Trong cặp nến hồng - Chương 9 - 10 - 11 (hết)

Chương 9

BACCHUS

 

Không thèm trả lời những tiếng chào cất lên với giọng ngạo mạn, ông giáo khẽ bước tránh ra phía ngoài mấy thước để lắng nghe ý kiến của ông Ba Trực và ông Mười Xe Lam.

Từ trong lại có tiếng hỏi vọng ra :

- Có ông giáo Bắc ở ngoài đó không ?

- Có. Tôi đây. Ai như Chín Nhơn, Bẩy Cát đó phải không ?

- Phải, Chín Nhơn và Bẩy Cát đây. Sao ông giáo biết ?

- Biết chứ ! Bây giờ, các anh muốn gì ?

- Thương lượng !

- Được, nói đi !

- Chúng tôi muốn thương lượng một cuộc trao đổi.

- Trao cái gì ? Đổi cái gì ?

- Chúng tôi thả cậu Hùng. Các ông đưa tài liệu.

- Được. Nhưng tài liệu hiện không có ở đây.

- Không sao. Để đâu, ông về lấy đi. Hễ chúng tôi có tài liệu trong tay lúc nào là chúng tôi trả tự do ngay cho cậu Hùng lúc ấy.

- Nhưng trong khi chờ đợi, các anh không được trói chân, trói tay người ta như vậy.

Tiếng cười hà hà trong nhà vang ra cùng với lời đối đáp :

- Chúng tôi cũng biết, làm như vậy không được đẹp lắm. Nhưng vạn bất đắc dĩ phải phòng xa cho chắc ăn !

Ông giáo cười, trả lời bằng một giọng mỉa mai :

- Thì ra hai người già đời hoành hành, mỗi người nắm chặt trong tay một khẩu súng mà vẫn sợ một cậu bé "ăn chưa no, lo chưa tới" ?

Ở trong, có tiếng cười nhạt :

- Xin nhà giáo đừng nói khích. Chúng tôi phải đề phòng. Cẩn tắc vô áy náy, có thế thôi !

Ông Bắc bỗng nổi giận, giọng nói trở nên gay gắt quyết liệt :

- Không được ! Các anh muốn thương lượng, tôi đã bằng lòng thương lượng. Các anh muốn tài liệu, tôi cũng bằng lòng trao tài liệu. Nhưng điều kiện tiên quyết là các anh phải để học trò tôi được thong thả. Nếu không...

- Nếu không thì sao ?

- Nếu không thì không có chuyện thương lượng nữa. Các anh có con tin trong tay đấy, muốn làm nem, làm chạo chi, cứ việc làm ! Tôi không đưa tài liệu.

- Á à ! Liều hả ?

Giọng nhà giáo ôn tồn trở lại :

- Không phải là chuyện liều hay không liều, mà là một vấn đề thể diện. Chúng tôi có thể chịu thua thiệt, nhưng chúng tôi không thích bị uy hiếp. Vả lại các anh sợ gì ? Một cậu học trò trói gà không chặt, trong tay không một tấc sắt, có gì đáng sợ đối với hai tay lịch lãm giang hồ lúc nào cũng kè kè hai khẩu Mauser cỡ bự ?

Thấy đối phương lặng thinh, chắc chúng đang phân vân, ông giáo nói tiếp, giọng vuốt ve thuyết phục :

- Này, tôi nói thật cho các anh rõ nhé. Các anh thừa hiểu đối với bộ máy ngặt nghèo của các anh, các anh chẳng qua chỉ là hai cái bánh xe hay hai cái đanh ốc tầm thường mà người ta quẳng đi lúc nào hay lúc ấy. Nhưng đối với chính bản thân các anh, các anh là những sinh mạng đáng quý, có phải thế không nào ?

"Các anh nên nhớ tính mạng các anh là của anh, chỉ nên hy sinh lúc nào thực quả không thể làm khác được. Nghĩa là, có hy sinh cũng phải cho đáng nghĩa hai chữ Hy sinh. Làm khác đi là dại, là ngu xuẩn...

"Bây giờ tuy các anh nắm được một con tin thật đấy, nhưng các anh lại đang nằm trong một cái rọ, không lối thoát. Tôi nói thật : nếu học trò tôi có bề nào thì chắc chắn các anh cũng phải tan xác : Hai ba cái chết lãng nhách !

"Trái lại, đáp ứng lời tôi, các anh có mất mát gì đâu ? Chẳng những thế, các anh lại còn có triển vọng hoàn thành được công tác của các anh nữa...

Chúng nhượng bộ :

- Thôi được ! Đồng ý cởi trói cho con tin. Nhưng bao giờ trao tài liệu đây ?

- Trong một tiếng đồng hồ.

- Sao lâu vậy ? Không được, không được !

- Nếu để ở đây thì chỉ hai phút là có ngay. Nhưng trong nhà tôi không có tủ sắt nên hồi chiều, tiện đường tôi đã ghé nhà một người quen gửi ở một chỗ chắc chắn. Bây giờ đi lấy về, khứ hồi một tiếng đồng hồ là nhanh lắm đó.

- Không phải đã giao cho Cảnh sát chứ ?

- Không. Hôm nay chủ nhật mà !

- Thôi cũng được. Bây giờ là 7 giờ 15. Đúng 8 giờ được không ?

- Chắc không được quá vì không đủ thì giờ vừa đi vừa về. Lẹ nhất cũng phải đúng 8 giờ 15. Tuy nhiên, nếu không bị kẹt xe, tôi về sớm được lúc nào sẽ trao đổi ngay lúc ấy.

- Được rồi, ông giáo đi đi. Chúng tôi để cho cậu Hùng được thong thả đây...

Trước khi đi, ông giáo ghé mắt nhìn qua khe cửa thấy chúng quả nhiên đã rút giẻ trong miệng Hùng ra và đang cởi giây trói. Xong đâu đấy, hai tên ngồi xuống ghế kèm hai bên Hùng, cả ba có vẻ cùng bình tĩnh chờ biến chuyển.

Sau khi khẽ ra hiệu bảo những người có mặt ở đây theo dõi những gì xảy ra ở bên trong, ông Bắc dắt tay ông Trực vào trong nhà của ông này ở kế bên. Thắng và Dũng cũng vào theo.

Biết ý, ông Trực đưa ông giáo đi thẳng xuống sân quan sát một lúc trước khi trở ra phòng khách.

Chủ nhà trình bày :

- Thưa, trừ ngôi biệt thự của ông giáo ra, tất cả các nhà trong hẻm này đều là nhà trệt và kiến trúc cùng một kiểu. Ở ngoài cùng là một hàng ba. Gian chính là một phòng dài ngăn làm đôi bằng một bức tường lửng. Rồi đến một cái sân nước vuông vức mỗi bề bốn thước. Sau chót là nhà bếp, nhà cầu...

"Các nhà đều chung vách. Thoạt kỳ thủy, tường ở sân chỉ cao có hơn hai thước. Leo lên mặt hồ nước xây sát tường, người ở nhà bên này có thể ngó sang nhà bên kia một cách dễ dàng. Cái đó thật bất tiện nên nhà nào cũng nâng cao bức tường ấy lên cho đỡ trống trải. Nhiều nhà xây kín luôn, trên lợp mái để cho sân đỡ ướt lúc mưa. Chỉ có bức tường ngăn bên này với chị Hai tôi là được nâng cao thêm có chừng một thước.

- Vâng, tôi đã thấy, ông giáo nói. Nếu tôi không lầm thì ở bên nhà bà Hai cũng có một hồ nước đối xứng với hồ nước bên này. Và hai cái hồ nước chỉ cách nhau có một bức tường ?

- Thưa, đúng vậy, ông Trực đáp.

Dũng nói xen vào :

- Thưa thầy, anh Hùng với con thường nghịch, nhảy lên bờ hồ rồi phóng mình đu lên mặt tường chơi luôn. Từ nhà bên nọ, vượt tường sang nhà bên kia không đầy một phút đâu thầy.

Thầy y gật gù tin tưởng :

- Vậy là ổn. Một là thằng Hùng có lối thoát thân. Hai là ta có đường cho người qua đánh tập hậu.

Thắng đưa ý kiến :

- Thưa ba, con biết tính anh Hùng. Anh ấy không chịu tháo lui đâu. Nhất là đối với hai tên kia trông chả có vẻ gì ghê gớm lắm.

- Biết rồi ! Ông giáo mắng yêu. Ai còn lạ gì tính khí mấy cậu ! Điều cần nhất bây giờ là phải chỉ cho thằng Hùng biết con đường phải theo để liệu mà tiến thoái. Thằng nhỏ ấy được cái sáng ý lắm, chỉ thoáng nghe một tiếng, nó có thể luận ra ngay...

Câu chuyện được nhà mô phạm xoay đột ngột sang hướng khác :

- Ông Ba nhỉ, bên bà Hai chắc không sẵn rượu ngon ?

- Dạ, thường thì như vậy. Nhưng bữa Tết, có người cho chai huýt ki. Khách lại không có mấy. Chắc hãy còn ít ra là già nửa chai.

- Vậy tốt ! Ông giáo hớn hở nói. À, Hiền, vào đây thầy hỏi câu này. Nhà con hiện giờ có sẵn thức ăn không ?

Hiền ngạc nhiên trả lời :

- Thưa thầy, có ạ. Hôm qua, má con sai mua trữ thịt bò để chiều nay đi Kiến Hòa về làm bí tết. Hiện còn nguyên trong tủ lạnh.

- Vậy hả. Tốt lắm, tốt lắm ! Hôm nay, nhà thầy ăn bún chả. Con chạy ù ra nhà thầy, thưa với cô cho em Nga mang chả vào trong này mà nướng. Hai chị em xin phép bà Tư cho đặt lò ngay trước cửa nhà bà. Nhờ phải quạt thốc khói sang phía bên này để anh Hùng trong nhà nghe thấy mùi thơm...

- Dạ dạ.

Ông Bắc gọi cậu con trai lại gần, ghé tai dặn dò mấy câu rồi quay ra bảo Dũng :

- Con bắc thang leo lên gần đầu tường đợi lúc nào thằng Hùng có dịp xuống bếp thì liệu mà bàn bạc kín đáo với nhau. Viết sẵn ba chữ vào giấy mà liệng qua. Nhớ không được gây tiếng động. Cũng không được để ló đầu thang lên trên bờ tường đấy !

Ông Ba rút rè đề nghị vì biết tính nhà mô phạm ít thích rượu chè :

- Chả mấy khi ông giáo qua chơi, xin mời ông giáo dùng với tôi ly rượu.

Trái với tưởng tượng của chủ nhà, ông khách cười ha hả đáp :

- Thế thì còn gì bằng ! Nhưng xin một chút xíu thôi, ông Ba. À, nhà có mực không nhỉ ?

- Dạ có... Hòa ơi ! Nướng cho ba mấy con mực đi con.

Ông giáo gọi :

- Hòa, hãy ra đây thày dặn đã. Con bưng cái lò ra giữa sân mà nướng. Và quạt lia lịa cho mùi mực bay sang bên bác Hai nhiều chừng nào tốt chừng nấy.

- Dạ, dạ.

 

 

***

 

Ngoài hẻm tuy đông người nhưng yên lặng như tờ. Tiếng thằng nhãi xí xọn con ông Mười Xe Lam bỗng vang lên lãnh lót :

- Nghe đây, nghe đây ! Bà con hãy lắng tai nghe hàng "xực tắc" của chúng tôi sắp khai trương đây !

- Ủa ! một người hỏi đùa, thằng Năm đổi nghề rồi hả ?

- Dạ. Em mới đổi tức thì đây. Nghề mới này phát tài hơn.

- Thằng Năm xí xọn vẫn làm chủ chứ ?

- Dạ không, nghề này to vốn lắm. Anh Thắng làm chủ, em chỉ làm phụ tá.

- Hà hà ... Hà hà...

Mọi người đang cười rộ bỗng im bặt khi có tiếng hai khúc tre già đập vào nhau chan chát.

Cách gõ khác với lối thông thường của mấy gã khách trú rao loại hàng quà này.

Chậm rải từng tiếng một, có tiếng dài, có tiếng ngắn, rất dễ phân biệt. Khi hai thanh tre gõ tréo vào nhau, ta chỉ nghe thấy một tiếng chát cộc lốc, khác hẳn với tiếng kéo lê thê khi chúng đập vào nhau bằng cả một chiều dài.

Trước hết, người ta nghe thấy một tiếng dài, ba tiếng ngắn. Rồi một tiếng ngắn, một tiếng dài. Rồi một dài, một ngắn, một dài, một ngắn. Lại một dài, một ngắn, một dài, một ngắn. Kế đến bốn tiếng ngắn. Tiếp theo là hai tiếng ngắn, một tiếng dài. Sau hết là ba tiếng ngắn.

Suốt hẻm lặng trang, trong cũng như ngoài. Ai nấy lắng tai nghe.

Hùng vẫn điềm nhiên, mặt không để lộ một nét nào khác lạ. Trong khi đó, tên Chín lấy giấy bút ra ghi. Hùng cũng không buồn đưa mắt coi y ghi những chữ gì.

Tiếng gõ vừa dứt, tên cầm đầu bảo tên đồng bọn :

- Chúng thông tin kiểu điện báo đây mà. Nói nôm na là chúng đánh móoc.

- Chúng đánh những chữ gì ?

- Có bẩy chữ cả thẩy. Tôi đã ghi đây : B A C C H U S. Ba chữ đầu là BÁC, bốn chữ sau là CHÚ vì chữ S thay cho dấu sắc.

Y lẩm nhẩm nói một mình :

- Bác chú, bác chú ! Nghĩa là cái quái gì nhỉ ?

Quay sang nhìn thẳng vào hai mắt Hùng, y hỏi :

- Cậu Hùng ! Bác chú là cái ám hiệu gì thế ?

Hùng trả lời lừng khừng :

- Tôi đâu có biết ! Ám hiệu gì đâu ! Ối ! Hơi sức đâu để ý đến mấy thằng nhóc nó giỡn chơi. Chúng nó gõ đập ba lăng nhăng, ông bầy đặt hô là Bác với Chú. Tôi cho là chả có nghĩa lý chi hết.

Chương 10

CANH GÀ THỌ XƯƠNG

 

Trong không khí khắp phòng khách, bỗng phảng phất mùi thịt nướng thơm phưng phức.

Thật tự nhiên, Hùng khen :

- Cha ! Nhà bên kia nướng chả thơm lừng ! Làm người ta bắt thèm không chịu được!

Tên Bẩy bỗng la lên :

- Ủa ! Lại mực nướng nữa ! Ngon ác ôn !

Tên Chín coi đồng hồ tay rồi lại ngó lên đồng hồ treo tường. Y nói :

- Bẩy rưỡi. Đúng bữa của người ta mà. Còn những 45 phút nữa. Trong khi chờ đợi, giá có cái gì mình lai rai ba sợi cũng hay.

Được gãi đúng chỗ ngứa, Hùng mừng rơn trong bụng, nhưng cố lấy giọng thản nhiên :

- Khó gì ! Nhà tôi có chai rượu ngon. Nếu các ông thích, tôi mời các ông nhậu một ly lấy thảo.

Hai tên đưa mắt cho nhau hội ý rồi cùng gật đầu :

- Cũng được ! Nào xem rượu gì mà cậu khen ngon.

Bẩy Cát đứng lên cùng với Hùng. Cả hai cùng tiến đến tủ bát đĩa kê sau bộ bàn ăn.

- Chà chà ! Bẩy Cát tấm tắc khen. Rượu Huýt ki "Đen và Trắng". Đồ đế quốc, nhưng cũng sài tạm được đó, anh Chín. Nhà có sô đa không, cậu Hùng ?

- Dạ, có đủ.

Hùng nhanh nhẹn lấy ly, lấy đá, rót rượu ra đãi khách, rồi lại ngoan ngoan trở về chỗ ngồi ở giữa hai người khách lạ tuy thích nhậu nhưng vẫn không quên nắm khư khư khẩu súng trong tay.

- Đã quá ! một tên khen sau khi nốc một hơi dài !

Tên kia phụ họa :

- Giá có cái gì nhắm nữa thì khoái nhất hạng, mùi chả, mùi mực ở đâu tới tấn công anh em mình. Khó chịu quá !

- Ờ, ngửi mà phát thèm. Tuồng như họ biết mình là bợm nhậu nên cố tình khiêu khích.

Hùng lạnh lùng đưa ý kiến rất "xây dựng" :

- Nhà tôi cũng sẵn mực như ai. Hai ông muốn dùng, tôi đãi luôn thể, việc gì phải ấm ức !

- Ờ ờ, mà cậu nướng được không ?

- Dễ ợt ! Dân Hướng Đạo làm cơm một cây, sá gì nướng một vài con mực.

Tên Bẩy, tay ve vẩy khẩu súng, đi theo Hùng xuống bếp, mắt ngó láo liên xem nhà có cửa sau hay lối thoát nào khác không.

Nghe tiếng giầy đi xuống nhà dưới, Thắng nãy giờ thò đầu qua tường quan sát vội bước lui xuống mấy bực thang.

Ở bên này, tên Bẩy lấy mắt áng chừng chiều cao của bức tường, nhìn trước nhìn sau không thấy cái thang nào, yên trí không có một nẻo thông nào giữa hai nhà chung vách.

Trong khi Hùng chăm chú quạt cho than trong lò đỏ hồng, y đứng lơ láo một lúc rồi lộp cộp đi lên nhà trên.

Thắng nhô đầu trên tường, bắt chước tiếng mèo khẽ kêu "meo meo" làm hiệu rồi vứt nhanh xuống chân Hùng một mẫu giấy vo tròn.

Hùng nhặt vội lên coi, ngó Thắng gật đầu ra ý hiểu, rồi rút bút nguệch ngoạc mấy chữ vào mặt sau tờ giấy, vo lại ném qua tường trả bạn.

Ba con mực được nướng xong thật lẹ, Hùng mang lên tươi cười khoe :

- Các ông nếm thử coi có ngon số dách không nào !

Lại thản nhiên ngồi xuống chỗ cũ trên cái ghế đẩu thấp bọc nệm kê giữa hai chiếc ghế bành hai tên đang chiếm ngự. Ngồi với thái độ của một chủ nhân hiếu khách.

Rượu được rót thêm. Và một đề nghị nghe rất lọt tai cũng được châm thêm :

- Nhà có thịt bò, làm bí tết hơi lâu. Nhưng có sẵn món súp gà tuyệt hảo. Các ông có dùng, tôi múc lên cho. Một phút có ngay.

- Vậy hả ? Thế thì còn gì bằng ! Tên Chín khen. Mới làm một ly đã ngà ngà. Ta dùng món súp cho dã rượu cũng tốt.

Hùng mở tủ lấy hai chiếc đĩa sâu lòng mang xuống bếp.

Quả nhiên, không đầy một phút sau, y đã khệ nệ bưng hai tay hai đĩa đầy bốc khói.

Từ xa nhìn thấy, hai tên bợm nhậu mắt đã sáng rỡ, nuốt nước miếng chờ đợi.

Vừa đi, Hùng vừa bông lơn :

- Nước sôi, nước sôi !... Đây là món "Canh gà Thọ Xương", nấu theo kiểu Mỹ, ngon không chịu được !

Tuy miệng ba hoa vậy, nhưng cặp mắt chàng thanh niên không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào nơi bàn rượu.

Hai tên vẫn cầm ly bằng tay trái. Tay phải tên Bẩy vẫn không rời khẩu súng. Tên Chín ra vẻ đàn anh hơn, để súng xuống bàn không xa bàn tay y mấy nỗi.

Hùng tiến thẳng đến chỗ ngồi cũ. Ở vị thế này, cậu sẽ bị khẩu súng của Bẩy Cát chĩa sát hông bên trái.

Làm bộ chê bàn ở chỗ này vướng, Hùng đi vòng lẹ sau lưng Chín Nhơn đến chỗ y đặt súng.

Mắt không rời hai vị khách quý, cậu chủ vờ suýt soa :

- Cha ! Nóng quá !

Tên Chín khẽ nhổm người lên để đỡ giùm một đĩa trong khi tên Bẩy đặt ly và súng xuống bàn để dẹp lấy một chỗ trống trước mặt mình.

Cơ hội đợi chờ đã đến. Từ trên cao, Hùng buông mạnh hai chiếc đĩa xuống bàn. Đĩa vỡ tan, nước sôi bắn tung tóe. Thuận tay và nhanh như chóp, cậu tước liền hai khẩu súng trước hai cặp mắt vừa ngỡ ngàng vừa hoảng hốt của hai tên bợm nhậu.

- Giơ tay lên !

- Muốn sống, giơ tay lên !

Hai tiếng quát lạ tai cùng vang lên một lượt Thắng và Dũng mỗi người đã chĩa một khẩu súng trường vào ngực chúng từ lúc nào.

Bình tĩnh có thừa, chúng vẫn còn thì giờ tự nhủ :

- Trời ơi ! Hai thằng nhãi ranh này vượt tường sang từ bao giờ, mình không hay kìa ! Phen này chết thực là đáng kiếp !

Cửa sắt được mở ra. Hai thanh niên mặc đồ Nhân dân tự vệ xông vào, còng tay hai tên gian lại.

Màn kịch gay cấn vừa diễn xong thì chiếc đồng hồ treo trên tường cũng vừa buông tám tiếng.

Xe cảnh sát do lời mời của ông giáo bằng điện thoại, đã tới đầu ngõ vừa kịp đón người, không sớm quá cũng không muộn quá.

Bà Hai vừa từ nhà ông giáo về tới, suýt soa hỏi cậu con trai :

- Con có làm sao không, con ? Má sợ quá !

Hùng cười tươi, trêu mẹ :

- Con đói lả người rồi đây, má ơi !

- Ừ, để má bảo em nó làm bí tết ngay cho mà ăn.

Mọi người vây chung quanh, tíu tít mỗi người một câu, ai cũng khen Hùng, can đảm và lanh trí.

Thằng Lưu cắc cớ hỏi :

- Anh Hùng ơi ! Anh Thắng đánh moóc cho anh những chữ gì đâu. Làm sao anh hiểu được ? Anh giảng cho em nghe đi.

- Thằng Năm xí xọn đó hả ? Đi Hướng Đạo bao lâu mà không thuộc cách truyền tin sao ?

- Có chứ anh. Em nhận được cả bẩy chữ. Chắp lại thành ra hai tiếng "Bác Chú", phải không anh ?

- Không phải là "Bác Chú" đâu, cưng. Bác Chú là cái quái gì ! Đó là tên ngoại ngữ một ông Thần Rượu, đọc là Bắc Quýt.

- Sao không gọi phứt là Lưu Linh cho được việc ?

Nghe thằng Năm xí xọn phê bình, mọi người phì cười liên tưởng đến ông Mười Xe Lam khoái rượu nên đặt tên con một đứa là Lưu và một đứa là Linh, do đó thằng Năm tuy còn nhỏ tuổi đã hiểu rõ nghĩa hai chữ Lưu Linh ghép lại.

Hùng vuốt tóc thằng Lưu giải thích.

- Em phải biết hai tên khủng bố cũng thạo truyền tin. Nếu nhắc anh bằng hai tiếng Lưu Linh, hay bằng tiếng Rượu, tiếng Huýt ki thì qua mặt chúng làm sao cho được !

Thằng Lưu còn hỏi gặng :

- Mà nhắc như vậy để làm cái giống gì ?

- Thì để anh biết đường mà suy luận... Rồi kiếm cớ xuống bếp làm đồ nhậu. Có xuống bếp mới liên lạc được với anh Thắng và tạo được cơ hội đoạt súng. Và sau hết mới chắc chắn là có viện binh ngay tức thì.

- Thì ra thế ! Giản dị vậy mà em nghĩ mãi không ra. Đã chẳng hiểu "Bác Chú" nghĩa là gì, lại thấy mùi chả mùi mực thơm điếc mũi, em cứ tưởng các anh các chị "mát dây".

Ông Mười Xe Lam đứng gần đó, cũng vừa vỡ lẽ, vội quát con :

- Lưu ! Không được nói tầm bậy tầm bạ ! Chết đòn giờ !

- Con đâu có nói bậy bạ. Ba để con hỏi anh Hùng thêm một câu nữa cho khỏi thắc mắc, cả đêm không ngủ được.

Hùng phì cười, phát vào lưng nó, mắng đùa :

- Thằng nhỏ xí xọn hoài ! Hỏi gì thì hỏi đi.

- "Canh gà Thọ Xương" là cái món gì mà lại nấu theo lối Mỹ ? Em chưa nghe thấy ai hô tên món canh ấy bao giờ. Và anh có đun nấu gì đâu, sao lại có ngay món ấy nóng hôi hổi ?

- Vậy là từ hồi nào tới giờ em "quê". Và bây giờ em đã sáng mắt ra. Chẳng những được nghe tên, mà lại còn được chính mắt trông thấy nữa. Món "Canh gà Thọ Xương" xuất xứ từ trong văn chương của nước ta. Đưa qua Mỹ chế biến cách nào, anh không rõ. Riêng anh, trong lúc cấp bách, anh chỉ cần ít nước sôi trong bình thủy rót ra là đủ...

"Ấy may mà có nước sôi đấy, nếu không sài tạm nước lã cũng cứ được... Dù sao, nước sôi cũng ngon hơn. Em không thấy hai tên vừa rồi được thưởng thức cứ suýt xoa hoài là gì ?

Vỡ lẽ, thằng Lưu cười ngỏn nghẻn :

- Anh ngạo em hoài !

Trước khi giải tán ai về nhà nấy, ông giáo đứng nán lại, dặn nhỏ ông Ba :

- Lát nữa thư thả mời ông Ba ghé tôi chơi, nhân thể nghiên cứu xem trong tập giấy tờ mình vừa mang về, tài liệu nào dùng được, tài liệu nào không. Tôi sẽ viết sẵn một thư giới thiệu để ngày mai ông cầm tới Tổng Nha gặp ngay cấp có thẩm quyền cho chóng vánh.

- Dạ, dạ, tôi xin y lời ông chỉ dạy.

Chương 11 (hết)

K V K 3 0

 

Bữa tiệc chiều nay ở nhà bà Hai cũng giản dị như buổi họp mặt ở đấy ba hôm trước. Khách quý, ngoài Anh Tư ra, vẫn chỉ có ba vị là cụ Cử, cụ Hương và ông Giáo.

Bề ngoài, đây chỉ là một dịp để Anh Tư ra mắt mấy bậc đàn anh trong xóm đã ít nhiều giúp đỡ anh trong việc phục hồi tự do và danh dự. Nhưng trong thâm tâm, bà Hai thành khẩn cho rằng đây là một cái lễ "trình cáo" với anh linh ông Hai kết quả tốt đẹp của công trình mà ông đã để hết tâm cơ vào trong những ngày cuối của cuộc đời.

Từ bức hình ngự trên bàn thờ đèn hương nghi ngút, đôi mắt nhìn xuống long lanh như tươi cười, như thăm hỏi những người thân vừa ngước mắt lên trông.

Sau khi giới thiệu người khách mới với ba vị khách quen, ông Ba khen :

- Anh Tư vẫn quắc thước và vẫn dễ thương chẳng kém chi ngày trước.

Quả vậy, với gương mặt chữ Dụng, với vừng trán cao, với đôi mắt sáng ngời luôn luôn nhìn thẳng và nụ cười cởi mở rạng rỡ trên môi, người khách có tấm thân dong dỏng và nước da sạm nắng này dễ chiếm được cảm tình của thiên hạ ngay khi mới gặp lần đầu.

Ông giáo Bắc ưa mẫu người này nhất.

Sau một vài câu chuyện xã giao trời mưa trời nắng, ông giáo ngỏ thẳng vào mắt người đối thoại mỉm cười hỏi :

- Tôi thấy dường như ông Tư có một điều chi áy náy mà chẳng tiện nói ra, có phải không ạ ?

Ông Tư ngạc nhiên không hiểu sao nhà trí thức mới gặp lần đầu này lại có tài nhìn thấy rõ gan ruột của mình như vậy. Đang chưa biết trả lời thế nào cho phải thì nhà giáo đã mỉm cười nói tiếp :

- Sự thực, tài liệu ông Tư đang tìm không có ở trong mớ giấy tờ kia đâu.

Ông Ba đỡ lời :

- Phải rồi. Tất cả chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Trước khi đem giao cho cơ quan cảnh sát, tôi đã cẩn thận lập một bản liệt kê. Sau tôi nghĩ thế cũng chưa đủ nên tôi đưa ra tiệm thuê chụp mỗi thứ một bản để anh Tư lưu chiếu. Vậy anh Tư cứ soát kỹ tập hồ sơ để lại có bao nhiêu bản sao là bấy nhiêu bản chính đã giao cho chính quyền.

- Vâng, ông Tư đáp, tôi đã coi đi coi lại, vẫn không thấy cái tài liệu mà tôi đã căn dặn anh Hai giữ giùm tôi cho thật kỹ.

Ông giáo cười ha hả :

- Ấy chính vì ông Tư dặn đi dặn lại kỹ lưỡng như vậy nên ông Hai mới không dám để nó chung vào mớ tài liệu kia e có sự lầm lẫn đáng tiếc !

- Ủa ! Vậy anh ấy còn để riêng ở một chỗ khác nữa sao ?

Ông giáo đáp lửng lơ :

- Chắc vậy !

Cụ Cử và cụ Hương Cả là người ngoại cuộc nên theo dõi câu chuyện một cách khoan khoái, thầm đoán thế nào hồi kết thúc cũng dành cho cử tọa một sự ngạc nhiên thích thú. Ông Ba thì áy náy không biết mình có sơ ý để thất lạc mất tờ nào trong mớ giấy tờ xưa cũ ấy không. Ông nói nửa như để tự trấn an, nửa như để thanh minh với bạn :

- Tôi coi kỹ lắm. Quyết không để vương vãi mất bản nào đâu !

Trong khi đó, ông Tư ngẩn ngơ như người mất hồn.

Một nụ cười tinh quái nở trên môi nhà mô phạm.

- Uổng quá ! nhà giáo chắc lưỡi than. Mất bao nhiêu công trình, bao nhiêu tâm huyết mới vẽ xong mà nhất đánh mất tiêu thì thật là đáng tiếc !

Nghe nói đến tiếng "vẽ", ông Tư giật nảy mình, ngó châm bẩm ông giáo, trong lòng nỗi vui mừng rộn rã pha trộn với một niềm kinh ngạc hoang mang. Không có cách nào tốt hơn là nói thẳng :

- Ông giáo biết ?

- Tôi đoán vậy, ông giáo đáp. Không rõ có trúng không.

Thấy đùa người bạn mới thế là đủ, ông giáo không đợi y trả lời, nói tiếp :

- Bỡn ông bạn một chút chơi, xin ông Tư đừng giận. Tôi không đoán đâu. Trái lại, tôi biết rõ. Đó là một tấm bản đồ.

- Phải rồi, ông Tư vui sướng la lên.

- Sao tôi không thấy nhỉ ? Ông Ba nhẩy nhổm lên tự hỏi như hỏi một đệ tam nhân.

Cụ Cử vuốt chòm râu bạc trong khi cụ Hương Cả rung đùi đắc chí y như chính mình sắp truyền cho những người chung quanh một niềm vui khó tả và khiến cho họ phải vô cùng thán phục.

Ông giáo khẽ quay đầu lại, đảo mắt tìm người sai bảo. Thấy Hiền đang chạy lăng xăng, ông vẫy lại :

- Anh Hùng đâu ? Kêu anh Hùng lên đây cho thầy bảo, nghe con.

- Dạ.

Hùng tất tả từ nhà trong bước ra, lại đứng mé sau thầy.

- Thưa thầy kêu con ?

- Ừ. Hôm nọ thầy dặn con cất kỹ khúc nến hồng còn lại để có việc dùng tới. Bây giờ con lấv mang ra đây cho chú Tư con coi đi.

- Dạ, dạ, để con đi lấy.

Cầm cây nến cháy đỏ hãy còn già nửa, ông giáo ngắm nghía giây lâu trước khi trao cho ông Tư và nói :

- Câu chuyện cặp nến hồng ra sao, chắc ông Tư đã rõ. Đây là khúc nến duy nhất còn lại. Bên trên hãy còn tim, nhưng đến dưới chắc có cái mà ông đang kiếm. Ông thử bửa ra coi. Khéo kẻo rách giấy ở bên trong. Có lẽ nên lấy dao gọt dần sáp ra thì hơn...

Mọi người reo lên khi thấy lộ ra một mảnh giấy cuộn dài trong lòng cây nến.

Hai tay run run, ông Tư vuốt cho tờ giấy phẳng phiu, cặp mắt sáng lên làm rạng rỡ cả khuôn mặt nghiêm trang.

- Đúng rồi ! ông Tư kêu lên sung sướng. Đúng rồi ! Cảm ơn ông giáo vô cùng... Thực quả, nếu không tìm được cái này thì cũng khá rầy rà...

Cử tọa chưa kịp hỏi thêm, ông Tư đã tự ý giải thích :

- Đây là một bản đồ mà tôi trải không biết bao nhiêu gian nguy mới vẽ được nên. Nhờ nó, bên ta sẽ khám phá ra những nơi chúng chôn giấu vũ khí, đạn dược. Nếu không, chúng còn khuấy phá liên miên chả để cho ai yên ổn làm ăn...

Chợt nghĩ lại, ông Tư quay sang hỏi ông giáo Bắc :

- À, mà sao ông giáo biết hay vậy ?

Nhà giáo trả lời khiêm nhượng :

- Có chi đâu mà hay ! Ông Hai đã dặn lại rành rành.

- Ủa ? Anh Hai Trung có dặn ?

- Vâng, trong mảnh giấy giấu trong nửa cây nến không tim. Chắc ông Ba đã kể cho ông Tư rõ ?

Mọi người bỗng sực nhớ câu chuyện ly kỳ xảy ra ba bữa trước. Biến cố dồn dập nhanh đến nỗi họ phó mặc các diễn tiến đột ngột nhưng đầy thích thú lôi cuốn họ đi và làm cho họ quên phứt mảnh giấy đầy chữ số mà chẳng một ai hiểu nổi ý nghĩa.

Cụ Cử cười ha hả nói :

- Vậy là cái chìa khóa vụ này nằm ở trong mảnh giấy tìm thấy chiều hôm thứ sáu ở trong cây nến. Có phải vậy không, ông giáo ?

- Thưa cụ, chính thế.

Cụ Hương chắc lưỡi tiếc :

- Chúng tôi thật là mù tịt, chẳng hiểu một chút xíu nào hết.

Ông Ba thú nhận cái dở của chính mình :

- Chúng tôi mới tệ chứ, thưa các cụ. Bốn năm cha con, chú cháu mất bao nhiêu thì giờ nghiên cứu, xoay ngược đảo xuôi, tính đi toán lại, chung quy tắc tị vẫn hoàn tắc tị. Bí mật vẫn hoàn bí mật ! Chúng tôi thật là quá dở !

Ông Tư tiếp lời :

- Tôi cũng đã được anh Ba cho coi. Cũng cố tìm hiểu nhưng quả thật bất tài không hiểu nổi.

Cụ Hương Cả nói, giọng nài nỉ :

- Không dám nào, nếu không có gì quá cao siêu, quá khúc mắc khiến cho người thường không thể lãnh hội được, thì xin ông giáo vui lòng giảng giải cho chúng tôi được sáng con mắt ra.

Cụ Cử cũng nói thêm vào :

- Phải đấy ! Chả mấy khi gặp được một chuyện lý thú để nhớ đời ! Giá ông giáo chịu khó cho chúng tôi hiểu được đôi chút thì quý hóa quá.

Ông giáo vui vẻ và nhũn nhặn đáp :

- Có chi đâu mà các cụ dậy quá lời. Tôi xin trình từ gốc cho đến ngọn. Chỉ e khi nói ra rồi, các cụ lại la là quá dễ !

Rồi ông nghiêng đầu gọi mấy cô cậu học trò :

- Hùng, Dũng đâu nhỉ ? Cái Hiền, cái Hòa nữa. Ra cả đây thầy bảo... Nào, các con đã hiểu được đến đâu rồi ?

Mắt nhìn tờ giấy vuốt phẳng phiu để ngay ngắn giữa bàn, Hùng ấp úng thưa :

- Thưa thầy, chúng con cố đoán mãi chưa ra ạ.

- Thế có nhận xét được điểm nào lạ không ?

- Thưa có. Chúng con nhận thấy con số 30 ở trên cùng lạ lắm. Nó phù hợp với số chữ số ở mỗi hàng. Nó cũng phù hợp luôn với số các nhóm chữ số trong tờ giấy.

"Thưa thầy, mỗi hàng có 5 nhóm, mỗi nhóm gồm 6 số, vị chi một hàng có 30 con số.

"Cả thảy có 6 hàng có 5 nhóm, vị chi tờ giấy bí mật có tất cả 30 nhóm chữ số.

"Chúng con kết luận : con số 30 là một một điểm bí mật cần khám phá.

Thầy giáo mỉm cười hỏi :

- Ngoài ra, còn có gì đáng lưu ý nữa không ?

- Thưa thầy, còn. Trước hết là con số đầu của mỗi nhóm chỉ quanh quẩn từ 0 đến 3 mà thôi.

"Kế đến con số áp chót của mỗi nhóm luôn luôn là con số 0.

"Sau hết, con số chót của mỗi nhóm thay đổi từ 1 đến 8. Không bao giờ là số 0 cũng như không bao giờ là số 9.

Thầy giáo khen :

- Ừ, các con nhận xét đúng đấy. Nhưng ý nghĩa của những điểm đặc biệt ấy ra sao, nói thử thấy nghe.

Cả bốn cô cậu cùng đồng thanh :

- Chúng con xin chịu. Nghĩ mãi không ra.

Ông thầy mỉm cười, nhìn lũ học trò, giải thích :

- Các cô, các cậu không nắm vững được thâm ý của tác giả nên đường quang không chịu đi, lại bước quàng vào đường rậm. Dễ hóa ra khó là thế !

"Phải biết dụng tâm của ông Hai lưu lại giấy này là để "chỉ dẫn cho người nhà", chứ không phải để "làm khó những người xa lạ".

Vậy ta phải nghĩ đến cái "giản dị" thay vì đến những cái gì "khúc mắc".

"Mấu chốt của những hàng chữ số không phải ở chính các chữ số ấy, mà ở "nhóm chỉ huy" ở trên đầu tức là ở mấy chữ KVK30 đứng tách hẳn ra ở trên cùng.

"Biết được ý nghĩa của mấy chữ ấy là nắm được cái chìa khóa của những hàng chữ số theo sau.

"Ta đã biết những khi thừa nhàn, ông Hai thường hay ngâm nga những quyển truyện bằng thơ như truyện Kiều, truyện Lục Vân Tiên.

"Vậy KVK có thể là Kim Vân Kiều.

Tụi trẻ la lên, giọng hoài nghi :

- Ủa ! Sao lạ vậy thầy ?

- Ủa ! Có chắc vậy không thầy ?

Ông thầy trả lời ôn tồn :

- Thầy vừa nói "có thể", chứ thầy chưa nói là "chắc chắn". Sau này, phải phối kiểm mới rõ được là đúng hay sai.

"Vì sao thầy lại có cái giả thuyết ấy ? Là vì truyện Kiều là một áng văn chương đã trác tuyệt, lại bình dân, vừa dễ kiếm, vừa không có nhiều "thoại" khác nhau như truyện Lục Vân Tiên. Tuy nhiên, ông Hai cũng cẩn thận ghi năm xuất bản của cuốn truyện ông dùng để cho ta dễ tra cứu. Quyển truyện Kiều ông Hai dùng in vào năm 1930.

- Đúng rồi ! Hiền reo lên. Nhà con có quyển Kiều in năm 1930 ở Saigon.

Ông Bắc giải thích tiếp :

- Bây giờ ta xét xem các nhóm chữ số có ý nghĩa ra sao. Trước hết, thầy công nhận mấy điểm nhận xét vừa rồi của các con rất đúng. Nhưng điều quan trọng là tìm hiểu xem những đặc điểm ấy nói lên cái gì.

"Mỗi nhóm có 6 số, số đầu lớn nhất là 3, số chót thay đổi từ 1 đến 8, và số áp chót luôn luôn là 0.

"Nếu ta tách mỗi nhóm ra làm 2 : nhóm trước 4 số và nhóm sau 2 số, ta sẽ có :

- ở nhóm trước, con số nhỏ nhất là 0001, và con số lớn nhất là 3204.

- ở nhóm sau, có đủ các số từ 01 đến 08.

"Ta đã biết truyện Kiều có tất cả là 3254 câu, mỗi câu có 6 hay 8 chữ.

"Suy ra, ta thấy nhóm 4 số trước chỉ thứ tự các câu trong truyện Kiều và nhóm 2 số sau chỉ thứ tự chữ trong mỗi câu.

Mọi người dường như còn bán tín bán nghi vì không thể ngờ sự thực lại giản dị quá đến như vậy, mặc dầu ai cũng hiểu ông giáo đã nói là phải đúng.

Hướng về các vị lão thành trên bàn tiệc, ông Bắc nói :

- Thưa các cụ, bây giờ tôi xin phối kiểm xem giả thuyết vừa nêu có đúng không.

Quay về phía các học trò, ông thầy bảo :

- Nào, một cô vào trong nhà lấy quyển Kiều ra đây...

Rồi ông phân công :

- Một cậu đọc các con số. Nhớ chia mỗi nhóm ra làm 2 nhóm nhỏ. Đọc nhóm 4 số trước, rồi đến nhóm 2 số sau. Một cậu dò trong truyện, dò số câu trước, số chữ sau. Được chữ nào, đọc to lên cho cô nào viết ra giấy để các cụ coi.

"Nào, bắt đầu nghe ! Đọc 4 số trước, 2 số sau...

Hùng đọc :

- 0322

- 04

Dũng dò :

- Câu 322 là : Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu.

"Chữ thứ tư là chữ Mặt. Hoà, viết chữ Mặt đi.

Hùng đọc tiếp :

- 0772

- 03

Dũng lật lật mấy tờ, chăm chú đọc :

- Câu 772 là : Dẫu mòn bia đá dám sai tất lòng.

"Chữ thứ ba là chữ Bia. Ê, viết chữ Bia !

- 0039

- 01

- 39 : Ngày xuân con én... Chữ thứ nhất : Ngày.

- 2197

- 01

- 2197 : Rộng thương cỏ nội hoa hèn. Viết chữ Rộng đi.

Cụ Cử lẩm nhẩm :

- Mặt bia ngày rộng... Chữ thứ 5 là chữ...

Cụ đang nghĩ thì Hùng đã đọc oang oang :

- 1965

- 03

Cụ Cử gật gù nói một mình :

- Có thể là chữ Mở.

Vừa vặn nghe thấy tiếng Dũng đọc :

- Liệu bài mở cửa cho ra. Chữ thứ ba là chữ Mở.

Thấy mình đoán trúng được chữ chót trong câu, cụ già đắc chí cười vang, rồi cất giọng ngâm :

"Liệu bài mở cửa cho ra,

"Ấy là tình nặng, ấy là ơn sâu.

Cả nhà tủm tỉm cười như cùng vui cái vui tao nhã của nhà nho.

Hùng, Dũng và Hòa cứ tiếp tục kẻ đọc, người dò, người thứ ba viết.

Cụ Cử theo thật sát, nhớ vanh vách những chữ đã tìm ra và thử đoán những chữ kế tiếp. Có chữ đúng, có chữ trật.

Chữ chót câu thứ nhì là chữ Duyên, cụ đoán trúng một cách dễ dàng. Vả lại có một màn ngâm sang sảng :

"Cũng là phận cải duyên kim,

"Cũng là máu chảy ruột mềm chứ sao ?

Chữ cuối câu thứ tư lại trúng nữa. Lại ngâm :

"… Ấy sao hạt ngọc Lan Điền mới đông ?

Trò chơi cứ thế tiếp tục, ba người trẻ muốn chạy cho nhanh, còn cụ già thì muốn ngưng lại giây lát ở những chỗ cụ cho là lý thú.

Nhóm 6 con số chót dò xong, ông giáo đặt ly rượu xuống bàn, bảo Hòa vừa dừng bút :

- Hòa, đọc lên cho các cụ nghe cả bài thơ đi con.

Hòa vâng lời, hắng giọng đọc :

 

"Mặt bia ngày rộng mở

"Đợi khách có cơ duyên,

"Giấy tờ trong ruột đá,

"Liệu cứu anh Tâm Điền.

"Bản đồ riêng dặn kỹ,

"Lòng nến cất y nguyên.

 

Mọi người trầm trồ khen ngợi, nhất là cụ Cử :

- Hay tuyệt! Thật là quá rõ ràng, không thể lầm lẫn vào đâu được nữa !

Tươi cười, bà Hai góp chuyện :

- Thảo nào ! Sáng hôm qua, ông giáo hỏi tôi về chuyện tấm bia, tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao ông biết cả những việc nhà tôi làm khi còn sinh tiền.

Sau mấy phút lưỡng lự, cụ Hương Cả nhờ giải đáp một câu mà cụ nghĩ mãi không ra :

- Tôi hỏi thế này khí không phải, ông giáo bỏ qua đi cho nhé : Tại sao ông đoán những hàng chữ số ấy là những câu thơ ?

- Giản dị lắm, thưa cụ. Những chữ số xếp có hàng có lối làm cho người coi liên tưởng ngay đến một bài thơ. Đây rõ ràng là một bài thơ năm chữ. Có sáu câu. Tôi tạm đoán vậy rồi tôi phối kiểm lại. Cả bà Hai, cả ông Ba đều cho biết khi sinh thời ông Hai hay làm thơ vào những lúc thừa nhàn. Vả lại, thơ là một thể thức bảo đảm nhất khi người trước muốn lưu lại mấy chữ cho người sau. Thơ có vần, có điệu, có số chữ nhất định, nếu đoán lầm hay thiếu sót, người ta sẽ thấy ngay.

Cụ Hương lại hỏi :

- Theo ông giáo, ngoài ý nghĩa thông thường ai cũng hiểu, bài thơ này còn có ý nghĩa nào thâm trầm khác không ?

- Thưa cụ, ông giáo đáp, ý nghĩa thâm trầm bí hiểm thì không có đâu vì như tôi đã trình bầy, bản tâm của ông Hai là "chỉ dẫn" cho người sau chứ không phải là che dấu. Cho nên mỗi chữ đều được chọn lựa để cho có ý nghĩa thật rõ ràng, minh bạch...

Tiện đà, ông giáo bình giảng từng câu cho cử tọa cùng am hiểu :

- Như câu thứ nhất có 5 chữ : Mặt bia ngày rộng mở. Tôi quý nhất chữ "Mặt" và chữ "Mở". Nhờ hai chữ ấy, tôi biết tấm mộ bia có cửa ngầm mở ra được ở phía trước mặt. Vì tấm bia hình hộp có 6 mặt, nếu không nói rõ sẽ mất rất nhiều thì giờ mò mẫm.

"Câu thứ hai, đáng chú ý nhất là hai chữ "cơ duyên". Nghĩa thông thường của hai chữ này lả Cơ hội và Duyên nợ. Ở đây, nó còn có nghĩa là Duyên nợ về máy móc. Do đó, hôm qua đi Kiến Hòa, tôi phải cụ bị mấy món đồ nghề về cơ khí.

"Câu thứ ba nói rõ trong ruột đá chỉ có giấy tờ chứ không có vàng bạc chi hết. Thâm ý là để tránh mọi hiểu lầm trong trường hợp không có nhiều người cùng chứng kiến lúc mở tấm bia.

"Câu thứ tư nhấn mạnh đến chữ "Liệu" và hai chữ "Tâm Điền".

"Là một người từng trải, ông Hai lo thời thế có chuyện đổi thay, e các giấy tờ để lại có phản tác dụng nếu không cân nhắc trước khi dùng, nên dặn phải liệu thời mà xử dụng mới cứu được ông Tâm Điền.

"Theo tôi nghĩ, Tâm Điền là do chữ Tư chiết tự mà ra. Hỏi lại thì ông Ba cho biết có một dạo ông Tư đã dùng bút hiệu ấy thay cho bút hiệu Anh Tư. Vậy tài liệu cất giấu trong bia đích thực liên quan đến ông Tư, không còn nghi ngờ gì nữa.

"Đọc câu thứ năm "Bản đồ riêng dặn kỹ" đủ thấy ngày trước ông Tư đã căn dặn ông Hai cẩn thận đến như thế nào. Bởi lẽ đó, ông Hai không dám để chung bản đồ vào mớ tài liệu, sợ có sự lầm lẫn đáng tiếc.

"Còn câu chót "Lòng nến cất y nguyên" ý nghĩa cũng quá rõ ràng. Ông Hai để lại một cặp nến hồng. Hôm nọ, thắp cúng đã cháy hết non nửa mỗi cây. Một cây đoạn dưới không tim đã được bửa ra cho chúng ta thấy mảnh giấy này. Chỉ còn lại một khúc thắp dở đây thôi. Dĩ nhiên, bản đồ phải nằm yên trong đó.

Cụ Cử gật gù tán thêm :

- Theo ý ngu của tôi, bài thơ có 6 câu mà chia rõ ra làm 3 đoạn, mỗi đoạn 2 câu riêng biệt.

"Đoạn đầu dành cho người chưa quen biết nhưng là "khách có cơ duyên". Tác giả nhờ ông khách này mở giùm cái cửa ngầm ở mặt bia.

"Đoạn thứ hai là lời của ông anh dặn ông em phải liệu mà cứu người bạn hiền.

"Còn đoạn chót, các cụ nghe có đúng là lời của ông Hai nói riêng với ông Tư không nào ?

Cả nhà, người lớn cũng như trẻ con, vỗ tay khen nức nở :

- Thật rõ như ban ngày. Vậy mà nghĩ mãi không ra !

Phút ồn ào trôi qua. Ông Tư ngước mắt lên bàn thờ, đăm đăm nhìn khuôn mặt đầy đặn của người bạn cố tri và than thở, tiếc thương :

- Anh Hai phúc hậu như vầy mà trời bắt vắn số ! Anh Hai thương tôi thật hết lòng. Nhưng nếu chúng tôi không có cơ duyên gặp được ông giáo đây thì chưa chắc giờ này tôi đã có cái diễm phúc được ung dung ngồi đây hầu rượu các cụ.

Bà Hai trịnh trọng tiếp lời :

- Ở hiền gặp lành mà, anh Tư ! Xưa kia, anh đã cứu giúp biết bao nhiêu người. Nhờ ơn anh biết bao nhiêu gia đình khỏi phải tan nát. Âm đức ấy được trời ngó lại mà đền bù cho là xứng đáng lắm !...

Bữa tiệc hôm nay vui, không bị phá đám như buổi họp mặt ba hôm về trước.

Để tỏ lòng mến trọng người bạn mới, ông giáo Bắc vốn ít rượu đã đặc biệt "phá lệ" đứng dậy mời mọi người cùng nâng ly mừng cho sự thành công của người đã một thời gian dài xả thân lo cho sự an nguy của đồng bào chẳng may bị kẹt ở trong vòng hắc ám.

 

 

CHÂN PHƯƠNG

      5/1973