Một Cuộc Hồi Sinh - Chương 3 & 4

Chương 03

MỘT TÊN Ở ĐỢ

Bà Thúc quả là một con người nhàn nhã. Bà chỉ có một việc là đánh bài. Công việc lớn nhỏ trong nhà đều giao cho vú già và chú Bộc. 

Di có nhiệm vụ coi nhà, kèm cho Tề học và trông chừng bé Bình, em gái út của Tề, mới lên năm. 

Các cụ thường nói, chẳng câu nào sai : "Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ". Bà Thúc đi chơi cho đã đời, tối về cứ việc tỉ tê hỏi chuyện bé Bình chắc biết ở nhà ai làm những gì, ai nói những gì, ai ngồi chơi, ai nô nghịch. Bà kiểm soát gián tiếp mọi người qua sự ngây thơ thật dễ thương của con nhỏ. 

Hơn tất cả mọi người trong nhà, bé thương anh Di nhất, cũng như anh Di thương bé nhất. 

Ngoài anh Di ra, đâu có ai cắt hình, đắp tượng cho em chơi, đâu có ai dắt em đi tha thẩn trong vườn kể chuyện đời xưa cho em nghe. Và nhất là đâu có ai cầm tay cho em viết, chỉ cho em học và nắn giọng cho em hát. 

Chiều hôm ấy, ông Thúc bước ra khỏi cửa để đi làm thì vợ ông cũng phấn sáp qua loa rồi xách bóp đi nhập sòng như thường lệ. 

Cũng nhự thường lệ, Di lo coi các tập vở của Tề, hướng dẫn cho Tề làm bài và chỉ cho bé Bình vừa chơi vừa học, không lý gì đến vú già và chú Bộc ở dưới bếp, giang sơn riêng biệt của họ. 

Tiếng hàng quà rong rao ơi ới ngoài đường nghe thật hấp dẫn nhất là đối với trẻ con hễ học xong thì thấy ngót dạ. Thằng Tề và bé Bình đang muốn ăn một cái gì thì thấy chú Bộc từ nhà dưới bưng lên một dĩa lòng heo thật lớn, thật ngon. 

- Ồ ! Cả ba đứa cùng reo lên, ngạc nhiên hết sức. 

- Sao có mục đặc biệt thế này, chú Bộc? Di hỏi. 

Bộc trả lời một cách trịnh trọng lạ thường: 

- Hôm nay là ngày vui của tôi. Gọi là có đĩa lòng heo mời hai cậu và cô út ăn lấy thảo. Lòng vừa mới luộc xong ngon lắm. 

Bé Bình hỏi lúc Bộc đã đi xuống bếp : 

- Ngày vui của chú Bộc là ngày gì hả, anh Di? 

- Anh đâu có biết. Hai đứa ăn đi, rồi anh xuống hỏi chú Bộc cho. Ờ, ờ,... anh cũng ăn chứ! 

Từ ngày đến ở với chú thím, Di chưa từng thấy chú Bộc bỏ tiền ra mua quà bao giờ. Quả là một con người chí thú làm ăn. Vậy mà chú dám mua đĩa lòng lớn như vầy đãi mấy đứa! Đó là một biến cố, một biến cố quan trọng mà Di cần tìm hiểu. 

Ăn vài miếng cho hai em vui lòng, Di tà tà đi xuống bếp thấy hai người đang đánh chén. 

- Ái cha! Di reo lên. Vú già đỏ mặt rồi, vui quá ta! 

Vú già vội cản : 

 

- Ấy chết! Cậu đừng la lớn vậy, cô út nghe tiếng, tối mách bà, chúng tôi lại khổ... Tại cái chú Bộc này này, cứ ép tôi mãi. Mới nhấp có một tí đã thấy say say. Đắng đắng là!

- Hôm nay có cái gì vui mà chú Bộc yêu đời vậy chú? Di hỏi. 

Bộc rượu đã ngà ngà đáp: 

- Chả nói giấu gì cậu Hai, hôm nay là ngày vui nhất đời của tôi. Tôi phải ăn mừng. Như một người ốm mừng khỏi bệnh, một người tù mừng được trả tự do... 

Ực một hơi hết nửa ly rượu, chú nói tiếp, giọng nhừa nhựa: 

- Chả nói giấu gì cậu Hai, năm kia khi ông chủ làm việc ở Châu Đốc, tôi có làm giấy ở đợ hai năm cho ông bà, lấy trước một số tiền để lo việc gia đình. Tính đến hôm nay, tôi hầu hạ ông bà vừa được đúng hai năm chẵn chòi. Bắt đầu từ ngày mai, tôi có quyền xin thôi để về Châu Đốc làm ăn và trông nom cho mấy đứa con tôi. Vì thế mà tôi mừng đó, cậu Hai ạ. 

- À ra thế ! Thật là điều đáng mừng. Tôi cũng mừng cho chú rất nhiều. 

Có tiếng bé Bình gọi nheo nhéo : 

- Anh Di lên chơi với bé đi! 

- Ờ, anh lên đây. 

Hai người giúp việc nhà đưa mắt nhìn theo Di hấp tấp bước lên nhà trên. Họ chép miệng cùng than : 

- Tội cho thằng nhỏ dễ thương hết sức ! 

 

-Người đàn ông còn đơ đỡ, Bộc nói thêm, chứ mụ đàn bà, tôi thấy độc ác nhất hạng. Ngày mai, tôi nhất quyết xin thôi, không thèm ở lấy thêm một ngày nào nữa.

- Ờ, vú già nói, đó là việc ngày mai. Còn việc ngày hôm nay, lo làm cho xong đi kẻo bà ấy về nói nhai nhải không chịu được... Này thôi, đừng uống nữa, say rồi đấy. Khéo kẻo đổ vỡ cái gì lại ngửa cổ ra mà đền một gấp đôi! 

- Tôi hơi say thật. Vú nhắc tôi mới nhớ. Còn phải lau lại nhà trên, tối nay có khách.

*

Lũ trẻ học xong kéo nhau ra vườn chơi, lấy chỗ cho chú Bộc lau nhà. 

Ba đứa hát dứt một bài, bé Bình chưa quên được dư vị bữa quà đặc biệt, hỏi một câu thật bất ngờ : 

- Gan ngon thiệt, phải không anh Tề ? 

- Ừ, ngon, ăn đã quá. 

- Gan ngon không, anh Di ? bé Bình hỏi. 

- Hả ? Ngon, ngon... 

Bỗng một tiếng xoảng vang lên, một tiếng đổ vỡ ghê rợn, cắt đứt câu chuyện bông lơn của lũ trẻ. 

- Chết rồi! 

Cả ba đứa cùng la hoảng, dắt tay nhau chạy lên nhà trên để chứng kiến một quang cảnh khủng khiếp. 

Chú Bộc đứng chết sững bên cạnh cái chóe sứ cổ vỡ tan tành. 

Mặt chú tái ngắt, cắt không còn hột máu, mặc dầu mới đây chú say rượu mặt đỏ bừng bừng. 

Chú lắp bắp luôn miệng như người điên : 

- Cái chóe ! Chết tôi rồi!... Cái chóe !... 

Mắt chú cũng lạc thần như mắt một người mất trí, hay một người hấp hối. 

Vú già ở dưới bếp lạch bạch chạy lên. Vú than như muốn khóc : 

- Bà quý nhất cái chóe sứ này mà bà kêu là gia bảo. Khổ quá ! Tôi đã can uống in ít chứ mà chẳng chịu nghe. Bây giờ mới ra nông nỗi ! 

Bộc lùi lũi xuống nhà dưới, nằm phục xuống giường, khóc rưng rức, kể lễ như đàn bà : 

- Tai họa đâu đưa đến bất thình lình. Tưởng không say mà hóa ra say. Tưởng đứng vững mà té xiêu té tó. Tưởng không tài nào vỡ được mà nó dám vỡ cái ình... Hu hu !... Khổ cho cái thân tôi biết là chừng nào !... 

Vú già khuyên giải: 

- Thôi đừng khóc nữa. Thử bàn xem có cách gì không nào. Chả biết bà ấy bắt đền bao nhiêu đây?

- Còn cách gì mà bàn được bây giờ ! Đồ gia bảo là đồ vô giá. Bà ấy muốn đánh giá bao nhiêu mà chả phải chịu. Cái điệu này chắc tôi phải làm mọi suốt đời trừ cũng chưa hết nợ!... 

Nói đến đây, Bộc quá thất vọng, đâm liều : 

- Sống mà phải ở đợ mãn đời thì sống làm gì cho thêm nhục. Chẳng thà chết phứt ngay bây giờ cho mát thân ! 

Di từ nãy đứng nghe hai người đối đáp, lên tiếng can ngăn : 

- Chú Bộc đừng sợ ! Để tôi nói đỡ cho ! 

Nó gọi hai đứa em, dặn : 

- Lát nữa, ba má về, hai đứa không được nói chú Bộc đánh vỡ đồ, nghe chưa? 

Hai đứa cùng hỏi lại : 

- Thế ba má hỏi, em phải nói sao? 

- Thì bảo tại có con chuột định phá bộ sa-lông mới, anh đuổi đánh chẳng may trượt chân té nhào... 

- Không được đâu ! Tất cả bốn người cùng la lên can. Không được đâu! 

Di thuyết phục cả người lớn lẫn trẻ con : 

- Sao lại không được ! Thím giận, thím đánh mấy cái là cùng. Không lẽ thím giết anh sao!... Thím tôi đánh mắng thế nào, tôi cũng chịu được. Rồi thím tôi cũng phải nguôi giận. Còn hơn là để cho chú Bộc phải ở đợ suốt đời, tội nghiệp !... Chú cứ yên tâm đi đừng sợ !

*

Bà Thúc chu lên như con heo bị chọc tiết: 

- Nó giết tôi không bằng! Đồ gia bảo của tôi, nó cũng không từ ! Nó cố ý đập cho kỳ được mà ! ... 

Vừa chu chéo, người đàn bà vừa thẳng cánh quất ngọn roi mày vào đầu, vào mình, vào chân tay thằng cháu. 

Bạ đâu, bà quật đấy. Di rụt đầu thu mình chịu trận. 

Nát chiếc roi mây, người đàn bà vớ lấy cái phất trần, đánh tới tấp không đếm xuể. Mỗi đòn giáng xuống, mụ lại rít lên và đèo thêm một lời nguyền rủa. 

Tề và Bình sợ xanh mặt, không dám ho he trong khi hai người đầy tớ cuống lên như gà mắc đẻ. 

Mãi chưa thấy ông chủ về! 

Mãi không thấy hàng xóm chạy sang can ! 

A, phải rồi, họ không sang vì họ ghét cay ghét đắng cái thói hợm của kệch cỡm của mụ. Họa chăng chỉ có mỗi một mụ Đồng ở cuối xóm là hợp chuyện. 

Mụ này từ đâu te te tái tái bước vào, chưa chi đã dài mồm ra mà chế thêm dầu vào lửa : 

- Trời ơi ! Hoài của biết là bao nhiêu! Đồ cổ từ đời Khang Hy mà cũng đang tay đập vỡ thì còn trời đất nào nữa ! Thật là tai hại! Tai hại không để đâu cho hết! 

Cơn giận của bà Thúc chưa dịu được chút nào lại được dịp bùng lên mãnh liệt. Bà giẫy đành đạch la hét như một mụ điên: 

- Của ông bà cha mẹ tôi để lại cho tôi, chứ có phải của tổ tiên chúng nó đâu mà chúng nó không phá cho sướng tay ! Ối trời cao đất dầy ơi!... Ối thiên địa quỷ thần ơi!... 

Mụ hàng xóm can khéo : 

- Thôi, la hét mãi làm chi cho mệt xác. Đầu đuôi ra làm sao nào ? 

- Còn đầu với đuôi gì nữa ! Thằng ông mãnh kia kìa! Nó ăn tàn phá hại của tôi. Không biết kiếp trước tôi mắc nợ mắc nần nhà nó bao nhiêu mà kiếp này tôi khổ thế ! 

- Thì việc đâu còn có đó. Rồi bắt ông ấy sắm đền cái khác mấy hồi!... Có điều, đồ xưa quý lắm, bạc vạn bây giờ cũng không mua nổi!... 

Vốn được giáo dục từ nhỏ trong một bầu không khí kiểu cách, coi trọng cái vỏ hơn cái ruột, quý những món đồ trang trí vô tri hơn là tính mạng của người thân, bà Thúc được thể, lồng lên : 

- Bà càng trông thấy thằng ranh con, bà càng lộn ruột ! Bà phải tống khứ thằng ôn vật này đi cho rảnh nợ !... 

Nghiến răng, nghiến lợi, mụ lôi sềnh sệch thằng bé ra cửa, tống ra đường, rít lên : 

- Mày có đường có nẻo thì xéo đi cho khuất mắt tao. Đừng có đứng đấy làm gan, tao điên lên tao chém cho một nhát chết tươi bây giờ. Đi đi, đi cho khỏi nhà tao, tao không chứa quân ăn hại ở nhà tao thêm một giờ một phút nào nữa. Đi đi... 

Tề và Bình cũng chạy ra theo. 

- Anh Di! Đừng đi! Ở lại với em, anh Di ! 

Bé Bình nắm tay anh nó ghì lại. Tề cũng rụt rè khuyên : 

- Đừng đi, anh Di ! 

Điên tiết, bà Thúc giơ thẳng cánh táng cho thằng cháu một cái thật mạnh vào đầu và rít lên : 

- Đi chết đâu thì đi đi cho bà rảnh nợ ! Đừng có đứng đó mà ăn vạ nữa. Đồ khốn kiếp! Sao mà nó giống cái thằng cha nó thế! ... 

Rồi hai tay hai đứa, bà lôi tuột thằng Tề và con Bình vào trong nhà, đóng sập cửa lại. 

Hàng phố đã lên đèn từ lâu. Vẫn chưa thấy chú nó về. 

Thẫn thờ, Di cất bước, không biết mình phải đi đâu.

*

Di đi thui thủi một mình trên con đường vắng. 

Đã lâu, cái tỉnh lỵ nhỏ bé này đối với nó chỉ có mỗi một con đường quen thuộc là con đường dẫn đến nhà thầy giáo Thiết. 

Như một con ngựa mất chủ tự động trở về tàu, nó thất thểu đến nhà thầy lúc nào nó cũng không hay. 

Bé Tiên Hương, con gái út ông bà giáo, đang đứng chơi ở cửa trông thấy, kêu lên thảng thốt: 

- Ơ ! Anh Di này, ba ơi! Làm sao thâm tím cả mặt mũi thế kia ! 

Ông giáo đang bận ngồi tiếp khách. Bà giáo nghe tiếng vội chạy ra nắm tay nó, dắt vào nhà. Bà nói : 

- Vào đây con. Vào đây với thầy con. 

Ông giáo đứng dậy, vuốt ve nó, ôn tồn hỏi: 

- Ở nhà có chuyện lộn xộn phải không? 

Nó gật đầu, ứa nước mắt. 

Sau khi nghe nó kể rõ đầu đuôi câu chuyện, ông giáo kết luận : 

- Ở đời, trong cái rủi, thường có cái may. Con phải bỏ nhà đi là một điều đáng buồn. Nhưng đây cũng là một dịp cho con thoát cũi sổ lồng. Là vì nếu con cứ nấn ná mãi ở đó thì làm sao con tiếp tục ăn học được cho nên người ? 

"Bây giờ thầy tính cho con thế này nhé. 

"Thầy gửi con lên Saigon, ở nhà một người bạn thân của thầy đang làm hiệu trưởng một trường trung tiểu học tư nho nhỏ ở Đô thành. 

"Con sẽ ăn học ở trường. Bù lại, trong những giờ nhàn rỗi, con sẽ làm việc giúp nhà trường. Bạn thầy sẽ tùy sức, tùy tài của con mà dùng con. Nói một cách khác, con sẽ sống nhờ vào mồ hôi nước mắt của con chứ con không phải là một gánh nặng của ai hết. 

"Bạn của thầy sẽ vì thầy mà lo cho con được học đến nơi đến chốn. Cho đến ngày con gặp lại được ba con. Con nghĩ sao? 

Câu nói sau cùng của vị thầy khả kính như một ngọn roi quất vào một con ngựa hay nhưng mỏi mệt khiến cho nó phải lồng lên mà phi cho tới đích. 

Một nụ cười nở trên khuôn mặt sưng húp híp như một đóa hoa nở trên bãi sa mạc khô cằn. Nghĩ đến người cha thân yêu, Di thấy lòng tràn trề can đảm và hy vọng. Nó vui vẻ đáp: 

- Thưa thầy, thầy lo cho con như vậy, con đội ơn thầy suốt đời. 

Ông Thiết vui vẻ giới thiệu với ông bạn đang ngồi đối ẩm: 

- Đây là thằng Di, con anh Bá tôi vừa nói chuyện với anh. Thôi, trăm sự nhờ anh đó. Anh làm sao thì làm miễn là sau này khi gặp lại anh Bá, anh em mình không phải hổ thẹn với người bạn cũ. 

Ông vỗ vai thằng Di bảo: 

- Ông hiệu trưởng thầy vừa nói ngồi trước mặt thầy đây này. Ông cũng là bạn của ba con đó. 

Nó cúi đầu chào, lòng mừng khấp khởi. 

Bà giáo đon đả mời : 

- Hai ông cạn ly rồi sơi cơm. Di xuống nhà rửa mặt đi, rồi lên đây ăn cơm với thầy đi con.

*

Sáng hôm sau, khoảng mười một giờ, có một người đàn ông quần áo xuềnh xoàng, dáng điệu cục mịch, tìm đến nhà thầy giáo Thiết. 

Ông giáo đi dậy chưa về. Các con đi học vắng, chỉ có một mình bà giáo ở nhà. 

- Chú kiếm ai đó, chú ? Bà giáo ngạc nhiên hỏi. 

- Thưa bà, bà cho con hỏi thăm. Đây có phải là nhà ông giáo Thiết không ạ ? 

- Phải, nhà ông giáo Thiết ờ đây. Mà chú là ai ? Hỏi ổng có việc chi vậy ? 

- Thưa bà, con là thằng Bộc ở nhà ông Trưởng ty Thúc. Con muốn gặp cậu Di, cháu ông Thúc 

- Ủa ! Nhà tôi có họ hàng chi với ông Thúc đâu, sao chú lại nhè nhà tôi mà kiếm cháu ổng ? 

- Thưa bà, cậu Di thường than thở rằng trên đời bây giờ chỉ có mỗi một mình thầy giáo Thiết là thật tình thương cậu ấy mà thôi. Cho nên con đành liều đến đây tìm cậu. Vả lại, ngoài chỗ này ra, con cũng chả biết đi đâu nữa. 

- Thế hả ?... Bây giờ ông bà Thúc đã nghĩ lại, thương cậu ấy và muốn kêu cậu ấy về chứ gì ? 

- Thưa bà, không phải thế đâu ạ. Chỉ có ông ấy thương thôi. Sáng hôm nay, ông ấy đi tìm khắp nơi mà không thấy. Còn con, con đã xin thôi không ở cho ông bà ấy nữa rồi. 

Bá giáo ngạc nhiên hỏi : 

- Ủa ! Vậy chú còn kiếm cậu Di làm chi nữa ? 

Bộc vừa quệt nước mắt vừa đáp :

- Cậu Di nhân đức đã nhận tội giùm con, thành thử bị một trận đòn đau quá mạng. Con mang ơn cậu ấy mãn đời. Bây giờ con không thèm về Châu Đốc nữa. Con phải đi kiếm cậu ấy cho ra để con hầu hạ cậu ấy cho đến ngày... cậu ấy có vợ con... 

Ái ngại cho người đầy tớ trung thành, bà chủ nhà khen : 

- Chú nghĩ vậy cũng phải. Nhưng cậu Di có ở đâu đây mà kiếm ! 

Thấy Bộc cứ nấn ná không đi, bà thương tình nói tiếp : 

- Chú Bộc ngồi chơi đó đi. Nhà tôi cũng sắp về tới nơi rồi. Có chi, nhờ ông ấy định liệu giùm cho. 

- Dạ, dạ, bà để mặc con. 

Bộc để khăn gói vào một xó nhà, bước ra cửa, đi lững thững trên lề đường như để đón chủ nhân mà chú chưa từng biết mặt. 

Ồng giáo về nhà lúc nào Bộc không hay. Nghe vợ kể chuyện lại, ông khen y khá thông minh và có nghĩa nữa. 

Trưa hôm ấy, đãi Bộc cơm nước xong xuôi, ông bảo : 

- Chú Bộc suy nghĩ cho chín đi rồi hãy cho tôi biết quyết định. Theo tôi tưởng, có lẽ gia đình chú ở Châu Đốc cần chú hơn là thằng Di cần chú ở Saigon. 

Bộc thành thực đáp : 

- Thưa ông giáo, cậu Di đi Saigon chắc đã có nơi nương tựa chắc chắn. Con đi theo có khi chỉ làm bận chân của cậu thôi chứ không giúp ích được gì. Con biết vậy, nhưng trong bụng con cứ không nỡ để cho cậu không có người hầu hạ. Vì ý con muốn hầu hạ cậu một thời gian để báo đáp cái ơn cậu đã cứu vớt con... 

Ông giáo gật đầu, hỏi sau một phút trầm ngâm : 

- Chú biết đọc, biết viết không ? 

- Thưa, con biết chút đỉnh. 

- Tới Saigon, chú định làm nghề gì sinh sống ? 

- Dạ, con cũng chưa tính nữa. 

- Liệu làm gác dan được không ? 

- Dạ, con có sức, lại quen thức khuya dậy sớm. Làm gác dan, chắc con làm được. 

- Ừ, ông giáo nói, tôi cũng nghĩ vậy. Để tôi viết cho chú một bức thư giới thiệu, may ra ông bạn tôi dành cho chú một chân gác dan ở trường học của ông ta. Ở đấy, chú có thể gặp cậu Di. 

- Vâng, trăm sự con nhờ ông dậy bảo. 

Trước khi Bộc xách khăn gói ra bến xe, ông giáo còn căn dặn : 

- Chú Bộc nhớ kỹ không được tiết lộ với bất cứ ai chỗ ở của cậu Di. Tôi sợ ông bà Thúc tìm nó về thì kẹt cho thằng bé lắm đó. 

- Dạ, dạ, con hiểu. Con sẽ không làm hỏng chuyên của cậu con đâu.

Chương 04

MỘT NGƯỜI EM

Từ ngày ăn nên làm ra, ông Thúc gạt không hết bạn. Bạn ăn chơi, bạn thù tạc, bạn "áp phe". Tất cả vồn vã quanh ông như những con "ruồi cánh gấm" lượn quanh một trái cây ủng nát. 

Bởi vậy, chiều nào cũng như chiều nào, tan sở ra ông còn bận những chuyện xã giao ở trà đình tửu quán, tám chín giờ khuya mới dứt ra được mà về. 

Bữa nào về đến nhà cũng say khướt. 

Đêm nay về tới cửa thấy người ta xúm đông xúm đỏ, lại tưởng mình say rượu lầm nhà nếu không nghe thấy tiếng người vợ hiền nói léo nhéo. 

- Ủa! Ông giật mình, tỉnh rượu được một phần, tự hỏi. Làm sao tan hoang thế này ? 

Thấy mặt ông, người đàn bà bù lu bù loa : 

- Thằng cháu trời vật của ông phá đấy ! Đã mát lòng mát dạ chưa? 

Người đàn ông quát : 

- Nó đâu rồi ? Di, ra đây tao bảo ! 

- Tôi đã tống cổ nó đi rồi. Tống đi cho khuất mắt, chứ láng cháng đứng đó trêu gan tôi, tôi dám chém cho mất mạng ! 

- Trời ơi !... Thằng Tề, con Bình đâu ? 

Hai đứa riu ríu thưa sợ sệt: 

- Dạ, ba đã về, con đây. 

- Anh Di đâu ? 

Bình khóc thúc thít đáp : 

- Má con đánh đuổi anh con đi đâu mất tiêu rồi. 

Ông Thúc bỗng tỉnh hẳn, hơi men bốc đi hết. Ông quát: 

- Thằng Di nó tội tình gì mà bà nỡ đuổi nó đi ? 

Quen thối lăng loàn, người vợ la lớn gấp đôi: 

 

- Cái choé Khang Hy ông cha tôi để lại, nó đập vỡ tan tành kia kìa, ông chưa thấy sao ? Quân ăn tàn phá hại ấy còn chứa làm gì mà không tống khứ đi cho rảnh nợ !

Trước khi để cho cơn giận bùng nổ dữ dội, người đàn ông thường kiên nhẫn đến tột cùng, ông Thúc cố ôn tồn hỏi: 

- Rồi bà đã cho đứa nào đi kiếm nó về chưa ? Vú già, chú Bộc, thằng Tề có thấy nó đâu không ? 

Người đàn bà u mê càng được thể trả lời đỏng đảnh : 

- Úi chà ! Đã tống được của nợ đi là phước bẩy mươi đời rồi, hơi sức đâu còn cho người đi rước cái đồ trời ơi đất hỡi về nữa ! Bộ phá thế không đủ hay sao mà còn muốn rước về để cho nó phá nốt cho nó tàn gia bại sản à ? Cái thứ ấy chết đâu chết phứt đi cho rồi. Sống chỉ tốn cơm trời nước giếng!... 

Mụ nói chưa dứt, ông Thúc bỗng đứng phắt lên như vừa ngồi phải một đống kim, đôi mắt toé lửa nhìn thẳng vào mặt vợ, gằn giọng hỏi : 

- Có phải bà coi mấy cái đồ nhơ bẩn này quý hơn sinh mạng của cháu tôi không ? 

Để chấm câu, ông thẳng cánh tát vợ một cái nẩy đom đóm mắt. 

Người vợ kinh ngạc trước phản ứng mãnh liệt của người chồng. Mụ run sợ nhìn cặp mắt xưa nay chua từng long lên sòng sọc như vậy bao giờ. 

Ông chồng nói như quát, hàng xóm nghe rõ mồn một: 

- Bà bảo nó ăn tàn phá hại của bà hả ? Bà muốn cho nó chết phứt di cho rảnh hả ? Cái tình của ba nó đối với tôi như thế nào, bà không biết cũng được đi. Nhưng cách đây mới có một năm, ba nó căn dặn thế nào, chắc bà còn nhớ chứ! Số tiền ba nó để lại đủ nuôi nó trong mười năm, bà cũng còn nhớ chứ! Hừ! Không nhớ sao được khi bà biết đem tiền ấy sinh lời! Cháu tôi đâu có ăn nhờ của bà, đâu có ăn mất phần của các con bà mà bà đau xót thế! Bà còn tham công tiếc việc đến cái mức không cho nó đi học nữa. Tôi càng nhu nhược thì bà càng quá quắt. Bây giờ bà còn coi mấy cái đồ dơ dáy kia hơn là đời sống của cháu tôi nữa là làm sao ? Đồ vỡ còn mua sắm lại được, chứ con người mất đi thì kiếm đâu ra? Nữa rồi ba nó về không thấy nó, liệu còn mặt mũi nào sống ở đời nữa không, hả đồ lăng loàn, đồ khốn nạn ? 

Mỗi lời nói được chấm câu bằng một món đồ liệng mạnh vào tường, xuống đất, vỡ loảng xoảng. 

- Tao đập hết! Ông thét. Tao đập hết! Đã tiếc cho mày tiếc nhân thể! Nào còn đồ gia bảo nào đưa ra đây nốt, tao đập cho coi! 

Bất ngờ, hành động quvết liệt của người chồng lại là linh dược trị được thói lăng loàn của người vợ. 

Mụ van vỉ: 

- Thôi, mình bớt nóng, em biết tội rồi, mình tha thứ cho em. 

"Bây giờ, mình chịu khó ra Ty Cảnh sát nhờ anh Trưởng ty cho người lùng mấy cái công viên hay nhà lồng chợ, thế nào cũng thấy. Nếu không thì sáng mai, thế nào cũng gặp nó quanh quẩn ở bến xe.

*

Đến đúng giờ giới nghiêm, ông Thúc mới thất thểu trở về nhà, mặt mũi phờ phạc. 

Đã xơi một cái tát đến giờ tưởng như còn nóng bỏng, người vợ e phải xơi một cái thứ hai nên chỉ nhìn chồng bằng đôi mắt sợ sệt mà không dám lên tiếng hỏi. 

Trái với lệ thường, bé Bình và anh nó còn thức. Nó đánh bạo lại gần hỏi: 

- Ba không thấy anh Di, hả ba ? 

Ông lắc đầu, uể oải. 

- Không. Không thấy. 

- Ba đi tìm ở những đâu? 

- Ba nhờ xe cảnh sát chở đi cùng khắp tỉnh mà chẳng thấy anh con đâu. 

Ông vuốt ve tóc con, thở dài : 

- Anh con không có một xu dính túi, chắc đêm nay vừa đói, vừa lạnh. Khổ quá ! 

Rồi không biết nghĩ sao, ông bỗng nổi điên, vớ ngay tách nước trà để trên bàn vừa tầm tay, ném xuống đất vỡ tan tành, và nói như rên rỉ : 

- Mẹ con là một con ác phụ ! ... Con người mặt mày sáng láng như vậy mà tâm địa chẳng ra gì! 

Và ông bưng mặt khóc rưng rức như một người điên. 

Hai đứa trẻ cũng khóc theo. 

Ở dưới bếp, hai người đầy tớ vừa quệt nước mắt vừa thầm thì bàn định với nhau những gì không ai nghe rõ.

*

Trái với thói quen, ông Thúc trỗi dậy từ lúc trời mới tờ mờ sáng. Đánh răng, rửa mặt qua loa, ông mặc áo ra đi. 

Tới bến xe, may quá, chưa có chiếc nào khởi hành. Như một cảnh sát viên tận tâm nhất, ông chạy đi chạy lại, hết ngó vào trong xe này lại chăm chú vào các hàng ghế trên xe khác. Từ các khách bộ hành đến những chiếc xe xích lô đều được ông để mắt tới. 

Nể tình, ông Trưởng ty cảnh sát cũng tới giúp đỡ ông một tay. Thấy chiếc xe díp của xếp đỗ ờ đầu đường, các cảnh sát viên làm việc hăng hái hơn, lễ độ hơn và cũng hữu hiệu hơn. 

Một dẫy xe đò, chiếc nào cũng đầy dần, đầy dần. Và xe nào sắp chạy, ông cũng leo lên, đi từ hàng ghế chót lên đến chỗ ngồi của tài xế, tìm người kỹ như kiếm một vật gì nhỏ bé. 

Cứ như vậy cho đến khi ánh nắng chói chan chẩy chan hòa trên mặt bến xe đò vắng ngắt. 

Ông Thúc buồn bã ra về dưới con mắt ngạc nhiên của những người sinh sống quanh quẩn ở khu vực này. 

Đến nhà, ông chán nản nằm vật xuống giường, mặc kệ vợ và người đầy tớ trai đang nói léo nhéo ngoài sân. Vú già thấy vậy cũng chỉ lắc đầu nhìn, không dám lên tiếng hỏi. 

Thấy chồng về, bà Thúc chạy lên nhà trên phân trần : 

- Chú Bộc nhất định xin thôi đây này, mình. Tôi đã năn nỉ muốn gẫy lưỡi mà chú ấy cứ khăng khăng không chịu ở thêm lấy một ngày. Mình ngồi dậy giải quyết giùm em vụ này đi. 

Ông chủ nhà trả lời lừng khừng :

- Thì có cái gì mà phải giải quyết với không giải quyết. Cứ mở tờ giấy cam đoan của chú ấy ra mà coi. Chưa hết hạn thì bắt chú ấy ở. Hết hạn rồi thì tháo cũi sổ lồng cho chú ấy ra. Có thế thôi !... 

Trước đây một ngày mà ông dám nói với bà cái giọng ấy chắc đã ầm ĩ cửa nhà, điếc tai hàng xóm và kết cuộc bao giờ ông cũng chịu thua. 

Nhưng hôm nay bà phải ngậm bồ hòn làm ngọt, lờ đi như không nghe thấy. 

Bà cố nhẫn nại cho được việc : 

- Ai chả biết vậy ! Chú ấy mãn hạn ngày hôm qua. Nhưng phải để thì giờ cho tôi kiếm người thay thế chứ. Nói thôi là thôi ngay sao được ! 

- Trước bà có mặc cả như vậy không ? Điều khoản ấy có ghi vào giấy cam đoan không ? 

- Không. 

- Không thì thôi. Ai bảo trước khi hết hạn bà không hỏi chú ấy xem sao. Đừng xử ép người ta, tội nghiệp ! 

Cơn tam bành bấy lâu cố nén xuống bỗng bùng lên. Giọng ngọt ngào của bà chủ vội nhường chỗ cho những lời riết róng, hàm hồ : 

- Này tôi bảo cho mà biết, đừng có giở trò ma mọi ra với tôi, không xong đâu. Tôi là chủ hay mấy người là chủ, mà nay hô ở là ở, mai hô đi là đi ? Hai năm nay, đánh vỡ của tôi bao nhiêu bát đĩa, có nhớ không? Toàn là đồ sứ Giang Tây cả đấy. Phải đền cho tôi chứ ! Không có tiền thì phải ở trừ cho hết mới đi được. 

Người đầy tớ đứng ngẩn người trong khi ông chủ ngồi nhổm dậy cười gằn : 

- Phải rồi, bà liệu tính gộp cả mấy cái đồ gia bảo của bà mới vỡ hôm qua nữa vào. Chú ấy có mọc thêm mấy cái mồm cũng không cãi nổi và chắc ở đợ đến vài ba kiếp sau cũng chưa hết nợ. 

Hết kiên nhẫn, bà Thúc phản công : 

- Này ông đừng giở cái giọng ấy ra với tôi. Tôi không nhịn đâu. 

Ông Thúc đứng phắt dậy, hai mắt chiếu thẳng vào mặt vợ : 

- Bà không nhịn thì bà la lớn nữa lên, khó gì...

Bà Thúc vội lùi, hoảng sợ. 

Ông Thúc hất hàm bảo chú Bộc vẫn đứng xớ rớ ở một xó nhà : 

- Nếu bà ấy còn kiếm chuyện không cho chú ra, tôi cho phép chú tới Ty Cảnh Sát mà kêu với ông Trưởng Ty. Ông ấy sẽ xử giùm cho.

*

Từ bữa xẩy ra vụ thằng Di đi biệt tích, ít khi vợ chồng ông Thúc dàn mặt nhau. 

Những đêm không đi chơi, ông thường tỉ tê kể chuyện đời xưa cho hai đứa con nghe. Ông có vẻ thương yêu chúng hơn trước. 

- Ngày xưa, khi tao bằng trạc tuổi chúng bay bây giờ thì ông bà nội chúng bay mất. Cũng may, bác ruột chúng bay – bác Hai Bá đó – lúc bấy giờ đã trưởng thành và đã làm ra tiền, cả nhà chỉ có hai anh em. Bác Hai thương tao hết sức. Bác hy sinh đủ thứ để nuôi cho tao ăn học bằng người. Bác cũng không chịu lấy vợ vì sợ cảnh chị dâu ghét bỏ em chồng. Bác đợi mãi cho đến khi tao ra trường, có công ăn việc làm đàng hoàng, mới chịu lấy vợ. Cùng năm ấy, bác cũng chiều ý tao, gây dựng cho tao thành lập gia đình với người mà tao đã kén chọn lấy. Năm sau, thằng Di và thằng Tề cùng ra đời, đứa đầu năm, đứa cuối năm... Chúng bay có biết vì sao lại đặt tên cho hai đứa là thằng Di, thằng Tề không ? 

- Thưa ba, Tề đáp, chắc là bác Hai và ba khoái truyện hai anh em ông Bá Di, Thúc Tề? 

- Đúng rồi, hai anh em ông ấy được sử sách liệt vào bực đại hiền. Họ thương yêu nhau suốt đời, phú quý có nhau, và hoạn nạn cũng có nhau. Ba muốn chúng bay cũng thương yêu nhau như vậy.

- Nhưng rồi bác Hai ở đâu mà con không thấy hả ba? bé Bình hỏi. 

- Ờ, con còn nhỏ nên con không biết. Bác Hai góa vợ sớm khi thằng Di còn bé tí xíu. Bác chán nản không thiết hoạt động gì nữa. Công cuộc kinh doanh của bác thất bại, phải bán dần bán mòn tất cả những gì bác đã tạo được. Sau rốt bác đã quyết định rời bỏ xứ sở một thời gian dài để quên đi nỗi buồn to lớn của bác. 

"Trước khi đi, bác thu xếp đưa cho ba và má chúng bay một số tiền lớn để sinh lợi mà nuôi giùm thằng Di cho bác. 

"Ba má hứa trông nom thằng Di tử tế. 

"Anh Di của chúng mày cũng ngoan hết sức. Ấy vậy mà không hiểu tao u mê ám chướng tới mức nào để đến nỗi đồng ý cho thằng Di nghỉ học ở nhà lo ba cái việc lặt vặt khốn nạn ! 

Ngưng một lúc lâu, ông thở dài lẩm nhẩm như một người độc thoại: 

- Chẳng qua là vì mình quá nhu nhược trong khi vợ mình là một hạng đàn bà đài các rởm, tham lam bần tiện. Việc lớn, việc nhỏ gì, mình cũng nhượng bộ hết, không dám to tiếng sợ hàng xóm láng giềng người ta chê cười. Vô phúc mình vớ phải con vợ không biết điều, hễ được đàng chân là lân ngay đàng đầu. Ngữ ấy chỉ ưa nặng. Giá mình phản ứng mạnh ngay từ khi mụ mới ló mòi thì mụ đã sợ mình một phép ! Y như hôm mụ xơi một cái tát xiếc ! Không dám hó hé nói càn nói rỡ thêm một tiếng !... 

Như người sực tỉnh, ông tiếp tục than thở với hai con : 

- Ba hối hận đã đối đãi với anh Di chúng bay quá tệ. Biết đâu mà tìm nó bây giờ ! Đã đành là thằng ấy nó tinh khôn chẳng đến nỗi chết đói đâu, nhưng một ngày kia bác Hai trở về hỏi đến nó, ba biết ăn nói làm sao đây ? Thật ba khổ tâm hết sức ! 

Thằng Tề thủ thỉ hỏi : 

- Bác Hai có hẹn bao giờ trở về không, ba? 

- Tao còn nhớ hôm bác đi là ngày 31 tháng 8. Bác hẹn bác đi lâu lắm là mười năm. Nếu còn sống, thế nào bác cũng về gầy dựng cho thằng Di. Đến bây giờ mới có hơn một năm mà hai biến cố đã dồn dập : thằng Di phải nghỉ học, rồi thằng Di đi biệt tích ! 

Hôm nào kết thúc câu chuyện, ông Thúc cũng dặn các con : 

- Nếu một ngày kia trời thương cho anh em chúng mày gặp được Di thì nhớ phải thương quý anh như một người anh ruột. Anh em con chú con bác cũng thân như anh em ruột vậy.

Xem tiếp chương 5 & 6