Khi ông cậu quý bị đắm tàu

Minh Đăng xuất bản - 1973

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

                                                        Chương 5 & 6 

              Chương 7 - 8 - 9 (hết)

Nguồn: http://vnthuquan.net

----------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 1

Bà Niêm rất quý đôi dép màu ma rông, tuy nó chỉ là một đôi dép mua xôn. Và vì quý, nên bà chỉ mang vào những dịp trong nhà có tin vui. Tháng chạp năm ngoái nhân dịp đi Sàigòn, bà tìm ra đôi dép bền, đẹp, tiện ấy trong mớ dép giày đủ màu, đủ kiểu ở vỉa hè Lê Thánh Tôn. Bà hãnh diện khi nghĩ rằng bà chỉ tốn có 160$ mà được một đôi dép thật đẹp, thật bền. Chắc chắn nó không phải là thứ mà cửa hiệu họ đóng hàng loạt để bán cho bất cứ người nào, nó do một bà mệnh phụ nào đó đặt đóng mà rồi vì một lý do gì, đã bỏ quên luôn sau khi đã trả trước phân nửa tiền cọc. Và một sự tình cờ là chân bà mệnh phụ ấy hơi thô, giống chân bà, thứ chân của hạng phụ nữ hay đi bộ, không có được cái mỹ hiệu gót son – hay gót sen chi đó.

Công bình mà nói thì quả đôi dép ấy đã lỗi thời đi từ tám hoánh, cho nên chủ hiệu mới phát sùng lên mà đem vứt ra bán xôn, chứ nếu không ấy à? Còn lâu mà mới mua được với giá rẻ mạt như vậy.

 Trưa nay, vừa đi làm về, ông Niêm nhận ra vợ mang đôi dép đặc biệt ông về sớm một giờ, khác với lệ thường cho nên có thì giờ nhận thấy điều này, chứ ngày thường, ông về sau lũ con và vừa về là ông hét toáng lên: "Đói! Đói!" thì làm gì mà nhận ra điềm lành nổi? Ông cười bảo vợ: 

- Này mình hôm nay có gì vui mà mợ mang đôi dép ma rông vậy?

 Bà vợ cười, giọng bí mật: 

- Có! Nhưng em chỉ nói khi đông đủ các con.

 Ông chồng lại trêu:

 - Đôi dép của mợ coi cũng tàm tạm, nhưng nó không hợp thời nữa... 

- Hợp với không hợp, em không cần. Người ta chứ có phải là khỉ đâu mà thấy ai làm gì là bắt chước? Tôi theo đúng ba tiêu chuẩn... 

- Mẹ! Có gì vui mà mẹ mang đôi dép ma rông hở mẹ? 

Phan thò đầu vào bếp, hỏi. Bà Niêm nghiêm giọng chỉnh con trai: 

- Dù cho có gì vui đi nữa, con cũng phải nói: “Thưa mẹ, con đi học về” cái đã, nghe chưa? 

- Dạ, thì thưa mẹ, con đi học về, nhưng mẹ phải nói cho con biết nhà có gì vui. 

- Thong thả, mẹ không thể kể ngay bây giờ, vì như thế mẹ sẽ phải hao hơi kể lại hai lần nữa. Hãy chờ đến bữa ăn, đủ mặt các con. 

Phan liếc xéo đôi dép ma rông của mẹ lần nữa, hơi phật ý nhưng biết phản đối vô ích, nên lặng lẽ về phòng mình. Cậu bé vứt cặp trong góc tủ, không thèm rửa tay, rửa mặt, ra cửa sổ đứng ngóng hai em. 

Yến về trước. Nó nhỏ nhắn, hơi gầy với mái tóc đen thường rối bù và đôi mắt cùng màu rất to. Bước đi tung tăng, cặp sách đáng ra là mắc sau lưng, lại treo cồng kềnh trước ngực, Yến vừa ở lớp mẫu giáo ra. 

Sau lưng Yến là Lai, anh kế nó và là em kề Phan. Trái hẳn cô em gái gầy nhom, Lai thật đúng với biệt danh “phì lũ” mà bạn đồng học tặng nó. Tuy nhiên, Lai không hề phật ý về cái biệt danh không mấy thanh bai này. Nó không những chẳng than phiền mà còn vênh mặt lên, cười dài nói: 

- Ừ! Thì tao phì lũ đó! Rồi có sao không ? Ba tao nói hồi ông mười tuổi ông giống tao bây giờ, mà hiện nay ông đẹp trai hết sức, không phải chơi đâu. 

Mặc dù mập mạp, Lai rất nhanh nhẹn, vui vẻ. Đụng vào nó, ta có thể tưởng tượng là đụng vào một quả bóng cao su, nó nẩy tưng lên liền. 

Lai là người về đến nhà sau cùng, vì nó học xa nhất, song nó không vội, vừa đi chầm chậm, cậu bé vừa phồng mũi thưởng thức mùi thơm của mấy khóm hoa do mẹ nó trồng trước hiên nhà, dọc theo lối đi. 

Bữa ăn đã sẵn sàng. Cả nhà quây quần quanh bàn. Thằng con trai lớn nhắc lại lời mẹ hứa vừa rồi. 

- Bây giờ xin mẹ kể cho tụi con biết chuyện đi.

Bà mẹ chậm rãi rút trong túi ra một là thư mầu xanh dán tem xinh xắn có vẻ là tem ngoại quốc. Ba chúng sốt ruột hộ các con: 

- Thôi! Lẹ lên! Mẹ mày cứ làm bộ bí mật hoài. Thư của Cậu Bích đó, các con. 

- Thư của cậu Bích? 

- Hoan hô cậu Bích! 

- Hoan hô! Đọc liền đi mẹ! 

Ba đứa cùng nuốt vội búng cơm, hét lên. 

- Nếu tui bay còn làm ầm ĩ, vô trật tự kiểu đó thì đừng hòng. 

Bà Niêm nói và giả vờ đút túi lá thư đã được rút ra khỏi bao. Lập tức ba đứa đồng thanh: 

- Xin lỗi mẹ! Tụi con không làm ồn nữa. Đọc đi mẹ! Tội nghiệp tụi con mà. 

Bà Niêm lại giở thư ra, thong thả đọc: 

Anh chị thân mến,  

Em Bích của anh chị đang ốm nặng, một thứ bệnh vô phương cứu chữa: đó là bệnh H.H. Bệnh này hành hạ làm em rầu rĩ còn hơn mấy cô tiểu thư mang chứng tương tư. Em gầy guộc vì ngày không ăn, đêm không ngủ, em không thiết nói, biếng cả cười – hồi ở nhà em vui vẻ là thế! – Đã bảy năm dài, em…” 

- Bệnh H.H là bệnh gì mà ghê vậy hả ba? 

Phan tò mò hỏi. Bà mẹ gắt nhẹ: 

- Tụi bay có nghe không. Để mẹ đọc xong đã được không? 

Rồi bà điềm nhiên đọc tiếp, không tỏ chút gì thắc mắc về hai chữ H.H. trong thư của cậu em trai: 

… Đã bảy năm dài em lìa quê hương yêu dấu, gần như quên mất mùi vị của món tôm rim, nhưng em thèm nhất là mấy thứ bình dân như : khoai lang, khoai mì, bánh tráng – nướng hay nhúng nước – Em nhớ tiếng ểnh ương ỳ oạp vào mùa mưa, tiếng ve sầu ra rả vào mùa hè. Chao ơi! Cả đến tiếng con thạch sùng tặc lưỡi nữa, em nhớ tuốt hết... Anh chị còn nhớ không? Những đêm Giáng Sinh tại quê nhà? Trời chỉ vừa phải, người ta mặc áo len là cốt để chưng diện chớ không phải như bên này, lạnh điên vào tháng chạp dương lịch.  

Em đau nặng quá rồi! Nếu em còn chần chờ do dự em sẽ mình gầy xác ve mà chết mất thôi, anh chị ạ!” 

Ba đứa trẻ trố mắt lên, lo lắng thay cho cậu chúng, ông cậu mà chúng rất thương yêu, dù lâu lắm rồi chúng chỉ nghe chứ chưa hề thấy mặt. Nhưng chúng không dám ho he, sợ mẹ lại mắng, im lặng lắng nghe. Giọng mẹ chúng cao lên: 

… em phải trở về nước, đó là cách duy nhất để chữa khỏi bệnh H.H. Em biết rõ như vậy. Anh chị có vui lòng cho em được tá túc tại nhà anh chị trong thời gian em trở về không? Em muốn gần lũ cháu. Em cam đoan sẽ tỏ ra đứng đắn, không làm anh chị phải chau mày – em cần làm gương tốt cho các cháu chúng soi chung, em biết. 

Em xin long trọng hứa:  

1) Không đi chơi khuya để chị phải bận lòng đợi cửa.  

2) Chùi chân thật kỹ trước khi vào nhà.  

3) Khi ngồi không gác chân lên bàn.  

4) Không mặc quần soọc khi cùng anh chị đi xem Ciné.  

5) Và chính em cam đoan mua vé cho anh chị.  

Nếu dự tính được thực hiện em sẽ có mặt tại Saigon vào tháng 7 tới đây bằng chiếc tầu Santa-Maria.  

Nếu vạn nhất – điều này là nói phòng xa – em không về được kỳ này, em sẽ gieo mình xuống biển, chỗ sâu nhất, kết liễu cuộc đời vì không đủ sức để cho chứng H.H. hành hạ nữa.  

Em xin gửi đến anh chị lời chào thân mến và riêng các cháu, mỗi đứa một cái hôn. Quên, còn một điều khoản nữa, điều thứ 6: em đã bỏ thuốc lá, chắc chị hài lòng lắm? Song nếu về xứ, có thèm, em xin hứa sẽ không bao giờ hút thuốc lá trong nhà, mà có hút đi nữa, em hứa không có chuyện làm vung tàn bừa bãi.  

Em Bích của anh chị. Kính thư."     

Nhiều tiếng hoan hô vang dậy cả phòng ăn. Lũ trẻ làm ầm lên vì sung sướng quá. Cha chúng cũng tươi hẳn nét mặt: 

- Hay lắm! Cậu ấy về nhằm vào lúc chúng ta nghỉ hè. 

- Hay thiệt chớ Lai tiếp lời cha nếu mà cậu về nhằm lúc con đi học thì chán chết đi. 

- Cậu về vì mày chắc? 

- Vậy cậu về vì anh hả?

- Thôi, thôi! Cậu về vì tất cả chúng ta. Các con đừng cãi vã... 

- Sai bét! Mẹ con mấy người đều sai bét. Nghe đây: Cậu Bích về vì chứng bệnh H.H. hành cậu, chẳng vì ai cả, hiểu chưa? 

- Hoan hô ba! Ba thông minh quá! Hoan hô! 

Yến tròn xoe mắt: 

- Con chưa biết bệnh H.H. là bệnh gì, ba giải nghĩa cho con đi. 

- Con cũng không biết... 

- H.H. là hai chữ viết tắt của tiếng Hoài Hương, hiểu chưa? 

- Hoài hương? Là nghĩa gì chớ?

- Nghĩa là nhớ xứ sở, quê hương.

- Con biết rồi – Phì lũ ngắt lời mẹ – Hoài là hoài niệm, là nhớ tới, là hướng về, hương là quê hương, dễ ợt... 

- À! Thằng này, mày chỉ được cái nhanh nhẩu đoảng. Biết sao hồi nãy không nói đi? Đợi mẹ… 

- Trời ơi! Khó khăn gì. Tại em chưa kịp nghĩ ra, tại em mừng cậu về nên quýnh quá. 

- Theo em nghĩ, cậu về với mợ, vui quá.... 

- Con nhỏ nói hay chưa? Ai bảo là cậu mày về với mợ? Mợ nào? 

Mẹ nó nhướng mắt lên, gặng lại. Yến cười tủm tỉm: 

- Thì mẹ đọc thơ cậu đó, con nghe có tiếng tata Maria, chắc mợ tên Maria, tên đẹp... 

Ông Niêm bật cười: 

- Lầm rồi con út của ba ơi! Santa Maria là tên chiếc tàu thủy chứ không phải tata Maria. Cậu chưa có vợ, nếu có cậu đã tin cho ta biết từ lâu. 

- A! Vợ cậu Bích là chiếc tàu! A!... 

Hai thằng anh trai cười chế giễu. Yến gần khóc làm bà Niêm phải la con trai: 

- Tụi bay không được trêu em. Chẳng được cái tích sự gì. 

Ông Niêm nghiêm giọng: 

- Thôi, mợ coi trả lời thư cho cậu ấy kẻo cậu trông. Nói là vợ chồng ta và lũ nhỏ đều mong sớm gặp cậu, nhớ dặn cậu chừng nào về phải đánh điện cho hay, đặng mình đi đón cho vui.

*

Náo nức vì cái thư của cậu chúng, lũ trẻ thức rất khuya. Yến thò đầu ra khỏi tấm chăn mầu hồng thủ thỉ: 

- Này anh Phan, cậu Bích ở chỗ nào vậy? 

- Cậu ở Mạc xây, một tỉnh lớn bên Pháp. 

- Ủa, sao hồi đó em nghe mẹ nói cậu làm việc bên Nam Mỹ lận mà? Xa lắm mà? 

- Thì đúng vậy, hồi trước cậu làm việc bên Nam Mỹ. Cậu trồng mía, chăn bò... 

- Nữa em lớn, em cũng sẽ đi Nam Mỹ. Em trồng mía, cỡi ngựa, chăn bò. 

Lai chen vào câu chuyện. Phan ra vẻ hiểu biết: 

- Tưởng gì chớ mày ưng cỡi ngựa chăn bò thì đâu có khó: Mạc xây có mấy vùng lân cận như Ạt-lờ, Mạc-ti-gờ, Ca-mạc-gờ cũng ngon lành lắm, đó là chỗ đóng phim cao bồi đó nghe. 

- Sướng quá! – Lai vỗ tay tán thưởng – mà sao anh biết hết vậy? 

- Cậu viết thơ nói. Tao còn nghe như là mấy chỗ đó có một chỗ trồng lúa như bên mình. Mà phong cảnh bên đó đẹp lắm nghe. 

- Em không tin, nếu cảnh đẹp sao cậu còn nói là nhớ, muốn về? 

- Mày ngu quá. Yến ơi! Cảnh đẹp thì đẹp chớ sao bằng quê hương mình? Quê hương là chỗ đẹp hơn cả, mày phải biết như vậy! 

Lai lại được dịp tỏ ra hiểu biết không kém gì anh cả. Yến vẫn chưa thôi thắc mắc: 

- Mà tại sao đang làm việc bên Nam Mỹ, cậu lại tới Mạc xây, hả anh Phan? 

- À, tại cậu buồn. Xứ đó nóng lắm với lại xa nữa. Cậu nói Mạc xây hơi giống xứ mình, không lạnh lắm không nóng lắm. Hồi cậu mới đi, cậu đi qua thẳng Nam Mỹ, ba năm sau cậu đi Mạc xây. Cậu nói Mạc xây vui hơn... 

- Em ưa đi Nam Mỹ hơn. Xứ gì mà toàn mạc với mạc, nghe không ngon lành gì hết! 

Yến nối lời Lai: 

- Mạc xây. Mạc ti, Ca mạc... 

Lai cười khúc khích: 

- Theo em nghĩ, dầu cho văn minh cách mấy mà đặt tên cách đó sẽ mạt luôn. 

Phan trừng mắt: 

- Lai, mày ưa nói bậy bạ, làm gương xấu cho em. Ai bảo là đặt tên... 

- Em nói thiệt mà – Lai ngắt lời anh – tụi bạn em trên trường nói vậy đó, chúng nói nhà Mạc cũng vì đặt cái họ mà tàn mạt luôn. Anh học sử thấy đó, chớ không sao? 

- Em đồng ý với anh Lai, tên Mạc xấu lắm. 

Thấy hai em cùng một giọng, Phan chịu thua, cậu bé xoay mình nằm sấp, hai tay đỡ lấy cằm, nhìn ra cửa sổ. Thình lình, Yến hỏi: 

- Cậu trồng mía làm chi, anh há? 

- Để cho con nít ăn. 

Lai trả lời tranh. Yến lại đặt câu hỏi. 

- Mà cậu đã có con đâu? 

Phan lên giọng kẻ cả: 

- Lai, mày cứ không chừa tật nói bá láp. Yến ơi! Cậu trồng mía để bán cho nhà máy làm đường. Trồng nhiều lắm chớ không phải ít đâu, như vậy mới đủ cung cấp cho nhà máy. 

- Chắc cậu giàu lắm, phải không anh? 

Phan suy nghĩ trước khi trả lời em: 

- Chắc không giàu lắm nhưng... giàu hơn ba mẹ mình, kiếm được nhiều tiền nhưng cậu phải chi tiêu nhiều thứ: trả lương cho công nhân làm việc trong đồn điền của cậu nè, mua xăng nè, sửa xe khi nó hư nè, đường bên đó xấu lắm, biết không? 

- Anh còn nhớ mặt cậu không? 

- Không rõ lắm. Anh chỉ nhớ mỗi lần cậu đến là cậu ẵm anh, tung anh lên như trái banh với lại túi cậu luôn luôn có kẹo và thuốc lá. Cậu cho anh kẹo, còn thuốc lá thì cậu hút. 

- Em nhớ rõ cậu à! Cậu dắt em đi sở thú hồi ba mẹ đi Sàigòn đó, rồi cậu mua cho em đôi giày đỏ tươi… 

- Hố rồi! Cậu đi Nam Mỹ cái hồi thằng Lai còn ẵm ngửa, làm gì có Yến? Đó là cậu Khâm, cậu họ tụi mình. Tụi mình chỉ có một cậu ruột là cậu Bích thôi, nhớ chưa? 

Yến xịu mặt xuống, cô bé không thể tưởng tượng được mặt ông cậu ruột ra sao. Và cô có thói quen là hễ thắc mắc thì phải hỏi cho ra lẽ: 

- Mà sao cậu đi xa chi vậy? 

Nó không hài lòng về chỗ ông cậu ruột nó đi xa, mà nó đâu nhiều cậu cho cam: vỏn vẹn có một ông cậu ruột. Lai giải thích liền: 

- Cậu ưng giang hồ mạo hiểm. Đàn ông, ai cũng vậy. Nữa lớn tao cũng đi như cậu. Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn! 

Câu sau cùng, Lai cao giọng lên, ngâm nga làm em gái và anh nó bật cười. 

- Cậu đẹp không anh? 

Yến lại hỏi Phan. Nó tin cậy anh cả hơn anh hai, vì Phan không hay trêu nó và chịu khó trả lời đứng đắn khi nó hỏi, vả lại theo lời Phan thì Lai còn ẵm ngửa khi cậu chúng đi, hỏi Lai làm chi vô ích. Phan mơ màng đáp: 

- Cậu cao lớn, mắt giống mẹ mình, tóc nâu nâu và quăn... 

- Em hy vọng cậu không uốn tóc. Đàn ông mà làm dáng coi kỳ lắm – Lai thè lưỡi nói. 

- Em chắc chắn cậu đẹp, rất đẹp! 

Ba đứa cùng sung sướng. Bây giờ đến phiên Yến mơ màng: 

- Em đang nghĩ coi phải làm một cái gì tặng cậu.

 - Trời ơi! Em gái tôi giỏi quá. Mà em tính tặng cậu cái gì đây? 

Không suy nghĩ, Yến nói: 

- Một cái áo len! Ờ, phải, em sẽ đan tặng cậu cái áo len. 

- Tốt lắm! Nhưng phải mau lên vì cậu sắp về rồi đa. Chỉ còn có 7 tuần lễ nữa thôi. 

Yến vung tay, phác một cử chỉ bất cần:

- Ối! Dư sức! Dư sức! Em đan hai cái cũng được nữa là. 7 tuần lễ chớ ít sao? Mỗi ngày em đan... 

- Ê! Khoan! – Phan chặn lại – phải chín chắn một chút : em giống thằng Lai chỗ đó, nói không suy nghĩ. Em quên cái khăn choàng em hứa đan tặng mẹ hồi Noel năm ngoái chưa? Khăn choàng dễ đan mà rồi em có làm xong đâu? 

- Năm ngoái em còn nhỏ, kể gì? 

- Vậy năm nay em lớn chắc? 

Lai cứu cô em nhỏ vì thấy nó thở dài lúng túng: 

- Hai người nói chuyện gì đâu, không vui. Cậu gần về, mình phải bàn chuyện vui chớ. Đố hai người cậu có đem gì về cho tụi mình không? 

- Cái đó là cái chắc. Người đi xa về hay làm quà cho người ở nhà. Anh cam đoan là ba sẽ có cà vạt mẹ sẽ có lọ nước hoa... 

- Còn anh em mình? 

Hai đứa em nói theo sở thích chúng. Yến nói trước: 

- Em có con búp bê biết nhắm mắt, mở mắt, biết khóc, tóc đen... vòng đeo tay nữa. 

Đến phiên Lai: 

- Em sẽ có một con chó xù biết làm xiếc, ngon lành. 

- Cậu sẽ đưa tụi mình đi chơi líp! Cậu sẽ dạy anh lái xe. Chắc chắn cậu có xe. 

- Và cậu kể chuyện Mạc xây. 

- Tao thích chuyện Nam Mỹ hơn.

 - Chắc gì cậu nhớ? Cậu bỏ Nam Mỹ lâu rồi. 

- Thì chuyện Mạc... 

Cửa phòng sịch mở. Bà Niêm thò đầu vào: 

- Các con chưa ngủ à? 

- Thưa mẹ, tại cậu Bích, tụi con nôn gặp cậu quá. 

- Cậu ra sao, hả mẹ? Cậu giống mẹ không? 

- Hơi thôi, tóc cậu nâu nâu. Hình cậu trong an bum đó, các con quên sao? 

- Lâu quá, tụi con chưa coi lại. Mẹ! Cho tụi con coi lại hình cậu đi! 

- Đợi đó mẹ lấy cho mà coi. Rồi phải ngủ liền, nghe không? 

Ba đứa cùng dạ một lượt. Năm phút sau, bà mẹ đem vào cho các con xem một tấm ảnh đã cũ, người trong ảnh là một thanh niên, trẻ măng, mặc quần sọt và áo ngắn tay, một cái vợt dưới nách, nét mặt hao hao giống mẹ chúng và nụ cười thật tươi. Hai thằng con trai ngắm kỹ chân cậu trong lúc cô cháu gái thì ngắm tóc và mặt cậu. Bọn con trai tuyên bố, dáng hài lòng: 

- Được quá chớ. Cậu mình có vẻ thể tháo gia quá chớ! Coi chân cậu kìa! 

Bà mẹ hỏi con gái út: 

- Còn con? Con thấy cậu thế nào? 

- Con thấy... con thấy cậu dễ thương, giống như hoàng tử trong truyện "Công chúa ngủ trong rừng!".

Hai thằng anh cười to. Lai chế em: 

- Con nhỏ này đầu óc phong kiến gớm! Đời bây giờ mà còn tưởng tượng đến chuyện công chúa với hoàng tử. Quê quá đi!

Chương 2

Những ngày kế đó trôi qua chậm chạp vì lũ trẻ trông ngóng quá nên chúng thấy thế Chúng không ngớt bàn tán, cãi cọ một cách hăng hái. Cuối tháng 5 mẹ chúng nhận được thư cậu Bích, cho biết là sẽ về đến Sàigòn bằng tàu thủy, ngày 5-7, và cậu sẽ đáp tàu hỏa về thẳng Nha Trang ngay đêm đó. Thế là gia đình chúng rộn rịp lo chuẩn bị đón ông cậu quí. 

Phòng khách được cha chúng sơn cửa và trang hoàng lại, mẹ chúng thì thay các màn cửa bằng thứ vải hoa trang nhã, sáng sủa. Một bữa đi làm về, ông Niêm mang về một tấm thảm chùi chân xanh lơ, mầu hy vọng lời ông. 

- Chắc chắn là cậu sẽ thích lắm. Ở Mạc xây làm gì được như nhà mình, ba há? 

Lai vừa nói vừa khệ nệ nhắc cất cái thang sau khi cha nó trèo lên thay bóng đèn. Ông Niêm cười: 

- Mày nói tầm phơ quá, Lai ơi! Cậu ở Mạc xây chớ phải hồi cậu còn ở Nam Mỹ sao mà sống cực khổ. 

- Vậy thì hồi cậu ở Nam Mỹ cực lắm hả ba? 

Yến hỏi cha, nhưng cha nó chưa trả lời. Phan chen vô: 

- Con tưởng tượng hồi ở bên Nam Mỹ cậu ngủ trên một cái giường trải nệm rơm, tối tối thú dữ gầm gần bên, cậu không dám dậy đi tiểu... 

- Vì vậy, nên cậu phải dời về Mạc xây. Lai thêm. 

- Lại nói tầm phơ! Cậu có giường nệm đàng hoàng, có điều là muỗi dữ lắm cậu phải nằm mùng. 

- Mùng là cái gì, hả ba? 

(Yến chưa biết cái mùng, vì từ hồi nó có trí khôn, nhà nó đã dùng lưới chắn muỗi ở các cửa sổ và cửa lớn vào phòng ngủ). 

- Mùng là một thứ vải thưa, thưa như lưới sắt nhà mình kia kìa, con thấy chưa? 

- Dạ, thưa ba, con thấy rồi, mà con chưa hiểu ngủ mùng là sao? Lấy vải thưa đó đắp lên mình phải không ba? 

- Không, người ta dùng vải đó may như một cái hộp... 

- Cái hộp, hả ba? 

- Ừ! May như một cái hộp, to hơn cái giường, phủ ra ngoài cái giường, như vậy muỗi rừng khỏi đốt, vì muỗi rừng độc lắm, truyền bệnh sốt rét rừng, hiểu chưa? 

- Dạ, con hiểu rồi. 

Kỳ thật, Yến khó mà tưởng tượng ra một cái hộp bằng vải thưa phủ lên giường, song không sao, Yến tự nhủ sẽ hỏi rõ ràng khi cậu về. 

- Ba à, con khoe cậu về với bạn con, tụi nó nói: "Cậu mày sẽ đen như cột nhà cháy". 

- Rồi con nói sao? 

- Con nói: còn lâu, cậu tao không có đen, vì mẹ tao không có đen... 

- Con giỏi lắm! Ba nó khen. 

- Con thì ưng cậu đen thui, đặng con đi phố với cậu, bạn con sẽ lác mắt thán phục. Người ta nói bây giờ người da đen nổi tiếng lắm, ba à! 

Mọi người cười xòa. Tuần lễ cuối cùng đến, họ càng bận rộn. Năm giờ sáng thứ sáu, bà mẹ đã xuống bếp. Tám giờ sáng chồng con bà thấy cái bánh thật to, thật đẹp trải kem trắng, điểm hoa lá quanh rìa, giữa có hàng chữ màu café: Mừng cậu Bích hồi hương! (có chấm than cẩn thận). Sợ lũ con vô ý làm nhòe kem ra, bà chỉ cho chúng đứng xa ngắm sơ rồi cất vào tủ lạnh liền. Ba chúng cũng trổ tài trang trí ra: ông cắt một tấm bìa cứng thành hình bầu dục, đem sơn trắng, vẽ ngôi sao đủ màu xung quanh, giữa ghi: Chào cậu Bích thân yêu trở về! Đoạn treo lên trước cửa ra vào. Ông bảo là ông ghét dùng tiếng hồi hương, mình đâu phải người Tàu! Rồi ông cười cười bảo vợ: 

- Này em, đáng lẽ là tôi kết hoa tươi quanh tấm bìa, nhưng tôi vừa có cái sáng kiến độc đáo, cho nên không làm vậy, làm sớm thì lúc cậu ấy về hoa héo quắt, còn đợi lúc cậu ấy gần về thì không có mặt chúng ta ở nhà. 

- Ủa, chớ chúng ta đi đâu? 

- Đố mợ biết! Chắc mợ không rõ sáng kiến tôi? Nghe đây này: tôi sẽ cùng mợ vô tận Sàigòn đón cậu ấy, nghe chưa? Ngon không? 

- Trời ơi! Anh nói thật không? 

- Không thật thì giỡn chắc? Sao? Bằng lòng không? 

- Sao không bằng lòng? Bà Niêm hớn hở nhưng anh không nói sớm làm em rối quá đi. Đi Sài òn mà anh làm như là… lên Thành ấy. Mà đi ngày nào? Kịp không? 

- Kịp chán. Này nhá: Hôm nay thứ sáu. Chúa nhật tàu đến lúc 5 giờ chiều. Tối thứ bảy mình lên tàu hỏa, ngủ một giấc, sáng chúa nhật đến Sàigòn. Mợ nhớ là chiều chúa nhật tàu mới đến bến, nghe không? 

- Ý kiến tuyệt vời! Bất ngờ hết sức... Bà vợ reo lên vui vẻ. 

- Đó là chưa kể khoảng thì giờ từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều, giờ trống, tôi để mợ tha hồ đi dạo buổi sáng, xế đi coi phim "Chiến tranh và Hòa bình" với tôi. 

- Còn anh? Anh không đi phố với em sao? 

- Thôi chớ, đi với mợ để mợ sai ôm gói nọ, gói kia như đày tớ hả? Cho tôi xin! Tôi đi vớ vẩn thăm mấy người bạn. Được không? 

- Sao không được, có điều anh không nói trước, làm em... 

- Hừ! Nói trước! Nói trước để mợ lục đục cả đêm không cho người ta ngủ yên hả? Tôi đâu có điên. Đó là chưa kể mợ đem theo cả lô quần áo như thể là đi du lịch thế giới mà rồi rốt cuộc không đụng tới cái nào cho đến khi lên tàu. Đây nè: mợ làm theo lời tôi, lấy cái xắc nhỏ bỏ vô bàn chải, kem răng, khăn mặt, một bộ đồ ngủ, thêm một bộ đi phố là đủ rồi. Tập làm cách mạng đi cho quen! Giản dị bớt... Nếu mợ nghe lời tôi, sáng nay tôi lên sở sẽ nhờ anh Tuấn trực thay sáng thứ bảy, hễ ảnh chịu, ta có thể lên tàu ngay tối nay, như vậy mợ có tới hai ngày dạo phố, tha hồ sắm bậy. Nhưng cấm bắt tôi xách, chịu không? 

- Ý cha! Tuyệt quá! Phải đó, chớ đi có một ngày cũng bỏ công Bà chợt thở dài một cái Em chỉ ngại một chuyện... bỏ lũ trẻ ở nhà, không biết có sao không? 

- Ối, mợ thật lôi thôi. Sợ cái gì? Tối nhờ bà Hải đến ngủ lại vài đêm, có gì mà thắc mắc. Đồ ăn thức uống sẵn rồi... 

- Còn thiếu vài thứ, chưa mua... 

- Mợ nói gì vậy? Mấy ngày nay lăng xăng mua sắm... 

- Thì có, mà thiếu ba cái rau trái. Rau muống, cà rốt, xà lách, chuối cũng chưa... 

- Cần gì? Chợ gần đó, thằng Phan chạy ra mua cũng được. Làm như qua đèo, vượt biển không bằng. 

Ba đứa con chong mắt, lắng tai nghe chuyện, lấy làm thích thú. Lai reo lên: 

- Dạ, ba mẹ đi đón cậu vui lắm! 

- Tụi con đi càng vui. Khóa cửa lại... Cho tụi con đi với... 

- Thôi, thôi! Đừng nói tầm phơ. Ở nhà rồi cậu về tha hồ vui. Đem tụi bay đi thêm cực. Nghe đây nè: các con có thể nấu cơm không? 

Biết là đề nghị mình không được cấp trên cứu xét, chúng biết thân không lấy làm buồn bao nhiêu và nghĩ đến cậu về, chúng có thể vui ngay, Phan ưỡn ngực trả lời ba: 

- Thưa ba, được gấp! Nồi cơm điện dễ quá mà. 

- Con biết xào cà rốt, luộc rau cũng được nữa à!

Lai tiếp. Bà mẹ vân thắc mắc: 

- Nhưng mẹ chưa mua cà rốt, rau muống... 

-Tụi con sẽ đi mua, ba há? Ba nói rồi đó. 

Để mẹ chúng yên lòng, ba đứa cùng cao giọng tuyên bố là sẽ làm hài lòng khi trở về: nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ, bếp núc tiêm tất, cửa ngõ đàng hoàng. 

- Tụi bay có cam đoan là sẽ thận trọng khi sử dụng bếp ga không? 

- Xin ba yên lòng, con làm hoài mà. Con Yến còn biết nữa là con. Tụi con đâu còn nhỏ nhít gì nữa.

- Có ai bấm chuông, phải hé cái nắp thùng thơ chỗ cửa coi trước đã, chớ để kẻ lạ mặt vô nhà, nhớ chưa? 

Nhất nhất, các con đều vâng dạ đàng hoàng. Bấy giờ, cha chúng bảo vợ là trưa nay sẽ cho biết kết quả vụ nhờ bạn trực thay và dặn vợ có muốn yên bụng thì đi mua rau trái cho xong.

 *

 

Trưa ấy, ông Niêm báo tin cho vợ hay là bạn ông rất vui lòng trực thay ông sáng thứ bảy. 

- Anh cũng có ghé lại nhà bà Hải, nhờ bà ấy tối đến ngủ coi nhà giùm, để em yên tâm. 

- Theo con, ba chả cần nhờ ai, tụi con đủ sức. 

- Ba đồng ý, nhưng đó là để mẹ bay yên bụng. 

Rồi ông quay sang vợ: 

- Vậy là mình đi ngay đêm nay. Mợ đã mua cà rốt, rau và chuối dành cho chúng ở nhà chứ? 

- Nào đã mua? 

- Ủa, chớ trọn sáng nay em làm gì? 

- Trời ơi! Em đâu có hở tay? Em lo túi bụi: dọn dẹp trong mấy phòng ngủ, sắp đặt trong mấy cái tủ, rồi gội đầu nè, ủi ba cái áo nè... Ai biết là anh hứng chí bất tử, nếu em biết sơm sớm, em đã lo chu đáo mọi thứ. Rồi nấu ăn... 

- Mẹ đừng lo, tụi con thích đi chợ lắm, tụi con biết mua mà, tụi con không hớ đâu, con biết trả giá. 

- Thôi được, đến hàng bà Lý mà mua, bà ấy quen nhà mình. Mẹ đã dắt con đi mấy lần, nhớ không? Rau muống cũng gần đó. 

- Dạ con biết bà Lý mà. Bà ấy có đứa con gái học cùng lớp với con. 

Bà đưa cho con trai lớn một bao thơ, nói: 

- Trong đó có hai tờ giấy trăm, bốn tờ giấy năm chục và năm tờ giấy hai chục. Tất cả là năm trăm đồng. Ba mẹ chỉ đi có hai đêm, hai ngày. Các con không phải mua thức mặn, vì nhà có đủ, chỉ cần mua ít khoai tây, cà rốt, xà lách và chuối hay cam. Vậy thôi. Đừng đụng đến những thứ dành cho cậu, ngoài ra, muốn ăn gì thì cứ ăn. Cá thu thì mẹ ướp sẵn, chỉ lấy rửa qua cho bớt mặn rồi chiên lên cho vàng. Sườn heo mẹ cũng ướp rồi... Đừng có đem theo hết cả năm trăm, chỉ đem hai tờ năm chục, hay là một tờ năm chục với ba tờ hai chục là đủ rồi. Mẹ... 

Bà mẹ còn dặn nhiều thứ nữa, nhưng chả đứa nào để lọt tai. Chúng chỉ mong cho mau đến giờ tàu chạy đặng ba mẹ ra đi, chúng tự trị một phen coi ra sao. Chắc là thú lắm.

*

Ba đứa trẻ khóa cửa cẩn thận quay vào nhà, chúng hồi hộp quá sức, nhưng chưa hẳn là hoàn toàn tự do khi mà cha mẹ chúng đang trên đường lên ga hay còn ở sân ga. Như vậy họ đâu đã hoàn toàn rời Nha Trang? Phải đợi lúc có tiếng còi tàu suốt hoét lên một tiếng: chúng mới thực sự cảm thấy tất cả thích thú, hồi hộp. Nhưng giá đừng có bà Hải thì thú hơn nhiều. Được cái bà ấy vào nhà là tìm chỗ ngã lưng liền, không quấy rầy chi cả. Nom bộ dạng bà, ba đứa rất coi thường, mắt thì kèm nhèm, tay chân khẳng khiu, lại cà lăm, cà lặp đến buồn cười. Nếu mà có trộm vào, đợi bà ta trông thấy hay tri hô lên chắc chúng đã khuân sạchđồ đạc trong nhà từ tám hoánh. 

Nhưng chúng có công tác trọng đại nên không rỗi hơi mà bình phẩm dài lời. 

Lai thì lo đánh bóng cái dĩa gỗ mà nó đã có khắc tên cậu dành tặng cậu trong dịp cậu hồi hương. Trong lúc quá hân hoan nghĩ đến cậu, nó lại quên đi một chữ, mà thiếu chữ đó thì cái tên cậu nó trở thành kỳ cục vô nghĩa là khác nó đã khắc trong lòng dĩa tên cậu có ba chữ: B, i, h! Thiếu mất chữ c. Thành ra tên cậu nó là Bíh! Thật là một chuyện động trời, khó tha thứ. Song anh nó và cả em gái nó đều bảo rằng không nên quan trọng hóa sự sai lầm nhỏ nhặt. Quí hồ mình có lòng, là cậu sẽ hiểu! Cả một công trình chứ ít ỏi gì. Không phải đứa trẻ mười tuổi nào cũng có hoa tay như Lai, có thể khắc chữ Bíh trong lòng một cái dĩa gỗ dù là không có cuốn tự điển V.N nào ghi chữ Bíh cả! 

Phan vốn là tay văn chương, nên đã nghiền ngẫm rất nhiều ngày và bây giờ mím môi, gò gẫm làm sao cho nét chữ thật đẹp để chép lại bài thơ chính mình sáng tác tặng cậu mình trong dịp cậu về nước. Nó đã xé mất 15 tờ giấy nháp và 3 tờ giấy mẹ đưa cho để tính tiền chợ, chưa kể Lai cũng cho nó vài tờ gọi là một sự góp công vào đó. Bài thơ như sau: 

Ở xứ Mạc xây xa xôi kia 

Có một trang nam tử 

Rời quê nhà đằng đẵng bảy năm dài 

Rồi đến một hôm, chàng chợt nhớ quê hương 

Và đàn cháu nhỏ dễ thương 

Chàng bèn quyết định vượt trùng dương 

Để về thăm một chuyến. 

Đất Nha Trang, có dừa xanh, cát trắng... 

Thế rồi lòng Hoài Hương đã thắng 

Vì chàng nghĩ rằng có nhiều tiền 

Có ích gì đâu? 

Không ai trò chuyện đôi câu... 

Đi làm về một mình thui thủi 

Chàng phải về, chàng cần có tình thương 

Của đàn cháu và của quê hương 

(Kính tặng cậu Bích thân yêu, trong dịp cậu hồi hương. Ngày 4, tháng 7, năm con mèo. Cháu của cậu: Vũ Lê Phan ký tên). 

Viết xong, Phan ngâm nho nhỏ lấy làm hài lòng lắm. Phan chợt nhớ đến Yến, liền hỏi: 

- Còn em? Sao? 

- Sao cái gì kia, anh? 

- Cái con bò! Áo len của cậu đâu? Đưa anh coi ra sao? 

- Em chưa đan xong! Cô bé chớp mắt, ngượng nghịu trả lời. 

- Hay dữ há? 

- Em có đan chớ, mà còn thiếu... 

- Thiếu cái gì? Nói coi! 

- Còn thiếu thân trước, thân sau, một tay, và phân nửa cổ. 

- Ý trời ơi! Em gái tôi! Gần hai tháng trời mà đan được một tay áo với phân nửa cổ. Tài nói phét là không ai bằng! 

Lai la lên. Phan dịu dàng hơn: 

- Thôi, lỡ rồi. Phải tìm cách giúp nó chớ la làm chi? Anh không muốn khi cậu về, nó không có gì tặng cậu hết. 

Cô bé ưỡn ngực lên: 

- Em cũng biết lo, khỏi có nhờ hai anh đi. Em chưa đan xong nhưng em có quà ngon lành lắm. 

- Cái gì đâu? Đưa tụi tao coi trước kẻo lỡ mày tặng cậu cái lông công thì nguy đa. 

Yến tất tả chạy vào phòng ngủ, đem ra cho hai anh thấy một cái ví nhỏ đan bằng len mầu xanh, có nắp đàng hoàng và cài nút bằng một hạt thủy tinh hồng. 

- Coi cũng khá. 

- Nhưng để làm gì chớ? 

- Sao không làm gì? Cậu có thể đựng tiền bạc, hay là... là cậu có thể đựng bàn chải răng với kem và xà phòng tắm, tốt lắm à! 

- Tao nghĩ Lai cau mặt nếu mà cậu định trở qua Nam Mỹ thì có thể dùng cái quà quí giá của mày, bằng không e khó... 

- Tại sao vậy? 

- Còn tại sao nữa, nếu cậu đựng kem răng, xà phòng, bàn chải thì mấy thứ đó sẽ dính đầy sợi len, nó sẽ vướng trong miệng cậu, nhưng không sao, ở trong rừng, không ai dòm ngó cậu, còn thú dữ với muỗi nó cũng không cười cậu đâu. 

Thấy Yến gần khóc, Phan la em: 

- Thôi đừng chọc nó. Tao thấy quà của nó cũng không đến nỗi nào. Vậy chớ cái dĩa của mày thiếu mất một chữ, có ai chê không? 

Lai há miệng toan cãi, nhưng nghĩ sao, nó cười cầu hòa: 

- Thôi thôi! Anh xin lỗi! Anh em như thể tay chân mà, đừng có giận anh. Anh nói chơi đó. 

Mải bàn bạc, đồng hồ gõ chín tiếng, ba đứa cùng giật mình. Phan kêu lên: 

- Thôi không nên thức khuya. Ngày mai còn nhiều việc. 

Bà Hải từ nhà ngang chắc đã ngủ được một giấc ngắn từ lúc đến cũng vừa lè nhè cất giọng ngái ngủ nói với lên: 

- Nè, chẻ nhỏ! Coi ngủ cho xốm xủa, đững thức phia làm chi, thức phia chong đèn, hao điện, ích. (1)

Ba đứa nhìn nhau cố nín cười. Chúng biết là bà Hải giục chúng đi ngủ cốt để khỏi bị chói mắt, bà dễ ngủ chớ không phải tiết kiệm điện cho cha mẹ chúng. 

Lai bĩu môi: 

- Em chưa thấy ai đã già khọm như bà ấy mà còn nói đả đớt kiểu đó: đững, phia, dô... 

Yến tỏ vẻ khó chịu: 

- Còn em, em ghét tiếng trẻ nhỏ quá. Làm như anh em mình không có tên vậy, kêu là trẻ nhỏ

- Thôi! Các em đừng chế giễu người già cả, mang tội đó. 

Phan ngăn hai em, đoạn la to lên trả lời bà Hải, vì cậu biết bà ấy nặng tai: 

- Dạ, tụi cháu sắp ngủ đây, thưa bà. 

Lai pha trò, nhại bà, nhưng nho nhỏ vừa đủ cho ba anh em nghe cười chơi: 

- Chẻ nhỏ đững thức phia, ích. 

Và chúng bấm nhau, cười bò ra sàn nhà.

---------------------- 

(1) Nè, trẻ nhỏ! Coi ngủ cho sớm sủa, đừng thức khuya làm chi, thức khua chong đèn, hao điện, vô ích.

Xem tiếp chương 3 & 4