Đám Bèo Trôi - Chương 5 & 6

Chương 05

Cuộc đời không bao giờ êm xuôi cả. Nếu cứ sống mãi trong hoàn cảnh cơ cực như thế Hải quen dần và không quan tâm đến. Nhưng sóng gió lúc nào cũng có thể xuất hiện bất thần để lôi cuốn chiếc thuyền mỏng manh đập tan vào ghềnh đá. Dần dà nếp sống hiện tại trở nên quen thuộc và chính Hải cũng không để ý đến.

Một mình mụ Năm đã đủ làm bọn trẻ quần quật suốt ngày rồi. Một hôm mụ ấy đem về một gã đàn ông ốm nhom nhưng độc ác không kém mụ. Sau này bọn chúng biết rằng gã đàn ông mụ Năm mới đem về là em ruột của mụ.

Trước kia lão ta có nhà cửa đàng hoàng sống với vợ con. Nhưng từ ngày người vợ chết đi, không còn ai ngăn cản nếp sống phóng túng của mình, gã đâm ra chơi bời hoang phí, cờ bạc phá tan cả sản nghiệp. Con cái được họ hàng mang về nuôi hộ, vì cha chúng trở thành một con sâu rượu, thành phần xấu xa của xã hội.

Hải nhớ mãi ngày đầu tiên mụ Năm mang gã về với xác thân tiều tụy. Hôm đó trong bữa cơm tối diễn ra như thường lệ, bất thần mụ Năm trở về dẫn theo một gã đàn ông ốm nhom, nồng nặc mùi rượu. Áo quần lão ta xông ra một mùi hôi hám ngạt mũi. Cặp mắt gã đỏ ngầu, quắc lên nhìn bọn trẻ như đe doạ. Bé Liên kinh hãi trước tia nhìn soi mói, dò xét đó. Lão ta chậm chạp đưa mắt nhìn từ đứa. Sau đó lão mệt mỏi ngồi bệt trên nền nhà ẩm thấp miệng lè nhè một giọng khó nghe như phát ra từ một máy hát cũ mèm.

Lão khoát một cử chỉ chán chường bảo mụ Năm :

- Chị nói cho tụi nó biết tui là ai đi. Chần chừ mãi chán ghê.

Mụ Năm ôn tồn :

- Thì để thủng thẳng đã. Mày làm gì hấp tấp như ăn cướp. Trước sau gì tụi nó cũng phải biết.

Nói xong mụ quay sang bọn nhỏ bảo :

- Cậu Sáu đây sẽ thay thế tao lo lắng và chăm sóc bọn bay lúc tao vắng nhà. Tụi bay phải nể cậu và nghe lời. Đứa nào cãi biết tay tao.

Hai chữ “chăm sóc” được mụ nói lên trơn tru không ngượng mồm. Có phải mụ dùng nó để ám chỉ đến những trận đòn phủ đầu bọn trẻ ? Những trận đòn mà dấu vết không bao giờ phai mòn trong tâm trí trẻ thơ. Mắng chửi, la hét, đánh đập không nương tay là một hành động chăm sóc à ? Hải thấy nghẹn lời. Nỗi chua xót, đắng cay dần xâm chiếm trong lòng. Thế là từ đây chúng có thêm một cai tù trông coi. Tên cai tù hày độc ác hơn mụ Năm nhiều. Cặp mắt của lão đủ chứng tỏ điều này. Nhìn vào cặp mắt đỏ ngầu vì rượu cũng đủ làm bọn trẻ khiếp vía không đủ bình tĩnh đối diện với lão. Lưỡi chúng dường như cứng đờ lại trước tiếng hạch hỏi quát tháo của lão những lần lão trở về trong hơi rượu nồng nặc.

Kể từ ngày hôm đó căn mái lá tồi tàn không lúc nào dứt tiếng quát tháo và tiếng van khóc của trẻ con. Hết mụ Năm hành hạ, chúng lại chịu sự đánh đập của lão Sáu. Hai người thay phiên nhau trút hết sự bực dọc vào đám trẻ. Thua bài đêm qua mụ Năm chỉ biết giải toả cơn giận lên đầu chúng. Say sưa, nóng nảy lão Sáu cũng dùng đám trẻ làm đối tượng cho hả cơn.

Ban ngày trong lúc mụ Năm nằm dài ở sòng bạc qua một đêm thức trắng, ở nhà con Liên chịu sự hành hạ của lão Sáu. Có hôm nó đang lui cui quét lại ổ rơm nghe tiếng lè nhè của lão vừa thức dậy. Tối qua lão uống cả chai rượu trắng rồi ngả lưng xuống nằm lải nhải cho tới khi ngủ quên.

- Mày đâu rồi Liên?

Nghe tiếng gọi mình, Liên vội buông chổi chạy đến bên lão đương vươn vai uể oải.

- Dạ thưa cậu Sáu gọi con.

- Còn một mình mày ở nhà nếu không gọi mày thì gọi ai ? Chẳng lẽ gọi tao à ? Rõ khỉ.

Liên cúi đầu trước những câu mắng mỏ thông thường cho một ngày bắt đầu. Nó cảm thấy cử chỉ mình trở nên thừa thãi, lố bịch.

Lão phát cáu vì sự im lặng của Liên. Lão la lớn :

- Đứng đó làm gì đấy ? Không biết bổn phận mỗi sáng ra thế nào à ?

Con bé lật đật nói :

- Dạ biết rồi.

Nó với tay lấy chiếc khăn cũ mèm, đầy mùi rượu của gã chạy ra đầu xóm giặt sạch dưới vòi nước công cộng. Trở về nó đưa cho lão lau mặt. Lão lầu bầu trong mồm :

- Hừ ! Không hiểu chị tao nuôi chi thứ vô tích sự như mày.

Đưa lão khăn xong, Liên trở lại cầm chổi tiếp tục công việc bỏ dở. Nếu không một chốc nữa về thế nào mụ Năm cũng quần cho nó một trận. Tiếng chổi trên sàn nhà nghe rèn rẹt khiến lão Sáu bực mình. Nỗi bực mình càng gia tăng lúc lão vớ phải chai rượu rỗng không. Không có rượu lão đánh đập nó, đến khi có rượu lão càng hung dữ hơn vì hơi men hoành hành. Điều này có nghĩa lúc nào lão cũng có thể đánh đập cho sướng tay, hả giận. Liên chỉ yên thân lúc nào gã la cà ngoài các quán cà phê hay nằm ngáp phì phò sau cuộc chè chén say sưa.

Lão tức giận dằn vỏ chai trên mặt bàn mục nát. Liên giật bắn người vì tiếng động thình lình. Nó dè dặt nhẹ tay chổi để lão khỏi nổi sùng. Nhìn dáng con bé kéo lê cán chổi lão cằn nhằn :

- Lúc nào cũng lo nhà với cửa. Sao mày không để ý đến thân tao một chút xem sao ? Lẽ ra thấy rượu hết mày phải ra quán mua đem về. Không có nó làm sao tao sống nổi. Chắc mày không muốn tao sống ? Phải rồi, tao làm chúng bay khổ sở. Có phải tụi mày muốn nói thế không ?

Liên quá quen với giọng điệu kể lể như đàn bà của lão mỗi khi thiếu rượu. Nó nhàm chán với những câu nói được lão lập đi lập lại hàng chục lần. Không lần nào thêm hay bớt một chữ.

- Nói như vậy mày vẫn chưa hiểu ý tao muốn gì sao Liên ? Mày dốt gì dữ vậy ?

Nó hiểu nhiều lắm. Nó hiểu rằng phải đi mua ngay cho lão vài xị rượu kẻo lão nổi giận. Liên ấp úng trả lời :

- Dạ cháu biết.

Liên cúi mình dựng chổi vào góc nhà, bước lại bàn cầm lấy vỏ chai rỗng. Nó ngần ngừ chưa đi, còn đứng lại chờ đợi.

- Mua nhanh lên còn đứng làm gì vậy ?

- Thưa cậu Sáu cháu không có tiền.

- Tiền gì ?

- Tiền mua rượu.

Lão vờ cho tay vào túi móc tiền nhưng cuối cùng nói để khoả lấp :

- Sao chiều hôm qua mày không xin tiền chị Năm mua cho tao ?

- Cháu có xin nhưng má Năm không đưa và bảo…

- Chị ấy nói gì tao ?

- Má năm bảo muốn say sưa thì đi tìm lấy, không ai dư dả đâu nuôi sâu rượu.

Sẵn bực mình vì thiếu rượu và tức giận sau câu nói đó, lão sáu dang thẳng tay tát nó thật đau làm Liên chúi nhủi. Lão điên cuồng trong cơn ghiền hành hạ rượt Liên chạy khắp gian nhà.

Liên sợ hãi cuống chân chạy không nổi. Trong lúc đó lão la hét om sòm luôn miệng nói :

- Bọn bay khi dễ tao. Cho bay chết hết.

Nỗi kinh hoàng xâm chiếm Liên. Nó biết trận đòn trong cơn say còn nhẹ hơn lúc lão bị ma men dằn vặt như bây giờ. Nếu lão bắt được chỉ có nước nằm gục cho tới chiều mới dậy nổi.

Liên nghe tiếng rổn rảng trong đống sắt vụn. Lão đang bươi móc tìm một khúc cây vừa tay để đánh nó. Nó luống cuống đến độ vấp chân vào cạnh bàn. Chiếc chai rơi xuống vỡ tan. Mảnh vụn cắt vào tay máu tuôn xối xả. Thấy máu tuôn ra Liên ngất xỉu.

Mắt lão đang điên loạn vì thiếu rượu nên không thấy gì cả, thẳng tay giáng cây xuống thân hình bất động. Lúc đó Hải xông vào can gián bị lão vung thanh củi lên mình nó. Hải thấy nguy cơ đến cho Liên nên đâm liều xông vào mặc cho trận mưa đòn lên mình.

Hải giằng co thanh củi trong tay lão. Nó chợt hiểu nguyên nhân câu chuyện bèn la to :

- Con có tiền, bác Sáu đừng đánh nữa.

Nghe nói đến tiền mắt lão sáng rỡ, miệng nở một nụ cười thô bỉ và liền ngừng tay. Lão sung sướng như bắt được vàng, quăng cây vào góc luôn mồm nói :

- Tiền đâu…tiền đâu… đưa tao ra quán.

Hải móc hết số tiền mới kiếm được đưa cho lão Sáu. Cầm tiền trên tay lão mới tỉnh trí bước ra cửa nói vọng vào :

- Tao đi đây. À ! Sao mầy không đi bán ?

Chợt thấy máu rỉ ra ở cổ tay Liên lão hỏi :

- Sao vậy ?

Hải điên tiết hét :

- Ông đánh nó chứ làm sao ?

Lão Sáu gật gù một cách đáng ghét :

- Ờ ! Ai biểu ngu ngốc chọc giận tao. Nè, chiều về chị Năm có hỏi nói nó té nhe. Mày lộn xộn tao cho biết tay.

Không buồn nhìn dáng lão khập khễnh từng bước ra ngõ hẻm, Hải vực Liên dậy và nhờ lối xóm thương hại cho tiền kêu xe vào nhà thương.

Chiều về mụ Năm thấy Liên băng bó hỏi :

- Nó làm gì ra nông nỗi dữ vậy ?

Liên thút thít khóc, nó không biết trả lời sao. Giờ này lão Sáu vẫn chưa về để bọn trẻ được dịp xem lão đóng kịch chối tội. Hải vọt miệng nói thay Liên :

- Hồi sáng này lúc ra đầu ngõ mua rượu, nó bị xe đụng. Mảnh chai vỡ cắt đứt tay.

- Sao mày biết ?

- Con thấy… tận mắt.

- Họ có bồi thường tiền gì không ?

Tiền, lúc nào mụ Năm cũng nghĩ được cách moi tiền, kiếm tiền bằng mọi cách dầu phải đổi cả tính mạng bọn trẻ.

- Dạ. Họ đụng rồi chạy mất.

Mụ nghe nói kêu réo lên :

- Trời ơi ! Ngu ơi là ngu. Mày phải la làng la xóm. Gọi mã tà bắt nó lại. Nuôi một lũ ngu ngốc chán ơi là chán.

Tối hôm đó trong cơn sốt chập chờn Liên nghe tiếng mụ đánh đập Hải vì tội không đi bán hôm nay. Suốt ngày Hải quanh quẩn trong nhà thương và lo săn sóc Liên bỏ cả việc làm. Hải câm nín chịu đòn không khóc một tiếng nào. Nó không muốn Liên phải lo nghĩ nhiều về trận đòn nó mang phải. Trong cơn đau quặn người Hải nhớ tới lời anh Minh, nhớ tới ngôi sao bắc đẩu sáng ngời trên nền trời dành cho một ngày sau của nó.

Muôn nghìn vì sao loé lên trong đầu óc quay cuồng và nhức như búa bổ.

Đó là một trong những thảm cảnh xảy ra sau khi lão Sáu về đây. Bọn trẻ phải làm việc gấp đôi để đủ cung ứng cho sòng bạc mụ Năm và hũ rượu không bao giờ đầy của lão Sáu.

Đòn vọt và mắng chửi khiến bọn trẻ trở nên mệt mỏi hơn. Hình ảnh một mái gia đình êm ấm hiện ra trong nỗi mơ ước của chúng rõ rệt hơn bao giờ hết.

Vẻ mặt lão Sáu luôn phá tan giấc mộng yên lành của chúng để thay thế vào đó giấc mơ hãi hùng của địa ngục và ác thú.

Chương 06

Nhìn xấp vé số trên tay vơi đi khá nhiều Hải mừng thầm. Hôm nay đắt hàng quá. Nó vui sướng vì đủ tiền đem về nộp mụ Năm.

Từ khi có thêm lão Sáu, sự thiếu hụt luôn đe doạ mụ Năm. Tiền bọn trẻ mang về lúc trước chỉ đủ cung phụng cho mụ ngồi đánh bài một ngày. Nay số tiền đó phải chia sẻ bớt cho lão Sáu la cà, say sưa nơi quán nhậu.

Sự thiếu hụt đe doạ khiến mụ Năm càng đòi hỏi ở đám trẻ nhỏ nhiều hơn. Chúng phải làm việc gấp bội. Nhưng mồ hôi bọn trẻ đổ ra càng nhiều, số tiền gia tăng vẫn không đủ cho sự đòi hỏi quá đáng. Nhiều lúc kiếm tiền về đưa hết cho mụ Năm đến khi lão Sáu say nhè kháo tiền, không còn, chúng bị một trận nên thân.

Tiền bạc đã làm mờ mắt hai chị em mụ Năm. Cả ngày mỗi khi họ gặp nhau đều sinh cãi vã về vấn đề tiền bạc. Có một hôm Hải đi về nấp sau cánh cửa chứng kiến một màn cãi lộn giữa hai người.

Trên bộ ván cũ dành cho lão Sáu, mụ Năm đang đếm tiền. Bên cạnh mụ, lão Sáu say rượu khật khưỡng đứng không vững. Nhìn xấp giấy bạc mắt hắn sáng lên. Giọng lão lè nhè nói :

- Chị đưa tui một chút mua rượu.

Mụ Năm vẫn tỉnh bơ đếm tiền như không thèm để ý. Lão Sáu vẫn kiên nhẫn :

- Chị chia tui chút đỉnh, chị Năm.

Hải thấy mụ Năm nguýt dài :

- Hứ ! Tiền dư đâu cho mày đem cúng vô chai rượu. Nói hoài hổng biết mắc cỡ.

Lão Sáu nổi quạu :

- Chị nói gì kỳ vậy ? Chị không tiền, vậy chứ cầm gì trên tay đó ? Chắc giấy vụn ?

Mụ Năm không vừa :

- Ừ ! Giấy vụn, không cho mày đó.

- Chị nói vậy mà nghe được. Tiền nhiều quá cho tôi một ít ăn nhằm gì.

- Ở đó không ăn nhằm. Tiền này tao phải đem qua mụ Sáu. Hồi hôm đánh thua tao phải vay hẹn nay trả.

- Tưởng ai chứ mụ Sáu quen quá, khất vài bữa nữa chẳng sao.

- Để mụ ấy qua đây cào nhà mày ?

Thấy lão Sáu lôi thôi mụ Năm bực mình. Mụ không còn thời giờ đôi co với lão nên sẵng giọng nói :

- Mày nhây quá, dai còn hơn đỉa. Tao nói không cho là không cho. Mày muốn uống rượu thì đi làm kiếm tiền lấy. Đây là tiền mồ hôi của tao dư đâu mua rượu.

Tức giận run cả người, lão Sáu quát :

- Tiền mồ hôi của chị ? Nói không biết mắc cỡ. Mồ hôi của bọn trẻ thì đúng hơn. Chị có đổ giọt mồ hôi nào đâu. Tối ngày ngồi sòng bài rồi lăn ra ngủ, thức dậy khảo tiền chứ công lao gì. Tôi không muốn nói sự thật tại chị ức hiêp tôi mới nói.

Câu nói vừa rồi như gáo nước lạnh tạt vào mặt mụ Năm. Mụ cứng họng không cãi nữa. Đây là lần đầu tiên mụ bị người ta nói thẳng vào mặt sự thật khốn nạn đó. Người đã vạch rõ tim đen của mụ không ai khác hơn đứa em trai nghiện ngập, chính sâu rượu đã thúc đẩy lão nói lên sự thật đau lòng từ lâu mụ giấu kín. Mụ lắp bắp trong mồm :

- Mày nói với tao như vậy hả ?

- Chắc chị sợ ?

Mụ Năm tức giận bỏ đi. Còn lại một mình trong căn nhà lão Sáu điên tiết lên vì ma men hành hạ. Lão đập phá tứ tung rồi bỏ ra quán rượu.

Từ đó mối bất hoà càng ngày càng gia tăng. Khoảng trống cách biệt trong gia đình hiện ra rõ rệt. Bọn trẻ như sống trong địa ngục, một thứ địa ngục chôn vùi những ngày xanh của chúng, giết chết đi mầm mống thương yêu.

Tất cả chỉ còn là thù hận.

* * *

- Hôm nay bán khá không mà rảnh rang ngồi đây ?

Tiếng nói của Phan làm Hải giật mình. Nó quay về phía sau nhận ra thằng bạn thân đã cùng nó lê gót khắp nẻo đường Sàigòn hành nghề đánh giày.

Phan đặt chiếc hộp gỗ xuống vỉa hè rồi ngồi cạnh Hải. Nó đưa mắt nhìn cảnh người qua lại rộn rịp chiều thứ bảy. Rạp chớp bóng REX đầy nghẹt những người. Khán giả đứng lan ra cả vỉa hè và công viên đường Lê Lợi với dãy xe gắn máy dài hun hút. Mọi người thong thả bát phố sau một tuần mệt mỏi.

- Lúc này làm ăn khá không ?

Phan trả lời bạn :

- Không khá mấy nhưng cũng đỡ hơn trước nhiều.

Hải thắc mắc :

- Mày nói đỡ như thế nào ?

- Thằng chúa trùm Ba Đen bị cảnh sát hốt hôm tuần trước.

- Nghĩa là bây giờ mày khỏi nộp thuế cho nó mỗi ngày ?

- Chứ sao. Nhờ đó đời sống đỡ vất vả hơn. Mày biết không, mỗi ngày nạp nó tám chục bạc đâu phải ít. Số tiền này đủ tao ăn hai dĩa cơm bình dân. Còn nó chắc không bao lâu nữa tao phải đổi nghề.

Hải cười nói :

- Còn nó mày phải đổi nghề. Riêng tao ngược lại, không còn nó tao sẽ đổi nghề.

- Mày muốn trở về nghề cũ ?

- Ừ ! Mày thử tính xem bán vé số như thế này tao đâu có dư tiền. Mất bao nhiêu vé số tao phải nộp cho mụ Năm bấy nhiêu tiền. Nếu đánh giày bữa nào hên được nhiều tiền. Sau khi đưa cho mụ đủ số tao còn dư chút ít để dành mua cho Liên một cái áo ấm. Mùa lạnh tới rồi nó có mỗi chiếc áo mỏng dính ấy chịu sao nổi.

- Mày nói phải đấy. Đổi nghề đi để tao với mày còn đi chung với nhau. Hai đứa đi hai chỗ như bây giờ lâu lâu mới gặp mặt. Không có mày tao buồn thấy mồ.

- Tao cũng vậy.

Trời tối dần. Ánh đèn màu từ các hộp đêm sáng rực tạo thêm vẻ đẹp về đêm cho thành phố Sàigòn, một thành phố ban ngày nắng như thiêu đốt. Hai đứa trẻ giờ chỉ còn là hai bóng đen nhỏ bé ngồi cạnh bên nhau trên hè phố, khuất trong bóng tối. Những tà áo sặc sỡ sóng bước bên nhau trong tiếng cười nói ròn rã. Họ không để ý đến hai đứa bé đang xây mộng, một mộng ước thật bình dị của trẻ lang thang : một mái nhà êm ấm…

* * *

Vừa về đến đầu ngõ Hải gặp ngay Liên. Dường như Liên đứng đợi nó từ lâu. Gặp Hải, Liên chạy vội tới nắm tay nó vẻ mặt lo lắng. Hải không biết chuyện gì xảy ra ở nhà đến đỗi Liên phải đợi nó để nói. Gương mặt lộ vẻ sợ hãi của con bé làm Hải cảm động. Nó hỏi :

- Ở nhà ai làm gì em ?

- Không. Chẳng ai làm gì em cả.

- Vậy sao em có cử chỉ kỳ lạ vậy ?

Liên nói nhỏ như sợ ai khác nghe được :

- Vụ của anh đi học đó.

- Ra làm sao ? Anh chẳng hiểu gì cả.

- Má Năm mới khám phá ra và đang la hét om sòm trong nhà. Má bảo anh về sẽ nát xương.

Giọng con bé trở nên van lơn :

- Anh Hải, anh trốn đi kẻo chết đòn.

Chưa hiểu nội vụ ra sao cả Hải nói :

- Không, anh không trốn đâu cả. Để vào nhà xem sao. Chưa chi đã vội chạy trốn.

Hải không hiểu tại sao mụ Năm lại phát giác ra. Nó đã cẩn thận giấu hai quyển vở trong kẹt nhà làm sao mụ ấy nghi ngờ và bắt gặp được. Chắc chắn rằng không đứa nào trong nhà nói cho mụ hay điều này. Chúng mến Hải và mong cho Hải có chỗ học hành đàng hoàng. Còn lão Sáu làm sao biết được ? Hải lén đi học vào lúc lão chè chén say sưa ngoài quán hay lăn kềnh trên bộ ván ngủ khò. Thật khó hiểu.

- Lão Sáu hay vụ này chưa ?

- Chưa. Từ sáng đến giờ ông ta đi đâu mất. Em cũng không hiểu tại sao má Năm biết được chuyện này. Em lo cho anh quá.

- Không sao đâu.

- Má Năm để sẵn thanh củi trên bàn chờ anh về. Em sợ quá lén ra đây báo cho anh biết trước.

Hải ngạc nhiên :

- Trời ! Sao em dại vậy ? Lỡ mụ ấy không thấy em ở nhà có phải ốm đòn không.

- Em lo cho anh.

- Thôi, cứ vào thản nhiên với anh kẻo mụ ấy nghi ngờ phiền lắm.

Trong nhà, la hét một hồi khan hơi nên mụ Năm ngồi nghỉ mệt. Mụ ta đang tìm cách tra khảo nó cho hả giận. Hơi thở mụ hồng hộc như vừa qua trận đánh vật. Tai mụ lắng nghe từng tiếng động báo cho biết Hải về gần tới cửa.

Bọn trẻ còn lại sợ sệt ngồi im lặng trong kẹt. Chúng sắp sửa chứng kiến một màn tra khảo mà nạn nhân là Hải, đứa bạn đáng yêu của chúng. Năm Nhắt sợ đến nỗi không dám ngồi ngoài, nó núp sau lưng Tư Hơn và Bảy Gà.

Đợi lâu không thấy Hải, mụ Năm quát :

- Thằng Tư đâu. Chạy ra ngoài ngõ xem thằng ôn dịch kia về chưa lôi đầu vào đây.

Tư Hơn nghe gọi đến mình giật bắn người, tim đập thình thịch. Nó đứng dậy lẹ làng như cái máy rồi chạy ra cửa. Tư Hơn đứng khựng lại vì nó nhận ra Liên và Hải núp bên kẹt cửa hồi nào. Tư Hơn nháy mắt ra dấu rồi quay vào ấp úng nói :

- Dạ, nó đang về tới.

Tư Hơn riu ríu trở lại ngồi chỗ cũ.

Bóng Hải và Liên hiện ra ở khung cửa như kim châm vào người, mụ Năm ngồi bật dậy kéo tai nó lôi xềnh xêch vào giữa nhà. Nhìn thấy Liên sợ sệt dựa bên khung cửa mụ quát :

- À ! Lại có con này nữa. Chạy cho nó hay đặng trốn hả con ? Không chạy thoát tao đâu.

Mụ nói tiếp :

- Để mày chốc nữa hay. Giờ tao phải bận vì ông con này.

Mụ với tay lấy thanh củi trên bàn định đánh Hải. Sợ hãi nó giằng khỏi tay mụ nhưng không sao vuột khỏi. Mụ quất cho nó một cây vào lưng ngã lăn ra đất miệng nói :

- Mày đi bêu xấu tao cả xóm hay sao ?

Hải run run trả lời :

- Dạ con đâu dám.

- Lúc nào mày cũng nói đâu dám ! Trước mặt tao là thế còn sau lưng tao mày chửi vào mặt tao. Nè nghe tao hỏi: ai cho phép mày đi học ?

- Dạ, không ai cho cả.

- Mày lộng quá. Dám tự ý vác đầu đến nhà người ta học để người ta khinh tao, cười tao. Mày muốn vậy lắm phải không ?

Mụ nói oang oang trong khi Hải cúi đầu yên lặng nghe.

- Mày làm như vậy để họ khinh tao, bảo tao là con mẹ không có nhân đức. Bắt tụi bây đi làm kiếm tiền nuôi tao. Tao nghe nhiều rồi mà. Đừng khiến người ta nói tao nữa. Mày có hiểu điều đó ?

Nói xong mụ tiếp tục đánh túi bụi vào người thằng bé. Nó té lăn trên nền nhà bị mụ dùng chân đạp mấy cái thật mạnh. Hải điếng người trước trận đòn hung bạo nằm yên không nhúc nhích nổi. Nó rã rời từng cánh tay, đốt xương.

Mụ Năm lồng lên như con thú dữ. Mụ tru tréo lên như bị ai cắt tiết. Vừa lúc đó lão Sáu về tới. Mụ bỏ Hải xông ra túm lấy lão phân trần :

- Mầy không được tích sự gì cả. Mỗi một việc trông chừng nó mà cũng không xong.

- Tui có rảnh đâu mà dòm ngó nó hoài.

- Phải rồi, mày có rảnh ngoài quán nhậu chứ đâu ngó ngàng gì tới nhà cửa, để nó trốn đi bêu xấu tao với mày khắp xóm.

Vừa về tới nhà gặp ngay chuyện bực mình cộng thêm với vụ tên chủ quán vừa rồi không bán thiếu chịu rượu cho mình, lão cáu tiết, tuy không hiểu ất giáp gì cả lão cũng hùng hổ vào nhà thét :

- Đứa nào… thằng nào… đâu ?

Mụ Năm châm dầu thêm vô lửa nói :

- Còn thằng nào nữa. Nó nằm vạ giữa nhà kìa.

- À ! Thằng nhãi này ghê nhỉ. Được để xem mày tới đâu cho biết.

Vừa qua một trận dở chết nay lại thêm trận đòn của lão Sáu, Hải không đủ hơi sức đâu chống đỡ. Nó nằm im chịu trận.

Trong cơn mê chập choạng nó nghe mụ Năm la :

- Tao qua nhà nó xem sao. Nó dám chứa chấp mày làm nhục tao, giờ tao làm xấu lại nó xem ai thiệt.

Hải giật mình ú ớ nói :

- Má… đừng qua nhà người ta… tội nghiệp. Má cứ… đánh con… đừng đi.

Lão Sáu đá nó một cái quát :

- Nằm yên đó đừng lộn xộn.

Hải nghe tiếng mụ la vang cả xóm và khuất dần ngoài ngõ. Cơn đau khiến Hải chìm dần vào giấc mê hỗn loạn.

Cả xóm giật mình vì tiếng mụ Năm oang oang trước nhà Minh. Hai con chó berger thấy người lạ trước cửa sủa om lên. Hàng xóm hai bên đường hé cửa ra nhìn mụ Năm diễn trò.

Trong nhà, gia đình Minh xấu hổ vì mụ Năm làm dữ nên không dám bước ra. Không thấy ai mở cửa mụ Năm tức tối xỉa xói bằng những danh từ không mấy êm tai.

Đêm đó cả xóm náo động vì mụ Năm dai sức chửi rủa tới khuya mới im. Gia đình Minh phải chịu những lời cay độc chỉ vì mang một tội : Muốn giúp Hải trở thành một đứa trẻ như mọi đứa trẻ khác, có học thức. Một thứ sao bắc đẩu sáng ngời trên trời đen tối.

Xem tiếp chương 7 & 8