Tiếng Chuông Dưới Đáy Biển - Chương 3 & 4

Chương 3

 

Khôi Việt tụt xuống khỏi miệng vực. Không ai dám nán lại thêm để nghe tiếng chuông kêu, vì anh nào cũng thấy sởn gai ốc. Hai người im lặng trở về chỗ cũ, ngồi xuống cạnh túi hành trang. Việt thầm nghĩ : Không còn hồ nghi gì nữa, rõ ràng là tiếng chuông kêu ! Tiếng chuông nhịp nhàng, âm vang dưới sóng ! Anh thì thầm vào tai bạn : 

- Đúng là chuyện thần tiên ! Tụi mình còn một đèn bấm nữa, cậu lấy nốt ra đi. Tớ ngán ngồi trong cái hang âm u này quá.

Cơn giông vẫn chưa dứt. Gió mưa quất loạn ngoài cửa hang. Việt không thể nào quên được tiếng chuông vừa nghe, âm thanh của nó văng vẳng, âm âm từ dưới lòng vực đã ám ảnh vào cân não Việt. Tự nhiên anh đưa mắt nhìn về phía đó, muốn lắng nghe xem tiếng chuông còn kêu nữa hay không. Nhưng ngồi đây Việt chỉ nghe có tiếng gió rít mưa gào.

Khôi lấy cây đèn bấm thứ hai. Ánh điện vừa loé, Khôi đã chiếu tia sáng về phía cửa vực. Việt hỏi :

- Cậu có tin chắc vừa nghe tiếng chuông kêu không ? Tớ thì cả quyết là có. Lạ thật ! Tiếng chuông dưới đáy biển !

Khôi lẩm bẩm :

- Chú Triều Dương hẳn hết còn ngạo được mình nữa ! Rõ ràng cả hai đứa đều nghe rõ. Chỉ hận là chưa chi đã rơi mất một cái đèn.

Giọng Khôi gần như càu nhàu. Nhưng Việt đã biết tánh của bạn. Đôi bạn từng sát cánh bên nhau trong các cuộc mạo hiểm, từng góp bàn ý kiến, chia sẻ mọi hồi hộp, nhưng chưa bao giờ gặp điều kỳ bí như lần này.

Bên ngoài mưa vẫn rơi tầm tã. Khôi tỏ vẻ bồn chồn. Anh đứng bật lên nói :

- Dù cái chuông có kêu thành tiếng thì nó cũng không làm gì mình được. Chẳng lẽ mình sợ nó cắn cấu hay nuốt trọn mình mà sợ ! Tụi mình phải tỏ ra là tay "chì" mới được. Đừng có vác bộ mặt thất sắc, thiểu não về trình diện chú Triều Dương. Tốt hơn tụi mình nên đến bờ vực lắng nghe một lần nữa coi có khám phá thêm điều gì nữa không?

Việt đứng lên theo, cùng Khôi đến bên miệng vực. Nhưng lần này cả hai đều rất thận trọng sợ một sơ sảy vụng về là dám xuống chầu Long Vương lắm. Nhưng càng thận trọng, Khôi Việt càng thấy hồi hộp, tim đập trống ở trong ngực. Tiếng tim vang dội đến đỗi như lấn át cả tiếng sóng ầm ầm. Cố trấn tĩnh, lắng tai hồi lâu, Khôi Việt lại chợt nghe tiếng chuông gióng lên lần nữa, vẫn nhịp nhàng đều đặn, như tiếng chuông báo hiệu thánh lễ của một ngôi giáo đường. Tiếng chuông nương theo sóng dội, vẳng lên - lúc to lúc nhỏ - nhưng vẫn giữ nguyên nhịp điệu đều đều.

Khôi lẩm bẩm :

- Đúng là tiếng chuông, không thể nào nhầm được nữa !

Việt hỏi :

- Nhưng tại sao nó lại kêu ? Và ai đánh cho nó kêu chứ ?

Tiếng chuông gióng lên một hồi rồi ngừng bặt. Sự im vắng đột ngột đó càng tăng thêm vẻ dị thường, khiến Khôi Việt đâm hoảng sợ. Hai người lại vội rời bờ vực. Khôi hỏi :

- Mấy giờ rồi ?

Việt chiếu đèn vào đồng hồ tay :

- Vừa đúng 6 giờ chiều.

- Kể ai đó ở dưới thủy cung cũng đúng giờ đấy nhỉ ?

Việt cười, như để phụ họa với câu nói của bạn. Nhưng cả giọng cười của Việt lẫn câu khôi hài của Khôi đều không tự nhiên. Họ cất tiếng chỉ cốt để trấn áp sự hoang mang bối rối đang đè nặng trong lòng. Liền sau đó, Khôi đặt ngay giả thuyết :

Có lẽ cái chuông đó là của một chiếc tàu buôn bị đắm, rồi trôi kẹt dưới đáy vực. Giả thuyết này bị Việt bác ngay vì dù chuông đó có được những đợt sóng ngầm lay động nên phát tiếng kêu, nhưng phải giải thích làm sao khi nó kêu và ngưng dùng 6 giờ chiều ?

Khôi cãi :

- Việc chuông đánh đúng giờ không có nghĩa gì cả. Có thể do ngẫu nhiên, và tại mình có ý nghĩ kỳ quặc coi giờ vào lúc ấy.

- Nếu thế mình thử nghe lại một lần nữa coi.

- Cậu đi mà nghe !

Không ai muốn trở lại bờ vực nữa. Khôi Việt lẳng lặng nhặt "balô" đeo lên vai. Khỏi cần tranh luận, cả hai đều đồng ý rời khỏi hang.

Cũng may cơn mưa lúc ấy đã ngớt. Bầu trời trở lại quang đãng. Ánh tà dương trước khi tắt lịm còn cố nhuộm ửng chân mây. Bên phía Hội An hiện hình chiếc cầu vồng, và xóm nhà giữa rừng chàm của dân đảo cũng bớt vẻ hoang liêu... Khôi Việt hy vọng dựng lều gần đấy, đốt lên một đống lửa trại, và có thể sẽ xuống gặp gỡ trò truyện với những chủ vườn nếu họ tỏ vẻ niềm nở.

Chưa chi Khôi đã căn dặn :

- Mình không nên đả động gì đến chuyện cái chuông cả. Người ở miền này hình như không muốn dâng mình vào những chuyện rắc rối. Cậu có nhớ là sáng nay, người chủ chiếc xuồng cho mình thuê, đang chuyện trò cởi mở, đột nhiên im lặng khi nghe tụi minh nhắc đến tên thầy giáo Long không ?

Việt cảm thấy vững tâm hơn khi bước ra khỏi hang. Anh cười nói :

- Biết đâu thầy giáo Long chẳng lò mò ra đây chơi và cũng khám phá ra miệng vực, rồi nhảy đại xuống xem ai đã đánh tiếng chuông kêu ?

Khôi nói :

- Nếu thầy ấy lao xuống vực như chiếc đèn bấm đã lao xuống, thì chắc hết còn sống nổi !

Đến chỗ hốc đá để chiếc lều vải, Việt bỗng sửng sốt kêu :

- Ủa chiếc lều đâu rồi ? Rõ ràng Việt để nó lại trong hốc đá này mà ! Việt nhớ lúc đặt nó xuống có bị cụng đầu vào mỏm đá này !

Khôi cũng ngơ ngác, lẩm bẩm :

- Quái gở thật !

Cả hai chia nhau đi tìm. Nhưng vô ích, chiếc lều vải cùng với cột, cọc phụ tùng đã biến mất.

Việt nói :

- Hay là tụi khỉ...

Khôi bực mình, gắt:

- Khỉ nó lấy lều vải của mình làm gì ! Ngày hôm nay thật không hên tí nào ! Vừa mất cái đèn, giờ lại biến luôn cả lều nữa.

Tìm kiếm một hồi không thấy, Khôi Việt đành cho rằng trong lúc hai anh em trú mưa trong hang, có kẻ nào đi qua thấy cái lều đã nẫng luôn mất. Việt bàn :

- Mất lều rồi, tụi mình lấy gì cắm trại đây ?! Không lẽ trở xuống bến, lấy xuồng chèo về Hội An !

Khôi nói :

- Việc ấy không thể được, vì trời sắp tối rồi. Chỉ còn có cách là tụi mình lần xuống xóm vườn dưới kia, kiếm chỗ ngủ tạm đêm nay vậy !

Việt gật đầu đồng ý, kéo bạn đi xuống một ngôi nhà gần nhất. Vấn đề tìm chỗ tạm trú qua đêm đã làm cả hai người quên lãng câu chuyện tiếng chuông kêu…

 

 Chương 4

Trước khi cho phép Khôi Việt sang chơi bên đảo Chàm, chú Triều Dương đã cho hai anh em biết qua dân tình trên đảo. Họ là những người ở xa đất liền, ít tiếp xúc với thành thị, lại sống giữa vùng thiên nhiên hiểm trở nên tính khí có phần cứng cỏi và trầm kín.

Khôi Việt cảm thấy e ngại phải tới nhờ họ trong lúc này. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh bắt buộc hai anh em nghĩ không còn cách nào hơn, là tìm đến một trang trại gần nhứt. Cả hai định bụng sẽ vào hỏi thăm xem có ai thấy chiếc lều bị thất lạc giữa cơn giông bão. Bằng không, thì xin phép được ngủ nhờ qua đêm.

Tới nơi, cổng trại đóng kín, rào dậu kỹ lưỡng như không bao giờ mở. Khôi Việt phải vòng ra phía sau mới tìm thấy một cửa hậu, gài then bên trong nhưng trên cánh cửa có khoét một lỗ hổng đút vừa lọt bàn tay để người bên trong có thể nhìn ra, hoặc người bên ngoài, - nếu là người nhà - có thể tự mở then cửa. Khôi Việt đập cửa vừa ghé mắt qua lỗ hổng nhìn vào. Trong bếp có ánh lửa, và trên mặt bàn kê ở giữa gian kế cận đã bầy sẵn mâm bát. Cả gian trên và gian bếp đều không có bóng người.

Việt lẩm bẩm :

- Sao không ai trả lời nhỉ. Trong bếp có lửa đỏ tất phải có người chứ ?

Khôi nói :

- Chắc họ ở ngoài ruộng, chưa về... Hay họ về rồi, vì mâm cơm đang chờ kia, nhưng có việc gì đó nên họ vừa ra khỏi nhà.

Khôi đẩy mạnh cánh cửa tiếp :

- Cậu xem này, cửa không gài then !

Việt gật đầu :

- Hay họ xuống dưới bến ? Có lẽ họ xuống đó lúc tụi mình còn ngồi ở trong hang.

- Họ xuống bến làm gì ?

- Xuống neo lại thuyền cho chắc vì sợ cơn giông vừa rồi.

Khôi có vẻ như chấp nhận lý luận của Việt. Anh bước hẳn vào trong sân lớn tiếng gọi :

- Có cô bác nào trong nhà không ?

Không ai trả lời. Việt đưa mắt nhìn quanh. Mấy con gà thơ thẩn ngoài vườn đang lục tục rủ nhau về ổ. Tuyệt nhiên không một bóng người. Mưa lại lất phất rơi, và bầu trời tối xầm hẳn lại.

Khôi bàn :

- Chắc họ cũng sắp về tới. Trong khi chờ đợi chúng mình hãy vào ẩn đỡ trong nhà chứa rơm kia.

Dãy nhà chứa rơm và dụng cụ ở vào phía cuối vườn. Đây chỉ là một thứ nhà cầu trống trải, có mái lá che mưa cho khỏi ướt. Khôi Việt chọn một chỗ ngồi nghỉ và quyết định không nấu nướng gì vội khi chưa gặp chủ nhân của ngôi nhà. Hai anh em mở ba lô lấy bánh mì ra ăn đỡ, vừa moi rơm trải xuống đất dùng làm chỗ nghỉ lưng. Cả hai đều đói, mệt, nên không ai buồn nói lời nào.

Mưa nhỏ giọt ở đầu mái lá tí tách rơi xuống hòa lẫn với tiếng gió rì rào ngoài khóm chuối trong vườn nghe dìu dặt như một điệu ru ngủ. Việt ngáp dài, vươn vai nằm xuống, tay quờ quạng vào đống rơm, với ý định bứt lấy một nắm để được ngửi mùi thơm của lúa. Nhưng Việt bổng ngồi nhổm dậy. Trong nắm rơm vừa bứt, có lẫn một mảnh giấy vo tròn. Mở ra coi, Việt gọi bạn :

- Ê Khôi, tớ vừa tìm được cái này. Tụi mình chắc nắm được đầu mối rồi !

Khôi càu nhàu :

- Đầu mối gì ? Hiện thời tớ chỉ mong tìm lại được cái lều, hoặc được ông chủ nhà tiếp đón vồn vã. Nhưng cậu nhặt được cái gì thế ?

- Một cái phong bì cũ, trên có đề :

Thầy NGUYỄN ĐÌNH PHONG

Trường tiểu học HỘI-AN

Việt vuốt thẳng chiếc phong bì tiếp :

- Như vậy là thầy Phong có mặt ở đảo. Không biết thầy ấy có nghe thấy tiếng chuông không ?

Khôi bồn chồn nhìn quanh :

- Chắc thầy ta đã vô đây nằm ngủ, và nằm cũng chỗ cậu đang nằm.

Việt lật chiếc phong bì xem xét, thấy mặt sau có mấy giòng chữ ghi bằng viết chì, nhưng vì trời tối không đọc được nên anh bảo Khôi :

- Hình như thầy Phong có viết gì đằng sau chiếc phong bì này. Cậu bật đèn bấm lên xem...

Những giòng chữ viết của thầy Phong rất khó đọc, giấy bị vò nhầu, lại nhét vào đống rơm nên có chỗ đọc được, chỗ không. Rõ nhất là giòng chữ ghi trên đầu góc phong bì : GHI CHÚ VỀ ĐẢO CHÀM.

Phía dưới Khôi Việt chỉ đọc được :

… phần đất bị chìm của phố Hội cũ. Xem bản đồ V.N thế kỷ XVII ở thư viện quốc gia. Tìm lối đi bí mật dưới gềnh đá… báo động cho cảnh sát...... nguy ngập... tôi khó thoát...

Khôi ghé sát vào tai Việt :

Chắc có điều gì khả nghi rồi đây Việt ạ. Tớ đoan chắc với cậu là thầy Phong viết những chữ này trong lúc cấp bách, và bị ngăn trở đột ngột nên mới nhét mảnh giấy vào đống rơm để giấu đi.

Chợt nghe có tiếng động, Khôi tắt vội ánh đèn, còn Việt vo viên chiếc phong bì nhét vào túi. Tiếng động do chân bước - không biết người hay vật - dẵm trên mặt đất ẩm ướt ở ngoài sân. Khôi Việt thu mình ngồi nép sau đống rạ, chờ cho tiếng động chân đi xa.

Từ lúc bắt được mảnh giấy với những ghi chú của Thầy giáo Phong hoàn cảnh bỗng nhiên đổi khác. Mới đây Khôi Víệt khua động ầm ĩ, kêu gọi người trong nhà và nóng lòng muốn được gặp họ. Nhưng bây giờ thì cả hai đều câm miệng, cố lẫn tránh mọi con mắt có thể nhìn thấy được mình.

Hai anh em bàn nhỏ với nhau nên rút lui đi nơi khác. Khôi đứng canh chừng cho Việt thu dọn. Trong đời Việt, có lẽ chưa bao giờ anh xếp túi hành trang chớp nhoáng đến thế.

Tuy nhiên, Việt cũng vẫn cẩn thận bấm đèn soi quanh, xem có bỏ sót lại cái gì không, và lấy chân hất gọn chỗ rơm anh vừa nằm cho mất hết dấu vết.

Khôi đeo "balô" lên vai :

- Chúng mình chuồn đi thôi và dông cho lẹ.

Víệt rời dãy nhà chứa chạy vụt ra cổng. Thoát ra ngoài Việt đứng chờ Khôi trên con đường mòn. Sương đêm đã bắt đầu lan nhẹ trên đảo. Bầu trời thấp thoáng ánh sao và phía xa xa ánh đèn dầu được thắp lên trong các trại lân cận. Việt băn khoăn với ý nghĩ : đi đâu bây giờ ? Đã không hy vọng tìm thấy chiếc lều thì biết ngủ vào đâu đêm nay ? Không lẽ đã tránh trại này, để lại chạy sang trại khác xin ngủ nhờ, trong khi chưa biết người ở đó sẽ tiếp đãi mình ra sao !"

Khôi cũng đã ra tới nơi. Hắn chỉ nhảy có ba bước là tới chỗ Việt đứng, và lôi Việc chạy đi ngay :

- Họ đã về. Tất cả có chừng mươi người. Một nửa trở vào nhà, còn một nửa hình như đang đuổi theo tụi mình.

Giữa lúc ấy Việt nghe có nhiều tiếng bàn cãi sôi nổi vang lên. Không kịp suy nghĩ gì hơn, Khôi Việt dồn hết tốc lực để chạy trốn. Chiếc balô đeo sau lưng Việt vì chưa kịp nịt chặt cứ rình tuột khỏi vai. Việt vừa chạy vừa xốc quai túi nên thoáng thấy bóng người đuổi phía sau. Anh chỉ nhận được hắn mặc áo mưa có mũ che kín cả trên đầu.

Khôi chạy dẫn đầu đã tiến đến một hàng rào giây kẽm gai. Anh chạy dọc theo và gặp được mô đất cao liền phóng mình nhảy qua. Đây không phải là lần đầu Khôi Việt bị lùng đuổi. Trong nhiều dịp mạo hiểm trước đây, đôi bạn đã từng phải tẩu thoát trước cuộc săn đuổi của đối phương, nên cũng có ít nhiều kinh nghiệm.

Thấy Khôi nhảy qua bên kia hàng rào kẽm gai, Việt chạy thẳng và báo cho Khôi biết bằng tiếng hú. Khôi đoán được mưu kế của Việt cũng hú lên đáp lại để đánh lạc hướng người đuổi.

Quả nhiên cái "mẹo vặt" ấy rất có kết quả. Việt nghe tiếng chân chạy theo phía sau như có vẻ lưỡng lự. Rồi Víệt thấy Khôi tiếp tục phóng mình chạy. Lần này, Khôi là người bị đuổi theo, nhưng giữa người đuổi và người chạy trốn bị hàng rào giây kẽm cản trở.

Việt chọn một khoảng giây rào đã chùng, tìm cách chui qua. Nhưng khi Víệt vừa cúi xuống thì chiếc balô vuột qua đầu kéo Việt ngã chúi theo, một mấu kẽm gai móc vào túi quần "short", mấu nữa xé rách ống quần, mấu thứ ba vạch xước một vệt dài trên bắp đùi.

Vết xước cày trên đùi làm Việt đau điếng. Anh nghiến răng tìm cách gỡ người ra khỏi hàng rào, nhưng lui lại thì không được, vì chiếc balô vướng trên đầu đã làm nửa thân Việt mắc cứng ở bên kia rào. Việt đưa tay bám chặt đám cỏ cố trườn mạnh người sang. Chiếc quần Short của Việt rách toạc, mắc lại ở giây kẽm.

Còn đang lúng túng Việt đã thấy người mắc áo mưa chạy tới, giọng nói của hắn cất lên tự đằng xa.

- Thong thả, đồ ngốc ! Nhè nhẹ kẻo rách hết người ra chừ !

Việt không thể chần chừ hơn nữa. Nếu không thoát khỏi sợi kẽm gai chắc chắn anh sẽ bị hắn tóm cổ. Việt vùng mạnh, một chân chống được xuống đất và nhất quyết rứt đứt mọi vướng mắc. Chiếc quần xoạc rách thêm vướng lại một mảnh trên mấu kẽm.

Lúc Việt đang lồm cồm đứng lên, anh cũng nghe hơi thở hổn hển của hắn tới gần. Việt vừa toan vùng chạy nữa, thì "hắn" giận dữ nói :

- Răng mà cứ cắm cổ chạy thục mạng rứa !

Giọng nói trong trẻo làm Việt sửng người lại. Anh chợt nhận ra người đuổi theo mình là một cô gái!

Cô gái đứng thở trước mặt Việt. Nếu không có mớ tóc dài xõa sau vai, và giọng nói thanh bai trong trẻo thì chẳng ai nhận được cô ta là gái, vì chiếc quần bó ống và chiếc áo mưa khoác ngoài!

Việt ngoái nhìn lại phía sau. Khôi đã biến mất dạng. Anh chàng nếu biết đã chạy trốn trước một cô gái chắc sẽ hận lắm ! Cô gái tuy lớn tuổi hơn Khôi Việt nhưng dù sao, cả hai "đấng nam nhi" hoảng hốt bỏ chạy như thế cũng kỳ. Nhất là Việt, hiện đang đối diện với cô ta, mà nửa thân quần bị xé rách còn mắc cứng trên giây kẽm!

Bị bẽ mặt, Việt nổi cáu. Anh hạch hỏi cô gái sao lại đuổi theo anh làm gì ? Cô ta đáp :

- Tui chỉ muốn theo kịp các cậu, vì hai cậu chạy cùng một đường với tui.

- Thế sao chị không nói ?

- Nói chi được ! Không thấy tôi thở mệt muốn đứt hơi hay sao ?

Cô gái nhắm mắt lại, đưa tay lên ngực như muốn đè nén xúc động.

Việt biết các cô gái mỗi khi nhắm mắt là nước mắt sắp sửa trào ra. Các cô khóc có thể là vì buồn, vì giận, vì sợ, hay cũng có khi chỉ là đóng kịch. Trường hợp cô gái này là gì đây ?!

Cô gái không phải hạng người nhút nhát, cũng chẳng có vẻ đau buồn. Vậy một là cô ta đang tức giận, hai là đang mưu tính sự gì. Việt lui lại một bước dè dặt :

- Nếu chị là dân trên đảo, chị sợ gì ai mà phải chạy theo chúng tôi ?

Cô gái đáp:

- Rứa sao các cậu cũng cắm cổ chạy trối chết Và cuống lên đến nỗi đâm bổ vào dây kẽm gai làm rách mất cả quần !… cậu muốn biết tui sợ gì ư ? Ở đây cái chi cũng làm cho tui sợ hết...

Việt bối rối đứng yên. Không lẽ anh lại thú thật rằng chính cô gái đã làm anh hoảng sợ. Anh cũng không thể "bật mí" lý do anh và Khôi phải vội vàng rời khỏi trang trại vừa rồi. Phiền hơn nữa là nước mắt cô gái bắt đầu trào ra. Cô nức nở khóc và lấm lét nhìn quanh. Việt cảm thấy mình thật là lố bịch, đứng trơ trơ với chiếc quần rách, trước mặt một cô gái đang khóc mà không biết phải an ủi cô ta bằng cách nào.

Để cứu vãn tình thế, Việt đành hỏi tên tuổi cô ta. Cô gái cho biết tên là Lan và hơn Việt chừng ba hay bốn tuổi.

Việt hỏi cầu may :

- Chị có thấy ai nhặt được cái lều vải nào không ?

- Không ! Của các cậu à ?

- Phải, vì chúng tôi có đem theo cái lều để cắm trại, mà không biết bị ai lấy đâu mất.

Lan nhớn nhác nhìn quanh nói :

- Có lẽ họ lấy đó. Tui nghe một người trong bọn họ nói có nhặt được cả chiếc đèn bấm nữa.

Việt tái mặt :

- Tụi tôi có đánh rơi một cái đèn...

- Nếu vậy thì chính họ rồi...

Lan chợt im bặt, cuống cuồng bảo Việt :

- Cậu hãy cẩn thận ! Họ đang tới đó kìa. Chạy mau theo bạn cậu đi, và ẩn vào chỗ căn nhà bỏ hoang ở đằng kia. Tôi sẽ đến gặp các cậu sau nếu anh tôi...

Việt không kịp nghe tiếp câu cuối của Lan, cắm cổ chạy theo hướng Khôi vừa mất dạng. Anh nghe ở phía sau có tiếng người kêu réo tên Lan.

Xem tiếp chương 5 & 6