Hoa Nắng - Loại Hoa Xanh

Tủ sách Tuổi Hoa - 1973

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

Chương 5 & 6

   Chương 7 & kết

Nguồn: GMC, Nguyễn Tuấn sưu tầm và đánh máy

----------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

(Hình bìa: Đèn Biển sưu tầm)

Chương 1

Em ôm con chó bông nhỏ nhìn mơ màng ra cửa sổ, nắng đã nhạt dần trên mấy hàng me xanh, buổí chiều thật buồn, thật tẻ như tâm hồn em chất ngất bơ vơ, như gian phòng vắng ngắt, chiếc giường đệm màu hồng và con búp bê Jomy trên tủ đang nhìn em bằng ánh mắt vô tri.

Có tiếng vú Lành gọi em :

- Trang ơi, ra ăn cơm đi con.

Em vờ như không nghe thấy hay nói đúng ra, em chả muốn ăn cơm một tí nào, ba đi vắng, mẹ đi vắng, chiếc bàn ăn càng thấy rộng mông mênh và thân hình nhỏ xíu của em ngồi lọt trong lòng chiếc ghế như một mỉa mai chua xót, đã khiến em bỗng thấy sợ hãi mỗi khi giờ cơm lại đến. Bước chân vú Lành nhẹ đến bên em :

- Trang, ra ăn cơm với vú đi con.

Em uể oải, em thẫn thờ, em đặt con chó bông lên chiếc table de nuit rồi quay lại :

- Con không thấy đói vú ơi.

Vú Lành âu yếm vuốt tóc em :

- Khi chiều đến giờ con có ăn chi mô. Thôi gắng ăn với vú ba hột rồi ba lại về, rồi me lại về, con đừng buồn nữa.

Em cúi đầu, giòng nước mắt long lanh :

- Ba thì bận nhiều công việc, me có những thú vui riêng, không ai nhớ đến con, không ai chịu thương con cả.

Vú Lành xiết đôi vai em vào lòng :

- Đừng nói dại con, Trang. Ba me rất thương con. Thôi ra ăn cơm với vú.

Em theo vú vào phòng ăn. Vẫn chiếc bàn gỗ lim hình chữ nhật rộng lớn, trên trải tấm khăn bàn kết ren đắt tiền và bình hoa glaieul đỏ thắm. Em hững hờ nhìn những đĩa thức ăn thịnh soạn bày biện trên bàn, vú Lành gắp một miếng gà rôti bỏ vào chén em :

- Ăn đi chứ Trang.

Em lắc đầu :

- Con buồn quá vú ơi, con không muốn ăn vú ơi.

Vú Lành lại dỗ :

- Gắng mà ăn uống cho đầy đủ, con nít đừng nên buồn nhiều, con.

Em cãi :

- Con lớn rồi mà vú, con mười bốn tuổi rồi chứ đâu còn trẻ nít nữa, con hiểu tất cả rồi vú ơi.

Vú Lành ái ngại :

- Con hiểu chi ?

Em nhìn thẳng vào mắt vú :

- Ba và me sắp ly thân rồi phải không vú ?

Vú Lành hoảng hốt bịt miệng em :

- Đừng nói bậy Trang.

Em cương quyết :

- Vú đừng dấu con, con biết hết mà.

Vú Lành xới cơm cho mình, giọng khỏa lấp :

- Đừng nghĩ quẩn nữa, ăn cơm đi...

Em lặng thinh, vú Lành đã cố tình dấu em thì em không nên hỏi tới nữa. Tự mình biết lấy cũng đủ, em thầm nghĩ. Em nuốt những hạt cơm với vị giác đắng ngắt, em có cảm tưởng đôi môi mình đang nứt nẻ và chiếc lưỡi khô khan rạn vỡ như nguồn hạnh phúc đang dần rời xa mái ấm gia đình này.

Em còn nhớ rất rõ, quãng đời thơ ấu của em là những ngày vàng son tuyệt bích. Dạo đó, ba là một nhân viên của hãng xuất nhập cảng “THÀNH CÔNG” và me là cô giáo của trường tiểu học Xuân An. Ba me chỉ có mỗi mình em nên bao nhiêu thương yêu chiều chuộng của ba me đều dồn vào em, em chìm đắm vào nguồn hạnh phúc mông mênh như biển cả, ngọt ngào như hơi thở tình thương. Em lớn lên như đọt cây non phơi phới dưới ánh sáng mặt trời trong vòng tay mẹ, trong những săn sóc vỗ về của ba... cho đến một ngày kia, ngày mà me và em cùng vú Lành vui mừng vô biên khi nghe ba từ hãng về báo tin là ba được đề cử làm Phó Giám Đốc của hãng THÀNH CÔNG vì những hoạt động và uy tín của ba đã được mọi người trong hãng kính phục và tin cậy. Từ đó đời sống gia đình em càng ngày càng trở nên sung túc, me đã thôi đi dạy và em mỗi lần đến trường đều có xe đưa rước. Nhưng trên đời bao giờ cũng có luật bù trừ, cuộc sống vật chất của em càng phủ phê đầy đủ bao nhiêu thì bể tình thương đang vây bủa em càng theo đó loãng tan. Công việc ở hãng Thành Công luôn luôn bề bộn, ba bận dự những cuộc họp liên miên và vắng mặt rất thường trong các bữa cơm. Em ít được ba hỏi han săn sóc như trước kia, đối với việc học của em nữa, ba cũng rất thờ ơ. Có một lần, em đứng nhất môn Toán trong kỳ thi cá nguyệt và được chọn đi dự cuộc thi Toán tổ chức cho các học sinh xuất sắc trong tỉnh, em đem chuyện này khoe với ba trong bữa cơm thì ba chỉ khen rất hững hờ.

- Con của ba giỏi lắm.

Em tủi thân đến phát khóc. Nhìn đôi khoé mắt em rưng rưng, me thấy bất nhẫn, me trách ba :

- Mình tệ thiệt, con nó khoe mà mình không lộ vẻ mừng cho con nó vui.

Ba chợt nổi giận vô lý :

- Thì tôi khen nó rồi chớ còn chi nữa. Thật bực, cả ngày làm việc đầu tắt mặt tối, về nhà cũng không ai để cho tôi yên.

Me nhăn mặt :

- Răng tự nhiên mình lại nặng lời với mẹ con em ? Mình thật khó hiểu.

- Phải, tôi khó hiểu như rứa đó.

Ba dằn mạnh chén cơm xuống bàn và đi ra khỏi phòng ăn. Mẹ úp mặt vào tay khóc, em tê tái đặt tay lên vai me :

- Me đừng khóc nữa me, lỗi tại con tất cả.

Me ngẩng lên, lắc đầu :

- Con học giỏi, con khoe ba me rất hợp lý, con không có lỗi chi cả.

Em cúi đầu :

- Ba làm việc mệt nhọc, ba khen con một câu như rứa là quí rồi, thôi me đừng khóc đừng giận ba nữa.

Me bỏ cơm theo ba, em cũng nuốt không trôi một hột, me bảo vú Lành dọn cơm xuống. Luống cuống thế nào không biết, vú Lành lỡ tay làm rơi tô canh xuống đất, những mảnh sứ vỡ tan hoang trên gạch hoa loang lổ nước, em rùng mình, em nghĩ đến tình cảm rạn nứt giữa ba và me sẽ kéo theo sự sụp đổ của một lâu đài Hạnh Phúc. Thật thế, sau bữa ăn hôm đó, ba trở nên lầm lì ít nói, mẹ buồn ba đến một tháng trời rồi thôi không còn buồn nữa, me bắt đầu chưng diện trở lại để đi chơi với bạn bè, nhất là với dì Lan, người bạn học cũ của me, đang còn độc thân và sống một cuộc đời phóng túng. Chỉ có em là thiệt thòi hơn cả, ba đã quên em rồi bây giờ đến lượt me quên em. Ba làm việc cả ngày, đến tối còn đem sổ sách về nhà tính toán nếu không đi họp, me lại đi chơi tiệc tùng với các bạn bè đến mười một mười hai giờ khuya mới về, có nhiều khi, thấy em tội nghiệp me rủ em cùng đi nhưng em bận học bài em từ chối rồi dần dà, me đi chơi chả thèm nói với em một lời hoặc hôn nhẹ lên trán em như trước nữa. Em dần mất tất cả, những cái hôn, những vuốt ve trìu mến, những săn sóc vỗ về... bù vào đó ba mua cho em những món đồ chơi đắt tiền, me đặt may cho em những chiếc áo đầm rực rỡ, những đôi giày da láng gửi tận bên Pháp về... nhưng em không thấy ham, nhưng em không thấy thích những vật chất tuy đẹp đẽ nhưng vô tri đó, em buồn quá em khổ quá nhưng em chả biết tâm sự cùng ai. Em biết, ba đang giận me và me đang giận ba, chỉ cần một trong hai người chịu hạ mình một chút để xin lỗi người kia, là mọi sự trở nên đẹp đẽ. Nhưng ba me đã đặt tự ái của mình lên trên hết cho hạnh phúc gia đình này dần rạn nứt mà sự cứu chữa xem như đã vô phương. Rồi một buổi chiều cách đây vài ngày, dì Lan lại nhà chơi và em nghe dì nhắc đi nhắc lai hoài với me hai chữ “ly thân”. Em lo sợ quá, nếu ba và me sống xa nhau, em sẽ ở cạnh ai và em sẽ nhớ thương ai ? Trời ơi, em không dám nghĩ tiếp nữa, dù em biết rằng ngày đó sẽ đến với em không xa lắm đâu Trang ơi, Trang ơi.

- Ăn cơm đi Trang.

Vú Lành lại nhắc, em bỏ đũa xuống :

- Con ăn rồi.

Vú Lành trợn mắt :

- Ủa, ăn chi lạ rứa, con mới ăn có miếng thịt, con chưa xới cơm mà.

Em nghẹn ngào :

- Thôi, vú để dành cho ba me đi, con vào phòng học bài.

Vú Lành ngao ngán lắc đầu :

- Để dành, để dành làm chi, cơm canh nguội lạnh hết mà rồi có ai chịu ăn mô, khuya tối mặt tắt đèn mới chịu về, cơ khổ, giàu có làm chi để rồi giận lẫy nhau, thiệt tao chẳng ham chút mô hết.

Em rên rỉ :

- Thôi vú đừng nói nữa vú ơi, con khổ quá rồi.

Em chạy vào phòng đóng chặt cửa lại, con chó bông trên table de nuit đang nhìn em bằng đôi mắt bi ve. Em nhoài mình xuống giường nước mắt tuôn rơi, em gọi nhỏ ba ơi me ơi rồi em ngủ thiếp đi trong hơi gió hiu hiu lùa qua khung cửa.

Em thức giấc giữa tiếng cãi nhau của ba me ngoài phòng khách. Nhìn lên đồng hồ, hai cây kim chập lại ở con số 12. Em ngồi dậy, tiến về phía cửa và lắng tai nghe.

Giọng ba sang sảng :

- Mình đi mô bây chừ mới về thật là loại đàn bà hư đốn.

Me cũng không thua :

- Mình đừng có lên mặt đạo đức, mình với tôi cũng cá mè một lứa hết.

Ba đập mạnh tay nghe một cái rầm :

- Mình đừng có hồ đồ, tôi bận công việc làm ăn đàng hoàng...

Em nghe tiếng bĩu môi của me :

- Nói mà không biết dị, con Lan nó gặp mình đi với…

Em bịt hai tai, em nhắm chặt mắt, trời ơi, ba, ba khả kính, ba đáng yêu, ba ngoại tình thật sao ba ? Bên kia cánh cửa, tiếng ba vẫn vang lớn, ba đã đổi cách xưng hô :

- À bữa nay bà lại giao thiệp với cái hạng con Lan, thứ con gái lăng loàn đó, nghe lời nó để bêu rếu bôi nhọ danh dự chồng có phải không ?

Me vẫn to tiếng :

- Không có lửa làm răng có khói. Ông đừng có lăng nhục bạn tôi.

- Bạn, cái thứ bạn mà ngày xưa bà đã khinh miệt không thèm chơi.

Lời me gắt ba :

- Có rứa tôi mới ngu, tôi mới ngốc, tôi mới để phí cuộc đời thanh xuân của tôi giữa bốn bức tường chật hẹp, bên cạnh người chồng chỉ biết có danh vọng và tiền tài. Tôi phải đi chơi với con Lan chứ. Tôi phải biết mở mắt để nhìn cho thật xa chớ...

Giọng ba có vẻ dịu hơn :

- Bà im đi, bà nói như rứa mà nghe được à. Con Lan nó còn độc thân, nó tự do bay nhảy, còn bà, bổn phận làm vợ và làm mẹ của bà ở mô?

Lời me bướng bỉnh hỏi lại :

- Ông cũng bỏ phế gia đình, không ngó ngàng đến con cái, bổn phận của ông là rứa đó à ?

Em nghe tiếng ba gieo mình xuống ghế :

- Tôi làm việc là để cho hạnh phúc và tương lai của bà, của con Trang.

Em chợt xúc động, em để tay lên ngực, em lạy trời cho me nghĩ lại mà thương ba mà đừng trách phiền ba nữa, vì ba vừa mới nói đó kìa, ba đang làm việc cho vợ con mà, ba đâu có bỏ bê gia đình. Nhưng em muốn xỉu khi nghe me lớn giọng :

- Ông đừng ngụy biện, tôi chịu không nổi nữa, mỗi lần đi chơi về là mỗi lần bị hạch hỏi, chán quá rồi.

Ba bực tức :

- Vậy bà muốn chi thì cứ nói phứt ra đi.

Quyết định của me làm đầu óc em quay cuồng :

- Tôi muốn chúng ta nên ly thân một thời gian... thử xem tình trạng ni có thay đổi được chút mô không ?

Ba trở lại cách xưng hô cũ, lời ba run :

- Kìa mình, mình điên à, còn con Trang thì răng ? Sự ly thân chỉ làm khổ cho con chứ chẳng ích lợi chi cả. Mình muốn tình trạng ni thay đổi à ? Thì dễ quá mà, mình chỉ việc ở nhà, lo lắng săn sóc cho con, nên bỏ những cuộc vui vô bổ đó đi, tôi hứa là tôi sẽ cố gắng thu xếp công việc để sống với gia đình nhiều hơn.

Me vẫn khăng khăng :

- Giao thiệp và đi chơi với bạn bè là một thú vui tiêu khiển, tôi không thể bỏ được và tôi muốn ly thân.

Me nghe lời dì Lan, me nghe lời dì Lan rồi ba ơi, em kêu nho nhỏ trong cổ họng. Em thấy thương ba, em thấy tội nghiệp ba lạ lùng, sự tận tụy làm việc của ba đã bị me đáp lại như vậy sao, me ơi me ơi. Em đứng không vững nữa khi nghe giọng ba giận dỗi buông xuôi :

- Tuỳ ý, nếu mình muốn ly thân.

Em cắn chặt môi đến rướm máu, dòng nước mắt chảy dài.

* * *

Cô Phương Mai dịu dàng nhìn em :

- Trang, sao em không học bài ?

Em cúi nhìn góc bàn gỗ nâu, em nói không thành tiếng, cô Phương Mai hỏi lại :

- Trang, sao em không học bài ?

Em hổ thẹn nghiêng mình về phía cửa lớp, em không dám nhìn thẳng vào đám bạn bè đang lao xao bên dưới kia. Cô Phương Mai gõ chiếc thước nhựa đen lên bảng :

- Các em im lặng đi.

Rồi quay về em, cô bảo :

- Dạo này Trang học hành rất sút, em có nhận thấy điều đó không ?

Em chớp mắt :

- Thưa cô... cô tha lỗi cho em.

Cô Phương Mai trao cuốn vở cho em :

- Lần này, em lại bị điểm xấu nữa. Thôi em về chỗ.

Em đỡ cuốn vở trên tay đi một mạch xuống chỗ ngồi, xấu hổ chả muốn nhìn ai. Môn vạn vật của cô Phương Mai là môn học em thích nhất và ham học nhất, chưa lúc nào em bị dưới mười bốn điểm mỗi lần lên đọc bài. Vậy mà trong tháng này, cô Phương Mai gọi em ba lần, lần nào em cũng không nhớ nổi một câu dù cô hỏi rất dễ. Lần đầu tiên nhìn em lúng túng cô Phương Mai ngỡ là em bận chuyện gì bất ngờ không học bài kịp, nên cô cho em khất đến tuần sau. Nhưng tuần trước và đến hôm nay, em vẫn không thuộc bài, em không buồn vì bị zéro, nhưng em khổ tâm vô cùng bởi em đã phụ lòng cô Phương Mai, nhìn ánh mắt thất vọng của cô, chiếc cổ nhỏ với mái tóc huyền lắc đầu thất vọng, em không làm sao ngăn chặn được nước mắt. Cô ơi cô ơi, cô tha thứ cho đứa học trò đã được cô đặt hết niềm tin, em nói thầm nho nhỏ, cô nhé cô nhé. Không phải em thiếu thì giờ để học bài hay ham chơi mà quên học bài của cô đâu, nhưng cô nghĩ xem, làm sao em học cho được khi bầu không khí chung quanh em nặng nề khó thở, ba me em đang tính chuyện ly thân đó cô. Sự thật thì chỉ một mình me em có ý định khủng khiếp đó. Khủng khiếp đối với ý nghĩ riêng của em, ba em đã năn nỉ, đã khuyên lơn nhưng me em vẫn không nghe, hình như những cuộc vui bên ngoài đã có một sức hấp dẫn mãnh liệt đã làm me em mù quáng, me chỉ biết có dì Lan, người con gái phóng túng đã đem lại cho me những thú vui say mê đó. Me em đã quên em rồi, me em đã quên ba em rồi cô ơi, me em không còn thiết tha gì đến khung cảnh gia đình, đến người chồng tận tụy, đến đứa con gái bé bỏng bơ vơ này.

Chuông điểm giờ chơi, em vẫn ngồi trong lớp, Hoài Thu, con bạn thân nhất của em đến bên cạnh :

- Trang, răng mi buồn rứa ?

Em lấy cây viết vẽ nguệch ngoạc lên tờ giấy nháp :

- Tao đang lo quá đi Thu.

Hoài Thu ngồi xuống bên em :

- Lo chuyện chi ?

- Ba me tao sắp ly thân đó Thu ơi.

Hoài Thu đăm chiêu :

- Ừ tao cũng có nghe thiên hạ đồn về chuyện này, nhưng mà Trang nì...

- Mi nói chi ?

- Tao hy vọng là sự có mặt của mi sẽ làm cho ba me mi ngần ngại...

Em chán nản :

- Vô ích thôi, tao chẳng ăn thua chi hết. Ba me tao đã ra tòa Hòa Giải lần thứ nhất và sự hòa giải bất thành rồi. Mới hồi sáng ni tòa lại gọi ba me tao ra nữa...

- Thì mi...

Hoài Thu chưa nói dứt lời, Sơ giám thị từ hành lang bước vào xua tay :

- Đi ra ngoài đi ra ngoài. Giờ chơi mà cứ ngồi ì trong lớp, muốn cấm túc hả ?

Hoài Thu hoảng hồn kéo em ra khỏi lớp, câu chuyện đành ngưng ngang khi bọn Cẩm Minh, Diệp Hà, Hoàng Mai kéo đến chìa gói kẹo ra mời tụi em :

- Hai đứa bay nãy giờ cấm cung mô mà tụi tao tìm không thấy ?

Em gượng cười :

- Tao và con Hoài Thu ngồi trong lớp, mới bị sơ giám thị bố đó.

Cẩm Minh la lên :

- Đáng đời chưa, rồi tụi bay có bị phạt không ?

Hoài Thu rùn vai :

- Hú hồn, mới bị cảnh cáo thôi.

Cả bọn nắm tay nhau đi dạo trong sân trường. Con đường cát mịn ánh nắng ban mai chập chờn nhảy múa, soi bóng hàng phượng vĩ lung linh. Bầu trời lên cao trong vắt, cỏ dại ven rào xanh biếc hoa non, buổi sáng nào cũng đẹp, tuổi trẻ nào cũng hồng như ánh thái dương, như chồi măng nhỏ... mười bốn năm qua em đã hưởng thật nhiều hạnh phúc, mười bốn năm trời ngắn ngủi như một giấc mộng, em không còn gì cả khi chợt tỉnh cơn mơ, niềm vui đã lịm tắt trong em thật rồi sao ?

Hoài Thu hỏi nhỏ vào tai em :

- Mi đang suy nghĩ điều chi đó ?

Em lắc đầu :

- Không.

Diệp Hà lên tiếng :

- Trang nì, răng bữa ni mi nhác học bài vô hậu rứa ? Cô Phương Mai có vẻ rầu mi lắm đó. Răng rứa mi ?

Hiểu lòng em, Hoài Thu gạt đi :

- Con ni tò mò chưa, học bài hay không là quyền của nó, hỏi làm chi nờ.

Chuông reo vào lớp, Diệp Hà nguýt Hoài Thu :

- Chà, bênh bạn dữ.

Hai giờ sau, em học hành uể oải, tâm trí em cứ quanh quẩn hình ảnh ba me sáng nay cùng nhau ra tòa Hòa Giải để giải quyết vụ ly thân. Em thầm khấn Phật Trời xui khiến cho ba me làm hòa với nhau.

Ba lái xe đến đón em với vẻ mặt tư lự. Ngồi cạnh ba, em không dám hỏi một câu nào, nhưng em vẫn có thể đoán được rằng, sự hòa giải đã thêm một lần nữa bất thành vì me không về cùng xe với ba. Những nẻo đường xe qua vẫn ngập tràn bóng lá, vẫn ngời xanh hy vọng trên những tà áo trắng của đám học sinh tóc chấm bờ vai đang ôm cặp tung tăng trở về nhà.

Ba cất tiếng, giọng ba thật chùng :

- Me vẫn không thay đổi ý định, Trang nờ.

Em mân mê cặp sách :

- Con đã đoán ra điều đó.

Ba xúc động :

- Chỉ còn một lần hòa giải nữa...

Em thầm thì :

- Nếu kết quả như hôm nay ba và me sẽ xa nhau...

Ba buông một tay lái, ôm lấy bờ vai nhỏ bé của em :

- Trang ơi, con có buồn không ? Con có giận ba không hở Trang ?

Em gục đầu vào ngực ba :

- Ba không có lỗi chi cả, tại me không thương ba, tại me không thương con ba ơi.

Xe rẽ vào cổng nhà, ngôi biệt thự im lìm lạ lùng. Vú Lành ra mở cửa, ba hỏi :

- Bà về chưa ?

Vú Lành vừa khép cửa vừa nói :

- Bà vừa mới đi với cô Lan.

Đôi mày ba hơi nhíu lai, em thoáng thấy một vết nhăn trên vầng trán rộng, ba cố làm ra vẻ bình tĩnh:

- Thôi vú vào dọn cơm cho chúng tôi ăn đi.

Ba trải khăn ăn lên đùi em, ba vuốt tóc em, ba hôn nhẹ vào trán em, hình như ba đang cố xoa dịu nỗi đau buồn đang dằn vặt tâm hồn em. Em thương ba quá, em đặt bàn tay lên vai ba :

- Sáng nay ba làm việc có mệt lắm không ba ?

Ba cười thật hiền :

- Con gái của ba thật ngẩn ngơ, sáng nay ba đâu có đến hãng, ba ra Tòa Hòa Giải với me mà...

Em chợt nhớ ra, em tự trách mình. Em không muốn nhớ tới chuyện đó nữa sao tự nhiên em lại khơi ra cho ba buồn thêm vô ích. Ba gắp thức ăn bỏ vào chén em :

- Ăn cơm đi con, đừng suy nghĩ chi hết a.

Em lơ đãng nhìn những cọng rau tươi mát, từng búp su non đầy chất bổ dưỡng, em liên tưởng đến một vườn rau cải xanh om, những luống đất mềm quen thuộc, bờ nước trong đá trắng của vùng quê hương cây ngọt trái lành. Rồi em lại ví mình như những búp lá xanh kia, tuổi thơ chưa hưởng trọn đã vội xa miền quê êm ấm, tổ ấm này rồi đây sẽ thiếu mặt ai? Ba hay Me? Người nào em cũng yêu cũng mến, cũng muốn vùi đầu vào ngực, áp má vào vai cho tình thương dạt dào từng hơi thở, để thấy mình nhỏ bé được che chở bởi núi Thái Sơn, bởi nước trong nguồn luân lưu sữa mát mẹ hiền.

Vú Lành nhắc :

- Trang ăn đi con, búp su chiên bơ ngon lắm đó con.

Em thẫn thờ như người mất trí, ba thương hại nhìn em rồi nói với vú Lành :

- Tội nghiệp con Trang, me nó nông nổi quá.

Vú Lành chép miệng :

- Chung qui cũng chỉ tại cô Lan đó, ngày mô cũng tới rủ rê, bà lại là người nhẹ dạ, dễ xiêu lòng.

Ba chống tay vào trán :

- Cô Lan đó không có nết vú nờ. Bạn học với nhà tôi ngày trước đó vú, dạo đó nhà tôi đâu có ưa giao thiệp với cô ta. Không hiểu sao, chừ hai người lại thân nhau như rứa ? Sự lo ngại của tôi thật đúng, cô ta là con người hay đặt điều vu khống để phá hoại hanh phúc gia đình của kẻ khác. Vú nghĩ coi, tôi làm việc cả ngày tối tăm mặt mũi thì giờ đâu mà đi chơi đây đó. Rứa mà cô ta lại dựng đứng câu chuyện, bảo với nhà tôi là cô ta gặp tôi đi với cô này cô nọ, tôi đã nói hết lời mà nhà tôi không chịu hiểu. Vú nghĩ coi, vợ chồng mà không tin nhau thì làm sao mà sống với nhau suốt đời được.

Vú Lành ngao ngán :

- Thiệt đúng là cái thứ đâm bị thóc, chọc bị gạo. Cái mặt sáng sủa mà lòng dạ tối thui như đêm ba mươi.

Em nghĩ đến me, em nghĩ đến dì Lan, em không oán trách ai cả, em không phiền muộn ai cả. Thôi cái số em như vậy, hạnh phúc trời cho ai kẻ đó hưởng, hạnh phúc của em đã ra đi như kiếp hải âu tung cánh lìa xa miền địa lục, hạnh phúc tan loãng mênh mông giữa bát ngát trùng dương.

Có tiếng đế giày cao gót gõ nhịp ngoài phòng khách, tiếng cười nói xôn xao, me đã về, hình như có cả dì Lan theo nữa. Me ló đầu vào phòng ăn hỏi vú Lành :

- Còn chi ăn không vú, dọn lên cho tôi với cô Lan ăn đi nghe.

Vú Lành lúng túng :

- Tưởng bà không ăn cơm nhà, nên tôi...

Me như không nhìn thấy ba và em ngồi đó, me gắt :

- Hết cơm, hết thức ăn rồi phải không ?

Vú Lành dạ nhỏ. Me ra lệnh :

- Vú đem cái nồi National ra cắm điện nấu cho nhanh, còn thức ăn chiều trong tủ lạnh, làm cho tôi và cô Lan một món canh và một món xào mau lên đó nghe.

Me ra phòng khách tiếp tục nói chuyện với dì Lan. Ba uống vội miếng nước, hôn em rồi vòng ra ngã sau lấy xe đi, ba không muốn gặp mặt me và dì Lan. Em mở tủ lạnh lấv lon Coca, me gọi em :

- Trang ơi Trang, ra me biểu.

Dì Lan nhìn em cười phô hàm răng trắng nõn, xâu chuỗi hạt vàng diêm dúa long lanh trên cổ :

- Trang đó hả cháu, mau mau vô thay áo đẹp đi chơi với dì và me.

Em nhìn sang me :

- Đi mô chừ me ?

Me cười theo dì Lan :

- Thì con cứ vào thay áo đi đã nờ, con gái của me nóng nảy quá.

Người đàn ông lái xe của dì Lan đến đón me và dì Lan có bộ ria mép thật dễ ghét, gã có những cử chỉ bắt chước người tây phương, em thấy nó lố lăng làm sao ấy. Dì Lan thân mật nói với gã :

- Đây là cháu Trang, con của chị Tân đó anh.

Gã đàn ông cười nheo mắt nhìn em một hồi lâu rồi bảo dì Lan :

- Cô bé trông thùy mị lắm, cháu năm ni bao nhiêu tuổi rồi chị Tân ?

Me ôm vai em :

- Cháu mười bốn tuổi rồi đó anh Thận.

Gã đàn ông gật gù :

- Tuổi mười bốn là tuổi trổ mã đó, nhan sắc cô bé này có nét lắm, có tương lai lắm, sau này có khối người theo.

Em hơi nhăn mặt vì lời khen lố lăng của gã đàn ông mà me vừa gọi là anh Thận. Lần đầu tiên, em nghe me nói năng thân mật với một người đàn ông không phải là bạn của ba. Những người trên xe cùng yên lặng sau tiếng cười khanh khách của dì Lan phụ họa câu nói của gã đàn ông. Em lim dim nhìn quãng đường dài hun hút hai bên. Cây cỏ xanh rì. Qua buổi trưa nắng chếch xiên đỉnh đầu, bóng hàng phượng vĩ ngắn ngủi như chú lùn đội chiếc nón khổng lồ in hình ven bờ nước. Nắng lấp lánh trên mặt sông, nắng nghiêng nghiêng hàng dậu vắng, nắng lung linh đổ bóng lá xuống vệ đường. Em yêu những con đường vắng chập chùng bóng râm dịu ngọt, em thích nhảy xuống xe thả chân trần lang thang trên thảm cỏ gió đùa. Nắng trải hoa vàng theo từng bước sen non, nắng nhuộm hồng hồng đôi gót mềm xinh xắn, nắng soi đường em lạc bước chốn đào nguyên có muôn nàng tiên ca múa, xiêm y đan bằng lụa ngọc kết bằng gấm vóc trân châu… Me vỗ vào vai em.

- Trang, tỉnh ngủ đi con, tới nơi rồi.

Em dụi đôi mắt vừa ngỡ ngàng ra khỏi cơn mơ :

- Tới… mà tới mô hả me ?

Dì Lan mở cửa xe nắm tay em :

- Chà cô cháu nhỏ của dì ham mơ mộng rồi ngủ quên lúc nào chẳng hay. Tới là tới nhà dì chơi chớ còn tới mô nữa.

Em đã tỉnh ngủ. Em đã nhìn thấy rồi nơi ở của dì Lan, ngôi biệt thự xinh xắn kiến trúc theo kiểu Pháp với giàn hoa tím giăng ngang mái ngói hình tháp và chiếc ống khói vuông gọn gàng nhô lên cao. Ông Thận sánh vai dì Lan đi trước, em theo me bước lên bậc thềm. Phòng khách nhà dì Lan không rộng bằng phòng khách nhà em nhưng trang hoàng hết sức mỹ thuật. Trên hai chiếc canapé bọc nỉ xanh, có rất nhiều người đang ngồi đợi dì Lan.

Vừa thấy mặt dì, bà khách có chiếc má núng nính reo lên :

- Gớm chưa, đi mô mà đi thẳng đi dài rứa người đẹp, làm tụi này chờ muốn dài cái cổ.

Ông Thận pha trò :

- Bà chị nói giỡn chớ theo em thì cổ bà chị khó mà dài lắm.

Mọi người cười ồ lên làm bà khách mập thấy ngượng ngùng :

- Thôi đi, đã về trễ còn châm chọc nữa, tiếp tục mau đi không trời tối tới nơi rồi tề.

Dì Lan vứt chiếc bóp lên buffet :

- Tiếp tục thì tiếp tục chớ sợ chi.

Đám khách ùn ùn kéo nhau vào phòng bên cạnh, me cũng kéo em vào, em chợt hiểu, em nhăn mặt bảo me :

- Me... me đánh bài hả me ? Răng me nói me dẫn con đi chơi mà.

Me vỗ về :

- Vào đợi me một chút, trời còn nắng lắm, chờ chiều mát rồi me dẫn đi chơi.

Em cố dấu tiếng khóc sắp bật ra :

- Me vô đánh bài đi, con ngồi ngoài ni đợi me cũng được.

Me gật đầu chỉ chiếc canapé :

- Ừ, con đến đó ngồi nghỉ cho khỏe, hay ngủ một lát cũng được, xí nữa me dẫn đi chơi nghe con cưng.

Em vuột khỏi tay me chạy nhanh ra vườn. Vườn nhà dì Lan có thật nhiều bóng mát. Em lặng lẽ đến ngồi dưới gốc cây Ngọc Lan, nắng xuyên qua kẽ lá nhảy nhót chung quanh em những đồng tiền sáng, em đưa ngón tay để nhẹ lên vòng ánh sáng nhỏ nhưng một làn gió thoảng qua làm bóng lá chao đi, những đồng tiền trượt khỏi ngón tay em, tràn lên cánh tay chói lòa trên vạt áo. Em nghĩ đến thứ hạnh phúc mong manh bọt nước, lộng lẫy huy hoàng nhưng khi để tay vào thì lòng tay trống trải như bàn tay em vừa nắm lại, cho giọt nắng vàng chợt thoát ra nhanh.

Chương 2

Ba me đã thất bại trong lần hòa giải thứ ba và việc ly thân giữa ba và me đương nhiên được tòa chấp thuận. Me thu dọn áo quần về nhà ông bà Ngoại tận Kim Long, ba vẫn ở lại trong ngôi biệt thự quạnh hiu của ông bà Nội ngày xưa để lại. Vú Lành, người quản gia trung thành nuôi nấng em từ thuở nhỏ cương quyết không về quê như lời ba khuyên, vú nhất định ở lại chăm sóc em và lo cơm nước cho ba. Nhưng em thì không còn thường xuyên ở cạnh vú nữa, số phận em đã được quyết định sau một buổi chiều bàn cãi giữa ba me. Em được gửi hẳn vào nội trú, mỗi tuần, ba hoặc me đến đón em ra ngoài chơi, âu cũng đành vậy, em cúi đầu nhận chịu tấm màn đen vừa buông xuống cuộc đời ngăn cách em với vùng trời thênh thang trước mặt, đời sống nội trú là đời sống tập thể, hạn chế tự do.

Nơi ở mới của em là gian phòng rộng với hai dãy giường nệm trải drap màu xanh, nơi ở mới của em có những khung cửa vuông vắn nhìn ra sân vườn bóng nắng lung linh cài hoa lên thảm cỏ; nơi ở mới của em tập trung những khuôn mặt dễ thương có dễ ghét có, thuỳ mị không thiếu mà chua cay đanh đá cũng có thừa. Giường em nằm tận cuối phòng có tàng lá phượng nghiêng nghiêng ngoài cửa sổ, những cành hoa cuối hè đã phai màu đỏ thắm sắp sửa rụng rơi như tình yêu héo úa giữa ba me, như niềm hy vọng hòa giải đã chìm sâu. Em cố làm quen dần với những buổi sáng dậy thật sớm khi tiếng chuông reo vang dội hẳn gian phòng, sơ Madeleine rảo qua những hàng giường đánh thức vài đứa còn ngái ngủ quấn tròn mình trong chăn ấm làm biếng vờ không nghe tiếng chuông. Em cố làm quen dần với chiếc sân rộng còn mù hơi sương sớm với 15 phút tập thể dục trời lạnh buốt da... Những lần điểm tâm khô khan bánh mì thịt hộp... nhưng em đành cố gắng hòa mình vào nếp sống mới, hãy cố lên Trang ơi, vì số phận đã an bày rồi.

Chủ nhật đầu tiên ba đến đón em, em ứa nước mắt nhìn ba, tay vân vê tà áo. Ba tiến lại gần, ôm đầu em vào ngực :

- Trang của ba có buồn lắm không con ?

Em lắc đầu, hãy can đảm lên Trang ơi, mày không có quyền buồn, mày không có quyền khổ và nhất là đừng gieo thêm phiền muộn cho ba nữa, me đã làm khổ ba quá nhiều rồi. Lời em cố làm vui :

- Con không buồn mô ba ơi.

- Các bạn nội trú có dễ thương như Hoài Thu, như Diệp Hà không con ?

- Dạ, mới vô con cũng chưa quen thân lắm, nhưng thấy tụi nó cũng dễ chịu và tử tế.

Ba đưa em qua Hưng Đạo coi ciné rồi ăn cơm trưa ở Lạc Thành, ngày vui qua thật nhanh như tia chớp sáng loè trong đêm tối, em trở về trường với niềm hối tiếc không nguôi vì em đã từ chối không để ba chở về nhà thăm vú Lành. Tuy em còn nhớ vú Lành thiệt, nhớ bàn tay săn sóc, nét mặt hiền từ, nhưng em sợ về nhà, em sợ nhìn lại nhóm trúc đào trước ngõ với con đường lót gạch hồng dẫn vào nhà nắng đổ lung linh. Ngôi biệt thự đó là mơ, là ước, là tổ ấm đã bùi ngùi rời xa em hun hút tầm tay. Em không dám về đó để thấy cõi lòng se thắt, để thấy khung tường trống trơn, bức ảnh màu chụp ba me trong ngày cưới đã được tháo gỡ đi cất vào đáy rương quên lãng, ba và me đã hai người hai lối ly thân, ngày ly dị rồi cũng sẽ đến như bất cứ sự việc gì sắp đến đã đến trong đời, thật lạnh lùng và thản nhiên...

Em tiếp tục sống những chuỗi ngày buồn tênh. Em vẫn gặp những đứa bạn thân như Hoài Thu, Diệp Hà... trong giờ học, nhưng đến giờ bãi, em phải ôm cặp trở về phòng chứ không còn được sánh vai các bạn tung tăng trên vỉa hè trò chuyện líu lo nữa, đó là một nỗi buồn lớn của em.

Hoài Thu thường khuyên em :

- Bớt buồn đi Trang, tao vẫn thường cầu mong cho ba me mi hồi tâm trở lại, cho mi được trở về đời sống êm đềm cũ, chứ ngày mô cũng thấy nét mặt dàu dàu của mi, tao bắt xót xa đứt ruột.

Em hứa với nó :

- Tao sẽ cố gắng quên, thôi thì chừ mình cứ cố gắng nhìn xuống, còn biết bao đứa bất hạnh hơn tao.

Hoài Thu tỏ vẻ mừng :

- Ừ đúng đó Trang, mi gắng học hành đi nghe, đừng xao lãng nữa đó.

Em cười buồn :

- Xao lãng răng được. Mi biết không, tối mô sơ cũng dò bài tụi tao từ 8 giờ đến 10 giờ, có mọc thêm sáu tay ba đầu cũng không dám nhác học.

Hoài Thu tán thành :

- Đúng đó, có rứa người ta mới an tâm khi gửi con vào nội trú chớ. À, mà Trang nì, mỗi tuần mi vẫn được ra chơi với ba me chứ.

- Ừ, tuần vừa rồi tao có đi ciné với ba, phim hoạt họa dễ thương lắm mi ơi.

-Tuần tới có đi nhớ qua nhà rủ tao với.

Em vui vẻ :

- Ừ, chủ nhật ni me sẽ đến đón tao, nhớ ở nhà đợi tao hí.

*

Sáng chủ nhật em sửa soạn chiếc áo đầm hồng, đôi giày da trắng và chiếc mũ rộng vành kết chùm hoa linh lan. Em đợi me đến đón em ra đường phố chủ nhật dập dìu tài tử giai nhân, en chờ me đến ôm em trong vòng tay, nói với em những lời âu yếm cho bỏ những ngày vò võ cô đơn. Chín giờ sáng xe đỗ trước cổng trường đủ màu đủ kiểu, tụi bạn chung quanh em ríu rít làm tâm hồn nô nức của em bừng rộn rã theo.

- Yến Oanh có me em đến.

Tiếng sơ gọi và Yến Oanh nhảy phóc xuống bậc thang lầu như mũi tên xanh, cô bé sáng nay thắng bộ patte màu xanh thẫm như khung trời mùa hạ làm tụi em ngây ngất nhìn theo. Em thầm nhủ thế nào em cũng xin me may cho em một bộ như vậy, thật sít sao và quí phái. Em cũng sẽ may màu xanh nhưng nhạt hơn, màu hy vọng mà, dù sao em vẫn còn hy vọng ba me sẽ bỏ ý định xa hẳn nhau.

- Tuyết Hằng, có bà nội đến.

- Tâm Phương, có chị Tâm Nga đến.

- Hồng Vân, anh Cả đã tới đón em.

Sao chưa có tên em, sao sơ chưa gọi tới tên Trang cho em mừng vui chạy xuống vòng tay ấm của tình mẹ bao la. Em bồn chồn, em đứng ngồi không yên, em chạy ra bao lơn nhìn xuống, những chiếc xe nhà vẫn thay phiên nhau đậu dọc bên hè. Có chiếc xe màu đỏ giống như xe của dì Lan, nhưng chắc là không phải vì xe đó đến từ nãy giờ mà có ai gọi đến tên em đâu. Em lo ghê, em cũng thắc mắc nữa, không biết me đến đón em bằng xe gì, chắc me đi xích lô của ông Ngoại. Em còn nhớ mãi chiếc xích lô nhà của ông Ngoại sơn màu trắng, diềm che phía trên cũng bằng vải bố trắng, chiều chiều chú Mới đạp xe đưa ông Ngoại từ Kim Long về Phú Vân Lâu hóng mát và ghé lại nhà thăm ba me cùng đứa cháu ngoại thân yêu. Ông bà Ngoại thương em nhiều lắm, vụ ly thân giữa ba và me đã làm ông bà buồn thiệt là buồn, nhất là bà Ngoại, bà cứ than thở hoài, sinh con ai dễ sinh lòng, không ngờ con Thúy nhà tôi lại nông nổi rứa, Thúy là tên hồi con gái của me. Hôm me về nhà ông bà Ngoại ở, ông bà muốn em theo về luôn nhưng ba không chịu, ba viện cớ là ở đó xa xôi, đi học không tiện, nhưng em biết đó chỉ là một lý do nhỏ, điều ba e ngại nhiều nhất là, ba sợ sống gần gũi bên Ngoại, tình cảm của em sẽ nghiêng về phía đó nhiều hơn. Em không biết sự việc có xảy ra như vậy không nếu em dọn về ở hẳn bên Ngoại, nhưng hiện giờ, trong thâm tâm em, em thương ba nhiều hơn me, việc ly thân này do mình me chủ động, hay nói đúng hơn là có dì Lan đứng sau lưng giật dây, ba chỉ biết chiều theo ý me, ba chỉ đành làm theo ý định mù quáng của me. Thuở ấm êm, ba gọi em là con chó bông xinh đẹp của ba, me gọi em là cô Hoạ Mi nhỏ bé dịu dàng, hãy hát cho ba me nghe những bài ca hạnh phúc, bây giờ em không còn là gì cả, con chó bông đã lăn lóc đầu xó tủ, nàng hoạ mi đang tắt dần giọng hót trong veo khi bài ca hạnh phúc đã không còn ý nghĩa. Em, sợi giây thương yêu ràng buộc cuộc đời giữa hai kẻ yêu nhau, giữa ba và me, sau hơn mười lăm năm tràn trề hạnh phúc, chừ đã mất hết nhiệm mầu. Em ngã người lên tấm nệm xanh, hơn mười giờ rồi mà me đâu chẳng thấy, nếp áo hồng trước đây em nâng niu giữ gìn giờ mặc cho tấm lưng đằng lên nhăn nheo. Em úp mặt xuống gối.

-Trang, Trang.

Em nhổm dậy như lò xo bật, vuốt nhanh nếp áo và xỏ vội đôi giày. Nhưng không, nhỏ Thiên Trang lớp sáu chớ không phải em. Me ơi, me quên con thật rồi sao me ? Mi em đầm đìa nước mắt qua màng lệ buồn thiu, em thấy những cụm mây màu xám trôi nhanh ngoài khung cửa, nắng nhạt đi và trời tối lại, gió thổi xạc xào xua đám lá vàng tơi tả bay. Em nhắm chặt đôi mắt, cố mơ tới một khu phố chợ đông người, me nắm tay em bước len qua gian hàng vải muôn sắc muôn màu ; em dừng lại trước chiếc tủ kính chưng toàn hàng vải màu xanh, có màu xanh thẳm như màu của nhỏ Yến Oanh mặc sáng nay, có cả màu xanh lơ nữa, me ơi, mua cho con ba thước màu này để may chiếc áo đầm có tầng kết từ trên xuống dưới theo hình trôn ốc. Con sẽ nhảy múa cho ba me xem, con sẽ kiễng chân xoay vòng cho chiếc áo đầm bọc gió reo lên bài ca hạnh phúc.

Một bàn tay đặt lên vai em :

- Trang, có cô Phượng đến đón con.

Em giật mình thức dậy, ngơ ngác bàng hoàng, sao lại dì Phượng mà không phải là me. Mặc cho sơ dục dã, em chậm rãi bước xuống thang lầu ra phòng khách. Dì Phượng nhìn em cười :

- Đợi có lâu không Trang ?

Em không đáp, hỏi lại dì :

- Răng me không tới đón cháu hả dì ?

Dì Phượng đỡ lấy chiếc mũ em đang cầm đội lên đầu em :

- Về nhà Ngoại đã, me bận chút chuyện, trưa me mới về gặp Trang được.

- Răng dì qua đón cháu trễ rứa ?

Dì Phượng vuốt tóc em :

- Cho dì xin lỗi nghe, tại sáng ni dì bận tới nhà dì Tâm chép bài từ sáng đến chừ mới xong đó. Thôi chào sơ đi rồi về với dì.

Em ngồi sau xe Honda cho dì Phượng chở, trời không có nắng nhưng thật là hanh. Đã gần trưa rồi, đường phố thưa người qua lại, xe qua rạp Hưng Đạo, phim chiếu tuần này là một phim kinh dị “La Rose écorchée” em chợt nhớ đến lời hứa cùng với Hoài Thu là sáng nay sẽ cùng me tới nhà rủ nó đi ciné, vậy là em đã thất hẹn, thế nào ngày mai vào lớp, em cũng không yên thân với nó đâu, con nhỏ hay mè nheo một cây. Đường về nhà ông bà Ngoại dừa xanh mướt hai bên đường, dọc theo bờ sông, vài cô gái giặt giũ trên những phiến đá trắng ngần, mái tóc huyền che khuất nửa khuôn mặt và đôi tay ngà thoăn thoắt xát xà bông, hình ảnh thật linh động, em chợt nhớ đến câu nói đùa của ba dạo ba me hương lửa mặn nồng :

“Gái Kim Long đẹp có tiếng mà, Trang ơi, ngày xưa ba theo me năm tháng mới được me cười cho một tiếng, nhưng phải đến ba năm, ba mới rước được me về nhà đấy”.

Văng vẳng đâu đây tiếng cười dòn dã của ba. thoang thoáng đâu đây đôi má ửng hồng của me dúi vào tóc em che dấu thẹn thùng. Còn đâu nữa ba, còn đâu nữa me, những ngày đầm ấm, những ngày mật ngọt đã hững hờ bỏ em mà đi, đã tan như mây khói buổi chiều.

Xe rẽ vào cổng nhà Ngoại, qua cây cầu gỗ bắc ngang, mặt hồ đầy bèo tai chuột biếc xanh. Ông Ngoại đang tỉa lá sâu nơi hàng chậu kiểng, nhìn em bằng đôi mắt lim dim :

- Trang đó hả cháu ?

Em nhảy xuống xe, vòng tay chào ông Ngoại. Ông chỉ vào trong nhà trong :

- Ừ, vô trong nhà đi cháu, bà Ngoại đang đúc bánh bèo trưa ni đãi cháu đó.

Em cất mũ chạy ra nhà sau, bà Ngoại đang múc từng muỗng bột đổ vào những cái dĩa nhỏ đặt trong chiếc hông lớn bắc trên bếp, dì Dung và dì Hạnh chạy lăng xăng.

Em cúi đầu chào :

- Thưa bà Ngoại, thưa hai dì.

Bà Ngoại ngẩng lên :

- Ừ, Trang đã về rồi đó à cháu. Ra vườn chơi một chút rồi bà dọn bánh cho mà ăn.

Em nhìn quanh nhà :

- Me cháu chưa về hả ngoại ?

Dì Dung trả lời em :

- Me cháu đi có việc với dì Lan, về chừ à.

Lại dì Lan, dì Lan, em thù ghét người đàn bà đó, chính dì đã đưa me đi vào con đường tối ám, dì Lan thật không khác chi con rắn độc, con chồn tinh… Dì Hạnh hỏi :

- Trang đang nói nhỏ cái chi rứa ?

Em giật mình vội chữa :

- Dạ mô có, cháu đang tính thử xem me cháu đi mô mà lâu rứa.

Em bỏ chạy ra vườn hái hoa dâm bụt kết thành một chùm, hoa đỏ như mầu xe của dì Lan vừa thấp thoáng ngoài hàng rào. Me vòng ra ngã sau tìm em :

- Trang ơi, Trang ơi.

Em hững hờ đón nhận gói quà to nơi tay me, tấm giấy màu được mở ra, chiếc hộp trắng được mở ra, quà cho em là con búp bê đắt tiền tuyệt đẹp để làm bạn với em trong những ngày nội trú. Em là đứa con gái nhà giàu lắm bạc nhiều tiền duy chỉ thiếu tình thương.

Bánh bèo dọn lên bàn ăn đầy đủ tóp mỡ, tôm chấy, thịt phay, nhưng thiếu tô nước mắm. Bà Ngoại la :

- Con Phượng hư quá là hư, nhiệm vụ của mi là pha nước mắm, rứa mà cũng không xong.

Dì Phượng cãi :

- Con bận qua trường đón cháu Trang chớ bộ, con đã giao việc lại cho con Dung rồi mà.

Bà Ngoại nói với ra sau :

- Con Dung, con Dung mô rồi ?

Có tiếng dạ lớn rồi dì Dung khệ nệ bưng tô nước mắm từ nhà bếp đi lên, dì Hạnh tìm chiếc muỗng chạy theo.

Dì Phượng nguýt hai cô em :

- Trời ơi, có chút nước mắm mà cả hai mạng pha mới xong.

Dì Hạnh trợn mắt :

- Chị nói sai rồi một mình chị Dung pha thôi, còn em, em là chuyên viên nếm mà. Chà, nước mắm bữa nay pha vừa vặn dữ, tuyệt.

Bà Ngoại cầm đũa :

- Thôi, vào mà ăn đi, cãi nhau hoài, tụi bay thiệt là lộn xộn.

Me hỏi bà Ngoại :

- Ba mô rồi mạ ?

Bà Ngoại đẩy dĩa bánh về phía me :

- Bây cứ ăn trước đi, ba bay sang nhà cụ Chữ đánh cờ, có để phần cho ổng nơi rồi.

Em ngồi giữa me và dì Hạnh, dì Hạnh gắp cho em miếng thịt heo thật lớn, miệng xum xoe :

- Ăn đi Trang, thêm tóp mỡ vô, nước mắm dì Dung pha hấp dẫn lắm. Ăn mau lên tao dắt đi ciné, ở Hưng Đạo đang chiếu phim rùng rợn lắm, ác ôn hơn cả phim Dracula nữa.

Dì Phượng nhìn dì Hạnh :

- Thì để cho con Trang nó ăn từ từ, làm chi mà náo loạn thiên đình rứa ?

Dì Dung phụ hoạ :

- Cái miệng con Hạnh chóp chép cả ngày, đâm da non không nổi.

Bà Ngoại nhìn đăm đăm cô con gái út, mẹ và dì Lan cũng chăm chú ngó dì Hạnh, làm dì hốt hoảng la lên :

- Thôi mà, mấy bà chiếu tướng chi tui mà kỹ rứa, cho tui ăn với chớ.

Em vui theo bầu không khí thân mật đang bao phủ gia đình Ngoại, rồi em lại thoáng buồn, không lẽ rồi đây em sẽ mất hẳn mái gia đình thật sao ?

Ăn uống xong, dì Lan lái xe đưa cả nhà đi chơi, dì Hạnh láu táu :

- Chúng mình đi dạo mát buổi trưa, vui ghê hí.

Em xem ciné ra thì trời đã chiều, sắp đến giờ trở lại nội trú, me hôn lên tóc em, me hứa :

- Tuần tới đi chơi với ba vui vẻ nghe con. Chủ nhật tuần sau nữa me sẽ đến đón con.

Em gục đầu vào cổ me tìm chút hơi hướng tình thương bám víu lấy mùi da thơm quen thuộc mẹ yêu giờ sắp chia xa. Dì Phượng siết tay em :

- Gắng vui nghe Trang.

Em định gật đầu nhưng rồi lại thôi. Chắc em sẽ ít buồn hơn nếu ngang qua Morin, em không thoáng nhìn thấy ba đang lái xe đi ngược chiều, đôi mắt buồn buồn sau tay lái. Ba me ơi, sao hai người thân yêu nhất đời em lại có thể hững hờ với nhau như hai chiếc lá trên giòng sông vậy ?

*

Hoài Thu gặp em chả mè nheo như em dự đoán, cô bé còn an ủi em nữa :

- Hôm qua đợi me lâu, chắc mi buồn lắm phải không Trang ?

Em ngạc nhiên :

- Ai nói với mi rứa ?

- Con Hảo, nó nói nó thấy mi bồn chồn bắt nóng ruột theo.

Em hỏi theo :

- Nó có nói chi tao nữa không ?

- Nó nói mi tội.

Em nghĩ đến Hảo và thấy thương nó quá chừng. Hảo mồ côi cha mẹ ở với chú. Chú của Hảo cũng giàu có lắm nhưng gặp phải bà thím cay nghiệt nên Hảo phải vào nội trú từ thuở bé. Con nhỏ thật dễ thương, vậy mà hôm mới vào, em ghét nó thậm tệ. Em còn nhớ, khi em sướt mướt chồm mình ra bao lơn nhìn theo xe ba đang lăn bánh khuất sau khúc quanh, thì có tiếng cười khúc khích đằng sau lưng. Em bực tức quay lại, cô bé ngồi trên chiếc giường cạnh giường em đang tròn mắt nhìn em dí dỏm :

- Có chi mô mà khóc nờ.

Em chả thèm đáp, em mở valise sắp lại sách vở áo quần, cô bé đó lại gần em :

- Chà, ấy có con chó bông dễ thương ghê, cho mình coi tí nờ.

Em lẳng lặng như không nghe thấy. Cô bé tự giới thiệu :

- Mình tên là Hảo.

Em cũng không đáp lại. Hảo ngồi xuống bên em :

- Đưa mình sắp đồ dùm cho.

Em vốn còn tức tiếng cười trêu ghẹo của nó hồi nãy em dằng lại quyển sách trên tay nó :

- Thôi cám ơn. Để tui sắp một mình cũng được.

Gợi chuyện với em hoài không được, Hảo lặng lẽ bỏ đi. Em ngỡ nó giận em thật lâu, không ngờ hôm sau Hảo lại tìm đến em vào buổi chiều khi tan học, em vừa thay áo quần xong đến ngồi bó gối trên giường. Hảo rủ em :

- Ra sân dạo chơi với mình, Trang.

Em nhìn nó :

- Sợ Sơ la lắm.

- La chi mà la, 7 giờ mới ăn cơm lận mà. Từ giờ tới đó tụi mình có quyền chơi.

Em theo Hảo ra sân, cô bé quàng vai em thân mật :

- Bộ hôm qua ấy ghét mình lắm hả ?

Em xác nhận :

- Ai biểu mình đang khóc mà ấy cười làm chi. Người ta đang rầu thúi ruột.

- Thôi xin lỗi nghe.

Rồi Hảo nâng cằm em như một người chị :

- Ấy mau khóc ghê, chắc ở nhà ấy được cưng lắm hí ?

Em gật đầu. Hảo lại hỏi :

- Rứa răng ấy không ở với gia đình mà vô đây ?

Em nói thiệt :

- Tại ba me của mình đã ly thân, nên mình không ưa ở với ai hết.

Hảo tò mò :

- Cái ông hôm qua dẫn ấy tới là ba của ấy đó à.

Em gật. Hảo khen :

- Ba ấy mập ngó oai ghê.

Em ngây thơ :

- Bộ mập là oai lắm há ?

Hảo giải thích :

- Chớ răng. Người mập còn là người dễ dãi vui tính nữa. Chú của mình cũng mập như ba ấy rứa, chỉ có bà thím của mình là ốm nhom nên bà khó chịu lắm.

Em phản đối :

- Mình không tin mô, mấy dì của mình cũng ốm như cây tăm rứa, mà họ có khó chịu chi mô nờ.

Hảo suy nghĩ một lát rồi nói :

- Chắc tại bà thím của mình không có con. Ấy không nghe người ta ví von à : “Có chồng mà chẳng có con, như bông hoa nở trên non một mình”, hoa mà nở một mình trên núi thì buồn thỉu buồn thiu, không đâm ra gắt gỏng sao được.

Em phì cười khi nghe Hảo ví bà thím của nó như một bông hoa, và tự nhiên em có cảm tình với Hảo kỳ lạ. Hảo hơn em một tuổi và học trên em một lớp nên từ dạo vào đây, mỗi lần có bài khó là em đem ra hỏi nó. Hảo học giỏi nên bài toán nào em hỏi nó cũng giải được và nó thường tỏ vẻ sung sướng khi thấy em hiểu cặn kẽ những lời nó giải thích. Điều an ủi em nhiều nhất là cô Phương Mai không còn buồn em nữa vì em đã bắt đầu chăm học trở lại, và mỗi lần lên đọc bài được điểm tốt, em muốn chìm đắm vào ánh mắt đầy trìu mến của cô, đôi lúc nhìn cô, em thấy nhớ me thật nhiều.

Xem tiếp chương 3 & 4