Mùa Sương Mù - Loại Hoa Xanh

Tủ sách Tuổi Hoa - 1971

Chương 0 & 1

Chương 2 & 3

Chương 4 & 5

 Chương 6 & 7 

          Chương 8 & 9 (hết)

Nguồn:  NGUYỄN TUẤN sưu tầm và đánh máy

----------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 00

TRƯỚC KHI VÀO TRUYỆN

Mẹ con tôi đến Vũng Tầu thấm thoắt đã gần mười lăm năm. Ngày mới đến, tôi còn phải ẵm ngửa và căn nhà của chúng tôi mới chỉ là một mái nhà tranh, vách đất, lúp xúp, nghèo nàn. Mười bốn năm dư, quãng thời gian mà đứng ở hiện tại nhìn về tương lai, thấy thật lâu, nhưng nhìn về dĩ vãng lại thật chóng đó đã biến đổi đứa bé còn ẵm ngửa thành tôi, một học sinh cấp II vừa tròn mười lăm, và căn nhà tranh vách đất thành một căn nhà gạch lợp ngói, có một khoảng sân nhỏ bày biện ít chậu kiểng, có căn gác lửng với hàng lan can mà chiều chiều, mẹ con tôi hay ra ngồi hóng mát.

Mẹ tôi hay nhìn tôi rất lâu với ánh mắt thật thiết tha, trìu mến. Mẹ thường chép miệng nói : "Mới đó mà đã mười lăm năm!" Nói xong, đôi mắt mẹ trở nên mơ màng. Chừng như trong trí tưởng, dĩ vãng xa xưa tìm về. Tôi cảm thấy mình thật đầy đủ hạnh phúc và lấy làm sung sướng vô ngần. Những lần như thế, tôi ngồi thật im lặng để nghe niềm vui len nhẹ vào hồn và tưởng chừng còn lan truyền khắp châu thân, đến tận buồng tim, đến từng thớ thịt.

Vâng, tôi cho là tôi thật đầy đủ hạnh phúc. Có một người mẹ đã là một điều hạnh phúc. Lại là một người mẹ thương yêu mình, hạnh phúc như tăng gấp bội. Phần tôi, một chuyện vừa xảy ra cách đây ít tháng làm thay đổi hằn tính tình của tôi - và thay đổi cả nếp sống của mẹ con tôi nữa - cũng đã tô điểm thêm cho bóng hạnh thúc của mẹ con tôi.

Từ thuở ấu thơ, tôi đã là một đứa trẻ khá gan góc, liều lĩnh, bướng bỉnh và tệ hơn nữa, khó dạy. Những lần hai mẹ con ngồi nói chuyện, mẹ tôi thường nhắc lại những trận đòn chí tử mà mẹ tôi thường dùng để trị cái tội ngỗ nghịch của tôi. Lớn lên, nết khó dạy dần bớt đi trong tôi nhưng tôi vẫn còn đầy tính bướng bỉnh, ngang tàng. Được một cái, dù tính nết như thế, tôi vẫn học khá. Hết cấp I, tôi thi đậu ngay vào trường công. Những năm cấp II tiếp đó, tuy không đứng hạng cao trong lớp tôi cũng vẫn được lên lớp đều đặn.

Mẹ tôi rất nuông chiều tôi. Tôi đòi món gì, mẹ cũng mua cho, không bao giờ để tôi phải xin đến lần thứ hai. Có lẽ một phần vì việc học của tôi - việc học tiến triển đều đặn, tốt đẹp - phần nữa, do sự sung túc trong gia đình.

Mẹ tôi kiếm tiền thật dễ dàng. Đúng ra, mẹ tôi chẳng phải làm gì khó nhọc mà vẫn có tiền. Thỉnh thoảng, có những người đàn ông ghé lại nhà tôi, - tôi chỉ quen vài ba người như chú Nhơn, chú Tám..., còn thì đều lạ mặt -, dẫn theo những đứa trẻ lạ. Mẹ tôi mua những đứa trẻ ấy và nuôi trong nhà. Trước kia, mẹ tôi dạy chúng một trong những việc như đánh giày, bán báo, bán bánh kẹo... rồi mẹ tôi xuất vốn cho chúng, thu về số tiền lời chúng kiếm được. Thu tất cả. Điều này đã khiến chúng bất mãn nhưng không dám phản đối gì cả. Chúng hiểu rõ số phận hơn ai hết. Bị bắt cóc từ những tỉnh xa đem đến nhà tôi, lạ chốn, lạ người, lại bị mẹ tôi đe dọa thường xuyên. Làm sao dám phản đối? Muốn có tiền tiêu riêng, một đứa đã lén vào chợ, chen lấn nơi đông người móc túi. Vài đứa khác bắt chước theo. Rồi đến cả bọn. Mẹ tôi biết được, lúc đầu còn ngăn cấm. Nhưng sau, mẹ cũng thấy rằng trị giá của những món đồ, tiền bạc... bọn trẻ ăn cắp được nhiều gấp bội số tiền lời do chúng kiếm được bởi những nghề lương thiện. Mẹ tôi làm ngơ cho chúng được tự do hành động với điều kiện: chúng phải chia phần lớn cho mẹ tôi, chỉ được giữ chút ít làm của riêng! Bọn trẻ miễn cưỡng bằng lòng. Dù sao, bằng lòng vẫn hơn từ chối để phải tiếp tục làm việc khó nhọc, tuy lương thiện, mà không được giữ tiền riêng. Thêm nữa, đối với chúng, mẹ tôi lúc nào cũng như một hung thần.

Mãi đến khi có trí khôn tôi mới ý thức được rằng việc làm của mẹ tôi là một việc không lương thiện. Mua những đứa trẻ bị bắt cóc nuôi trong nhà, dạy chúng làm những việc lương thiện, cũng đã là một hành vi đồng lõa và khuyến khích bọn bắt cóc trẻ rồi. Chấp nhận cho bọn trẻ móc túi, ăn cắp... việc đó quả mờ ám. Tôi thấy có một chút gì đó không ổn trong tâm hồn. Tuy nhiên, tôi vẫn lặng thinh không dám bày tỏ ý nghĩ đó cho mẹ tôi biết.

Cho đến một hôm, tôi có chuyện xích mích với một anh bạn. Chúng tôi cãi nhau trước sự chứng kiến của một số bạn học cùng lớp. Tôi đuối lý bị thua. Tôi cho là mình bị hạ nhục, lập tâm trả thù. Tôi đón đường anh bạn vào một buổi trưa về học. Sau những lời gây sự, tôi xông vào đánh anh ta một trận khá nên thân. Đánh xong, thấy đã hả giận, tôi mới nghĩ đến hậu quả. Tôi hăm dọa để anh bạn không dám đi thưa gởi. Nhưng anh ta không sợ, trình với thầy hiệu trưởng tự sự. Thế là tôi bị đưa ra Hội Đồng Kỷ Luật và bị xử đuổi học một tuần lễ. Mẹ tôi nhận được thư thông báo của nhà trường, trong thư có câu:

"Nếu em Hòa còn tái phạm, nhà trường buộc lòng phải áp dụng kỷ luật đuổi học vĩnh viễn".

Những lời cảnh cáo đó làm tôi nổi nóng. Tôi giằng lấy lá thư từ trên tay mẹ và xé nát. Tôi gầm lên : "Đuổi học thì nghỉ ! Sợ gì". Rồi tôi hung hăng lấy xe định đến tận nhà anh bạn gây sự lần nữa, sau đó muốn ra sao thì ra. Nhưng mẹ tôi đã giữ tôi lại. Mẹ nắm tay tôi không cho đi. Chưa lần nào tôi nổi nóng như lần đó, tôi vùng thoát khỏi tay mẹ, nhất định ra đi trả thù. Trong trí tôi lúc ấy chỉ còn hình ảnh anh bạn thật đáng ghét.

Mẹ tôi bỗng bật khóc. Tôi quay nhìn mẹ. Bỗng nhiên, tôi thấy lòng dịu hẳn, ý nghĩ thù hằn tan biến. Tôi dựng xe, lặng nhìn mẹ tôi một chút rồi bỏ chạy thẳng vào trong phòng. Không dằn cảm xúc được, tôi ngồi ôm mặt nức nở khóc như trẻ nít.

Buổi chiều hôm ấy, mẹ tôi gọi tôi lên gác, ra lan can ngồi nghe mẹ nói vài điều quan trọng. Câu đầu tiên là câu hỏi :

- Con có biết là mẹ thương con lắm không, Hòa ?

Tôi gật đầu nhưng im lặng không đáp. Mẹ tôi nói tiếp, những lời nói trong nước mắt, rằng mẹ thương tôi, thương đến độ có thể hy sinh tất cả để chỉ đánh đổi lấy một tương lai tốt đẹp cho tôi. Mẹ không muốn tôi bị đuổi, việc học dang dở, tương lai mù mịt. Mẹ muốn tôi phải ăn học đến nơi đến chốn, muốn tôi nên người. Mẹ cho tôi biết một quyết định của mẹ, quyết định mà không bao giờ tôi ngờ tới :

- Mẹ nghĩ rằng chính việc làm mờ ám của mẹ và sự tiếp xúc hàng ngày với đám trẻ mẹ nuôi trong nhà đã ảnh hưởng đến tính tình của con. Mẹ muốn con nên người. Mẹ thương con. Mẹ thấy đã đến lúc mẹ phải quyết định chọn lựa giữa tiền bạc và tương lai của con. Mẹ chọn điều sau. Mẹ sẽ trả những đứa trẻ mẹ nuôi bấy lâu nay về với gia đình chúng. Mẹ con ta sẽ mở một cửa tiệm tạp hóa để sống lương thiện...

Sống lương thiện ! Đó là điều tôi vẫn hằng ao ước. Mẹ tôi đã nói với tôi rồi đó. Mẹ sẽ dứt khoát với dĩ vãng không đẹp, chúng tôi sẽ sống những ngày mới rực rỡ hơn. Tôi chợt thấy lòng dâng trào niềm sung sướng. Thốt nhiên, nước mắt tôi lăn dài.

*

Mẹ tôi đã làm theo lời hứa. Tối hôm ấy, mẹ gọi tất cả bọn trẻ đến bên, nói rõ cho chúng biết quyết định của mẹ. Cả bọn vui mừng reo ầm lên, cười nói tíu tít. Tôi nghĩ, trong tâm trí chúng lúc đó mẹ tôi không còn là một hung thần nữa, mà là một bà tiên hiền dịu. Mẹ tôi hỏi gia cảnh từng đứa để liệu bề đưa chúng về nhà. Tất cả cùng hứa sẽ không tiết lộ điều gì về chúng tôi để tránh phiền phức. Một đứa con gái nói mồ côi cha mẹ, lại không muốn về sống với chú thím, xin mẹ tôi cho ở lại. Mẹ tôi bằng lòng ngay.

Một tháng sau, khi nhà tôi chỉ còn mẹ con tôi và con Lộc - đứa con gái xin ở lại - chúng tôi khai trương một cửa tiệm tạp hóa. Mẹ tôi lấy bảng hiệu là "An Hòa", phần vì tên tôi là Hòa, phần vì mẹ ao ước chúng tôi sẽ sống những ngày mới thật "an hòa". Trước cổng, mẹ tôi cho con Lộc trông coi một chiếc xe sinh tố. Tiền lời kiếm được, mẹ tôi giữ hẳn phân nửa để riêng cho con bé làm vốn sau này. Nhờ trời, cửa tiệm và xe sinh tố của chúng tôi khá đắt khách. Du khách đến thăm bãi Dâu đều chiếu cố, mua bánh kẹo cho con em hoặc ghé lại uống nước giải khát.

Mẹ tôi đối xử với con Lộc rất mực tử tế. Mẹ may cho nó một loạt quần áo mới, cho đi uốn tóc để làm dáng. Tôi cũng bỏ công dạy nó tập đọc, tập viết. Con bé thông minh không ngờ, chỉ ít lâu đã đọc được báo.

Chúng tôi đang sống những ngày hạnh phúc hoàn toàn. Tôi an tâm học nốt chương trình lớp 9. Mẹ tôi trông coi cửa tiệm tạp hóa. Con Lộc ngồi bán sinh tố, những lúc không có khách thường lấy những cuốn sách có hình tôi mua cho ra đọc giải trí. Dĩ vãng dần xóa nhòa trong tâm hồn chúng tôi.

Trời bắt đầu vào đông. Đã có những cơn gió lạnh se da từ ngoài biển thổi vào. Sáng thật sớm, mặt biển bị che phủ bởi một màn sương dày đặc, ranh giới giữa biển và trời không còn nữa, thay vào đó một nền xanh mờ ảo.

Mẹ tôi phải khoác áo ấm ngồi trông hàng buổi sáng. Con Lộc mặc chiếc áo len mới mua. Phần tôi, mẹ tôi mua cho tôi một chiếc áo ấm thật đẹp, bên trong là lông cừu rất dễ thương. Mẹ tôi nói :

- Kỷ niệm những ngày "an hòa" của mẹ con mình đó !

Tôi chớp mắt thoáng thấy hình ảnh những ngày đen tối vừa qua. Những ngày đó được thay bằng những ngày mới, thật an hòa, khởi đầu từ khi trời chớm sang mùa lạnh, mặt biển giăng mờ sương.

Chương 01

Tôi ngạc nhiên thấy trước nhà vắng ngắt. Cửa hàng không người trông coi, chiếc xe sinh tố nằm chơ vơ. Giờ này chắc mẹ tôi đi chợ chưa về, nhưng còn con Lộc ?

Tôi nhìn chiếc xe honda. Tôi đã nhờ con Lộc lau hộ từ lúc sáng khi tôi xin phép mẹ đến nhà một người bạn gần đây, giờ vẫn còn đầy dấu vết của vũng nước bùn mà lúc sáng sớm đi lên chợ lấy bánh mì về, xe tôi cán phải. Cọng cỏ dính trong căm bánh xe sau, nước bùn đọng vết nơi vành bánh thành những hình bán nguyệt, chùm chìa khóa tôi bỏ quên; tất cả còn y nguyên.

Thế này thì quá lắm rồi. Không lau xe cho tôi thì còn có thể tha thứ được chứ còn bỏ cửa hàng, bỏ xe sinh tố thì quả là con bé lớn mật. May là vào lúc này, tuy đã hơn mười giờ mà trời còn lạnh nên bãi Dâu vắng người, chứ không kẻ gian muốn hành động chẳng mấy khó. Nhất là chiếc honda của tôi với chùm chìa khóa còn nằm trong ổ khóa sẵn sàng.

Tôi vào nhà trong tìm con Lộc. Nhưng phòng khách, phòng ngủ rồi nhà bếp đều không thấy nó. Tôi đi lên gác, cố ý bước nhẹ để hy vọng bắt gặp tại trận xem con bé đang làm gì ?

Con Lộc đứng quay mặt vào kẹt tủ quần áo kê sát tường đang làm gì đó. Tôi bước mạnh chân. Con bé giật nẩy mình quay lại.

Tôi hỏi ngay :

- Mày giấu cái gì trong đó vậy? Lộc !

Lộc ấp úng:

- Đâu… đâu có gì... anh Hai !

- Vậy chứ mày làm gì trên này?

- Em...

Tôi quát:

- Giấu gì trong đó? Đưa tao xem mau!

Con bé vẫn chối dài:

- Đâu có…

- Mầy lì hả? Được! Tránh ra để tao lục soát thử...

Lộc bậm môi nhìn tôi. Chừng như nó đang suy tính lợi hại. Tôi nói thêm:

- Mầy có biết tội của mày nặng lắm không? Bỏ cửa hàng không trông coi, quên lau xe cho tao, giờ tao hỏi lại không chịu khai... Ba tội đó tao mách mẹ thì mày có mà nhừ đòn...

Rồi tôi tiến tới phía con bé. Biết không thể giấu được nữa, con bé đành nói:

- Anh Hai... em xin lỗi anh Hai... để em đưa...

Giọng của nó thật thảm hại. Tôi nói:

- Biết điều vậy thì tao châm chế cho...

Con Lộc nhìn tôi một lần nữa trước khi quay vào trong kẹt tủ lấy ra một vật. Tôi hồi hộp nhìn: một cái xắc tay phụ nữ. Lộc trao cái xắc cho tôi, nó nói:

- Anh Hai tha cho em một lần nghe anh Hai... Anh Hai đừng mách mẹ...

Tôi đáp :

- Để xem đã!

Rồi đón lấy cái xắc tay, tôi mở ra. Cái xắc bằng da đen bóng loại đắt tiền này chứa những món trị giá không ngờ. Tôi tròn mắt ngạc nhiên. Bên trong cái xắc có một xấp giấy năm trăm mới tinh, một xâu chìa khóa, một tấm căn cước, một tấm danh thiếp và một lọ nước hoa bé tí xíu.

Tôi trừng mắt nhìn con Lộc. Trong trí tôi lại nhớ những ngày trước kia khi trong nhà tôi còn những đứa trẻ hành nghề ăn cắp, móc túi... Tôi gằn giọng:

- Thế này thì mày quá lắm rồi! Muốn trở về đường cũ phải không? Mau khai thật! Giật cái xắc này của ai? Ở đâu? Hồi nào?

Con Lộc xanh mặt đáp:

- Không phải vậy đâu anh Hai... anh Hai nghi oan cho em rồi, em đâu dám giật của ai...

Tôi quát:

- Chứ làm sao mày có được?

- … Của một bà khách vừa ghé lại uống nước bỏ quên...

- Của một bà khách?

Tôi không để ý đến tiếng "Vâng" của con Lộc, liếc xem tấm căn cước. Tôi lẩm nhẩm:

- Nguyễn Tuyết Hồng.

Bà khách tên Hồng, năm nay ba mươi tám, có một vẻ mặt thật quý phái. Tôi chú ý đặc biệt đến đôi mắt của bà ta. Đôi mắt buồn mà đẹp lạ lùng và có vẻ như rất quen thuộc.

Con Lộc vừa ghé bên tôi để nhìn, vừa nói:

- Bà ấy ghé uống nước rồi lúc ra đi, bỏ quên lại. Em vừa đem lên đây định mở ra xem có những gì thì anh Hai bắt gặp... anh Hai tha cho em một lần nghe anh Hai... anh Hai mà mách mẹ thì mẹ đánh em chết...

- Sao thấy người ta bỏ quên mầy không kêu lại trả?

- Em có thấy liền đâu mà kêu lại! Lúc bà ấy lên xe đi rồi, em ra lấy ly đem rửa mới thấy.

- Bà ấy đi xe hơi à?

- Vâng. Bà ấy lái xe lấy. Bà ấy đeo đôi găng tay bằng nhung đen thật đẹp đó anh Hai... chắc nhà giàu...

Nghe con Lộc nói, tự nhiên tôi lại đưa mắt nhìn vào hình bà Hồng trên tấm căn cước. Tôi hình dung ra bà ta đang ngồi trên xe hơi với đôi găng tay bằng nhung đen như con Lộc mô tả.

Có tiếng một đứa bé gọi mua hàng. Tôi nói :

- Mày xuống bán hàng đi. Rồi tao tính cho.

Lộc còn chần chừ. Nó nói :

- Anh Hai đừng mách mẹ chuyện này nghe anh Hai...

Tôi gật đầu. Bấy giờ, con bé mới yên tâm xuống bán hàng. Còn lại, tôi đem chiếc xắc tay lên bàn, lấy xấp giấy năm trăm ra đếm thử. Quả là một số tiên lớn : Một trăm ngàn đồng!

Ánh mắt tôi chạm phải tấm danh thiếp, tôi lẩm nhẩm đọc :

- Bà quả phụ Võ Hữu Danh, nhũ danh Nguyễn Tuyết Hồng. Địa chỉ...

Tôi ngạc nhiên trước địa chỉ của bà Hồng. Tôi có đứa bạn ở cùng đường với nhà bà nên những nhà gần đấy, tôi biết cũng khá rõ. Nếu tôi nhớ không lầm thì nhà bà là một căn biệt thự dành làm nơi nghỉ mát của một thương gia người Trung Hoa ở Sài Gòn. Bà Hồng là người nhà của thương gia này hay bà mua lại căn biệt thự?

Có tiếng xe hơi phía trước nhà tôi. Tôi bước ra cửa sổ nhìn xuống. Tay tôi chợt run lên, buông rơi tấm danh thiếp, sững sờ nhìn người thiếu phụ đang từ trên chiếc xe du lịch bước xuống. Nhờ đã xem tấm hình trong căn cước, tôi biết thiếu phụ đang tiến lại phía con Lộc chính là bà ta.

Bà Hồng với vẻ mặt đầy lo âu đang hỏi con Lộc:

- Cháu à, cháu cho bác hỏi thăm điều này nhé! Lúc nãy bác có ghé đây uống nước và bỏ quên cái xắc tay, cháu có giữ thì cho bác xin lại… Bác hứa sẽ thưởng cháu ít tiền ăn quà...

Tôi thầm lo cho con Lộc. Tim tôi nhẩy thình thịch, hồi hộp theo dõi câu trả lời của nó. Con bé đáp:

- Thưa bà... con không thấy gì cả... Có lẽ bà bỏ quên ở nơi nào khác rồi.

Bà Hồng đầy vẻ thất vọng :

- Bác nhớ rõ ràng sau khi rời nhà hàng Hoàng Mạnh ở bãi Sau, bác chỉ ghé lại đây uống nước... Chẳng lẽ bác lại bỏ quên ở đằng ấy...

Con Lộc :

- Thưa bà... Hay là bà trở lại nhà hàng Hoàng Mạnh tìm xem sao ?

Bà Hồng nhìn con Lộc như muốn tìm ở nó một biểu lộ giả dối. Có lẽ bà nghi ngờ con bé.

Nhưng rồi cuối cùng, và cũng đành nói :

- Thôi, cảm ơn cháu nhé. Bác trở lại bãi Sau xem sao...

Con Lộc cất tiếng chào bà Hồng rồi lặng nhìn theo bà ta đang lên xe, mở máy. Đợi bà Hồng đi khuất hẳn, con bé mới nhún vai, le lưỡi. Nó liếc lên và thấy tôi. Nó nói :

- Bà khách đó anh Hai !

Tôi xuống dưới nhà đến bên Lộc. Con bé lại le lưỡi nói :

- Bà ấy hỏi em có thấy cái xắc tay không? Em sợ quá… May mà trả lời được… Em nói không thấy.

- Bà ấy đi tìm đằng nhà hàng Hoàng Mạnh rồi phải không?

- Dạ.

Tôi chép miệng :

- Tội nghiệp bà ta!

Con Lộc ngập ngừng :

- Anh Hai... rồi cái xắc, anh Hai tính sao?

- Cái xắc tay à? Tao tính... sẽ đem trả lại cho bà ta.

Lộc có vẻ sợ:

- Rồi bà ta biết là em... thì sao ?

Tôi cười :

- Mày yên tâm đi. Tao sẽ nói là tao thấy cái xắc tay này ở đằng nhà hàng Hoàng Mạnh...

- Có vậy em mới yên tâm được... còn...

- Gì nữa?

- Anh Hai có... cho mẹ biết không?

- Chắc có?

- Rồi anh Hai nói thế nào?

Tôi biết con bé sợ tôi mách mẹ chuyện nó bỏ cửa hàng lén lên gác xem cái xắc tay của bà Hồng một mình. Tôi nói cho nó yên tâm:

- Tao chỉ nói rằng bà ta bỏ quên, mày thấy và đưa lại cho tao thôi. Được không?

Lộc lí nhí đáp :

- Dạ được!

Tôi bật cười vu vơ. Tôi dặn Lộc :

- Ở đấy bán hàng đi, chiều nay tao đem trả người ta cho.

Rồi chỉ chiếc honda, tôi nói :

- Lau hộ tao chiếc xe nữa nghe !

Lộc cất tiếng dạ rồi đi tìm giẻ lau xe. Tôi trở lên gác, bỏ tất cả những món đồ của bà Hồng vào xắc cho bà ta. Vừa xong thì mẹ tôi về. Tôi tần ngần suy tính một chút rồi đem chiếc xắc tay xuống dưới nhà gặp mẹ tôi.

Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi:

- Cái xắc của ai vậy con?

Tôi không đáp mà trao cho mẹ. Tôi nói :

- Mẹ mở ra xem thử đi !

Mẹ tôi đón lấy, vừa cười vừa bảo tôi :

- Hôm nay sao con có vẻ bí mật thế? Nào! Xem có gì nào ?

Mẹ tôi mở cái xắc ra. Mẹ kêu lên ngạc nhiên :

- Trời ơi ! Tiền ở đâu mà nhiều thế này?

Tôi trả lời :

- Có một bà khách ghé lại uống nước rồi bỏ quên, con Lộc trông thấy thì bà ta đã đi xa, nó đưa lại cho con... Con... Con định sẽ đem trả lại cho người ta... Mẹ thấy có nên không?

Tôi hồi hộp đợi phản ứng của mẹ tôi. Mẹ nói :

- Nên chứ! Con tính vậy là phải. Nhưng làm sao con biết bà ta ở đâu mà đem trả ?

Tôi thở phào nhẹ nhõm, giải thích :

- Bà ta có tấm danh thiếp trong đó, con đã xem địa chỉ rồi, cũng gần nhà một thằng bạn của con...

Mẹ tôi nói: "Thế à" rồi lấy tấm danh thiếp của bà Hồng ra, tò mò xem.

Bỗng nhiên, tôi thấy mặt mẹ tôi biến sắc. Bờ môi mẹ run run đọc :

- Bà quả phụ... Võ... Hữu... Danh...

Tôi ngạc nhiên hỏi :

- Sao vậy mẹ?

Như không nghe tôi hỏi, mẹ tôi lẩm nhẩm đọc một mình :

- Bà quả phụ Võ Hữu Danh, nhũ danh Nguyễn Tuyết Hồng...

Rồi sau đó, mẹ lấy tấm căn cước của bà Hồng ra xem. Mẹ bật thốt lên :

- Thôi đúng rồi !

Tôi đến bên mẹ :

- Chuyện gì vậy mẹ ?

Mẹ tôi bỗng nhìn tôi thật lâu. Tôi ngạc nhiên quá sức, không hiểu vì sao mẹ tôi lại có thái độ kỳ lạ như thế? Một lúc lâu, mẹ tôi mới nói :

- Hòa ạ! Mẹ xin con một lần này nhé!

- Sao mẹ lại nói thế? Có gì mẹ cứ dạy con, con xin nghe.

- Không! Mẹ xin con thật đó. Mẹ xin con hãy để mẹ tìm cách trả cái xắc tay lại cho người này chứ con đừng nên đem trả...

- Sao thế mẹ.

- Mẹ chưa tiện giải thích ngay bây giờ... Điều cần nói là mẹ không muốn con gặp mặt bà Danh... Bà Nguyễn Tuyết Hồng...

Tôi nắm tay mẹ nài nỉ :

- Con hứa sẽ nghe theo lời mẹ, nhưng mẹ cũng nên cho con biết nguyên do chứ.

Mẹ tôi hỏi lại :

- Con hứa chắc là con nghe theo lời mẹ yêu cầu?

- Vâng, con hứa chắc. Mẹ cho con biết chuyện đi mẹ.

Mẹ tôi im lặng. Tôi hồi hộp chờ. Thời gian như bị trì kéo lại, trôi nặng nề. Cuối cùng, mẹ tôi nói:

- Con theo mẹ lên gác, mẹ sẽ kể cho con nghe tất cả.

*

Không bao giờ tôi có thể ngờ rằng thuở nhỏ, tôi đã từng bị bắt cóc ! Theo lời mẹ tôi cho biết thì trước kia gia đình ông Danh ở trên Sài Gòn và mẹ tôi là người giúp việc cho gia đình ấy. Bà Hồng kết hôn với ông Danh từ năm mười tám đến năm hăm ba vẫn chưa có một mụn con. Năm ấy thì mẹ tôi mang thai tôi. Ba tôi làm phu xích lô, cực nhọc, nắng mưa đã khiến ba tôi lâm bịnh và từ trần trước ngày mẹ tôi sinh tôi hơn hai tháng. Trong cơn túng quẫn, khó khăn của mẹ tôi, ông bà Danh đứng ra lo lắng mọi việc. Ông bà lo ma chay cho ba tôi, sau đó, lo việc sanh nở cho mẹ tôi nữa. Mẹ tôi cho là mình có phước lắm mới gặp được ông bà chủ tốt bụng như thế.

Chẳng ngờ khi tôi được hơn tháng, ông bà Danh mới để lộ manh tâm, ông bà ngỏ ý với mẹ tôi rằng ông bà muốn mẹ tôi bán con cho ông bà. Ông bà hứa sẽ nuôi nấng tôi tử tế với điều kiện mẹ tôi được một số tiền lớn để đi xa làm ăn, cấm không được trở về nhìn con nữa! Lòng nào mẹ tôi ưng chịu. Ông bà Danh dụ dỗ mãi không được, bày kế sai người bắt tôi đem dấu đi một nơi. Ông bà nói rằng đằng nào mẹ tôi cũng mất con. Nếu bằng lòng theo điều kiện của ông bà thì tôi được nuôi nấng nên người, bằng ngược lại số phận tôi sẽ không một chút bảo đảm. Mẹ tôi thương con, sợ tôi bị khổ, đành nhẫn nhịn, vờ nhận lời. Ông bà Danh mừng rỡ cho đem tôi trở về. Ngay tối hôm ấy, mẹ tôi lén trộm một số tiền lớn rồi bỏ trốn ra Vũng Tàu.

Nhờ số tiền lấy được của ông bà Danh, mẹ tôi mua được một căn nhà để ở. Mẹ mở quán nước tạm sống qua ngày. Năm tôi lên hai, tình cờ một hôm có một người quen ghé lại nhà tôi. Người ấy mẹ tôi gọi là chú Tám. Chú Tám có đem theo một đứa trẻ lên mười. Mẹ tôi gặng hỏi, lúc đầu chú nói dối đó là đứa cháu họ theo chú đi chơi, nhưng mẹ tôi nghi ngờ, gặng hỏi mãi, cuối cùng chú đành thú thật đó là đứa trẻ chú đã bắt cóc định đem ra đây tìm chỗ bán lấy một số tiền ! Mẹ tôi nhớ đến chuyện tôi bị bắt cóc và bỗng nảy ra ý định trả thù đời. Mẹ tôi nhận mua đứa trẻ và bắt nó đi ở mướn. Mẹ tôi tính mẹ sẽ lấy lại vốn và không mấy chốc sau đó, tiền lời ngày một sẽ tăng nhưng chỉ được nửa năm, đứa trẻ bỏ trốn mất. Bị lỗ vốn, mẹ tôi quyết tìm cách lấy lại. Mẹ tìm cách liên lạc với chú Tám để nhờ chú tìm cho một đứa trẻ khác. Từ đó, mẹ tôi đi dần vào việc làm không mấy lương thiện như tôi đã kể.

Chuyện cái xắc tay của bà Hồng làm mẹ tôi lo lắng. Mẹ sợ tôi non dạ, không biết ăn nói khiến bà Hồng biết được chỗ ở rồi phát giác ra mẹ. Chừng đó, thế nào mẹ tôi cũng bị lôi thôi vì chuyện mẹ đã lấy trộm của bà Hồng một số tiền lớn xưa kia. Cho nên, mẹ tôi định sẽ nhờ một người quen đem trả cái xắc tay cho bà Hồng để tránh rắc rối...

Tôi biết, mẹ tôi thương tôi lắm. Mẹ không muốn tôi phải chịu khổ sở nếu chẳng may mẹ lâm cảnh tù tội.

Nhưng tôi không đồng ý với việc mẹ tôi định nhờ một người quen đem trả cái xắc tay cho bà Hồng chút nào. Tôi nghĩ rất nhiều về câu chuyện vừa được biết. Lúc kể xong, mẹ tôi hỏi tôi :

- Con đã hiểu rõ vì sao mẹ ngăn cản con gặp bà Danh chưa?

Tôi đáp:

- Con hiểu, nhưng sao bấy lâu nay mẹ cứ giấu, không cho con biết chuyện này?

- Mẹ sợ con biết sẽ khiến con bận tâm lo lắng mà xao lãng việc học hành... Lại nữa, mẹ tưởng không bao giờ mẹ còn gặp lại bà Danh nữa chứ... Chẳng ngờ...

Mẹ tôi thương tôi quá. Thời gian phải xa tôi, ắt mẹ buồn khổ lắm. Tôi thấy căm tức và oán giận bà Hồng vô cùng. Đôi mắt đẹp của bà ta đang vụt hiện ra. Dáng dấp quý phái của bà ta đang vụt hiện ra. Có thể như lời mẹ tôi kể được sao? Bà Hồng có thể tàn ác như thế được sao? Những cảm tình lúc đầu tiên tôi dành cho bà Hồng nhiều bao nhiêu, tốt đẹp bao nhiêu thì giờ này trở nên vơi cạn, tàn úa bấy nhiêu.

Mẹ tôi đã lấy của bà Hồng một món tiền lớn, đồng thời, giữ được tôi đến ngày nay tôi cho đó là một sự trả thù đích đáng đối với người đã lập tâm chia rẽ mẹ con tôi. Nhưng tôi còn muốn góp phần trong việc trả thù đó nữa. Tôi chưa biết mình phải làm cách nào, nhưng tôi đinh ninh rằng sẽ có dịp, tôi làm cho bà Hồng biết thế nào là sự đau khổ của một người mẹ phải xa con.

Trong khi chờ đợi cơ hội, trước tiên là tôi phải gặp mặt bà Hồng một lần đã. Tôi đành cãi lời mẹ tôi.

Xem tiếp chương 2 & 3