Mùa Sương Mù - Chương 8 & 9 (hết)

Chương 08

Suốt quãng đường dài Sài Gòn - Vũng Tàu anh Lê Phong không nói một tiếng. Tôi thì lặng thinh vì lo sợ không biết rồi số phận mình ra sao. Thật không thể nào ngờ rằng anh Lê Phong đã theo dõi tôi từ đầu để rồi vào giờ phút cuối xuất hiện, khiến tôi phải theo về Vũng Tàu. Tôi nhìn qua Thiện, chừng như nó muốn nói chuyện lắm nhưng thấy Lê Phong cứ lầm lầm lì lì hút hết điếu thuốc này đến điếu thuốc kia, còn tôi thì buồn bã cúi đầu nên đành phải nhìn qua cửa xe ngắm phong cảnh.

Đến Vũng Tàu, anh Lê Phong bảo xe đưa chúng tôi về thẳng nhà bà Hồng. Căn biệt thự nhà bà Hồng đã lên đèn sáng trưng. Anh Lê Phong để Thiện bấm chuông gọi cửa và đứng cạnh tôi như để canh chừng.

Bà Tư ra mở cổng. Bà rú lên :

- Trời ơi ! Cậu Thiện về !

Rồi bà chạy vội vào trong kêu rối rít :

- Bà chủ ơi ! Cậu Thiện về ! Bà chủ ơi !

Bà Hồng chạy ra như một cơn gió. Bà Tư vội vàng mở cổng. Thiện nhào lại phía mẹ. Hai mẹ con ôm lấy nhau cùng khóc nức nở. Tôi đứng tránh sang một bên. Giờ phút này tôi mới thấy cô độc và hối hận việc mình lén đi gặp Thiện. Tôi nhớ đến mẹ tôi, không biết giờ này ở Sài Gòn sau khi nghe chú Tám thuật chuyện, mẹ tôi phản ứng ra sao ? Mẹ tôi sẽ buồn khổ biết dường nào.

Sau cơn xúc động, bà Hồng mới để ý đến anh Lê Phong và tôi. Bà nhìn tôi nghẹn ngào nói :

- Cậu lại cứu em Thiện lần nữa... Tôi thật không biết lấy gì để cảm ơn lòng tốt của cậu...

Tôi ngắt lời bà Hồng :

- Thưa bà, đấy là công của anh Lê Phong. Còn cháu... cháu....

Anh Lê Phong nghiêng mình chào bà Hồng, anh nói :

- Chắc bà còn nhớ tôi ? Lê Phong, trưởng phòng điều tra.

Bà Hồng :

- Vâng, tôi nhớ ra rồi... Thành thật cám ơn ông đã giúp tôi tìm được cháu Thiện...

Anh Lê Phong nói :

- Thưa bà, đó là phận sự của tôi.

Rồi quay sang tôi :

- Bây giờ mới đến chuyện của anh em mình...

Tôi chờ đợi giây phút này từ lúc nhận ra anh Lê Phong trên chiếc taxi ở Sài Gòn. Tôi thầm bảo mình phải bình tĩnh. Nhưng khi anh nói :

- Anh mời em về phòng điều tra của công an Vũng Tàu.

Tôi run lên, định bỏ chạy. Nhưng anh Lê Phong đã giữ tay tôi kéo lại. Anh nói :

- Em đừng sợ, anh không làm gì em đâu. Anh chỉ muốn tìm ở em vài lời khai thôi...

Bà Hồng trấn an tôi :

- Cậu cứ theo ông ấy đi, chắc không sao đâu. Tôi hứa sẽ xin bảo lãnh cho cậu.

Tôi không nói được hai tiếng cảm ơn mà chỉ đưa mắt nhìn bà Hồng. Tôi hy vọng ánh mắt đủ khiến bà Hồng hiểu tất cả.

Anh Lê Phong nhờ điện thoại của nhà bà Hồng gọi về sở xin xe đến đón. Ít phút sau, có tiếng còi xe rú lên và một chiếc xe jeep ngừng trước nhà bà Hồng. Anh Lê Phong chào bà Hồng rồi dẫn tôi ra xe. Tôi đưa mắt nhìn bà Hồng và Thiện. Tôi dừng nơi Thiện rất lâu rồi mới chịu bước theo anh.

Ra đến xe, tôi thấy một đám đông vây quanh. Họ nhìn tôi và anh Lê Phong như muốn thôi miên. Xe chạy. Tôi nhớ đến mẹ tôi và nước mắt tôi ứa ra, lăn dài...

Anh Lê Phong ra lệnh đưa tôi xuống phòng tạm giữ vì tôi không chịu khai gì cả. Anh hỏi có phải mẹ tôi chủ mưu vụ bắt cóc Thiện ? Hiện nay, mẹ tôi ở đâu ? Tôi sợ mẹ tôi bị bắt và tin vào lời hứa của Thiện rằng sẽ xin bà Hồng bỏ qua vụ này. Vì thế, tôi lặng thinh mặc anh Lê Phong đe dọa hay dỗ dành.

Anh Lê Phong cũng cho tôi biết rõ rằng ngay sau khi nhận được lời thưa của bà Hồng, anh đã tức tốc đến trường để dọ hỏi tin tức. Một giáo viên ở trường cho biết đã thấy Thiện đi với tôi lúc về học. Anh bèn đến nhà tôi để điều tra nhưng khi anh đến nơi, chúng tôi đã rời Vũng Tàu lên Sài Gòn. Anh ra bến xe hỏi thăm và biết được lộ trình của chúng tôi. Anh đặt ngay nghi vấn rằng mẹ con tôi có liên quan đến vụ mất tích của Thiện. Anh theo chúng tôi lên Sài Gòn và lần gặp tôi ngoài phố, nghe tôi nói là người vừa ở Vũng Tàu lên, anh đã biết ngay tôi là người anh muốn tìm. Anh theo dõi tôi từ đó. Gặp tôi ở kho hàng Văn Minh, anh biết Thiện bị giữ trong đó nhưng chưa ra tay vì còn chờ cơ hội để bắt trọn những người liên can. Thiện bị dời đi nơi khác, tôi lén gặp Thiện... tất cả những việc này đều không lọt khỏi mắt anh Lê Phong. Khi tôi đưa Thiện ra đón xe thì anh cũng đi thuê một chiếc taxi định đưa chúng tôi về Vũng Tàu. Anh đến vừa đúng lúc chúng tôi bị chú Tám nhận ra...

*

Người công an gác ở phòng tạm giữ kêu tên tôi. Tôi bước ra và được đưa lên văn phòng. Đã hai ngày nay, tôi không được gặp ai cả. Tôi cũng không được biết một tin tức gì ở bên ngoài.

Tôi bước vào phòng, nhìn về phía bàn giấy ở góc. Và tôi bỗng òa khóc, chạy nhào về phía đó ôm chầm lấy mẹ tôi.

Mẹ tôi ôm lấy tôi hôn lấy hôn để lên trán, lên má tôi. Mẹ ghì tôi thật chặt trong vòng tay. Thật lâu mẹ mới buông tôi ra và lúc này, tôi thấy nước mắt ràn rụa mặt mẹ.

Anh Lê Phong bảo tôi ngồi rồi nói :

- Mẹ em đã khai tất cả ra. Từ giờ phút này, em được tự do.

Tôi mừng quá, hỏi thêm :

- Còn mẹ em ?

- Phần mẹ em thì do bà Nguyễn Tuyết Hồng quyết định. Có lẽ bà ấy cũng gần đến rồi đó.

Trong khi chờ đợi bà Hồng đến, anh Lê Phong cho phép mẹ con tôi được hàn huyên. Mẹ tôi cho tôi biết ngay sau khi được tin tôi đã về Vũng Tàu với Thiện, mẹ đáp xe xuống đây ngay. Hay tin tôi bị giữ điều tra mẹ lo sợ lắm và sau nhiều lúc suy nghĩ, mẹ đã quyết định ra trình diện để khai tất cả sự thật.

Có tiếng gõ cửa. Anh Lê Phong lên tiếng :

- Cứ vào.

Bà Hồng bước vào. Chào hỏi anh Lê Phong xong xuôi, bà quay nhìn mẹ tôi chằm chặp. Bà bước đến nắm lấy tay mẹ tôi giọng run run hỏi :

- Chị Chín ! Con tôi đâu ?

Tôi còn ngạc nhiên trước câu hỏi của bà Hồng thì mẹ tôi đã nhìn tôi, mắt mẹ tôi lại nhòa tràn nước mắt. Mẹ tôi chỉ tôi và nói với bà Hồng :

- Thưa bà chủ... Đó ! Thằng Hòa đó ! Con bà chủ đó.

Bà Hồng nhìn tôi sững sờ trong lúc tôi ngạc nhiên khôn xiết. Sau đó, bà Hồng chạy lại ôm chầm lấy tôi, bà khóc nức nở nói :

- Con trai của mẹ !

Tôi ngơ ngác vì không hiểu gì cả.

Anh Lê Phong thay lời mọi người kể cho tôi nghe tất cả. Thì ra người mà tôi gọi bằng mẹ bấy lâu nay không phải là mẹ ruột của tôi. Mẹ ruột của tôi là bà Hồng. Tôi là con của ông Võ Hữu Danh và bà Nguyễn Tuyết Hồng. Tên tôi là Hòa, nhưng Võ Hữu Hòa chứ không phải là Trần Văn Hòa.

Chuyện khởi đầu từ một ngày cách đây mười lăm năm. Người mà tôi gọi là mẹ bấy lâu nay hồi đó còn là chị Chín, một người giúp việc cho mẹ ruột tôi. Một hôm, bà làm vỡ của mẹ tôi một cái lục bình cổ, mẹ tôi nóng giận buông lời trách móc bà trước mặt đông đủ khách khứa. Lấy điều đó làm nhục, bà lập tâm trả thù, tối đến, lén ẵm tôi bỏ trốn, đưa tôi ra Vũng Tàu định đem bán nhưng rồi vì thương tôi mới giữ lại để nuôi.

Thời gian nuôi dưỡng dài đằng đẵng đã khiến người mẹ nuôi xem tôi như ruột thịt. Bà thương yêu tôi, không muốn mất tôi. Bởi vậy, khi biết tôi định đi gặp bà Hồng để trả lại cái xắc tay, bà sợ mẹ con tôi nhận được nhau, ngăn cản tôi. Rồi sau đó, những hành động kế tiếp như bắt thằng Thiện, bỏ nhà trốn lên Sài Gòn, mua vé định ra Nha Trang... tất cả chỉ để giữ tôi.

Nghe tin tôi bị bắt, biết trước sau gì cũng mất tôi, bà đã ra trình diện và khai hết với anh Lê Phong. Anh Lê Phong gọi điện thoại mời bà Hồng đến văn phòng gấp.

Và bây giờ mẹ con tôi nhận được nhau. Tôi đang ngồi bên mẹ, gục đầu vào vai mẹ khóc nức nở.

Tôi nhớ lại lần đầu tiên biết tên tôi, mẹ tôi đã sững sờ sau khi nghe tôi nói. Rồi sau đó, lần trò chuyện với Thiện, Thiện cũng đã cho tôi biết nó có một người anh tên Hòa. Có lẽ mẹ tôi không muốn Thiện bận tâm, bịa rằng tôi đã chết. Tôi nhớ lại lần đầu nhìn đôi mắt của mẹ tôi qua tấm hình trong căn cước. Từ ngày đó, tôi đã thấy đôi mắt rất quen thuộc.

Mẹ tôi ! Mẹ tôi đây rồi ! Và em Thiện của tôi ! Tôi sung sướng quá, tưởng chừng mình đang mơ, tưởng chừng mình lạc bước vào một cõi thần tiên hoan lạc.

Đột nhiên bên tai tôi vang lên một tiếng nấc. Tôi nhìn về phía người đã nuôi nấng tôi mười mấy năm nay. Mẹ nuôi tôi đang ôm mặt khóc. Tôi cảm động quá, tôi nhớ lại lúc nãy, khi gặp lại tôi, bà đã ôm tôi trong tay đầy luyến tiếc. Bà đã ghì tôi thật chặt như sợ tôi vuột khỏi vòng tay.

Tôi đã vuột khỏi vòng tay của bà từ đây. Tôi hết còn là Trần Văn Hòa, con ông Trần Văn Hai và bà Nguyễn Thị Chín nữa. Mẹ nuôi tôi mất tôi vĩnh viễn rồi sao ?

Tôi không dám nhìn thẳng mặt người mẹ nuôi nữa. Tôi gục đầu mặc nước mắt ràn rụa. Tôi không hiểu nổi đó là những dòng lệ sung sướng ứa ra vì nhận được mẹ ruột hay là những dòng nước mắt khóc thương một tình thương vừa chắp cánh bay xa...

Chương 09 (hết)

Tôi về sống với mẹ ruột. Mẹ nuôi tôi, theo lời xin của mẹ ruột tôi, không bị làm rắc rối gì cả. Bà được trở về nhà cũ và sau đó đã lên Sài Gòn đón con Lộc về chung sống.

Mẹ ruột tôi rất thương yêu tôi, lo lắng cho tôi đủ thứ. Mẹ tôi mua cho tôi một chiếc áo ấm mới. Hẳn nhiên chiếc áo này phải đắt tiền và đẹp hơn chiếc áo tôi đang mặc nhiều. Nhưng tôi nhường chiếc áo mới cho Thiện. Tôi muốn được mặc chiếc áo cũ để nhờ kỷ vật thương yêu này nhớ mãi đến người mẹ nuôi, người đã nói với tôi lúc trao cho tôi chiếc áo :

- Kỷ niệm những ngày "an hòa" của mẹ con mình đó.

Không ! Mẹ ơi ! Chiếc áo còn là kỷ niệm thương yêu nhất khiến con nghĩ đến mẹ dù hiện tại, mẹ ruột con đã xuất hiện và con phải sống bên người.

Buổi sáng, trời còn ẩm sương - mùa sương mù vẫn chưa dứt - tôi thức dậy thật sớm ra trước cổng nhìn về phía cuối con đường mờ mờ trong sương. Tôi bỗng nhớ đến căn nhà ở bãi Dâu, nơi đó có biết bao kỷ niệm xa xưa của tôi. Nơi đó tôi có một người mẹ nuôi với tình thương ruột thịt. Nơi đó tôi có những chiều ra ngồi nơi lan can hứng gió, có những sáng co ro, những lúc đứng nhìn bãi Dâu chìm trong sương mù.

Tôi mở cổng bước ra ngoài. Những bước chân luyến nhớ đưa tôi đi về phía bãi Dâu. Đường từ đây ra đó khá xa nhưng lúc này, tôi bất chấp. Tôi cứ bước đi trên con đường kỷ niệm để tìm về dĩ vãng.

Tôi đã đến trước căn nhà kỷ niệm. Tấm bảng "An Hòa" đẫm sương mà rạng rỡ. Chiếc xe sinh tố lặng lẽ mà đẹp tươi. Tôi dừng lại. Tôi nhìn vào nhà, nơi cánh cửa mở hé.

Mẹ nuôi tôi đẩy cửa bước ra. Bà kêu lên :

- Kìa ! Hòa !

Tôi chạy lại. Bà ôm chầm lấy tôi. Nhưng sau đó, bà lại đẩy tôi ra, giọng gượng gạo nói :

- Cậu... cậu… cậu đến đây... bà có biết không ?

Tôi gục đầu bên vai mẹ, nói :

- Mẹ ! Mẹ hết thương con rồi sao mẹ ? Con vẫn là con của mẹ hoài... Đừng gọi con bằng những tiếng xa lạ ấy nữa nghe mẹ...

Có tiếng xe hơi ngoài đường. Mẹ ruột tôi và Thiện cùng bước xuống. Tôi quay lại nhìn. Mẹ tôi nói :

- Con tệ quá ! Đi ra đây mà không cho mẹ biết.

Mẹ nuôi tôi đon đả :

- Mời bà vào chơi ! Hòa vừa mới đến đây thôi...

Chúng tôi vào cả trong nhà. Con Lộc cũng vừa thức dậy nhìn mọi người ngạc nhiên. Mẹ ruột tôi bỗng nói :

- Chị Chín à, tôi thấy thằng Hòa nó còn mến chị lắm. Nếu chị bằng lòng, tôi xin mời chị về sống chung với mẹ con tôi cho vui. Trước là để con tôi được vui, sau để tôi được đền ơn chị đã nuôi nấng nó suốt mười mấy năm trời.

Tôi không ngờ mẹ tôi có ý định này. Tôi sung sướng quá, nói tíu tít :

- Mẹ nói thật nghe mẹ… Mẹ bằng lòng đi mẹ... về với con nghe mẹ...

Mẹ ! Cả hai người trước mặt tôi kia đều là mẹ tôi ! Người cho tôi xác thân, người nuôi tôi khôn lớn. Tôi chợt nở nụ cười khi nghĩ rằng mình là một đứa con có đến hai người mẹ.

Nắng vừa lên cao, đuổi dần những màn sương trên mặt biển. Mặt trời đỏ tươi thật rạng rỡ.

*

Bây giờ, tiệm tạp hóa An Hòa không còn nữa. Căn nhà của mẹ nuôi tôi được sửa sang thành một nơi nghỉ mát để những chiều rỗi rảnh, những ngày nghỉ, cả gia đình tôi ra chơi. Gia đình tôi có tất cả năm người, hai người mẹ và ba đứa con : tôi, Thiện và Lộc.

Anh Lê Phong trở thành bạn thân của chúng tôi. Thỉnh thoảng anh vẫn ghé lại thăm chúng tôi và rủ tôi cùng Thiện, Lộc ra bãi Dâu tắm.

Một buổi sáng đầu xuân, sau những ngày tết đầy vui vẻ, gia đình tôi cùng anh Lê Phong đi bãi Dâu chơi. Mùa sương mù đã hết, nắng lên thật sớm và ấm. Tôi nằm duỗi dài trên cát nhìn hai người mẹ đang vui vẻ trò chuyện. Gần đó anh Lê Phong chụp hình cho Thiện và Lộc.

Tôi quay nhìn ra biển. Nước thật xanh và lăn tăn trước cơn gió mai nhè nhẹ thổi. Trời thì trong không một gợn mây. Biển trời... Tôi nhớ đến lời ví tình mẹ như tình biển... Chỉ có một đại dương trước mặt tôi kia, nhưng trong hồn tôi, có đến hai biển thương yêu, hai đại dương ngập tràn hương thân ái...

Tôi hồi tưởng lại những chuyện đã xảy ra khởi đầu bằng những ngày mù sượng của một mùa gió lạnh...

NGUYỄN THÁI HẢI