Khi Về Dưới Bóng Cây - Chương 5 & 6

Chương 05

Người chị dâu nói lớn như chưa bao giờ:

- Tôi đã bảo rằng dây điện thoại bị chuột cắn đứt từ lúc nào, tại sao Vy không tin tôi?

Mắt Vy đỏ rừ. Vy muốn thét to cho vỡ trái bong bóng đang lơ lửng trên tay bé Bình. Loan nhìn Vy, ngơ ngác. Loan đã thấy Vy không còn là bé Vy như mọi ngày. Loan dịu ngọt:

- Kìa Vy, sao Vy cứ quả quyết là chị Vĩnh cắt dây điện thoại? Có ai lại điên rồ phá của như thế?

Vy tức nghẹn:

- Chị cũng ngây thơ lắm. Chị không biết gì cả.

Vợ Vĩnh quay sang Loan, phân trần:

- Đây! Cô xem! Chị mới dẫn hai đứa nhỏ ló mặt vào nhà là nghe cô ấy hạch hỏi như hỏi tội tù. Thuở đời nay, điện thoại nhà tôi mà tôi lại cắt đi ư?

Loan nói:

- Vy! Vy cần gọi điện thoại cho ai? Gấp không? Hay là để nhờ anh Trọng chở Vy đến… Thủy hả? Nga? Hay là Liên Chi?

Vy không nén nổi, gắt lên:

- Không phải nhỏ nào hết. Em không cần gọi cho ai hết. Nhưng tại sao lại thế này?

Vy khổ sở cầm máy điện thoại lên. Vậy mà Vy đã chờ tiếng chuông reo. Vy đã lắng nghe từng bước của thời khắc đi qua.Thoại có giận Vy không? Thoại có nghĩ rằng Vy hèn nhát, bạc nhược không?

Vợ Vĩnh ngồi xuống ghế, phân bua với Trọng lúc này đang ngồi cứng ngắc như một nhân chứng bất đắc dĩ:

- Cậu Trọng xem! Cô ấy coi tiểu thuyết nhiều quá rồi đâm ra giàu tưởng tượng. Đã bảo rằng chuột cắn đứt dây điện thoại là thường, cô ấy vẫn cứ bảo là tôi không muốn cho cô ấy liên lạc với bạn bè. Tôi có bao giờ cấm cô ấy chơi với Nga, Thủy hay Chi đâu.

Vy tức tối:

- Em không cần Nga, không cần Thủy, không cần Chi…

Vợ Vĩnh đứng phắt dậy, nói:

- Vậy thì cô cần ai? Cô nói cho cô Loan, cho cậu Trọng biết đi. Quá lắm rồi! Cô hãy nói là cô cần thằng Thoại nào đó. Nó vẫn gọi đến cho cô hàng ngày. Cô hãy nói là cô tức vì không được nghe giọng nói dấu yêu của nó.

Loan giật mình, hỏi gấp:

- Chị Vĩnh, chị nói gì vậy? Thoại nào?

- Thoại, cái thằng râu tóc bê bối như ăn mày đó. Nó ám ảnh cô Vy, gọi điện thoại cho cô ấy hàng bữa.

Vy run lên, nói không ra lời:

- Chị Vĩnh… chị … đừng…

Vợ Vĩnh kể một tràng:

- Cô ta bị thằng đó hớp hồn rồi. Sáng nay nó đến sớm, rủ rê cô ấy đi nhóm, đi họp gì đó. Cô ấy tưởng tôi không hay biết gì. Hừ, đi học mà mang theo toàn là nhạc. Tôi còn lạ gì mấy cô cậu học trò choai choai bây giờ, thích tụ tập từng đám rồi hát hò, cười cợt với nhau, thật là khả ố!

Loan bàng hoàng hỏi Vy:

- Vy! Thật vậy không?

Vy nghẹn ngào:

- Chị Loan tin lời của chị ấy sao? Phải, có Thoại đó, nhưng anh Thoại không phải là ăn mày. Vy cũng không phải như mấy đứa choai choai.

Vợ Vĩnh cười mỉa:

- Đó, thú nhận hết rồi đó. Tội nghiệp cô ấy quá! Thức khuya dậy sớm, đi học cả ngày chủ nhật. Tội nghiệp luôn cả tôi, cong lưng nuôi cơm cho người ta phè phỡn hẹn hò. Nhục nhã quá!

Vy bật khóc:

- Tôi không có đê hèn như vậy. Trời ơi! Mấy người ỷ là anh là chị rồi hiếp đáp tôi. Mấy người phá đám tôi. Tại sao chị Loan có quyền đi chơi với anh Trọng mà tôi thì bị ngăn cản?

Loan ngơ ngẩn nhìn Vy, không ngờ em mình đã có những lời lạ kỳ như vậy. Vợ Vĩnh cười gằn:

- Có mấy con chuột mới dám phá quấy ngăn cản cô.

Trọng thấy sự có mặt của mình ở đây là vô lý, nên nói nhỏ với Loan:

- Anh về nhé! Chuyện đi xi-nê dời lại dịp khác.

Rồi Trọng khe khẽ đứng lên, chào vợ Vĩnh và rút lui.

Không khí lắng xuống một lát rồi bùng lên với tiếng khóc của Vy:

- Anh Đặng nói không sai. Tôi cứ tưởng chị dâu luôn luôn tốt với em chồng.

Vợ Vĩnh ngạc nhiên:

- Cái gì? Cái gì? Cô nói gì? Chú Đặng thế nào?

Lúc đó mọi người nghe tiếng Đặng nói lớn ngoài sân:

- Chị bếp đâu? Ra xách giỏ vào dùm cô Hà nè. Vy ơi! Có chị Hà lên đây em.

Chỉ có Loan đứng dậy chạy ra. Loan reo lên:

- Chị Hà!

Đặng vừa huý‎t sáo vừa bước lên thềm. Vừa gặp mặt Đặng, vợ Vĩnh hỏi đón ngay:

- Chú Đặng! Chú nói tôi là người thế nào? Hở? Tôi có làm gì chú? Chú nói đi!

Đặng ngơ ngác và kịp nhìn thấy cô em út mắt ướt sũng đứng rũ rượi như một con mèo ốm. Biết có việc không vui xảy ra, Đặng hỏi Vy:

- Gì thế Vy? Sao lại khóc? Còn chị Vĩnh, chị nói gì lạ vậy?

Chưa bao giờ Vy thấy bực bội như bây giờ. Càng nhìn thấy mặt mọi người Vy càng khổ sở nôn nóng. Vy muốn bỏ đi khỏi nơi đây, nhưng tai vẫn phải nghe vợ Vĩnh rỉ rả:

- Tôi biết rồi! Anh em chú luôn luôn nghĩ tôi là đứa bần tiện. Chú không có trách nhiệm gì hết mà lại còn dẫn đường cho Vy nó khi dễ tôi nữa. Chú hãy để cho người ta trọng tôi với chứ! Tôi thương các cô các chú hơn là thương các em tôi. Đấy, cứ xem thì rõ, em tôi cũng năm, sáu đứa, mà có đứa nào ăn được của anh Vĩnh một đồng xu nhỏ, một bữa cơm lạnh đâu! Trong khi đó, các cô các chú, tôi đã vị nể hết tình. Đã lo từng miếng cơm miếng nước, còn phải chịu trách nhiệm về giờ đi, giấc đứng nữa. Tôi không nói thì thôi, chứ đã nói thì phải nói cho đến nơi.

Đặng đổi nét mặt, hỏi:

- Chị Vĩnh, hôm nay sao lại có vấn đề em của anh, em của chị ở đây nữa?

Vợ Vĩnh cười gằn:

- Chứ còn gì nữa mà không vấn đề? Đấy! Của cải này do ông bác sĩ tạo ra đấy! Tôi chỉ là một thứ mọi giữ của không công. Các cô các chú có quyền phung phí, có quyền chia xẻ. Nếu tôi có động đến lời nào thì các cô các chú cho rằng tôi thế này thế nọ.

Rồi xô chiếc ghế “rầm” một cái, vợ Vĩnh nói:

- Các cô các chú có tụ tập ở đây cho đông cũng chỉ vì vậy. Đó, nhà của anh Vĩnh, mấy người cứ đến ở, hãy hưởng cho hết.

Một người vừa vào đến ngưỡng cửa, tay còn khệ nệ một giỏ trái cây, áo dài màu xanh đậm bám đầy bụi đất, đã phải đứng sững lại. Vừa trông thấy, Vy òa lên:

- Chị Hà!

Giỏ trái cây được đặt xuống. Da mặt của Hà đang bừng đỏ. Không phải vì mệt nhọc sau đoạn đường xa, mà vì những câu nặng nề vừa nghe thấy. Vy thấy Hà run rẩy như người sắp nổi giận. Hà lắp bắp mãi mới thốt được ra lời:

- Chị Vĩnh! Chị ác độc lắm.

Người chị dâu buông một câu thẳng thắn:

- Tôi nói sự thật.

Hai giọt nước mắt lăn ra khỏi khóe mắt Hà. Hà nói uất nghẹn:

- Tôi về đây là vì sắp đến ngày giỗ ba. Chị không biết gì sao? Tôi mua đầy giỏ trái cây để cúng ba, cho ba còn nhớ đến sự có mặt của tôi. Tôi có thèm thuồng cái gì ở đây mà về? Tôi đang chờ xe để về nhà mẹ thì gặp anh Đặng. Anh ấy bảo là hôm nay mẹ lên anh Vĩnh chơi nên tôi lại ghé đây. Tôi ghé đây là vì mẹ, đừng hiểu lầm tôi. Chị méo mó, lệch lạc vừa thôi.

Đặng giơ hai tay lên đầu, nói:

- Tôi không hiểu gì hết.

Vợ Vĩnh gằn từng tiếng:

- Chú cần gì hiểu. Chú cứ hiểu rằng em chú nghi ngờ tôi cắt đứt dây điện thoại không cho nó nói chuyện với… bồ, vậy là đủ. Tôi xấu xa lắm, đê tiện lắm. Nhờ chú nhồi cho nó ‎ý tưởng đó, nên mới có ngày hôm nay.

Cùng một lúc, sự ngạc nhiên, nỗi xấu hổ và lòng tức giận làm mặt Đặng tái đi. Đặng chỉ tay vào Vy, quát lớn:

- Trăm sự là do mày, phải không Vy?

Rồi Đặng tát mạnh vào mặt Vy. Vy loạng choạng vì cái tát bất ngờ đó, ngồi phịch xuống ghế. Mắt Vy mở to nhìn Đặng, nhưng đã mờ đi không thấy rõ. Anh ta đó sao? Anh ta trở thành một con người sợ sự thật và thô bạo đến thế ư? Tất cả lòng kính trọng đang hạ xuống thấp. Rõ ràng là Đặng đánh em để mong làm nguôi lòng giận của chị dâu, hầu còn chút hy vọng anh chị Vĩnh giúp đỡ cho mình thực hiện giấc mơ “cau lồng rượu chóe”. Ý nghĩ đó làm Vy không khóc được. Vy giương to đôi mắt cứng trơ như hai khối nước đá, nhìn Đặng, môi mím lại căm giận.

Hà sụt sùi:

- Tôi hiểu rồi! Tôi hiểu rồi! Vy nó có tội gì? Nó chỉ là một đứa bé, một đứa bé chưa dứt ly sữa. Làm anh làm chị thì phải rộng lượng với nó một chút. Phải hiểu là nó còn bé lắm, còn dại lắm. Nó chưa lần mò hết mấy lớp trung học. Nó chưa tới cái tuổi biết suy xét như chúng ta. Sao không rộng lượng với nó?

Vợ Vĩnh mỉa mai:

- Tôi biết, cô dạy học trò nhà quê mãi rồi quen cái giọng đó. Tôi không cần ai dạy tôi. Tôi rộng lượng đã nhiều rồi.

- Nếu vậy tại sao lại có vụ cắt dây điện thoại?

Vợ Vĩnh hầm hầm cầm máy điện thoại lên, ném mạnh xuống đất, nói:

- Nếu tôi bảo ừ, tôi đã làm như cô Vy nói, thì làm sao?

Vy hét lên:

- Thì chị sẽ nhận lấy hậu quả của việc chị làm!!!

Sau câu nói dữ tợn của Vy, như có một âm vang nào làm mọi người ngơ ngẩn. Không ai dám nói một lời nào nữa. Câu chuyện tưởng sẽ bùng nổ lên nhưng lại lắng xuống không ngờ. Câu nói của Vy có vẻ quá đáng nhưng khiến cho mấy anh em, chị em nhìn nhau. Chuyện gì sẽ xảy ra?... Và Vy, bất chợt cúi xuống nhìn máy điện thoại nằm trơ vơ dưới chân tủ, Vy nghe một nỗi gì ghê rợn chạy dọc suốt toàn thân.

***

- Chị hãy đợi mẹ lên, rồi có đi cũng không muộn.

- Sợ đến tối không còn qua phà được Vy à.

- Nhưng mẹ chắc sắp về đến nơi. Chẳng lẽ anh Vĩnh chở mẹ đi đến tối?

Hà cúi đầu thở dài:

- Hay là… để chị sang nhà bác Lê? Dám chừng mẹ chơi ở bên đó?

- Thì rồi mẹ cũng về. Mẹ biết rằng em đang mong mẹ.

Vy nói thế rồi buồn bã nhìn ra cổng, thở ra nhè nhẹ. Vy sợ chị Hà nhìn thấu trái tim mình. Vy chống chân đưa khẽ chiếc xích đu. Hai chị em yên lặng bên nhau. Trong nhà, Loan và Đặng mỗi người ngồi một ghế, như hai bức tượng. Vợ Vĩnh đã đem hai con lên lầu.

Hà nghĩ gì rồi lại rơm rớm nước mắt:

- Hay vậy, chị đã không thèm đặt bước đến đây, về thẳng nhà nói chuyện với vú Sáu còn thích hơn.

- Vú Sáu ăn nói lẩm cẩm, chị về đó có nước nằm ngủ một mình.

- Thà như vậy. Chị quen sống ở tỉnh xa, về đây thấy cảnh phù phiếm chịu không được.

Vy hỏi:

- Chị đi chuyến xe mấy giờ?

- Mười hai giờ trưa. Đáng lẽ đến sớm hơn nhưng chị bị kẹt bắc. Trời dưới đó mưa lớn lắm.

- Trời mưa chắc bến sông buồn lắm chị hở?

- Không, lúc chị đi bến còn tấp nập người. Ở đó buổi chiều mới buồn. Khoảng giờ này, phà không còn qua lại nữa, chẳng còn ai qua sông. Trường học của chị nhìn ra đó, buồn thật là buồn.

- Chị nhớ nhà không?

- Vy nghĩ chị là sắt đá hay sao? Chị nhớ mẹ muốn khóc. Nhớ mẹ nên chị mới xin phép về. Mai mốt chị lại xuống ngay. Có khi chị muốn mời mẹ xuống dưới ở chơi với chị vài bữa, nhưng chị biết chắc là mẹ không chịu .

Vy ngắt nhẹ một ngọn lá, vò nát, nói bâng khuâng:

- Tại mẹ già yếu, mẹ ngại đường xa. Anh Vĩnh cũng không muốn cho mẹ đi đâu, sợ gió máy rồi mẹ bệnh.

Hà thở dài:

- Anh Vĩnh! Anh Vĩnh sáng chói nhất đối với mẹ, đối với mọi người. Anh nói gì ai cũng nghe. Không trách được. Anh Vĩnh đã cho mẹ hai đứa cháu nội kháu khỉnh…

Vy ngắt lời:

- Và một nàng dâu ngoan.

- Đừng, Vy! Em lạc đề rồi, hãy để chị nói hết. Mẹ thương anh Vĩnh nhất, chị cũng vậy. Chị thương anh Vĩnh hơn anh Đặng, hơn cả các em. Vì anh Vĩnh tốt, biết suy nghĩ. Chị còn được như hôm nay là nhờ anh Vĩnh. Anh Vĩnh dạy chị học cực khổ hơn một ông cha. Vì lúc nhỏ chị dễ chán nản, chị thấy mẹ nghèo túng chị muốn đi làm thuê làm thợ cho xong. Anh phải kèm chị từng đêm. Tội nghiệp lắm, học ở Y Khoa khổ nhọc mà anh Vĩnh cũng nhắc nhở chị luôn. Chẳng bù với anh Đặng chỉ biết có thân mình.

Hà lau nước mắt, lẩm bẩm:

- Chị chọn công việc của chị, là chấp nhận xa mẹ, chấp nhận thiệt thòi. Chị không đòi hỏi, không ganh ghét. Chỉ buồn là càng lớn càng thấy xa lạ với gia đình. Thôi cũng đành… Bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Chị chịu làm ngón tay dư thừa tật nguyền nhỏ mọn.

Vy hoảng hốt:

- Nếu nói như vậy thì em mới là ngón thứ sáu dư thừa đó!

Hà nắm chặt bàn tay Vy, mắt sáng lên:

- Không. Em là con cưng của mẹ, em cưng của tụi chị. Tin như vậy đi! Ai cũng thương em, và bắt buộc phải thương em. Bởi em là dấu tích thương yêu cuối cùng của ba và mẹ.

Hà nghẹn lời. Chị nói như đang đọc truyện, như đang đọc một bài chính tả cho học trò. Vy nhìn lên cành lá của cây Ngọc Lan. Ở đó mặt trời đang thả những tia nắng cuối. Những đốm tròn nhảy múa với gió đưa qua kẽ lá. Vy đứng dậy. Hà ngạc nhiên hỏi:

- Ngồi đây với chị. Vy đi đâu à?

Vy cắn môi, rồi nhìn ra đường:

- Em sang bác Lê nghen chị!

- Để làm gì?

- Để gọi mẹ và anh Vĩnh về. Sốt ruột quá! Chẳng lẽ em với chị ngồi mãi như vầy?

Vy nói dối tài tình. Hà nhớm dậy:

- Chị đi nữa.

- Chị hãy ở đây. Để em lấy xe đi cho nhanh. Em sẽ về liền.

Để cho Hà ở đó, Vy mở cổng, rồi lấy chiếc Cady phóng nhanh đi.

Chương 06

Cánh cửa đóng kín như một ô hình chữ nhật màu xanh in trên bức tường trắng. Vy đứng sững ở đó. Bên trong khung cửa sổ khép hờ là một căn phòng im lặng. Thoại không có ở đây. Vân Cơ cũng không còn ở đây. Nhưng Vy biết đêm nay Thoại sẽ trở về cùng với các bạn của anh. Bởi trên bàn viết còn để lại tập giấy của Thoại và trong góc phòng còn một chiếc va-li.

Họ sẽ trở lại. Họ sẽ gặp gỡ ở đây, chỉ những gương mặt trẻ trung, những đôi mắt sáng, những vành môi cương quyết và những con tim đầy máu nóng. Vy nghe như những nhịp đàn hăng hái đang đổ dồn trong lòng. Vy muốn gặp họ. Vy muốn hát với họ. Vy muốn lên đường với họ. Tại sao lại ngần ngại? Tại sao lại phải khép kín nhiệt tình ở một khung đời chật hẹp? Những tình cảm nhỏ mọn, nhàm chán, thô sơ, tại sao ta phải lệ thuộc chúng? Còn kỷ niệm, ta không phải là con mọt để sống vùi với kỷ niệm.

Một căn nhà buồn tẻ hiu quạnh từ khi ta chưa lọt lòng, một khu vườn hoa trái chỉ nở đúng mùa, một bến sông đen đúa chán ngắt… Rồi nơi đây, một ngôi nhà như mọi ngôi nhà ở cư xá – ngày ngày phải nghe văng vẳng tiếng nhạc đệm cho bọn con gái bên nhà ông luật sư Thắng nhảy nhót… Chiếc xích đu, tàn cây Ngọc Lan, những chậu hoa kiểng… Căn phòng nhỏ nhìn xuống sân rộng, những gối mền làm cho ta lười biếng… Một lớp học với những khuôn mặt ngoan ngoãn. Những đứa bạn hằng dệt mơ ước giản dị. Những người thầy, người cô an phận. Một ngôi trường, một con đường đầy áo trắng… Đời sống hiện tại của Vy là đó. Đời sống đang chờ ngày tàn tạ. Ta sẽ bị tàn tạ rồi tiêu diệt với ngày tháng. Không! Chỉ có ở đây, những ngày sống mới sẽ bắt đầu.

Không cần hành trang, không cần tiền bạc, chỉ cần một tấm lòng. Anh Thoại, Vy sẽ trở lại đây bằng một tấm lòng.

Vy đạp máy xe, rồi chạy chầm chậm hết con phố của Thoại. Vy không biết đi đâu. Hay trở lại về nhà ngồi chờ đợi những phút giây nặng nề trôi qua? Mẹ giờ này chắc đã lên? Những gương mặt nhìn nhau bất mãn, cáu kỉnh… Vy sợ gặp mẹ. Vy sợ gặp anh chị mình. Vy như lênh đênh trong một tâm trạng kỳ lạ. Vy chạy xe thong thả giữa dòng xe cộ xuôi ngược, vẻ thong dong nhưng ai biết được rằng Vy là một người đang chờ đợi?

Con phố nhỏ đang lên những ngọn đèn đầu tiên. Gió thoang thoảng qua tóc, qua mặt, qua cổ áo. Không còn mấy giờ mấy phút nữa, ta sẽ rời khỏi nơi này, thành phố nhỏ hẹp với những con người gò bó. Ta sẽ lên đường. Nội hai tiếng “lên đường” đó cũng đủ làm ta sung sướng biết bao. Vy chơi vơi, lòng thanh thoát như không còn vướng bận những chuyện bực mình nhỏ nhặt vừa qua.

Trước mắt Vy, ở trên lề đường, ai đang lững thững đi, dáng quen thuộc vô vàn. Thoại!!! Mái tóc đó! Chiếc lưng thẳng và cao đó! Anh đang đi vào một quán nước. Vy cuống quít. Phải gặp Thoại!... Vy chạy đến, dựng xe trước quán. Người con trai đã ngồi ở một góc phòng. Vy bước vào và đến bên bàn của anh.

- Kìa, Vy!

Người con trai nhìn lên. Vy sững sờ:

- Anh Thiều!..

Rồi Vy đứng như tượng gỗ. Anh Thiều, không phải Thoại, đang hỏi:

- Vy đi đâu vậy?

Nỗi bàng hoàng chưa tan, Vy trố mắt nhìn Thiều. Ta đã u mê đến thế ư? Mái tóc thân mến, dáng người quen thuộc, là anh của ta chứ nào phải là Thoại!

Vy đành phải nói dối:

- Vy… đi đến nhà bạn về, thấy anh đi ngoài đường, gọi không kịp, mãi đến bây giờ…

Thiều kéo ghế cho Vy ngồi, rồi lấy thuốc lá ra hút. Vy vẫn chưa tìm được lời nào để nói, lặng yên nhìn mấy ngón tay Thiều vàng chạch vì thuốc lá. Thiều gọi một tách cà phê đen, rồi tự động gọi cho em một chai nước ngọt. Hai anh em nhìn nhau. Thiều hơi mỉm cười. Lòng Vy cồn cào lạ thường.

- Ngày mai anh đi.

Vy giật mình, hỏi như người ngủ mơ:

- Anh đi đâu?..

Thiều cười trong khói thuốc lung linh:

- Hỏi ngây thơ chưa! Ra đơn vị, đi hành quân lại. Cũng như mọi lần…

Cũng như mọi lần… Vy nhè nhẹ thở dài. Như mọi lần , Thiều trở về sau một chuyến đi, ghé thăm mẹ, thăm anh Vĩnh, anh Đặng, rồi mất biệt. Ít khi nào mọi người phải đưa tiễn Thiều. Luôn luôn Thiều tỏ ra là một kẻ bất cần. Dường như tình cảm đã khô từ ngày Thiều vào lính. Thiều ít có mặt hơn cả chị Hà. Thiều ít tham dự vào những câu chuyện của gia đình, nên cũng ít ai đề cập đến Thiều. Nhưng không phải vì thế mà Thiều khỏi xích mích khi gặp mặt anh em. Tất cả chỉ vì tính bướng bỉnh của Thiều.

- Nghĩ gì đó Vy?- Thiều hỏi – Có gì lạ không? Sao thấy Vy lơ ngơ như người ốm mới dậy thế?

Vy cười gượng:

- Anh chỉ tưởng tượng. Muốn biết có gì lạ, sao anh không về nhà thăm?

Thiều hỏi giọng nửa đùa nửa thật:

- Nhà nào? Nhà của mẹ, hay nhà anh Vĩnh , nhà anh Đặng hay…

Vy trách:

- Nhà của ai anh cũng không về. Vy nghĩ chắc anh sống với bạn bè vui nhộn lắm?

- Ờ… tùy. Còn Vy, vẫn ở nhà săn sóc mẹ chứ, cô em “út mền rách”?

Vy bật cười:

- Giữa đám đông mà anh cũng không bỏ cái tật nói ghẹo em. Lúc này Vy ở nhà anh Vĩnh.

- Bỏ mẹ ở một mình với vú Sáu?

- Dạ.

- Chà! con gái mà xách gói chạy miết.

- Anh cũng ích kỷ lắm. Các anh các chị, người có gia đình, kẻ ham vui với bạn, không ở với mẹ. Vy là con út phải gánh tất cả.

Thiều trố mắt nhìn Vy rồi cười hề hà:

- Ý chà, “út mền rách” bữa nay l‎ý sự nữa ta! Ở với mẹ là một vinh hạnh, một diễm phúc, một…

- Thế sao anh không ở với mẹ? Anh về được ngày nào là đi biệt ngày đó. Mẹ buồn vì anh lắm.

- Buồn vì anh, rồi mẹ làm gì?

- Mẹ khóc.

Thiều chống tay lên bàn, nói bâng khuâng:

- Mẹ khóc? Vậy là mẹ thương anh đó. Vy còn nhỏ, Vy không hiểu đâu. Anh không về nhà mẹ, tại tính anh kỳ cục. Thà để mọi người quên mình đi, không lo lắng đến mình, hơn là về trìu mến nhau, khi đi xa rồi ai cũng khổ.

Vy chớp mắt. Anh Thiều đang nói những lời rất thành thật. Cách thương mẹ của anh lạ kỳ quá! Nhưng lúc này Vy nhận thức được một điều, là Thiều không khô khan tình cảm như mọi người lầm tưởng. Phải chăng hôm nay, trong một cuộc gặp mặt không định trước, Vy sẽ được nghe Thiều nói tất cả về quan niệm, tư tưởng của anh?

- Vy có bận việc gì không?

- Dạ?... Không…

- Nếu không bận đi đâu hoặc không nôn về ăn cơm, thì ngồi đây.

- Còn anh, anh có hẹn ai không?

Thiều đốt điếu thuốc thứ hai:

- Không. Bạn anh đã về hết. Chúng nó phải đi chào cha mẹ, vợ con…

- Anh làm như anh không có gia đình…

- Điều đó chưa hẳn đúng, nhưng mỗi lần về mẹ, anh không cầm lòng được.

- Anh nghĩ gì?

Thiều rít khói thuốc giữa hai hàm răng, giọng lạnh lẽo:

- Không nghĩ gì hết. Vì kỷ niệm lớn lao quá, không còn chỗ để chọn lựa.

Vy cảm thấy lòng chùng xuống. Thiều hớp một miếng cà phê, cười nhẹ:

- Anh nói có vẻ… cải lương quá không Vy? Tội nghiệp Vy, đương không phải nghe những lời vô bổ.

- Không có đâu, anh Thiều!

- Anh có lỗi với mẹ, xin chịu. Và đến khi mẹ trăm tuổi, anh chỉ xin mẹ để lại cho anh một lòng tha thứ. Anh biết mẹ thương anh lắm, mà cũng buồn cho anh lắm. Còn anh Vĩnh, anh Đặng, chắc không thích gì anh. Cái thằng, đi thì thôi, chứ về là đả kích, gây gỗ, phá rối, phải không Vy? Ngày trước chị Hà còn nghe lời anh Vĩnh, nhưng anh thì…

Giọng Thiều bỗng sũng ướt:

- Anh hối hận đã không là bác sĩ, kỹ sư cho mẹ vui lòng. Mối ân hận đó làm cho anh ít khi về gặp mẹ. Vy phải hiểu rằng một đứa cứng cỏi nhất vẫn còn có một chỗ yếu mềm. Anh che giấu tình cảm của anh vì thế.

Vy đưa tay gạt những giọt nước đọng quanh thành ly lạnh ngắt. Nước chảy xuống mặt bàn, buồn bã len nhẹ quanh chiếc ly. Thiều nói tiếp:

- Tại Vy trách anh, nên anh mới phải nói. Những điều này thật ra vô ích đối với Vy. Vy cứ nghĩ anh là một cục sắt, cục đá, hay là cỏ cây gì cũng được. Còn nếu muốn hiểu anh thì hãy hiểu rằng – đứa con nào, dù nên dù hư, dù sung sướng hay khổ cực, cũng có một góc trong tâm hồn dành để thương cha mẹ của nó.

Vy se lòng… Vy len lén nhìn anh. Mắt Thiều như trở nên hai cái vực sâu thẳm tràn trề bóng tối. Không biết được có‎ ý nghĩ nào trong hai vực thẳm đó. Ngọn đèn trong quán chỉ soi sáng được phân nửa gương mặt Thiều, khiến Thiều khi im lặng càng giống một pho tượng. Vy liên tưởng đến gương mặt của Thoại. Thoại cũng có những nét như Thiều vậy.

Tự nhiên Vy nhớ mang máng lời của một đứa bạn nào đã nói: “Hình như khi một đứa con gái lớn lên, yêu một người nào, trước hết là vì người ấy giống cha nó, hoặc giống anh nó”. Nếu quả như vậy, thì phải công nhận rằng Vy đã thương anh Thiều hơn tất cả những người anh chị khác. Đúng như vậy. Mái tóc của Thiều, dáng đi của Thiều… đã nhập tâm rất sâu đậm trong Vy, từ thuở nhỏ Vy ngồi trên chiếc thùng gỗ có gắn bốn cái “bạt đạn” cho Thiều kéo đi. Thiều cười đắc chí khi thấy chiếc xe chạy bon bon, vì đó là công trình thức khuya dậy sớm của cậu bé. Khi Thiều và Loan được tám tuổi thì Vy mới lên ba. Loan là người chị song sanh với Thiều nhưng tính tình khác hẳn, thích làm điệu và ở mãi trong nhà đọc truyện. Thiều là con trai, ưa chạy nhảy nên cả ngày cõng Vy chạy chơi khắp xóm. Kỷ niệm tưởng đã tan như sương, bây giờ đọng lại thành tảng nước đá. Vy se sắt nhớ đến một hôm Thiều mê tập xe đạp, chở Vy đàng sau, qua khúc quanh gần nhà, hai anh em ngã té. Vy khóc không thành tiếng vì quá đau. Còn Thiều trầy cả hai đầu gối, nhưng không dám than, phải bế em về nhà và nhận lãnh một trận đòn. Khi Vy lớn, Thiều dành làm tài xế chở xe đạp đưa em đi học. Đường ruộng lộng gió, Thiều huý‎t sáo và dạy Vy hát bài “Rắc cành dinh”(*) Kỷ niệm ngừng lại khi Thiều đi lính. Tảng nước đá tan ra, không thành nước, mà thành khói thuốc lá nhuộm vàng hết cả mấy ngón tay Thiều.

Sự im lặng không biết kéo dài trong mấy phút. Nhưng Thiều đã uống cạn tách cà phê. Vy biết thời gian hai anh em được ngồi trước mặt nhau ôn lại một chút kỷ niệm chắc cũng không còn dài. Đàng nào ngày mai Thiều cũng sẽ lên đường. Lại hai chữ “lên đường” làm Vy xúc động. Vy thấy mình giống như một đứa bé đang háo hức ngước nhìn lên thèm thuồng mấy trái chín trên cây nhưng đồng thời tiếc rẻ chiếc kẹo thơm ngọt trong bàn tay của mình. Vy rót hết chai nước ngọt vào ly, nao nao nhìn những bọt tăm sủi lên reo nhè nhẹ. Thiều lên tiếng:

- Vy thấy anh có lắm lời không?

Không đợi Vy đáp, Thiều nói tiếp:

- Đối với Vy, anh không sợ Vy ghét: bởi nếu Vy có ghét anh, thì cũng chỉ là cái ghét của một đứa con nít – Thiều cười thư thái – Mỗi khi nghĩ đến cái trẻ thơ ngoan ngoãn của Vy, anh quên hết mọi chuyện. Dù nằm rừng, ngủ núi, anh vẫn cứ tưởng như có Vy ngồi trước mặt, hai anh em mình cùng hát bài “Rắc cành dinh”.

- Thương em mà anh Thiều không thèm về chơi với em. Anh nói vậy… chứ khi có bạn bè rồi anh lại quên Vy ngay.

- Cái đó hở? Tùy. Có khi còn quên cả mình đi chứ nói gì là em. Nhưng anh đã nói rồi, thương Vy là một chuyện, còn về nhà lại là một chuyện khác.

Vy thở dài. Thiều đã trở lại tính bướng bỉnh cố hữu rồi! Thiều lại hỏi:

- Hôm nay có ai ở nhà anh Vĩnh? Có chị Loan, anh Đặng phải không?

- Dạ.

- Có cả tên Trọng nữa?

- Dạ.

- Anh đoán không sai nhé! Cái thằng… ăn nói không mê được, tò tò theo con gái suốt ngày, mất cả khí khái của thằng con trai. Nó tình nguyện làm “tài xế xe thồ” đã mấy năm nay rồi, được gì chưa?

Vy nhăn mặt:

- Chết! Sao anh gọi anh Trọng là “thằng”?

- Nó chẳng làm gì anh, nhưng anh ghét thứ con trai như nó. Cha mẹ nuôi cho lớn rồi đi rập rình nhà thiên hạ như vậy, hèn cả người. Còn ăn uống trong nhà người ta mà cứ như là đang dành ăn với con nít, phun cả cơm cá vào mặt người ta…

Vy kêu lên nho nhỏ:

- Suỵt! Anh nói như vậy, ai nghe được thì kỳ.

- Nhưng Vy có đồng ý với anh không? Hay là Vy cũng ưa cái “tý‎p” người như vậy?

- Đương nhiên là Vy nghĩ giống như anh chứ. Nhưng thôi, ai có thân người ấy lo. Nay mai anh Đặng sắp lấy vợ, rồi cũng phải đi chiều lụy người ta vậy.

- Mẹ chắc sẽ còn khổ vì mấy vụ này. À, bây giờ mọi người đang làm gì ở nhà?

Vy sa sầm nét mặt:

- Đang… đang giận nhau, gây nhau. Có cả chị Hà mới lên nữa.

- Sao chị Hà không về nhà mẹ?

- Là vì mẹ cũng lên nhà anh Vĩnh

Thiều cười:

- Chà, đông quá nhỉ! Chắc thế nào cũng có đại hội gia đình.

- Anh về nhà một lát đi, gặp mẹ rồi mai đi.

Thiều nhíu mày không đáp. Chừng như anh đang nghĩ đến sự có mặt của mình là cần thiết hay vô vị trong một khung cảnh đông đảo, ồn ào. Tự nhiên Thiều lắc đầu. Đôi mắt anh sáng lên một giây rồi lại chìm vào bóng tối. Thiều thở dài. Giọng Thiều nghe xa lắc:

- Về cũng vậy, mà không thì… cũng chẳng hại gì. Mai anh đi, thì cũng chỉ như mọi lần đi. Rồi cũng về, chẳng mất mát gì. Có thương anh thì chịu khó cầu nguyện đi. Cho anh nếu rủi có trúng bom trúng đạn thì chết ngay, chứ đừng có mất cái tay, cụt cái chân hay đui con mắt thì khổ lắm…

Vy rùng mình, nhắm mắt lại. Chừng mở mắt ra, Vy thấy Thiều chỉ là một gương mặt nhòe nhoẹt. Chiếc đồng hồ cũ kỹ treo trên đầu cửa của quán nước thong thả buông bảy tiếng. Đêm đã xuống như không chờ đợi. Thiều nói rất nhỏ:

- Vy! Về đi không thôi mẹ lo.

- Anh không về?

- Không.

Vy dụi mắt. Biết không có gì lay chuyển nổi tính gàn bướng của Thiều, Vy đứng dậy. Thiều nói như truyền lệnh:

- Về trước đi! Anh trả tiền rồi ra sau.

- Anh về đâu?

Thiều đáp thật thản nhiên:

- Nhà thằng bạn. Mướn một quyển tiểu thuyết ba xu nằm đọc cho qua đêm rồi sáng mai đi, được há!

Vy buồn bã quay lưng đi ra. Vy đứng thừ người bên chiếc xe gắn máy. Anh em ta đã đến giai đoạn đó sao? Không khác hai kẻ qua đường. Tại sao Vy không được lo lắng cho Thiều, cũng như Thiều không thể nghe Vy kể chuyện về Thoại, về cuộc đời linh động mà Vy đang định dấn thân vào? Bóng đêm vây bủa xung quanh. Vy nghe thần trí đặc quánh lại.

Vy đạp máy. Tiếng máy xe nổ như lời khóc lóc. Vy sắp leo lên yên xe, nhưng Thiều đã ra đến nơi. Thiều bước vội đến, hỏi:

- Anh quên không hỏi một điều… Vy, cánh tay của mẹ… thế nào? đã bớt chưa?

Vy trả lời:

- Mẹ chỉ bị một cái nhọt gì đó, mẹ hay kêu nhức, không sao đâu!

Thiều đứng ngẩn người. Rồi bỗng Thiều nói nhanh, giọng cương quyết:

- Anh sẽ về nhà anh Vĩnh.

- Chi vậy?

- Gặp mẹ, từ giã mẹ… mai đi.

Rồi Thiều bảo Vy đưa tay lái cho Thiều.

-----------------------------------------------------------------------------------

(*) Rắc cành dinh: Tựa một bài hát thiếu nhi Thượng.

Xem tiếp chương 7 & 8