Bức Mật Thư - Chương 7 & 8

Chương 07

TẤN CÔNG ĐẤT ĐỊCH

Sáng hôm sau, tôi chỉ mong ngóng Trí cho biết chương trình hành động ra sao. Hỏi thì anh bảo để phải hỏi kỹ lại Khiết một số chi tiết cái đã. Và rồi anh cứ đà đận đăm chiêu suy nghĩ cái gì đó. Bực mình vì phải chờ lâu, tôi vờ làm mặt giận dỗi ra vẻ không cần để ý gì đến cái chương trình đó nữa. Kỳ thực, tôi vẫn thấy làm lo lắm. Tất cả những gì dính dáng đến việc truy tầm bức mật thư đều khiến tôi lo ngại vô cùng.

Khi hai anh em xuống đến nhà dưới thì thấy bà nữ quản gia Năm Rằng đã dậy từ bao giờ và đang sửa soạn đi thăm người bà con trong họ. Được biết bà Năm chỉ đi chơi có hai ngày thôi mà sao bà thu xếp hành trang kỹ thế. Bà đem theo đồ dùng hằng ngày, áo quần thay đổi nhiều không biết bao nhiêu mà kể.

Ông Bích-Tâm, ba Trí, lái xe đưa bà ra bến xe đò Biên Hòa. Trí và tôi nhìn theo hút xe hơi. Chẳng ai bảo ai mà cùng thở ra một hơi dài khoan khoái. Lý do: từ khi con chó Lát-Si của Khiết tìm đến để ở bằng được với chủ, chúng tôi nhận thấy rằng khó mà giữ kín mãi sự hiện diện của Khiết tại tầng trên nhà kho, trong "phòng Thí Nghiệm". Nay đỡ phải ké né giữ gìn vì đôi mắt rất tinh của bà Năm, chúng tôi thích thú hơn tất cả cái gì hết.

Má Trí không nói gì về việc bà tới phòng ngủ kiểm soát chúng tôi đêm qua. Nhìn nét mặt bà, tôi nghi rằng bà đã nghe được một vài tiếng gì khác thường trong đêm tối nhưng giữ kín không muốn nói ra. Khi thấy Trí và tôi cúi đầu ăn vội vàng, bà ngạc nhiên lên tiếng khẽ la:

- Đi đâu mà ăn vội thế hả các con? Nói phải nghĩ mà ăn thì phải nhai chứ! Đau bao tử chết ạ!

Trí đáp nhanh :

- Chúng con có nhiều việc gấp lắm má à!

Bà chưa ăn hết bát cháo, chúng tôi đã láy mắt cho nhau, buông đũa đứng lên. Trí quơ nhanh hai hộp gì tròn tròn trong ngăn kéo buýp-phê. Tôi chưa kịp nhìn rõ là hộp gì, anh đã chạy bay ra ngoài sân. Tôi chạy theo anh sát gót :

- Anh lấy hai hộp gì vậy?

- Đồ ăn riêng của Lát-Si!

Khi hai anh em lên tới phòng Thí Nghiệm, Khiết cũng vừa thức giấc, đôi mắt còn hấp háy, bên nhắm bên mở. Con chó khôn ngoan Lát-Si vẫn tỉnh táo như thường. Nó vẫy đuôi, rít lên mừng tụi tôi tíu tít. Cả ông Nghị cũng ngoác mỏ "két" inh ỏi và vỗ cánh phành phạch. Chúng tôi phải moi đồ ăn đưa cho hai con, chúng mới chịu im. Trí quay ra nhìn Khiết :

- Khiết à! Đến bây giờ thì tôi dám chắc là bức mật thư của ba Khiết không để trong cái rương này đâu. Khiết cố nhớ lại coi! Khi trốn khỏi đoàn xiếc, Khiết có đem theo thêm đồ gì của ba Khiết, ngoài những cái này không?

Khiết lắc đầu :

- Không! Ngoài những thứ ở trong rương ra, không còn cái gì khác nữa đâu!

- Nhưng chắc là ba Khiết còn để lại nhiều thứ khác lắm chứ?

Khiết gật :

- Úi chà! Nhiều! Nhiều lắm! Ba Khiết để lại nhiều thứ lắm chứ!

- Kể thử coi nào!

- Thì... cả đoàn xiếc này, đoàn mãnh thú này, chim chóc... lừa ngựa, voi..., khỉ, vượn...

Trí nhíu cặp chân mày :

- Không, không! Tôi không muốn nói mấy thứ đó. Tôi chỉ muốn biết... ba Khiết... có để lại một cái bàn giấy nào không. Bàn giấy ba Khiết vẫn ngồi làm việc hàng ngày lúc còn sống đó.

- Ồ, ồ, có chứ! Ngày nào ba tôi cũng ngồi làm việc ở bàn giấy riêng. Trong đó để nhiều sổ sách giấy tờ lắm.

- Bây giờ, chắc tên Đồ-Tể đang dùng cái bàn giấy đó?

- Đúng rồi! Khi ba tôi mất, ông Tể lên làm Giám đốc là lập tức ngồi vào làm việc tại bàn giấy đó liền.

- Thế khi đoàn xiếc di chuyển chỗ này chỗ kia, chắc cũng chở cái bàn giấy ấy đi theo? Và chở bằng cách gì?

- Ừ, chở đi theo, bằng xe do ngựa kéo. Chiếc xe do hai ngựa kéo riêng của Đồ-Tể.

- Vậy bây giờ cái bàn giấy đó cũng đang còn ở trong chiếc xe ngựa riêng của lão ta?

- Không đâu! Mỗi khi đoàn xiếc hạ trại tại một địa điểm nào thì Đồ-Tể liền cho kê nhờ cái bàn giấy lão chiếm của ba tôi đó trong trụ sở Phường của địa phương ấy.

- À, nếu vậy thì hiện tại cái bàn giấy ấy chắc chắn đang đặt tại trụ sở Phường Thủ-Đức.

Khiết cau mày suy nghĩ :

- Thủ Đức! Trụ sở Phường Thủ Đức! A! Tôi nhớ ra rồi! Ông Xã Trưởng Phường Thủ-Đức quen biết ba tôi và quý gánh xiếc Tâm Lan của ba tôi lắm. Mỗi lần hạ trại tại đó trình diễn là bao giờ ông cũng dành cho ba tôi cả một gian rộng trong trụ sở xã, có thể kê được 3, 4 cái bàn giấy kia.

Trí hăm hở :

- Bàn giấy của Ba Khiết có cái gì đặc biệt không?

- Không! Chẳng có gì đặc biệt cả! Trông nó cũng giống như những bàn giấy khác ấy. Cũng hai hàng ngăn kéo hai bên, một ngăn kéo lớn ở giữa, màu nâu và cũ sì à.

- Biết rồi, biết rồi! Nhưng tôi muốn hỏi, ngoài những cái đó ra, nó còn có dấu tích gì phân biệt hẳn so với các bàn giấy khác không?

Nét mặt đăm chiêu, Khiết cau cau vầng trán rộng, trắng xanh, mấy ngón tay run rẩy lùa vào mớ tóc rối bời đã bay gần hết thuốc nhuộm, loang lổ chỗ nâu chỗ đen. Miệng nó lầm bầm :

- Dấu tích khác, dấu tích đặc biệt? Làm gì ra nhỉ?... Làm gì có à, à! - Khiết chợt tươi nét mặt, đôi mắt lộ ánh vui mừng, hai ngón tay bật kêu "pách" một tiếng. - À, tôi nghĩ ra rồi, phải! Phải! Đúng rồi! Mỗi ngăn kéo đều có một cái núm bằng đồng chạm hình mặt chú Bình-Be, vua hề của đoàn xiếc. Cái núm để nắm khi đẩy vào và kéo ngăn ra đó.

Trí giương to đôi mắt :

- Cũng hệt như cái núm ở quai xách cái rương nhỏ?... Trời! Vậy thì hay quá rồi!

Khiết ngạc nhiên :

- Mà tại sao anh lại hỏi tôi về những cái tỉ mỉ đó?

- Trí mỉm cười :

- Khiết chưa biết đấy thôi! Trong các truyện trinh thám tôi thường đọc, người ta hay nói đến những ngăn kéo bí mật làm kín trong những món đồ gỗ, bề ngoài trông rất thường như bàn, ghế, tủ, bàn giấy đó. Có thể trong bàn giấy của ba Khiết cũng có một cái ngăn kéo bí mật để cất giấu những giấy tờ cần thiết. Biết đâu chừng!

Đôi mắt sáng long lanh, Khiết sững sờ ngó Trí. Quả tình nó không nghĩ tới điểm đó. Phần tôi, tôi đã linh cảm thấy chương trình hành động của Trí sẽ như thế nên anh mới nói ra miệng như vậy. Và cái điều tôi linh cảm đó lại khiến tôi lo ngay ngáy.

Trí lờ đi, chẳng để ý gì đến tôi. Anh nhấc ống điện thoại do anh làm lấy, nối liền với đường giây trên phòng ba má anh. Tiếng bà Bích-Tâm ở đầu giây :

- Chính gọi má hả?

Anh nháy mắt nhìn tôi ranh mãnh :

- Má ơi! Chúng con thích đi xem xiếc quá má à! Ba giờ chiều nay họ trình diễn ở Thủ-Đức đó má. Má cho phép tụi con đi xem nghe, má! Chúng con đi xe đò Phước-Lộc-Thọ chắc chắn và mau lắm. Năm giờ rưỡi là chúng con đã về tới nhà kịp ăn cơm tối má à! Má chịu không?

Bà Bích-Tâm vui vẻ :

- Ừ, má cho phép hai anh em đó! Lên Thủ Đức mát lắm. Hai anh em tha hồ hít thở gió đồng rất tốt. Má để tiền ở trên bàn dưới bếp cho hai đứa đó nghe. Má cũng phải đi với ba bây giờ đây.

- Vâng, cám ơn má!

Dứt lời, Trí gác ống điện thoại. Vẻ mặt anh hớn hở như một học sinh loay hoay mãi với bài toán khó, giờ đây đã tìm ra cách làm. Riêng tôi, tôi lại cảm thấy băn khoăn lo ngại. Một cuộc mạo hiểm hứa hẹn nhiều pha gay cấn sắp sửa mở màn. Mà lực lượng của đối phương Đỗ-Tể, Dậu ghẻ, mới hồi tưởng lại vóc dáng sừng sững của họ thôi, toàn thân tôi đã rùng mình ớn lạnh rồi.

Tôi bàn soạn với Trí tìm cách lảng ra, nhưng anh cứ gạt đi. Bí quá, tôi đành phải viện cái lý do cuối cùng :

- Đến bốn giờ tôi còn phải đi đưa báo!

Trí thản nhiên :

- Nhờ người khác đi đưa giùm! Coi nào! Nếu tôi nhớ không lầm, thì thằng Bình đã nhiều lần giúp Chiêm làm cái việc đó rồi mà, phải không? Bảo nó đi đưa cho Chiêm, nhưng để chừa lại nhà Mai-Điên. Khi đi Thủ-Đức về, Chiêm sẽ thân hành tới đó.

Thế rồi, khi chiếc xe đò Phước-Lộc tách bến, trực chỉ hướng Thủ Đức chạy bon bon, chễm chệ ngồi trên hai chiếc ghế da êm ngay đằng sau tài xế, đã có Trí và vị phụ tá của anh là CT3, tức là tôi vậy.

Chẳng hiểu xe đò chạy có lẹ không mà chỉ thoáng một cái, chúng tôi đã tới Thủ Đức rồi. Trí óc tôi cứ cố hình dung lại cảnh vật thiên nhiên rộng bao la bát ngát vừa mới được nhìn ngắm, những thửa ruộng lúa xanh rờn chạy xa mãi tít tận chân trời. Mùi lúa non hòa lẫn mùi cỏ cây, bay theo gió, thoảng vào mũi làn hương đặc biệt, cái hương thơm đồng quê xanh mát của nước Việt, bao giờ cũng như bao giờ.

Tôi cố nhớ lại những hình ảnh đẹp mắt đó, cái hương quê nhẹ thơm mùi lúa sữa đó để quên đi phần nào giây phút hiện tại và chút xíu nữa đây chắc là gay cấn lắm. Nhưng kìa!... những băng vải quảng cáo căng ngang đường, trên cao, bích chương dán đầy tường phố như đập vào mắt khiến tôi càng cố quên thì lại càng nhớ rõ. Và bất giác, tôi lẩm bẩm đọc :

- Gánh xiếc Tâm-Lan vĩ dại nhất Việt-Nam, Giám Đốc Đỗ-văn-Tể! - Dưới hàng chữ lớn kẻ sơn đỏ, nhiều hàng chữ nhỏ hơn viết bằng sơn đen như sau :

"Sau cái chết đột ngột, thảm thiết của ông Phạm-trọng-Tâm, Giám Đốc sáng lập đoàn xiếc vĩ đại Tâm-Lan, Ông Đỗ-văn-Tể đã đứng ra lèo lái nghệ sĩ đoàn của tổ chức nghệ thuật thứ bẩy này. Sinh trưởng tại Đà-Nẵng (Trung Việt), Ông Đỗ-văn-Tể, tự thuở ấu thơ, đã mê say nghề trình diễn hát xiệc nhất là môn đu bay rất nguy hiểm. Vốn là một người ham chuộng thể thao, rất mê say câu cá, vị tân giám đốc này đã đem hết khả năng để cống hiến khán giả những pha trình diễn nghệ thuật có một không hai, từ xưa tới nay không một đoàn xiếc nào thực hiện nổi".

Phía trên, bên phải những chữ sắc như cắt này là bức hình chân dung Đỗ-văn-Tể.

Trí lẩm bẩm :

- Kỳ nhỉ! Ông Bình-Be nói với chúng mình Đỗ-văn-Tể sinh tại Cam-Pu-Chia kia mà. Sao đây lại ghi là Đà-Nẵng?

Tôi bực mình buông gọn :

- Sinh ở đâu thì sinh, ăn thua gì cái đó! Chỉ cần biết là tay gian manh này hiện đang có mặt tại đây. Và xin báo cáo với "sếp" là đúng người có cái mặt này hôm nọ tôi đã thấy ngồi trong chiếc xe hơi tiến vào phía nhà Mai-Điên đó.

Thủ-Đức là một quận lỵ nhỏ. Tìm địa điểm nơi đoàn xiếc hạ trại chẳng khó khăn gì. Và kiếm trụ sở Phường Xóm Chợ, chỗ Đỗ-văn-Tể đặt văn phòng lại còn dễ dàng hơn nữa.

Trí khẽ bảo tôi :

- Được, Chiêm! Còn dư thì giờ chán! Hai giờ rưỡi chiều mới trình diễn kia mà. Gần ba giờ, tụi mình mò vào bàn giấy của lão là chắc ăn. Thế nào lão ta cũng phải có mặt tại rạp để điều khiển các mục trình diễn chứ.

Tôi vẫn không quên một vấn đề quan trọng :

- Tụi mình kiếmcái gì ăn đã, đi!

Trí gật đầu. Phút sau, hai anh em đã mỗi người một ổ bánh mì kẹp chả lụa, rắc muối tiêu cẩn thận, vừa đi vừa cắn bánh nhai ngon lành.

Chúng tôi lượn qua cửa rạp xiếc. Còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới tới giờ khai diễn, phòng bán vé đã mở cửa. Một người đàn ông đang tíu tít xé vé bán và phân phát chương trình. Trí tạt vào ngay lấy một tờ.

Tôi ngạc nhiên :

- Anh định mua giấy vào xem thật hả?

Trí trừng mắt :

- Điên hay sao mà lại vào xem! Thì giờ đâu? Mình muốn cùng Chiêm coi kỹ lại bức hình lão Đồ-Tể xem có đúng là người Chiêm đã bắt gặp trên xe hơi bữa nọ không. Coi lại lần nữa xem nào, Chiêm!

Tôi đưa mắt nhìn kỹ. Bức hình in trong tờ chương trình, khổ 4x6, trông lại rõ hơn bức hình lớn trên tờ quảng cáo ngoài phố. Khổ mặt lão Tể to phì phị như mặt lợn ỉ, đôi mắt ti hí kiểu mắt lươn, miệng mím chặt trông như không có môi vậy. Đúng là người tôi đã bắt gặp lái xe chạy vào hướng nhà Mai-Điên.

Trí gấp gọn tờ chương trình cho vào túi :

- Rồi! Bây giờ chúng mình đã nhận rõ mặt lão rồi. Ta lên đường ngay đi, Chiêm! Theo tôi!

Trí vừa nói dứt, hai anh em đã đi tới một cái vườn bông. Nơi cuối vườn là trụ sở xã Xóm Chợ. Một tòa nhà không lớn lắm nhưng xây cất đẹp đẽ, khang trang. Qua một cái cổng lớn có mấy người nhân dân tự vệ vác súng đứng gác, chúng tôi đã đứng trước một dẫy nhà ngang khá rộng. Trên cửa, một tấm bảng sơn vàng kẻ chữ đỏ "Ban Trị Sự Đoàn Xiếc Tâm Lan". Tôi khẽ giật mình khi chợt nhận ra chiếc xe màu xanh da trời của lão Tể đậu bên hông nhà.

- Trí! Xe của lão Tể kia kìa! Chắc lão còn ở trong văn phòng đó!

- Ừ! Tôi cũng nghĩ như Chiêm vậy! - Vừa nói anh vừa tiến lại một chiếc ghế dài bằng xi- măng đặt dưới gốc cây phượng vĩ gần đó, - Tụi mình ngồi đây, Chiêm! Và giả bộ như bị mệt nhọc cần nghỉ chân ấy nghe, Chiêm!

Trí và tôi vừa ngồi yên chỗ, anh liền móc túi lấy tờ chương trình mở rộng ra :

- Nếu có người ra, chúng mình giả vờ chăm chú đọc chương trình hát xiếc, nghe! Cố sao cho họ đừng chú ý tới bọn mình đấy. Có lẽ Đỗ-văn-Tể sẽ ra đi ăn cơm trưa. Như vậy ta sẽ thi hành được công tác sớm hơn thời gian dự liệu.

Anh vừa nói xong, cửa gian chính giữa mở toang. Hai người đàn ông bước ra. Tim tôi đập thình thịch trong lồng ngực. Đúng là Đỗ-văn-Tể. Lão vẫn mặc cái áo sơ mi vàng bữa nọ. Và tên kia, cao dong dỏng không thể là ai khác ngoài Dậu ghẻ!

Tôi liếc nhanh mắt cho Trí định nói để anh biết. Nhưng chưa kịp, Trí đã nhíu cặp chân mày thật nhanh ra ý bảo tôi đừng nói gì hết. Tờ chương trình vẫn mở rộng đưa ngang tầm mắt, tôi biết thừa là anh chẳng đọc gì hết mà thực ra đang chiếu tia nhìn về phía hai người đàn ông kia. Anh cẩn thận đề phòng thế cũng phải, nhưng có lẽ... hơi thừa: Đồ Tể và Dậu ghẻ đang nói chuyện cái gì mà mải mê lắm. Không thấy tụi họ nhìn về phía chúng tôi lần nào dù chỉ trong một tích tắc.

Rồi hai người quay ra, bước lẹ lên xe hơi. Xe rồ máy, lui ra, trực chỉ phía đoàn xiếc hạ trại, lăn bánh thật nhanh, tung lại đằng sau một đám bụi mù.

Chờ cho chiếc xe chạy khuất nơi đầu đường, Trí đứng phắt lên. Tiếng anh nói khẽ, nhưng âm thanh sắc gọn :

- Mau lên! Chiêm! Lợi dụng dịp may! Mau đi!

Tôi chùn bước :

- Này... Trí! Lỡ gặp người trong đó thì sao?

- Cứ việc nói chúng ta là hai phóng viên tờ bích báo của trường đến viết bài phóng sự về sinh hoạt của đoàn xiếc!

Tôi trợn mắt :

- Bích báo của trường? Tụi mình đang nghỉ hè mà? Viết bich báo để ai đọc?

"Sếp" tắc lưỡi :

- Chậc! Thì nói đại là... viết để dành sẵn cho ngày khai trường. Lấy bút chì và mấy tờ giấy trắng ra cầm đi! Làm bộ như đang mải mê ghi chép vậy đó!

Tôi đưa tay sờ nắn mấy cái túi :

- Trời ơi! Tôi chẳng có tờ giấy nào, bút chì cũng không nốt!

Trí hơi cau mặt khó chịu vì cái tính không biết lo xa, tật xấu kinh niên của tôi, anh móc ra mấy tờ giấy trắng :

- Đây, "ông"! Ông chỉ được cái bộ thế thôi! Còn bút chì? Tôi có mỗi một cây đây, mà tôi cũng cần ghi chớ! Thôi, để vào bàn giấy lão Tể, trong đó thiếu gì!... "Dô"! Chiêm! Làm bộ tự nhiên như không ấy, nghe!... Tươi tỉnh lên một chút coi nào!

Tươi tỉnh? "Sếp" bảo tôi tươi tỉnh lên!... Trời đất! Đi còn chưa chắc nổi đây... ở đó mà tươi tỉnh!

Chương 08

RẮC RỐI

Chẳng hiểu Trí có thấy sợ không? Nếu sợ thì anh cũng giấu tài lắm, chẳng để lộ ra. Riêng tôi, tôi thấy run quá. Anh đưa chân, thản nhiên bước, nét mặt bình tĩnh. Thoáng trông, không ai có thể ngờ được là anh sắp sửa làm một công việc thật mạo hiểm.

Đi được gần mười bước, tôi tiến lại gần một ô cửa sổ để mở. Có tiếng người đánh máy kêu lách cách. À, kìa! Một cô thư ký đánh máy đang làm việc, ngồi quay lưng lại phía tôi. Gần quá, khiến tôi có cảm giác chỉ giơ tay là đụng phải người cô ta.

Tôi rỉ khẽ vào tai Trí :

- Ê, coi chừng! Có người đó!

Trí thản nhiên :

- Thây kệ! Không phải văn phòng này! Vào hẳn bàn giấy của Đỗ-văn-Tể kia!

Chắc đây rồi, bàn giấy làm việc của Đỗ-văn-Tể! Cửa ra vào bằng gỗ đánh xi bóng loáng. Hai cánh cửa lắp kính dầy trong suốt. Trí tiến đến dán mũi vào ô kính bóng loáng. Tôi bám sau lưng anh, cũng đưa sát mặt nhòm vào. Một hành lang dài và rộng, bên trong có hai cửa ra vào: một ô cửa bên tay phải chắc là lối đi vào phòng cô thư ký đánh máy. Một ô cửa lớn hơn, cũng đóng im ỉm, ở mãi phía cuối hành lang. Bên trên, một tấm bảng kẽ rõ ba chữ: "Văn phòng riêng". Tôi ngại quá, chỉ mong Trí rút lui :

- Coi bộ khó quá! Cô thư ký này dám nghe tiếng tụi mình đi lắm!

- Nghe sao được! Cô ấy đang mãi đánh máy lách cách như vậy, nghe sao được mà nghe! CT3! Tiến lên!

Đưa tay mở nhanh cánh cửa, anh lướt vào bên trong hành lang, bước mấy bước đã tới sát cửa "Văn phòng riêng". Xoay quả đấm, anh mở cánh cửa dòm vào và quay nhìn tôi gật đầu gọi đi theo. Tôi chạy vút theo anh.

Trí nói nhanh :

- Đúng văn phòng của Đồ-Tể đây rồi. Coi kìa!

Tôi đưa đầu qua khe cửa mở hé, dòm vào. Một bàn giấy lớn kê giữa phòng, hai chồng ngăn kéo hai bên và một ngăn kéo ở giữa như mọi bàn giấy khác. Điểm đặc biệt: ngăn kéo nào cũng có một cái núm bằng đồng sáng loáng chạm hình mặt chú hề. Đúng rồi! Đúng mục tiêu công tác đây rồi!

- Chiêm chạy ra đầu cửa đằng kia coi chừng người tới. Để tôi vào lục soát nghe! Có ai, lập tức huýt gió báo động đấy!

Có ai tới lập tức huýt gió báo động! Nguy quá! Huýt gió báo động. Thế rồi rút lui thì chạy ngõ nào đây? Hai lần, suýt nữa thì tôi huýt gió vì thoáng thấy xe hơi của ai mà tôi đinh ninh là của Đồ-Tể chạy ngang. May quá, không phải! Chờ lâu nóng ruột, tôi ghé mắt dòm qua khe cửa coi Trí đang làm gì. Anh cúi sát mặt trên bàn giấy, nhìn chăm chú từng chút, ấn từng cái núm mặt hề, lùa ngón tay vào mọi góc kẹt. Anh làm rất nhanh nhẹn cẩn thận, nhưng không đạt được một kết quả gì.

Chợt Trí đưa nhanh tay đỡ một cái gì nhưng không kịp, cả một bộ đồ nghề gồm toàn cần câu, cuộn giây đổ ào xuống.

Tôi giật nẩy mình và đinh ninh thế nào cô đánh máy cũng chạy ra. Thiệt may, tiếng máy chữ vẫn lách cách đều đều không ngưng nghỉ. Trí lại tiếp tục việc bới tìm. Tim tôi còn đang đập thình thịch, đột nhiên, một bóng người đàn ông xuất hiện xăm xăm tiến tới gần khuôn cửa kính đầu hành lang. Tôi nói nhanh :

- Có người, Trí!

Trí đang ngồi thụp bên dẫy ngăn kéo bàn giấy, nghe tiếng tôi, anh đứng phắt lên rất nhanh :

- Rút xấp giấy ra cầm tay, mau lên, Chiêm!

Rồi đi vòng bàn giấy, anh lượm nhanh một cái bút chì đưa cho tôi. Tài quá! Trong lúc gay cấn như thế, Trí vẫn nhớ được nhiều vấn đề thật chi tiết.

Trong nháy mắt, anh đã nhẩy ra khỏi phòng, quài tay khép cánh cửa lại, đứng ngay bên tôi, trong hàng ba. Người đàn ông bước vào. Chúng tôi hết lối chạy.

Trí nói nhanh:

- Đừng khai tên và địa chỉ thật ra đấy nhé!

Tối cuống lên :

- Vậy nói tên là gì?

- Tên gì mà không được. Không phải tên thật thì thôi, cứ nhớ được tên gì là nói đại luôn. Đừng ú ớ là nguy đấy!

Bước chân nặng nề tiến lại gần. Tôi loáng tia mắt líếc nhanh. Không phải Đỗ-Tể, Dậu ghẻ cũng không nốt! Vóc người đàn ông to lớn phục phịch, chắc phải là một tay có hạng trong đám tài tử gánh xiếc đây.

Góc hành lang hơi khuất nên ánh sáng mập mờ. Thoạt vào, người đàn ông chưa trông thấy chúng tôi ngay. Lợi dụng phút giây quý báu đó, Trí và tôi kịp thời chuẩn bị giấy, bút chì, giả bộ hí hoáy biên chép.

Tiếng người đàn ông ồm ồm quát lên :

- A! Mấy thằng nhỏ này vào đây làm gì vậy? Hả?

Trí mỉm cười lễ phép :

- Kính chào ông! Thưa ông, chúng tôi cần kiếm một người! Nhờ ông chỉ giùm...

Người đàn ông đã tiến sát trước mặt. Ông ta cao lớn lại to ngang, nét mặt dữ tợn, đầu hói nhẵn thín. Ống tay áo sơ-mi xắn cao để lộ hai cánh tay to tướng mọc đầy lông, bắp thịt nổi lên cuồn cuộn. Đúng là một người trí tuệ chắc là con số không, nhưng sức mạnh bắp thịt nhất định phải là cỡ vô địch. Ông ta cất tiếng nói mà tôi cứ tưởng như beo gầm :

- Cái gì? Chỉ giùm... chỉ giùm sao chớ, hả?

Trí nói năng lưu loát :

- Dạ thưa ông! Anh bạn tôi đây và tôi, chúng tôi cần viết một bài phóng sự về sinh hoạt của đoàn xiếc các ông.

- À, hả? Thế tại sao lại mò vào đây? Rạp xiếc ở đằng Xóm Chợ kia mà!

"Sếp" tôi vẫn dịu dàng lễ phép :

- Dạ, thưa ông! Chúng tôi cũng biết thế rồi đấy ạ. Có điều, những bài viết về đời sống các thú vật, các nhà chuyên viên điều khiển thú dữ, rồi đến các tài tử nhào lộn, các chú hề... thì độc giả đã biết nhiều rồi. Chúng tôi chỉ muốn sưu tầm một ít tài liệu thật độc đáo về hoạt động then chốt của tổ chức nghệ thuật thứ bẩy này, nghĩa là... cơ cấu quản trị và vấn đề thù lao nghệ sĩ, vấn đề giao dịch... Thưa ông, Ông Giám đốc có ở đây không ạ?

Ông khổng lồ đầu hói cất tiếng nói nghe như bò rống :

- Không! Ông giám đốc không có đây! Mà... mà ông ấy rất ghét tụi con nít léo hánh vào tận đây. Tên chú mầy là gì, hả? Ở đâu?

- Dạ, tôi tên là Lê-văn-Hóm ở đường bà Hom!

Người đàn ông trợn mắt :

- Cái gì?... Cái gì... Hóm với Hom? Tên gì nghe quỷ quái vậy? Thế còn thằng nhỏ này?

Ông khổng lồ trợn mắt nhìn khiến tôi quýnh lên, miệng há hốc nghĩ chẳng ra cứ đứng ngay cán cuốc ra đó. Ông ta quát lên thịnh nộ, giọng nói đã nhuốm đôi chút nghi ngờ :

- Ủa lạ! Tên gì? Ở đâu, nói mau! Sao lại đứng ì ra thế hả?

- Ơ... ơ... dạ...

Tôi líu cả lưỡi, bật ra một tràng :

- Dạ, dạ, Phạm bích Chính, con ông Phạm bích Tâm ở khu Ba Chuông.

Trong lúc cuống quýt, chợt nhớ Trí đã dặn "cứ nhớ được tên gì nói đại luôn", tôi phát ngôn chẳng kịp suy nghĩ.

Chợt thấy Trí giật thót mình, cặp chân mày của anh nhíu lại tưởng chừng như vừa mới bị tôi lỡ tay chọc đầu kim gút nhọn vào má. Quả tình tôi không định khai tên tuổi và chỗ ở của anh ra, nhưng trong lúc luống cuống, tôi buột miệng lỡ lời.

Ông đầu hói lẩm bẩm :

- Phạm bích Chính, con ông Phạm bích Tâm ở khu Bà Chuông! Hừ!

Chợt cánh cửa ra vào kêu "xạch" một tiếng. Ông khổng lồ quay nhìn ra. Trí và tôi cũng giật mình quay lại: hai người đàn ông bước vào: Đỗ văn Tể và tên vệ sĩ lúc nào cũng đeo dính, Dậu ghẻ!

Trí liếc mắt, chúm môi thở ra một hơi dài nghe "chíu" một tiếng như người huýt gió. Tôi cũng muốn lấy hơi như anh nhưng lồng ngực cứ hổn hển như người nghẹn thở.

Đỗ văn Tể quắc mắt nhìn :

- Mấy thằng nhỏ này con cái nhà ai thế, Tư Phệ?

Giọng nói của tay Đồ Tể chát chúa lại lơ lớ nghe như giọng đồng bào thiểu số.

Ông đầu hói tên Tư Phệ nói ngay :

- Tôi cũng chẳng hiểu nữa. Chúng nó vào đây từ hồi nào, ai biết! Hỏi thì chúng nó bảo là muốn xin tài liệu viết bài phóng sự về gánh xiếc của mình.

Đồ Tể và Dậu ghẻ nhìn chúng tôi chòng chọc.

Tuy trong lòng run như dế tôi vẫn để ý nhận thấy lão Đồ Tể đeo đầy đồ trang sức, cái nào cái nấy đều có hình mặt hề Bình-Be: kẹp "ca-vát", khuy tay áo sơ-mi rồi ngay cả đến mặt ổ khóa thắt lưng cũng vậy.

Tay chủ gánh xiếc hất hàm hỏi Tư Phệ :

- Chúng nó có ăn cắp cái gì không, hả Tư Phệ?

Tư Phê giọng tâng công :

- Dạ không có! Không có đâu ông chủ! Đúng lúc chúng nó định vào văn phòng ông thì tôi chộp được ngay chóp mà.

Đỗ-văn-Tể ban lời khen tên bộ hạ :

- Ồ! Khá lắm! Khá lắm nghe, Tư Phệ! - Đỗ-Tể trợn mắt ngó chúng tôi, - còn hai thằng ranh này! Cút! Xéo đi!

Trí vẫn dịu dàng lễ phép tuy giọng nói của anh nghe rất bướng bỉnh :

- Thưa ông giám đốc, chúng tôi đã mất công tới đây, mong ông giám đốc cho biết một vài điều..., chúng tôi sẽ quảng cáo quý đoàn lên trang nhất tờ báo...

Lão Tể cắt ngang :

- Báo với bổ gì? Tao đã bảo tụi bây cút đi mà! Hay là còn đợi gọi Cảnh sát hả?

Trí nhũn nhặn tuân lời. Giọng nói của anh vẫn bình tĩnh lạ lùng :

-Thưa vâng ! Nếu ông giám đốc không muốn thì, vâng, xin phép ông Giám Đốc, chúng tôi về !

Tôi cũng lập lại lời anh như một tiếng vang :

- Xin phép ông Giám Đốc chúng tôi về !

Dứt lời, hai anh em đã chen chân nhau chạy vút ra phía cửa, nhanh như tên bắn. Văng vẳng phía sau, tiếng nói của Dậu ghẻ nghe rất rõ, khiến tôi sợ quá, muốn ngã xuống xỉu đi luôn :

- Ê, anh Tể. Sao tôi trông tụi oắt tì này quen quá đi ! Nhất là cái thằng be bé đó. Hừ ! Đúng là đã gặp chúng ở đâu rồi đây này. Không nhớ ra mới bực chứ !

Đỗ-văn-Tể quay nhìn Tự Phệ :

- Có ghi kịp tên tụi nó không đấy, Phệ ?

- Dạ có, cái thằng lớn đó...

Tôi đẩy Trí chạy nhanh hơn nên không còn nghe tiếp được tụi họ nói thêm những gì nữa. Chỉ nghe tiếng cánh cửa đóng lại nghê cái "sầm". Hai đứa băng qua thảm cỏ mịn trong vườn, bỏ mặt đường quanh co dài dằng dặc, để tranh thủ thời gian. Bốn cẳng chân nện nhanh như chầy máy vì tiếng quát giật giọng phía sau lưng :

- Ê, ê ! Hai chú nhỏ kia, quay lại cho cái này này, hay lắm ! Quay lại đây, mau !

Trí thở hồng hộc :

- Chạy mau nữa đi, Chiêm ! Lẫn vào đám đông phía trước mặt kia kìa, mau lên !

Thế là hai anh em nhắm thẳng đám người đông đảo đang ngược xuôi ngoài đường phố, lao nhanh như hai làn chớp nhoáng. Không nói ra, nhưng chắc Trí cũng giống tôi, chỉ mong về tới được khu Ba Chuông sớm phút nào hay phút ấy.

Khi đã ngồi yên vị trên băng sau trong một chuyến xe đò Thủ-Đức -- Saigon, Trí mới trợn tròn mắt ngó tôi :

- Trời đất ! Tại sao Chiêm lại khai tên nói tuổi tôi cho tụi "cướp" biết vậy ! Khổ ghê ! Lại cả địa chỉ nữa chứ !

Tôi choáng người, bối rối không còn biết tính sao, đành chỉ cúi đầu đáp lí nhí :

- Ớ... ớ... à... lúc đó bí quá, tôi chẳng kịp suy nghĩ ra một cái tên nào khác nữa. Chết thật, nguy quá nhỉ !

Thấy vậy, "sếp" tôi lại tìm cách an ủi :

- Mong rằng tụi họ không để ý thì cũng không có gì đáng lo, - Trí thở ra một hơi dài, - Chuyến công tác này coi như thất bại hoàn toàn. Chiêm thấy không ? Đây nhé : mầy mò lọt vào bằng được tới bàn giấy riêng của Đồ Tể mà chẳng vớ được cái muốn tìm. Thứ đến, tên Dậu ghẻ lại nhận diện được chúng mình, nhất là Chiêm, đã một lần nữa bị hắn bắt gặp trên con đường vào chỗ ông Bình-Be ở.

- Nhận diện thì nhận sợ gì. Tên Dậu ghẻ cũng chẳng thể nào tìm được ra tôi vì y có biết tên tôi đâu.

- Y không biết tên Chiêm nhưng, "may quá", y lại biết tên tôi. Và cũng "nhờ" Chiêm đấy nhé !

Trời đất ! Quả có thế ! Mặt tôi chợt biến sắc khi nghe Trí phân tích tình hình rõ rệt một cách đáng ngại như thế.

Tôi nhìn Trí buồn rầu lo lắng, mở miệng nói mấy câu hối hận vì đã để lỡ miệng. Nhưng chưa kịp thì đã bị trí hích nhẹ cùi chỏ vào hồng đồng thời nghe anh khẽ la :

- Cúi xuống mau, Chiêm !

Tôi hoảng hồn cúi rạp ngay xuống, nhưng liếc nhanh tia mắt qua ô cửa sổ xe đò cũng đã kịp thấy một chiếc xe hơi sơn xanh vượt qua mặt nghe vù một tiếng. Chiếc xe mui trần của Đồ Tể. Bộ đồ câu cá dựng áp bên hông phía trong xe sát băng đằng sau. Đúng bộ cần câu Trí đã gạt tay làm đổ trong văn phòng riêng của lão.

Khi hai anh em ngẩng đầu lên, chiếc xe đã mất hút phía đằng xa.

Tôi liếc nhìn Trí :

- Tụi họ đi đâu vậy hả ?

Nét mặt "sếp" đăm chiêu :

- Chịu, biết sao được !... Có thể lão Tể đi câu chăng ? Đem theo cả bộ đồ nghề câu cá đó!

Khi về đến khu Ba Chuông, đồng hồ đã chỉ ba giờ rưỡi. Chẳng ai bảo ai, hai anh em cùng rảo cẳng chạy về nhà Trí. Dọc đường, gặp thằng Bình, tay ôm chồng báo to kếch. Thấy tôi, nó há hốc miệng ngạc nhiên, gọi ầm lên :

- Ê, Chiêm, Chiêm ! Tao tưởng mày mắc bận phải đi vắng suốt ngày kia đấy. Đây, báo đây, tao trả đây nầy !

Tôi vội vã :

- Không đâu Bình ơi ! Mày cứ chạy hộ tao như chúng mình đã thỏa thuận với nhau rồi đi, nghe ! Tao có việc gấp lắm phải về cái đã. Đưa tao tờ của nhà Mai-Điên đây. Chốc nữa xong việc, tao đưa lại đằng ấy luôn.

Tiếng Trí hối thúc :

- Xong chưa ? Đi lẹ lên, Chiêm !

Lúc đó thằng Bình mới để ý thấy Trí :

- Ủa, Trí đó hả ? Trí ! Úi cha ! Mầy có mấy thằng bạn ở đâu coi bộ giầu ghê ! Lái xe ô tô ẩn thận. Cái xe đẹp dữ hả, Trí ?

Trí hỏi nhanh :

- Hả ? Xe hơi ? Màu gì ?

Thằng Bình ngạc nhiên :

- Ủa, màu xanh da trời chứ còn màu gì nữa ! Lại còn ờ mãi !... Ơ, sao lại hỏi kỳ thế, Trí ?

Trí không còn hơi sức đâu trả lời :

- Chúng nó đến nhà tao hồi nào vậy ?

- Gần một tiếng đồng hồ rồi. Ủa... Sao mặt mày tái xanh vậy kìa, Trí ?

Câu hỏi của thằng Bình rơi vào khoảng không. Trong nháy mắt, Trí và tôi đã chạy vun vút cho mau tới nhà. Về đến nơi, tôi linh cảm ngay là đã có một sự gì khác lạ.

Cửa gian dưới nhà kho, khi đi, chúng tôi đã đóng móc cẩn thận, giờ đây mở bét ra. Gai ốc rờn rợn nổi cùng mình, tôi thầm nghĩ : "Chết rồi ! Chẳng lẽ... " Trí nhẩy vào trong nhà kho. Tôi theo anh bén gót. Hai anh em ngẩng nhìn lên : cửa Phòng Thí Nghiệm cũng mở toang hoác luôn. Cả cái thang bí mật cũng đã thòng xuống tự bao giờ. Hai anh em nhẩy hai bậc một trèo lên. Ngoài các món đồ đạc thường ngày ra, không thấy một bóng người, "Ông Nghị" đôi mắt trô trố đĩnh đạc đứng trên cành đậu. Chợt thấy hai chúng tôi, ông cất tiếng chào, quát lên lanh lảnh :

- Hãy cắt cổ nó ! Hãy cắt cổ nó !

Trí gọi to :

- Khiết ! Khiết ơi ! Khiết !

Không có tiếng trả lời. Khiết biến đâu mất. Cả con chó Lát-Si cũng biệt tăm hơi.

Xem tiếp chương 9 & 10