Theo Chân Thần Tượng - Chương 13 & 14 (hết)

Chương 13

Sau cuộc đấu này, Lâm được chú ý đặc biệt. Nó chấm dứt lối ghi tên dự khuyết ở các làng hẻo lánh, phần lớn là nhờ vào tài ăn nói hoạt bát của Đông. Do sự giới thiệu của nữ bá tước Minh Tuyết và cả sự bảo đảm của Đỗ Tân, tay đấu lừng danh khắp nước, Lâm được vị giám đốc Bắc Linh mời đến ký một giao kèo. Ông này vốn là giám đốc cũ của Đỗ Tân, rất khó tính trong khi chọn đấu thủ .

Ngày hôm qua, lần thứ nhất trong đời, Lâm ăn mừng sinh nhật . Cậu ta vừa 18 tuổi tròn. Bạn bè tham dự đông đủ và chúc may cho cậu. Dĩ nhiên, mừng nhất là Đông Bá Tước, Phong và Mỹ Tâm.

Chiều hôm nay, trận đấu chính thức của Lâm tại đấu trường A-rắc-na.

Bắc Linh sắm cho mầm non của ông bộ đồ đấu xanh đậm, cái khăn hồng mới tinh khôi và hai lưỡi kiếm trong bao da.

Cũng là lần thứ nhất trong đời, cậu bé can đảm - từ nay mang tên mới là El Lobo (có nghĩa là con sói) được ở khách sạn đàng hoàng. El Lobo hồi hộp quá, không chợp

mắt, thần kinh căng thẳng, trưa cũng không ăn được, dù thức ăn ngon, cậu chỉ ăn một cái bít quy và chùm nho. Theo lời Lâm yêu cầu, ông giám đốc thuê xe chở Đông Bá Tước, Phong cùng đến A-rắc-na. Hai bạn ngủ một phòng cạnh phòng Lâm. Trên cái bàn ngủ thấp, Phong bầy mấy tượng ảnh của Mỹ Tâm đưa: một thánh giá nhỏ và tượng Đức Bà Ma-cách-na. Sau Chúa Cứu Thế, Đức Bà được dân Ân Đô tôn kính hơn tất cả. Và các tay đấu bò ở Tây Ban Nha đều tự đặt mình dưới sự bảo trợ của Đức Bà.

Phong đi khỏi phòng một lát và trở về cùng với một cây đèn dầu. Nó sẽ đốt đèn trước các tượng này từ khi Lâm của nó đi cho đến lúc trở về. Căn phòng khách sạn mặc nhiên biến thành ngôi nhà nguyện nhỏ.

Trong lúc đó, Lâm ngồi lên, nằm xuống nhiều lần. Cậu biết mình phải chịu đựng sự lo lắng ngạt thở này. Làm sao không lo ? đây không phải là lần đầu cậu đối diện với bò mà vì lần đầu cậu được mặc sắc phục chính thức, được coi là đồng nghiệp của các tay đấu đàn anh. Tên tuổi và hình ảnh được in vào các bìa báo và tạp chí, cuộc đấu được báo trước và có quảng cáo một cách đàng hoàng. Thậm chí, nơi ăn, chốn ở của mình và các bạn cũng có người lo chu đáo, tử tế. Cậu đặt chân vào khách sạn có tiếng: nơi mà trước kia, cậu phải lập kế mới có thể đặt chân vào !

Lâm muốn cho thời gian chậm lại mà cũng muốn qua mau. Buổi sáng, Phong đi dự cuộc rút thăm bò đã báo cho bạn biết bò của cậu ra sao. Hình dạng, sừng, mắt, v.v… của con thú thuộc phần Lâm được Phong tả lại rành rẽ. Lâm rất vững tâm, nhưng không sao khỏi hồi hộp trong lúc này.

Cho đến khi gần tới giờ, tay đấu ngáp dài, mỏi mệt làm Đông Bá Tước phải gắt :

- Ước gì tao đứng được, tao sẽ đứng thế cho mày, Lâm ạ !

Vài ký giả, hai nhiếp ảnh viên đến xem Lâm chuẩn bị ra sân. Bắc Linh hết sức nhã nhặn với những người này. Họ rất cần cho việc quảng cáo của ông. Họ được phép chụp hình Lâm trong lúc Đông Bá Tước thay mặt bạn trả lời dăm ba câu hỏi. Với những chi tiết của Đông cung cấp, họ sẽ viết một bài dài về " Mầm non đang lên" về "tay đấu can đảm nhất vừa được khám phá vào mùa xuân năm nay".

Có hai đứa trẻ lẻn được bọn gác cửa rón rén vào phòng Lâm, chúng xin vé để đi xem đấu. Lâm bối rối không tìm được câu trả lời thích đáng. May thay ? Đông Bá Tước - bao giờ cũng là Đông Bá Tước - đã nhanh nhảu thay lời bạn :

- Rất tiếc, anh sẵn sàng biếu các em, nhưng hôm nay các em đến chậm quá, các em nhỏ ở Cốc Đô ái mộ bạn anh đã chờ từ sáng sớm, nên anh phát cho chúng hết rồi. Các em đừng buồn nhé ? Lần sau...

Nét mặt Đông tỉnh như không, còn Lâm tuy là nhờ bạn, cậu đỡ ê mặt với lũ trẻ con, nhưng cậu rất tức tối vì đã không làm vừa lòng kẻ hâm mộ mình. Chúng há không đáng thương sao ? Lâm thì thầm vào tai bạn : Đáng lẽ người ta phải biết rằng mình có quyền có một số vé để tặng những kẻ . . .

Đông ngắt lời bạn :

- Không việc gì phải nóng nảy, còn khối dịp mà. Đây chỉ là một sự sơ suất, đừng quan trọng hóa nó ra, Lâm !

Hai đứa trẻ không bị buộc phải rút lui mà được Đông cho đứng lại, trong một góc, để nhìn tay đấu mặc y phục. Được thấy tay đấu mặc y phục trước khi ra sân, đó cũng

là một thích thú rồi.

Trước tiên, Lâm mang đôi vớ màu hồng bằng len bó sát chân, rồi đến cái quần chật cứng.

- Coi chừng rách mất ! Phong !

Lâm phải nhờ bạn giúp cho khi mặc cái quần : Phong đứng trên ghế, khom người lại hai tay nắm ngang thắt lưng cậu kẻo lên từ từ, chỉ sợ nó toạc mất đường chỉ thì phiền ra.

- Chà ! Cái quần bó sát gớm !

- Mày có thấy khó chịu không ?

Lâm hơi co rồi duỗi chân ra để thử, đoạn đáp :

- Được ! Không sao… Giờ tới áo...

Cái áo sơ mi trắng tinh may bằng thứ hàng mịn nhẹ hàng. Lần thứ nhất Lâm được mặc thứ hàng đẹp như vậy, lại có những đường viền tai bèo trước ngực nữa chứ. Phong nói như ra lệnh - thật hiếm khi mà nó có dịp ra lệnh cho Lâm :

- Bây giờ nghe đây ! Mày đứng thật thẳng và từ từ quay tròn để tao quấn thắt lưng cho.

- Xin vâng !

Lâm vui vẻ đáp và làm theo lời bạn. Phong trịnh trọng kẻo chiếc thắt lưng thật thẳng, quấn quanh bụng Lâm, giữ không cho có một nếp nhăn nào. Chiếc thắt lưng bằng một thứ lụa mỏng, đỏ thẫm làm nổi bật màu trắng của áo lên. Kế đến là thắt cà vạt, một cái cà vạt dài và hẹp mà lần đầu tiên đôi bạn trẻ được sờ đến, cuối cùng là áo khoác ngoài, có dát kim tuyến lóng lánh. Phong kẻo cầu vai thật ngay ngắn làm ta có cảm tưởng vai Lâm rộng thêm ra.

Đoạn, Phong lùi lại, ngắm nghía bạn và cả hai cùng xúc động không thốt nên lời. Trong giây lát, đôi bạn trẻ như sống trong mơ : vì cái điều họ ao ước đã trở thành sự thật ! Tụi nhỏ há miệng nhìn sững Lâm, không chớp mắt. Cho đến khi Lâm chậm rãi lại cạnh bàn có đặt tượng ảnh, cúi xuống, chúng mới như chợt tỉnh, chuồn êm, không gây một tiếng động khẽ nào.

Tay ôm áo choàng, tim đập loạn xạ trong lồng ngực, Phong cố nén để khỏi ứa nước mắt ra. Lâm ấn cái mũ đen xuống sâu tận chân mày.

Đúng lúc đó, tên bồi lễ phép bước vào báo tin là ông giám đốc đang chờ quí vị dưới phòng khách. Đôi bạn đi song song cạnh nhau, trong lúc Đông Bá Tước được nhân

viên khách sạn giúp đưa vào cầu thang máy.

- Đôi chân chai sạn, cháy bỏng của mình giờ được nghỉ ngơi hơi... kỹ ? Thấy không, Lâm ?

Lâm mỉm cười tán đồng lời bạn trong lúc một chiếc xe hơi to kềnh, màu đen óng thắng lại, kêu lên một tiếng "két" trong sân.

Người gác cửa chào bộ ba và không quên chúc may cho họ. Bộ ba chào trả và cười rất tươi, thốt lên hai tiếng "tạm biệt" trước khi lên xe với ông giám đốc đang chờ sẵn. (Có người khác, người lạ, không phải bạn thân, chúc may cho mình và để mình chào tạm biệt. quả là một điều mới lạ, thích thú, đối với bộ ba).

Khi diễn hành, Lâm đi giữa, hai bên là hai tay đấu cùng biểu diễn với Lâm hôm nay. Cách họ một quãng là những tay đấu phụ và sau chót, đoàn hề đội mũ, vẽ mặt, áo quần sặc sỡ vừa đi vừa nhào lộn, múa may để... giúp vui . Tiếng nhạc nổi lên nhịp theo bước chân đoàn người diễn hành quanh sân đấu lấp lánh cát trắng dưới nắng chói. Cảnh tượng này làm Lâm chạnh nhớ những ngày cam khổ đã qua và bất giác cậu liếc mắt lên khán đài tìm mặt bạn. Đông Bá Tước với khuôn mặt thanh tú - đầu óc của Lâm - và Phong hiền lành, hy sinh tất cả cho bạn đang cùng có mặt, họ ngồi cạnh nữ bá tước Minh Tuyết, chỗ mà ngày trước chúng chỉ đứng xa xa nhìn tới ! Cả hai cùng nhìn Lâm và tâm trạng như bạn vậy.

Lâm ! Mày thực sự vào nghề rồi đó ! Giây phút chờ đợi trong nhiều ngày đã đến ! Đừng làm tụi tao thất vọng, vì chúng ta tuy ba mà một, nhớ không ? Lâm có cảm tưởng hai bạn nói với mình như thế. Lâm se sẽ gật đầu với hai bạn trước khi qua khỏi tầm mắt họ. Chàng trẻ tuổi thấy mình can đảm hơn bao giờ, hăng hái và tin tưởng hơn bao giờ. Vì chàng không đấu cho em mình mình mà đấu cho cả các bạn thân, những kẻ đã cùng

mình nếm trải vị ngọt bùi, cay đắng suốt cuộc hành trình gây sự nghiệp. Chàng cũng toại nguyện đã không phụ lòng tin cẩn của Đỗ Tân, tay đấu lừng danh khắp nước và không phụ lòng người đã tiến cử mình : Nữ bá tước Minh Tuyết.

Lâm vụt thấy mình được trang bị đầy đủ để mà chiến thắng, kế từ đây.

Chương 14 (Đoạn kết)

Năm tháng trôi qua. Những dự tính to tát ngày xưa của lũ trẻ giờ đây đã thực hiện được một cách dễ dàng. Cậu bé nghèo nàn, suốt ngày đi chân đất trở thành một tài danh tên tuổi vang tận nước ngoài. Mỗi năm, Lâm ký trên 60 hợp đồng. Ở đấu trường nào có ghi tên El Lobo trong quảng cáo là đấu trường đó chật như nêm dù giá vé tăng gấp bội. Ở Tây ban Nha, ở Pháp, ở Mẽ Tây Cơ...

Lâm cất ba biệt thự xinh xắn tại quê nhà : một cho mẹ và chị Mỵ Lan với các em mình, một cho mẹ Phong mà trong đó Mỹ Tâm cũng được coi như ruột thịt và một nữa, cho mẹ của Đông.

Không bao giờ Lâm đi đâu một mình, bộ ba dính liền nhau như người với bóng. Vì El Lobo, con sói của vùng Cốc Đô thật ra là cả ba nhập làm một.

Đông Bá Tước giờ đây vẫn chưa đi được như một người bình thường, nhưng đã có thể di chuyển một quãng ngắn đến các hàng ghế thân hữu ở khán đài danh dự bằng đôi nạng. Người bạn tàn tật, thông minh xuất chúng này đóng nhiều vai quan trọng : giao thiệp với ban tổ chức, thảo những câu in trên bích chương, trả lời khi báo chí phỏng vấn, viết thư cho khán giả hâm mộ... Tóm lại anh kiêm nhiệm nhiều chức vụ : là cố vấn, là đại diện, là

quản lý cho El Lobo. Giao kèo cũng chính tay Đông ký kết. Chỉ khi nào Đông Bá Tước gật đầu thì El Lobo mới gật sau.

Phong luôn luôn có mặt cạnh Lâm, như cái bóng, anh là thần hộ mệnh, là người tiếp sức, là nguồn năng lực của Lâm, khi Lâm gặp hiểm nghèo, khi mà các tay đấu phụ sơ suất hay gặp nhằm con bò quá hung tợn, hoặc nổi điên bất tử, không kịp trở tay. (Ngay cả khi Lâm cần đến ghim mà tay đấu phụ không kịp đưa, Lâm bị rơi kiếm mà tay đấu phụ không giúp được, lúc đó bên cạnh Lâm đã có Phong).

Vả chăng, đâu phải luôn luôn Lâm khắc phục được bò một cách dễ dàng ? Đâu phải lúc nào cũng thành công như thò tay vào túi ? Trên sân đấu, đôi khi Lâm bị khán giả la ó, bị bò hất tung lên cao, bầm mặt, sái tay; khi thì bị nó cày lủng vai, rách vế. Lại lắm lúc không chỉ chịu thảm nhục giữa sân mà áo quần tả tơi như những tấm giẻ lau bê bết máu, mặt mày sây sát, mồ hôi hòa lẫn trong giọt lệ thầm lặng, bẽ bàng. Những lúc ấy, cái thân

hình như giẻ lau, khuôn mặt bê bết chan hòa máu lệ của Lâm đã tựa vào Phong để khỏi ngã quỵ giữa muôn ngàn con mắt khinh chê, và chỉ có Phong, người bạn trung thành này mới đủ can đảm mà dìu bạn lui vào bóng tối, không cần phản ứng lại sự bội bạc của đám

đông tàn nhẫn, bất công.

Song nhiều hơn những giờ thảm bại, là những lúc họ say men chiến thắng, những lúc mà Lâm cầm tấm khăn đỏ xoay quanh con thú như người và vật đang khiêu vũ với nhau, những khi Lâm như bay bổng lên cao để tránh cái sừng nhọn hoắt, những lúc Lâm lừa được cho con thú mệt nhoài, chế phục nó và cắm chính xác lên vai nó những cái ghim một cách nghệ thuật, tài tình, những lúc Lâm phóng kiếm hạ con vật trong tiếng còi báo hiệu vang lên dồn dập...

(Riêng Đông, anh vẫn nhắc đến cái lần con bò lực lưỡng, tinh quái ở Mân Đích dồn Lâm vào sát rào gỗ và trong lúc khán giả cũng như hai bạn thân nghẹn thở thì kỳ diệu làm sao : Lâm nằm xoài xuống cát làm cho con vật - nó nặng gần 500 ký - hăm hở đóng chặt cái sừng phải của nó vào thanh gỗ, ngập sâu cả tấc, nom như người ta ghim mũi ngòi viết trong củ khoai tây. Rồi trong lúc nó điên cuồng vì tháo không ra thì kẻ thù nó

đã thoát khỏi và thoáng chốc lại đã phất phơ trước mắt nó cái khăn đỏ chói).

Cả ba tựa vào nhau sống, hưởng quang vinh, chia thảm bại, thống khổ hay sung sướng đều có mặt nhau.

Từ khi có tiền, Lâm rộng rãi đem ra giúp cho các bạn nghèo, xoa dịu bớt khốn khổ cho xóm cũ. Lâm vẫn là đứa con hiếu thảo, đứa em ngoan, Lâm là bạn tốt của xóm thôn cũ khô cằn, thân mến. Vì vậy, Lâm không giàu có mấy về mặt tiền bạc, song anh không lấy đó làm điều. Bộ ba luôn luôn tương đắc và cảm thấy mình giàu có hơn những ông hoàng, vì họ có nhau, có một tình bạn đặc biệt mà họ cho là hơn cả mọi ân sủng trên đời.

Không như những ngôi sao sáng khác với cái thông lệ xấu : hễ càng nổi tiếng, càng lên tột đỉnh vinh quang thì càng thấy cô đơn, càng sống bừa bãi, trác táng, xa hoa, phung phí. Anh cũng không kiêu ngạo giống họ. Anh luôn luôn nhã nhặn với mọi người, sống dung dị cùng hai bạn chí thân. Phải chăng đó là nhờ có Đông và Phong Những khi rỗi rãi, ba người tụm lại nhắc chuyện ngày xưa : ngày xưa với đôi giày làm phồng chân con sói vùng Cốc Đô khi nó chưa có cơ hội chường mặt ra sân đấu, ngày xưa với bầy thỏ nằm ngủ cạnh Phong, đứa trẻ yêu bạn hơn cả chính thân mình; ngày xưa với thầy ký ngồi

trong cái xe bằng thùng gỗ, bánh xe là bánh xe đạp phế thải không có lốp xe, viết thuê thư tình cho thiên hạ kiếm tiền; và ngày xưa của đứa em gái tóc khô quắt như râu ngô già, dừng lại hái hoa bên vệ đường dâng cho Đức Mẹ (bây giờ trở thành cô gái kiều diễm như bất cứ một tiểu thư nào).

Và còn, còn nữa : ngày xưa có thằng bé thập thò ngoài cửa khách sạn, bị nhân viên xua đuổi như xua ruồi, muốn vào đó phải lập mưu, tính kế... Ngày xưa, có thằng bé ngóng từng giờ chờ để được chiêm ngưỡng dung mạo của một tay đấu bò chọi tiếng tăm, có bốn đứa trẻ nghèo xác xơ, một sớm mai đưa nhau đi tìm kế sinh nhai và lập nghiệp với số tiền còm trong túi và cỗ xe đáng để vào viện bảo tàng...

Rồi cả ba nâng cốc lên, những cốc bia sủi bọt vàng óng như mật ong vừa vắt ra khỏi tổ, và trước khi cạn cốc họ cất tiếng ca ngợi tình bạn của mình bằng những câu rất cổ điển, rất phường tuồng :

- Vạn tuế tình bằng hữu của chúng ta !

Hay :

- Tình bằng hữu muôn năm !

Rồi một lần kia, theo lời đề nghị của Đông, họ đổi lại cho văn vẻ :

- Mừng cho tình bạn của chúng ta

Họ lại cười vang, những tiếng cười yêu đời, ròn rã. Nhưng đôi khi, người đa cảm nhất là Phong lại rơm rớm lệ làm Lâm phải gắt yêu: 

- Rõ dơ, đang vui mà lại khóc... kỳ không ?...

        24/8/1971

Minh Quân - Mỹ Lan