Lòng Mẹ - Loại Hoa Xanh

Tủ sách Tuổi Hoa - 1967

1- Lòng mẹ

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

                                                        Chương 5 - 6 & 7 (hết)

2- Trong Cơn Ly Loạn

Chương 1 & 2

                                                        Chương 3 - 4 & 5 (hết)

Nguồn : BD sưu tầm và đánh máy. Hình bìa do Đèn Biển sưu tầm.

----------------------

Bản gốc truyện scan: ĐTN

PDF

------------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Truyện vừa

Sáng tác năm 1963

--------------------------------------

Kính nhớ Mẹ yêu dấu.

Suốt đời tần tảo nuôi con.

Con những ước mong một ngày nào,

Được đền đáp muôn một công ơn trời bể Mẹ.

Ngờ đâu, con đến tuổi lớn khôn,

Mẹ đã ra người thiên cổ!

N.L.G

----------------------------------------------

“Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào,

Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào,

Lòng mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào…

Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu…”

(Trích nhạc phẩm “Lòng Mẹ” của Y - Vân)

Chương 01

Đầu năm 1945, chiến tranh Mỹ - Nhật ở Thái Bình Dương ngày càng trở nên ác liệt. Vì thế, Pháp phải cho Nhật mượn Đông Dương làm đường, để điều động binh sĩ và tải khí giới từ Nhật qua Tân Gia Ba. Quân đội Nhật đóng rải rác trong các đô thị lớn của Việt Nam: Hải Phòng, Hà Nội, Vinh, Huế và nhất là Sài Gòn, hậu trạm quan hệ Nhật dùng để tiếp viện các nơi cần kíp. Và bởi thế, Việt Nam tuy không tham chiến, cũng bị lâm vào cảnh chiến tranh tàn khốc. Hằng ngày, các đoàn máy bay phóng pháo Mỹ, từ một hàng không mẫu hạm đậu ngoài biển khơi, đột nhiên xuất hiện, nhào xuống bắn từng loạt liên thanh vào các chuyến xe lửa đang chạy, và dội hàng tấn bom nặng nhẹ xuống trên các nhà cửa tình nghi có quân đội Nhật chiếm đóng.

Thành phố Sài Gòn có lẽ bị nặng nhất: không mấy ngày mà không có máy bay Mỹ tới dội bom. Một số gia đình kéo nhau tản cư về Lục Tỉnh lánh nạn. Các người vì hoàn cảnh phải ở lại, sống phập phồng lo sợ, ăn không ngon, ngủ không yên. Nét mặt người nào cũng hốc hác xanh xao, lộ vẻ kinh hoàng. Chợ Bến Thành thưa thớt người, thành phố ban ngày rất ít kẻ qua lại…

Sáng hôm ấy, cửa hiệu bán xe đạp Nghĩa Hưng chỉ mở một cánh cửa. Ông Nghĩa Hưng đang coi thợ lắp mấy chiếc xe đạp cho khách hàng đã hẹn tới lấy. Bà Nghĩa Hưng chạy vội ra chợ mua các thức ăn cần dùng. Bốn đứa con, 3 trai 1 gái: Thái 18 tuổi, Thông 15, Thu Thảo 12 và Thanh 10 tuổi, đang ngồi chơi bài với nhau trong phòng. Đã mấy tháng nay, trường học đóng cửa: không có việc làm, lại không được bước chân ra khỏi nhà, các cô cậu thật buồn bã tù túng. Ông Nghĩa Hưng bảo Thái dạy các em mỗi ngày vài giờ, kẻo để chúng quên cả sách vở. Chơi bài một lúc, Thái bảo hai em nhỏ:

_ Thôi nghỉ chơi, Thu Thảo và Thanh lấy bài học cho thuộc đi. Còn Thông lên phòng anh lấy bài làm.

Thu Thảo bản tính hiền lành, vâng lời anh, về phòng lấy sách ra học. Còn cậu Thanh vẫn ngồi lì đó, tay mân mê cỗ bài: cậu tiếc rẻ buổi chơi còn đang hăng, lại bị cắt ngang! Thông đi theo anh lên gác. Thái làm hiệu bảo em vào phòng rồi nhìn xuống cầu thang như sợ ai theo dõi đoạn đóng cửa lại. Thông thấy anh cẩn thận khác thường, vội hỏi:

_ Có chuyện gì thế anh Thái?

Thái kéo Thông ngồi xuống thành giường, nói nhỏ:

_ Chốc nữa anh sẽ đi xa, có lẽ lâu lắm mới về!

Thông ngạc nhiên trợn tròn đôi mắt:

_ Anh đi đâu? Sao anh không cho ba má biết?

Thái cau mặt xì một tiếng:

_ Nếu ba má biết thì anh đâu có đi được. Bây giờ anh cho em biết rồi em sẽ tùy đó mà trình bày lại cho ba má giúp anh. Nhưng em nhớ chỉ nói riêng với ba má thôi, chớ đừng cho Thu Thảo và thằng Thanh biết, chúng nó còn nhỏ dại, biết càng thêm nguy hiểm.

Thấy anh cắt nghĩa dài dòng quá. Thông chịu không nổi:

_ Biết rồi, cắt nghĩa mãi! Mà anh đi đâu mới được chứ?

Giọng Thái hạ trầm xuống hơn nữa, chỉ đủ cho Thông nghe:

_ Anh với mấy người bạn, đi theo quân đội Nhật để chống Pháp! Nếu tụi anh không đi, thì rồi cũng bị Pháp bắt. Họ đã nghĩ tụi anh liên lạc với Nhật để chống họ. Chi bằng đi trước đi, đỡ lo! Em quả quyết với ba má là anh sẽ không bị nguy hiểm gì hết, vì họ sẽ đem anh đi chỗ khác yên lành lắm. Một thời gian, tình thế thay đổi anh sẽ trở về!

Nghe Thái nói, Thông nhận thấy việc Thái ra đi là cần kíp nên gật đầu tán thành:

_ Vâng, em sẽ cố gắng giải thích cho ba má hiểu. Nhưng anh nhớ cẩn thận giữ gìn kẻo lỡ xảy ra chuyện gì nguy hiểm thì chắc ba má buồn nát ruột gan. Anh biết ba má đặt rất nhiều hy vọng vào anh mà!

Nghĩ đến nỗi lo lắng của ba má sau khi mình ra đi, Thái rươm rướm nước mắt. Thu xếp vội vàng vài đồ cần dùng gói vào chiếc khăn nhỏ, hai anh em dẫn nhau ra cửa sau. Thái lặng lẽ bắt tay từ giã em, rồi lách mình ra ngoài. Thông khóa cửa lại, đoạn trở về phòng học.

Bà Nghĩa Hưng đi chợ vừa bước chân vào nhà thì còi báo động vang lên:

_ Ụ u u u … Ụ u u u … Ụ u u u … Ụ u u u …

_ Bà chạy vội xuống bếp, cất thức ăn vào tủ, miệng kêu các con:

_ Thái ơi, Thông ơi, dẫn các em xuống hầm mau lên, mau lên!

Thu Thảo nhát gan, vừa nghe còi báo động, cô bé đã tuột xuống ngồi run rẩy trong góc hầm. Thằng Thanh chưa chịu xuống, nó lần ra phía cửa nhìn lên trời xem máy bay, bị cha nó cho một bạt tay và thét:

_ Thái đâu, sao không lôi cổ thằng ranh con này xuống hầm, còn cho nó đi lang thang đây!

Thông ở trong phòng chạy vội ra kéo em vào hầm trú, vừa cốc mấy cái vào đầu nó, vừa mắng:

_ Mày là thằng gan lì nhất, nghe báo động thì chạy xuống hầm liền đi, còn tò mò cái gì nữa hử ? Chưa nghe bom nổ à? Sao mà liều thế?

Hai người thợ nghe báo động cũng xin về ngay, kẻo vợ con ở nhà lo sợ. Ông Nghĩa Hưng đóng vội cửa sắt rồi hai ông bà xuống hầm. Tiếng còi báo động vẫn vang lên cấp bách. Vừa xuống khỏi cửa hầm, ông bà chỉ thấy ba đứa con, vội hỏi:

_ Thông, anh Thái mày đâu, sao không xuống?

Thông ấp úng trả lời:

_ Anh ấy ra bài cho con làm rồi đi, con hỏi anh ấy đi đâu, anh bảo là anh đi sang nhà người bạn học có chuyện cần.

Bà Nghĩa Hưng kêu lên:

_ Chuyện cần gì mà chuyện cần? Má đã dặn: thời buổi này nguy hiểm lắm đừng ra khỏi nhà, thế mà các con có nghe lời đâu!

Bỗng có tiếng động cơ kêu như xé, tiếp theo là những tiếng bom nổ rầm trời, căn phố Nghĩa Hưng lung lay như muốn đổ sập xuống: đồ đạc trong nhà rơi loảng xoảng. Ngọn đèn điện trong hầm vụt tắt. Thu Thảo sợ quá ôm chầm lấy mẹ kêu thét lên:

_ Má ơi, con sợ lắm!

Bà Nghĩa Hưng ôm con vào lòng, vỗ về:

_ Con sợ gì, có má đây mà!

Ông Nghĩa Hưng thì thầm bên tai vợ:

_ Hình như bom nổ rất gần nhà ta, mình à!

Bà Nghĩa Hưng chỉ gật đầu trả lời chồng, vì trong trí bà đang lo lắng không biết Thái ở đâu, có nấp kịp vào hầm trú nhà ai không. Nghĩ đến thảm cảnh có thể xảy đến cho con, bất giác bà nghẹn ngào, hai hàng nước mắt từ từ chảy xuống…

Tiếng còi lại rú lên báo tin máy bay địch đã đi xa. Ông Nghĩa Hưng vội vàng đi tìm Thái. Cách nhà ông không xa, một cảnh đổ vỡ tan tành, nhiều xác chết nằm ngổn ngang, máu me chan hòa mặt đất. Quân đội Nhật đang đào bới, để cứu người bị kẹt dưới đống gạch đá. Trước đây, quân Nhật trú đóng trong nhà lầu thường bị máy bay địch dội bom, nên họ đã bí mật dời đến ở các phố trệt, thế mà không hiểu sao địch quân vẫn biết được. Cuộc ném bom hôm nay, kể là trúng mục tiêu: quân đội Nhật bị chết khá nhiều, nhưng một số người dân lành vẫn bị chết oan.

Ông Nghĩa Hưng đi hỏi thăm mấy nhà quen, thì ra con trai lớn của họ cũng bỏ đi đâu từ sáng, và họ cũng đang dáo dác đi tìm. Biết chắc có một tổ chức gì đây, ông trở về vặn hỏi thằng Thông và Thông đã kể lại trước sau cho cha mẹ yên tâm. Nhưng yên tâm làm sao được: bà Nghĩa Hưng ruột ngấu như tương, vì không biết con đi đâu, ở đâu…

Sau vụ ném bom ấy, quân đội Nhật đâm ra nghi ngờ thiện chí của Pháp. Nhật thừa hiểu Pháp vì yếu thế, nên phải chịu cho Nhật mượn Việt Nam, nhưng Pháp vẫn ngấm ngầm liên lạc với Mỹ, điểm chỉ cho máy bay Mỹ đến thả bom những chỗ quân đội Nhật trú đóng. Cho nên đêm mồng 8, rạng mồng 9 tháng 3 dương lịch năm 1945, Nhật lật đổ Pháp, chiếm lấy Việt Nam. Về hành chánh, bề ngoài Nhật giao nước Việt Nam cho người Việt Nam cai trị, nhưng sự thật Nhật vẫn toàn quyền hành động. Tình thế trở nên căng thẳng hơn. Máy bay Mỹ có người Pháp chỉ đường, lại ném bom phá hoại nhiều cơ sở quan trọng Nhật hơn trước.

Một buổi tối các con đã ngủ yên, cả ông bà Nghĩa Hưng vẫn còn bàn chuyện to nhỏ với nhau. Ông thở dài bảo vợ:

_ Tôi xem tình thế này còn kéo dài, không thể làm ăn gì được nữa! Quân đội Nhật bây giờ lại đến đóng gần nhà mình, tôi tưởng mình có ngày cũng bị lây bom đạn. Hay là mình khóa cửa nhà, đem con cái xuống Mỹ Tho ở tạm ít lâu, đợi tình thế yên ổn rồi lại trở về. Mai mình sang bàn chuyện với anh chị Đức Hợp, xem anh chị có đi thì đi một thể cho vui.

Bà Nghĩa Hưng buồn rầu trả lời:

_ Thế con nó trở về thì biết đâu mà tìm?

_ Ồ, nó lớn rồi chớ nhỏ nhít gì nữa? Mình dặn phòng hờ các nhà lân cận đây, nếu nó về thì nhờ bảo xuống Mỹ Tho tìm gia đình.

Ông bà Đức Hợp buôn hàng tạp hóa ở cùng đường phố với ông bà Nghĩa Hưng. Hai bên qua lại chơi với nhau rất thân. Ông bà Đức Hợp hiếm con, chỉ được một trai một gái: đứa con trai tên Hùng bằng tuổi Thanh, cô gái út tên Thúy Hạnh mới lên bảy.

Sáng hôm sau, bà Nghĩa Hưng sang nhà ông bà Đức Hợp bàn chuyện tản cư. Ông bà Đức Hợp cũng đang lo lắng muốn đi, nhưng sợ đi một mình, nay có gia đình ông bà Nghĩa Hưng cùng đi, rất lấy làm vui mừng. Hai bà bàn bạc với nhau đâu vào đó, bà Nghĩa Hưng về thuật chuyện lại với chồng. Cả nhà lo dọn dẹp, cất đặt các thứ đáng giá vào trong hầm trú, khóa cửa hầm lại cẩn thận, còn các đồ kềnh càng thì cũng thu dọn vào một phòng, khóa kín lại. Ông bà chỉ đem theo các thứ cần dùng và tiền bạc. Sáu giờ chiều hôm sau đó, khi mặt trời sắp lặn, hai gia đình thuê hai xe “lô ca xông” đi Mỹ Tho,

Ban ngày vì sợ máy bay bắn, nên đường sá vắng teo, nhưng từ chập tối, xe cộ qua lại rất nhiều. Vì luật phòng thủ, xe chạy phải che đèn, nên đi rất chậm, mãi đến gần 10 giờ đêm mới đến Mỹ Tho.

Chương 02

Thành phố Mỹ Tho hẹp, người tản cư về nhiều nên chật ních. Có người ở lại đó tìm phương kế tạm sinh sống, kẻ khác còn đi về các miền xa hơn nữa. Một người buôn bán ở đây, trước vẫn thường lên Sài Gòn cất hàng nơi hiệu Đức Hợp, nay thấy hai gia đình quen biết tản cư về, họ tiếp đón rất tử tế. Họ thu xếp xuống ở tầng dưới, nhường trên gác cho hai gia đình ở tạm. Hai gia đình gồm bốn người lớn và năm đứa con, chen chúc trong một cái gác, kể cũng chật chội, nhưng hoàn cảnh tản cư được như thế này là đáng mừng rồi.

Chỗ ở tạm yên, bà Nghĩa Hưng và bà Đức Hợp bàn tính với nhau, buôn bán vặt vãnh để kiếm tí lời, chớ ăn không ngồi rồi thì bạc tiền bao nhiêu cũng sẽ hết. Nhờ có ông bà chủ nhà giúp ý kiến, nên vài hôm sau, mỗi buổi sáng, cơm nước xong, hai bà về Cai Lậy mua trái trăng, thịt cá từ miền quê đưa ra, đem về Mỹ Tho bán lại. Lời lãi ngày ít ngày nhiều đắp đổi. Nhờ đó mà tiền vốn mang đi không đến nổi hao hụt.

Việc sinh sống hằng ngày tạm yên, hai bà lại lo lắng về nỗi con cái: chúng nó không có chỗ học hành, ăn rồi nghịch phá, nhiều khi làm cho chủ nhà cũng phải khó chịu. Hai bà đi dọ hỏi, biết có một cô giáo cũng tản cư về đây, hai bà liền đến nhờ cô mỗi ngày dạy tụi trẻ vài giờ, để cho chúng khỏi quên sách vở và cũng để cho chúng bớt nghịch phá, làm phiền lòng kẻ khác. Cô giáo cũng đang tìm việc, liền vui vẻ nhận lời. Từ hôm đó, buổi sáng hai giờ, buổi chiều một giờ, các cô cậu Thu Thảo, Thúy Hạnh và Thanh phải cắp sách đến nhà cô giáo để học. Chỉ có Thông, học cao, không có lớp, nên được đi chơi lang thang cả ngày.

Phần các ông Nghĩa Hưng và Đức Hợp thì thật là nhàn hạ. Không có việc gì làm, các ông họp nhau đánh tổ tôm và uống rượu. Nhà ông bà Đức Hợp có người ở lo cơm nước, còn nhà Nghĩa Hưng không có, nên buổi sáng, trước khi đi mua hàng, bà phải nấu luôn cơm trưa sẵn đó rồi mới đi, đến chiều về, dẫu mệt mỏi hết sức, bà vẫn phải chúi đầu vào bếp làm cơm tối: ông Nghĩa Hưng chẳng đỡ đần bà được việc gì cả. Tuy vậy, bà vẫn vui lòng chịu đựng; bà biết ông đang buồn về thằng Thái. Trong mấy đứa con, ông thương thằng Thái nhất. Mới 18 tuổi, nó đã đậu tú tài toàn phần, ông hy vọng về sau đứa con đầu lòng ông sẽ trở thành một nhà luật sư tài giỏi. Tương lai nó được rạng rỡ, mà ông cũng được nó đỡ đần khi về già. Bây giờ nó bỏ nhà đi biệt tích, không biết sẽ ra thế nào, cho nên ông đâm ra chán nản, chẳng thiết làm ăn gì nữa. Hằng ngày ông chỉ đánh cờ, uống rượu rồi ngủ, bỏ mọi sự mặc bà lo lắng.

Một buổi chiều, Thông dẫn em Thanh đi chơi với chúng bạn Thông vừa quen biết. Các cậu vào phố mua một ít kẹo rồi dẫn nhau ra khỏi thành phố chơi cho mát. Đi ngang một lùm rậm rạp có nhiều cây cao, cành lá rườm rà, Thông đề nghị chúng bạn vào đó chơi. Một cậu lắc đầu quầy quậy:

_ Anh có gan thì vào, chớ tụi tôi thì sợ lắm!

Thông ngạc nhiên hỏi lại:

_ Lùm cây có gì mà anh sợ? Có rắn hả?

_ Không phải sợ rắn, mà sợ cái khác. Anh thấy phía sau trong lùm cây có cái miếu thờ nho nhỏ đó không? Miếu này thiêng lắm. Tôi nghe ba tôi kể chuyện: Ngày xửa ngày xưa, ở vùng này có một ông phú hộ thọt chân, ông rất thương người nghèo khó. Thường ngày, ông chống gậy đi quanh trong xóm làng, ai túng cực, ông kêu đến cho lúa thóc đem về nuôi con cái. Nhân dân trong vùng, ai cũng cảm mến ân đức của ông. Khi ông mất, họ lập miếu này để thờ ông. Cái gậy ông dùng lúc sinh thờ, họ để trên bàn thờ như một báu vật. Lúc đầu người ta đến kính viếng, cầu khấn luôn. Về sau này, ít người biết truyện ông, nên thỉnh thoảng mới có người tới. Miếu ông vì thế mới vắng vẻ, âm u, dễ sợ!

Thông bỉu môi “xì” một cái :

_ Vậy mà dễ sợ cái gì?

Cả bọn nhao nhao :

_ Anh không cho là dễ sợ à ? Thế thì tụi tôi đố anh vào trong miếu một mình xem. Miếu lúc nào cũng mở cửa, anh vào thử đi !

Thông hơi chột dạ, nhưng đã lỡ làm gan, cũng nói liều luôn :

_ Được rồi để tôi vào đó một mình cho các anh xem !

Một cậu bảo :

_ Nhưng lấy gì làm chứng là anh có vào trong miếu đó mới được chứ ? Anh chưa vào, mà anh bảo đã vào rồi thì sao ? Thôi thế này : Anh lấy chiếc gậy trên bàn thờ ra đây cho tụi tôi tin.

Cả bọn vỗ tay tán thành. Thấy Thông ngần ngại, một cậu lớn hơn cả, tươi cười bảo :

_ Chắc là anh Thông sợ rồi, thôi chịu thua đi cho xong !

Chạm tự ái, Thông cương quyết:

_ Nhất định tôi sẽ vào lấy chiếc gậy ấy về nhà cho các anh xem. Nhưng mà các anh cuộc gì mới được chứ?

_ Tụi tôi cuộc thế này: từ đây cho đến 8 giờ sáng mai, nếu anh lấy chiếc gậy ấy về nhà, thì tụi tôi đãi anh một chầu phở no nê. Còn như anh không lấy được thì anh phải đãi lại tụi tôi, chịu không?

Thông biết mình đi quá đà, không thể thối lui được nữa bèn giơ ngón tay ra bảo :

_ Được rồi, sáng mai các anh đến nhà tôi mà xem !

Hai bên “ngoéo” tay nhau rồi giải tán. Trên đường về, Thông mới cảm thấy cái dại của mình. Trong một phút bốc đồng, cậu đã tỏ ra mình can đảm. Nhưng bây giờ, cơn hăng nồng lắng xuống, cậu lo nghĩ chưa biết làm cách nào để lấy chiếc gậy trong miếu thờ ấy. Ban ngày thì có người gác, ban đêm thì, eo ơi ! Tối tăm hoang vắng như thế làm sao mà vào ! Rủi ông Phú hộ ấy linh thiêng, ổng hiện ra bóp cổ thì còn gì ?

Thằng Thanh thì khác, nó tưởng anh Thông nó cũng “chì” lắm. Nó hỏi liến thoắng :

_ Anh Thông này, khi nào anh đi vào trong miếu đó, cho em đi với !

Nghe em nói, Thông mừng rỡ như người chết đuối vớ được tấm ván :

_ Ừ, cơm tối xong có trăng, anh em mình kiếm cớ xin phép ba má đi chơi rồi đi thẳng vào miếu, nghe Thanh !

Cơm tối xong, ông Nghĩa Hưng và ông Đức Hợp lại đi đánh tổ tôm. Hai bà ngồi nói chuyện với nhau. Thu Thảo, Hùng và Thúy Hạnh sắp đồ ra chơi. Thông nháy mắt làm hiệu cho Thanh, rồi cả hai nhẹ nhàng xuống cầu thang. Ra khỏi thành phố, hai anh em đi đến trước lùm cây hồi chiều. Trống ngực Thông đập mạnh hơn trống làng, nhưng cậu vẫn làm bộ tỉnh táo bảo em :

_ Thanh nè, cả hai đứa cùng vào không tiện, lỡ có ai ngoài này đi vào bắt được thì sao? Bây giờ em vào một mình để anh gác ngoài này. Có ai, anh sẽ hú cho em biết mà nấp đi.

Thanh cho là phải, bằng lòng đi một mình. Cậu theo đường mòn vào đến trước miếu. Của chỉ đóng chớ không khóa. Cậu xô một cái là cửa mở. Trong miếu tối om phảng phất mùi hương. Cậu bật một que diêm : ánh sáng bùng lên, cậu thấy ngay chiếc gậy để trên bàn thờ. Cậu bước lại run run cầm lấy và chạy một mạch ra đường cái. Nghe chân em chạy thình thịch, Thông đi vào một quãng đón em. Thấy chiếc gậy trong tay em, Thông mừng hết sức.

Thế là nhờ em mà Thanh và Thông được cuộc, được tụi bạn phục là can đảm. Thông định bụng đến chiều tối lại nhờ Thanh đưa vào miếu trả lại, nhưng chưa kịp thi hành thì mọi chuyện vở lỡ: ông Từ lo sạch sẽ trong miếu, sáng hôm đó vào quét dọn, thấy mất chiếc gậy thờ, liền tri hô lên. Ông chạy về thành phố, gặp ai ông cũng kể chuyện. Tin mất gậy thờ đồn từ người này sang người khác, và cuối cùng nhờ tụi trẻ kháo láo với nhau, họ tìm ra thủ phạm. Ông Từ liền đến tìm ông Nghĩa Hưng và trình bày tự sự. Ông Nghĩa Hưng điếng người: ông không dè con cái ông lại nghịch đến thế. Ông giận con run người lên, nhưng “Con dại cái mang”, lại vì có người ngoài nên ông cố cầm mình, lấy lời từ tốn tạ lỗi, và đem chiếc gậy trả lại cho ông Từ. Ông Từ là người hiểu biết, ông cho là trẻ con dại dột, chứ không phải là chúng nó có ý xúc phạm đến thần linh.

Chờ cho ông Từ ra về một lúc, ông Nghĩa Hưng mới gọi Thông, Thanh ra tra hỏi. Thông sợ tái mặt, đổ lỗi cho em. Ông Nghĩa Hưng vốn lâu nay không ưa thằng Thanh, vì bản tính nó gan góc, liều lĩnh. Nghe nói thế, ông liền chụp lấy cổ thằng Thanh, đè nằm sấp xuống sàn nhà, trói tay chân nó lại, rồi lấy chiếc roi mây vừa quất vừa thét:

_ Mày là thằng con vô phúc! Mày bêu xấu, bêu hổ cho tao: tao phải đánh chết mày mới được!

Thằng Thanh đau quá, lăn lộn trên sàn nhà, khóc la om sòm. Ông bà chủ nhà và ông Đức Hợp chạy lên can ông, nhưng thấy ông hung dữ quá, không ai dám vào. Hai mắt ông đỏ kè như hai cục than lửa, mình mẩy ông nóng rực. Thu Thảo sợ ba đánh chết em, vội vàng chạy ra chợ kêu mẹ. Bà Nghĩa Hưng giao hàng cho bà Đức Hợp, tất tả chạy về. Bà vừa lên gác thấy chồng đang mím môi, mím lợi đánh con chí tử. Bà xông vào ôm choàng lấy chồng,vừa khóc vừa nói:

_ Ông ơi, con dại dột thì đánh nó vài roi đủ rồi, chứ ông định giết con hay sao mà đánh con dữ tợn thế này?

Ông Nghĩa Hưng như điên cuồng, xô vợ ra quát:

_ Bà đừng bênh con, lui ra, không tôi đánh cả bà!

_ Thôi xin ông bớt giận, ông đánh con đau lắm rồi, xin ông tha cho con!

Miệng bà nói, hai tay bà giữ chặt lấy ông, mặc cho ông xô đẩy. Lòng thương con thêm sức mạnh cho bà. Cuối cùng ông đành chịu thua, ông cất roi, bỏ đi xuống dưới nhà. Trước khi ông đi, ông còn đe:

_ Tối nay, tôi cấm bà không được cho nó ăn một hột cơm nào. Cái thứ con vô phúc đó phải trị cho mạt kiếp nó đi!

Bà Nghĩa Hưng mở trói cho con, rồi bồng lên giường. Cởi áo con ra, trời ơi! Bà thấy vô số lằn roi rướm máu, sưng vù, ngang dọc trên thân con. Bà khóc tấm tức:

_ Con ơi, sao con dại dột thế! Con làm cho ba con càng ghét con thêm!

Bà lấy dầu xoa các vết lằn cho con và nhờ bà chủ đi mua thuốc an thần cho con uống. Nghe Thu Thảo thuật truyện lại, bà hiểu nguyên do là tại Thông. Bà gọi Thông vào bảo:

_ Chính con đã xúi em con làm bậy, chớ đâu phải tại nó! Thế mà con sợ, lại đỗ lỗi cho nó! Má bỏ qua đi, chứ má phân tích ra thì ba con cũng cho con một trận đòn nên thân. Có điều là cách con xử sự với em út như thế rất hèn hạ, rất đáng khinh bỉ!

Thông biết lỗi xấu hổ cúi đầu lặng thinh. Tội nghiệp thằng Thanh, sau trận đòn hung dữ ấy, em liệt giường liệt chiếu mất 3, 4 ngày mới ngồi dậy được. Bà Nghĩa-Hưng bỏ cả buôn bán để săn sóc con. Thu-Thảo, Hùng và Thúy-Hạnh cũng không đi học, ở nhà chơi với Thanh. Thông xem ra hối hận lắm, cậu dốc hết tiền dành dụm lâu nay, đi mua kẹo bánh và đồ chơi về cho em để chuộc lỗi. Bản tính Thanh hay quên, em chẳng oán hận gì anh, chỉ xuýt xoa :

_ Ba đánh em đau quá ! Nếu không có má can, chắc ba đánh em chết mất !

Sau cơn nóng giận, ông Nghĩa-Hưng cũng tự nhận mình đã quá tàn nhẫn với con, ông cố vui vẻ hiền từ, để hàn gắn lại tình cha con. Tuy vậy, trong thâm tâm, ông vẫn không ưa thằng con út của ông : ông cho rằng nó nghịch ngợm, cứng đầu, không ngoan ngoãn như các anh chị nó.

Nghỉ học mất một tuần, Thu-Thảo, Thanh Hùng và Thúy Hạnh đi học lại. Cô giáo đã biết chuyện mới xảy ra, cô sợ liên lụy nên không chịu dạy các em ấy nữa. Bà Nghĩa Hưng phải năn nỉ hết lời, cô mới dạy lại.

Xem tiếp chương 3 & 4