Những Nốt Nhạc Trầm - Loại Hoa Tím

Tủ sách Tuổi Hoa - 1974

Chương 1 & 2

Chương 3 & 4

Chương 5 & 6

Chương 7 & 8

   Chương 9 & 10

              Chương 11 & 12 (hết)

Nguồn: NGUYỄN TUẤN sưu tầm, scan và KIỀU MINH đánh máy

-------------------

Thực hiện eBook: Nguyễn Hữu Minh

MOBI

EPUB

Chương 1

Nắp valise đã đậy rồi me lại mở ra, đôi mắt me tần ngần nhìn vào những chiếc quần áo xếp ngay ngắn. Mấy viên long não bốc mùi thơm dìu dịu, chiếc hộp nhỏ đựng kim chỉ và các đồ vật linh tinh nằm một góc. Tay me vuốt nhẹ lên lần vải của chiếc áo trên cùng, em thấy nghèn nghẹn ở cổ họng, nước mắt chỉ muốn trào ra. Me ngồi yên lặng, đầu cúi xuống valise mở rộng như muốn thu hết những hình ảnh vào lòng me. Em nói nhỏ giọng nghẹn lại : 

- Thôi me. 

Me thở dài khe khẽ ngước mắt nhìn em, mắt me sao buồn thế, như có cả một biển nước mắt long lanh sâu thẳm. Em gần muốn khóc khi nhìn thấy khuôn mặt me. Thôi me. Thôi me. Nắp valise được đậy lại, me kéo hai chiếc fermeture sát vào nhau bảo em : 

- Khánh, con đưa khóa đây me khóa lại cho. 

Em đưa cho me ổ khóa bé tí cùng với chiếc chìa mầu bạc xinh xắn. Me vặn khóa thật êm, khi trao lại cho em chiếc chìa khóa me giữ lấy tay em, giọng me thương xót : 

- Con nhớ giữ cho cẩn thận nhé, bỏ vào ví nhỏ ấy, không biết còn quên cái gì nữa không. Me lo quá, lên trên ấy nhỡ thiếu thốn gì thì sao đây. 

Me làm như em sắp đi vào một hoang đảo nào không bằng. Thiếu gì nữa, mấy hôm nay me lo sửa soạn hành lý cho em từng li từng tí. Từ lọ dầu nóng đến mẩu bông gòn, từ cây kim sợi chỉ, từ viên thuốc nhức răng, từ ống pommade trị phỏng. Me biết em mỗi lần làm bếp thế nào cũng bị phỏng, không có ống pommade không xong. Tính em vụng về, xa em me lo lắm. Thôi thế là hết, từ nay không ai làm bếp cho me nữa, dù là làm bếp thì cơm khê, canh mặn, cá cháy. Mắt em cay khi nghĩ đến những ngày sắp tới sẽ không còn vòi vĩnh nữa. Rồi me ở một mình làm sao, em Vũ nhỏ giúp gì được me. Em bặm môi rưng rưng nước mắt : 

- Me. 

Me nhìn em, giọng me ngọt dịu : 

- Gì thế Khánh ? 

Em cúi gầm mặt xuống đất, nghẹn ngào : 

- Thôi con không đi nữa đâu me, nhớ me lắm. 

Me cười nhẹ, nụ cười hiền dịu mà buồn tênh, me nói khẽ : 

- Sao con lại nghĩ thế, lên trên ấy với bác con được đi học không thích sao. Ở đây với me làm gì, me muốn cho con học nên người. Bác thương nên mới gọi con lên, trên ấy có anh Khải, anh Hoàng, chị Hân dạy con học, buồn gì. 

- Con không đi đâu, con muốn ở lại với me cơ. 

Giọng me nghiêm lại, nửa thương xót, nửa nhẫn nhục : 

- Khánh, con đừng cãi me. Để con đi me không xót hay sao – giọng me nghẹn lại – nhà có ba me con… Khánh, me không đủ sức nuôi con học me tủi lắm. Con rán đi, lên trên ấy con chịu khó ngoan ngoãn cho vừa lòng bác. Me muốn con được lên bậc Đại Học, ở đây với me thiếu thốn, me không đành lòng. 

Thiếu thốn, me, thiếu thốn gì bằng thiếu me hở me, con sắp sửa thiếu một tình thương đã ấp ủ con mười sáu năm nồng nàn yêu dấu. Bỗng nhiên con bị rứt ra khỏi đôi cánh tay me, rứt ra khỏi cái tổ ấm nhỏ bé đơn sơ này làm sao không nhớ. Nước mắt em trào ra : 

- Me, con chịu thiếu thốn, con ở với me. 

- Khánh, nghe me nói, rồi con sẽ quen, ở với me con sẽ không bao giờ được học cao bằng người, con sẽ tiếp tục đời sống nghèo nàn như me bây giờ. Trí óc của con sẽ hẹp hòi, kiến thức của con sẽ nhỏ bé. Con không ngoi lên nổi giữa xã hội nếu con khư khư giữ ý định đó. Can đảm lên đi Khánh của me. Me ước thấy con một ngày thành công rực rỡ trở về với me. Me không ước thấy con nhỏ bé, thấp hèn mãi trong tay me. Không ai ở với bố mẹ hoài bao giờ. Khánh, nghe me đi, tương lai của con sẽ sáng sủa. Đừng ở với me, tăm tối lắm. 

- Con không muốn xa me. 

Me thở dài, dịu dàng : 

- Thế con không muốn me sung sướng hay sao, con đi học, mỗi năm sẽ về thăm me. Vài năm nữa con học xong, con có thể về cạnh me mãi mãi. Me muốn thấy đời sống con được bảo đảm. Khánh, đừng làm me buồn. 

Em nhìn me, mắt me cũng rướm nước mắt, khuôn mặt me đắm chìm trong vẻ buồn xa xăm. Con phải can đảm hở me, can đảm để có một tương lai tươi sáng cho me vui phải không me. Em gượng cười, môi còn mặn nước mắt : 

- Me, con hiểu rồi, con không khóc đâu. 

Nhưng thực thì nước mắt đã chảy dòng trên đôi má em. Me quàng lấy thân hình em vỗ về : 

- Me biết, Khánh … 

Em cắn môi, giọng sũng nước mắt : 

- Em Vũ còn ngủ hở me ? 

- Ừ, em còn ngủ, gần đến giờ con đi chưa ? 

- Con không biết, me. 

Me nói nhẹ nhàng : 

- Chắc cũng sắp, để me xem đồng hồ. 

- Sáu giờ kém mười lăm. Me kêu lên – Khánh, thôi xách valise đi thôi, muộn rồi con. 

Em tần ngần đứng bên giường nhìn Vũ ngủ say, mắt em khép kín, có hai hàng mi cong thật đẹp, đẹp hơn mắt con gái. Vũ ngủ bình thản. Em nghẹn ngào nghĩ đến lát nữa đây khi thức giấc Vũ sẽ gọi chị Khánh ầm ĩ lên, chị xa Vũ rồi Vũ ơi. Căn nhà bé nhỏ thân yêu quá, một bộ bàn ghế cũ, một chiếc giường cho ba mẹ con. Một góc là bếp, phòng khách ngăn đôi bằng một tấm màn kẻ hoa tím. Nước mắt em lại ứa ra khi nghĩ một chút nữa thôi là em đã rời bỏ nơi này, bỏ me, bỏ Vũ thui thủi hiu quạnh. Chưa đi mà đã nhớ đã thương quá me ơi. 

Me đến gần em nhỏ nhẹ bảo : 

- Đi thôi Khánh. 

Em cúi xuống hôn lên má Vũ một cái hôn nhẹ rồi theo me ra ngoài. Me xách valise, em cầm hai chai mật ong để biếu bác. Một chiếc cyclo chạy qua, me vẫy. Người phu ngừng lại trước cửa, me trả giá rồi đặt valise vào xe, bảo em : 

- Lên đi Khánh. 

Em ngập ngừng nhìn me rồi leo lên xe, chiếc xe rộng quá đối với thân hình nhỏ nhắn của em. Me đứng đó yên lặng trong vẻ mờ mờ của buổi sáng. Em nhìn me thốt kêu lên nghẹn ngào : 

- Me. 

Me nghiêng người vào lòng xe nắm chặt lấy tay em. Bàn tay me lạnh giá, đôi mắt me sâu thẳm. Me. Em gọi một lần nữa và bật khóc thút thít. Qua làn nước mắt em thấy khuôn mặt me tái xanh, đau đớn, me thốt lên bằng giọng hoảng hốt : 

- Khánh, me đi với con. 

Người phu xích lô sửa soạn đẩy chiếc xe ra đường bỗng ngừng lại, giọng ngạc nhiên : 

- Ủa, bà cũng đi nữa hả, thì lên nhanh đi. 

Me đứng sững, em thấy vẻ tuyệt vọng trong đôi mắt me. Me nửa như muốn bước tới, nửa đứng chôn chân một chỗ. Em lắc đầu cắn môi nói bằng vẻ xúc động : 

- Me, thôi me, đừng đưa con đi. Me ở nhà lo cho em Vũ. 

Người phu xích lô hỏi lại : 

- Bà có đi không ? 

Me từ từ lắc đầu, trông me tội nghiệp quá. Người phu đẩy chiếc xe hướng ra đường, em quay đầu nhìn me kêu lên : 

- Me, con đi. 

- Khánh. 

Em nghe tiếng kêu của me như một tiếng vọng thê thảm. Giọng me tắt nghẹn. Em giấu mặt trong những ngón tay để mặc nước mắt tha hồ tuôn chảy. Nhịp bánh xe lăn đều trên đường. Tiếng chuông kêu loong coong khua động sự yên tĩnh của buổi sáng. Chiếc valise lắc lư dưới chân em, em nghe trong nỗi nhớ rất thầm cái se thắt ngấm ngầm đau đớn.

 

***

 

Chuyến bay Ban Mê Thuột – Đà Lạt cất cánh lúc bảy giờ rưỡi, sớm hơn giờ ghi mười phút. Em tựa vào ghế, lắng nghe tiếng động ì ầm nổ, thân hình chao đi chao lại trong lòng ghế, em thấy choáng váng. Máy bay đang chạy trên phi đạo, một chút nữa thôi là nó sẽ tung lên không, mang theo em rời xa miền đất đỏ. Em nhắm mắt tưởng tượng đến me giờ này chắc đã sửa soạn đi làm, em Vũ đang hỏi me chị Khánh đâu. Nước mắt em lại muốn chảy ra, me ơi, nhớ quá me ơi.Người thiếu phụ trẻ ngồi cạnh em kẽ chạm nhẹ vào tay, em mở mắt. Người nữ tiếp viên hàng không tay bưng khay kẹo lẫn bông gòn nhìn em chờ đợi. Em ngơ ngác nhìn, cô gái nhắc em, mời em lấy đi. Em cầm chiếc kẹo mầu xanh với vẻ bỡ ngỡ. Người thiếu phụ trẻ nói :

- Chắc em chưa đi máy bay lần nào phải không ? 

- Dạ. 

Thiếu phụ cười mỉm, bà đưa cho em một mẩu gòn : 

- Em nhét vào tai đi, đỡ nhức đầu hơn. 

- Cám ơn bà. 

Người thiếu phụ lại cười, thân ái : 

- Tôi quen đi máy bay nhưng nhiều khi cũng mệt lắm. Em ở Đà Lạt ? 

- Dạ không, em ở đây. 

- Em lên Đà Lạt chơi ? 

- Em đi học. 

Thiếu phụ gật gật đầu : 

- À phải, tôi quên là sắp tựu trường, em học trường nào ? 

Em bối rối : 

- Dạ, em cũng chưa biết, em chưa đi Đà Lạt lần nào. 

Giọng người thiếu phụ đầy vẻ ngạc nhiên : 

- Thế là sao ? 

Em lúng túng giải thích : 

- Em có người bác ở Đà Lạt, gọi em lên học, em chưa biết gì cả. 

Người thiếu phụ tỏ vẻ hiểu, bà nói : 

- Thế à ? Không ai đưa em đi hay sao ? 

Câu hỏi làm em nhớ đến me, em bậm môi nhịn một giọt nước mắt chực rơi xuống, lắc đầu. Người thiếu phụ vô tình hỏi tiếp : 

- Sao em không học ở đây với ba má, em bao nhiêu tuổi rồi ? 

Em quay mặt ra khung cửa kính nghẹn ngào đáp : 

- Em mười sáu. 

Tiếng động cơ nổ lớn mà em lại nói nhỏ nên người thiếu phụ nghe không rõ, bà nghiêng người qua hỏi lại : 

- Em nói gì cơ ? 

- Dạ, em nói em mười sáu tuổi. 

- Mười sáu, em có vẻ như mới mười bốn hay mười lăm là cùng. 

Em không trả lời người thiếu phụ, đầu em nhức bưng lên, em ôm lấy mặt. Người thiếu phụ nói bên tai em : 

- Em mệt phải không, em nên ngủ một chút. 

- Dạ, cám ơn bà. 

Em nhắm mắt thật chặt, có những đốm sáng mờ nhẩy múa trong đôi mắt. Máy bay nhồi lên nhồi xuống làm ruột gan em nhiều lúc tưởng chừng dâng lên tận mồm, cảm giác trống rỗng chơi vơi thật khó chịu, em cắn chặt đôi môi giữa hai hàm răng đến tê dại. Tiếng động ù ù làm em thấy tai lùng bùng, cả người mệt như qua một cơn sốt. Con người ta là những cánh chim, nay ở nơi này mai ở nơi khác. Chỉ có nửa giờ bay mà xa cách trùng trùng. Giờ này chắc me cũng se thắt cả lòng nghĩ đến đứa con yêu. Nước mắt em ứa ra bên khóe, thương ơi là thương thành phố em đã bỏ đi. Thành phố có những con đường nhỏ bụi mù, có những khóm hoa quỳ vàng mướt. Thành phố xanh ngát lá cây; thành phố có con đường dẫn đến ngôi trường đầy hoa muồng vàng, thành phố của những cây sầu đâu, soan, thành phố của hoa gạo đỏ, của bông gòn bay trắng xóa trời mùa gió. Thành phố có ấp ủ ngôi nhà bé nhỏ của ba mẹ con em. Ngôi nhà gỗ vách ván mái tôn, mùa Đông lạnh buốt, mùa hạ nóng thiêu. Ngôi nhà nghèo nàn với mảnh sân con lấm tấm cỏ dại với hoa móng tay tím hồng với những bụi tử la lan thơm ngát, với cây đào lông tội nghiệp gầy guộc vì đất khô cằn. Ngôi nhà với ba mẹ con lúc nhúc bên nhau, với me ngày hai buổi đi làm công sở lương tháng ít oi, với em Vũ như con sơn ca vui múa, với em loay hoay trong bếp nhỏ, chật vật kho cá nấu canh. Với những nụ cười, với dòng nước mắt. Thôi thế từ nay là cái tổ ấm đã mất đi một con chim nhỏ. Con chim chưa đủ lông đủ cánh đã rời đôi cánh mẹ. Và mưa, và gió, và những gì của ngày mai còn mù mờ xa lạ. 

Em hình dung lại con đường mờ sương buổi sáng dẫn ra phi trường. Những dây hoa leo tim tím mọc trên hàng kẽm gai của phi trường L.19 rầu rầu nở giữa đám lá xanh, những dây hoa kẽm gai như em thường gọi. Và những vườn cao su xanh ngát, những đám cỏ dại mọc cao, những thân muồng thẳng đứng, những bụi quỳ san sát hoa vàng. Hoa dại nghiêng ngả trên bờ cỏ, xe qua chùa Dược sư, qua hai vườn cây xanh đường cây số năm, qua trường Nông Lâm Súc, qua vườn ương cây, qua làng Hòa Bình. Em đã ứa nước mắt khi nhìn thấy tấm bảng « Ban Mê Thuột tiễn chào quý khách » dựng bên đường. Em khóc âm thầm, tưởng chừng như đang làm một chuyến đi vĩnh viễn. Ban Mê Thuột tiễn chào quý khách. Nhưng em có phải là quý khách đâu. Em chỉ là một cô gái nhỏ bị bứt khỏi đôi cánh tay người mẹ, bị đẩy ra khỏi thành phố thân yêu, lòng em nào đâu muốn thế. Trái tim nhỏ của em run rẩy lên tiếng phản đối. Xe ca đi nhanh, vụt cái rồi tấm bảng biến mất nhưng lòng em đã tựa như có một mũi gai đau nhói đâm vào. Rồi qua, rồi xa, nửa giờ ngồi đợi ở phòng đợi của phi trường Phụng Dực màu đỏ thắm, nhìn người ta tiễn nhau, nhìn người ta cười nói bên nhau, nhìn những cô gái cùng tuổi cười tươi với chuyến du lịch sắp đến, em tưởng như lòng em vỡ nát ra được. Hết những buổi trưa ngồi chờ mẹ về bên bữa ăn thanh đạm. Hết những buổi chiều ôm cặp lững thững về trên con đường rậm bóng cây. Hết những buổi tối hai chị em ngồi nghe mẹ kể chuyện, nhìn mẹ mạng lại chiếc áo sờn, xếp lại mớ đồ cũ. Rồi lăn vào lòng me tranh với em Vũ câu con thương me hơn, me ơi. Biết có là sung sướng hay không cho những ngày sắp đến, me đã muốn thế, Khánh của me phải làm thế. Nhưng ăn cơm không có me, đi ngủ không có me, sáng thức giấc một mình, ai âu yếm, ai săn sóc bằng me đây. Và anh Khải, anh Hoàng, chị Hân, những cái tên hãy con xa lạ ở đầu môi thì tấm lòng còn xa bao nhiêu nữa hở me ? 

Có một vật gì được dúi vào lòng em, em giật mình mở choàng mắt, hạt lệ đọng ở mi tự do lăn xuống má. Tiếng người thiếu phụ trẻ nói dịu dàng : 

- Thức ăn điểm tâm, em ăn đi. 

Mẩu sandwich nằm gọn trong hộp giấy, thêm một trái chuối nữa. Em tần ngần nhìn, người thiếu phụ nói : 

- Em ăn đi, buổi ăn sáng của máy bay đó. 

Tay em chạm vào lớp bánh nguội, em nhớ đến bát cháo hoa bốc khói me nấu buổi sáng. Em ưa ăn cháo với muối, Vũ ưa ăn cháo với đường. Nhà ít tiền, sáng sáng me cho ăn cháo hay ăn cơm rang lại buổi tối. Quà sáng phải mua là điều khổ cho me, tiền bạc xuống giá, mười đồng ăn sáng không thấm thía gì với hai cái dạ dầy đang tuổi ăn của em và Vũ. Nhiều hơn thì me lo không nổi, thôi ăn cháo cho xong. Em cũng ăn được cháo hòa với đường nhưng ít khi em ăn, để cho Vũ, ăn với muối cũng ngon. Đường bây giờ lên giá vùn vụt, em ăn một bát tốn một bát. Để hộp đường cho mình Vũ ăn đủ tháng. Vũ nhỏ cần ăn nhiều cho mau lớn hơn em. Em lớn rồi còn gì, con gái ăn nhiều mập xấu. Me thường kêu em gầy quá, mảnh như sậy. Em bảo thế giống me, đẹp. Em nheo mắt cười khi nhấn mạnh chữ đẹp. Me đẹp lắm, dịu dàng ẻo lả như hoa cúc (em ưa cúc lắm). Em chưa thấy ai đẹp như me. Mẹ lũ bạn em chả bà nào đẹp bằng, bà mập như thùng tô-nô, bà cao lớn như đàn ông, bà nào đẹp lắm thì trông thường thường thôi, chả bà nào đẹp bằng me em hết. Tóc me dài, tối ngủ xõa đầy gối, em kêu tóc me liêu trai ác, me cười, mắt me sâu thăm thẳm lúc nào cũng long lanh nước. Mắt thế khổ lắm, em vẫn nghe me bảo thế. 

Người thiếu phụ hỏi bằng giọng ái ngại : 

- Sao em không ăn, em nhớ nhà hả, nín đi nào, có gì mà khóc. 

Em ngẩng nhìn bà, ở người thiếu phụ này giọng nói miền Nam thật dễ yêu khác hẳn với những giọng Nam mà em đã nghe. Ban Mê Thuột là thành phố của dân tứ xứ, em được nghe giọng nhiều miền ở đó, Nam, Trung, Huế, Quảng … Với em, chỉ có giọng miền Bắc là nhất nhưng bây giờ em phải chịu là em có thành kiến sai. Người thiếu phụ cạnh em có giọng Nam rất dễ thương, tiếng nói trong trẻo, non nớt như giọng trẻ con. Nếu đừng nhìn mặt bà có lẽ em nghĩ là cũng bằng tuổi em là cùng. Em ngượng ngùng đưa tay lên chùi mắt khi nghe câu hỏi, đầu lắc nhẹ.

- Em đi xa lần đầu hay sao ? 

- Dạ. 

- Em nhớ nhà ? 

Em chớp chớp mắt, những hạt lệ nóng lại muốn trào ra khỏi viền mi. 

- Dạ. 

Người thiếu phụ yên lặng nhìn em, ánh mắt thương hại rõ rệt. Em cúi gầm đầu xuống nhìn hai bàn tay mình. Hai bàn tay nhỏ với những ngón thuôn dài trên vạt áo xanh. Máy bay lắc một cái thật mạnh làm chao người hẳn lại, hộp bánh rơi xuống sàn. Em lúng túng với chiếc thắt lưng buộc bụng sát vào ghế không cúi xuống được, người thiếu phụ cúi xuống nhặt giùm em, em ngửi thấy mùi phấn và nước hoa ngọt dịu phảng phất khi bà nghiêng sát về em. Em nhận lấy hộp bánh lí nhí cám ơn, người thiếu phụ cười mỉm : 

- Sao em không ăn ? 

- Dạ, em không đói. 

Yên lặng một chút, em bỗng thấy muốn nói chuyện, em hỏi bằng giọng rụt rè : 

- Chắc bà ở Đà Lạt ? 

- Không, nhưng có một người con gái nội trú ở đó. 

- Bà đi nhiều nơi lắm phải không bà ? 

Một nụ cười làm tươi sáng khuôn mặt người thiếu phụ, bà nói hồn nhiên : 

- Không nhiều gì, chỉ loanh quanh thăm mấy người quen, tôi có chị ở Ban Mê Thuột. Bà Q. ở đường Huyền Trân Công Chúa, em biết chớ ? 

- Dạ không, em biết ít lắm. 

- Chị Q. tôi theo chồng lên đó đã năm sáu năm rồi, tội nghiệp chị ở cái thành phố gì mà vắng hiu vắng ngắt. Tôi ở mấy bữa phát buồn. Không hiểu sao chị ấy chịu được. 

Thế còn những người ở thành phố ấy cả đời thì sao. Em cười một nụ cười buồn bã, ở bất cứ nơi nào, cái đẹp còn ở lòng người và tình người. Như em, em muốn suốt đời ở thành phố hiu quạnh với mẹ, nhưng chả bao giờ được, cuộc đời có quá nhiều khúc rẽ. 

- Bà ở đâu ạ ? 

- Sài Gòn. Em đã về Sài Gòn lần nào chưa ? 

- Dạ chưa, em có nghe nói. 

- Tôi ở Sài Gòn, con gái tôi thích Đà Lạt, tôi chịu, khí hậu lạnh của Đà Lạt không thích hợp với tôi. 

- Bà đi thăm con gái trước khi về Sài Gòn phải không ạ ? 

- Tôi vẫn đi hoài em ạ, mỗi tháng một lần. Tháng này Đà Lạt bắt đầu lạnh rồi. Em có mang theo áo len ? 

Em nghĩ đến chiếc áo len mầu đỏ sậm me đan từ năm kia đã ngắn. Đó cũng may là em không lớn bao nhiêu nên còn tạm mặc được. Giọng em buồn thiu : 

- Dạ có, em có một chiếc áo len. 

- Sao em không lấy ra mặc. Lên đến Đà Lạt lạnh lắm, không như Ban Mê Thuột đâu. Một cái áo len thấm gì, tôi phải quấn khăn, mang găng tay, khoác manteau ngoài mà vẫn lạnh đó. 

Em cắn môi nghe thiếu phụ vô tình nói. Trời ơi, bao nhiêu thứ ấy làm sao em có được. Chiếc áo len cũ hai năm chưa thay được chiếc mới. Manteau, găng tay, khăn quàng ấm là những thứ vô cùng xa xỉ với em. Em cố nhịn nỗi nghẹn ngào dâng lên. Nhưng đã trót là con gái nhà nghèo, hãy cam chịu những gì mình có đi, Khánh ạ. Cái sưởi ấm em nhất là đôi cánh tay me em đã xa rồi, còn có gì để làm ấm áp được tấm lòng thơ nhỏ. 

Mây trắng nõn bay thênh thang ngoài cửa kính, những đám mây mịn trắng xóa như bông gòn. Em tưởng tượng đến vẻ mát dịu, mềm mại của mây khi được hốt, được ôm mây vào lòng. Mây bay cuồn cuộn nổi vân nổi sóng đẹp tuyệt vời. Em nghĩ đến lúc mình bước ra ngoài máy bay dẫm chân lên đám mây trắng tuyệt vời đó. Chắc chân mình sẽ dẫm thủng mây và rơi ngay xuống đất, tan xác là cái chắc. Mây mềm mại dịu dàng thế kia thân xác nặng nề của em làm gì chịu nổi. Chỉ có những nàng tiên áo trắng có đôi cánh bay lượn la đà khắp nơi mới ngự trị được thôi. 

Em chớp mắt thở dài, mơ ước vẫn là mơ ước thôi. Nếu em hốt được một đám mây về may áo nhỉ. Áo mây tinh khiết, áo mây kiêu sa, đẹp quá thôi là màu mây của trời cao. 

Em quay sang người thiếu phụ bên cạnh, bà mang một đôi kính xanh nhạt lên mắt tựa vào ghế nghĩ ngợi. Hai bàn tay ôm nhẹ quyển sách có móng màu hồng phớt. Nhìn nghiêng bà có vẻ đẹp của những tượng điêu khắc, thanh và nổi rõ khác hẳn vẻ đẹp tròn và thuần hậu của những người đàn bà miền Nam khác em đã nhìn thấy. Em nghĩ thầm, con gái bà chắc cũng phải đẹp lắm. Nhìn vẻ kiêu sa quý phái của bà em se sẽ thở dài. Me chẳng bao giờ có được chiếc áo dài đẹp như thế kia. Me chẳng bao giờ được nhàn nhã du lịch từ xứ này sang xứ khác thăm các con me. Cuộc đời me nhỏ bé thu hẹp với việc làm của người công chức ở sở, với ngày hai bữa cơm, lo âu, suy nghĩ cho ngày mai. Hết đi làm lại lo dọn dẹp nhà, bàn tay me mấy khi rỗi rảnh để tô màu hồng màu đỏ. Mùi hương phấn nhẹ thoảng từ người thiếu phụ làm em nhớ hương tóc me, người me thơm thơm mỗi tối em nằm cạnh me. Em lại muốn bật khóc, sao em hay khóc quá đỗi, me bảo khóc nhiều khổ, nhưng nếu trời đã sinh thế thì người khổ phải khóc. Nếu không khổ người ta đã không có tính hay khóc. Me bảo con gái me chả giống gì me, toàn giống bố, chỉ có đôi mắt là của me. Giống gì chả giống lại giống đôi mắt, đôi mắt long lanh nước lúc nào cũng như sắp khóc. Mắt khổ quá đi con me ạ. 

Máy bay tiếp tục bay, chao lắc dữ dội. Nửa giờ sao lâu quá là lâu. Em lại nhìn ra cửa kính, những cụm mây trắng nõn đã được thay thế bằng nền trời xám đục, dầy đặc mịt mờ. Trời hết đẹp. Mưa giăng những hạt nhỏ trên mặt kính. Mưa không rơi theo chiều thẳng đứng mà lại rơi theo chiều nghiêng, gần như nằm ngang theo chiều lướt của máy bay. Những sợi mưa dài đứt đoạn trên mặt kính tròn nối nhau xuất hiện và biến mất đều đều. Em cảm thấy lạnh, thời tiết của Đà Lạt đã chớm thoáng đâu đây. 

Người thiếu phụ ngồi thẳng dậy tự lúc nào, bà mở kính khỏi mắt lo âu nhìn ra ngoài trời xám ngắt. Bà xem đồng hồ tay, lắc đầu : 

- Gần một tiếng rồi, thời tiết này máy bay khó mà đáp xuống phi trường được. 

Thảo nào mà em thấy lâu thế, nửa giờ qua đã lâu. Em hỏi bằng giọng lo âu : 

- Sao máy bay lâu đến thế hở bà ? 

Người thiếu phụ lắc đầu nhẹ nhàng đáp : 

- Chắc có sương mù phi cơ không xuống được. Phi trường Đà Lạt hay gặp phải nạn này lắm. 

- Rồi làm sao bây giờ hở bà ? 

- Thì bay quầng trên trời chờ đáp xuống, có khi sương mù nhiều quá phải trở về nơi khởi hành hay đáp xuống một phi trường khác. 

- Bà biết nhiều quá, chắc bà gặp trường hợp nầy nhiều lần ? 

Người thiếu phụ bình thản trả lời : 

- Không, tôi chỉ bị một lần thôi, đó là trường hợp rủi ro lắm mới bị. Em đừng lo. 

- Em không lo, em còn muốn máy bay phải quay về nữa. 

Đôi mắt người thiếu phụ mở to kinh ngạc : 

- Em điên à ? 

Em muốn nói rằng em không điên, nhưng bây giờ máy bay không xuống được phải quay về, để em xách valise trở lại ngôi nhà nhỏ, ngó em Vũ cười, thay quần áo lúi húi thổi cơm trưa chờ me về, khóc với me, cười với me một lần, sung sướng biết bao. Rồi mai em đi, rồi mốt em đi, hôm nào em đi cũng được, ôi chao, em cầu cho sương mù thật nhiều ngăn đường để em còn một lần nữa về ủ trong đôi tay me. Máy bay lắc mạnh một cái rồi hạ thấp đột ngột, em bưng lấy mồm, ruột gan em muốn vọt ra ngoài. Em cố nuốt nước bọt, cổ em khô, bụng em rỗng, nôn nao khó chịu. Người thiếu phụ bên cạnh hơi nhăn mặt nói khẽ : 

- Trời này thì lại bị nhồi đến mệt đừ, biết giờ nào mới hạ được cánh, chọn nhầm chuyến bay xui quá. 

Mưa vẫn giăng từng sợi mỏng ngoài khung cửa, máy bay nghiêng ngả, nhồi lắc như con tàu giữa bão tố. Em vịn tay vào thành ghế ngả hẳn người ra phía sau thôi nhìn trời. Cảm giác ớn lạnh lan tràn khắp thân thể, em rùng mình liên tiếp mấy cái. Người thiếu phụ nói : 

- Em lấy áo len mặc đi, đến Đà Lạt rồi, trời lạnh lắm đó. Chắc lát nữa nắng lên máy bay mới đáp xuống được. 

- Vâng, cám ơn bà. 

Valise đã khóa, em khó lòng lấy áo len ra, mỗi lúc em càng thấy lạnh. Đầu choáng váng, mắt hoa, em cắn răng để khỏi thốt ra những tiếng kêu. Chuyến bay mới quái ác làm sao. Em nghe một chút nước chua ứ trong mồm khó chịu. Rùng mình, em gắng nuốt trở lại dạ dày, cổ em khô đắng. Em luồn hai tay vào mái tóc áp sau tai lấy một chút hơi ấm, da mặt em cứng lại. Tiếng động ì ầm của máy bay mỗi lúc một làm em mệt thêm, em có cảm tưởng tất cả các mấu xương đều lỏng lẻo, gẫy vụn, người em nhũn ra, lả đi. Mắt nhắm kín, em bị quay trong cơn lốc sảng sốt, có tiếng người thiếu phụ mơ hồ bên tai em : 

- Lát nữa có ai đón em không ? 

Em không đủ sức trả lời nữa, vẫn nhắm mắt em lắc đầu yếu ớt. Một hạt nước mắt nóng ứa ra từ cuối khóe mi chầm chậm lăn. Me, đó, cơn bão thứ nhất đón bước chân con rồi đó me, me biết không, me biết con đang quay trong kinh sợ không. Trời lạnh, trời lạnh, em cắn chặt môi. Nỗi tủi thân làm trái tim em se thắt lại. Máy bay vẫn lượn trên trời mù sương, thành phố Đà Lạt chìm khuất ở dưới đôi cánh, lạnh lẽo. Em muốn kêu lên, kêu lên bất cứ điều gì thật lớn.

Chương 2

Trời mù mù sương ngoài khung cửa kính, có lẽ còn sớm lắm. Em đứng nhìn ra ngoài, hơi lạnh se sắt buốt trên da thịt. Không mấy khi tay chân em ấm áp, lúc nào nó cũng giá băng như phiến nước đá. Đêm ngủ, lỡ chạm phải chân chị Hân là thế nào chị cũng hét lên, thức giấc. Tay áp lên mặt, lạnh lẽo như tay vừa lấy trong frigidaire ra, em hà hơi vào lòng bàn tay cho ấm. Nhưng cũng chỉ một tí thôi rồi hơi ấm tan đi, vẻ lạnh lẽo lại còn nguyên, tê cứng. Em có thể ngủ muộn hơn nữa, bảy giờ, tám giờ, chín giờ tùy ý , ở Đà Lạt không ai muốn thức giấc sớm làm gì, nhà lại có người làm. Nhưng em có thói quen dậy sớm từ lâu, dậy không làm gì cũng dậy. Buổi sáng yên lặng, quạnh hiu lạ lùng. Chị Hân vẫn còn ngủ say, ít khi chị thức giấc trước bảy giờ rưỡi. Giấc sáng là giấc ngon và dễ chịu nhất của một đêm dài. 

Sương mù bao phủ cả hàng cây xanh chạy vòng quanh con đường trước hồ. Mặt hồ trắng lạnh lẽo tưởng chừng như là một khối mù sương đặc. Ngay ngày đầu tiên đặt chân lên đây em đã thấy cái đẹp thầm lặng, quạnh hiu của miền cao nguyên. Cái đẹp đều đặn, lạnh lùng của cây xanh của sương trắng. Ngôi nhà của bác Khanh nằm trên một con dốc song song với đường viền quanh hồ Xuân Hương. Nhà xa thành phố, yên tĩnh. Em biết lý do tại sao bác Khanh gọi em lên học. Người cha quá cố của em là đứa em bác yêu quý nhất, và em, em giống ba. Với nữa, bác cũng ít con, anh Khải anh Hoàng đã lớn, chị Hân là con gái út, chị thèm có một cô em để sống chung cho vui. Nhà có mỗi mình chị là con gái, chị hay than buồn chết được. Cả nhà đều yêu chị Hân, gọi chị là công chúa. Ngọc Hân Công Chúa. Mà chị Hân cũng đẹp thật, xứng làm công chúa lắm. Má chị trời lạnh thế nào cũng vẫn hồng, môi nhỏ, mũi thẳng, viền mắt nâu to lóng lánh. Ngày em đến chị vui mừng ríu rít. Anh Khải bảo thế là từ nay công chúa có bạn rồi nhé. Em cười, nói em làm tỳ nữ cho công chúa Ngọc Hân, chị la lên bảo em nói bậy, chị là công chúa chị thì em là công chúa em. Rồi chị chu môi bảo mà thôi chả thèm làm công chúa làm gì, chỉ tổ cho các anh trêu ghẹo. 

Em ở chung phòng với chị Hân, chị là con gái mà có nhiều nét con trai ghê đi, chị có nhiều nghệ sĩ tính nữa chứ. Phòng chị, tủ sách, băng nhạc, đàn, thi ca xếp tùm lum. Cái gì chị Hân cũng thích, chị học đàn, học hát, làm thơ, viết văn, vẽ. Chị biết đánh cờ tướng với anh Hoàng, biết ngâm thơ với anh Khải. Chị không từ môn thể thao nào của hai ông anh, quần vợt, vũ cầu, thậm chí đá banh chị cũng đòi tham dự nốt. Hai bác Khanh đều dễ chịu, thương con cái. Đôi khi hòa mình vào nếp sống hạnh phúc ấy em không khỏi ngậm ngùi nhớ đến me. Bữa ăn nhà bác đầy đủ món ngon, em nhớ hình ảnh em vất vả với cái bếp nhỏ, món cá kho thường bị khét, món canh rau ăn với cà muối chua nhạt nhẽo vụng về. Nuốt miếng cơm, nhiều lần em nghẹn ngào muốn khóc. Me cho con đi để con sung sướng. Buổi sáng điểm tâm bằng bánh nướng, bằng trứng, bằng bơ với café em lại nhớ bát cháo hoa với muối bốc khói ngày nào, nỗi nhớ nhung me dâng đầy ắp, em Vũ, có bao giờ em được ăn một thứ gì ngon cho thật vừa lòng đâu. 

Em lấy khăn len quấn quanh cổ sửa soạn ra ngoài. Chị Hân cho em thật nhiều quần áo cũ của chị. Tuy nói là cũ, thật ra nó còn mới nguyên. Chị Hân may sắm khá nhiều, quần áo mặc chưa cũ chị đã lớn, đã đổi ý thích mua sắm cái khác. Vóc người chị và em cũng mảnh khảnh như nhau, em mặc hơi rộng một chút nhưng không sao, thế cũng đủ rồi. Áo len, manteau, khăn quàng của chị có hàng chục, chị nói em muốn mặc chiếc nào cứ lấy nhưng em còn nỗi ngại ngần và tự trọng chính mình nên em không đụng chạm gì đến, trừ những thứ chị cho hẳn em, buộc em phải lấy. 

Gió lạnh lùa bay tung tóc khi em bước hẳn ra ngoài ngôi nhà. Trời lạnh gấp mấy lần lúc đứng trong phòng. Em thọc tay vào chiếc túi manteau cắn môi suýt soa đi. Em không hiểu vì sao mình lại có nhiều ý thích kỳ cục thế. Hơi lạnh chui vào mũi em lạnh buốt, cỏ bên vệ đường trĩu sương ướt đẫm. Hàng cây vẽ thành hình vòng cung chạy dài trước mắt em. Chỉ có hai màu xanh và trắng lạnh lùng. Em vừa đi vừa hát nhỏ một bài hát cũng lạnh và buồn không kém : « Sương lam buông rơi hắt hiu trên hàng thông xám reo vi vu, khiến xui bao nhiêu nhớ nhung tràn lòng ước mơ … »

Hôm qua chị Hân hỏi em Khánh có thích âm nhạc không. Em có thích nhạc không, cái đó chắc khỏi cần trả lời, ở nhà me thường gọi em là con sơn ca bởi em hát véo von cả ngày. Em yên lặng một chút rồi trả lời chị Hân : 

- Em thích. 

Chị Hân reo lên sung sướng : 

- Hay quá, vậy chị với Khánh đi học nhạc nhé, có lớp dạy mà chị đi một mình buồn lắm. 

Em nghĩ đến tiền học phí ngay lập tức. Điều ấy có vẻ phũ phàng nhưng không thể không nghĩ đến. Em lên đây học, phiền nhiễu bác nhiều rồi, có đâu lại để bác phải tốn kém vì em thêm nữa, mà chắc đâu bác đã cho đi. Em lắc đầu nói : 

- Em không thích học nhạc đâu chị Hân ạ. 

Mắt chị Hân mở to : 

- Sao vậy ? 

Em nói trớ đi : 

- Ở nhà có anh Khải giỏi classique, anh Hoàng cũng đàn hay đâu kém ai, chị đi học ở ngoài làm gì. 

Chị Hân cười : 

- Ừ, vậy mà anh em học nhau không được, học người ngoài lại được. Với lại chị đâu có học đàn mà học ở nhà. Chị muốn học hát kìa, anh Khải anh Hoàng đâu có dạy được cái đó. 

Em im lặng cúi đầu xuống, ở địa vị chị Hân chị ấy có quyền như thế, còn em, em phải biết thân phận mình là người sống gửi, đừng nghĩ mình như chị Hân. 

Chị Hân lại hỏi em : 

- Sao, Khánh đi không ? 

Em bối rối tìm một câu trả lời cho khỏi phật ý chị : 

- Dạ, để em nghĩ đã, em cũng chưa định. 

- Chưa định gì, đi với chị cho vui, Khánh. 

Để khỏi trả lời chị, em vờ chạy ra ngoài kêu lên : 

- Chết, em quên quần áo còn phơi ngoài dây, không khéo mưa ướt hết. 

Chị Hân có vẻ hơi buồn nhưng rồi chị thôi không nhắc đến chuyện ấy nữa. Em biết, âm nhạc làm phong phú đời sống, em lại yêu nó nữa. Nhưng em đâu có thể làm theo ý em. Me đưa em lên đây, me dặn con phải rán học, me ước thấy con thành công rực rỡ, me không ước thấy con me nhỏ bé thấp hèn. Nước mắt em ứa ra bờ mi. 

Đứng ở đầu con dốc nhìn xuống mặt đường, những cành thông trơ trọi vươn lên trong màn sương trắng, lưng chừng dốc ngôi nhà màu hồng của bác Khanh nổi hẳn lên vẻ xinh xắn. Em ưa nhất hàng hiên tròn với những thân cột trắng. Ở đó, hàng ti-gôn hồng leo quấn quýt tràn cả lên cả mái nhà rêu xám ấm áp lạ thường. Tương lai em bắt đầu từ ngôi nhà đó, hạnh phúc em bắt đầu từ ngôi nhà đó. Học và rán học. Như anh Khải đã thành giáo sư, như anh Hoàng sắp ra trường, như chị Hân năm nay bắt đầu đặt chân vào ngưỡng cửa đại học. Còn em, hỡi Khánh nhỏ bé và hèn mọn, Khánh tội nghiệp và nghèo nàn, hãy vươn lên đi, như loài cỏ non đâm chồi vào mùa xuân rạng rỡ. 

Gió thổi lộng vạt áo bay, em thở hơi trắng hòa lẫn vào không gian tan loãng. Chầm chậm, buồn rầu em quay về đường cũ. Những bông hoa bươm bướm ẻo lả nghiêng trong gió. Mầu tím đậm mướt như làn nhung mềm. Em khom người ngắt lấy mấy đóa, chút nữa chúng sẽ nằm trong cốc thủy tinh nhỏ trên bàn học của em. Lá cây còn trĩu hạt sương, em trút lấy một giọt vào lòng tay, trong không khí buổi sáng em ngửi thấy cả mùi đất ấm, mùi sương thơm tho rất thầm. 

Ngôi nhà đã mở cửa, chị Hai đang lau nền gạch bằng cây lau dài. Em bước về phòng với mấy bông hoa tím trong tay, chị Hân vẫn còn ngủ. Không khí trong phòng ấm áp hẳn lên so với bên ngoài; em vẫn mãi mặc nguyên áo choàng và khăn len loay hoay cắm mấy bông hoa vào chiếc cốc nhỏ. Thân hoa ẻo lả quá cứ nghiêng ngả hoài làm em không vừa ý. Có đến mười phút sau em mới tạm hài lòng đặt cốc hoa vào góc bàn học, em nhẹ nhàng lấy vở ra để chị Hân khỏi thức giấc. Buổi sáng học hành rất tốt vì đầu óc qua một đêm ngủ thoải mái rất sáng suốt. Mở quyển vở ra rồi nhưng em chưa học vội, mắt em còn bận ngắm cánh hoa tím đậm nuột nà trên làn thủy tinh trong suốt. Mầu tím u buồn biết bao nhiêu. Em ngó một lát rồi cắm đầu vào vở, thôi rán học cho xong, còn thiếu gì ngày giờ để ngắm hoa. 

Sáng nay em học Việt Văn, môn học tương đối dễ chịu và khá nhất của em. Còn mấy bài Cổ Văn phải bình và một bài thuyết trình dài ngoằng chưa làm xong nữa. Em thở ra một hơi dài, vớ lấy cây bút với quyển vở nháp hí hoáy viết. Mấy bài văn điển tích tùm lum, học mệt quá chừng. Phải nhận rằng từ lúc lên Đà Lạt em học khá hẳn ra. Bớt làm việc, có đầy đủ tiện nghi và yên tĩnh em học rất nhanh, em nghĩ thầm như thế không trách nhà bác Khanh ai cũng giỏi hết. 

Đang cắm đầu vào mấy quyển vở em không nghe tiếng gõ nhẹ ở cửa phòng cứ say mê nghiên cứu mấy câu thơ hoài. Mãi đến lúc cửa mở tung ra, anh Hoàng vừa cười vừa la lên với cây đàn trong tay em mới giật mình ngó lại : 

- Trời ơi, Khánh, hai chị em làm gì giờ này còn rúc trong phòng gõ cửa mãi không thấy ra làm anh tưởng hai cô bất đắc chí tự tử rồi chớ, may quá chưa cô nào dại dột chết cả. 

Em mỉm cười nói se sẽ : 

- Anh Hoàng chỉ nói tếu là giỏi, chị Hân ngủ chưa dậy anh đừng làm chị ấy thức bây giờ. 

Năm ngón tay anh Hoàng búng thoăn thoắt trên các phím đàn, âm thanh nghe vang ầm trong phòng, anh cười ha hả : 

- Giờ này ai cho ngủ nữa mà ngủ, Ngọc Hân dậy đi, con gái gì mà ăn bơ làm biếng thế. Dậy lau nhà quét sân dọn bàn ghế ly tách đi thôi. 

Chị Hân mở đôi mắt chẳng có vẻ gì là mới ngủ dậy lườm anh Hoàng một cái. Chị nằm nguyên trên giường môi chu lại : 

- Ai cho phép anh vào đây, lau nhà rửa bát là phận sự của anh cơ mà, đi ra ngoài cho người ta ngủ không ? 

Anh Hoàng la lên : 

- Giời ơi, con gái thế thì có ai dám rước về nhà không. Dậy mau đi, thiên hạ đang chờ coi mắt cô ngoài kia kìa : 

Chị Hân bĩu môi rất dễ thương : 

- Phiền anh ra nói là Hân ngủ chưa dậy, mắt còn xấu xí vì chưa rửa không đáng coi đâu. 

- Không sao, không sao, dù là mắt cô còn dính ghèn đi nữa cũng được kia mà, dậy mau đi. 

- Không ! 

Anh Hoàng bước đến lôi chiếc chăn của chị Hân đi : 

- Xem cô có dậy không cho biết. 

Chị Hân cũng không vừa, chị quay mình cuộn tròn kín mít cả đầu lẫn chân, nom chị buồn cười như đang ở trong bao tải. 

- Không. 

Anh Hoàng đổi chiến thuật, anh buông chăn quay sang em : 

- Mình đi vậy Khánh, sáng nay điểm tâm có trứng chiên bơ với mứt ngon ác liệt, mình ăn mau kẻo hết. 

Chị Hân nói vọng từ trong chăn ra ngoài : 

- Ai mà thèm, hôm nào cũng điểm tâm bằng mấy thứ đó, chán ngấy. 

Anh Hoàng tỉnh bơ như không nghe, anh nói tiếp : 

- Xong rồi tám giờ mấy thằng bạn anh đến chở đi picnic trong rừng, có các cô với chương trình nấu ăn hòa nhạc hấp dẫn vô cùng. Sáng đi chiều về. Đi ăn điểm tâm rồi thay áo nhanh đi Khánh. 

Chị Hân la lên một tiếng, gì chớ đi chơi thì chị mê nhất trên đời, chị đi suốt ngày không biết mệt. Anh Khải thường nói chân chị có bánh xe lăn hoài, đứng một chỗ thì té chết. Câu nói của anh Hoàng quả nhiên đã khơi đúng nhược điểm của chị Hân. Chị tung chăn bật dậy như lò xo.

- Xong rồi, Hân đi ngay, anh Hoàng khỏi phải lôi kéo cũng đi. Đồ ác, thế mà không báo trước để Hân sửa soạn. 

Anh Hoàng cười hà hà, đôi mắt nheo lại : 

- Giá cô chịu thức sớm một chút thì đâu có lật đật. 

Chị Hân lườm anh, giọng đanh đá : 

- Hân không thèm cãi với anh, rồi Hân mách anh Khải anh là người không biết điều. 

- Anh Khải nào mà bênh người hư như cô. 

Chị Hân bĩu môi đi ra khỏi phòng, anh Hoàng nhìn theo chị vừa cười vừa lắc đầu nói một mình : 

- Con bé thế thì thôi, nghe đến đi chơi là sáng mắt ra, hỏng. 

Anh quay sang em với nụ cười tươi tắn : 

- Phải thế không Khánh ? 

Em mỉm cười không nói đầu vẫn cúi vào trang sách, em biết anh chỉ nói để mà nói vậy thôi, chị Hân lúc nào lại chả được cưng nhất. Bên tai em tiếng đàn anh Hoàng vẫn nhẹ nhàng reo, sáng nay, dây đàn chỉ lựa những cung bậc reo vui.

 ***

Uống hết ly chocolat phần mình em đứng dậy rời khỏi bàn ăn, anh Khải nhìn em cười hóm hỉnh : 

- Vội đi chơi thế à, các cô thì lúc nào cũng nhắng lên quần với áo, càng tốt, thế anh đỡ phải chờ. 

Em cười nhẹ không đính chính, anh Khải ngỡ em nôn đi chơi nên ăn nhanh. Sự thật không phải thế. Ở nhà bác Khanh các bữa ăn thường kéo dài, em không muốn ngồi lại nói chuyện vu vơ. Tính em ít nói, em cũng không ưa nghe chuyện nên thường em là kẻ rời bàn sớm nhất. Câu chuyện đi chơi giữa chị Hân và anh Khải anh Hoàng đang đến hồi sôi nổi. Chị Hân hoạch định chương trình theo ý mình và hăng say bênh vực nó. Em mặc kệ ai nói gì thì nói cứ lẳng lặng trở về phòng. 

Nắng đã làm tan bớt lớp sương mù dầy đặc, qua khung kính trong hàng cây xanh hiện rõ hơn, con đường nằm uốn khúc theo vòng bờ hồ vắng lặng bóng người. Em đứng ngẩn một chút rồi ngồi vào bàn giở lại bài học dang dở. Không khí yên lặng dễ chịu, em dồn hết tâm trí vào bài vở, thích thú với những điều hiểu biết mới lạ. Một lúc lâu cửa phòng mở ra thật mạnh rồi chị Hân bước vào bằng những bước hối hả, chị la lên : 

- Rồi chưa Khánh, xong chưa. Trời ơi, giờ này mà cắm đầu vào mấy quyển sách à.

Chị nắm lấy vai em giật mạnh một cái:

- Bỏ đi, Khánh, thay áo đi chơi. 

Em ngừng bút ngước mắt nhìn chị : 

- Em không đi đâu, chị Hân thay áo một mình đi. 

Đôi mắt chị Hân tròn lại : 

- Sao lại không ? 

Em mỉm cười không nói cúi xuống quyển vở, chị Hân giữ tay em lại : 

- Đi chơi với chị, Khánh. 

- Em bận học. 

- Học gì, hôm nay chúa nhật. 

- Chúa nhật cũng phải học, bài nhiều lắm chị Hân. 

- Đi chơi rồi về làm. 

- Thôi, em không thích đi đâu. 

Đôi môi chị Hân hơi mím, vòng môi dưới bĩu bĩu ra thật xinh : 

- Khánh lúc nào cũng học với học, đi chơi thôi. 

- Không, chị Hân thay áo đi không muộn. 

- Khánh khó nói quá. 

Em hơi nhíu mày yên lặng nhìn xuống, em không thích ồn ào như chị Hân, em xa lạ với đám bạn sang trọng và náo nhiệt của chị. Lẫn lộn trong lớp người đó em thấy mình bị lạc loài thua kém. Chị Hân thường kéo em đi chơi chung với chị. Em sợ mình sẽ bị lôi cuốn bởi sự phù phiếm rông dài của lớp bạn bè chị. Không bao giờ em quên me gửi em lên Đà Lạt để chăm chỉ học hành chứ không phải để em tập tành một đời sống xa hoa. Em sợ khi em bị quyến rũ với nếp sống dư dật quen thói khi trở về cạnh me nghèo nàn và em Vũ tội nghiệp em không còn là em nữa. Không, em muốn em bao giờ cũng là em, là Khánh yêu quý của me. Khánh tầm thường và bình lặng. 

Anh Khải thò đầu vào hỏi lớn : 

- Rồi chưa, hai cô nhỏ ? 

Mặt chị Hân chừ bự : 

- Khánh không đi. 

Anh Khải bước hẳn vào phòng : 

- Sao Khánh lại không đi, còn Hân, giờ này mà mặt mũi tóc tai thế kia à, tụi nó đến rồi, nhanh lên. 

Chị Hân nói dấm dẳn : 

- Khánh nó nói mắc học không đi. 

Anh Khải ngó em, em cúi đầu im lặng trước cái nhìn của anh, anh hỏi : 

- Khánh không muốn đi hay bận học thật ? 

Em gật đầu một cái không xác nhận mà cũng không phủ nhận. Chị Hân như giận em, chị đi thay áo mà mặt mũi buồn xo, chị không thèm nói thêm tiếng nào nữa hết. Anh Khải đứng tựa bàn, tay cầm một ống sáo dài, anh thổi sáo hay và buồn dễ sợ. Hôm nay chắc là vui, cây đàn của anh Hoàng, tài thổi sáo của anh Khải và giọng hát của chị Hân hẳn phải nổi bật. Một nỗi xao xuyến dâng lên trong lòng em, thật sự em cũng phải kìm hãm ý muốn của mình đi, vui thật đấy nhưng em cố gắng giữ lòng đừng ham muốn, em không nên và không có quyền ham muốn như thế. Có lẽ, em khắc nghiệt với chính mình, dù sao, đó cũng là một điều có ích cho em. 

Chị Hân chải tóc xong không buồn nhìn em chị nói cụt ngủn : 

- Mình đi anh Khải. 

Anh Khải ngập ngừng nhìn hai chị em, bỗng anh nói bằng giọng dịu dàng : 

- Khánh nó có ý thích của nó, Hân. 

Chị Hân lãnh đạm : 

- Hân có nói gì đâu. 

Anh Khải hơi gật đầu, anh nói với em khi chị Hân lạnh nhạt bước ra khỏi phòng : 

- Anh hiểu em, Khánh, như thế cũng tốt. Nhưng em không nên ép mình quá. Đời sống không thu gọn trong một vỏ sò cố định nào. Hân với em khác nhau. 

Anh mỉm cười : 

- Dù sao, em có ý chí như vậy rất hay. Em chắc là sẽ không buồn sáng nay chứ. 

- Dạ không, nếu em thích ở nhà thì làm sao em lại buồn được. 

Anh Khải lại cười : 

- Em hay lắm, thôi rán mà học, anh đi đây. 

- Dạ. 

Không hiểu sao khi anh Khải ra khỏi phòng em bỗng buông bút nghĩ ngợi. Đời sống không thu gọn trong một vỏ sò cố định nào. Anh muốn ví em là một con sò. Bỗng nhiên em thở dài se sẽ, trong nhà anh Khải là người hiểu em và hợp tính với em hơn cả. Điềm đạm, khoan dung, đó là những đức tính tốt của anh. Anh nói đúng, có lẽ em ép mình. Nhưng làm sao bây giờ hở anh Khải. Hãy tự ép buộc mình hơn là một ngày nào đó sẽ bị người ép buộc còn khổ sở hơn. Điều đó có đúng hay chăng, có lẽ, câu trả lời không còn xa lắm nữa.

Xem tiếp chương 3 & 4