuận rằng nó không thể có đầy đủ các quyền lợi như các chị nó. Nhưng, ngược lại, mái nhà này đã không thấy nó ra chào đời thì đối với nó đã trở thành xa lạ. Và cảm thấy khi mình xa lạ trên một mảnh đất nào, người ta không còn thấy gì lưu luyến và muốn rời bỏ nó không sớm thì muộn. Hằng ngày, Thủy vẫn sống lang thang ngoài đảo, nhưng nhiều khi nó đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông chảy cuồn cuộn, những chiếc ghe mành lướt qua, thì nó trút ra những tiếng thở dài não ruột. Đau khổ những ngày đầu, nay nó cảm thấy cay đắng và ác cảm với tất cả mọi người.

“ Ta đương trở thành tàn nhẫn, nó tự nghĩ với lòng hối hận, nhưng ta không cưỡng lại nổi. ”

Và, để vơi bớt nỗi hận đời, nó chạy như điên qua những bụi lau, ruộng cỏ trên đảo, hoặc nó nhẩy xuống nước mà bơi rất hăng say cho đến khi mệt nhoài, nó trở lên bờ nằm soài ra trên một phiến đá dưới ánh mặt trời.

Nhiều khi nó leo vào ngồi trong chiếc đò con đã mang nó tới chốn này từ mười hai năm trước. Chiếc đò tuy mỏng manh nhưng vẫn còn chắc chắn vì hằng năm bác phó Từ vẫn kéo lên bờ để sơn phết lại dưới đáy cho khỏi mục. Một hôm Thủy tự nghĩ :

“ Có lẽ con đò này vẫn đợi ta để một ngày nào đó sẽ đưa ta đi nơi khác ?”

Điều khám phá này dần dần biến thành một sự thật. Con đò này đang đợi nó, và nó chỉ nghĩ đến chyện đi, đi thật xa.

Một buổi chiều kia, nó đang phơi củi cùng với má và các chị. Thừa lúc không ai để ý, nó lẩn ra mé sông. Con đò vẫn ngoan ngoãn nằm nguyên chổ cũ, cột vào một chiếc cọc trên bờ như một con dê non Thủy tự nghĩ: “ Đúng là nó đang đợi ta ”.

Tuy nhiên, trước khi bước xuống đò, nó còn đứng rất lâu về phía trang trại, nơi ba nó đang làm việc..

Sau một lúc do dự, nó nhất quyết tháo dây buộc ra, nhẩy xuống đò và đẩy ra xa. Mấy hôm trước vì mưa nhiều, nước sông chảy cuồn cuộn, làm ngập kín hết bãi cát và như vuốt ve mớ tóc dài của những cây lau trên bờ sông. Thuận đà, con đò cứ việc trôi theo dòng nước, nhờ Thủy biết cách điều khiển, Khi đã vượt qua mũi hòn đảo, con đò tiến vào dòng sông rộng. Chẳng mấy chốc, chiếc cầu Cao lãnh chỉ còn thấy nhỏ tí ở thật xa, như một mảnh vải căng lên nền trời.

Lúc đó, Thủy có một cảm giác lạ lùng, vừa ân hận vừa thích thú. Nó sẽ trôi về nơi đâu? Nó nghĩ đến ba Từ và trái tim nó thắt lại. Trễ quá rồi, chiếc đò cứ phải trôi xuôi dòng nước, nó không thể kháng lại được.

Nó đi được bao xa rồi? Có lẽ đến năm bảy cây số. Trời lúc đó đã gần tối, nước sông đã xuống màu. Bổng nhiên, khi đến một khúc quanh, chiếc đò bị luồng nước chảy xiết đưa tấp vào bờ. Thủy cố sức lái ra nhưng vô hiệu. Sau khi đụng vào bãi cát, chiếc đò bị mắc cạn trên bờ. Thủy vội nhảy xuống nước rồi vận hết sức bình sinh đẩy con đò ra nhưng không nổi. Nó bèn leo lên một mô đất cao để quan sát tứ phía. Chẳng thấy một mái nhà hay một bóng người nào cả, mà chỉ toàn là ruộng lúa và rừng cây. Ở thật xa, trong bóng hoàng hôn, nó nhận ra lờ mờ chiếc cầu và những mái nhà của thị xã Cao lãnh. Lúc đó chẳng có một con thuyền nào trên mặt sông để nó cầu cứu.

“ Đành vậy, nó tự nghĩ, ta ngủ đây đêm nay, rồi sáng mai sẽ kiếm người đẩy giúp chiếc đò cũng được. ”

Thủy đứng say sưa thưởng thức cảnh trời nước mênh mông trong buổi hoàng hôn. Ở phía chân trời, mây tím đã kéo lên và chạy dài như một giải Trường Sơn. Giữa cảnh vật đìu hiu hoang vắng, Thủy cảm thấy một nổi buồn man mác xâm chiếm tâm hồn của một kẻ lữ thứ không nhà, mà cảnh ngộ thật đúng với hai câu thơ của nữ sĩ Thanh Quan :

 

Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng ta với ta.

 

Đứng một lúc lâu, Thủy trở xuống đò. Thấy trong người mệt mỏi, nó ngã lưng nằm xuống, rút ra khúc bánh mì đã mang theo để nhấm nháp. Trên nền trời xanh thẳm, các vì sao nối tiếp nhau hiện lên. Nó thấy hình như ở đây trời nhiều sao hơn ở cù lao Reng.

“ Ta đã đi xa quá rồi, nó tự nghĩ, và mai đây ta lại càng đi xa hơn nữa. ”

Vừa ngây ngất vừa mệt mỏi, nó ngủ thiếp đi lúc nào không biết hai tay kê dưới đầu làm gối. Nó mơ thấy cảnh vật cù lao Reng và căn nhà cũ hiện ra trước mắt. Tai nó nghe thấy tiếng ba Từ gọi thống thiết và khuyên lơn nó trở về. Nó vừa khóc vừa nói : “ Thưa ba, con muốn lắm, nhưng con không làm sao được, vì dòng sông vẫn chảy về xuôi. ”

Sáng ra, khi mặt trời đã lên cao, nó mới bừng tỉnh dậy. Nó ngồi lên, dụi mắt, vươn vai như một con mèo xinh xinh sau giấc ngủ trưa.

Nó tính kéo chiếc đò xuống nước. Nhưng ban đêm, nước đã xuống hơn một tấc, nên chiếc đò bây giờ đã cắn chặt vào bãi cát. Kéo mãi không được, nó đi kiếm mấy viên đá tròn, luồn dưới đáy con đò để kéo như nó vẫn thường thấy những bác lái thuyền thường làm mỗi khi bị mắc cạn. Đang loay hoay bỗng nhiên nó dừng tay vì hình như nó nghe thấy tiếng người kêu cứu từ dưới sông vọng lên. Nó vội trèo lên mô đất cao để nhìn qua hàng cau, thì nó thấy một người đang chới với dưới nước cách đó vài chục thước:

- Chết chưa ! Một người té sông sắp bị nguy !

Không do dự, nó vội chạy ra nhảy bổ xuống nước, rồi bơi hết sức nhanh để cứu người đó. Khi còn cách nạn nhân vài thước, nó lặn xuống sâu rồi độ 15 giây sau nó nhô lên ở phía sau người đó. Nó dùng một tay bơi còn một tay thò ra đỡ lấy cầm nạn nhân cho ngã người ra sau để mặt nổi lên khỏi mặt nước mà thở.

Lúc đó nạn nhân như đã kiệt sức và hơi mê man, hai tay buông xuôi để mặc cho số mạng. Nạn nhân nặng cân hơn Thủy khá nhiều nên việc cứu cấp rất chật vật. Để giữ cho mặt nạn nhân luôn luôn nổi trên mặt nước, Thủy phải bơi chìm đầu dưới nước, thỉnh thoảng mới ngoi lên để thở một hơi dài. Sau mười lăm phút phấn đấu với dòng nước chảy siết, Thủy đã dìu được nạn nhân vào bờ.

Vừa kiệt sức vừa mất tinh thần, người lạ mặt nằm nhắm mắt thiêm thiếp, ngực vẫn thoi thóp thở. Thủy nhận thấy đó là một thanh niên trạc 17 – 18 tuổi, trông ra vẻ một thư sinh con nhà lịch sự. Việc cứu cấp đã xong xuôi, Thủy cảm thấy bẽn lẽn muốn bỏ đi nơi khác. Nhưng thấy người lạ mặt chưa hồi tỉnh nên nó đành phải lưu lại thêm ít phút xem sao. Nó ngồi tựa vào một gốc cây cách đó vài thước để vừa nghỉ ngơi vừa canh chừng nạn nhân.

Sau một lúc lâu, nhờ có ánh mặt trời ấm áp, người đó tỉnh lại, từ từ ngồi lên trông thấy Thủy vội hỏi nho nhỏ :

- Có phải…cô bé đã cứu tôi? Bữa nay nếu không có cô bé, chắc tôi đã bị chìm sâu dưới đáy dòng Tiền Giang.

Thấy Thủy ngồi co ro dưới bóng cây, thanh niên vội nói :

- Cô bé ra đây ngồi dưới ánh nắng cho đỡ lạnh và quần áo mau khô.

Sau khi ngần ngừ một lát, Thủy làm theo.

- Ban nãy – thanh niên giải thích – tôi trèo lên cái cầu nhỏ đằng kia của những người thả vó, định ngồi câu. Chẳng may một tấm ván mục gẫy bất thần nên tôi bị rơi xuống sông và dòng nước đã cuốn tôi đi. Vì bơi rất kém nên tôi hoảng sợ, chân tay rối loạn, bơi vào bờ không nổi.

Rồi nhìn Thủy, thanh niên hỏi :

- Cô bé là ai mà lội hay quá vậy? Người ta đồn rằng con gái ở vùng này nhát nước lắm kia mà !

- Nước Tiền Giang là bạn rất thân của tôi. Thủy đáp :

- Tên cô bé là gì ? Bao nhiêu tuổi ?

- Tôi là Thủy, 12 tuổi

- Cô tên Thủy, thảo nào cô bơi giỏi là phải, “ Hậu sinh khả úy ”.

- Cậu nói gì tôi không hiểu ?

- Tôi muốn nói rằng cô còn nhỏ tuổi mà đã làm được một việc phi thường.

- Tôi thấy chẳng có gì đáng kể.

- Có chứ, phi thường lắm chứ. Thử hỏi ở địa vị tôi mà thấy ai té sông thì tôi làm được trò trống gì, hay chỉ đứng ngó hoặc quá lắm là kêu người ta đến cứu mà thôi? Thật là vô tích sự.

- Chắc cậu không năng tập luyện.

- Vâng đúng. Có một điều làm tôi thắc mắc là lúc ở dưới sông khi cô bé bơi ra còn cách tôi vài thước thì bổng cô biến mất là tại sao. Lúc đó tôi thấy hoàn toàn tuyệt vọng.

- Cậu không hiểu thật à? Đó là bí quyết trong việc cứu người chết đuối. Nếu mình cứ tiến thẳng đến trước mặt để nạn nhân trông thấy thì, trong lúc hoảng kinh, nạn nhân sẽ túm chặt lấy mình, gỡ ra không nổi, cả hai người sẽ chìm xuống đáy sông, gây ra một vụ chết đuối “cá mập”.

- Úi trời! Khủng khiếp! Hôm nay cô bé đã cho tôi một bài học vô cùng quý giá. Hè này, tôi quyết phải tập bơi cho thật giỏi. không thì xấu hổ chết đi được.

Lúc này thấy mình đã bạo dạn hơn, thanh niên hỏi tiếp :

- Nhà Thủy có ở gần đây không ?

- Tôi là kẻ không nhà.

Thanh niên quay lại nhìn Thủy với đôi mắt đầy ngạc nhiên :

- Ủa, thế thì Thủy làm gì ở đây ?

- Tôi đi phiêu lưu bằng một chiếc đò con đậu ở sau bụi sậy, cách đây vài chục thước.

- Đi phiêu lưu một mình trên dòng Tiền Giang, thế Thủy không sợ ?

- Không !

- Thủy đã cứu mạng tôi, tôi sẽ suốt đời nhớ ơn Thủy và tôi muốn làm một điều gì để Thủy được vui lòng.

Thủy mỉm cười :

- Tôi chỉ muốn cậu giúp tôi đẩy chiếc đò kia xuống nước mà thôi.

- Điều đó quá dễ. Nhưng Thủy muốn đi về đâu ?

- Đi xuôi dòng sông.

- Có xa không ?

- Xa, xa lắm.

Lúc đó, ánh mắt Thủy có một vẻ dịu dàng pha lẫn vẻ kiêu hãnh và dường như che dấu một điều gì bí ẩn, làm cho chàng thanh niên rất xúc động.

- Thủy đi tận đâu vậy? Về Sadec, Vĩnh Long hay Cái bè, Mỹ Tho ?

Thủy ngoảnh mặt đi không đáp, rồi vùng đứng dậy chạy tới chổ để con đò.

- Trời ơi ! Với một con đò bé nhỏ thế này mà Thủy dám xông pha trên dòng Tiền Giang sao ?

- Cậu mặc tôi, tôi sẽ kéo đò xuống sông một mình cũng được.

Rồi nó nắm lấy chiếc thừng hết sức kéo. Nhưng chiếc đò đã gắn chặt vào cát, không nhúc nhích. Mặc dầu Thủy không muốn nhưng chàng thanh niên vẫn đến giúp sức. Chàng lớn con khỏe mạnh nên, sau vài phút, chiếc đò đã được đẩy phăng xuống nước. Nhưng trước khi Thủy bước vào đò, chàng giữ lại nói :

- Không, Thủy không thể đi như thế trước khi cho tôi biết Thủy từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Thế Thủy không coi tôi là một người bạn sao ?

Bổng Thủy ôm mặt và òa lên khóc.

Ngạc nhiên, chàng thanh niên nhìn Thủy với vẻ mặt lo lắng. Rồi chàng ngồi vào đò cạnh Thủy.

- Có chuyện chi vậy, Thủy? Sao Thủy không chịu nói? Tuy mới quen biết nhưng Thủy nên coi tôi như người bạn cố tri.

Trước thái độ thành khẩn của chàng thanh niên, Thủy bèn thổ lộ:

- Cậu muốn biết tôi là ai ?...Tôi không có cha có mẹ. Bác phó Từ, làm việc ở trang trại của ông Hội đồng Hải ở Cao Lãnh, đã nuôi nấng tôi. Bác đã lượm được tôi một buổi sáng cuối thu trong con đò này và từ chiều qua tôi cùng nó đã từ giã đảo Reng mãi mãi. Còn cậu, cậu là ai ?

- Tôi là Thái Xuân Sơn, con cả ông Hội Đồng Hải, năm nay tôi 18 tuổi.

- Chết chửa tôi xin lỗi cậu.

Sơn cả cười :

- Thủy xin lỗi gì ?...Xin lỗi đã cứu tôi khỏi xuống chầu Vua Thủy Tề hay sao?

- Ấy không…nhưng tôi không được biết cậu là con ông Hội Đồng.

- Con ông nào đi nữa, mà té sông suýt mất mạng cũng chỉ là một đứa con trai vô tích sự như tất cả những đứa con trai khác mà thôi chứ…Bây giờ Thủy cho tôi biết Thủy định đi đâu bằng chiếc đò này ?

- Tôi cũng chẳng rõ nữa.

- Vậy tôi thành thật khuyên Thủy, ở cái tuổi này, chẳng nên phiêu bạt vô bờ bến như thế. Nên trở về nhà là hơn.

- Nhưng về nhà tôi sợ bị la. Mà còn chiếc đò này thì tính sau ?

- Tôi sẽ cho người tới mang về đảo cho Thủy.

Nó ngồi im lặng. Một lát sau nó mới quay lại hỏi Sơn :

- Tại sao cậu muốn ngăn cản tôi, không để tôi đi ?

- Thế cù lao Reng không có gì đáng lưu luyến hay sao ? Thủy không thương mến một người nào hay sao ?

- Chẳng ai thương mến tôi cả trừ bác Từ.

- Thế Thủy không thấy khổ tâm khi từ giã bác ?

- Có chứ, khổ tâm rất nhiều.

Sơn đã đánh trúng nhược điểm. Thật vậy, nếu Thủy thấy ân hận, đó là vì bỏ đi mà không một lời từ giã bác phó. Nó cúi đầu suy nghĩ. Bổng nhiên một ý nghĩ lóe lên trong đầu. Ban nãy Sơn đã hỏi có thể làm được điều gì cho Thủy. Nhưng chính Thủy không cần chi cả, mà người cần được giúp đỡ là bác phó Từ, vì công việc của bác tại trang trại sắp hết và bác cần có công việc khác để nuôi sống gia đình.

Cúi nhìn những viên sỏi ở mé sông, Thủy thở dài não ruột và quyết định nói với Sơn ý muốn của mình.

- Thưa cậu, nếu cậu có thể nói với ông Hội Đồng cho ba Từ một việc làm ở trên xưởng Lái Thiêu thì tôi rất sung sướng.

- Được, được, Thủy cứ yên tâm, tôi sẽ nói nhưng với một điều kiện là Thủy phải trở về cù lao Reng cơ.

Rồi đôi bạn lên bờ, đi bộ độ vài chục bước thì đến chổ đậu chiếc xe Honda của Sơn.

- Ngồi sau xe này Thủy có sợ không ?

- Tôi chưa ngồi bao giờ, nhưng chắc tôi không sợ.

Và Thủy nói tiếp :

- Tôi chỉ sợ cậu mà thôi.

Sơn bật cười rất giòn và ngồi lên đạp ga. Xe khởi hành như bay, tung bụi mù ở phía sau. Nửa tiếng trôi qua, hai người đã về tới cù lao Reng và Sơn từ giã Thủy để về trang trại.

Chương 04

 

Thấm thoát đã đến tháng mười mùa gặt đã xong xuôi, nước Tiền Giang lờ đờ chảy để lộ ra những bãi cát dài.

Thủy ngồi bên bờ sông, mắt mơ mộng nhìn về phía trang trại.

“ Hai tháng đã trôi qua nó thở dài lẩm bẩm, mà ta không hề gặp lại cậu ta.”

Nhiều khi Thủy băng qua cầu, đi về phía trang trại để đón bác Từ, với hy vọng gặp lại chàng thanh niên mà Thủy đã cứu thoát chết trên sông Tiền Giang ngày nào.

Hỏi thăm ba Từ thì ba cho biết chỉ nghe phong phanh là cậu Sơn đã trở lên Sàigòn từ hai tháng nay rồi. Thủy buồn rầu nghĩ :

“ Chắc hẳn cậu ấy đã quên ta rồi; ta chỉ là đứa con một gia đình quê mùa…mà cũng chưa được như thế, ta chẳng là con ai cả. Tuy nhiên, hồi đó, cậu ấy đã tỏ ra rất tử tế và coi ta như một người bạn cố tri. Chắc cậu ấy đã quên ta…Và ta lo rằng cậu ấy quên luôn cả vấn đề của ba Từ với ông Hội Đồng”.

Nhưng một buổi chiều kia, khi Thủy lên đầu cầu để đón bác Từ, nó thấy mặt bác lộ vẻ hân hoan.

- Ba có chuyện gì vui quá vậy ? Thủy hỏi.

- À, ba… ba… mới gặp được một điều may mắn mà chưa bao giờ ba dám nghĩ tới. Số là bữa nay ông Hội Đồng đã cho gọi ba và bảo cho biết là hồi này công việc ở trang trại đó hoàn tất nên ông đã chọn ba làm quản lý cho xưởng Lái Thiêu của ông. Mới đầu ba tưởng là ông nói chơi cho vui, nhưng đúng là sự thật.

Thủy không đáp, không cho ba Từ hay điều bí mật của nó. Nó cảm thấy rất vui cậu Sơn đã giữ đúng lời hứa và cậu đã không quên con bạn nhỏ này. Nhưng trái tim nó thắt lại khi nghĩ rằng một khi ba Từ lên Lái Thiêu, nó sẽ phải sống một mình ở nhà với bác gái và các chị nó.

- Thưa ba con rất sung sướng được nghe tin này.

- Phải, ba rất vui, và ba cũng rất được yên lòng lên Lái Thiêu, vì ông Hội Đồng sẽ ứng trước cho mấy tháng lương để má và các con chi dùng ở nhà.

Rồi đặt tay lên vai Thủy, bác nói :

- Thủy, con cứ yên tâm ở nhà, trước khi ba đi ba sẽ dặn má và các chị phải thề rằng, sẽ đối xử thật tử tế với con.

Thủy cúi đầu, cắn môi để khỏi bật lên tiếng khóc. Nó không muốn làm giảm niềm vui của ba Từ.

- Con sẽ đợi khi nào ba thu xếp xong, gia đình ta sẽ lên đó. Thủy nói. Lúc ấy thì nó rất tin tưởng rằng nó sẽ có thể chờ đợi được.

Ngày khởi hành đã đến. Bác phó Từ giã vợ con để lên đường, lòng chứa chan hy vọng về một tương lai tốt đẹp.

Tối hôm đó, Thủy trằn trọc mãi không ngủ được, kéo chăn lên kín đầu nó khóc thầm suốt đêm. Sáng hôm sau, khi thức dậy, nó thấy cổ họng khô khan, mí mắt nóng lên. Nó cố làm ra vẻ tự nhiên để các chị nó khỏi chế nhạo sự đau khổ của nó.

Hôm sau nữa là chúa nhật. Thường thường trong ngày đó bác Từ nghĩ việc và dùng cơm ở nhà với vợ con. Bác ngồi đầu bàn cạnh Thủy. Để nghĩ rằng bác vẫn còn ở nhà, nó vẫn bày bát đũa của bác Từ ở chổ cũ trên bàn, như là bác sắp trở về vậy.

Con Hương nhún vai nói với một giọng mỉa mai :

- À phải, bộ mày tưởng rằng làm như vậy là ba sẽ về hả? Còn khuya. Thôi, tốt hơn cô nên nghĩ đến chuyện khác và hà tiện nước mắt đôi chút cho chúng tôi nhờ. Còn khuya mới có ba bên cạnh mày để an ủi mày.

Nghe vậy Thủy tái mặt đi. Nó hiểu rằng những ngày kế tiếp sẽ đánh dấu bằng những chữ thập đen. Nó ngồi lặng một lúc trước bát cơm, để phấn đấu với sự đau khổ. Rồi đột nhiên, nó đứng dậy chạy thẳng ra ngoài đảo, chui vào cái lều bằng cành cây mà nó mới dựng lên mấy ngày trước, để che dấu niềm đau khổ vô biên đang làm tan nát tâm hồn.

Nằm trên đống lá khô, nó đếm những ngày những tháng. Phải ít ra gần hai trăm ngày nữa ba Từ mới trở về để đón gia đình lên Lái Thiêu. Như vậy quá lâu. Một lần nữa, nó lần bước ra chổ buộc con đò.

“ Ra đi ! … Ta quyết phải ra đi ”.

Nhưng nó chợt nhớ lại vẻ mặt cậu Sơn, nghe thấy tiếng cậu hỏi: “ Thủy định đi đâu? Rồi Thủy sẽ ra sao? ”. Mắt nó nhìn theo giòng nước Tiền Giang. Nó nhớ lại lần trước, trên con đò này, nó đã định đi thật xa nhưng đã bị mắc cạn. Nên nó phải đành bỏ ý định dùng con đò này để đi phiêu bạt một lần nữa.

Nó lủi thủi ra về, và sau một đêm suy nghĩ, nó quyết chí đi Lái Thiêu tìm ba Từ và lần này nó sẽ dùng đường bộ.

Xem tiếp chương 5 & 6