Tuổi Ươm Mơ - Chương 5 & 6

tưởng lầm

Đến một tuổi nào, ta không thể làm ngơ trước sự hiện diện của những người khác phái. Họ đi lại, nhởn nhơ hoạt động chung quanh ta, trước mắt ta. Không phải trước kia họ không có, bây giờ mới có. Họ vẫn có đấy, vẫn chung đụng, vẫn ở bên cạnh chúng ta, nhưng "ngày xưa" thì ta coi là một sự thường tình, chẳng có gì phải nói đến ; đôi khi ta còn có thái độ "khi" họ là khác. Con trai chê con gái chậm chạp, lại yếu đuối, không dám theo mình trong những trò nghịch ngợm phá làng phá xóm, không dám rượt bắt nhảy qua rào hay trèo cây ăn cắp trái để rồi bị đuổi chạy tóe khói. Và con trai rất khoái chí trêu con gái khóc, để... xem chơi (ác chưa!) và cười toe hãnh diện vì mình không có "mít ướt" như "bọn nó". Con gái lại có một thế giới riêng. "Mấy thằng con trai" phá quá, lại ở dơ nữa (cái này cũng đúng một phần, có những ông con trai ham chơi quá, cả tuần quên không... tắm), lúc nào cũng lem luốc, mồ hôi, chơi cái gì cũng huỳnh huỵch, té bổ càng dồn cục, coi phát khiếp. Con gái bọn mình dễ thương chứ! Lúc nào cũng sạch sẽ, có chơi đùa, nhưng toàn là những trò "yểu điệu thục nữ" cả : nhảy dây, đánh chuyền, chơi ô quan, hay làm nhà, chơi búp bê... "Mấy thằng con trai" có xán lại gần thì bưng ngay đi chỗ khác, mặt cứ khinh khỉnh. Mà thật, mấy ông con trai nhà ta chúa là phá đám! Người ta nhảy dây thì giựt dây, chơi làm nhà thì phá nhà. Kỳ cục.

Lại có những bọn trai gái nho nhỏ khác "sống chung hòa bình" rất thân thiết, đó cũng là một hiện tượng. Chơi với nhau, con gái giả làm mẹ, gọi con, con trai dạ ngon lành. Hoặc con gái cũng bận quần xà lỏn chạy theo bọn con trai hết ngõ này qua ngõ khác. Cả bọn không ai nghĩ mình là con gái, nó là con trai hay ngược lại.

Tóm lại, "ngày xưa" ta không đặt nặng vấn đề phái tính, không thấy họ cuốn hút mình một cách đặc biệt. Chơi với đứa bạn cùng phái hay khác phái cũng được, miễn là vui.

Bây giờ thì không được nữa, hết rồi "ngày xưa còn bé", "tuổi vô tư lãng đãng bay xa" và tâm trí ta mở rộng, đôi mắt ta căng tròn, nhìn họ như nhìn một khám phá mới lạ và vĩ đại. Thí dụ "họ" vẫn có đấy, nhưng sao trông họ... khác. Họ không là thằng T., thằng H. nữa, mà là cậu T., cậu H., bô trai, khỏe mạnh nhất là hết còn... ở dơ. Họ cũng không còn là con nhỏ C., con nhỏ M. dễ ghét, mặt mũi lầm lì mà là cô C., cô M., xinh quá là xinh. Gặp nhau là không còn dửng dưng được, lòng ta nó bồi hồi thế nào ấy, và cứ rộn rã một niềm vui. Một bóng hồng đi qua bọn con trai, có sức mạnh kéo cả ngần ấy cái đầu quay theo bóng cô đi, với những đôi mắt tho ló như hòn bi ve. Các cô thì không dám thế đối với một bóng con trai, dù gì mình cũng là con gái chứ, phải biết "giữ giá" (ấy, nghĩ được như vậy tức là đã biết ý thức về sự khác biệt giữa "mình" và "họ" rồi), nhưng thỉnh thoảng liếc qua một cái thì cũng có đấy, để xem thử họ ra làm sao ấy mà! Hai phe bắt đầu thắc mắc về nhau, muốn đục thủng "bức màn sắt" nhưng lại chả dám. Gần đây ta hay nghe tiếng "lễ liếc", ở chỗ đông người, các cô các cậu không tránh khỏi sự để ý nhau, tìm cách nhìn nhau, dù ngay cả khi đi lễ ở chùa hay nhà thờ!

Cái sự "để ý" nhau, bị "người ta" hấp dẫn, lôi cuốn như vậy, ta gọi là khuynh hướng, nghĩa là có chiều hướng nghiêng về nhau, cảm thấy thích thích. Thế nhưng đó không phải là yêu nhé. Nhiều cô, cậu sau khi đã đi "lễ liếc" như vậy, về nhà ân hận quá sức. Thôi chết, mình y. rồi, mà y. thì ghê quá, bậy quá, đến nỗi nếu có viết nhật ký, khi đến cái chữ ấy cũng không dám viết cả chữ, mà chỉ viết tắt có một mẫu tự đầu. Yên tâm đi, không đến nỗi phải ân hận quá lắm như vậy, mình không có hư đốn đâu, đó chỉ là một phản ứng, một bản năng tự nhiên của những người mới lớn và nhất định không phải là tình yêu, vì chắc chắn yêu nó không đơn sơ như vậy đâu, nó đòi hỏi nhiều như ta vừa nói với nhau ở trên. Vậy, cứ để mình tự nhiên, miễn là đừng lố bịch, sàm sỡ.

Qua giai đoạn này, ta đặc biết chú ý đến một nhân vật, khác với trước kia gặp ai cũng thấy thích như nhau. Nhân vật này có một cái gì hạp nhãn, vì một khuôn mặt, một dáng đi, một kiểu người, hoặc là những cử chỉ, giọng nói, tính tình chi đó. Được thấy "họ" luôn thì thích thú lắm, rủi lâu lâu không gặp lại thì nhơ nhớ, buồn buồn, đôi khi mình cũng... nằm mơ thấy nữa ; hình bóng họ chập chờn trong giấc ngủ.

Đến giai đoạn này thì thường thường ta cứ đinh ninh là mình yêu thật rồi, chẳng còn chối cãi vào đâu được nữa. Gặp thì thích, vắng thì nhớ, tối ngủ lại nằm mơ... đích thị rồi. Và các cậu định sửa soạn "khai" thật với họ là vừa. Các cô không có ý định ấy nhưng lòng xốn xang ghê lắm, mắc cỡ quá sức, vì mình y. thật rồi. Nhưng (lại nhưng) nói thế này bạn có tin không? Như thế cũng chưa phải là yêu đâu. Sự thật nó chỉ là sự ham thích, một tình cảm ta có từ hồi bé tí bé ti. Chỉ khác một điều mình lớn hơn xưa, nên cái món mình ham thích nó cũng biến đổi. Ngày xưa ta thích con búp bê biết mở mắt nhắm mắt, biết khóc ; hay là cái súng bắn tạch tạch lại tóe lửa ra nữa. Chà, mấy cái đồ chơi sao mà hấp dẫn quá sức, nhưng rồi một thời gian sau ta cũng chán, nhất là khi cái đồ chơi hư hỏng, mắt con búp bê bị kẹt cái gì trong đó không biết, chả còn chớp chớp được nữa ; cái súng bóp cò không chịu nổ và tóe lửa nữa, ta thản nhiên vất những đồ chơi phế thải ấy vào một xó và thích thú với những đồ chơi mới hơn, đẹp hơn. Có khi cái đồ chơi cũ không hề hư hỏng, nó vẫn nguyên như trước, nhưng chơi mãi cũng chán chẳng còn gì mới lạ, ta bỏ quên nó để chơi những món đồ chơi mới.

Sự ham thích còn được dùng để diễn tả thói quen của ta đối với một món giải trí nào đó. Tôi thích đi dạo, cậu thích ciné, cô ưa đọc sách, người nọ khoái đến hồ tắm...

Tình yêu thì không thế. Không bao giờ tình yêu có thể so sánh với một món đồ chơi. Ở tình yêu, ta không gặp sự nhàm chán, sự quen nhờn đến độ muốn tìm một món đồ chơi khác, như đối với con búp bê hay cây súng. Ta không cho đồ chơi cái gì cả mà chỉ nhận sự vui thích do đồ chơi đem đến ; ở tình yêu ta vừa biết cho mà cũng biết nhận. Ta không bao giờ hy sinh cho đồ chơi của mình, nhưng ở tình yêu, ta hy sinh cả sở thích, ước muốn, đôi khi cả sức khỏe nữa. Không bao giờ ta có sự tha thứ hay nâng đỡ đối với cái đồ chơi của ta, nhưng ở tình yêu, ta luôn luôn phải tha thứ nâng đỡ, sửa đổi cho đối tượng mỗi ngày một hoàn thiện. Dĩ nhiên, tình yêu cũng không thể là một trò giải trí, một người thích ciné, lâu không đi xem, cũng thấy nhớ và bứt rứt, có thể đêm cũng ngủ mê là mình vô rạp ciné vậy ; nhưng không ai bảo họ yêu ciné cả, mà là ham coi ciné, thích xem ciné.

Bởi vậy, bạn thân yêu, khi thấy lòng mình thích thú trước một hình dáng nào đó, cho dù hình dáng đó có làm ta nhớ nhung đi nữa, bạn cũng đừng vội kết luận rằng mình đã yêu họ, và nhất là đừng "nhanh nhẩu đoảng" đi thố lộ hết cả tâm can. Bạn phải chờ đợi cho cái tình cảm ấy chín mùi đã, còn bây giờ, với sự ham thích đó, chưa chắc bạn sẽ giữ được mãi. Biết đâu một lúc nào đó bạn sẽ cảm thấy nhàm chán như đã từng đối xử với con búp bê hay khẩu súng ngày trước. Giả dụ bạn đã lỡ "thổ lộ" với người ta rồi, trường hợp ấy bạn sẽ xử trí ra sao?

Rất gần với sự ham thích là cảm tình. Đây là một "nồng độ" cao hơn nữa, vì không những ta ham thích người áy, mà lại có thiện cảm với họ nữa, ta cảm phục, ta mến chuộng, có thể ta bênh vực cho họ trước mặt người khác. Nhưng bạn ạ, cảm tình vẫn chưa thể là tình yêu. Một lần nữa, chúng ta dặn nhau : đừng hấp tấp, hãy cứ bình tâm, dù cái cảm tình đối với người ấy có nồng nhiệt, có khi làm ta phải bồi hồi. Tình yêu không phải là tình cảm dạt dào, mà nó sâu xa, thấm mãi vào tận đáy tâm hồn, một đằng là ngọn sóng dâng ào ạt, nhưng khi đã đập mạnh vào ghềnh đá thì tung bọt trắng xóa và... hết, một đằng là những dòng nước ngầm chảy hoài không hết dưới lòng đại dương sâu thẳm.

Ở chúng ta, có lẽ chỉ mới có một trong ba (hoặc ác liệt hơn thì cả ba) cái tình cảm trên –khuynh hướng, ham thích, cảm tình – nhưng ở những người lớn hơn, những người nghĩ là họ đã yêu rồi, và chúng ta cũng nghĩ như thế, nhiều người chưa yêu mà vẫn cứ tưởng là mình đã yêu.

Loại người thứ nhất chúng ta có thể nhắc đến là những người đam mê. Đam mê không phải là yêu, vì khi yêu, ta ý thức về hành động và ý nghĩ của mình, ta ý thức việc cho và nhận, ý thức rằng ta đang hy sinh, hay đang tha thứ, nâng đỡ, sửa đổi cho đối tượng ta không mù quáng. Đam mê thì không thế, có thể nói đó là một trường hợp bệnh hoạn của tâm lý, người ta không suy xét, không ý thức và không kiểm soát được hành động và ý nghĩ của mình. Được người yêu, có thể ta sẽ hạnh phúc, nhưng nếu bị người đam mê, ta nên cẩn thận, nhiều khi họ có thể làm liều. Đam mê không phải là tình yêu ; trường hợp người mê thuốc phiện chẳng hạn, họ có thích nó đâu, những lúc tỉnh cơn say, họ đau khổ vì thấy thân bại danh liệt chỉ vì những sợi khói vướng vít đó, họ khổ sở, muốn dứt bỏ mà không được. Trong vấn đề nam nữ cũng thế, trường hợp bệnh hoạn tâm lý này làm nhiều người khổ sở, bứt rứt, nhưng đam mê đi liền với họ như một căn bệnh khó chữa trị. Nói đến thuốc phiện, không phải ta nói rằng người đam mê chỉ có những đối tượng vật chất thấp hèn đâu ; người ta rất có thể đam mê ngay cả trong những phạm vi cao cả, như việc thờ phụng chẳng hạn. Trong trường hợp này, họ sẽ trở thành những người cuồng tín hành động cực đoan rồi cứ nhĩ họ làm như vậy vì đạo, vì Chúa vì Phật. Thật ra những đấng tối cao ấy cần sự thành tâm, bằng một niềm tin sâu xa tận tâm hồn, hơn là những hành động ồn ào, thiếu suy xét vì... đam mê.

Một hạng người nữa, qua hành động của họ, ai cũng nghĩ rằng họ có một tình yêu nồng thắm lắm, và chính họ cũng nghĩ như thế. Nhưng nếu ta có thể trải tâm hồn họ ra để đọc, thì thấy trên ấy chỉ đậm nét hai chữ tự ái chứ không hề thấy nét chữ tình yêu. Tự ái là tự mình yêu mình chứ chẳng phải là yêu ai cả, điều đó chúng ta ai cũng phân biệt được. Khổ một nỗi là có rất nhiều người đi yêu chính mình mà cứ tưởng mình yêu người. Yêu chính mình, phải, vì họ đã tìm thấy niềm hãnh diện, sự thỏa mãn tự ái trong khi yêu. Ừ, mình đẹp thế này, dễ thương thế này, học giỏi thế này, đáng được người ta yêu lắm chứ. Mình "có giá" lắm, đâu có thua gì ai : bạn mình có bồ, có người đưa đón, mình cũng có bồ đón đón đưa đưa. Quả thật khi có bồ, người ta có nhiều phút giây sung sướng. Những hãnh diện vuốt ve tự ái như vừa kể, những món quà xinh xắn, cây bút ngòi mạ vàng, lọ nước hoa đắt tiền... những giây phút tay trong tay, mắt nhìn mắt, lòng bồi hồi cảm động, buổi chiều dung dăng dung dẻ trên con đường vắng và những lúc mơ màng ngồi nghĩ đến nhau... Nhưng, có bồ chưa phải là đã biết yêu. Chắc rằng bạn không còn ngạc nhiên nữa, khi chúng ta đã thử cùng nhau tìm hiểu ở chương trên : thế nào mới là yêu. Bạn ạ, tình yêu cao quí hơn những giây phút sung sướng đó gấp bội phần, khi yêu, người ta sống đến hai đời sống : một của mình và một người mình yêu. Mọi lo lắng, đau khổ của người yêu cũng chính là lắng lo, đau khổ của mình và họ cũng chính là mình, cả hai đã nên một. Bạn thử nghĩ trường hợp mình có bồ, mình có dám cho họ đến như thế không? Thiếu gì người có bồ như là một mốt thời trang, khi chưa có, họ tức tối, khổ sở vì cảm thấy cù lần, thua kém bạn bè, và khi có rồi, họ mải miết tìm kiếm những hạnh phúc, sung sướng. Nhưng niềm vui và hạnh phúc đó chỉ qua mau như gió thoảng hay giống như những bọt xà phòng, nó tan biến ngay, nếu ta không dâng hiến cho đối tượng của ta cả một tình yêu trọn vẹn.

Bạn thân yêu, chúng ta thấy đấy, tình yêu vì rất cao quí nên nó đòi hỏi nhiều điều kiện đối với những ai muốn chiếm cứ nó để làm tặng vật quí giá cho người bạn chân tình. Người ta chưa đủ vốn "mua" nó, vậy mà cứ nhất định đòi "mua". Vậy thì... họ cũng sẽ mua được, nhưng dĩ nhiên là mua đồ giả. Cục thủy tinh tầm thường khi được mài thành những góc cạnh cũng có thể lấp lánh rực rỡ như viên kim cương. Nhưng giá trị của nó làm sao so sánh với viên kim cương được, muôn đời nó vẫn chỉ là cục thủy tinh tầm thường. Nếu hiện tại, trong tâm hồn bạn, đối với những người khác phái, đang có một "khuynh hướng", một "ham thích" hay một "cảm tình" bạn hãy khoan dùng đến cái vốn liếng còn nhỏ nhoi đó. Với thời gian và với tâm hồn cao thượng, ý thức chân thành tìm hiểu của bạn, vốn liếng ấy sẽ lớn thêm lên mãi, đến lúc vừa đủ, ta có một tình yêu tuyệt hảo. Bạn đừng vung cái số vốn nhỏ nhoi của mình ra để rồi chỉ kiếm được "đam mê" hay "tự ái", những cục thủy tinh tầm thường giả dạng thành viên kim cương quí giá.

Chung quanh chúng ta, người ta hăm hở bước vào con đường tình yêu mà không hề sửa soạn hành trang lên đường. Phần chúng ta, hãy giúp nhau đi, khởi hành sớm không phải là người thắng cuộc, điều cần nhất là hãy sửa soạn sẵn sàng để đi đúng đường.

dấu hiệu của một tình yêu chân chính

Dù muốn hay không, nhanh hay châm hơn nhau chút xíu, chắc chắn cũng có một ngày, một tình cảm mới lạ đến xâm chiếm tâm hồn ta. Không thể chối cãi rằng cái hình ảnh lọt qua cặp mắt xanh của ta đã làm rầy ta không ít. Ta hết còn vô tư và cái hình ảnh ấy cứ quanh quẩn bên ta mãi, trong lúc làm việc, đi chơi và cả những khi mài miệt học hành. Chả có gì ngạc nhiên cho lắm khi đang ngồi làm một bài luận để nộp cho Giáo sư vào ngày mai, ta hí hoáy viết hồi lâu để rồi kết cuộc đã làm xong được một... bài thơ. Vâng, bài thơ ca tụng "người ấy", những nào là mắt, môi, tóc, má, dáng đi, điệu đứng, tính tình... Cũng không ngạc nhiên nếu ta đang làm toán, phương trình hay tam thức, nhị thức chưa giải quyết xong thì đã thấy một khuôn mặt nằm... chình ình trên giấy nháp. Khuôn mặt này có thể là do ta nguệch ngoạc ra bằng bút, mà cũng có thể là khuôn mặt vô hình, ta không hề vẽ bằng tay, nhưng bằng trí tưởng tượng, và nó cứ ẩn hiện trên giấy, lấp mất cả những con số.

Lúc ấy, cho dù chúng ta đã cùng nhau phân tích "tình yêu là gì" như ở trên, ta cũng phải cuống cà kê lên, và bán tín bán nghi, không biết là mình thế nào đây?

Các nhà tâm lý thường bảo : con trai khi đứng trước một vấn đề, để hiểu nó, cậu sẽ lý luận đàng hoàng : bởi thế, vì vậy, cho nên, nguyên nhân, hậu quả là những chữ các cậu thường phải dùng đến. Còn con gái lại khác, con gái hiểu vấn đề rất nhanh chóng, bằng trực giác (cái hiểu biết trực tiếp, không cần đi vòng vo theo con đường lý luận). Khi yêu, cậu con trai bảo : "Tôi yêu T. vì cô ấy xinh xắn, dễ thương, lại ngoan ngoãn và chăm học. Chắc rằng ngày mai cô ấy là người vợ tốt". Nhưng cô gái thì : " Tôi yêu anh H. vì anh ấy là anh ấy". Hai cách hiểu vấn đề của hai phái đã được phân tích vừa rồi rất đúng. Nhưng trước một tình cảm, ta phân vân không biết có phải là tình yêu hay không, không thể hoàn toàn tin trực giác được. Bạn thân yêu, lúc đó ta hãy bình tâm để "khảo sát" về cái tình cảm ta đang có, xem nó có những dấu hiệu của một tình yêu chân chính hay không. Nếu có, ta hãy sẵn sàng tiến tới, nếu không, thì dù có hăm hở đến mấy đi nữa, ta cũng cứ phải hát câu : "khoan khoan hò ơi..."

Đây, chúng ta hãy xem những dấu hiệu của một tình yêu chân chính:

Đầu tiên, tình yêu ấy khiến ta cao thượng hơn, theo đuổi lý tưởng say mê hơn.

Tuổi trẻ chúng ta là tuổi hào hùng, luôn luôn muốn hướng tới những gì tốt đẹp, chân đạp trên sỏi đá mà mắt ngắm trăng sao. Chúng ta tôn thờ một lý tưởng, say mê theo đuổi lý tưởng ấy (xem Tuổi Trăng Tròn 1, cùng tác giả). Nhưng đến ngày cái tình cảm mới lạ đến xâm nhập tâm hồn, nó làm xáo trộn tất cả. ta chẳng còn ham cao thượng, say mê lý tưởng nữa. Những thứ này nhiều khi còn khiến ta khó chịu, cảm thấy vướng víu mất thì giờ, tốn công suy nghĩ. Chúng ta "nhìn nhau" chứ không có "cùng nhau nhìn về một hướng" nào cả. Bạn thân yêu, nếu quả thật cái tình cảm mà bạn đang nghĩ là tình yêu nó đang làm bạn trở thành như vậy, chắc chắn nó không thể là một tình yêu chân chính. Khi yêu, người ta phải sống làm sao để giá trị đời sống của mình xứng đáng với tình yêu và lòng tin tưởng của đối tượng. vậy mà, một đời sống không lý tưởng, thử hỏi nó còn giá trị gì? Nó chỉ còn là một chuỗi ngày buông trôi, lênh đênh theo ngọn sóng đời đưa đẩy, người ta không còn có thể làm chủ đời mình. Cuộc sống "lênh đênh không bến bờ" nghe thì có vẻ thơ mộng và lãng mạn đấy, nhưng thử hỏi, nó có đem lại một lợi ích gì cho tha nhân không. Lời cầu chúc tha thiết và với tất cả chân tình chúng ta trao đến cho nhau, là hãy giữ lấy lý tưởng đang có sẵn, và hãy sống cao thượng như ta đã và đang sống. Đó là món quà ta dành tặng cho người bạn đường thân yêu mai hậu và cũng chính vì nó ta không để mình buông xuôi theo những dục vọng ; rủi như có lần nào sa ngã (ai mà tự hào mình luôn luôn cứng như đá, vững như đồng đâu!) ta vẫn biết cố gắng đứng lên và quyết tâm sửa đổi lỗi lầm. Bởi thế, càng yêu nhiều, ta càng cao thượng và thực hiện lý tưởng nhiều. Ta có thể hãnh diện tự nhủ : "Tôi đã yêu, và tình yêu của tôi là tình yêu cao thượng, được nuôi dưỡng bằng chính lý tưởng đời tôi". Câu nói đó, ngày sau, với ánh mắt tin yêu, nụ cười chân thật ta cũng có thể nói với người bạn đời mà không một chút hổ thẹn và ngượng ngùng trong giọng nói.

Một điều nữa, những người yêu nhau, hay nghĩ là mình đã yêu nhau, hay mắc phải là sống khép kín, tránh giao tiếp, để không ai có thể phá rối mộng tình (!). Sự thật, một tình yêu chân chính khiến ta thêm cộng tác, thêm cởi mở. Không như cô bạn kia, đang tuổi đi học, cô đã có một ông bồ thật bô trai. Cô đã giấu kín không dám nói chuyện này cho bạn bè biết. Điều đó cũng dễ hiểu, vì nói ra, tụi bạn đâu có để yên, chúng nó sẽ lập tức rêu rao và trêu cho bằng thích. Cô cảm thấy thích thú nhưng đồng thời cũng hổ thẹn, đó là một triệu chứng... bất ổn, vì tình yêu chân chính không khi nào làm ta phải hổ thẹn, trái lại, nó còn khiến ta hãnh diện. Bởi hổ thẹn, cô đâm ra khép kín. Hơn nữa, trong cái tâm tình "chỉ có hai ta" đó, cô thấy được yên ổn hơn và tự do mơ màng. Những đoàn thể, những buổi hội họp, những nhóm bạn, những giờ họp mặt thân hữu bây giờ đối với cô chẳng còn một chút hấp dẫn nào. Cô muốn sống một mình, không ai đụng chạm đến cái "tình yêu thiêng liêng" của cô. Một tình yêu chân chính thì khác, nó dạy cho ta biết giá trị của sự hợp tác, trong tình yêu thì "thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn", mà bên ngoài thì "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Tình yêu chân chính không tách rời chúng ta ra khỏi đoàn thể, không bắt nhốt ta trong cái vỏ ốc tối tăm và không làm chúng ta xa dần bè bạn.

Tình yêu chân chính còn tạo cho tâm hồn ta một vẻ tươi sángtrong sạch, vì chính tình yêu ấy cũng vô cùng tươi sáng, trong sạch. Một tình yêu luôn luôn bị những áng mây mờ tội lỗi che phủ không làm cho chính ta cũng như đối tượng thấy hạnh phúc, trái lại cả hai luôn luôn băn khoăn, bứt rứt, mặc cảm tội lỗi đè nặng làm người ta không còn nhìn được vẻ thanh cao tuyệt vời của tình yêu nữa. Yêu nhau là đem hạnh phúc lại cho nhau, nhưng một tình yêu vẩn đục chỉ đem lại cho cả hai những dư vị cay đắng, chán chường. Bởi vậy để kiến tạo một tình yêu thật đẹp ở ngày mai, nhất thiết hôm nay ta phải giữ một tâm hồn trong sạch. Đẹp làm sao một tâm hồn trong suốt như dòng suối, người ta có thể nhìn thấy từng viên đá cuội trắng ngần nằm dưới đáy. Dĩ nhiên trong thời đại này, chung quanh có biết bao những bạn bè xấu nết, những sách báo, phim ảnh cố tình khơi dậy dục tính của con người, việc bảo vệ cho tâm hồn trong sạch không phải là chuyện dễ dàng, nó đòi hỏi ta phải có một tinh thần quả cảm và sức chiến đấu hăng say, bền bỉ. Những kẻ thù của sự trong sạch luôn luôn rình rập chúng ta với những đôi mắt cú vọ. Những người đã trót lấm bùn nhơ luôn luôn mang mặc cảm về sự bẩn thỉu của họ và những tâm hồn trong sạch, tươi sáng lúc nào cũng như cái gai trước mắt cần phải nhổ đi tức khắc. Họ nhát nhúa và khiếp nhược đến độ không thể trở về đời sống trong sạch được nữa, những mặc cảm và tự ái khiến họ không muốn thấy ai trong sạch hơn mình, cái trong sạch của người khác đã làm nổi bật cái bẩn thỉu, xấu xa của tâm hồn họ, bởi vậy họ quyết tâm nhúng bùn tất cả những tâm hồn trong sạch khác. Chúng ta hãy cẩn thận trước thái độ "đạp đổ tất cả" của những người này. Những sách báo, phim ảnh đồi tệ mà trong đó tình yêu bị bôi tro trát trấu và bóp méo, được trình bày một cách hết sức trắng trợn, không ít thì nhiều cũng sẽ làm tổn thương đến tâm hồn trong sạch của chúng ta ; bạn thân yêu, chúng ta cần đến lòng quả cảm và trái tim cao thượng đến độ nào trước những kẻ thù nguy hiểm, chuyên chơi những trò "ma giáo" ấy. Vì hạnh phúc của bạn, vì người bạn trăm năm sau này của bạn và vì những thân xác, những tâm hồn trẻ thơ bạn góp phần sáng tạo ở tương lai, bạn hãy kiên tâm trong trận chiến khốc liệt để giành lấy sự trong sạch. Tihaner Toth viết : "Thượng đế đã duy trì cho thế gian ba kỷ niệm của địa đàng : ánh huy hoàng của tinh tú, vầng tươi tắn, kiều diễm của muôn hoa, và cặp mắt trong suốt của một thanh niên khiết bạch". Paul Claudel thì nói : "Đức khiết bạch sẽ làm cho bạn ra cường tráng, nhanh nhẹn, thông suốt, trong như một tiếng kèn đồng và huy hoàng như mặt trời ban sáng". Cặp mắt trong suốt ấy phải là cặp mắt của chính mỗi người chúng ta, nó khiến đời sống ta huy hoàng như ánh bình minh, rộn rã như tiếng kèn trong trèo, và sau này, nó có thể nhìn sâu vào đôi mắt người bạn đường không hề bối rối, như ngầm bảo : "Tôi trao tặng người một tình yêu trong sạch như băng tuyết".

Một dấu hiệu nữa của tình yêu chân chính là nó khiến người ta không ích kỷ, trái lại thêm bác ái. Khi yêu nhau, người ta hay bo bo giữ lấy hạnh phúc riêng cho mình, và cho "người ấy" thôi, người ta đâm ra thiển cận trong hạnh phúc không còn nhìn thấy những thiếu thốn, những nhu cầu của người khác, những thứ này làm bận rộn, phá rối quá, y như ta đang thưởng thức món ăn ngon mà người hành khất đứng bên cạnh cứ nì nèo "xin mấy đồng mua cơm ăn". Hơn nữa, vì sợ mất nhau, người ta giữ riết lấy nhau, khó chịu khi nhìn nhau giao tiếp và bực mình nếu thấy "người ta" vui vẻ tươi cười với những người khác. Dĩ nhiên người ta phải cần khôn ngoan để bảo vệ tình yêu, nhưng sự khôn ngoan đâu có đồng nghĩa với lòng ích kỷ. Trong tình yêu luôn luôn phải có sự tin tưởng, nếu đã dâng hiến cả cuộc đời lẫn cho nhau mà còn nghi ngờ nhau thì sự dâng hiến ấy mất đi nhiều ý nghĩa. Ý thức được tinh thần bác ái, nhiều đôi vợ chồng trẻ hay đôi bạn sắp cưới cùng nhau lăn xả vào những công tác xây dựng tình người, hạnh phúc của họ được tạo dựng bởi chính hạnh phúc của người khác, họ tìm thấy nhau, yêu nhau và cảm phục nhau trong tinh thần bác ái. Không ai có thể nắm chắc được tương lai, nhưng những tình yêu như thể bảo đàm cho một đời sống tốt đẹp ở ngày mai. Đáng cảm phục và tôn kính làm sao, những mối tình được nảy nở trong tinh thần bác ái và phát triển thêm tinh thần bác ái.

Tình yêu chân chính là tình yêu trong đó hình ảnh của người yêu thúc giục ta thêm hăng say trong công việc. Nếu yêu nhau, để rồi chỉ còn biết có nhau, quấn quít lấy nhau, đâm ra lười biếng, bê trễ công việc, tình yêu ấy có đem lại lợi ích gì? Không phải nói như vậy là ta muốn tìm lợi lộc nào đó trong tình yêu, nhưng một tình yêu chân chính là một tình yêu trọn hảo, nó không làm thiệt hại ai, trái lại còn phát triển thêm con người với tất cả mọi năng lực tiềm tàng. Nhớ đến người mình yêu, không phải để ngồi thừ ra như mất hồn (nhiều người mắc phải cái "tật" hay lắm, suốt ngày ra vào cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn, người ta kêu là những người phải "bùa yêu", bởi vậy mới có câu ca dao : " Bùa yêu ăn phải lòng càng ngẩn ngơ"). Biết bao người, trái lại, hình ảnh của người yêu như một động lực mạnh mẽ thúc đẩy họ hăng say trong mọi công việc. Những sinh viên miệt mài với việc học, họ ước mong kết quả của học vấn đem lại cho họ một bảo đàm vững chắc trong tương lai, phần khác, cũng bởi họ muốn xứng đáng hơn với người họ yêu thương.

Có một điều, có thể nói là thông thường : những người yêu nhau hay làm mất nhiều thì giờ của nhau. Ngoài những lúc một mình mơ mơ màng màng, anh nhớ chị, chị nhớ anh, người ta còn cố tìm rất nhiều dịp để gặp gỡ nhau, để cảm thấy được gần nhau, nhìn nhau thương mến, nỉ non tâm sự. Nhiều người có thói quen thích đưa nhau đi "rước đèn" không tuần nào là không có những chương trình "du ngoạn" : ăn kem, ciné v.v... và chiếc xe gắn máy nay đóng vai "thuyền tình" chở hai tâm hồn phiêu du hết nơi này tới chốn khác, người ta sung sướng được ở gần nhau và có gần nhau như vậy, họ mới tìm được sự yên ổn cho tâm hồn, mới cảm thấy không mất nhau. Thật ra không thể chối cãi những cuộc gặp gỡ là phương tiện giúp cho tình yêu thêm sâu đậm, câu thành ngữ "cách mặt xa lòng" tuy không hoàn toàn đúng nhưng dù sao vẫn có giá trị của nó. Gặp gỡ như chất keo nối kết hai người và nhờ sự hiện diện thường xuyên của đối tượng, người ta "yên tâm". Nhưng gặp gỡ nhiều quá cả hai sẽ quên cả ngày giờ và bổn phận. Những công việc lẽ ra cần phải thực hiện ngay, giờ đây vì những sự gặp gỡ ấy, bị bỏ quên một cách tàn nhẫn. Hai người sung sướng vì được gần nhau, nhưng họ không ngờ đã làm mất thì giờ của nhau quá nhiều, sự mất thì giờ ấy kéo theo nhiều thiệt hại, cho chính họ cũng như cho nhiều người khác. Thà rằng chỉ mất thì giờ và thiệt hại cho chính mình, người ta có thể bình yên tự nhủ : "Không sao, ta thiệt hại như vậy là để hy sinh cho tình yêu, hy sinh cho người mình yêu". Hy sinh như vậy, chỉ một mình ta thì được, nhưng không thể bắt người khác cũng phải hy sinh cho tình yêu của ta luôn. Một điều chắc bạn không ngờ : các tâm lý gia khuyên các đôi vợ chồng thỉnh thoảng nên có những dịp sống xa nhau, đó là một phương thế rất hữu hiệu, đã được chứng minh bằng thực tế để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Sự có mặt thường xuyên của nhau lúc đầu là một cái gì quí báu, nhưng dần dần nó trở nên bình thường, rồi tầm thường, sau này dễ đi đến nhàm chán và cuối cùng là chán ghét. Sự vắng mặt trong thời gian nào đó của người mình yêu tạo cho ta một khoảng trống, một sự thiếu thốn, chính lúc ấy, ta ý thức được sự có mặt của họ là cần thiết và quí báu. Qua những ngày sống xa cách đó, khi trở về được sống bên nhau, họ mới thấy rõ hơn giá trị sự hiện diện của người mình yêu mến. Tuy nhiên bây giờ còn quá sớm để chúng ta bàn tán về những phương pháp bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển tình yêu, một ngày nào khôn lớn, đời sống và kinh nghiệm sẽ dạy ta điều đó một cách đầy đủ. Ở đây chúng ta chỉ có ý nhắc cho nhau : một ngày nào đó, khi tình yêu như làn gió yêu thương ngọt ngào ùa đến, chúng ta đừng để hồn phiêu bồng theo nó để đi khắp chốn, đừng cùng nhau, hai tâm hồn đưa nhau vào mộng, quên cả thời gian vẫn lặng lờ xuôi chảy. Nghe thì thơ mộng thật đấy, nhưng dù sao vẫn còn thực tế. Lúc đắm đuối trong tình yêu, người ta bảo "thời gian như ngừng lại", chỉ "như" thôi, thực sự nó chẳng ngừng lại chút nào cả. Hơn nữa, không làm mất thì giờ của nhau, còn là cách ta giữ cảm tình với những người thân của người mình yêu : không ai muốn con cái, anh chị em của họ bị mất thì giờ, bị phiền nhiễu vì yêu cả. Tuổi hăng nồng và dễ say đắm của chúng ta nói đến cái gì chừng mực, đều đặn thường là thấy khó chịu, giả dụ ta yêu, ta chỉ muốn lúc nào cũng có họ ở bên cạnh, nhưng không làm mất nhiều thì giờ của nhau là một trong những dấu hiệu của một tình yêu chân chính. Bây giờ chưa yêu, chưa sao ; nhưng một ngày kia, bước chân vào con đường tình yêu với người bạn đường dễ yêu, dễ mến, thưa bạn hãy nhớ đến cái dấu hiệu đó.

Một dấu hiệu cuối cùng của tình yêu chân chính, cũng có thể nói là một dấu hiệu quyết định, dấu hiệu đó, thưa bạn "Con đường dẫn đến hôn nhân có thể nhìn rõ". Ngày nay, người ta có chủ trương : "yêu một người, lấy một người", và họ lý luận, người yêu chưa hẳn là người bạn đường hoàn toàn, khi yêu khác nhưng khi xây dựng gia đình tôi phải tính khác chứ! Nghe thì lãng mạn thật, khiến cho ta ham tìm hiểu bằng... hành động, nghĩa là thử thực hiện như vậy xem sao, nhưng nếu nghĩ kỹ, chúng ta thấy trong chủ trương ấy có biết bao điều mâu thuẫn. Yêu khác, lập gia đình khác! Như vậy, cái tình cảm ta dành cho "người yêu" đâu còn phải là tình yêu nữa. Yêu, tức là ta tìm hạnh phúc cho người yêu chứ không phải cho chính mình, đó là một hành động được thực hiện với tất cả con tim nồng cháy của ta, không một chút vị lợi, và tuy có khôn ngoan sáng suốt nhưng không hề tính toán nhỏ nhen. Ta yêu một người, nhưng lại lập gia đình với một người khác, tức là ta luôn luôn chọn phần tốt cho mình, ta tìm sung sướng và hưởng thụ cho chính mình. Một mình ta, ta đòi hỏi tất cả, ta tham lam tìm kiếm quá nhiều : một mặt ta đòi những xúc cảm "mê li hấp dẫn" cho ta, đòi những vui thích do người yêu đem tới, mặt khác, ta lại tính toán để có một gia đình êm ấm cho riêng ta, còn bỏ mặc người ấy. Sau giai đoạn yêu nhau, ta không còn cần biết đến đời sống của họ sẽ ra sao nữa, ta không hề nghĩ đến rồi đây một trái tim sẽ tan nát, một đời sống sẽ héo tàn. Hành động như vậy người ta gọi là một hành động ích kỷ chứ không hề mang một dấu vết yêu thương, và còn chữ nào khác để đặt cho những người hành động như thế thích hợp hơn hai chữ "lường gạt". Chưa hết, người hành động như vậy có thể nghĩ : "kệ họ, bây giờ mình lo cho mình, miễn cuộc đời mình hạnh phúc, sung sướng là đủ", nhưng chúng ta có thể tin hạnh phúc đối với con người đó chỉ như một cánh bướm chập chờn mà không khi nào họ có thể bắt được trong tay. Vì hôn nhân là gì, nếu không phải là hành động kết hợp "cả hai nên một", cả hai tâm hồn ấy sẽ sống cùng một đời sống, sẽ cùng sung sướng, lo lắng ; vui, buồn cũng cùng nhau chia sẻ để rồi thiết lập một mái ấm yêu thương, trong đó hai người sống cho nhau, vì nhau, và sau này là cho con cái, vì con cái. Hành động cao cả và vô cùng tốt đẹp đó chỉ có thể thực hiện trọn hảo khi hai tâm hồn tha thiết yêu nhau, tình yêu đóng một vai trò quyết định trong hôn nhân, không yêu nhau, làm sao người ta có thể cho nhau hoàn toàn, không vụ lợi, không tính toán, làm sao người ta có thể chịu đựng những khiếm khuyết của nhau trong suốt cả một đời, làm sao người ta có thể nâng đỡ tha thứ cho nhau, không phải một lần mà tất cả mọi lần trong đời sống lứa đôi? Một cuộc hôn nhân được tạo dựng không phải trên nền tảng căn bản là "tình yêu" không sớm thì muộn nó cũng có ngày sụp đổ, hoặc nếu không thì hai "đương sự" cũng suốt một đời khổ sở, hạnh phúc đâu không thấy, chỉ thấy toàn là bực tức. Có thể khéo giữ gìn, cả hai sẽ không nói ra, nhưng mỗi tâm hồn là một hồ chứa muôn nỗi hận sầu.

Chúng ta thường nghe người ta ngâm nga những câu thơ lãng mạn:

Đời mất vui khi đã vẹn câu thề,

Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở.

Ta không thể phủ nhận giá trị văn chương của câu thơ và cũng trên lĩnh vực văn chương, ta thành thực khen ngợi thi nhân đã dệt thành hai câu thơ đó. Nhưng đó có phải một nhận xét xác đáng, một lời khuyên cần nghe theo không lại là chuyện khác. Cứ như vậy thì người ta quan niệm hôn nhân là mồ chôn tình yêu, tình yêu theo ngày tháng lớn lên dần, cho đến ngày hôn nhận được thực hiện cũng chính là lúc tình yêu già và chết. Thật ra không phải như thế, ngày hai người nắm tay nhau trao chiếc nhẫn cưới không phải là ngày hai người đã cùng nhau tìm đến đích điểm, mà là hai người bắt đầu sửa soạn hành trang lên đường, con đường đầy cam go, nhưng cả hai sẽ cảm thấy nhẹ nhàng vì có bạn bên cạnh sẵn sàng nâng đỡ.

Hơn bao giờ hết, trước trào lưu yêu cuồng sống vội, giá trị và ý nghĩa của hôn nhân phải được hiểu một cách chính xác. Cuộc tình nào nhắm tới hôn nhân mới là cuộc tình tốt đẹp, đầy tính chất xây dựng và không hề mất đi vẻ tươi mát, thơ mộng. Dĩ nhiên, dù sao cũng còn duyên trời nữa, lắm đôi lứa rất yêu nhau mà chẳng lấy được nhau, đó là chuyện bất khả kháng, còn đã có ý định không kết hôn ngay từ phút đầu mà vẫn để cuộc tình diễn tiến, đó quả là điều không nên làm. Hơn thế nữa, một khi biết chắc con đường dẫn đến hôn nhân hoàn toàn nghẽn lối, ta hãy có can đảm giã từ càng sớm càng tốt, để ít ra không tạo thêm những kỷ niệm, nó ràng buộc thêm hai người, và càng khiến người ta thêm đau khổ khi chuyện tình tan vỡ. Có thể cuộc giã từ này gây đau khổ cho ta cũng như cho người yêu không ít, nhưng một đằng như vết thương ngoài da, tuy đau xót nhưng mau lành, một đằng dần dần héo úa cả con tim, không còn cách nào làm tươi tắn trở lại, chúng ta phải quyết định để lựa chọn.

Những dấu hiệu của một tình yêu chân chính vừa được tàm tạm trình bày như trên. Chúng ta hãy lưu ý, để một khi có luồng tình cảm mới nào len vào tâm hồn, nó làm ta ngây ngất bởi hương vị nồng nàn, say đắm, ta vẫn biết dành ra những phút thinh lặng, để cho hồn lắng xuống và "lòng hỏi lòng" xem tình cảm đó có dấu hiệu của một tình yêu chân chính không, nếu có, ta cứ yên lòng để bông hoa tình yêu đầu mùa tươi nở, nhưng rủi không phải, thì dù hương vị của tình cảm này có ngọt ngào, nồng nàn đến đâu đi nữa, bạn ạ, chúng ta cần can đảm cắt đứt, để bảo vệ trái tim ta và trái tim người ấy.

Dù sao, đây cũng là một vấn đề đặt ra quá sớm đối với chúng ta. Điều cần thiết bây giờ chính là bàn về những thứ tình cảm ta đang có hoặc có lẽ sắp có.

Xem tiếp chương 7 & 8